Lời Chúa Ngày 25/04/2024- Bài Đọc & Tin Mừng & Suy Niệm Lời Chúa

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

Lời Chúa Ngày 25/04/2024

Lịch công giáo ngày 25-04-2024

Thánh Máccô, Thánh Sử

Lễ kính - Mùa Phục Sinh

Các bài đọc và tin mừng hôm nay

Cv 13:13-25; Tv 89:2-3,21-22,25,27; Ga 13:16-20

Áo Lễ Linh Mục: Đỏ

 

Nhờ đọc và suy gẫm Lời Chúa, mà tâm hồn chúng ta được biến đổi và canh tân đời sống mới nơi chúng ta. Nhờ đọc và sống Lời Chúa hằng ngày, đời sống của chúng ta mới phát sinh những hoa trái thánh thiện, bác ái, phục vụ trong yêu thương và lòng nhiệt thành truyền giáo.

Hãy cùng đọc và suy niệm lời Chúa qua các bài đọc, tin mừng mỗi ngày!

 

LỜI CHÚA (BÀI ĐỌC & TIN MỪNG) - NGÀY 25/04/2024

 

Bài Ðọc I: 1 Pr 5, 5b-14

“Marcô, con tôi, gửi lời chào anh em”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, tất cả anh em hãy mặc lấy đức khiêm nhường để đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn cho người khiêm nhường. Vậy anh em hãy hạ mình dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người nhắc anh em lên trong thời giờ Người thăm viếng. Anh em hãy trút bỏ cho Người mọi điều lo lắng của anh em, bởi vì chính Người chăm sóc anh em.

Anh em hãy ăn ở tiết độ và hãy tỉnh thức, vì kẻ thù anh em là ma quỷ, như sư tử gầm thét, nó rình mò chung quanh, tìm kiếm một ai để nuốt. Anh em hãy vững vàng trong đức tin mà chống lại nó, vì biết rằng hết mọi người anh em khác trong thế gian đều phải chịu cùng một sự đau khổ đó. Nhưng Thiên Chúa nguồn mạch mọi ân sủng, Ðấng đã kêu gọi anh em tham dự vinh quang đời đời của Người trong Ðức Giêsu Kitô, chính Người sẽ làm cho anh em là những người chịu đau khổ ít lâu, được hoàn thiện, vững vàng và kiên cố. Nguyện Người được vinh quang và uy quyền đến muôn đời. Amen.

Nhờ Silvanô, người anh em trung tín, tôi cam đoan như thế, tôi viết vắn tắt thư này cho anh em, để khuyên nhủ và chứng thực rằng đó là ơn đích thực của Thiên Chúa, và anh em đang tận hưởng. Hội thánh được tuyển chọn ở Babylon và Marcô, con tôi, gởi lời chào anh em. Anh em hãy chào nhau trong cái hôn thánh thiện.

Nguyện (chúc) ơn Chúa ở cùng tất cả anh em, những người ở trong Ðức Giêsu Kitô. Amen.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 2-3. 6-7. 16-17

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (c. 2a).

Hoặc đọc: Alleluia.

1. Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời. Qua mọi thế hệ, miệng con loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: “Tình thương của Ta đứng vững muôn đời”; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín.

2. Lạy Chúa, trời xanh ca tụng những kỳ công của Chúa, và lòng trung thành Chúa trong công hội thánh nhân. Vì trên cõi nước mây, ai bằng được Chúa, trong các con Thiên Chúa, ai giống như Ngài?

3. Phúc thay dân tộc biết hân hoan, lạy Chúa, họ tiến thân trong ánh sáng nhan Ngài. Họ luôn luôn mừng rỡ vì danh Chúa, và tự hào vì đức công minh Ngài.

Alleluia: 1 Cr 1, 23. 24

Alleluia, alleluia! – Chúng tôi rao giảng Ðức Kitô chịu đóng đinh, Ngài là quyền năng và khôn ngoan của Thiên Chúa. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 16, 15-20

“Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng”.

Bài kết thúc Phúc Âm theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”.

Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.

Ðó là lời Chúa.

 


SUY NIỆM LỜI CHÚA NGÀY 25/04/2024

 

25/04/2024

Thứ năm tuần 4 ps
Thánh Mác-cô, tác giả Tin Mừng
Mc 16,15-20

Cần được chúa ki-tô lấp đầy!

