Lịch công giáo ngày 28-02-2024
Thứ Tư trong tuần thứ Hai Mùa Chay
Lễ thường - Mùa Chay
Các bài đọc và tin mừng hôm nay
Gr 18:18-20; Tv 31:5-6,14,15-16; Mt 20:17-28
Áo Lễ Linh Mục: Tím
Nhờ đọc và suy gẫm Lời Chúa, mà tâm hồn chúng ta được biến đổi và canh tân đời sống mới nơi chúng ta. Nhờ đọc và sống Lời Chúa hằng ngày, đời sống của chúng ta mới phát sinh những hoa trái thánh thiện, bác ái, phục vụ trong yêu thương và lòng nhiệt thành truyền giáo.
Hãy cùng đọc và suy niệm lời Chúa qua các bài đọc, tin mừng mỗi ngày!
LỜI CHÚA (BÀI ĐỌC & TIN MỪNG) - NGÀY 28/02/2024
Bài Ðọc I: Gr 18, 18-20
“Hãy đến, và chúng ta hành hạ nó”.
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Thiên hạ nói rằng: “Các ngươi hãy đến và chúng ta tìm cách chống lại Giêrêmia: vì tư tế không thiếu lề luật, người khôn ngoan không thiếu lời chỉ bảo, tiên tri không thiếu lời giảng dạy! Hãy đến, chúng ta hãy dùng lời nói mà tố cáo nó và đừng để ý đến các lời nó dạy”.
Lạy Chúa, xin lưu tâm đến con, và nghe tiếng quân thù của con! Làm lành mà phải gặp dữ sao, vì họ đào lỗ chôn con? Xin Chúa hãy nhớ lại con đã đứng trước nhan thánh Chúa để biện hộ cho họ, Chúa đã nguôi giận họ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 30, 5-6. 14. 15-16
Ðáp: Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa
1. Chúa dẫn con xa lưới dò chúng ngầm trương ra để hại con, vì Ngài là chỗ con nương náu. Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa; lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con..
2. Con đã nghe thấy lũ đông bàn tán, nỗi sợ sệt gieo nặng khắp đôi nơi; cùng một lúc, chúng tụ họp phản đối con; chúng đã âm mưu sát hại mạng con.
3. Phần con, lạy Chúa, con tin cậy ở Ngài, con kêu lên: Ngài là Thiên Chúa của con! Vận mạng con ở trong tay Ngài, xin cứu gỡ con khỏi tay quân thù và những người bách hại.
Câu Xướng Trước Phúc Âm
Chúa phán: “Vậy từ đây các ngươi hãy thật lòng quay về với Ta, vì Ta nhân hậu và từ bi”.
PHÚC ÂM: Mt 20, 17-28
“Họ đã lên án tử cho Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, đem riêng mười hai môn đệ đi theo. Dọc đường, Người nói với họ: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các vị thượng tế và luật sĩ. Người ta sẽ lên án tử cho Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại để chúng nhạo báng, đánh đòn, rồi treo Người lên thập giá, nhưng đến ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”.
Bấy giờ bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Người. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: “Bà muốn gì”. Bà ta thưa lại: “Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài”. Chúa Giêsu đáp lại: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây Ta sắp uống chăng?” Họ nói với Người: “Thưa được”. Người bảo họ: “Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai, thì người ấy mới được”. Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em: Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: “Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM LỜI CHÚA NGÀY 28/02/2024
THỨ TƯ TUẦN 2 MC
Mt 20,17-28
LỜI CẦU XIN CHO HÔM NAY
“Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả.” (Mt 20,21)
Suy niệm: Lo lắng tương lai cho con và nghĩ rằng Chúa sẽ lập một vương quốc, một chính phủ, bà mẹ xin cho hai con được ngồi ‘bên hữu, bên tả trong Nước Chúa’. Nhưng Nước Chúa cần môn đệ chứ không cần quan chức. Chúa không lên danh sách các chức danh, bổng lộc để ban phát, nhưng Ngài tuyển chọn một số môn đệ, huấn luyện họ rồi sai đi rao giảng Tin Mừng. Đây không phải là cơ chế ‘xin-cho’ mà là ‘ở với-sai đi’. Điều bà xin cho hai con ‘được ở bên tả bên hữu’ sẽ rất chính đáng nếu đó là lời xin cho họ ở lại với Chúa, gắn bó với Chúa, học hiểu giáo huấn của Chúa, dám uống chén đắng của Chúa để cùng thma gia vào sứ mạng cứu thế với Ngài.
Mời Bạn: Bạn đến và ở với Chúa bằng đời sống cầu nguyện thường xuyên mỗi ngày. Ở với Chúa không chỉ là hiện diện về thể lý nhưng với cả con người của bạn, sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa, sống thân mật với Chúa và làm theo ý Ngài.
