Lời Chúa Ngày 05/04/2024- Bài Đọc & Tin Mừng & Suy Niệm Lời Chúa

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

Lời Chúa Ngày 05/04/2024

Lịch công giáo ngày 05-04-2024

Thứ Sáu trong tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh

Lễ thường - Mùa Phục Sinh

Các bài đọc và tin mừng hôm nay

Cv 4:1-12; Tv 118:1-2,4,22-24,25-27; Ga 21:1-14

Áo Lễ Linh Mục: Trắng

 

Nhờ đọc và suy gẫm Lời Chúa, mà tâm hồn chúng ta được biến đổi và canh tân đời sống mới nơi chúng ta. Nhờ đọc và sống Lời Chúa hằng ngày, đời sống của chúng ta mới phát sinh những hoa trái thánh thiện, bác ái, phục vụ trong yêu thương và lòng nhiệt thành truyền giáo.

Hãy cùng đọc và suy niệm lời Chúa qua các bài đọc, tin mừng mỗi ngày!

 

LỜI CHÚA (BÀI ĐỌC & TIN MỪNG) - NGÀY 05/04/2024

 

Bài Ðọc I: Cv 4, 1-12

“Ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, đang lúc Phêrô và Gioan giảng cho dân chúng (sau khi chữa lành người què), thì các tư tế, vị lãnh binh cai đền thờ và các người thuộc nhóm Sađốc áp tới, bực tức vì các ngài giảng dạy dân chúng và công bố việc Ðức Giêsu từ cõi chết sống lại. Họ ra tay bắt các ngài và đem tống giam vào ngục cho đến hôm sau, vì lúc đó đã chiều tối rồi. Nhưng trong số những kẻ nghe giảng, có nhiều người tin, và nguyên số đàn ông cũng đã tới năm ngàn người. Ðến hôm sau, các thủ lãnh, kỳ lão và luật sĩ ở Giêrusalem, có cả Anna thượng tế, Caipha, Gioan, Alexanđê, và tất cả những người thuộc dòng tư tế, nhóm họp. Họ cho điệu hai ngài ra giữa mà chất vấn rằng: “Các ông lấy quyền hành và danh nghĩa nào mà làm điều đó?”

Lúc bấy giờ Phêrô được đầy Thánh Thần đã nói: “Thưa chư vị thủ lãnh toàn dân và kỳ lão, xin hãy nghe, nhân vì hôm nay chúng tôi bị đem ra xét hỏi về việc thiện đã làm cho một người tàn tật, về cách thức mà con người đó đã được chữa khỏi, xin chư vị tất cả, và toàn dân Israel biết cho rằng: Chính nhờ Danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, Chúa chúng tôi, Người mà chư vị đã đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ danh Người mà anh này được lành mạnh như chư vị thấy đây. Chính Người là viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở thành viên Ðá Góc tường; và ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác. Bởi chưng không một Danh nào khác ở dưới gầm trời đã được ban tặng cho loài người, để nhờ vào Danh đó mà chúng ta được cứu độ”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 1-2 và 4. 22-24. 25-27a
 

Ðáp: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường

Hoặc đọc: Alleluia.

1. Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”.

2. Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó.

3. Thân lạy Chúa, xin gia ơn cứu độ; thân lạy Chúa, xin ban cho đời sống phồn vinh. Phúc đức cho Ðấng nhân danh Chúa mà đến; từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa và đã soi sáng chúng tôi.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 21, 1-14

“Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: Simon Phêrô, Tôma cũng gọi là Ðiđymô, Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu, liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.

Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách.

Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi: “Ông là ai?” Vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.

Ðó là lời Chúa.

 


SUY NIỆM LỜI CHÚA NGÀY 05/04/2024

 

05/04/2024

THỨ SÁU TUẦN BÁT NHẬT PS
Ga 21,1-14

NHẬN RA “CHÚA ĐÓ!”

Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. (Ga 21,7)

Suy niệm: Cái cách mà Phê-rô phản ứng khi biết nhân vật đang đứng trên bờ Biển Hồ là “Chúa đó” như thể tái hiện khoảnh khắc ông bỏ chài lưới, bỏ thuyền, bỏ hết mọi sự để trở thành môn đệ của Chúa. Hai tiếng “Chúa đó” như một ngòi nổ kích nổ lòng khao khát Đức Ki-tô vẫn âm ỉ trong tâm hồn Phê-rô từ những ngày Chúa chịu khổ nạn cho tới khi ông cùng với Gio-an chứng kiến ngôi mộ trống khi Thầy đã phục sinh. Chính vì lẽ đó, ông đã “nhảy xuống biển”, nhảy khỏi sự phụ thuộc, khỏi mọi chỗ dựa của thế gian này vì giờ đây Chúa Phục Sinh mới là tất cả cuộc sống của ông.

Mời Bạn: Phản ứng của Phê-rô cũng là kinh nghiệm của không biết bao nhiêu vị thánh trong lịch sử giáo hội. Khi các ngài nhận ra “Chúa đó” ở trong cuộc đời mình thì các ngài sẵn sàng bỏ mọi sự, kể cả mạng sống mình, để đến với Người. Không xa chúng ta, chân phước An-rê Phú Yên tái hiện thái độ Phê-rô nhận ra “Chúa đó!” qua lời cuối của ngài trối lại cho chúng ta: “Hãy giữ nghĩa cùng Chúa cho đến hết hơi cho đến trọn đời.” Bạn cũng có thể nhận ra Chúa Phục Sinh vẫn luôn hiện diện đó trong cuộc đời chúng ta, qua bí tích Thánh thể, qua Lời Chúa và qua anh chị em xung quanh: Chúa vẫn ở đó chờ đợi chúng ta chạy đến với Người.

Sống Lời Chúa: Hãy chạy đến với Chúa Ki-tô bằng một cử chỉ thờ phượng Ngài nơi Thánh Thể hay bằng một hành động phục vụ đến với tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô Phục sinh, xin cho con biết nhận ra sự hiện diện gần gũi của Chúa trong mỗi giây phút đời con. Amen.

 


LẼ SỐNG TRONG LỜI CHÚA NGÀY 05/04/2024

 

05/04/2024

05 Tháng Tư

    Chiếc Bong Bóng Bay

    Câu chuyện được thuật lại xảy ra tại vùng Nam Italia, nơi dân chúng không được sung túc cho lắm, so với những vùng khác. Câu chuyện trên mang tựa đề là : "Chiếc bong bóng bay màu hồng".

    Chiếc bong bóng này là kết quả của sự góp nhặt và tiết kiệm từng xu của Beppo, một em bé lên tám. Hôm ấy, trong lúc các trẻ đồng tuổi cắp sách đến trường, Beppo chốn học, chạy nhanh lên ngọn đồi để thả chiếc bong bóng màu hồng bay lên không trung. Cùng với chiếc bong bóng, Beppo cẩn thận cột bức thư nó đã nắn nót viết từng chữ như sau: "Chúa ơi, vài tuần nữa con sẽ có một đứa em. Gia đình con đã có sáu anh em, nhưng cha mẹ con nghèo lắm. Nhà cửa chật chội và không có đủ giường chiếu, nên chúng con phải ngủ chung ba đứa một giường. Lần này con không xin gì cho con, nhưng con xin Chúa cho đứa em sắp sinh của chúng con một ít quần áo và tã, quần áo xài rồi cũng được. Nhà con ở làng Arcol miền Nam nước Italia. Con tên là Beppo Sala".

    Sau khi thả chiếc bong bóng hồng mang bức tâm thư lên trời, Beppo đứng ngước mắt nhìn lên trời mãi đến khi chiếc bong bóng mất hút trong đám mây, nó mới thơ thẩn đi về nhà.

