Lời Chúa Ngày 21/02/2024- Bài Đọc & Tin Mừng & Suy Niệm Lời Chúa

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

Lời Chúa Ngày 21/02/2024

Lịch công giáo ngày 21-02-2024

Thứ Tư trong tuần thứ Nhất Mùa Chay

Lễ thường - Mùa Chay

Các bài đọc và tin mừng hôm nay

St 3:1-10; Tv 51:3-4,12-13,18-19; Lc 11:29-32

Áo Lễ Linh Mục: Tím

 

Nhờ đọc và suy gẫm Lời Chúa, mà tâm hồn chúng ta được biến đổi và canh tân đời sống mới nơi chúng ta. Nhờ đọc và sống Lời Chúa hằng ngày, đời sống của chúng ta mới phát sinh những hoa trái thánh thiện, bác ái, phục vụ trong yêu thương và lòng nhiệt thành truyền giáo.

Hãy cùng đọc và suy niệm lời Chúa qua các bài đọc, tin mừng mỗi ngày!

 

LỜI CHÚA (BÀI ĐỌC & TIN MỪNG) - NGÀY 21/02/2024

 

Bài Ðọc I: Gn 3, 1-10

Dân thành Ninivê đã bỏ đàng tội lỗi”.

Trích sách Tiên tri Giona.

Lời Chúa phán cùng Giona rằng: “Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi”. Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo lời Chúa dạy. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng. Giona tiến vào thành phố, đi một ngày đàng, rồi rao giảng rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ”. Dân thành tin tưởng nơi Chúa; họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ.

Vua thành Ninivê nghe điều đó, liền bỏ ngai vàng, cởi áo cẩm bào, mặc áo nhặm và ngồi trên đống tro. Trong thành Ninivê, người ta rao sắc lệnh sau đây của nhà vua và các vương hầu: “Người, vật, bò, chiên, không được nếm, không được ăn uống gì hết; người và vật phải mặc áo nhặm, phải kêu to lên cùng Chúa và phải cải thiện đời sống, phải bỏ đàng tội lỗi và những điều bất chính đã phạm. Biết đâu Chúa sẽ đổi ý thứ tha, nguôi giận và chúng ta khỏi chết?” Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa đổi ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 12-13. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung

1. Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác.

2. Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con.

3. Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ toàn thiêu, Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát, lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian. Ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”.

PHÚC ÂM: Lc 11, 29-32

Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: “Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa”.

Ðó là lời Chúa.

 


SUY NIỆM LỜI CHÚA NGÀY 21/02/2024

 

21/02/2024

THỨ TƯ TUẦN 1 MC
Th. Phê-rô Đa-mi-a-nô, giám mục, tiến sĩ HT
Lc 11,29-32

LỜI MỜI GỌI SÁM HỐI

Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa. (Lc 11,32)

Suy niệm: Người Do Thái xin Chúa Giê-su cho họ dấu lạ; Ngài đưa ra hai trường hợp rất quen thuộc đối với họ, đó là Giô-na và Sa-lô-môn. Có ai khôn ngoan hơn Sa-lô-môn? Thế mà ở đây, Thầy Giê-su là chính “Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24). Có gì lạ hơn chuyện người nằm “trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm” (Gn 2,1; Mt 12,40)? Nhưng Giô-na chỉ là hình ảnh tiên báo Đức Giê-su nằm trong lòng đất ba ngày rồi sống lại. Giô-na và Sa-lô-mon đã là ‘lạ’ nhưng vẫn không ‘qua mặt’ được dấu lạ Giê-su. Hơn nữa, dấu lạ Giô-na là lời mời gọi dân thành Ni-ni-vê sám hối, thì dấu lạ Giê-su cũng là lời mời gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng.

Mời Bạn: Ngày nay, người ta vẫn ‘đòi’ dấu lạ: nghe biết nơi nào có ‘chuyện lạ’ thì đổ xô nhau tìm đến, lắm khi chỉ để thoả mãn tính hiếu kỳ, để cầu xin cách vụ lợi chứ không phải để củng cố lòng tin, để hoán cải cuộc sống. Quả thực, dấu lạ ở ngay trong lòng bạn khi bạn lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy để bạn trở nên con cái Chúa; dấu lạ vẫn diễn ra hằng trong bí tích Thánh Thể nơi Chúa Giê-su hiện diện. Mời bạn đến với dấu lạ hàng ngày là Thầy Giê-su đang ở trong bạn và hãy làm cho Ngài lớn lên trong bạn mỗi ngày.

