Lời Chúa Ngày 15/03/2024- Bài Đọc & Tin Mừng & Suy Niệm Lời Chúa

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

Lời Chúa Ngày 15/03/2024

Lịch công giáo ngày 15-03-2024

Thứ Sáu trong tuần thứ Tư Mùa Chay

Lễ thường - Mùa Chay

Các bài đọc và tin mừng hôm nay

Kn 2:1,12-22; Tv 34:17-18,19-20,21,23; Ga 7:1-2,10,25-30

Áo Lễ Linh Mục: Tím

 

Nhờ đọc và suy gẫm Lời Chúa, mà tâm hồn chúng ta được biến đổi và canh tân đời sống mới nơi chúng ta. Nhờ đọc và sống Lời Chúa hằng ngày, đời sống của chúng ta mới phát sinh những hoa trái thánh thiện, bác ái, phục vụ trong yêu thương và lòng nhiệt thành truyền giáo.

Hãy cùng đọc và suy niệm lời Chúa qua các bài đọc, tin mừng mỗi ngày!

 

LỜI CHÚA (BÀI ĐỌC & TIN MỪNG) - NGÀY 15/03/2024

 

Bài Ðọc I: Kn 2, 1a. 12-22

Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Những kẻ gian ác suy nghĩ chín chắn, đã nói rằng: “Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Nó tự hào mình biết Thiên Chúa và tự xưng là con Thiên Chúa. Chính nó là sự tố cáo những tư tưởng của chúng ta. Vì nguyên việc thấy nó, chúng ta cũng cáu, thấy bực mình, vì nếp sống của nó không giống như kẻ khác, và đường lối của nó thì lập dị. Nó kể chúng ta như rơm rác, nó xa lánh đường lối chúng ta như xa lánh những gì dơ nhớp, nó thích hạnh phúc cuối cùng của người công chính, nó tự hào có Thiên Chúa là Cha. Vậy chúng ta hãy xem coi điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy đến cho nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật là con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối nó. Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó!” Chúng nghĩ như vậy, nhưng chúng lầm, vì tội ác của chúng đã làm cho chúng mù quáng. Và chúng không biết ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa, nên cũng chẳng hy vọng phần thưởng công chính, và chúng cũng không ưa thích vinh dự của những tâm hồn thánh thiện.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 17-18. 19-20. 21 và 23

Ðáp: Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường

1. Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Ngài cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo.

2. Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương dập nát. Người hiền đức gặp nhiều bước gian truân, nhưng Chúa luôn luôn giải thoát.

3. Ngài gìn giữ họ xương cốt vẹn toàn, không để cho một cái nào bị gãy. Chúa cứu chữa linh hồn tôi tớ của Ngài, và phàm ai tìm đến nương tựa nơi Ngài, người đó sẽ không phải đền bồi tội lỗi.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Hôm nay, các ngươi đừng cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa phán.

PHÚC ÂM: Ga 7, 1-2. 10. 25-30

Chúng tìm cách bắt Người, nhưng chưa tới giờ Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ Galilêa; Người không muốn đi lại trong xứ Giuđêa, vì người Do-thái đang tìm giết Người. Lúc đó gần đến lễ Trại của người Do-thái. Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi, nhưng không đi cách công khai, mà lại đi cách kín đáo.

Có một số người ở Giêrusalem nói: “Ðây không phải là người họ đang tìm giết sao? Kìa ông ta đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Ðấng Kitô? Tuy nhiên, ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ đâu. Còn khi Ðấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu”.

Vậy lúc bấy giờ Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, Người lớn tiếng nói rằng: “Phải, các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Ðấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta”. Bởi thế họ tìm cách bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người.

Ðó là lời Chúa.

 


SUY NIỆM LỜI CHÚA NGÀY 15/03/2024

 

15/03/2024

THỨ SÁU TUẦN 4 MC
Ga 7,1-2.10.25-30

LẦM TO

Có những người ở Giê-ru-sa-lem nói: “Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông ấy là Đấng Ki-tô? Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả”. (Ga 7,26-27)

Suy niệm: Để hiểu một đối tượng, thường có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Và đương nhiên, càng có cái nhìn đa diện, thì càng hiểu rõ sự vật hơn. Nhưng oái oăm thay, nhiều người Do-thái mới chỉ biết Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét đã cho rằng họ biết rõ nguồn gốc về Ngài, đã vội kết luận rằng Ngài không phải là Đấng Ki-tô. Hơn nữa, Đức Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, Ngài không phải là đối tượng của giác quan hay trí não con người. Chưa kể, “Nước Trời lại giấu kín với những bậc khôn ngoan thông thái” (Mt 11,25-27). Nhiều lần Ngài đã đề nghị họ những cách tiếp cận khác nhau (Ga 5,31-47), nhưng họ vẫn từ chối, chỉ vì họ đã ‘biết Ngài rồi’.