Còn các Tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông. (Mc 16,20)

Suy niệm: Niềm vui của Tin Mừng lấp đầy quả tim và cuộc sống của những ai gặp gỡ Chúa Giê-su” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng) nhắc ta về ý nghĩa cốt yếu của việc loan báo Tin Mừng: gặp được Chúa Ki-tô, được Người lấp đầy. Cốt yếu vì không ai có thể nói về Người mà chưa từng “chạm” hay “cảm” được Người. Một cuộc gặp gỡ ấn tượng với ai đó cho phép ta thỏa thích nói về họ với người khác, như cách mà các Tông đồ loan báo về Chúa Ki-tô. Một khi đã gặp, đã sống, được Người lấp đầy, các Tông đồ không thể nín lặng, nhưng phải ra đi rao giảng khắp nơi, hết mình cho sứ vụ và sứ vụ, kể cả khi phải mất mạng. Chúa Ki-tô chính là chìa khóa mở ra mọi khía cạnh của hoạt động sứ vụ, khiến các ông làm điều cần phải làm và nói điều cần phải nói.

Mời Bạn: Một trong những cách thức quảng cáo hiệu quả là cho các nhân viên đi tiếp thị sản phẩm, đến từng nhà, gõ cửa từng gia đình. Nhưng việc loan báo Tin Mừng thì khác hẳn. Các Tông đồ lôi cuốn người khác chỉ vì được Chúa ‘lấp đầy’, chứ không phải là quảng cáo suông thuần lý thuyết. Thánh Phao-lô cũng loan báo Chúa Ki-tô từ chính ‘cảm nghiệm có Chúa’ trong đời mình: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô.” Vậy theo bạn, trước hết phải làm gì để loan báo Chúa Ki-tô cho người khác?

Chia sẻ: Bạn cảm nghiệm thấy Chúa hoạt động thế nào trong đời bạn?

Sống Lời Chúa: Làm chứng cho Chúa với người lân cận bằng đời sống bác ái của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con trở nên “Tin Mừng sống” đưa dẫn người khác đến gặp Chúa. Amen.

 


LẼ SỐNG TRONG LỜI CHÚA NGÀY 25/04/2024

 

25/04/2024

25 Tháng Tư

Sư Tử Có Ðôi Cánh

    

    Khách du lịch đến thưởng ngoạn Venezia, một thành phố mơ mộng nằm trên sông nước và được làm tăng thêm vẻ đẹp bằng những công trình kiến trúc độc đáo cũng như bằng những tác phẩm nghệ thuật thời danh nằm ở mạn đông bắc Italia, không thể bỏ qua công trường Marcô, công trình mang tên của vị thánh bổn mạng của thành phố Venezia và cũng là vị thánh Giáo hội mừng kính hôm nay.

    Trên con đường tiến gần đến công trường Marcô, du khách nhìn thấy một con sư tử có đôi cánh đứng sừng sững trên một ngọn tháp cao. Hình sư tử này nhắc đến sự nghiệp viết sách Phúc Âm đầu tiên của thánh Marcô, như chứng từ của sử gia Papias, sinh sống vào cuối thế kỷ thứ hai viết như sau:

    "Marcô, người thông ngôn của Phêrô, đã viết ra đúng những gì nhớ được, tuy không theo thứ tự, về những điều Ðức Kitô đã nói và đã làm. Marcô không trực tiếp nghe Chúa giảng, cũng không phải là môn đệ của Ngài. Nhưng ông đã tháp tùng Phêrô, người đã giảng dạy theo những gì ông cảm thấy cần thiết, chứ không phải chủ tâm thuật lại lời Chúa một cách có hệ thống".

    Marcô là người thông ngôn và lãnh trách nhiệm chép lại những lời Phêrô giảng, vì thế không lạ gì ở cuối bức thư thứ nhất, Phêrô gọi ông là "Marcô, người con của tôi".

    Ngoài sự gần gũi với thánh Phêrô, Marcô cũng tiếp xúc lân cận với Phaolô, bắt đầu vào lần gặp gỡ đầu tiên vào năm 44, khi Phaolô và Barnaba đưa về Giêrusalem số tiền cộng đoàn Antiokia quyên được để trợ giúp cộng đoàn Mẹ. Khi trở về, Barnaba đem theo Marcô, là cháu của ông.

