Tin Mừng Chúa Nhật - Bài Đọc & Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

Tin Mừng Chúa Nhật - Bài Đọc & Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

Tin Mừng Chúa Nhật - Bài Đọc & Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật
 
 

 

Hãy cùng đọc và suy niệm lời Chúa qua các bài đọc, tin mừng ngày Chúa Nhật!

 

LỜI CHÚA (BÀI ĐỌC & TIN MỪNG) CHÚA NHẬT

 

Bài Ðọc I: Nkm 8, 2-4a. 5-6. 8-10

“Họ đọc trong sách Luật và người ta hiểu được điều đã đọc”.

Trích sách Nơ-khe-mia.

Ngày ấy, thầy tư tế Esdras mang luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những ai có thể hiểu luật: hôm đó là ngày đầu tháng bảy. Từ sáng đến giữa trưa, thầy đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật. Thầy thư ký Esdras đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdras chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen, amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất. Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ý nghĩa, và người ta hiểu được điều đã đọc. Nơ-khê-mia là tổng trấn, Esdras là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng, nói với họ rằng: “Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta; anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc”. Vì lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật. Họ nói với dân chúng rằng: “Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gửi phần cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh, dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn luỹ của anh chị em!”

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 15

Ðáp: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống (Ga 6, 64b).

1. Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. 

2. Giới răn Chúa chánh trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt. 

3. Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy. 

4. Xin Chúa nhậm những lời miệng con công bố, và sự lòng con suy gẫm trước thiên nhan, lạy Chúa là Tảng Ðá, là Ðấng Cứu Chuộc con. 

Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 12-30 (bài dài)

“Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Nếu chân nói rằng: “Vì tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc thân xác”, có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Và nếu lỗ tai nói rằng: “Vì tôi không phải là con mắt, nên tôi không thuộc về thân xác”, có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Nếu toàn thân xác là một, thì đâu là thính giác? Nếu toàn thân xác là tai, thì đâu là khứu giác? Vậy, Thiên Chúa đã đặt các chi thể, và mỗi chi thể ở trong thân xác như ý Người muốn. Nếu tất cả đều là một chi thể, thì còn đâu là thân xác? Thật vậy, có nhiều chi thể, nhưng có một thân xác. Con mắt không thể nói với bàn tay: “Ta không cần mi”. Ðầu cũng không thể nói với chân: “Ta không cần các ngươi”. Nhưng hơn thế nữa, các chi thể thân xác xem như yếu hơn, lại cần thiết hơn. Và những chi thể ta coi là ít vinh dự nhất, lại là những chi thể chúng ta đặt cho nhiều vinh dự hơn; và những chi thể thiếu trang nhã lại được ta trang sức hơn, còn những chi thể trang nhã lại không cần như thế: nhưng Thiên Chúa đã sắp đặt thân xác, cho cái thiếu vinh dự được vinh dự hơn, để không có sự bất đồng trong thân xác, mà là để các chi thể đồng lo công ích cho nhau. Nếu một chi thể phải đau, tất cả các chi thể khác đều phải đau lây; hoặc một chi thể được vinh dự, thì tất cả các chi thể cùng chia vui.

Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể của Người, mỗi người có phận sự mình. Có những người Thiên Chúa đã thiết lập trong Hội thánh, trước hết là các tông đồ, rồi đến các tiên tri, thứ ba là các tiến sĩ. Kế đến là quyền làm phép lạ, các ơn chữa bệnh, các việc từ thiện, quản trị, nói nhiều thứ tiếng. Vậy tất cả mọi người là tông đồ ư? Tất cả là tiên tri ư? Tất cả là tiến sĩ ư? Tất cả được ơn làm phép lạ ư? Tất cả được ơn chữa bệnh ư? Tất cả nói nhiều thứ tiếng ư? Tất cả được ơn diễn giải ư?

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: 1 Cr 12, 12-14. 27

“Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể Người, mỗi người có phận sự mình.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 4, 18-19

Alleluia, alleluia! – Chúa đã sai con đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 1-4; 4, 14-21

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.

Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng:

“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.

Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.

Ðó là lời Chúa.

 


SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT

 

 
 

26/01/2025

Chúa Nhật Tuần 3 Tn – C

Lc 1,1-4; 4,14-21

Lời Chúa Được Ứng Nghiệm

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Thánh Kinh mà tai các ngươi vừa nghe.” (Lc 1,21)

Suy niệm: Chúa Giê-su khẳng định rằng lời tiên báo về Đấng Mê-si-a được ứng nghiệm nơi chính Ngài. Những lời mạc khải đầy ý nghĩa này mở ra một kỷ nguyên mới, thời đại của ơn cứu độ: “Tin Mừng cho người nghèo; chữa tâm hồn sám hối; giải thoát kẻ bị tù; người mù được thấy; tự do cho kẻ bị áp bức” (Lc 4.19). Qua đó, ta nhận ra rằng Thiên Chúa luôn trung tín thực hiện lời hứa của Ngài vào đúng thời điểm. Thời điểm “hôm nay” không chỉ là thời Chúa Giê-su, mà cả thời hiện đại trong cuộc đời ta. Để Lời ấy được ứng nghiệm trong đời sống hằng ngày, ta cần thường xuyên đọc Lời Chúa, dành thời gian suy đi nghĩ lại trong lòng, rồi nỗ lực thực hiện Lời ấy mỗi ngày.

Mời Bạn: Khi nghe hoặc đọc Lời Chúa, chúng ta cần tự hỏi: “Đoạn Thánh Kinh này đang được ứng nghiệm trong đời tôi thế nào?” Lời Chúa không chỉ để nghe để đọc mà còn để suy gẫm và để sống. Chúa mời gọi bạn đáp lại bằng niềm tin tưởng, rồi qua việc làm cụ thể, đặc biệt qua việc sống phục vụ, thực thi công lý.

Chia sẻ: Cử tọa trong hội đường Na-da-rét năm nào đã ngạc nhiên khi Chúa Giê-su tuyên bố Ngài là Đấng làm ứng nghiệm Lời Thiên Chúa, bởi họ không nhận ra Ngài là Đấng được sai đến. Còn bạn, bạn có thực sự nhận ra Chúa trong những người bé mọn, hay các biến cố thường ngày không? Nếu chưa, bạn sẽ làm gì để Lời Chúa trở thành hiện thực?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con nhận ra Chúa đang hiện diện, đang ngỏ lời với chúng con qua Lời Chúa và qua tha nhân. Xin cho chúng con được biến đổi, Lời Chúa được ứng nghiệm nơi chúng con, bằng lối sống tin - cậy - mến. Amen.

 


LẼ SỐNG TRONG LỜI CHÚA CHÚA NHẬT

 

26/01/2025

  26 Tháng Giêng


    Quốc Khánh Của Australia

    

    Hôm nay 26 tháng 01 là ngày quốc khánh của người Australia.

    Ngày 26/01/1788, lá cờ của nước Anh lần đầu tiên được cắm trên lãnh thổ của Australia, đánh dấu đợt định cư đầu tiên của 730 người. 730 cựu tù nhân này đã được coi như là thủy tổ của đa số người dân Australia này nay.

    Ðối với chính phủ Anh thời bấy giờ, việc lưu đày các tù nhân qua một vùng đất xa lạ là một biện pháp giúp giải quyết vấn đề ứ đọng tại các nhà tù trong nước. Nhưng đối với 730 người lần đầu tiên của Australia này, thì đây là cơ hội để làm lại cuộc đời. Dù muốn dù không, người dân Australia chính hiệu ngày nay không thể phủ nhận được sự kiện là quốc gia của họ đẫ được lhai sinh do những con người mà xã hội muốn xua đuổi cho rảnh tay.

    Ngày nay, Australia được xếp vào hạng những nước tiên tiến về mọi mặt. Nhưng có lẽ họ không thể quên được công ơn xây dựng của cha ông họ, dù tông tích của họ có là một quá khứ xấu xa đến đâu.

