Lịch công giáo ngày 09-03-2024
Thứ Bảy trong tuần thứ Ba Mùa Chay
Lễ thường - Mùa Chay
Các bài đọc và tin mừng hôm nay
Hs 6:1-6; Tv 51:3-4,18-19,20-21; Lc 18:9-14
Áo Lễ Linh Mục: Tím
Nhờ đọc và suy gẫm Lời Chúa, mà tâm hồn chúng ta được biến đổi và canh tân đời sống mới nơi chúng ta. Nhờ đọc và sống Lời Chúa hằng ngày, đời sống của chúng ta mới phát sinh những hoa trái thánh thiện, bác ái, phục vụ trong yêu thương và lòng nhiệt thành truyền giáo.
Hãy cùng đọc và suy niệm lời Chúa qua các bài đọc, tin mừng mỗi ngày!
LỜI CHÚA (BÀI ĐỌC & TIN MỪNG) - NGÀY 09/03/2024
Bài Ðọc I: Hs 6, 1b-6
“Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ”.
Trích sách Tiên tri Hôsê.
Ðây Chúa phán: Trong cảnh khốn khổ, từ ban mai, họ chỗi dậy chạy tìm kiếm Ta. “Hãy đến, và chúng ta quay trở về với Chúa, vì Chúa bắt chúng ta, rồi sẽ tha chúng ta; Chúa đánh chúng ta, rồi sẽ lại chữa chúng ta. Sau hai ngày Người cho chúng ta sống lại, đến ngày thứ ba, Người đỡ chúng ta đứng lên, và chúng ta sẽ sống trước mặt Người. Chúng ta hãy nhận biết Chúa và hãy ra sức nhận biết Chúa. Người sẵn sàng xuất hiện như vừng đông, và sẽ đến cùng chúng ta như mưa thuận và như mưa xuân trên mặt đất”.
Hỡi Ephraim, Ta sẽ làm gì cho ngươi? Hỡi Giuđa, Ta sẽ làm gì cho ngươi? Tình thương các ngươi như đám mây ban sáng, như sương sớm tan đi. Vì thế, Ta dùng các tiên tri nghiêm trị chúng, và Ta dùng lời từ miệng Ta phán ra mà giết chúng. Án phạt các ngươi bừng lên như ánh sáng. Vì chưng, Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ. Ta muốn sự hiểu biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 18-19. 20-21ab
Ðáp: Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ
1. Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác.
2. Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ toàn thiêu Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát, lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung.
3. Lạy Chúa, xin thịnh tình với Sion theo lòng nhân hậu, hầu xây lại thành trì của Giêrusalem. Bấy giờ Chúa con sẽ nhận những lễ vật chính đáng, những hy sinh với lễ toàn thiêu.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 8, 12b
Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”.
Phúc Âm: Lc 18, 9-14
“Người thu thuế ra về được khỏi tội”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi”. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM LỜI CHÚA NGÀY 09/03/2024
THỨ BẢY TUẦN 3 MC
Th. Phan-xi-ca Rô-ma, nữ tu
Lc 18,9-14
HÃY TỰ HÀO TRONG CHÚA
Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác… Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” Còn người thu thuế đứng từ đằng xa, vừa đấm ngực, vừa thưa rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18,11-13)
Suy niệm: Thánh Lu-ca cho biết, Chúa Giê-su kể dụ ngôn này nhắm đến “những người tự hào cho mình là người công chính mà khinh chê người khác.” Ông Pha-ri-sêu ấy nghĩ rằng, ông được nên công chính nhờ những việc ông làm, nên sinh ra kiêu ngạo mà coi khinh người khác (c.11). Nhưng ông quên rằng con đường đích thực để nên công chính không phải là nhờ công trạng của ông mà là nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa. Con đường này được Thiên Chúa vạch ra và hoàn thành qua Con Một yêu dấu của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô: “Người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô” (Rm 3,22). Thế nên Chúa Giê-su khẳng định: “người thu thuế, khi trở xuống mà về nhà, thì được nên công chính; còn người Pha-ri-sêu thì không” (c.14).
Mời Bạn: Thánh Gia-cô-bê bảo: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Việc làm ở đây không phải là điều kiện để được nên công chính, mà là hoa trái trổ sinh của ơn công chính đó, là dấu hiệu của đức tin đang sống sung mãn. Vì thế, chúng ta có thể nói như thánh Phao-lô: “Nếu ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa” (1Cr 1,31).
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành thời gian xét mình xem: những việc tôi làm có phải là hoa trái của đức tin mình đã lãnh nhận hay không.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con.