    Những ngày sau đó là những ngày tháng hồi hộp nhất đời của Beppo. Nhưng nó vẫn tiếp tục hy vọng và cầu nghuyện. Sáu ngày nặng nề trôi qua, nhưng một buổi kia, lúc đang chơi với các trẻ khác cùng xóm, Beppo thấy người giao bưu phẩm mang vào nhà một thùng quà. Nó hồ hởi chạy nhanh về và nghe cha nó đang lớn tiếng cãi vã với nhân viên bưu điện: "Chắc anh lầm rồi, tôi đâu có quen ai ở thành Rovigo. vả lại chúng tôi đào đâu ra tiền để mua quà cáp". Người giao bưu phẩm phân trần: "Món hàng đề tên và địa chỉ nhà ông, nếu không phải gửi cho ông thì còn gửi cho ai nữa? Ông nhận nhanh lên, tôi còn phải đi giao nhiều món hàng nữa chứ có phải chỉ có thùng này thôi đâu". Cha của Beppo trả lời: "Thôi đi ông ơi, nhận hàng không phải của mình để rồi sau đó mang họa, làm gì có tiền mà bồi thường".

    Thấy câu chuyện dai dẳng, Beppo bạo phổi nói xen vào: "Thì cha cứ mở ra xem thử, nếu không phải là của mình thì mình gói trả lại".


    Thùng đồ được mở ra, thấy toàn đồ cho trẻ sơ sinh.Nào tã, nào những chiếc áo nhỏ tí ti, nào băng rốn.Người gửi không quên gói vào hai hộp phấn và một lố những chiếc kim tây. Mắt của mẹ Beppo bừng sáng lên.Beppo cảm thấy vui như ngày tết, vui nhất là người gửi đồ không đề địa chỉ nên không thể gửi trả lại. Nó chạy nhanh ra ngọn đồi, nơi nó thả chiếc bong bóng màu hồng sáu ngày trước đây. Ðến nơi nó ngước mắt nhìn trời, miệng thì thầm: "Chúa ơi, con cám ơn Chúa".

    Tuổi trẻ thường được gọi là tuổi thơ, mà nói đến thơ là nói đến mộng. Trẻ thơ thường có những mơ ước đơn sơ: mong bắt được nhiều dế, mơ con diều mình đang thả được bay cao, mong cho mình khéo tay ăn được nhiều đạn trong cuộc chơi bi, mơ đội banh mình được thắng trong cuộc đá bóng sắp tới. Nhưng đã có những mái đầu xanh đã bắt đầu lo lắng cho cha mẹ, cho anh chị em như trong trường hợp của em bé mới lên tám tuổi Beppo.


    Theo cha Michel Bonnet, đã từng truyền giáo tại Nhật bản và nay đang làm cho phong trào quốc tế đặc trách mục vụ cho trẻ em, thì tại Á Châu, số trẻ emvì hoàn cảnh gia đình hay xã hội bắt buộc phải làm những công việc nặng nhọc vượt qua tuổi của chúng nhiều hơn là số trẻ em được cắp sách đến trường.

    Cũng theo cha Bonnet, đã đến lúc các tín hữu phải đọc dòng Phúc Âm mà mọi người đều thuộc nằm lòng, nhưng với cái nhìn khác: "Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Ta, chớ ngăn cản chúng, vì Nước Trời thuộc về những kẻ giống như chúng".

    Và cha Bonnet đề nghị: câu Phúc Âm trên tạo dịp cho chúng ta thấy Chúa Giêsu trong những trẻ con bị cưỡng bách phải làm việc nặng nhọc. Qua các em, Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta: "Hãy đến và theo Ta".

    Trích sách Lẽ Sống

 


HẠNH CÁC THÁNH NGÀY 05/04/2024

 

Hạnh các Thánh

05/04/2024

5/4 – THÁNH VINCENTÊ FERRIÔ, LINH MỤC (1350?-1419)

Động thái phân biệt trong Giáo Hội ngày nay chỉ là “cơn gió thoảng” so với “cơn lốc xoáy” phá tan Giáo Hội trong thời Thánh Vincentê Ferriô. Nếu có vị thánh nào là thánh bổn mạng hòa giải thì đó là Thánh Vincentê Ferriô.