    Câu chuyện lập quốc của nước Australiacó thể giúp chúng ta hiểu được phần nào hai chữ Quan Phòng trong Kitô giáo của chúng ta. Lời của thánh Phaolô là một xác quyết về sự quan phòng ấy: nơi nào có tội lỗi càng nhiều, nơi đó Thiên Chúa càng ban ơn dồi dào.

    Lịch sử của dân Israel và lịch sử ơn cứu rỗi cũng cho chúng ta thấy một chuỗi những vấp ngã của con người và một chuỗi những can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa. Mỗi lần con người phạm tội là mỗi lần Thiên Chúa ban ơn như một khởi điểm cho một công trình mới tốt đẹp hơn.

    Hôm nay Giáo Hội kính nhớ hai Thánh Timôtê và Titô, hai người con tinh thần và cộng sự viên gần gũi của thánh Phaolô mà chúng ta tưởng niệm biến cố trở lại ngày hôm qua.

    Cũng giống như Thánh Phaolô, Timôtêmang hai dòng máu Hy Lạp và Do Thái. Do Thái xem Ngài như một đứa con ngoại hôn. Nhưng cái tư thế bị ruồng rẫy đó đã khiến cho Timôtê trở thành gạch nối giữa Tin Mừng và văn minh của những dân tộc ở ngoài Do Thái giáo. Trong 15 năm sát cánh bên cạnh Thánh Phaolô để phục vụ các cộng đoàn Ephêsô, Timôtê đã để lại một mẫu gương hy sinh, nhẫn nhục và bác ái cao độ.

    Cũng giống như Phaolô và Timôtê, Titô cũng đến từ thế giới dân ngoại. Ngài cũng được Chúa sử dụng để loan báo Tình Thương của Ngài cho mọi tạo vật.

    Ôn lại cuộc đời của ba vị Thánh thuộc thế giới dân ngoại này, chúng ta thấy động tác lạ lùng của ơn Chúa. Mọi người, dù thấp hèn đến đâu, cũng đều có một chỗ đứng trong chương trình cứu rỗi của Chúa. Mọi người đều có thể là trung gian nhờ đó ơn Chúa được thông ban cho người khác. Thế giới không được cứu rỗi nhờ những gì chúng ta làm, mà nhờ những gì Thiên Chúa thực hiện qua cuộc sống của chúng ta.

    Trích sách Lẽ Sống

 


HẠNH CÁC THÁNH CHÚA NHẬT

 

Hạnh các Thánh

13/10/2024

13 tháng 10

Thánh Margaret Mary Alacoque
(1647-1690)

Thánh Margaret Mary được Chúa chọn để dấy động trong Giáo Hội một nhận thức về tình yêu Thiên Chúa được biểu tượng qua trái tim Chúa Giêsu.

 Ngài sinh trưởng ở L'Hautecour, Burgundy, nước Pháp. Sau khi cha chết vào lúc tám tuổi, ngài được gửi vào trường Nữ Tu Thánh Clara Khó Nghèo ở Charolles. Ngài phải nằm liệt giường vì bệnh thấp khớp cho đến năm mười lăm tuổi, và lúc ấy ngài đã có lòng sùng kính Thánh Thể đặc biệt.

Ngài từ chối việc lập gia đình và gia nhập dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial và khấn trọn vào năm tiếp đó. Một nữ tu dòng Thăm Viếng "không cần phải trở nên phi thường," nhưng người nữ tu trẻ tuổi này thật khác lạ. Một chị đệ tử sinh (thích chỉ trích) cũng phải công nhận Margaret là người khiêm tốn, đơn sơ và thành thật, nhưng trên tất cả Margaret hiền lành và kiên nhẫn khi bị sửa sai và chỉ trích.

