Lời Chúa Ngày 04/04/2024- Bài Đọc & Tin Mừng & Suy Niệm Lời Chúa

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

Lời Chúa Ngày 04/04/2024

Lịch công giáo ngày 04-04-2024

Thứ Năm trong tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh

Lễ thường - Mùa Phục Sinh

Các bài đọc và tin mừng hôm nay

Cv 3:11-26; Tv 8:2,5,6-7,8-9; Lc 24:35-48

Áo Lễ Linh Mục: Trắng

 

Nhờ đọc và suy gẫm Lời Chúa, mà tâm hồn chúng ta được biến đổi và canh tân đời sống mới nơi chúng ta. Nhờ đọc và sống Lời Chúa hằng ngày, đời sống của chúng ta mới phát sinh những hoa trái thánh thiện, bác ái, phục vụ trong yêu thương và lòng nhiệt thành truyền giáo.

Hãy cùng đọc và suy niệm lời Chúa qua các bài đọc, tin mừng mỗi ngày!

 

LỜI CHÚA (BÀI ĐỌC & TIN MỪNG) - NGÀY 04/04/2024

 

Bài Ðọc I: Cv 3, 11-26

“Ðấng ban sự sống thì anh em đã giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, khi người què được chữa lành cứ theo sát Phêrô và Gioan, toàn dân bỡ ngỡ chạy đến hai ngài đang ở hành lang gọi là hành lang Salômôn. Thấy vậy Phêrô liền nói với dân chúng rằng: “Hỡi các người Israel, tại sao anh em ngạc nhiên về việc đó và nhìn chúng tôi như là chúng tôi dùng quyền năng hay lòng đạo đức riêng mà làm cho người này đi được? Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, Thiên Chúa Giacóp, Thiên Chúa các tổ phụ chúng ta, đã làm vinh danh Chúa Giêsu, Con của Ngài, Ðấng mà anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt Philatô trong khi Philatô xét là phải tha cho Người. Anh em đã chối bỏ Ðấng Thánh, Ðấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Ðấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng. Và bởi đã tin vào danh Người, nên danh Người đã làm cho kẻ mà anh em thấy và biết đây, được vững mạnh, và lòng tin vào Người chữa anh này hoàn toàn lành mạnh trước mặt hết thảy anh em.

“Hỡi anh em, thế nhưng tôi biết rằng anh em đã hành động vì không biết, như các thủ lãnh anh em đã làm. Thiên Chúa đã hoàn tất việc Ngài dùng miệng các tiên tri mà báo trước rằng Ðức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xoá bỏ, như thế để Thiên Chúa ban cho anh em thời kỳ thư thái, và sai Ðức Giêsu Kitô, Ðấng mà Chúa đã phán hứa cùng anh em trước, Ðấng phải về trời cho đến thời kỳ phục hồi vạn vật, như Chúa đã dùng miệng các thánh tiên tri Ngài mà phán từ ngàn xưa. Môsê đã nói rằng:

“Vì Chúa là Thiên Chúa các ngươi sẽ cho xuất hiện giữa anh em các ngươi một tiên tri như ta, các ngươi hãy nghe tất cả những điều Ngài sẽ nói với các ngươi. Vậy, tất cả những ai không chịu nghe theo vị tiên tri đó, thì sẽ bị khai trừ khỏi dân chúng.

“Và tất cả các tiên tri, từ Samuel và các vị kế tiếp, đều đã nói và tiên báo về ngày này. Anh em là con cháu các tiên tri và con cháu của giao ước mà Chúa đã thiết lập với các tổ phụ chúng ta, khi Người phán cùng Abraham rằng: “Chính nơi dòng dõi ngươi, mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc”. Chính vì anh em trước tiên mà Thiên Chúa đã cho Con của Ngài xuất hiện và sai đi chúc phúc cho anh em, để mỗi người từ bỏ tội ác”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 8, 2a và 5. 6-7. 8-9

Ðáp: Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu

Hoặc đọc: Alleluia.

1. Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu! Nhân loại là chi mà Chúa để ý chăm nom?

2. Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang, Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người.

3. Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 24, 35-48

“Ðấng Kitô phải chịu thương khó như vậy, rồi mới được tôn vinh”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào. Mọi người còn đứng bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Này Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: “Ðúng như lời Thầy đã nói với các con khi Thầy còn ở với các con, là: cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

Người lại nói: “Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.