Mời Bạn: Cha Anthony de Mello có lý khi nói rằng: “Có những người sẵn sàng bỏ mọi sự để đi tìm Thượng Đế, nhưng chỉ có một điều họ không thể bỏ, là quan niệm của họ về Thượng Đế”, vì thế mà họ chẳng bao giờ gặp Ngài. Và thường, những kẻ chống đối Thiên Chúa cách kịch liệt nhất, lại là những kẻ tưởng mình biết Thiên Chúa nhất.

Sống Lời Chúa: Tập thói quen ngạc nhiên trước những điều quen thuộc, hoặc trước những đoạn Kinh Thánh tưởng chừng như đã biết rồi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã mặc khải cho chúng con về mầu nhiệm chính Chúa; nhưng xin cho con biết đón nhận Chúa như một Thực Tại vô biên, hầu không ngừng khám phá và tìm kiếm Chúa mãi muôn đời. A-men.

 


LẼ SỐNG TRONG LỜI CHÚA NGÀY 15/03/2024

 

15/03/2024

15 Tháng Ba

Ðời Là Một Chuyến Ði

Một tác giả nọ đã nói lên tính cách bí ẩn của cuộc sống con người bằng một câu chuyện như sau:

Tại một vùng quê nọ bên Tây phương, một ông từ nhà thờ có thói quen mà không ai có thể lay chuyển được. Mỗi ngày, cứ 15 phút trước giờ ngọ, ông gọi điện thoại đến cho người tổng đài trong vùng và hỏi giờ? Ngạc nhiên về thói quen lạ lùng ấy, người tổng đài đã đặt câu hỏi: "Thưa ông, nếu không có gì làm phiền ông, xin cho ông biết lý do hỏi giờ như thế mỗi ngày?". Ông từ nhà thờ mới giải thích: "Ồ, có gì đâu. Tôi là người phải kéo gác chuông mỗi ngày vào giờ ngọ. Tôi cần biết giờ chính xác".

Người tổng đài điện thoại mới vỡ lẽ ra. Ông nói với ông từ nhà thờ như sau: "Thật là buồn cười. Trong khi ông hỏi giờ nơi tôi, thì chính tôi lại điều chỉnh đồng hồ theo tiếng chuông của ông".

Tác giả của câu chuyện trên đây kết luận rằng: cuộc sống quả là một bí ẩn mà những người trong cuộc không thể nào tự mình tìm ra được câu trả lời. Chúng ta cần một câu giải đáp từ bên ngoài về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Và người có thể nói với chúng ta về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống chính là Thiên Chúa, Chủ tế của sự sống.

Kinh thánh, Lời của Chúa, thường ví cuộc sống như một cuộc hành trình. Từ lúc Noe xuống tàu, qua Abraham cất bước ra đi vào vùng đất xa lạ, đến ngày vội vã ra đi của Ðức Maria và cả cuộc đời không ngừng di động của Ðức Kitô: tất cả đều là những hình ảnh diễn tả cuộc hành trình Ðức Tin của người Kitô chúng ta.

Ðời là một cuộc hành trình... Ra khỏi lòng mẹ là nhập cuộc và ra đi không ngừng. Tuổi thơ và thanh niên được dệt bằng những năng động để không ngừng dự phóng và tiến tới. Ở tuổi trung niên, thành công tràn ngập nhưng thất bại cũng giăng đầy lối đi: có những người bạn chợt đến rồi đi; vui tươi hớn hở chớm nở, nhưng thất vọng cũng bao trùm... Rồi tuổi già chợt đến, chúng ta mới nhận ra rằng tất cả trên đời này chỉ là tạm bợ...

Ðời là một cuộc hành trình. Ðức Kitô đã trải qua cuộc đời trần thế bằng không biết bao nhiêu cuộc hành trình. Sinh ra trong một cuộc hành trình, vừa mở mắt chào đời đã phải vội vã ra đi như một người tị nạn. Năm 12 tuổi lạc mất trong một cuộc hành trình... Ra đời, Ngài không ngừng đi lại khắp nẻo đường Palestina. Và cuối cùng, Giêrusalem, đồi Calvê là điểm đến của cuộc hành trình.

Qua cuộc hành trình không nghỉ ngơi ấy, Ðức Kitô đã tuyên bố với chúng ta: "Ta là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống".

