LỜI CHÚA NGÀY MAI - BÀI ĐỌC & TIN MỪNG & SUY NIỆM NGÀY MAI

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

LỜI CHÚA NGÀY MAI - BÀI ĐỌC & TIN MỪNG & SUY NIỆM NGÀY MAI

LỜI CHÚA NGÀY MAI - BÀI ĐỌC & TIN MỪNG & SUY NIỆM NGÀY MAI

Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ được bắt đầu bằng việc đón nghe và sống Lời Chúa dạy. Nhờ đọc và sống Lời Chúa, chúng ta mới mong gặp gỡ được Chúa, kết hợp với Chúa và giúp chúng ta tăng trưởng đời sống nội tâm, đời sống thiêng liêng.

Nhờ đọc và suy gẫm Lời Chúa, mà tâm hồn chúng ta được biến đổi và canh tân đời sống mới nơi chúng ta. Nhờ đọc và sống Lời Chúa hằng ngày, đời sống của chúng ta mới phát sinh những hoa trái thánh thiện, bác ái, phục vụ trong yêu thương và lòng nhiệt thành truyền giáo.

Thật thế, khi gieo Lời Chúa vào mảnh đất tâm hồn chúng ta, Chúa muốn hạt giống của Ngài sinh nhiều hoa trái. Chính tinh thần của Tin Mừng làm phát triển đời sống của người Kitô hữu và đời sống của Hội Thánh.

 

Hãy cùng đọc và suy niệm lời Chúa qua các bài đọc, tin mừng ngày mai!

 

LỜI CHÚA (BÀI ĐỌC & TIN MỪNG) NGÀY MAI

 

Bài Ðọc I: Cv 22, 30; 23, 6-11

“Con phải làm chứng về Ta tại Rôma”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, toà án muốn biết đích xác người Do-thái tố cáo Phaolô về tội gì, nên cởi trói cho ngài, và truyền lệnh cho các thượng tế và toàn thể công nghị họp lại, rồi dẫn Phaolô đến đứng trước mặt họ. Phaolô biết có một số người thuộc phe Sađốc, và một số khác thuộc phe biệt phái, nên kêu lớn tiếng giữa công nghị rằng: “Thưa anh em, tôi là biệt phái, con của người biệt phái, tôi bị xét xử vì niềm hy vọng và vì sự sống lại của những người đã chết”. Ngài vừa nói thế, thì xảy ra sự bất đồng ý kiến giữa các người biệt phái và Sađốc, và hội đồng đâm ra chia rẽ. Vì các người Sađốc cho rằng không có sự sống lại, không có thiên thần và thần linh; còn các người biệt phái thì tin tất cả điều đó. Tiếng la lối inh ỏi, và có mấy người biệt phái đứng lên bênh vực rằng: “Chúng tôi không thấy người này có tội gì; và nếu thần linh hay thiên thần nói với người này thì sao?” Cuộc tranh luận đã đến hồi gây cấn, viên quản cơ sợ Phaolô bị phân thây, nên sai lính xuống kéo ngài ra khỏi họ và dẫn về đồn.

Ðêm sau, Chúa hiện đến cùng ngài và phán: “Hãy can đảm lên! Con đã làm chứng về Ta tại Giêrusalem thế nào, thì cũng phải làm chứng về Ta tại Rôma như vậy”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11

Ðáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa

Hoặc đọc: Alleluia.

1.  Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: Ngài là chúa tể con; Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con.

2. Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng.

3. Bởi thế, lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy điều hư nát.

4. Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa, tới muôn muôn đời!

Alleluia: Ga 14, 18

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng”. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Chúa nói: “Lạy Cha, xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong con và Con ở trong Cha, để thế gian tin rằng Cha đã sai con”. Alleluia

Phúc Âm: Ga 17, 20-26

“Xin cho chúng nên một”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con. Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa”.

Ðó là lời Chúa.

 


SUY NIỆM LỜI CHÚA NGÀY MAI

 

16/05/2024

Thứ năm tuần 7 ps
Ga 17,20-26

Chúa Giê-su cầu nguyện

“Lạy Cha, con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con.” (Ga 17,20)

Suy niệm: Trong bầu khí đầy xúc động của bữa Tiệc Ly, khi sắp sửa tự hiến mình làm hy tế, Chúa Giê-su dâng lời cầu nguyện tha thiết cùng Chúa Cha (x. Ga 17). Nhắm mục đích cao nhất là tôn vinh Chúa Cha, lời cầu nguyện của Chúa Giê-su không chỉ giới hạn nơi các môn đệ mà còn mang tính phổ quát, mở rộng tối đa đến mọi người “để tất cả nên một,” “như Cha ở trong con và con ở trong Cha.” Để làm được điều này, điều kiện thiết yếu là phải có lòng tin vào Chúa Giê-su, qua lời rao giảng của các tông đồ “mà tin vào Người Con.” Đức tin tông truyền là nền tảng trên đó toà nhà Giáo Hội được xây dựng. Đó là đặc tính của Giáo Hội Duy Nhất ta tuyên xưng qua kinh Tin Kính.