Ðó là lời Chúa.

 


SUY NIỆM LỜI CHÚA NGÀY 04/04/2024

 

04/04/2024

THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN BÁT NHẬT PS
Lc 24,35-48

LÀ CHỨNG NHÂN CẦN XÁC TÍN

“Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.” (Lc 24,46-48)

Suy niệm: Đức Giê-su đã ba lần báo trước Ngài sẽ chịu chết rồi sống lại. Các chứng cứ rõ ràng minh chứng điều đó: sự kiện ngôi mộ trống, bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na kể lại mình đã thấy Chúa, và cũng buổi tối hôm ấy, hai môn đệ Em-mau cùng với “Nhóm Mười Một và các bạn hữu” kể lại cho nhau mình đã gặp Chúa như thế nào. Thế nhưng họ vẫn không khỏi sửng sốt đến “kinh hồn bạt vía” khi chính Chúa đột nhiên hiện đến đứng giữa các ông. Chỉ khi họ “rờ xem”, đụng chạm đến tay chân Chúa bằng xương bằng thịt, được đồng bàn với Chúa, họ mới được xua tan mọi bóng tối nghi hoặc và xác tín sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa Phục sinh

Mời Bạn: Mỗi lần bạn tham dự thánh lễ, và bạn rước lễ là mỗi lần bạn đồng bàn với Chúa, bạn được đụng chạm đến Thánh Thể Chúa; mỗi lần làm điều đó, bạn đang “loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng Người sống lại.” Được tiếp xúc với Chúa Giê-su Phục Sinh bạn thêm xác tín để tiếp tục làm chứng nhân cho Ngài.

Sống Lời Chúa: Bạn xác quyết niềm tin Chúa Ki-tô Phục sinh và chứng tỏ niềm tin ấy qua việc bạn sống chứng nhân cho Ngài trong đời sống khiêm tốn và dấn thân phục vụ tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chết và sống lại để trao ban tình yêu cho chúng con. Xin cho chúng con thêm xác tín để không ngừng làm chứng Chúa đã phục sinh qua chính cuộc sống thường ngày của chúng con. Amen.

 


LẼ SỐNG TRONG LỜI CHÚA NGÀY 04/04/2024

 

04/04/2024

04 Tháng Tư

    Ðánh Nhau Bằng Gậy Gộc

    Họa sĩ Goya, người Tây Ban Nha vào đầu thế kỉ 19, đã để lại một loạt những bức tranh mô tả thân phận con người thật ý nghĩa. Một trong họa phẩm mà ông đã thực hiện trong thời nội chiến của người Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 18 mang tựa đề: "Ðánh nhau bằng gậy gộc".

    Trong bức tranh, Goya vẽ hai người nông dân xô xát nhau. Mỗi người cầm trong tay một chiếc dùi cui sần sùi. Một người đang giơ chiếc dùi cui để bảo vệ mặt mình. Nền trời không để lộ một nét nổi bật nào. Người ta không đoán được trời sắp giông bão hay sắp sáng rỡ.

    Thoạt nhìn qua cũng nghĩ đây chỉ là một bức tranh tầm thường như những bức tranh khác. Thế nhưng có một chi tiết nói lên tất cả ý nghĩa của bức tranh: đó là hai người nông dân đang hầm hầm sát khí để loại trừ nhau này lại mắc cạn trong cồn cát. Từng cơn gió thổi, cát bụi đang kéo tới phủ lấp hai người đến quá đầu gối.

    Goya muốn cho chúng ta thấy rằng cả hai người nông dân này sắp chết. Họ sẽ không chết vì những cú dùi cui giáng trên nhau cho bằng chính cát bụi đang từ từ chôn vùi họ.Thế nhưng thay vì giúp nhau để ra khỏi cái chết, họ lại cư xử chẳng khác nào thú dữ: họ cắn xé nhau. Họa phẩm "Ðánh nhau bằng gậy gộc" trên đây của danh họa Goya nói lên phần nào tình cảnh mà nhân loại chúng ta đang trải qua.Thay vì giúp nhau để ra khỏi không biết bao nhiêu tai họa, con người lại giành giật chém giết lẫn nhau.

