Lời Chúa Ngày 11/04/2024- Bài Đọc & Tin Mừng & Suy Niệm Lời Chúa

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

Lời Chúa Ngày 11/04/2024

Lịch công giáo ngày 11-04-2024

Thứ Năm trong tuần thứ Hai Mùa Phục Sinh

Lễ thường - Mùa Phục Sinh

Các bài đọc và tin mừng hôm nay

Cv 5:27-33; Tv 34:2,9,17-18,19-20; Ga 3:31-36

Áo Lễ Linh Mục: Trắng

 

Nhờ đọc và suy gẫm Lời Chúa, mà tâm hồn chúng ta được biến đổi và canh tân đời sống mới nơi chúng ta. Nhờ đọc và sống Lời Chúa hằng ngày, đời sống của chúng ta mới phát sinh những hoa trái thánh thiện, bác ái, phục vụ trong yêu thương và lòng nhiệt thành truyền giáo.

Hãy cùng đọc và suy niệm lời Chúa qua các bài đọc, tin mừng mỗi ngày!

 

LỜI CHÚA (BÀI ĐỌC & TIN MỪNG) - NGÀY 11/04/2024

 

Bài Ðọc I: Cv 5, 27-33

“Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Hôm ấy, khi các thủ hạ dẫn các tông đồ đi, họ đem các ngài ra trước công nghị. Vị thượng tế hỏi các ngài rằng: “Ta đã ra lệnh cấm các ngươi nhân danh ấy mà giảng dạy. Thế mà các ngươi đã giảng dạy giáo lý các ngươi khắp cả Giêrusalem; các ngươi còn muốn làm cho máu người đó lại đổ trên chúng tôi ư?” Phêrô và các tông đồ trả lời rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta. Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã cho Ðức Giêsu sống lại, Ðấng mà các ông đã giết khi treo Ngài trên thập giá. Thiên Chúa đã dùng quyền năng tôn Ngài làm thủ lãnh và làm Ðấng Cứu Ðộ, để ban cho Israel được ăn năn sám hối và được ơn tha tội. Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần, Ðấng mà Thiên Chúa đã ban cho mọi kẻ vâng lời Người?” Khi nghe những lời đó, họ liền phẫn nộ và tìm mưu giết các ngài.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2 và 9. 17-18. 19-20

Ðáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe

Hoặc đọc: Alleluia.

1. Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người.

2. Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Ngài cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo.

3. Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương giập nát. Người hiền đức gặp nhiều bước gian truân, nhưng Chúa luôn luôn giải thoát.

Alleluia: Ga 16, 7 và 13

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy sẽ sai Thần Chân Lý đến, người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật”. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 3, 31-36

“Ðức Chúa Cha thương mến Con Ngài, nên ban toàn quyền trong tay Con Ngài”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, ông Gioan nói để làm chứng về Chúa Giêsu rằng: “Ðấng từ trên cao mà đến thì vượt trên hết mọi người. Kẻ bởi đất mà ra, thì thuộc về đất và nói những sự thuộc về đất. Ðấng từ trời mà đến thì vượt trên hết mọi người. Ðiều gì Người thấy và nghe, thì Người làm chứng về điều đó. Nhưng lời chứng của Người không ai chấp nhận. Ai chấp nhận lời chứng của Người, thì quả quyết Thiên Chúa là Ðấng chân thật. Ðấng được Thiên Chúa sai đến thì nói lời của Thiên Chúa, vì được Chúa ban cho thần linh khôn lường. Cha yêu mến Con, nên đã ban mọi sự trong tay Con. Ai tin vào Con thì có sự sống đời đời. Còn ai không tin vào Con, thì sẽ không được thấy sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên người ấy”.

Ðó là lời Chúa.

 


SUY NIỆM LỜI CHÚA NGÀY 11/04/2024

 

11/04/2024

THỨ NĂM TUẦN 2 PS
Th. Ta-nít-la-ô, giám mục, tử đạo
Ga 3,31-36

TIN VÀO NGƯỜI CON

Ông Gio-an trả lời: “Chúa Cha yêu thương người Con, và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời.” (Ga 3,35-36)

Suy niệm: Trên đây là lời chứng cuối cùng của Gio-an Tẩy Giả được tác giả Tin Mừng thứ tư ghi lại với mục đích minh giáo, nghĩa là muốn nêu bật địa vị trổi vượt của Chúa Giê-su trên ông Gio-an. Lời chứng này là câu trả lời rõ ràng cho một số tín hữu tiên khởi (và cho các nhóm môn đệ của Gio-an Tẩy Giả nữa) đang phân vân về vai trò và địa vị của Gio-an Tẩy Giả đối chiếu với Chúa Giê-su. Nhưng nội dung của lời chứng cho thấy đây không chỉ là chuyện Chúa Giê-su trổi vượt trên Gio-an, mà còn hơn thế nữa: Chúa Giê-su trổi vượt trên tất cả; và tất cả thuộc về Người. Chúa Cha đã giao mọi sự trong tay Chúa Giê-su! Và ai tin vào Chúa Giê-su thì được cứu độ!

