Lời Chúa Ngày 10/05/2024- Bài Đọc & Tin Mừng & Suy Niệm Lời Chúa

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

Lời Chúa Ngày 10/05/2024

Lịch công giáo ngày 10-05-2024

Thứ Sáu trong tuần thứ Sáu Mùa Phục Sinh

Lễ thường - Mùa Phục Sinh

Các bài đọc và tin mừng hôm nay

Cv 18:9-18; Tv 47:2-3,4-5,6-7; Ga 16:20-23

Áo Lễ Linh Mục: Trắng

 

Nhờ đọc và suy gẫm Lời Chúa, mà tâm hồn chúng ta được biến đổi và canh tân đời sống mới nơi chúng ta. Nhờ đọc và sống Lời Chúa hằng ngày, đời sống của chúng ta mới phát sinh những hoa trái thánh thiện, bác ái, phục vụ trong yêu thương và lòng nhiệt thành truyền giáo.

Hãy cùng đọc và suy niệm lời Chúa qua các bài đọc, tin mừng mỗi ngày!

 

LỜI CHÚA (BÀI ĐỌC & TIN MỪNG) - NGÀY 10/05/2024

 

Bài Ðọc I: Cv 18, 9-18

Trong thành này, Ta có một dân đông đảo“.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

(Khi Phaolô đang ở Côrintô), một đêm kia, Chúa hiện ra phán bảo Phaolô trong một thị kiến rằng: “Con đừng sợ, cứ giảng dạy, chứ đừng làm thinh; vì Ta ở cùng con, và không ai tra tay làm hại con, vì trong thành này, Ta có một dân đông đảo”. Phaolô ở lại đó một năm sáu tháng mà giảng dạy lời Chúa cho họ.

(Ðến) thời Galliô làm tổng trấn xứ Akaia, người Do-thái đồng lòng nổi lên chống Phaolô và điệu ngài đến toà án mà thưa rằng: “Người này xui dân tôn thờ Thiên Chúa trái luật”. Phaolô toan mở miệng, thì Galliô nói với người Do-thái rằng: “Hỡi người Do-thái, nếu quả thật là điều chi tội ác, ta sẽ có lý mà nghe các ngươi; nhược bằng chỉ là những tranh luận về đạo lý, danh từ và lề luật, thì các ngươi hãy liệu lấy; ta không muốn xử các việc ấy”. Rồi ông đuổi họ ra khỏi toà án. Mọi người liền bắt Sosthênê, trưởng hội đường, và đánh đập ông ta trước toà án, thế mà Galliô cũng chẳng lưu tâm gì đến. Còn Phaolô thì lưu lại đó nhiều ngày, rồi từ giã anh em, xuống tàu đi Syria (với Priscilla và Aquila); tại Cenchri, ngài cạo trọc đầu, vì ngài đã khấn như thế.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 46, 2-3. 4-5. 6-7

Ðáp: Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian

Hoặc đọc: Alleluia.

1. Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối cao, khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian.

2. Người bắt các dân tùng phục chúng tôi, và đặt chư quốc dưới chân chúng tôi. Người đã chọn cho chúng tôi phần gia sản, vinh dự của Giacob mà Người sủng ái.

3. Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa, hãy ca mừng, ca mừng Vua của chúng ta.

Alleluia: Cl 3, 1

Alleluia, alleluia! – Nếu anh em sống lại làm một với Ðức Kitô, thì anh em hãy tìm kiếm những sự cao siêu trên trời, nơi Ðức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 16, 20-23a

“Niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui. Người đàn bà khi sinh con thì lo buồn, vì giờ đã đến, nhưng khi đã sinh con rồi, thì bà mừng rỡ, không còn nhớ đến cơn đau, bởi vì đã có một người sinh ra đời. Các con cũng thế, bây giờ các con buồn phiền, nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được. Và trong ngày đó các con sẽ không còn hỏi Thầy điều gì nữa”.

Ðó là lời Chúa.