    Bức tranh ấy có lẽ không chỉ diễn ra ở quy mô thế giới, một nơi nào đó ngoài cuộc sống của chúng ta, mà không chừng đang diễn ra hằng ngày trong các mối tương quan của chúng ta với những người xung quanh. Cơn cám dỗ muốn thanh toán và loại trừ người khác có lẽ vẫn còn đang gặm nhấm tâm hồn chúng ta.

    Bức tranh của họa sĩ Goya cũng chính là bức tranh của thân phận con người chúng ta. Ngay chính trong cơn quẫn bách và đe dọa tứ phía, thay vì liên đới để bảo vệ nhau, người ta vẫn có thể đâm chém lẫn nhau.

    Một nhạc sĩ nào đó đã có lý để tra vấn chúng ta: giết người đi thì ta ở với ai? Một trong những phương thế tốt đẹp nhất để tiêu diệt một kẻ thù chính là biến kẻ thù ấy trở thành một người bạn.

    Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta khuôn vàng thước ngọc: nếu có ai vả má bên phải của ngươi, hãy chìa luôn cả má còn lại... Trong những giờ phút cuối đời, khi đứng giữa những người đang đằng đằng sát khí muốn hủy diệt mình, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha tha thứ cho họ.

    

    Trích sách Lẽ Sống

 


HẠNH CÁC THÁNH NGÀY 04/04/2024

 

Hạnh các Thánh

04/04/2024

4/4 – THÁNH ISIĐÔRÔ SEVILLE, GIÁM MỤC TIẾN SĨ (560?-636)

Cuộc đời 76 năm của Thánh Isiđôrô là thời gian xung đột và phát triển đối với Giáo Hội tại Tây Ban Nha. Người Visigoth đã xâm lăng suốt 150 năm, họ đã lập thủ đô ngay trước khi thánh nhân sinh ra. Họ là những người theo tà thuyết Arian. [*] Do đó, Tây Ban Nha bị chia đôi: Một bên là những người theo Công giáo La Mã chiến đấu chống lại bên kia là những người Gô-tích theo tà thuyết Arian (Arian Goths).

Isiđôrô đã thống nhất Tây Ban Nha, làm cho nước này trở thành trung tâm văn hóa và học tập, là thầy dạy và là người hướng dẫn các nước thuộc Âu châu có nền văn hóa bị những kẻ xâm lăng man rợ đe dọa. Ngài sinh tại Cartagena, trong một gia đình có 3 vị thánh, ngài được người anh nghiêm khắc giáo dục, chính người anh này trở thành giám mục giáo phận Seville.

Ngài là người rất giỏi, đôi khi người ta gọi ngài là “Hiệu trưởng thời Trung cổ” (The Schoolmaster of the Middle Ages) vì bộ bách khoa ngài viết được dùng làm sách giáo khoa suốt 9 thế kỷ. Ngài cho xây chủng viện ở mỗi giáo phận, soạn tu luật cho các nhà dòng và mở trường học dạy các môn. Ngài viết nhiều sách, kể cả một tự điển, một bộ bách khoa toàn thư, một sách lịch sử Gô-tích và một sách lịch sử thế giới – bắt đầu bằng sự tạo thành. Ngài hoàn tất phụng vụ Mozarabic, vẫn được dùng ở Toledo, Tây Ban Nha. Vì các lẽ đó mà ngài (và vài vị thánh khác) được coi là thánh bổn mạng của internet.

Ngài tiếp tục sống khổ hạnh dù đã ngoài 70 tuổi. Trong 6 tháng cuối đời, ngài gia tăng làm việc bác ái nhiều đến độ nhà của ngài đầy người nghèo từ sáng tới khuya.

---------------------

[*] Arianism: Thuyết của Arius, thế kỷ IV, cho rằng chỉ có Thiên Chúa là bất biến và tự hữu, nhưng Ngôi Con không là Thiên Chúa mà chỉ là phàm nhân. Thuyết này từ chối thiên tính của Chúa Giêsu. Công đồng Nicê (AD 325) đã kết án Arius và tuyên bố “Ngôi Con đồng bản thể với Đức Chúa Cha.” Thuyết Arian được nhiều người bảo vệ tiếp 50 năm sau, nhưng cuối cùng cũng sụp đổ khi các hoàng đế Kitô giáo của Rome Gratian và Theodosius lên ngôi. Công đồng Constantinople đầu tiên (năm 381) phê chuẩn Tín điều của Công đồng Nicê và cấm thuyết Arian. Tà thuyết này vẫn tiếp tục trong các bộ lạc ở Đức suốt thế kỷ VII, và các niềm tin tương tự được duy trì đến ngày nay bởi tổ chức Nhân chứng của Giavê (Jehovah's Witnesses) và bởi một số người theo thuyết Nhất Vi Luận (Unitarianism) tương tự Tam Vị Nhất Thể, tức là Một Chúa Ba Ngôi.

