Lịch công giáo ngày 14-05-2024
Thánh Matthia, Tông Đồ
Lễ kính - Mùa Phục Sinh
Các bài đọc và tin mừng hôm nay
Cv 20:17-27; Tv 68:10-11,20-21; Ga 17:1-11
Áo Lễ Linh Mục: Đỏ
Nhờ đọc và suy gẫm Lời Chúa, mà tâm hồn chúng ta được biến đổi và canh tân đời sống mới nơi chúng ta. Nhờ đọc và sống Lời Chúa hằng ngày, đời sống của chúng ta mới phát sinh những hoa trái thánh thiện, bác ái, phục vụ trong yêu thương và lòng nhiệt thành truyền giáo.
Hãy cùng đọc và suy niệm lời Chúa qua các bài đọc, tin mừng mỗi ngày!
LỜI CHÚA (BÀI ĐỌC & TIN MỪNG) - NGÀY 14/05/2024
Bài Ðọc I: Cv 1, 15-17. 20-26
“Matthia trúng thăm, ông được kể vào số mười một Tông Ðồ”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phêrô đứng lên giữa anh em (đám đông có chừng một trăm hai mươi người) mà nói: “Hỡi anh em, phải ứng nghiệm lời Thánh Kinh mà Thánh Thần đã dùng miệng Ðavít để tiên báo về Giuđa, kẻ hướng dẫn những người bắt Chúa Giêsu. Hắn cũng là một trong số chúng ta, đã thông phần chức vụ của chúng ta. Vì chưng, trong Thánh vịnh có chép rằng: “Trại của nó sẽ trở nên hoang vắng, và không một ai ở lại trong đó, và một người khác sẽ lãnh lấy chức vụ của nó”. Vậy trong những người đi cùng với chúng ta suốt thời gian Chúa Giêsu sống giữa chúng ta, kể từ ngày Gioan thanh tẩy cho đến ngày Chúa Giêsu lìa chúng ta mà lên trời, chúng ta phải chọn lấy một trong những người có mặt đây, để cùng với chúng ta làm chứng Người đã sống lại”.
Họ giới thiệu hai người: ông Giuse, tức Barsabba, biệt danh là Công chính, và ông Matthia. Ðoạn họ cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, Chúa thấu suốt tâm hồn mọi người, xin hãy tỏ ra Chúa chọn ai trong hai người này để nhận chức vụ và tước hiệu Tông đồ thay cho Giuđa, kẻ đã hư hỏng mà đi đến nơi của nó”. Thế rồi họ bỏ thăm và Matthia đã trúng thăm: ông được kể vào số với mười một Tông đồ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 112, 1-2. 3-4. 5-6. 7-8
Ðáp: Chúa cho người ngồi với những bậc quân vương của dân Người (c. 8).
1. Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa. Nguyện danh Chúa được chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn đời.
2. Từ mặt trời mọc lên tới khi lặn xuống, nguyện cho danh Chúa được ngợi khen. Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời, là vinh quang của Chúa.
3. Ai được như Thiên Chúa chúng tôi, Người ngự trên nơi cao thẳm, và Người để mắt nhìn coi, khắp cả trên trời dưới đất?.
4. Người nâng cao kẻ túng thiếu từ chỗ bụi tro, và cất nhắc bạn cơ bần từ nơi phẩn thổ, hầu cho họ ngồi với những bậc quân vương, với những bậc quân vương của dân Người.
Alleluia: Ga 15, 16
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại”. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 15, 9-17
“Thầy không còn gọi các con là tôi tớ: Thầy gọi các con là bạn hữu”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy; cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn.
“Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền.
“Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là: các con hãy yêu mến nhau”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM LỜI CHÚA NGÀY 14/05/2024
Thứ ba tuần 7 ps
Th. Mát-thi-a, tông đồ
Ga 15,9-17
Ở lại trong tình yêu Chúa
‘‘Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.’’(Ga 15,9)
Suy niệm: Khi đi rao giảng, Chúa Giê-su không ở một nơi cố định, nhưng có một ‘nơi’ mà Ngài luôn hiện diện và Ngài mời gọi các môn đệ cùng đến đó với Ngài: “Hãy lại trong tình yêu của Thầy”. Có thể nói: “Tình yêu của Chúa Cha” là ‘quê hương’, là ‘nhà’, là ‘môi trường sống’ của Chúa Giê-su. Ngài hít thở, lớn lên trong bầu khí đó từng ngày, từng giờ, và không bao giờ xa lìa ‘không gian’ thánh thiêng huyền diệu đó.
Mời Bạn: ‘Ở lại trong tình yêu của Chúa’ là tuân giữ các giới răn của Chúa, là yêu mến và sống kết hiệp với Chúa. Lời kêu mời “hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” không phải là lời mời xã giao nhưng là tâm tình thiết tha của Chúa. Vì yêu thương ta Ngài mong muốn ta đến với Ngài vì chỉ nơi Ngài ta mới có niềm vui, bình an, sự sống đích thực.