Sống Lời Chúa: Tham dự thánh lễ ngày thường khi có thể và bạn dành thời gian đến nhà thờ để thờ lạy dấu lạ Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết hoán cải để lòng chúng con xứng đáng với dấu lạ Chúa ban cho chúng con.

 


LẼ SỐNG TRONG LỜI CHÚA NGÀY 21/02/2024

 

21/02/2024

   

21 Tháng Hai


    Người Cùi Hủi

    Raoul Follreeau, vị đại ân nhân của người phong cùi trên thế giới có kể lại mẩu chuyện đáng thương tâm như sau:

    Trong một thị trấn nhỏ nọ, một người đàn ông lâm bệnh nặng. Sau khi khám nghiệm, các bác sĩ nghi ngờ anh ta đã mắc bệnh phong hủi... Tuy không là một phán quyết dứt khoát, nhưng kể từ đó người ta không còn thấy anh ra khỏi nhà nữa. Gia đình anh mỗi lúc lại càng xác tín hơn về bệnh tình của anh. Thế là để che dấu con người mà họ coi như một sự xấu hổ chung, những người thân của anh đã giam anh trong một cái mùng lớn. Người đàn ông đáng thương chỉ còn sống vất vưởng nhờ lương thực tiếp tế mỗi ngày. Vũ trụ của anh chỉ còn là khung mùng phủ kín bốn chân giường. Ngậm đắng nuốt cay từng giờ từng phút, người đàn ông chỉ còn mỗi một hy vọng: đó là chốn thoát được chính nhà giam của anh... Ngày nọ, anh đã chốn ra khỏi khuôn mùng và gia đình của anh. Nhưng chẳng may, người ta đã nhận bắt được anh. Lần nay, người đàn ông khốn khổ dường như không còn một hy vọng nào nữa. Anh chỉ còn muốn tìm sự giải thoát qua cái chết...

    Lần thứ hai, anh chốn khỏi vũ trụ tối tăm của anh. Nhưng lang thang mãi mà vẫn không tìm được sự tin tưởng và giúp đỡ của những người khác, anh đã tìm đến cái chết như một lời biện hộ cuối cùng. Người đàn ông đã mua thuốc ngủ và tự vận trước mặt mọi người. Cái chết của anh đã gây chấn động trong dư luận. Người ta yêu cầu cho khám nghiệm tử thi. Kết quả đã làm cho mọi người sửng sốt: anh đã không bao giờ mắc bệnh phong cùi...

    Những ai đã và đang sống dưới một chế độ độc tài trong đó mọi thứ tự do cơ bản nhất của con người bị chối bỏ, đều cảm nhận được sự độc hại của thái độ thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa người với người... Một xã hội mà quan hệ giữa người với người cjỉ xây dựng trên dối trá, lừa đảo, hận thù, ganh ghét.... Một xã hội như thế không thể không đi đến chỗ diệt vong...

    Người Kitô chúng ta luôn được mời gọi để xây dựng Nước Chúa, Nước của Chân Lý, của Công Bình, của Bác Ái, của sự tín nhiệm lẫn nhau...

    Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta chế độ kiểu mẫu: Ngài không nhìn người bằng một nhãn hiệu, bằng một lăng kính có sẵn. Tất cả mọi người, dù tội lỗi thấp hèn đến đâu cũng đều được Ngài nhìn dưới ánh mắt của cảm thông, của yêu thương, của tha thứ... Tất cả mọi người đều được nhìn dưới ánh mắt yêu thương của Ngài như một giá trị độc nhất vô nhị trong tình yêu của Thiên Chúa.

    Ðể được một cái nhìn như thế, chúng ta luôn được mời gọi để gạt bỏ mọi thứ thành kiến ra khỏi tâm hồn chúng ta. Trong tất cả mọi sự và trong mọi người, chúng ta hãy mặc lấy cái nhìn của Chúa Giêsu. Chỉ với cái nhìn ấy, chúng ta mới mong tái tạo được sự tín nhiệm và tin tưởng lẫn nhau trong xã hội chúng ta

    Trích sách Lẽ Sống

 


HẠNH CÁC THÁNH NGÀY 21/02/2024

 

Hạnh các Thánh

21/02/2024

21/2 – THÁNH PHÊRÔ ĐAMIANÔ, GIÁM MỤC TIẾN SĨ (1007-1072)

Có thể vì ngài mồ côi và bị anh em đối xử tồi tệ mà Phêrô Đamianô rất tốt với người nghèo. Chỉ là “chuyện nhỏ” khi ngài thường có một vài người nghèo đồng bàn ăn và ngài thích đích thân hảo tâm với những người nghèo.

