Lịch công giáo ngày 13-04-2024
Thứ Bảy trong tuần thứ Hai Mùa Phục Sinh
Lễ thường - Mùa Phục Sinh
Các bài đọc và tin mừng hôm nay
Cv 6:1-7; Tv 33:1-2,4-5,18-19; Ga 6:16-21
Áo Lễ Linh Mục: Trắng
Nhờ đọc và suy gẫm Lời Chúa, mà tâm hồn chúng ta được biến đổi và canh tân đời sống mới nơi chúng ta. Nhờ đọc và sống Lời Chúa hằng ngày, đời sống của chúng ta mới phát sinh những hoa trái thánh thiện, bác ái, phục vụ trong yêu thương và lòng nhiệt thành truyền giáo.
Hãy cùng đọc và suy niệm lời Chúa qua các bài đọc, tin mừng mỗi ngày!
LỜI CHÚA (BÀI ĐỌC & TIN MỪNG) - NGÀY 13/04/2024
Bài Ðọc I: Cv 6, 1-7
“Họ chọn bảy người đầy Thánh Thần”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, số môn đồ gia tăng, nên xảy ra việc các người Hy-lạp kêu trách các người Do-thái, vì trong việc phục vụ hằng ngày, người ta khinh miệt các bà goá trong nhóm họ. Nên Mười Hai Vị triệu tập toàn thể môn đồ đến và bảo: “Chúng tôi bỏ việc rao giảng lời Chúa mà lo đi giúp bàn, thì không phải lẽ. Vậy thưa anh em, anh em hãy chọn lấy bảy người trong anh em có tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan, để chúng tôi đặt họ làm việc đó. Còn chúng tôi, thì sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa”. Cả đoàn thể đều tán thành lời các ngài và chọn Têphanô, một người đầy đức tin và Thánh Thần, và chọn Philipphê, Prôcô, Nicanô, Timon, Parmêna và Nicôla quê ở Antiôkia. Họ đưa mấy vị đó đến trước mặt các Tông đồ. Các ngài cầu nguyện và đặt tay trên các vị đó. Lời Chúa lan tràn, và số môn đồ ở Giêrusalem gia tăng rất nhiều. Cũng có đám đông tư tế vâng phục đức tin.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 32, 1-2. 4-5. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, như chúng con đã trông cậy Chúa (c. 22).
Hoặc đọc: Alleluia.
1. Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa, ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa.
2. Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa.
3. Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.
Alleluia: Ga 19, 28
Alleluia, alleluia! – Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian; bây giờ Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Cha. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 6, 16-21
“Họ thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Chiều đến, các môn đệ Chúa Giêsu xuống bờ biển. Rồi lên thuyền, sang bên kia, trẩy về hướng Capharnaum. Trời đã tối, mà Chúa Giêsu vẫn chưa đến với họ. Bỗng cuồng phong thổi lên, biển động mạnh. Khi chèo đi được chừng hai mươi lăm hay ba mươi dặm, thì họ thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển, tiến lại gần thuyền, họ hoảng sợ. Nhưng Người nói với họ: “Chính Thầy đây, đừng sợ”. Họ định rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc ấy, thuyền đã đến nơi họ định tới.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM LỜI CHÚA NGÀY 13/04/2024
THỨ BẢY TUẦN 2 PS
Th. Mác-ti-nô I, giáo hoàng, tử đạo
Ga 6,16-21
ĐƯỜNG ĐI CÓ CHÚA ĐỒNG HÀNH
Khi đã chèo thuyền được năm sáu cây số, các ông thấy Đức Giê-su đi trên mặt biển và đến gần thuyền, các ông hoảng sợ. Nhưng Người bảo các ông: “Thầy đây mà, đừng sợ!” (Ga 6,19)
Suy niệm: Hẳn các tông đồ đang tiếc rẻ: Phải chi được ở lại với đám đông phấn khích muốn tôn Chúa lên làm vua vì Ngài đã cho họ ăn bánh no nê thì hay biết mấy! Thế mà giờ đây, các ông đang vất vả chèo lái con thuyền vượt Biển Hồ giữa gió to sóng lớn. Các ông lại càng hoang mang hoảng sợ khi Chúa đi trên mặt biển mà đến với các ông. May thay, nhờ một lời nói trấn an của Chúa: “Thầy đây, đừng sợ!” các ông nhận ra Ngài và có Chúa đồng hành, các ông được đến nơi bình an.
Mời Bạn: Câu chuyện của các môn đệ cũng giống như cuộc hành trình đức tin của chúng ta hôm nay trong trần gian này. Lắm lúc chúng ta tưởng mình đang lẻ loi đơn độc khi chèo chống con thuyền đời mình, gia đình mình giữa sóng gió cuộc đời. Thật ra, Chúa vẫn đồng hành với chúng ta. Chỉ cần bạn dành ra những phút bình tâm cầu nguyện, bạn có thể nhận ra Chúa đang hiện diện với bạn và bạn nghe được tiếng nói ân cần của Ngài: “Thầy đây mà, đừng sợ!” Và như thế, hành trình đức tin của chúng ta luôn có Chúa cùng đồng hành với chúng ta; chúng ta tin tưởng, phó thác và cùng đi với Ngài.