Chỉ trong Ngài, qua dấu chân của Ngài, chúng ta mới thật sự tìm được hướng đi cho cuộc hành trình của chúng ta... Ngài là Con Ðường dẫn chúng ta về cõi phúc vinh quang. Nhưng Con Ðường của Ngài chính là Con Ðường của yêu thương và phục vụ... Hãy tin tưởng rằng khi chúng ta sống yêu thương, sống phục vụ là lúc chúng ta đang đi trên Con Ðường của Ngài.

Trích sách Lẽ Sống

 


HẠNH CÁC THÁNH NGÀY 15/03/2024

 

Hạnh các Thánh

15/03/2024

15/3 – THÁNH LOUISE MARILLAC (+ 1660)

Louisesinh gần Meux (Pháp quốc) mồ côi mẹ từ nhỏ, mồ côi cha khi bà mới 15 tuổi. Ước muốn đi tu của bà được linh mục giải tội khuyến khích, nhưng một cuộc hôn nhân được sắp xếp. Một cậu con trai được sinh ra từ cuộc hôn nhân này. Bà chăm sóc người chồng bị bệnh trong một thời gian dài, rồi người chồng qua đời.

Louise may mắn có một nhà tư vấn khôn ngoan và cảm thông là Thánh Phanxicô Salê, và một người bạn giám mục giáo phận Belley, Pháp. Hai vị này chỉ có thể gặp bà theo định kỳ. Nhờ ơn soi sáng, bà hiểu rằng bà sẽ đảm trách công việc quan trọng theo sự hướng dẫn của một người khác mà bà chưa gặp. Đó là linh mục thánh thiện M. Vinh Sơn, tức là Thánh Vinh Sơn Phaolô.

Mới đầu,linh mục Vinh Sơn miễn cưỡng là người giải tội cho Louise, do ngài bận rộn với hội Huynh đệ Bác ái (Confraternities of Charity) Thành viên là các phụ nữ quý tộc làm bác ái giúp ngài chăm sóc người nghèo những trẻ em bị bỏ rơi, đó là nhu cầu thực tế thời đó. Nhưng các phụ nữ bận rộn với nhiều mối bận tâm và nhiệm vụ. Công việc của ngài cần nhiều người giúp đỡ, nhất là chính những dân nghèo gần gũi với người nghèo và có thể chiếm được cảm tình của họ. Ngài cũng cần người dạy dỗ và tổ chức.

Sau một thời gian dài, khi Thánh Vinh Sơn Phaolô quen với Louise, ngài nhận thấy bà là lời đáp lại cho lời cầu nguyện của ngài. Bà thông minh, khiêm tốn và có sức khỏe, nhưng sự chịu đựng khiến bà thường xuyên đau yếu. Bà thuyết phục ba phụ nữ trẻ khác gia nhập. Bà thuê nhà ở Paris làm nơi đào tạo những người tình nguyện phục vụ người nghèo và bệnh nhân. Nhóm phát triển nhanh và cần có quy luật sống, điều mà chính Louise, theo sự hướng dẫn của cha Vinh sơn, đã phác họa cho nhóm Tỷ muội Bác ái của Thánh Vinh Sơn Phaolô (Sisters of Charity of St. Vincent de Paul) – ngày nay gọi là dòng Nữ tử Bác ái (Daughters of Charity)

Lm Vinh Sơn luôn cẩn trọng trong việc giao tiếp với Louise và lập nhóm mới. Ngài nói ngài không bao giờ nghĩ tới việc thành lập một cộng đoàn mới, nhưng Thiên Chúa đã làm mọi sự. Ngài nói: “Tu viện của chị em sẽ là nhà của người bệnh, phòng của chị em là phòng cho mượn,nhà nguyện của chị em là nhà thờ giáo xứ,hành lang của chị em là những con đường chung hoặc phòng bệnh viện.” Tu phục của họ là quần áo của dân nghèo. Không phải đến những năm sau Thánh Vinh Sơn Phaolô mới cho phép bốn phụ nữ kia mỗi năm cho khấn đức khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Vẫn còn nhiều năm trước khi cộng đoàn chính thức được Tòa Thánh phê chuẩn và được đặt dưới sự hướng dẫn của hội đồng linh mục của Thánh Vinh Sơn.

Nhiều phụ nữ trẻ không biết chữ nhưng cộng đoàn mới vẫn phải chăm sóc trẻ em cơ nhỡ. Louise bận rộn với việc giúp đỡ khi có ai cần dù sức khỏe bà đã yếu. Bà đi khắp nước Pháp, thành lập các nhóm trong bệnh viện, viện mồ côi và các cơ sở khác. Bà qua đời ngày 15-3-1660, hội dòng có hơn 40 nhà ở Pháp. Sáu tháng sau khi Louise mất, Thánh Vinh Sơn Phaolô qua đời.Louise Marillac được tuyên thánh năm 1934 và được tôn phong làm bổn mạng những người hoạt động xã hội năm 1960.