    Sau đó, trong khi đồng hành với Phaolô và Barnaba để hoạt động truyền giáo ở đảo Cypre, vì một sự bất đồng ý kiến nào đó, Marcô đã bỏ về Giêrusalem. Vì lý do này, trong chuyến truyền giáo thứ hai, Phaolô đã nhất quyết không cho Marcô theo, mặc dù Barnaba tha thiết yêu cầu. Sự kiện này đã gây đổ vỡ đến sự cộng tác giữa Phaolô và Barnaba.

    Nhưng trong những ngày cuối đời, khi chờ đợi ngày hành quyết, Phaolô đã viết thư nhắn với Timôthê: "Hãy đem cả Marcô đến nữa, vì tôi cần sự giúp đỡ của anh ấy lắm". Bạn bè người ta muốn gặp trong những ngày cuối đời phải là những người đồng sinh đồng tử!

    Những chi tiết khác nhau đó của cuộc đời của thánh Marcô không lấy gì làm chắc. Có tài liệu cho là thánh nhân chết tự nhiên. Tài liệu khác lại cho là thánh nhân được phúc tử đạo. Vương cung thánh đường tại công trường Marcô ở Venezia tự hào là còn giữ lại hài cốt của Ngài.

    Trong cuộc sống, Marcô đã chu toàn bổn phận mà mọi người Kitô được kêu gọi phải thực thi: Ðó là rao giảng Tin Mừng và làm chứng về Ðức Kitô. Marcô đã thực hiện công việc này đặc biệt qua công tác viết sách Phúc Âm, những người Kitô khác qua kịch nghệ, âm nhạc, thơ phú hay qua việc dạy đạo cho con em quanh bàn ăn của gia đình hoặc qua cuộc sống chứng tá trong những sinh hoạt và nếp sống hằng ngày.

    

    Trích sách Lẽ Sống

 


HẠNH CÁC THÁNH NGÀY 25/04/2024

 

Hạnh các Thánh

25/04/2024

25/4 – THÁNH MÁCCÔ, THÁNH SỬ

Đa số những điều chúng ta biết về Thánh sử Máccô đều nhờ Tân ước. Ngài là người được nhắc đến trong sách Tông đồ Công vụ: “Phêrô ra khỏi tù liền đến nhà bà Maria, mẹ của ông Gioan, cũng gọi là Máccô.” (Cv 12:12)

Thánh Phaolô và Thánh Barnaba đưa Máccô theo trên đường truyền giáo đầu tiên, nhưng vì một số lý do nên Máccô một mình trở lại Giêrusalem. Rõ ràng Phaolô không cho Máccô theo trên đường truyền giáo lần thứ hai dù Barnaba hết lời năn nỉ, vì Máccô đã làm phật lòng Phaolô. Sau đó, Phaolô yêu cầu Máccô đi thăm ngài trong tù và chúng ta thấy chuyện rắc rối không kéo dài lâu.

Ngắn nhất và cổ nhất trong 4 Phúc Âm, nhưng Phúc Âm theo Thánh Máccô nhấn mạnh việc Chúa Giêsu bị loài người từ chối. Có thể Phúc Âm theo Thánh Máccô được viết cho dân ngoại trở lại – sau cái chết của Thánh Phêrô và Phaolô khoảng những năm 60 và 70. Phúc Âm theo Thánh Máccô là cách biểu lộ tiệm tiến về một vụ án: Đấng Mêsia bị đóng đinh.

Thánh Phêrô gọi ngài là “con.” Thánh Phêrô chỉ là một trong các nguồn Phúc Âm, các nguồn khác là Giáo Hội ở Giêrusalem (gốc Do Thái) và Giáo Hội ở Antiôkia (đa số là dân ngoại).

Cũng như Thánh sử Luca, Thánh sử Máccô không thuộc nhóm 12 tông đồ. Chúng ta không thể chắc chắn ngài có đích thân gặp Chúa Giêsu hay không, nhưng một số học giả cho rằng ngài nói về chính mình khi diễn tả việc bắt Chúa Giêsu ở Gết-sê-ma-ni: “Trong khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh. Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng.” (Mc 14:51-52)

Thánh Máccô được bổ nhiệm làm giám mục tiên khởi của Alexandria, Ai Cập. Thành Venice, nổi tiếng về bánh Piazza hiệu San Marco (Thánh Máccô) đã chọn Thánh Máccô làm thánh bổn mạng, tại thành này có một đại thánh đường có hài cốt của ngài.