Mặc dù bị cha mẹ ngăn cản, ngài vẫn vào Dòng Đa Minh tại Tây Ban Nha lúc 19 tuổi. Sau khi học hành xuất sắc, ngài được ĐHY Peter de Luna phong chức linh mục. Với bản chất nhiệt thành, ngài ngài hăng hái sống khổ hạnh theo luật dòng. Sau khi thụ phong linh mục không lâu, ngài được bầu làm bề trên dòng ở Valencia.

Cuộc ly giáo Tây phương đã phân chia Kitô giáo thành 2 phe, rồi 3 phe, có 2 giáo hoàng. Giáo hoàng Clêmentô VII ở Avignon (Pháp) giáo hoàng Urbanô VI ở Rôma. Vincentêtin rằng việc bầu chọn giáo hoàng Urbanô là vô hiệu (Thánh Catarina Siena chỉ ủng hộ giáo hoàng ở Rôma). Vâng lời ĐHY Luna, ngài thuyết phục người Tây Ban Nha theo giáo hoàng Clêmentô. Khi giáo hoàng Clêmentô qua đời, Hồng y Luna được bầu chọn tại Avignon và trở thành giáo hoàng Bênêđictô XIII.

Vincentê là thầy dạy của Tòa Thánh. Nhưng giáo hoàng mới không từ chức tại mật nghị (conclave) như đã thề hứa. Ngài vẫn nhất quyết dù vua nước Pháp và đa số hồng y phản đối. Ngài thất vọng và bị bệnh nặng, nhưng cuối cùng ngài “đi khắp thế gian giảng về Chúa Kitô,” dù ngài cảm thấy có sự canh tân nào đó trong Giáo Hội tùy thuộc vào việc hàn gắn cuộc ly giáo. Ngài giảng sôi nổi và lưu loát, ngài dành 20 năm cuối đời đi loan truyền Tân Ước khắp Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Sĩ, các nước nhược tiểu và Lombardy, nhấn mạnh nhu cầu sám hối và sợ phán xét. Ngài nổi tiếng với biệt danh là Thiên thần Xét xử (Angel of the Judgment).

Những năm 1408 tới 1415, ngài cố gắng thuyết phục người bạn cũ từ chức nhưng không thành công. Cuối cùng ngài kết luận rằng Bênêđictô XIII không là giáo hoàng thật. Dù rất bệnh, ngài vẫn lên bục giảng trước một hội nghị mà giáo hoàng Bênêđictô XIII chủ tọa và lớn tiếng tố cáo chính người đã truyền chức linh mục cho ngài. Bênêđictô XIII trốn mất vĩnh viễn, những người trước theo nay cũng bỏ. Lạ thay, Lm Vincentê không tham dự Công đồng Constance – Công đồng này chấm dứt cuộc ly giáo đã kéo dài 36 năm. Lúc đó, Giáo Hội có ĐGH Martin V. Linh mục Vincentê qua đời ngày 5-4-1419.

Thánh Vinh Sơn Ferrer

    (1357 - 1419)

    Sự phân hóa trong Giáo Hội ngày nay chỉ là cơn gió nhẹ so với trận cuồng phong đã xé Giáo Hội ra từng mảnh trong thời Thánh Vinh Sơn Ferrer. Ngài là quan thầy của những người xây cất vì ngài nổi tiếng đã "xây dựng" và kiên cường Giáo Hội qua công việc rao giảng, dạy dỗ của ngài.

    Sinh ở Valencia, Tây Ban Nha năm 1357, khi lên 17 tuổi, bất kể sự chống đối của cha mẹ, ngài gia nhập Dòng Ða Minh trong thành phố gần nơi sinh trưởng. Sau khi hoàn tất việc học một cách tốt đẹp, ngài được thụ phong linh mục bởi Ðức Hồng Y Phêrô "de Luna" -- là người đã ảnh hưởng lớn đến cuộc đời ngài.

    Với bản tính hăng say, ngài tận tụy thi hành nhân đức khắc khổ theo quy luật dòng. Sau khi được thụ phong linh mục không lâu, ngài được chọn làm bề trên tu viện Ða Minh ở Valencia.