Ngày 15 Tháng 3


Thánh Louise de Marillac
(c. 1660)

Thánh Louise sinh ở Ferrieres-en-Brie gần Meux, nước Pháp, mồ côi mẹ khi còn nhỏ, và khi được 15 tuổi thì mồ côi cha. Ao ước của thánh nữ là trở nên một nữ tu nhưng cha giải tội đã ngăn cản, và sau đó ngài kết hôn với ông Antony LeGras. Trong hôn nhân này họ có được một đứa con trai. Nhưng sau đó không lâu, ông Antony đã từ giã cõi đời sau một thời gian đau yếu lâu dài.

Bà Louise may mắn có được các cha linh hướng khôn ngoan và dễ mến, đó là Thánh Francis de Sales, và người bạn của ngài là Ðức Giám Mục của Belley, nước Pháp. Bà Louise không gặp hai vị thường xuyên, nhưng tận trong thâm tâm, bà linh cảm thấy rằng mình sẽ đảm nhận một công việc nặng nề dưới sự hướng dẫn của một người chưa bao giờ quen biết. Ðó là vị linh mục thánh thiện Vincent, mà sau này là Thánh Vincent de Paul.

Lúc đầu, Cha Vincent do dự nhận lời làm cha giải tội cho bà Louise, vì sự bận rộn của ngài với tổ chức "Các Chị Em Bác Ái." Hội viên của tổ chức này là các bà quý tộc có lòng nhân từ, giúp đỡ cha chăm sóc người nghèo và các em bị bỏ rơi, là công việc rất cần thiết trong thời gian ấy. Nhưng các bà cũng phải bận rộn với nhiệm vụ và công việc gia đình. Trong khi công việc của cha thì cần rất nhiều người giúp đỡ, nhất là những nông dân vì họ gần gũi với người nghèo và dễ có cảm tình với họ. Ngài cũng cần ai đó có thể dạy cho họ biết đọc biết viết và tổ chức sinh hoạt hội đoàn cho họ.

Chỉ sau một thời gian khá lâu, khi Cha Vincent ngày càng quen biết với bà Louis, thì ngài mới nhận ra rằng bà là người mà Chúa đã gửi đến để đáp lại lời cầu xin của cha. Bà Louis thông minh, khiêm tốn và có sức chịu đựng bền bỉ. Sau một thời gian thi hành các công việc mà cha giao phó, bà tìm thêm được bốn phụ nữ bình dị khác đến tiếp tay. Căn nhà thuê của bà ở Balê đã trở thành trung tâm săn sóc người nghèo và người đau yếu. Và đó là khởi đầu của tu hội Nữ Tu Bác Ái của Thánh Vincent de Paul, (mặc dù Cha Vincent muốn gọi tổ chức này là "Nữ Tử" Bác Ái). Bà tuyên khấn năm 1634 và tu hội đã thu hút được nhiều người tham gia.

Cha Vincent thường từ tốn và khôn ngoan trong cách cư xử với bà Louis và tổ chức mới này. Ngài nói không bao giờ ngài muốn thành lập một cộng đoàn mới, mà chính là Thiên Chúa thi hành mọi sự. Cha nói, "Tu viện của con sẽ là nhà của người bệnh; phòng của con là phòng cho thuê mướn; nhà nguyện của con là nhà thờ của giáo xứ; khuôn viên nhà dòng là đường phố hay các khu vực nhà thương." Y phục của họ là y phục của phụ nữ nông dân. Mãi cho đến vài năm sau, Cha Vincent de Paul mới cho phép bốn phụ nữ khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Và phải mất nhiều năm hoạt động thì Tòa Thánh mới chính thức công nhận tu hội này và đặt dưới sự hướng dẫn của Cha Vincent và Tu Hội Truyền Giáo.

Bà Louis đi khắp nước Pháp, thành lập chi nhánh trong các bệnh viện, cô nhi viện và các tổ chức khác. Cho đến khi từ trần, ngày 15 tháng Ba 1660, tu hội của bà đã có trên 40 nhà ở nước Pháp. Kể từ đó họ đã phát triển trên toàn thế giới.

Bà Louise de Marillac được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh năm 1934, và năm 1960 thánh nữ được Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đặt làm Quan Thầy các Cán Sự Xã Hội.

 

Lời Chúa Hôm Nay
Đọc Kinh Sáng
Lịch Công Giáo