Sư tử có cánh là biểu tượng của Thánh Máccô. Hình ảnh sư tử rút ra từ các diễn tả của Thánh Máccô về thánh Gioan Tẩy giả là “tiếng kêu trong hoang địa” (Mc 1:3) được so sánh với con sư tử đang gầm. Đôi cánh có từ thị kiến của Êdêkien về 4 sinh vật có cánh. (sách Edêkien, chương 1)

25 /4

Thánh Máccô

    Những gì chúng ta biết về Thánh Máccô thì trực tiếp từ Kinh Thánh Tân Ước. Ngài thường được coi là nhân vật Máccô trong Tông Ðồ Công Vụ 12:12 (Khi Phêrô thoát khỏi ngục và đến nhà mẹ của Máccô).

    Phaolô và Barnabas muốn đem theo Máccô trong chuyến truyền giáo đầu tiên, nhưng vì một vài lý do nào đó, Máccô đã ở lại Giêrusalem một mình. Trong cuộc hành trình thứ hai, Phaolô lại từ chối không muốn đem theo Máccô, bất kể sự nài nỉ của Barnabas, điều đó chứng tỏ Máccô đã làm phật lòng Phaolô. Sau này, Phaolô yêu cầu Máccô đến thăm ngài khi ở trong ngục, điều đó cho thấy sự bất hòa giữa hai người không còn nữa.

    Là phúc âm đầu tiên và ngắn nhất trong bốn Phúc Âm, Máccô nhấn mạnh đến việc Ðức Giêsu bị loài người tẩy chay trong khi chính Người là Thiên Chúa. Phúc Âm Thánh Máccô có lẽ được viết cho Dân Ngoại tòng giáo ở Rôma -- sau cái chết của Thánh Phêrô và Phaolô khoảng giữa thập niên 60 và 70.

    Cũng như các thánh sử khác, Máccô không phải là một trong 12 tông đồ. Chúng ta không rõ ngài có biết Ðức Kitô một cách cá biệt hay không. Một số sử gia cho rằng vị thánh sử này đã nói đến chính ngài trong đoạn Ðức Kitô bị bắt ở Giệtsimani: "Bấy giờ một người trẻ đi theo Người chỉ khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh, nhưng anh tuột tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng" (Máccô 14:51-52).

    Nhiều người khác cho rằng Máccô là giám mục đầu tiên của Alexandria, Ai Cập. Thành phố Venice, nổi tiếng với quảng trường San Marco, cho rằng Thánh Máccô là quan thầy của thành phố này; một vương cung thánh đường vĩ đại ở đây được coi là nơi chôn cất thánh nhân.

    Dấu hiệu của Thánh Máccô là sư tử có cánh, do bởi đoạn Máccô diễn tả Gioan Tẩy Giả như một "tiếng kêu trong hoang địa" (Máccô 1:3), mà các nghệ nhân so sánh tiếng kêu ấy như tiếng sư tử gầm. Ðôi cánh của sư tử là vì người ta dùng thị kiến của Êgiêkien về bốn con vật có cánh mà áp dụng cho các thánh sử.


    Lời Bàn

    Cuộc đời Thánh Máccô đã hoàn tất những gì mà mọi Kitô Hữu được mời gọi để thi hành: rao truyền Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Ðặc biệt, phương cách của Thánh Máccô là qua sự viết văn. Những người khác có thể loan truyền Tin Mừng qua âm nhạc, nghệ thuật sân khấu, thi văn hay giáo dục con em ngay trong gia đình.


    Lời Trích

    Hầu hết những gì Thánh Máccô viết đều có đề cập đến trong các Phúc Âm khác -- chỉ trừ bốn đoạn. Sau đây là một đoạn: "... Chuyện nước trời cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Ðêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Ðất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa" (Máccô 4:26-29).

    

   

 

Lời Chúa Hôm Nay
Đọc Kinh Sáng
Lịch Công Giáo