Sống Lời Chúa: Đến với Chúa, tôi cởi bỏ tham vọng, quan điểm cá nhân để tôi nhìn thế giới với ánh mắt của Chúa, đi con đường của Chúa và rao giảng chân lý của Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho được ngồi “bên tả bên hữu” Chúa ngay hôm nay nghĩa là cùng Chúa “uống chén đắng” và vác thập giá. Cho con ở gần Chúa để Chúa thanh luyện con khỏi những lây nhiễm thế gian để trở nên khí cụ Chúa dùng cho vinh quang Chúa. Xin cho con ở với Chúa để con hiểu rằng tư tưởng Chúa vượt quá trí hiểu con người, để con tin tưởng vào Chúa mà không tìm cậy dựa vào khả năng bản thân, để con được đổi mới, được Chúa sống và hành động trong con. Amen.
LẼ SỐNG TRONG LỜI CHÚA NGÀY 28/02/2024
28 Tháng Hai
Nụ Cười Của Bà Sarah
Kinh thánh thuật lại rằng, khi bà Sarah, vợ của tổ phụ Abraham, một lão bà gần đất xa trời, được Chúa cho biết là sẽ cưu mang và sinh con, bà đã có một phản ứng thật là người và cũng thật là kỳ diệu: bà đã cười!
Phải, bà cụ già Sarah có lẽ đã cười nắc nẻ khi đứng trước một hoàn cảnh xem ra trớ trêu như thế: một người đàn bà trên 70 tuổi mà còn được Thiên Chúa cho có con!... Thiên Chúa xem ra thích khôi hài!
Và khi Thiên Chúa hỏi tại sao cười, Sarah lại chối rằng mình đã không hề cười. Có lẽ do sợ hãi mà Sarah đã nín cười. Sự sợ hãi có lẽ không còn cho con người được nhìn thấy khía cạnh đáng cười, đáng vui trong cuộc sống... Nhưng liền sau khi sinh con, bà Sarah đã tìm lại được óc khôi hài cho nên bà đã đặt cho đứa con một cái tên khá ngộ nghĩnh là Issac; Issac theo tiếng Do Thái có nghĩa là được sinh từ một người đã cười...
Cười, cười một cách lạc quan: có lẽ đó là một trong những nét nổi bật của người có niềm tin. Người ta thường định nghĩa rằng: một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn... Tất cả các vị thánh đều là những người có óc khôi hài. Các ngài là những con người đã từng biết cười với cuộc sống với tha nhân.
Thánh Phanxicô thành Assisi, vị sứ giả của Hòa Bình, đã có lần tuyên bố: "Hãy trả lại sự buồn phiền cho ma quỷ, bởi vì chỉ có ma quỷ mới có đủ lý do để buồn phiền".
Cha sở họ Ars, là thánh Gioan Maria Vianey, mặc dù thường được người ta tạc tượng như một con người buồn bã, ảo não, nhưng kỳ thực không ai có tâm hồn vui tươi lạc quan như Ngài. Thánh nhân đã nói: "Linh hồn của những ai phục vụ Chúa đều được tràn ngập vui mừng, họ luôn luôn sống như nghỉ ngơi và luôn luôn sẵn sàng để ca hát..."
Thánh Thomas Moore khi bị đưa lên máy chém, đã nói đùa với người lý hình rằng hãy để cho ngài được giúp một tay, cho việc hành quyết được dễ dàng. Ngài còn nói thêm rằng, sau khi đã chém đầu ngài, chớ đụng đến bộ râu vì bộ râu của ngài không hề phản bội một ai...
Một vị tu sĩ nào đó vào thời Trung Cổ đã viết như sau: "Một nụ cười và óc khôi hài thu hút được nhiều người đến với tôn giáo hơn là những khuôn mặt dài vì ủ dột".
Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng: khi ăn chay hãm mình hãy xức dầu thơm vào người.
Còn thứ dầu thơm nào quý giá hơn để tô thắm cho gương mặt của chúng ta cho bằng niềm vui.
Cuộc sống dù có trăm nghìn vất vả, đau thương vẫn là cuộc sống đã được Chúa trao ban như một kho tàng cao quý nhất.
Tình đời có đen bạc, nhân nghĩa có phôi pha: những con người đang sống với chúng ta vẫn là những người con cái Chúa và là anh em của chúng ta.