Mời Bạn: Bạn xác quyết địa vị trung tâm và tối thượng của Chúa Giê-su trong đời sống đức tin, điều đó không sai. Bất cứ sự sùng mộ nào trong Ki-tô giáo (tôn sùng các thánh, kể cả việc tôn sùng Đức Ma-ri-a…) cũng đều phải qui về Chúa Giê-su; nếu không vậy, thì đó là những sự sùng mộ đáng ngờ. Khỏi nói đến những niềm tin tưởng kỳ quặc, rõ ràng có tính mê tín dị đoan… Tuy nhiên, cũng sẽ không thích đáng nếu ta giữ thái độ ‘độc chiếm Đức Ki-tô’, nghĩa là phủ nhận mọi dấu vết hoạt động của Thánh Thần Đức Ki-tô ở ngoài Giáo Hội hữu hình (chẳng hạn, nơi các nền văn hóa, nơi các tôn giáo lớn của Á Châu này…).

Sống Lời Chúa: Trong giờ cầu nguyện, bạn suy gẫm để nhận ra hoạt động của “Thần Khí vô ngần vô hạn” của Đức Ki-tô bên ngoài phạm vi của Giáo Hội hữu hình.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha để xin cho “Nước Cha trị đến”.

 


LẼ SỐNG TRONG LỜI CHÚA NGÀY 11/04/2024

 

11/04/2024

11 Tháng Tư

    Ðám Cưới Vĩ Ðại Nhất

    

    Một trong những đám cưới được xem là vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại đó là đám cưới của Alexandre Ðại đế với công chúa Roxane của Ba Tư vào thế kỷ thứ tư trước công nguyên.

    Khi quyết định một người Á châu, dĩ nhiên, Alexandre theo tiếng gọi của con tim. Nhưng qua cuộc hôn nhân này, ông muốn biểu tỏ ý muốn thống nhất tất cả lãnh thổ đã được chinh phục từ Ðông sang Tây. Ông cũng hy vọng có một người con nối dõi với hai dòng máu Ðông Tây để thống nhất hai phần đất của địa cầu.

    Ðám cưới được cử hành trong vòng bảy ngày, bảy đêm. Nơi nơi đều có yến tiệc. Và để tăng thêm phần long trọng, Alexandre đã cho tổ chức những cuộc tranh tài thể thao: thế vận hội đã được khai sinh từ đó. Chính Ðại đế là người đích thân trao giải thưởng cho những người thắng cuộc. Thông thường hoàng đế trao tặng những chiếc cúp bằng vàng. Nhưng, người được coi là đoạt được nhiều giải thưởng nhất trong cuộc thi thế vận hội đầu tiên ấy chỉ nhận được có mỗi một cành lá. Alexandre Ðại đế giải thích như sau: chỉ có vinh hiển mới có thể tưởng thưởng được người xuất sắc nhất.

    Có một hôn lễ còn vĩ đại gấp bội so với hôn lễ của Alexandre Ðại đế với công chúa Roxane: đó là hôn lễ của Trời với Ðất, của Thiên Chúa với Nhân Loại. Ðây là cuộc hôn lễ mà loài người đã chờ đợi từ khi có mặt trên trái đất. Hôn lễ ấy diễn ra qua việc Con Thiên Chúa xuống thế mặc lấy xác phàm. Ngài đến không kèn không trống, không quân đội, không thế vận hội. Ngài không mang lại các cúp vàng, Ngài không chỉ trao cành lá vinh thắng cho một người, nhưng cho tất cả mọi người. Ai cũng có thể chiến thắng cho cuộc sống của mình và ai cũng có thể nhận lãnh cành lá vinh hiển ấy.

    Ai trong chúng ta cũng có một phần thưởng vô giá, ai trong chúng ta cũng là người đoạt giải nhất và ai trong chúng ta cũng nhận được cành lá vinh hiển của sự sống đời đời.

    Với Chúa Giêsu là Ðấng đã thắng thế gian và đang tiếp tục chiến đấu bên cạnh chúng ta, chúng ta tin chắc rằng chúng ta cũng sẽ chiến thắng.

    

    Trích sách Lẽ Sống

 


HẠNH CÁC THÁNH NGÀY 11/04/2024

 

Hạnh các Thánh

11/04/2024

11/4 – THÁNH STANISLAÔ, GIÁM MỤC TỬ ĐẠO (1030-1079)

Bất kỳ ai đọc lịch sử Đông Âu cũng không thể không biết đến Thánh Stanislaô, ngài là giám mục thánh thiện của giáo phận Kraków nhưng bi thảm, và là bổn mạng của đất nước Ba Lan. Ngài được nhớ chung với các Thánh Thomas More và Thomas Becket về cách chống đối dữ dội với điều ác của chính quyền bất công.