Thánh Isidore ở Seville

    (560? - 636)

    Trong 76 năm cuộc đời của Thánh Isidore là thời kỳ tranh chấp cũng như phát triển của Giáo Hội Tây Ban Nha. Người Visigoth xâm lăng phần đất này trong một thế kỷ, và trước đó nửa thế kỷ trước khi Thánh Isidore chào đời thì họ đã thiết lập một thủ đô khác cho chính họ. Ðó là những người theo Arian -- họ cho rằng Ðức Kitô không phải là Thiên Chúa. Do đó, Tây Ban Nha bị chia làm đôi: Một dân tộc (người Công Giáo La Mã) phải chiến đấu với dân tộc khác (người Gô-tích Arian).

    Thánh Isidore là người hợp nhất Tây Ban Nha, giúp quốc gia này trở nên một trung tâm văn hóa và học thuật cũng như một khuôn mẫu cho các quốc gia Âu Châu khác, mà các nền văn hóa ấy đang bị đe dọa bởi sự xâm lăng của những người man rợ.

    Có thể nói Thánh Isidore sinh trong một gia đình thánh thiện của thế kỷ thứ sáu ở Tây Ban Nha. Hai người anh của ngài, Leander và Fulgentius, và người chị, Florentina, đều là các thánh được sùng kính ở Tây Ban Nha. Ðây cũng là một gia đình lãnh đạo và tài giỏi với các vị Leander và Fulgentius đều làm giám mục và Florentina làm mẹ bề trên.

    Là một người tài giỏi về học thuật, đôi khi Thánh Isidore được gọi là "Sư Phụ của Thời Trung Cổ" vì cuốn bách khoa ngài viết, "Etymology" (Từ Nguyên Học) đã được dùng như sách giáo khoa trong chín thế kỷ. Ngài còn viết các sách về văn phạm, thiên văn, địa lý, sử ký, và tiểu sử cũng như thần học.

    Kế vị anh mình là Ðức Leander, Isidore làm giám mục Seville trong 37 năm, ngài đặt ra các mẫu mực cho một đại diện chính phủ ở Âu Châu, đồng thời ngài tẩy chay các quyết định độc đoán và thành lập các thượng hội đồng để thảo luận về đường hướng của Giáo Hội Tây Ban Nha. Ngài yêu cầu mỗi một giáo phận đều phải có chủng viện, ngài viết quy luật cho các dòng tu và thành lập các môn học thuộc đủ mọi ngành. Thánh Isidore viết rất nhiều sách, kể cả một cuốn tự điển, một bộ bách khoa, một cuốn sử người Gô-tích và một cuốn sử thế giới bắt đầu từ khi Thiên Chúa tạo thành trời đất! Ngài hoàn thành bộ phụng tự Mozarabic mà ngày nay vẫn còn được sử dụng ở Toledo, Tây Ban Nha.

    Ngay khi 80 tuổi, ngài vẫn sống khắc khổ. Trong sáu tháng sau cùng của cuộc đời, ngài gia tăng lòng bác ái đến độ, từ sáng đến tối, nhà của ngài lúc nào cũng đầy người nghèo. Ngài từ trần năm 636 và được Giáo Hội tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh.


    Lời Bàn

    Mọi người chúng ta phải bắt chước Thánh Isidore về học thức và sự thánh thiện. Lòng bác ái, sự hiểu biết có thể chữa lành và hòa giải những người đau khổ. Chúng ta không phải là những người man rợ như đã xâm lăng Tây Ban Nha thời Thánh Isidore. Nhưng những người sa lầy trong sự giầu sang và choáng ngợp bởi các tiến bộ khoa học và kỹ thuật có thể mất đi lòng bác ái đối với tha nhân.

    

   

 

Lời Chúa Hôm Nay
Kinh Mân Côi
Lịch Công Giáo