Sống Lời Chúa: Thỉnh thoảng trong khi làm việc, tôi dừng lại một ít phút để thưa chuyện với Chúa, để bày tỏ với Ngài tâm tình yêu mến của tôi.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, con đã yêu Chúa quá muộn! Này Chúa vốn ở trong con, mà con lại ở ngoài con, và tìm Chúa ở bên ngoài. Là kẻ xấu xa, con đã lăn xả vào những thụ tạo xinh đẹp Chúa đã dựng nên. Chúa đã ở với con mà con lại không ở với Chúa. Chúa đã kêu gọi, đã gào thét, đã thắng sự điếc lác của con. Chúa đã soi sáng, đã chiếu rọi, đã xua đuổi sự mù lòa của con. Chúa đã tỏa mùi thơm của Chúa ra và con đã được hít lấy và đâm ra say mê Chúa. Con đã được nếm Chúa và đâm ra đói khát Chúa. Chúa đã chạm tới con và con ước ao sự bình an của Chúa.” (Thánh Augustinô, Tự Thuật)
LẼ SỐNG TRONG LỜI CHÚA NGÀY 14/05/2024
14 Tháng Năm
Hương Vị Của Khói
Ðể đả phá tính ích kỷ, người Ả Rập thường kể câu chuyện như sau:
Tai một khu phố nọ, có không biết bao nhiêu cửa hàng ăn uống mọc lên. Hương vị bốc lên từ các cửa hàng này thu hút những người giàu lẫn kẻ nghèo. Những người giàu đến đây để thưởng thức những của ngon vật lạ, còn những người nghèo thì chỉ mong ăn được chút cơm thừa canh cặn hay cùng lắm là chỉ để hít thở được hương vị thơm ngon bốc lên từ các nhà bếp...
Một hôm, có một người nghèo mon men đến một cửa hàng. Trên tay anh cầm một ổ bánh mì. Anh người nghèo này có ý nghĩ độc đáo: thay vì chầu chực hưởng phần ăn thừa của thực khách, anh bèn leo lên mái nhà, rồi ngồi cạnh ống khói của nhà bếp. Anh vừa nhai bánh mì vừa hít thở làn khói bốc ra từ nhà bếp, anh nhai ngấu nghiến ổ bánh mì mà tưởng tượng như mình đang thưởng thức những của ngon được dọn trên bàn thượng khách.
Nhưng không may cho anh, vì hôm đó người chủ nhà hàng gặp nhiều rắc rối trong công việc làm ăn cho nên không có được bộ mặt vui tươi cho mấy. Thế là ông sai những người hầu bàn lôi cổ người ăn xin xuống khỏi mái nhà và yêu cầu trả tiền. Ông lý luận với người ăn xin như sau: "Khói bốc ra từ nhà bếp của ta không phải là khói chùa, nhà ngươi đã thưởng thức làn khói đầy hương vị đó, yêu cầu nhà ngươi trả tiền cho ta".
Người ăn xin không chịu trả tiền. Nội vụ đã được đem ra trước tòa án. Quan đầu tỉnh phải nhức đầu vì vụ án này. Ông cho triệu tất các bực thức giả trong toàn tỉnh để giúp ông giải quyết vụ án. Những người này đưa ra hai ý kiến xem ra đều có lý cả: một bên nói rằng khói bốc ra từ cửa hàng, do đó nó là chủ hữu của ông chủ cửa hàng. Những người khác thì cho rằng khói cũng như không khí là của mọi người, thành ra người ăn xin có quyền hưởng mà không phải trả đồng xu nào.
Sau khi đã bàn bạc và cân nhắc, quan đầu tỉnh mới đưa ra phán quyết như sau: "Người nghèo đã hưởng khói mà không đụng đến thức ăn, cho nên anh ta hãy lấy một đồng bạc, ra giữa công viên, gõ đồng bạc vào ghế đá, âm thanh của đồng bạc sẽ lan ra. Người chủ cửa hàng muốn đòi tiền của khói, ông hãy lắng nghe âm thanh ấy".
Người kể câu chuyện ngụ ngôn trên đây có lẽ muốn nói với chúng ta rằng sự ích kỷ không mang lại cho chúng ta một lợi lộc nào.
Nhưng sự ích kỷ không bao giờ mang tính chất trung lập. Nghĩa là khi tôi khép kín tâm hồn, khi tôi chỉ biết nghĩ đến mình, không những tôi làm cho người khác bớt hạnh phúc, mà chính tôi cũng chết đi một phần trong tôi. Tình liên đới không phải là một thứ xa xỉ phẩm được thêm vào tương quan giữa người với người hoặc như một thứ tô điểm phụ thuộc cho nhân cách của tôi, mà là đòi hỏi thiết yếu của ơn gọi làm ngưòi. Tôi càng nên người hơn khi tôi sống cho tha nhân. Tôi càng trở nên phong phú hơn khi tôi trao ban...
Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta ơn gọi đích thực của con người: đó là sống trọn vẹn cho tha nhân. "Này là Người, này là con người với đầy đủ tính người". Ðó phải là ý nghĩa của lời tuyên bố của Philato khi ông cho trình diện trước đám đông một Chúa Giêsu với tấm thân không còn hình tượng của con người nữa và nói: "Này là người...". Con người chỉ thể hiện được trọn vẹn tính người khi con người tiêu hao hoàn toàn vì người khác, khi con người sống hoàn toàn cho người khác...
Ðó là định luật của Tình Yêu mà Chúa Giê su đã mạc khải cho chúng ta: Ai đi tìm mạng sống mình, người đó sẽ mất. Ai mất mạng sống mình, người đó sẽ tìm gặp lại.
Trích sách Lẽ Sống
HẠNH CÁC THÁNH NGÀY 14/05/2024
14/5 – THÁNH MÁTTHIA, TÔNG ĐỒ
Theo Cv 1:15-26: Trong những ngày ấy, ông Phêrô đứng lên giữa các anh em – có khoảng một trăm hai mươi người đang họp mặt. Ông Phêrô nói: “Thưa anh em, lời Kinh Thánh phải ứng nghiệm, lời mà Thánh Thần đã dùng miệng vua Đavít để nói trước về Giuđa, kẻ đã trở thành tên dẫn đường cho những người bắt Đức Giêsu. Y đã là một người trong số chúng tôi và được tham dự vào công việc phục vụ của chúng tôi. Vậy, con người ấy đã dùng tiền công của tội ác mà tậu một thửa đất; y đã ngã lộn đầu xuống, vỡ bụng, lòi cả ruột gan ra. Điều đó, mọi người ở Giêrusalem đều biết, khiến họ đặt tên cho thửa đất ấy là Khakenđơma, theo tiếng của họ nghĩa là Đất Máu.”
Thật thế, trong sách Thánh vịnh có chép rằng: “Ước gì lều trại nó phải tan hoang, không còn ai trú ngụ. Và ước gì người khác nhận lấy chức vụ của nó. ” Vậy phải làm thế này: có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh. Họ đề cử hai người: ông Giôxếp, biệt danh là Basaba, cũng gọi là Giúttô, và ông Mátthia. Họ cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ, chỗ Giuđa đã bỏ để đi về nơi dành cho y.” Họ rút thăm và trúng ông Mátthia: ông được kể thêm vào số mười một Tông Đồ. Matthia được thêm vào Nhóm Mười Một, nhưng tên Matthia không được nhắc đến tên trong Phúc Âm.
14 Tháng Năm
Thánh Matthias
Theo Tông Ðồ Công Vụ 1:15-26, sau khi Ðức Giêsu Lên Trời, các tông đồ cần phải tìm người thay thế cho Giuđa. Với tất cả những bàng hoàng chưa thông hiểu, những nguy hiểm đang phải đương đầu, tại sao các ngài lại chú ý đến việc tìm vị tông đồ thứ mười hai? Số mười hai là con số quan trọng cho Dân Ðược Chọn: mười hai là con số của mười hai chi tộc Israel. Nếu một Israel mới phát sinh từ các môn đệ của Ðức Kitô, thì cần phải có mười hai tông đồ. Nhưng biết ai để mà chọn?
Khi Thánh Phêrô đứng lên đề nghị phương cách chọn lựa, lúc ấy có một trăm hai mươi người đang tụ tập cầu nguyện. Thánh Phêrô biết rằng người được chọn phải là người đã theo Ðức Kitô từ ban đầu -- từ lúc Người chịu thanh tẩy bởi Gioan Tẩy Giả cho đến khi Lên Trời. Lý do thật dễ hiểu, tông đồ phải là người theo Ðức Kitô trước khi bất cứ ai biết đến, phải trung thành với Người dù có những khó khăn và đã chứng kiến sự phục sinh của Ðức Kitô.
Có hai vị hội đủ điều kiện -- Matthias và Giuse Barsabbas. Các tông đồ biết hai vị này đã từng ở với họ và ở với Ðức Kitô trong suốt thời gian Người thi hành sứ vụ. Nhưng ai thực sự quyết tâm làm nhân chứng cho sự phục sinh của Ðức Kitô. Chỉ có Thiên Chúa mới biết được điều đó. Và các tông đồ đã cầu nguyện và bỏ phiếu. Người được chọn là ông Matthias, là người được thêm vào nhóm Mười Một.
Ðó là tất cả những gì chúng ta được biết về Thánh Matthias.
Lời Bàn
Ðức Clêmentê ở Alexandria nói rằng Thánh Matthias, cũng như tất cả các tông đồ khác, được Ðức Kitô chọn không phải vì họ tốt lành, nhưng vì Ðức Kitô đã thấy trước con người tương lai của họ. Các ngài được chọn không phải vì sự xứng đáng nhưng vì các ngài sẽ trở nên người xứng đáng. Ðức Kitô cũng chọn chúng ta giống như vậy. Thử nghĩ xem Ðức Kitô muốn bạn trở nên một người như thế nào?