LẼ SỐNG TRONG LỜI CHÚA NGÀY 09/03/2024
09 Tháng Ba
"Hãy Làm Một Cái Gì Ðẹp Cho Chúa"
Mẹ Têrêxa Calcutta thường hay nói: "Hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Chúa". Sau tên cực trọng của Chúa Giêsu, hai chữ thường nằm trên đầu môi chót lưỡi của Mẹ là "tốt đẹp và kỳ diệu". Hai tiếng ấy là một tóm gọn của bài ca ngợi khen của Ðức Maria mà Mẹ Têrêxa đã lấy làm tâm tình của mình. Tốt đẹp và kỳ diệu thay Tình Yêu Quan Phòng của Chúa được thể hiện qua những hy sinh và phục vụ của Mẹ dành cho những người cùng khổ ở Ấn Dộ và trên khắp thế giới...
Cách đây hơn 15 năm, Malcolm Muggerridge, một ký giả và bình luận gia nổi tiếng của đài BBC, đã cùng với một nhóm chuyên viên của đài đến Ấn Ðộ để làm một cuộc phỏng vấn về Mẹ Têrêxa, về các hoạt động của Mẹ. Sau năm ngày làm việc, đến lúc cắt xén và tháo ráp để dựng thành cuốn phim, Mẹ Têrêxa đã thốt lên: "Hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Chúa". Câu nói của Mẹ đã được ký giả Muggerridge lấy làm tựa đề của cuốn phim thời sự về Mẹ và các nữ tu của Mẹ. Cuốn sách ghi lại cuộc phỏng vấn cũng mang cùng một tựa đề. Sau khi cuốc phim được trình chiếu trên đài BBC, thế giới bỗng chú ý đến người nữ tu đã từ mấy chục năm qua âm thầm chăm sóc những người cùng khổ nhất trong các khu ổ chuột ở Calcutta. Tốt đẹp và kỳ diệu thay! Khuôn mặt đau khổ của nhân loại được phơi bày, nhưng Tình Yêu của Thiên Chúa cũng được thể hiện qua những âm thầm hy sinh phục vụ của Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Mẹ.
Ngày nay, khi đi qua một số thành phố lớn trên thế giới, thỉnh thoảng người ta đọc được bảng hiệu: "Hãy gìn giữ cho thành phố được sạch" hoặc "Hãy làm đẹp thành phố". Những khẩu hiệu ấy nhắc nhở cho kiều dân và khách qua đường về nghĩa vụ tôn trọng trật tự, cũng như giữ cho thành phố được sạch sẽ và đẹp đẽ.
Mỗi người Kitô cũng là một thành phố của Thiên Chúa. Họ luôn được mời gọi để giữ thơm và làm sạch cho thành phố ấy. Thay vì vứt bừa bãi ra bên ngoài những rác rưởi của những hành vi bất chánh, họ luôn được mời gọi để bày tỏ một bộ mặt tốt đẹp và kỳ diệu để qua đó thiên hạ sẽ nhìn vào mà ngợi khen Cha trên trời...
"Hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa": đó phải là câu tâm niệm mà người Kitô thốt lên khi vừa thức giấc đón chào một ngày mới.
"Hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa" bằng cách dâng lên Ngài hy sinh trong những công việc nhỏ bé hằng ngày.
"Hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa" bằng những cử chỉ quảng đại, hy sinh phục vụ đối với những người cùng khổ nhất trong xã hội.
"Hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa" bằng cách sống tử tế và không ngừng tha thứ cho những người xúc phạm đến mình.
"Hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa" bằng chứng tích của một cuộc sống đầy lạc quan và vui tươi ngay cả khi chỉ gặp toàn đau khổ, thử thách...
Trích sách Lẽ Sống
HẠNH CÁC THÁNH NGÀY 09/03/2024
9/3 – THÁNH FRANCES RÔMA (1384-1440)
Cuộc đời của Thánh Frances kết hợp nhiều phương diện của đời và đạo. Là một người vợ tận tụy và yêu thương, bà muốn sống đời cầu nguyện và phục vụ, cho nên bà nhóm họp một số phụ nữ để phục vụ nhu cầu của dân nghèo ở Rôma.
Dù cha mẹ là người giàu có, Frances lại thấy mình bị thu hút vào đời sống tôn giáo từ hồi còn trẻ. Nhưng cha mẹ bà phản đối và chọn chồng cho bà là một đàn ông quý tộc. Khi đã quen với những người thân mới, Frances thấy rằng người vợ của anh chồng cũng muốn sống cuộc đời phục vụ và cầu nguyện. Thế nên cả hai người, Frances và Vannozza, được chồng cho phép đi giúp người nghèo.
Frances bị bệnh một thời gian, nhưng điều này càng làm bà cảm thương những người chịu đau khổ mà bà gặp. Nhiều năm trôi qua, Frances sinh hai cậu con trai và một cô con gái. Với nhiều trách nhiệm gia đình, người mẹ trẻ này chú tâm hơn vào công việc gia đình. Gia đình êm ấm nhờ bàn tay chăm sóc của bà, nhưng trong vài năm, bệnh dịch bắt đầu hoành hành nước Ý. Bệnh càn quét cả Rôma dữ dội và con trai thứ hai của bà bị chết. Cố gắng vượt qua đau khổ, bà lấy hết số tiền và bán tài sản để mua những thứ mà người bệnh có thể cần dùng. Khi cạn kiệt, Frances và Vannozza đi xin từng nhà. Sau đó, con gái của Frances cũng chết, bà mở rộng cửa nhà như một bệnh viện.