Hãy cười với cuộc sống, hãy cười với người anh em của chúng ta: đó là sứ điệp của Kitô Giáo mà trọng tâm chính là Mầu Nhiệm Phục Sinh. Qua Mầu Nhiệm ấy, Thiên Chúa đã cười cợt, thách thức tội lỗi và sự chết. Sự Sống và Niềm Hy Vọng đã phát sinh từ cái chết của Ðức Kitô
Trích sách Lẽ Sống
HẠNH CÁC THÁNH NGÀY 28/02/2024
28/2 – CHÂN PHƯỚC DANIEL BROTTIER, LINH MỤC (1876-1936)
Daniel Brottier sinh ngày 7-9-1876 tại La Ferté-Saint-Cyr, GP Blois (Pháp quốc). Ngài thụ phong linh mục năm 1899 và bắt đầu dạy học tại trường Pontlevoy (Pháp). Ngài muốn loan báo Tin Mừng cả ngoài lớp học nên ngài gia nhập Hội Truyền Giáo Chúa Thánh Thần (Congregation of the Holy Ghost) tại Orly (Pháp) năm 1902, đi truyền giáo tại Saint-Louis, Senegal, thuộc Tây Phi, năm 1903. Sau 8 năm, vì sức khỏe suy yếu, ngài trở lại Pháp năm và quyên góp tiền xây nhà thờ chính tòa mới tại Dakar, Senegal. Thánh đường này được thánh hiến ngày 2-2-1936, chỉ vài tuần trước khi ngài qua đời.
Bắt đầu Thế Chiến I, Daniel làm tuyên úy tình nguyện và ra biên giới 4 năm. Ngài không trốn tránh nhiệm vụ. Thật vậy, ngài đã xả thân giữa trận chiến và bị thương. Ngài được tuyên dương là can đảm 6 lần, được thưởng Huân chương Chiến công (Croix de Guerre) và Bắc đẩu Bội tinh (Legion of Honour). Ngài sống sót nhờ cầu nguyện với Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu nên ngài xây một nhà nguyện dâng kính thánh nữ tại Auteuil khi thánh nữ được tuyên thánh.
Sau chiến tranh, ngài được mời giúp thành lập một dự án cho trẻ mồ côi tại Auteuil, ngoại ô Paris. Ngài sống 13 năm ở đó. Ngài qua đời ngày 28-2-1936 tại Paris. Có khoảng 15.000 người dân Paris đến kính viếng ngài, và ĐHY Verdier đã giảng trong thánh lễ an táng ngài. Ngài được ĐGH Gioan Phaolô II tuyên đáng kính ngày 13-1-1983 và tuyên chân phước ngày 25-11-1984.
Ngày 28 tháng 2
Thánh Grêgôriô II
(c. 731)
Sinh ở Rôma, ngay từ khi còn trẻ Grêgôriô đã dính dáng đến công việc của Giáo Hội. Chính Thánh Giáo Hoàng Sergius I là người nhận thấy những đức tính cao quý nơi người trẻ tuổi này và đã tấn phong Grêgôriô làm trợ phó tế. Ngài phục vụ liên tiếp dưới bốn triều đại giáo hoàng với chức vụ thủ quỹ, và sau đó là quản thủ thư viện. Ngài được giao cho các nhiệm vụ quan trọng và tháp tùng Ðức Giáo Hoàng Constantine đến Constantinople để phản đối Hoàng Ðế Justinian II về các nghị định chống lại tây phương của Công Ðồng Trullan II (692). Sau khi Ðức Constantine từ trần, Grêgôriô được chọn làm giáo hoàng và được tấn phong năm 715.
St. Gregory II Ðức Grêgôriô làm giáo hoàng trong 15 năm. Trong thời gian này, ngài tổ chức các thượng hội đồng để chấn chỉnh các nhũng lạm, ngăn chặn lạc giáo và cổ vũ tinh thần kỷ luật và luân lý. Ngài tái xây dựng một phần lớn các tường thành Rôma để bảo vệ thành phố này chống với các cuộc tấn công của quân Lombard. Ngài tái thiết nhiều nhà thờ, và đặc biệt rất quan tâm đến người đau yếu và người già. Ðan viện thật lớn gần nhà thờ Thánh Phaolô đã được tái thiết, cũng như tu viện của Monte Cassino mà quân Lombard đã phá hủy cách đó 150 năm. Ngài tấn phong Thánh Boniface và Thánh Corbinian làm giám mục để đi truyền giáo cho các sắc dân ở Ðức. Và cũng như Ðức Grêgôriô I, ngài biến dinh thự của gia đình ngài thành một đan viện.
Chính trong những cuộc thương thuyết với Hoàng Ðế Lêô III mà người ta mới thấy sức mạnh tinh thần cũng như sự kiên nhẫn của Ðức Grêgôriô. Hoàng Ðế Lêô đòi phải tiêu hủy tất cả các ảnh tượng thánh, và trừng phạt những ai không tuân lệnh. Khi các giám mục không thuyết phục được hoàng đế về sự sai lầm của ông, họ thỉnh cầu đến giáo hoàng. Một đàng, Ðức Grêgôriô cố gắng thay đổi ý nghĩ của hoàng đế. Ðàng khác, ngài khuyên dân chúng trung thành với hoàng tử, luôn luôn khuyến khích các giám mục chống với tà thuyết.
Ðức Grêgôriô II từ trần năm 731.