Ngài sinh ngày 26-7-1030 tại Szczepanow, gần Kraków, và thụ phong linh mục sau khi học trường Gniezno, lúc đó là thủ đô của Ba Lan, và học tại Paris. Ngài được bổ nhiệm làm nhà thuyết giáo và giám mục phó giáo phận Kraków, tài hùng biện và gương sáng của ngài đã khiến nhiều người ăn năn trở lại, cả giáo sĩ và giáo dân. Ngài trở thành giám mục giáo phận Kraków năm 1072.

Trong thời kỳ viễn chinh chống lại công tước miền Kiev, Stanislaô liên quan tình hình chính trị của Ba Lan. Ngài nổi tiếng có tài hùng biện nên ngài nhắm vào những điều ác của giai cấp nông dân và nhà vua, nhất là cuộc chiến bất công và hành động vô luân của vua Bôleslaô II.

Mới đầu nhà vua xin lỗi và tỏ ra ăn năn, nhưng rồi ngựa lại quen đường cũ. Stanislaô tiếp tục công khai phản đối mặc dù bị kết tội phản quốc và bị dọa giết chết, cuối cùng ngài dứt phép thông công nhà vua. Nhà vua giận dữ sai lính giết ngài. Lính từ chối, chính nhà vua ra tay sát hại ngài. Nhà vua bỏ trốn sang Hungary, và rồi dành phần đời còn lại ăn năn đền tội trong Dòng Biển Đức ở Osiak.

11/4

Thánh Stanislaus

    (1030 - 1079)

    Bất cứ ai đọc lịch sử Ðông Âu đều phải biết đến tên Stanislaus, vị giám mục thánh thiện nhưng bi thương của giáo phận Krakow. Cùng với các Thánh Tôma More và Tôma Becket, ngài thường được nhớ đến vì sự chống đối quyết liệt của ngài đối với một chính phủ hung bạo và bất chính thời ấy.

    Thánh Stanislaus sinh trong một gia đình quý tộc ở Szczepanow gần Krakow. Ngài theo học các trường Công Giáo ở Gniezno, sau đó ở thủ đô Ba Lan, và ở Balê. Ngài thụ phong linh mục ở Gnesen và được bổ nhiệm làm tổng phó tế và người thuyết giáo của Ðức Giám Mục Krakow, là nơi tài hùng biện và gương mẫu của ngài đã giúp nhiều người thực sự hoán cải đời sống, trong đó có cả hàng giáo sĩ. Ngài trở thành giám mục của Krakow năm 1072.

    Trong cuộc viễn chinh chống với Ðại Ðế Duchy của Kiev, Ðức Stanislaus bị dính líu đến tình hình chính trị ở Ba Lan. Nổi tiếng là người thẳng thắn, ngài tấn công những hành động xấu xa của vua và người dân, nhất là các cuộc chiến bất chính cũng như các hành động vô luân của Vua Boleslaus II vì ông đã cướp vợ của một nhà quý tộc.

    Lúc đầu nhà vua tự ý xin lỗi và bày tỏ sự ăn năn sám hối, nhưng sau đó lại trở về con đường cũ. Ðức Stanislaus tiếp tục công khai chống đối bất kể những hăm dọa về tội phản quốc và tử hình. Sau cùng ngài đã ra vạ tuyệt thông nhà vua và từ chối cử hành Thánh Lễ mỗi khi có sự hiện diện của ông. Ðiên lên vì tức giận, nhà vua ra lệnh quân lính hạ sát vị giám mục. Khi binh lính từ chối không tuân phục, chính tay ông đã giết Ðức Stanislaus trong khi ngài cử hành Thánh Lễ trong một nhà nguyện ở ngoại ô thành phố.

    Ðức Stanislaus là biểu hiệu của tinh thần dân tộc Ba Lan. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Innôcentê IV phong thánh năm 1253 và được đặt làm quan thầy chính thức của Krakow.


    Lời Bàn

    Thánh Gioan Tẩy Giả, Tôma Becket, Tôma More và Stanislaus là một vài ngôn sứ dám tố giác sự thối nát của những người có địa vị. Các ngài đã theo chân Ðức Giêsu Kitô, là người vạch ra sự sa đọa luân lý của các nhà lãnh đạo tôn giáo thời ấy. Ðó là một công việc đầy nguy hiểm đòi hỏi sự can đảm sống chứng nhân cho Tin Mừng.


    Lời Trích

    "Những người khao khát muốn có quyền bính để có thể áp đặt luật lệ, mệnh lệnh và kiểm soát người khác, thì chính họ là những người sống vô kỷ luật và không kiềm chế" (Thánh Tôma More, Một Ðối Thoại Về Sự Tiện Nghi).

    

   

 

Lời Chúa Hôm Nay
Đọc Kinh Sáng
Lịch Công Giáo