Sống Lời Chúa: Luôn dành thời gian cho gia đình bạn và cho riêng bạn để cầu nguyện sáng tối mỗi ngày, bằng cách đó bạn có thể nhận ra Chúa luôn đồng hành với bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, “giữa cảnh gian truân, con kêu cầu Chúa, Chúa đáp lời và giải thoát con. Có Chúa ở cùng con, con chẳng sợ gì; hỏi người đời làm chi con được?” (x. Tv 117,5-6)
LẼ SỐNG TRONG LỜI CHÚA NGÀY 13/04/2024
13 Tháng Tư
Emmaus
Nói đến những người không nhà không cửa, người ta thường nhắc đến cha Henri Groués quen được gọi tắt là cha Pierre, người đã sáng lập cộng đồng Emmaus nhằm giúp những người bần cùng tự tay xây dựng cuộc sống của họ.
Phong trào cộng đồng Emmaus khởi sự bằng một căn nhà đổ nát ở vòng đai của thành phố Paris vào hồi đệ nhị thế chiến. Những người khách đầu tiên của tổ ấm này là các thanh thiếu niên bụi đời, những người không nhà không cửa, hoặc các tù nhân vừa được phóng thích.
Câu nói đầu tiên của cha Pierre với những người mới đặt chân đến cộng đồng là : "Bạn không được may mắn, nhưng tôi cần bạn để giúp đỡ những người khác...". Dù khổ sở đến đâu, ai cũng muốn người khác nhìn nhận giá trị của mình, ai cũng muốn trở thành hữu ích cho người khác. Ðó là niềm tin mà cha Pierre luôn khơi dậy nơi những người đã mất tất cả hy vọng.
Cha Pierre đặt tên Emmaus cho cộng đồng của Ngài là để nhớ lại câu chuyện của hai người môn đệ Chúa Giêsu trong buổi chiều Phục Sinh. Cũng như hai người môn đệ này, giữa lúc họ tưởng như mất tất cả, Chúa Giêsu đã hiện đến mang lại niềm tin cho họ. Cũng thế, cha Pierre và những người bạn đầu tiên của Ngài đã tìm gặp được hứng khởi, niềm tin yêu giữa những mất mát ê chề của cuộc sống.
Tạo lại niềm hy vọng vào cuộc sống đó là khẩu lệnh của cha Pierre, và xây dựng lại niềm hy vọng đó từ những đổ nát, mất mát. Chính vì thế mà cộng đồng Emmaus chủ trương đi thu nhặt lại các đồ phế thải, các vật dụng cũ kỹ để chế biến và bán lại, như một sản phẩm cho chính tay mình làm nên.
Hiện nay phong trào đã có mặt tại 50 quốc gia trên thế giới với khoảng 290 cộng đồng. Tất cả mọi người trong cộng đồng đều sống với niềm hy vọng từ những đổ nát và mất mát trong cuộc sống.
Tin Mừng của Thánh Luca thuật lại rằng, buổi chiều hôm đó, có hai người môn đệ của Chúa Giêsu lên đường đi Emmaus, trở về làng cũ của họ.
Cái chết của Chúa Giêsu là một chấm hết đối với họ: hết mộng công hầu khanh tướng, hết giấc mơ của một nước Israel thịnh vượng, hết mọi hy vọng. Trở về làng cũ tức là trở về với thất vọng ê chề. Nhưng cũng chính lúc đó, Chúa Giêsu đã hiện ra với họ, cái chết mang một ý nghĩa mới, mất mát đã trở thành khởi đầu của lợi lộc, thất bại trở thành khởi điểm của thành công, buồn phiền đã biến thành vui mừng hân hoan... Ánh sáng Phục Sinh của Chúa Giêsu đã mặc cho mọi biến cố của cuộc sống một ý nghĩa mới. Tin tưởng lạc quan đã trở thành nhân đức cơ bản của đời Kitô.
Ở bất cứ nơi đâu và ở bất cứ thời đại nào, sau một lần đổ nát, người ta thường hát lên điệp khúc: Hãy xây dựng lại từ đổ nát!
Ðó là niềm tin mà hơn bất cứ lúc nào chúng ta cần phải bám lấy... Bạn đang sầu khổ vì những mất mát ê chề trong cuộc sống ư? Bạn đang quằn quại trong đau khổ của thể xác và tinh thần ư? Bạn đang cảm thấy mình ở dưới vực thẳm của tội lỗi ư?
Chúa Giêsu của thành Emmaus đang nói với bạn: đừng thất vọng, Ngài đang đồng hành với bạn, và với Ngài, bạn có thể xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trích sách Lẽ Sống
HẠNH CÁC THÁNH NGÀY 13/04/2024
13/4 – THÁNH MARTINÔ I, GIÁO HOÀNG TỬ ĐẠO (+ 655)
Khi ngài trở thành giáo hoàng Martin I năm 649, Constantinople là thủ đô của đế quốc Byzantine và Giáo Hội Trưởng Lão của Constantinople là người lãnh đạo Giáo Hội uy tín nhất Giáo Hội Kitô giáo Đông phương. Những cuộc đấu tranh xảy ra trong Giáo Hội thời đó được khuyếch đại bởi sự hợp tác của hoàng đế và giáo trưởng.