    Cuộc Ðại Ly Giáo Tây Phương đã chia cắt Kitô Giáo, lúc đầu với hai giáo hoàng, sau đó là ba giáo hoàng. Ðức Clêmentê ở Avignon nước Pháp, Ðức Urbanô ở Rôma. Cha Vinh Sơn tin rằng việc bầu cử Ðức Urbanô là vô giá trị (mặc dù Thánh Catarina ở Siena là người hỗ trợ đức giáo hoàng Rôma). Trong thời gian phục vụ Ðức Hồng Y "de Luna", Cha Vinh Sơn thuyết phục người Tây Ban Nha theo Ðức Clêmentê. Và khi Ðức Clêmentê từ trần, Ðức Hồng Y "de Luna" được bầu làm giáo hoàng ở Avignon và lấy tên là Bênêđictô XIII.

    Cha Vinh Sơn được Ðức Bênêđictô triệu về làm việc trong Tòa Ân Giải Tối Cao và là Trưởng Ðiện Tông Tòa. Nhưng vị giáo hoàng ở Avignon không chịu từ chức trong khi tất cả các ứng viên trong mật nghị hồng y đều thề như vậy. Và Ðức Bênêđictô vẫn ngoan cố bất kể sự ruồng bỏ của vua nước Pháp và hầu hết các hồng y.

    Cha Vinh Sơn vỡ mộng và lâm bệnh nặng, nhưng sau cùng ngài đã đảm nhận công việc "rao giảng Ðức Kitô cho thế giới," dù rằng bất cứ sự canh tân nào trong Giáo Hội thời ấy đều tùy thuộc vào việc hàn gắn sự ly giáo. Là một người có tài rao giảng và hăng say, Cha Vinh Sơn dành 20 năm sau cùng của cuộc đời để loan truyền Tin Mừng ở Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Ðiển, Hòa Lan và vùng Lombardy, ngài nhấn mạnh đến nhu cầu sám hối và khuyên nhủ mọi người hãy lo sợ ngày phán xét. (Ngài có tên là "Thiên Thần của Sự Phán Xét").

    Vào những năm 1408 và 1415, ngài cố gắng nhưng không thành công trong việc thuyết phục người bạn cũ của ngài từ chức. Sau cùng, Cha Vinh Sơn phải kết luận rằng Ðức Bênêđictô không phải là giáo hoàng thật. Mặc dù đang bệnh nặng, Cha Vinh Sơn đã lên tòa giảng trước một giáo đoàn mà chính Ðức Bênêđictô chủ sự và mạnh mẽ tố giác người đã tấn phong chức linh mục cho ngài. Từ đó trở đi, Ðức Bênêđictô bỏ trốn, để lại sau lưng những người trước đây đã hỗ trợ mình.

    Cha Vinh Sơn sống cho đến ngày được chứng kiến sự chấm dứt ly giáo, với việc bầu cử tân giáo hoàng là Ðức Martin V. Cha từ trần ngày 5 tháng Tư 1419 và được phong thánh năm 1455.


    Lời Bàn

    Sự chia cắt trong Giáo Hội thời Thánh Vinh Sơn Ferrer quả thật là một tai họa -- 36 năm trường với hai "thủ lãnh." Chúng ta không thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra cho Giáo Hội ngày nay nếu, trong một thời gian dài như vậy, một nửa theo các giáo hoàng ở Rôma, và một nửa khác theo số giáo hoàng "chính thức", tỉ như ở Rio de Janeiro. Quả thật đó là một phép lạ khi thời gian lụn bại ấy với những khối đá kiêu ngạo và ngu dốt, đầy tham vọng đã kéo dài không lâu. Chúng ta tin rằng "chân lý thì hùng mạnh, và sẽ thắng theá" -- mặc dù đôi khi phải mất một thời gian.

    

    

   

 

Lời Chúa Hôm Nay
Kinh Mân Côi
Lịch Công Giáo