 


SUY NIỆM LỜI CHÚA NGÀY 10/05/2024

 

10/05/2024

Thứ sáu tuần 6 ps
Th. Gio-an A-vi-la, linh mục, tiến sĩ HT
Ga 16,20-23a

Niềm vui không thể mất

“Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui cua anh em, không ai lấy mất được.” (Ga 16,22)

Suy niệm:Măng chua nấu với ngạnh nguồn, sự đời đắp đổi khi buồn khi vui.’ Cuộc sống con người buồn vui chen lẫn, cần biết thế để luôn giữ được cái tâm thanh thản đứng trước mọi nghịch cảnh. Như Chúa Giê-su báo trước, các môn đệ buồn sầu đau đớn khi chứng kiến cuộc thương khó của Ngài, nhưng họ sẽ vui mừng khi Ngài sống lại. Môn đệ Chúa cũng sống với cái buồn vui lẫn lộn. Nhưng có điều là nỗi buồn của họ sẽ biến thành niềm vui. Và niềm vui đó là niềm vui trong Chúa Ki-tô phục sinh, niềm vui chiến thắng sự chết, niềm vui được tái tạo trong đời sống mới. Niềm vui của họ chỉ có Chúa mới ban cho và không gì cướp mất đi được.

Mời Bạn: Chúa Ki-tô đã chết, đã sống lại và còn đang sống giữa chúng ta hôm nay. Ngài đang cùng chúng ta thi hành sứ vụ cứu thế trong một xã hội toàn cầu hóa nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, sâu rộng. Chúng ta được kêu mời để sống và chia sẻ niềm vui phục sinh ngay trong những hoàn cảnh tăm tối nhất, đau đớn nhất của đời sống cá nhân và xã hội. Không ki-tô hữu nào cho phép mình sống trong tâm trạng thất vọng về tương lai của mình và người khác.

Sống Lời Chúa: Bạn luôn tâm niệm: Bình an và niềm vui đích thật chỉ có nơi Thiên Chúa. Tôi xa tránh những gì làm tôi xa Chúa.

Cầu nguyện: Ôi lạy Chúa Giê-su! Chúa đã ở trong mồ đá ba ngày, nhưng nay Chúa đã sống lại. Xin Chúa luôn ở lại với chúng con. Xin Chúa chiếm hữu và làm cho chúng con thuộc về Chúa để chúng con luôn sống trong niềm vui của Chúa. Amen.

 


LẼ SỐNG TRONG LỜI CHÚA NGÀY 10/05/2024

 

10/05/2024

10 Tháng Năm

    Bàn Tay Phải Của Chúa Giêsu

    

    Có rất nhiều giai thoại kể về những tượng thánh giá cổ xưa... Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha, có một tượng thánh giá cổ rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa Giêsu vẫn còn đóng vào gỗ giá, nhưng cánh tay mặt thì rời ra và đưa đến phía trước trong tư thế ban phép lành.

    Người Tây Ban Nha kể về nguồn gốc của tượng thánh giá này như sau: Một hôm có một tội nhân đến xưng tội với vị linh mục chính xứ ngay dưới cây thánh giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một tội nhân có quá nhiều tội nặng, vị linh mục này tthường tỏ ra rất nghiêm khắc. Ngài ra việc đền tội nặng cũng như ngăm đe nhiều điều.

    Tội nhân ra về, lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng tính nào tật ấy, không bao lâu, người đó sa ngã lại. Lần này, sau khi anh xưng thú tội lỗi, vị linh mục lại đe dọa như sau: "Ðây là lần cuối cùng tôi giải tội cho ông".

    Nhiều tháng trôi qua, tội nhân lại đến quỳ dưới chân linh mục cũng bên dưới cây thánh giá và lại xin ơn tha thứ một lần nữa. Nhưng lần này, vị linh mục đã dứt khoát. Ngài trả lời: "Ông đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho ông nữa".

    Nhưng lạ lùng thay, khi vị linh mục vừa khước từ tội nhân, thì ông bỗng nghe một tiếng thì thầm từ bên thánh giá. Bàn tay phải của Chúa Giêsu bỗng được rút ra khỏi thánh giá và ban phép lành cho hối nhân. Và vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy như sau: "Chính ta là người đã đổ máu ra cho người này, chứ không phải ngươi".

    Từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ấy, như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha thứ...

    Kinh Thánh thuật lại rằng trong cuộc hành trình tiến về đất hứa, khi đi qua giữa sa mạc, dân Israel đã bị rắn cắn. Môi sen đã sai đúc một con rắn đồng và treo lên một ngọn cây để tất cả những ai bị rắn cắn, nhìn vào con rắn đồng ấy đều được chữa lành...

    Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta nhìn lên thập giá của Ngài.

    Nhìn lên thập giá của Ngài để thấy được án phạt của tội lỗi.

    Nhìn lên thập giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa.

    Phải, bên kia sự độc ác của tội lỗi, Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa: một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn phán đoán, mọi khát vọng của chúng ta.

    Nhìn lên thập giá Chúa không phải để thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi, mà trái lại để cảm mến được hồng ân bao la của Chúa, để cho tâm hồn được phấn khởi, tin yêu hơn...

    Nhìn lên thập giá Chúa để cảm mến được ơn tha thứ của Ngài, chúng ta cũng được mời gọi để cảm thông, để tha thứ hơn đối với người anh em của chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta còn được mời để gọi tha thứ nhiều hơn. Còn tha thứ nhiều hơn, chúng ta còn dễ cảm mến được ơn tha thứ của Chúa...

    Trích sách Lẽ Sống

 


HẠNH CÁC THÁNH NGÀY 10/05/2024

 

Hạnh các Thánh

10/05/2024

10/5 – THÁNH DAMIEN MOLOKAI, LINH MỤC (1840-1889)

Khi Joseph de Veuster sinh tại Tremelo, Bỉ, năm 1840, một số dân Âu châu chưa biết về bệnh phong cùi. Lúc ngài qua đời ở tuổi 49, nhờ ngài mà khắp thế giới đều biết về bệnh này.

Joseph de Veuster phải nghỉ học từ lúc 13 tuổi để làm việc ở trang trại của gia đình. Sáu năm sau, ngài vào Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Đức Mẹ (Congregation of the Sacred Hearts of Jesus and Mary), và lấy tên của vị y sĩ tử đạo hồi thế kỷ IV là Damien. Khi anh ngài là Pamphile, một linh mục cùng dòng với ngài, bị bệnh và không thể đến đảo Hawaii như được sai đi, Damien tự nguyện thay thế. Tháng 5-1864, hai tháng sau khi đến vùng đất mới, ngài được thụ phong linh mục tại Honolulu và được sai tới đảo Hawaii.

Năm 1873, ngài đến đảo Molokai (thuộc địa phận Hawaii), thành lập 7 năm trước. Mỗi nhóm truyền giáo đảm trách mỗi năm 3 tháng ở đó, nhưng Damien tình nguyện ở lại luôn, ngài chăm sóc bệnh nhân cả về thể lý lẫn tinh thần, và được chính phủ hỗ trợ. Ngài cho xây dựng nhiều căn nhà, giáo đường, trường học và trại mồ côi. Vài năm sau, ngài được sự hỗ trợ của Dòng nữ Phanxicô Syracuse, bề trên là mẹ Marianne Kope.

Ngài bị bệnh phong và qua đời vì bị biến chứng. Theo yêu cầu, ngài được an táng tại Kalaupapa, nhưng năm 1936, chính phủ Bỉ đưa thi hài ngài về Bỉ. Một phần thi hài của ngài được giao lại cho người Hawaii sau khi ngài được phong chân phước năm 1995.

Khi Hawaii trở thành đảo quốc năm 1959, người ta chọn Chân phước Damien là một trong hai tượng tiêu biểu tại Phòng điêu khắc ở Trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ. Ngài được ĐGH Gioan Phaolô II tuyên thánh năm 1995.

10 Tháng Năm

Chân Phước Damien ở Molokai

(1840 - 1889)

    Chân Phước Damien, tên thật là Giuse "de Veuster", sinh ở Bỉ ngày 3 tháng Giêng 1840, trong một gia đình mà cha là một nông dân cần cù và bà mẹ tận tụy dạy dỗ đức tin cho tám người con.

    Ngay từ nhỏ, cậu Giuse mạnh khoẻ và tráng kiện, đã phải thôi học để giúp cha trong công việc đồng áng. Cậu chăm chỉ giúp đỡ gia đình trong nhiều năm, nhưng tâm hồn cậu vẫn ở một nơi nào đó. Vào lúc 19 tuổi, theo gương anh mình, Giuse gia nhập Tu Hội Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và lấy tên là Damien. Vì nhất quyết theo đuổi việc học và để hết tâm hồn trong đời sống tu trì, chẳng bao lâu Damien đã bù đắp được sự thiếu hụt trong việc giáo dục trước đây.

