Lời Chúa Ngày 11/07/2024- Bài Đọc & Tin Mừng & Suy Niệm Lời Chúa

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

Lời Chúa Ngày 11/07/2024

Lịch công giáo ngày 11-07-2024

Thánh Benedictô, Tu Viện Trưởng

Lễ nhớ - Thường Niên

Các bài đọc và tin mừng hôm nay

Hs 11:1,3-4,8-9; Tv 80:2,3,15-16; Mt 10:7-15

Áo Lễ Linh Mục: Trắng

 

Nhờ đọc và suy gẫm Lời Chúa, mà tâm hồn chúng ta được biến đổi và canh tân đời sống mới nơi chúng ta. Nhờ đọc và sống Lời Chúa hằng ngày, đời sống của chúng ta mới phát sinh những hoa trái thánh thiện, bác ái, phục vụ trong yêu thương và lòng nhiệt thành truyền giáo.

Hãy cùng đọc và suy niệm lời Chúa qua các bài đọc, tin mừng mỗi ngày!

 

LỜI CHÚA (BÀI ĐỌC & TIN MỪNG) - NGÀY 11/07/2024

 

Bài Ðọc I: Hs 11, 1b, 3-4, 8c-9

“Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi”.

Trích sách Tiên tri Hôsê.

Ðây Thiên Chúa phán: “Lúc Israel còn niên thiếu, Ta đã yêu thương nó, và Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

“Ta đã dưỡng nuôi Ephraim, Ta đã bồng chúng trên cánh tay Ta mà chúng không biết Ta chăm sóc chúng. Ta đã dùng dây êm ái và mối yêu thương mà tập (cho) chúng đi; Ta đối xử với chúng như người dưỡng nuôi trẻ thơ, Ta đã ấp yêu chúng vào má. Ta nghiêng mình trên chúng và đút cho chúng ăn.

Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không buông thả theo cơn giận của Ta. Ta sẽ không huỷ diệt Ephraim, vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm; Ta là Ðấng Thánh ở giữa ngươi, Ta không thích tiêu diệt”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống (c. 4b).

1. Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai! Chúa ngự trên các vệ binh thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin tỉnh thức quyền năng của Chúa.

2. Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại; tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy; bảo vệ ngành nho mà tay Ngài đã củng cố cho mình.

Alleluia: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! – Ước gì hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 10, 7-15

“Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy đi rao giảng rằng “Nước Trời đã gần đến”. Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Các con chớ mang vàng bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc, vì thợ thì đáng được nuôi ăn.

“Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: “Bình an cho nhà này”. Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy. Nhưng nếu ai không tiếp rước các con và không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi nhà hay thành ấy và giũ bụi chân các con lại. Thật, Thầy bảo các con: Trong ngày phán xét, đất Sôđôma và Gômôra sẽ được xét xử khoan dung hơn thành ấy”.

Ðó là lời Chúa.

 


SUY NIỆM LỜI CHÚA NGÀY 11/07/2024

 

 


LẼ SỐNG TRONG LỜI CHÚA NGÀY 11/07/2024

 

11/07/2024

11 Tháng Bảy

Một Quy Luật Ðơn Sơ

Hôm nay Giáo hội tôn kính nhớ thánh Bênêđictô, bổn mạng của toàn thể Châu Âu.

Vào cuối thế kỷ thứ 5, đế quốc La Mã bị lung lay vì cuộc xâm lăng của những người mà thế giới Kitô tại Âu Châu gọi là dân man di.

Một người thanh niên thuộc dòng dõi quý tộc tại miền trung nước Italia muốn trốn thoát khỏi cuộc loạn nhiễu nhương ấy, cho nên đã leo lên ngọn núi Subiaco để dìm mình trong cuộc sống ẩn dật. Chính giữa nơi thanh tịnh thoát tục ấy mà chàng đã nghe được tiếng Chúa phán trong tâm hồn: có nhiều giá trị của đế quốc La Mã cần phải được bảo tồn. Càng ra sức làm việc để đem lại sự thống nhất và văn minh cho các dân xâm lược ấy.