Phêrô Đamianô thoát nghèo và làm ngơ với người anh khi người anh này, là linh mục hạt trưởng giáo hạt Ravenna, muốn “che chở” cho ngài, dù người anh này đã gởi ngài đi học và trở thành giáo sư.

Ngài luôn nghiêm khắc với chính mình, mặc áo nhặm, ăn chay và cầu nguyện nhiều. Ngài quyết định bỏ dạy học và dành thời gian cầu nguyện với các tu sĩ Dòng Benêđíctô cải cách của Thánh Rômualđô tại Fonte Avellana. Ngài cầu nguyện nhiều và ngủ ít đến nỗi ngài bị chứng mất ngủ, rồi ngài thấy phải cẩn thận và quan tâm sức khỏe. Khi ngài không cầu nguyện, ngài nghiên cứu Kinh Thánh.

Tu viện trưởng truyền rằng khi bề trên qua đời thì ngài phải kế vị. Và rồi tu viện trưởng Phêrô Đamianô đã thành lập thêm 5 đan viện khác. Ngài khuyến khích các đan sĩ sống cầu nguyện và cô tịch, ngài không muốn gì khác cho mình. Tòa Thánh kêu gọi ngài làm người hòa giải giữa hai đan viện có mâu thuẫn hoặc chính phủ bất đồng ý kiến với Rôma.

Cuối cùng, ĐGH Stephanô IX phong ngài làm Hồng y Giám mục GP Ostia. Ngài làm việc cật lực để loại bỏ việc buôn chức bán quyền trong Giáo hội, ngài khuyến khích các linh mục tuân thủ luật độc thân và thúc đẩy các linh mục giáo phận sống đoàn kết và duy trì việc cầu nguyện. Ngài muốn duy trì quy luật ban đầu trong giới linh mục triều và linh mục dòng, tránh những chuyến đi không cần thiết, sống thoải mái và vi phạm đức khó nghèo. Ngài đã viết thư cho giám mục giáo phận Besancon để than phiền rằng giáo luật đã bị áp dụng sai khi hát thánh vịnh trong kinh nhật tụng (Divine Office). Ngài viết nhiều thư, hiện còn khoảng 170 thư. Ngoài ra còn có 53 bài giảng của ngài và 7 bản tiểu sử mà ngài đã viết. Ngài thích những tấm gương và truyện thật hơn lý thuyết. Nghi thức Phụng vụ bằng tiếng Latin mà ngài viết là chứng cớ về tài năng của ngài.

Ngài thường xuyên xin nghỉ hưu, cuối cùng được ĐGH Alexander II chấp thuận. Ngài vui mừng vì lại được làm đan sĩ, nhưng ngài vẫn được mời làm khâm sứ tại Ravenna. Sau khi mãn nhiệm trở về nhà dòng, ngài bị sốt cao. Ngày 22-2-1072, ngài qua đời khi các tu sĩ đang vây quanh ngài để đọc kinh nhật tụng. Năm 1828 ngài được tôn phong là Tiến sĩ Giáo hội.

    21 Tháng Hai
    Thánh Phêrô Damian
    (1007 - 1072)

    Có lẽ vì là trẻ mồ côi và bị đối xử thật tệ hại khi còn nhỏ nên Thánh Phêrô Damian thật tốt với người nghèo. Trong bữa ăn, lúc nào cũng có một hay hai người nghèo ăn chung với ngài, và đích thân ngài lo lắng cho nhu cầu của họ.

    Ngài sinh ở Ravenna, mồ côi cha mẹ khi còn nhỏ và sống với người anh ruột nhưng bị đối xử như người đầy tớ. Khi mới lớn một chút, ngài đã bị sai đi chăn heo. Một người anh khác, là giáo trưởng ở Ravena, thấy thương hại chú em bơ vơ nên đem ngài về nuôi nấng cho ăn học tử tế. Có lẽ vì nhớ ơn dưỡng dục của người anh mà Phêrô đã lấy tên người anh, là Damian, thành tên của mình.

    Phêrô là một học sinh có năng khiếu và sau đó trở thành một giáo sư nổi tiếng. Trong thời gian này, Phêrô cố làm quen với sự chay tịnh, sự cầu nguyện và ngài mặc áo nhặm bên trong áo thường để chống với các cám dỗ của lạc thú và mưu chước ma quỷ.