Có một huấn giáo rất được ủng hộ ở Đông phương cho rằng Đức Kitô không có ý muốn của con người. Hai hoàng đế chính thức ủng hộ vị trí này, Heraclius ủng hộ bằng cách công bố một công thức tuyên tín và Constans II ủng hộ bằng cách không nói về vấn đề có một hay hai ý muốn trong Chúa Kitô.
Không lâu sau khi trở thánh giáo hoàng, mặc dù lúc đầu không được hoàng đế công nhận, ngài mở Công đồng Latêranô. Công đồng này chỉ trích các tài liệu của hoàng đế, Giáo Hội Trưởng Lão của Constantinople và hai người kế vị đều bị chỉ trích. Để phản hồi, Constans II tìm cách làm cho các giám mục và các tín hữu chống lại giáo hoàng.
Bị thất bại nên họ tìm cách giết giáo hoàng, hoàng đế sai quân lính đến Rôma bắt ĐGH Martin I và đưa về Constantinople. Sức khỏe rất yếu nên không thể kháng cự, ngài trở về với quan trấn thủ Calliopas và bị tù, bị hành hạ và chịu nhiều thử thách. Dù bị kết án tử, ngài vẫn không bị xử tử nhờ lời van xin của một người hối lỗi tên là Phaolô, trưởng lão của Constantinople, cũng đang bị bệnh nặng. Ngài qua đời không lâu sau đó do bị hành hạ và bị đối xử tàn bạo. Ngài là vị giáo hoàng cuối cùng trong các vị giáo hoàng được tôn phong là thánh tử đạo.
Thánh Giáo Hoàng Martin
(c. 655)
Khi Ðức Martin I làm giáo hoàng năm 649, Constantinople là thủ đô của Ðế Quốc Byzantine và Ðức Thượng Phụ Constantinople là vị lãnh đạo Giáo Hội có thế lực nhất của Kitô Hữu Ðông Phương. Những tranh chấp hiện có trong Giáo Hội hoàn vũ thời bấy giờ lại càng thêm quyết liệt bởi sự cộng tác chặt chẽ giữa hoàng đế và đức thượng phụ.
Một giáo huấn được Giáo Hội Ðông Phương quyết liệt bảo vệ là cho rằng Ðức Kitô không có ý chí của loài người (*). Ðã hai lần, các hoàng đế chính thức lên tiếng bảo vệ lập trường này, lần đầu Hoàng Ðế Heraclius cho công bố bản tuyên xưng đức tin, và sau đó Hoàng Ðế Constant II ra lệnh bác bỏ vấn đề Ðức Kitô có một hoặc hai ý chí.
Trước khi được chọn làm giáo hoàng, Ðức Martin từng là người đọc sách và là phó tế. Và sau khi nhậm chức không lâu, Ðức Martin đã tổ chức một công đồng ở Latêranô mà trong đó các sắc lệnh của vua bị kiểm duyệt, và đức thượng phụ của Constantinople cũng như hai vị tiền nhiệm đều bị lên án là sai lạc. Ðể đối phó, Hoàng Ðế Constant II cố vận động các giám mục và dân chúng chống đối đức giáo hoàng.
Sau khi thất bại trong mưu toan này, hoàng đế sai Olympius, quan tổng trấn Ravenna, bắt đức giáo hoàng đưa về Constantinople xét xử. Nhưng Olympius thất bại, và đến năm 653, quan tổng trấn mới là Theodore Collipas đã xâm chiếm Rôma và bắt giam đức giáo hoàng ở Naxos trong một năm trời. Sau khi điệu về Constantinople, Ðức Martin bị kết tội phản loạn và bị tử hình. Mặc dù các tra tấn đã được thi hành, Ðức Martin được thoát án tử nhờ sự can thiệp của Ðức Phaolô II, vị thượng phụ của Constantinope, là người đã ăn năn sám hối về hành động của mình. Bản án tử hình được đổi thành khổ sai chung thân.
Vì hậu quả của các cuộc tra tấn và cực hình, Ðức Martin đã từ trần sau đó không lâu. Ngài là vị giáo hoàng sau cùng chịu tử đạo.
Lời Bàn
Ý nghĩa thực sự của chữ tử đạo không phải là sự chết, mà là sự làm chứng. Vị tử đạo sẵn sàng hy sinh mọi sự, quý giá nhất là sinh mạng của họ, và đặt đức tin lên trên hết. Tử đạo, chết vì đức tin, là một cao độ bất ngờ mà một số người phải trải qua để thể hiện đức tin của mình nơi Ðức Kitô. Một đức tin sống động, một cuộc đời theo gương Ðức Kitô bất kể những khó khăn, đó là sự đòi hỏi của tất cả Kitô Hữu.
(*) Lạc thuyết độc chí (monothelitism) cho rằng Ðức Kitô chỉ có một ý chí độc nhất là ý chí Thiên Chúa.