Mời Bạn: Chia rẽ là bóng ma luôn ám ảnh, rình rập và chờ cơ hội lung lạc đời sống cộng đoàn Ki-tô hữu. Khi chia rẽ, các bên liên quan đều cho rằng mình đúng, mình đang thuộc Hội Thánh, mình đang có Thánh Thần. Thế nhưng, Thần Khí Thiên Chúa là nguyên lý hợp nhất chứ không phải chia rẽ. Vì vậy, hành động nào mang tính chia rẽ không thể được coi là hành động của Thánh Thần. Và đảo lại, suy nghĩ, nhận định và hoạt động dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần là bảo đảm cho tính duy nhất của Giáo Hội.

Sống Lời Chúa: Hằng ngày đọc kinh Chúa Thánh Thần: “an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành” để xin cho Giáo hội được ơn hiệp nhất.

Cầu nguyện: “Lạy Cha, xin hãy cho mọi người hợp nhất nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, hầu cho thế gian tin rằng Cha đã sai con.”

 


LẼ SỐNG TRONG LỜI CHÚA NGÀY MAI

 

16/05/2024

16 Tháng Năm

    Cái Hôn

    

    Hãng thông tấn AFP của Pháp trong bản tin ngày 23/01/1991 đã ghi một mẩu chuyện lạ như sau:

    Một phụ nữ Brazil đã lợi dụng cái hôn để cắn và nuốt mất khúc lưỡi của người yêu. Bà cho biết: làm như thế là để trả thù người đàn ông vì đã đánh đập, hành hạ bà.

    Cảnh sát tại thành phố Salvador de Bahia, mạn đông bắc Brazil cho biết như sau: Lucia bị người yêu là ông Djalm dos Santos, 47 tuổi, đã đánh đập, hành hạ thậm tệ. Nàng kiên nhẫn chờ đợi cơ hội. Hôm 22/01/1991, ông Djalm đến thăm Lucia để xin lỗi. Cô ta liền nhảy xổ vào người yêu, ôm hôn ông một cách rất tình tứ, không cho ông có thì giờ để giải thích.

    Hai người đang hôn nhau, thì đột nhiên, Lucia cắn đứt một phần lưỡi của Djalim và nuốt luôn vào bụng để người ta không thể vá lại khúc lưỡi đã bị mất.

    Người đàn ông được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nhưng theo các bác sĩ điều trị, ông ta sẽ không bao giờ có thể nói lại một cách bình thường được, vì đã mất một khúc lưỡi.

    Ông Djalm than thở như sau: "Ðây là nụ hôn thê thảm nhất trong đời tôi. Ðó thật là nụ hôn của Giuda".

    Cái hôn có nhiều hình thức và ý nghĩa khác nhau.

    Có cái hôn của các nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị để nói lên tình hữu nghị, sự hòa giải. Có cái hôn bình an của các tín đồ của một tôn giáo. Có cái hôn dạt dào thương mến giữa cha mẹ và con cái. Có cái hôn nồng cháy dục tình giữa đôi tình nhân hay vợ chồng.

    Tựu trung, trong cái hôn nào cũng có hai yếu tố: yếu tố hữu hình là sự tiếp giáp giữa hai thân xác qua môi miệng và yếu tố vô hình mà cái hôn muốn diễn tả như tình liên đới, hữu nghị, sự hòa giải, tình mẫu tử, tình yêu lứa đôi. Cái hôn sẽ trở thành đồng nghĩa với sự phản bội khi nó tước đoạt khỏi yếu tố vô hình trên đây. Ðó là trường hợp cái hôn của người đàn bà Brazil trên đây.

    Nhưng điển hình nhất của cái hôn phản bội vẫn là cái hôn Giuda dành cho Chúa Giêsu. Ðiều bỉ ổi nhất trong cái hôn của Giuda chính là dùng một cử chỉ của tình thân như một dấu hiệu của sự bán nộp.

    Cái hôn của Giuda được lập lại khi người ta dùng những chiêu bài cao đẹp để che đậy những ý đồ đen tối. Cái hôn của Giuda được lập lại khi người ta nhân danh nhân nghĩa, nhân danh phục vụ, nhân danh người nghèo để kiếm quyền bính, tư lợi cho mình.

    Ðối với người tín hữu Kitô, thì cái hôn của Giuda chính là thái độ sống giả hình mà Chúa Giêsu không ngừng kết án trong Phúc Âm. Ðó là điều mà tiên tri Isaia đã cảnh cáo khi ông nói: "Dân này thờ Ta ngoài môi miệng, mà lòng trí chúng thì xa Ta". Nếu cái hôn của Giuda là một cử chỉ thân tình ngoài môi miệng, nhưng lòng trí thì lại chất chứa âm mưu thâm độc, thì thái độ sống giả hình của người tín hữu cũng là một cái hôn như thế.

    Khi môi miệng sốt sắng cầu kinh, nhưng cuộc sống lại đầy những hành động gian ác ích kỷ, phải chăng đó không là chiếc hôn của Giuda mà chúng ta dành cho Chúa.

    

    Trích sách Lẽ Sống

 


HẠNH CÁC THÁNH NGÀY MAI