    Sau một thời gian, ngài quyết tâm từ bỏ thế gian để sống đời ẩn tu với các đan sĩ Biển Ðức thuộc nhánh cải cách của Thánh Rômuanđô ở Fonte Avellana. Các đan sĩ thường sống hai người một trong một cái am cách xa nhau, để cầu nguyện và đọc sách thiêng liêng, với cuộc sống rất khắc khổ. Vì quá hăng say trong sự cầu nguyện và ngủ quá ít nên không bao lâu Phêrô bị bệnh mất ngủ trầm trọng. Ngài phải thận trọng kềm chế và săn sóc chính mình. Vì lý do đó, ngài dành nhiều thời giờ để nghiên cứu Kinh Thánh, và trở nên một thi sĩ sáng tác thơ đạo cũng nổi tiếng như trong văn chương đời trước đây.

    Do một quyết định của toàn thể các đan sĩ, ngài phải chịu trách nhiệm lãnh đạo Cộng Ðoàn khi vị bề trên qua đời. Do đó, sau khi vị đan viện trưởng từ trần khoảng năm 1043, Phêrô đã dẫn dắt gia đình thánh thiện này với sự khôn ngoan và đạo đức. Ngài cũng thành lập thêm năm đan viện khác. Ngài duy trì tinh thần cô độc, bác ái và khiêm nhường. Nhiều vị đan sĩ dưới sự dẫn dắt của ngài là các ngôi sao sáng của Giáo Hội, kể cả Thánh Ðaminh Loricatus, Thánh Gioan ở Lodi là người kế vị ngài trong chức vụ đan viện trưởng ở Holy Cross.

    Trong nhiều năm, Thánh Phêrô Damian thường giúp các Giáo Hoàng trong công việc hòa giải giữa các tu hội kình chống nhau, hoặc giữa giáo sĩ, viên chức chính phủ và Tòa Thánh. Năm 1057, Ðức Giáo Hoàng Stephanô IX thuyết phục ngài từ bỏ đời ẩn dật và đặt ngài làm Giám Mục-Hồng Y của Ostia.

    Ngài tích cực tẩy trừ nạn buôn bán chức vụ trong Giáo Hội, khuyến khích các linh mục sống độc thân, và thúc giục các linh mục triều sống thành cộng đoàn, giữ chương trình cầu nguyện. Ngài ao ước phục hồi tinh thần kỷ luật nguyên thủy của các tu sĩ và linh mục, cảnh cáo họ về việc di chuyển không cần thiết, vi phạm đức khó nghèo và sống quá thoải mái. Ngài viết thư khiển trách Ðức Giám Mục Florence về việc chơi cờ, và Ðức Giám Mục Besancon về việc để giáo sĩ ngồi khi đọc thánh vịnh trong Kinh Nhật Tụng.

    Ngài viết rất nhiều thư. Khoảng 170 lá hiện vẫn còn. Chúng ta cũng còn 53 bài giảng của ngài và bảy tiểu sử ngài viết. Ngài thích viết về gương mẫu và chuyện thật hơn là lý thuyết. Các bản văn phụng vụ của ngài cho thấy ngài có phong cách của một nhà văn.

    Ngài thường xin các giáo hoàng cho ngài từ chức Giám Mục-Hồng Y của Osia, và sau cùng Ðức Alexander II đồng ý với điều kiện là bất cứ khi nào cần ngài sẽ sẵn sàng làm việc trở lại. Khi trở lại công việc ở Ravenna, ngài bị sốt nặng. Ngài từ trần ngày 22 tháng Hai 1072 khi các đan sĩ đang vây quanh và đọc kinh Nhật Tụng.

    Năm 1828 ngài được tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh.


    Lời Bàn

    Thánh Phêrô Damian là một người cải cách, và nếu ngài sống trong thời nay chắc chắn ngài sẽ thúc đẩy sự canh tân theo tinh thần Công Ðồng Vatican II. Ngài sẽ hoan nghênh việc nhấn mạnh đến cầu nguyện được tỏ lộ qua số buổi cầu nguyện ngày càng gia tăng của các linh mục, tu sĩ và giáo dân cũng như việc thành lập các nhà cầu nguyện của nhiều cộng đoàn tu sĩ ngày nay.


    Lời Trích

    "... Chúng ta hãy trung tín trao truyền lại cho thế hệ mai sau các gương mẫu nhân đức mà chúng ta đã lãnh nhận từ cha ông" (Thánh Phêrô Damian)

    

   

 

Lời Chúa Hôm Nay
Kinh Mân Côi
Lịch Công Giáo