Frances càng tin rằng cách sống như vậy rất cần cho mọi người, không lâu trước khi bà được phép thành lập nữ tu hội không giữ lời khấn. Đơn giản là họ dâng mình cho Chúa và dấn thân phục vụ người nghèo. Khi tu hội được thành lập, bà không sống trong cộng đoàn mà vẫn ở nhà với chồng. Bà sống như vậy 7 năm. Khi chồng mất, bà đến sống chung với chị em, phục vụ những người nghèo khổ nhất.
Ngày 9 Tháng 3
Thánh Frances ở Rôma
(1384 - 1440)
Đời sống Thánh Frances bao gồm các khía cạnh của đời thường và đời tu trì. Là một người nội trợ tận tụy và duyên dáng, ngài ước ao một đời sống cầu nguyện và phục vụ, do đó ngài tổ chức một nhóm phụ nữ để chăm sóc người nghèo ở Rôma.
Sinh trong một gia đình giàu có, ngay từ thời niên thiếu Frances đã cảm thấy mình yêu mến đời sống tu trì. Nhưng cha mẹ ngài chống đối và một thanh niên quý tộc đã được chọn để làm vị hôn phu.
Khi bắt đầu quen biết với họ hàng nhà chồng, Frances khám phá rằng cô em dâu của mình cũng ước ao một đời sống phục vụ và cầu nguyện. Do đó, cả hai người, Frances và Vannozza, với sự ưng thuận của các ông chồng, họ bắt đầu luyện tập đời sống tâm linh bằng cách siêng năng tham dự Thánh Lễ, thăm viếng kẻ tù đầy, phục vụ trong các bệnh viện, giúp đỡ người nghèo và thành lập một nhà nguyện bí mật trong ngôi tháp bỏ hoang để cùng nhau cầu nguyện.
Nhiều năm trôi qua, bà Frances sinh hạ hai trai và một gái. Với trách nhiệm của một đời sống gia đình, bà đã dành nhiều thời giờ để lo cho chồng con. Gia đình bà trở nên phát đạt dưới sự quán xuyến của bà, nhưng chỉ được vài năm, trận dịch hạch đã càn quét cả nước Ý và cướp đi đứa con trai thứ hai của bà. Ðể giúp vơi bớt đau khổ của các nạn nhân trận dịch, bà dùng tiền của và tài sản để cung ứng cho các nhu cầu của bệnh nhân. Khi mọi nguồn tài chánh đều cạn kiệt, bà Frances và Vannozza đã đi xin từng nhà. Về sau, khi cô con gái qua đời, bà Frances đã biến một phần căn nhà thành bệnh viện.
Càng ngày bà Frances càng tin tưởng rằng một đời sống cho tha nhân thì cần thiết cho thế gian. Với sự hậu thuẫn của đức lang quân, bà Frances bắt đầu thành lập một tổ chức xã hội dành cho các phụ nữ, được gọi là Hiến Sĩ của Ðức Maria (không có lời khấn). Họ chỉ dâng mình cho Chúa và cho sự phục vụ người nghèo.
Khi tổ chức đã được thành lập, bà Frances không sống trong cơ sở của cộng đoàn mà sống ở nhà với chồng trong bảy năm. Cho đến khi người chồng từ trần, bà sống quãng đời còn lại với cộng đoàn để phục vụ những người bần cùng trong xã hội.
Lời Bàn
Nhìn vào đời sống gương mẫu -- trung tín với Thiên Chúa và tận tụy với tha nhân -- của Thánh Frances nhắc chúng ta nhớ đến Mẹ Têrêsa Calcutta. Ngài nhìn thấy Ðức Giêsu Kitô trong lời cầu nguyện cũng như trong người nghèo. Cuộc đời của Thánh Frances mời gọi chúng ta đừng chỉ tìm kiếm Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, mà hãy tận tụy với Ðức Kitô đang sống động trong sự đau khổ của thế giới. Thánh Frances cho chúng ta thấy, một cuộc đời vì tha nhân không nhất thiết chỉ gò bó trong những giới hạn của lời khấn.
Lời Trích
Mẹ Têrêsa có lần nói về người nữ tu trong cộng đoàn của ngài: "Hãy để Ðức Kitô toả sáng và sống động trong và qua người nữ tu khi họ đến các khu tồi tàn. Hãy giúp người nghèo mỗi khi nhìn thấy các nữ tu thì họ được thu hút đến Ðức Kitô và mời Ngài vào trong nhà họ và cuộc đời họ." Thánh Frances ở Rôma nói: "Một phụ nữ đã lập gia đình mà còn đạo đức thì thật đáng khen ngợi, nhưng họ đừng bao giờ quên rằng mình là người nội trợ. Và đôi khi, họ phải để Thiên Chúa ở bàn thờ mà về với ông chồng trong công việc hàng ngày."