Khi hai mươi tuổi, ngài được thị kiến Ðức Kitô, và từ ngày 27 tháng Mười Hai 1673, cho đến một năm rưỡi sau đó, ngài nhận được một chuỗi những thụ khải. Qua đó, Ðức Kitô cho biết thánh nữ được chọn là khí cụ của Người để lan truyền việc sùng kính Thánh Tâm Chúa, và qua tình yêu của chính mình, thánh nữ sẽ đền bù cho sự lạnh nhạt và vô ơn của thế gian -- qua sự thường xuyên và quý trọng việc Rước Lễ, nhất là trong các thứ Sáu đầu tháng, và qua một giờ cầu nguyện mỗi tối thứ Năm để tưởng nhớ sự thống khổ và cô đơn của Chúa khi trong vườn Cây Dầu. Chúa cũng yêu cầu thiết lập một ngày lễ để kính Thánh Tâm Chúa.

Như tất cả các thánh khác, Margaret đã phải trả giá cho sự thánh thiện của mình. Một số các sơ trong dòng chống đối ra mặt. Các thần học gia được triệu tập để tuyên bố những gì ngài được thụ khải chỉ là ảo tưởng và họ đề nghị ngài ăn uống điều độ hơn. Sau này một cha giải tội của nhà dòng, Chân Phước Claude de la Colombiere, dòng Tên, nhận ra giá trị thực của điều thụ khải và đã hỗ trợ ngài. Bất kể sự chống đối mãnh liệt, Ðức Kitô kêu gọi ngài hãy hy sinh để đền bù cho những thiếu sót của các sơ trong dòng, và để sứ điệp của Chúa được lan rộng.

Cho đến năm 1683, sự chống đối chấm dứt khi Mẹ Melin được chọn làm Bề Trên và bổ nhiệm Sơ Margaret Mary làm phụ tá. Sau này sơ làm Giám Ðốc Ðệ Tử Viện, và được mục kích lễ Thánh Tâm Chúa được nhà dòng cử mừng một cách riêng tư vào năm 1686, và hai năm sau, một nhà nguyện được xây cất ở Paray-le-Monial để kính Thánh Tâm Chúa.

Sơ Margaret Mary từ trần ngày 17-10 và được phong thánh năm 1920. Chính ngài cũng như Thánh Gioan Eudes và Chân Phước Claude La Colombiere được gọi là "Các Thánh của Thánh Tâm"; bảy mươi lăm năm sau, năm 1765, việc sùng kính Thánh Tâm được chính thức công nhận và được chấp thuận bởi Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XIII.

Lời Bàn

Thời đại vật chất-khoa học của chúng ta không thể "chứng minh" những thụ khải riêng tư. Các thần học gia, nếu bị ép buộc, cũng xác nhận là chúng ta không phải tin vào điều thụ khải. Nhưng không thể khước từ sứ điệp mà Thánh Margaret Mary đã loan báo: Thiên Chúa yêu thương chúng ta với một tình yêu nồng nàn. Thánh nữ luôn nhấn mạnh đến việc đền bù qua sự cầu nguyện, và nhắc đến sự phán xét sau cùng. Những điều ấy đủ để xoá tan tính cách dị đoan và hời hợt của việc sùng kính Thánh Tâm trong khi vẫn duy trì được ý nghĩa sâu xa của Kitô Giáo.

Lời Trích

Ðức Kitô nói với Thánh Margaret Mary: "Ðây là Trái Tim đã quá yêu thế gian đến nỗi không còn giữ lại chút gì, cho đến khi kiệt quệ và héo hon, để chứng minh tình yêu của trái tim Thầy. Ðền đáp lại, Thầy chỉ nhận được sự vô ơn bạc nghĩa, qua sự bất kính và phạm thượng của chúng, và qua sự lạnh nhạt và khinh miệt của chúng trong bí tích tình yêu này... Thầy đến trong trái tim mà Thầy đã ban cho con để qua sự nhiệt thành của con, con sẽ đền bù cho những xúc phạm đến Thầy vì những tâm hồn thờ ơ và lười biếng đã làm ô danh Thầy trong Bí Tích Thánh Thể" (lần thụ khải thứ ba).


 

Lời Chúa Hôm Nay
Đọc Kinh Sáng
Lịch Công Giáo