    Vào năm 1863, Cha Pamphile, anh ruột của Thầy Damien, chuẩn bị đến quần đảo Hạ Uy Di trong công tác truyền giáo. Nhưng cha lâm bệnh nặng, và Thầy Damien tình nguyện thế chỗ. Sau năm tháng dòng dã trên biển, thầy đến hải cảng Honolulu. Trong vòng hai tháng tiếp đó, thầy được thụ phong linh mục và được bổ nhiệm phục vụ ở Ðại Ðảo của Hạ Uy Di. Sự phục vụ của Cha Damien được ghi nhận là hăng say và tính tình dễ dãi của ngài thu hút được nhiều người. Sau khoảng một thập niên, ngài tình nguyện đến Molokai để phục vụ các người bị mắc bệnh Hansen, thường gọi là bệnh cùi. Vào lúc Cha Damien đến đây, những người mắc bệnh cùi bị đầy ra đảo này đã hơn mười năm qua.

    Cha Damien, lúc ấy 33 tuổi, đến Molokai vào tháng Năm 1873 với hành trang là cuốn sách kinh và một ít quần áo. Theo dự định ban đầu của tu hội, ngài chỉ ở đây một vài tháng rồi sau đó có các linh mục khác lần lượt ra thay thế. Nhưng sau khi đến đây được ít lâu, ngài đã viết thư xin cha bề trên cho phép ngài vĩnh viễn ở lại Molokai.

    Có thể nói, ngài sống với người cùi -- ăn uống với họ, đụng chạm đến họ, chào đón họ. Cha Damien được giao cho trông coi một cộng đồng Công Giáo. Hàng ngày, cha như chìm đắm trong sự cầu nguyện, suy gẫm và đọc sách thiêng liêng, do đó ngài lôi cuốn được hàng trăm người trở lại đạo. Nhưng tâm hồn của cha vẫn ở với tất cả các nạn nhân của bệnh Hansen, dù Công Giáo hay không Công Giáo. Ngài chăm sóc người bệnh, mai táng kẻ chết, lắng nghe những tâm sự đau lòng. Ngài giúp cải tiến hệ thống dẫn nước cũng như nơi ăn ở của họ. Ngài trông coi việc xây cất một trường học, một cô nhi viện và tổ chức sinh hoạt thiếu nhi cũng như ca đoàn. Ngài là người đào huyệt cũng như chủ sự lễ an táng.

    Người ta không rõ khi nào thì Cha Damien bị lây bệnh cùi, nhưng chắc chắn là một ngày trong năm 1884 khi ngài bị phỏng ở chân mà không thấy đau. Căn bệnh tấn công ngài như bất cứ người nào khác: từ từ, chân tay và mặt mũi ngài biến dạng, tai ngài sưng to và méo mó. Vào ngày 15 tháng Tư 1889, ngày thứ Hai Tuần Thánh, căn bệnh đã chấm dứt cuộc đời Cha Damien, khi mới 49 tuổi. Lúc ấy được 16 năm sau khi ngài đến Molokai, và 25 năm kể từ khi ngài đến Hạ Uy Di để bắt đầu công việc truyền giáo.

    Trong những ngày cuối đời, Cha Damien được Mẹ Bề Trên Marianne Cope chăm sóc, là người đã hứa sẽ tiếp tục công việc mà cha đã khởi sự. Và sơ đã thể hiện điều đó trong 30 năm kế tiếp với sự cộng tác của các sơ trong tu hội.

    Theo lời yêu cầu, ngài được chôn cất ở Kalaupapa, nhưng vào năm 1936, chính phủ Bỉ đã thành công trong việc đưa thi hài của ngài về Bỉ. Một phần thân thể của Cha Damien được đưa về Hạ Uy Di sau lễ phong chân phước năm 1995.

    Khi Hạ Uy Di trở thành một tiểng bang của Hoa Kỳ, tiểu bang này đã chọn Cha Damien là một trong hai đại diện của quốc gia có tượng đặt trong Statuary Hall ở trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ.


    Lời Trích

    Trong bài giảng lễ phong chân phước, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "Sự thánh thiện không phải là sự tuyệt hảo theo tiêu chuẩn con người; sự thánh thiện cũng không dành riêng cho một ít người đặc biệt. Sự thánh thiện là cho mọi người; chính Chúa là người đưa chúng ta đến sự thánh thiện khi chúng ta sẵn sàng cộng tác trong công trình cứu độ thế giới vì sự vinh hiển của Thiên Chúa, bất kể tội lỗi của chúng ta hay tính khí bất thường của chúng ta."

******************************************************

Thánh Ivo ở Kermartin

    (1253 - 1303)

Chúng ta ít khi thấy vị thánh nào là quan tòa, nhưng Thánh Ivo, biệt danh là "trạng sư của người nghèo" có cả hai đặc tính này.

    Thánh Ivo sinh ở Kermartin gần Tréguier, Brittany, là con của một huân tước người Anh. Khi 14 tuổi, ngài được sang Balê trong 10 năm để hoàn tất các môn triết học, thần học và giáo luật. Sau đó ngài sang Orléans để học luật dân sự. Trong lúc theo học, ngài đã ăn chay và dự lễ hàng ngày cũng như thăm viếng kẻ bệnh tật. Sau khi trở về Brittany, ngài được bổ nhiệm làm chánh án tòa giáo hội đồng thời ngài cũng là một thành viên của dòng Ba Phanxicô.

    Việc tình nguyện biện hộ không công cho người nghèo giúp ngài có biệt danh "Trạng Sư của Người Nghèo." Thêm vào đó, ngài thường giúp đỡ họ về tiền án phí cũng như thăm viếng họ trong tù. Mặc dù việc hối lộ là một thói quen được chấp nhận thời bấy giờ, nhưng ngài không bao giờ chấp nhận "quà cáp". Ngài còn cố hòa giải giữa đôi bên trước khi đưa ra tòa để đỡ tốn kém cho họ tiền án phí.

    Tuy là một người có đầy đủ phương tiện tài chánh, nhưng đời sống cá nhân của ngài thật khắc khổ: ăn chay, mặc áo nhặm, và thức ăn rất tầm thường.

    Năm 1284, ngài được thụ phong linh mục trong Giáo Phận Tréquier. Năm 1287, ngài từ bỏ công việc luật sư để dành trọn thời giờ cho giáo dân trong các giáo xứ ngài phục vụ. Các bài giảng của ngài thật rõ ràng và đơn giản. Ngài thường được mời để xử kiện, và giáo dân thường nói về ngài như "một trạng sư thành thật."

    Ngài xây nhà thương, chăm sóc người bệnh, và chia sẻ tài sản cho người nghèo. Có lần ngài để cho người ăn xin ngủ ở trên giường, trong khi ngài ngủ dưới đất. Sự khắc khổ của ngài ngày càng nghiêm nhặt theo thời gian.

    Cha Ivo được phong thánh năm 1347.


    Lời Bàn

    "Chúng ta phải chuẩn bị để lãnh nhận các nhiệm vụ và chức năng mới trong mọi lãnh vực của sinh hoạt loài người, và nhất là trong lãnh vực xã hội quốc tế, nếu muốn thể hiện sự công bằng đích thực... Chúng ta không thể quên được con số ngày càng gia tăng của những người thường bị gia đình và xã hội bỏ rơi: người già, trẻ cô nhi, người đau yếu và tất cả những người bị xã hội bạc đãi" (Thượng Hội Ðồng Giám Mục 1971, Công Bằng Trong Thế Giới, #1).


    Lời Trích

    Thiên vị người giầu có hoặc người hoạt bát là điều dễ. G.K. Chesterton viết: "Các quy tắc của một đoàn hội thỉnh thoảng mới chú ý đến phần tử nghèo nhưng luôn luôn có xu hướng thiên vị người giầu" (Orthodoxy, t. 41). Cố đối xử công bằng với mọi người thì không phải dễ và đó là công việc không bao giờ cùng. Sự công bằng liên hệ đến tất cả chúng ta -- chứ không chỉ là công việc của luật sư hay quan toà.

   

 

Lời Chúa Hôm Nay
Kinh Mân Côi
Lịch Công Giáo