Lấy những thôi thúc ấy làm lý tưởng cho cuộc sống, Bênêđictô, người thanh niên quý tộc ấy đã quy tụ xung quanh mình một số người đồng chí hướng và thiết lập tu viện đầu tiên tại Montecassino.

Chàng đã nói với Mauro, Placido và những người môn đệ đầu tiên như sau: "Chúng ta giam mình trong bốn bức tường kiên cố không phải là để xa cách những người khác, nhưng là để tiếp nhận từ trên cao ánh sáng của Chúa và thông đạt cho thế giới, để học hỏi một cách sâu xa hơn nền văn minh vừa Kitô giáo vừa nhân bản và làm cho nền văn minh ấy chiếu sáng giữa những người anh em của chúng ta. Tôn chỉ của chúng ta là thập giá và cái cày, bởi vì một dân tộc chỉ có thể phát sinh và lớn lên với sự cầu nguyện, nghiên cứu học hỏi và lao động".

Những điểm chính trong quy luật của chúng ta là: Hát bảy lần một ngày để ca tụng Chúa và làm cho màn đêm tăm tối cũng được ấm cúng với lời ca tụng này. Thứ đến, mỗi ngày bỏ ra nhiều giờ để lao động ngoài đồng áng, học hỏi những sự trên trời và dịch lại những tác phẩm cổ điển. Sau cùng, phục vụ nhau như những người anh em của nhau, nhất là tại bàn ăn, là nơi vừa nghe đọc sách vừa thưởng thức chút rượu.

Vị thánh đã đưa ra chút quy luật đơn sơ trên đây đã được chọn làm bổn mạng của toàn thể Âu Châu, bởi vì nền văn minh của Kitô giáo hiện nay, nền văn minh nhân bản của thế giới ngày nay đã phát sinh từ chính lý tưởng cao quý ấy: sống chung trong yêu thương để ca tụng Chúa và phục vụ con người.

Giữa cơn khủng hoảng của đời sống tu trì như người ta đang chứng kiến hiện nay tại hầu hết các nước Tây phương, người ta lại thấy một dấu hiệu đầy hy vọng: các tu viện sống đời chiêm niệm vẫn tiếp tục thu hút thanh niên thiếu nữ. Giữa một thế giới dư dật, nhưng trống rỗng, hơn bao giờ hết, người ta càng ngày càng cảm thấy có nhu cầu phải cầu nguyện, phải sống kết hợp với Chúa.

Ðời sống tu trì, dù bất cứ dưới hình thức nào đi nữa, cũng không là một lẩn trốn đầy sợ hãi trước thế gian... Người tu sĩ đích thực xa lánh thế gian, chứ không xa lánh con người. Người tu sĩ đích thực xa lánh sự sa đọa của thế gian, để rồi lại kiến tạo một xã hội nhân bản hơn, dễ thở hơn, dễ sống hơn.

Ðó không chỉ là sứ mệnh của người được Chúa chọn cho cuộc sống chiêm niệm và cầu nguyện, mà cũng là sứ mệnh của mọi người Kitô. Người tín hữu Kitô luôn được mời gọi để thoát tục, để đi ngược lại tinh thần của thế tục, để tiêu diệt nơi mình những sức mạnh của sự dữ để ra sức kiến tạo một thế giới đáng sống hơn. Sống giữa thế giới, nhưng không thuộc về thế gian: đó là thế đứng của người Kitô. Ơn gọi và sứ mệnh của họ là kiến tạo Nước Chúa nghĩa là xây dựng những giá trị vĩnh cửu ngay trên chính những cái chóng qua ở đời này


Trích sách Lẽ Sống

 


HẠNH CÁC THÁNH NGÀY 11/07/2024

 

 

Lời Chúa Hôm Nay
Đọc Kinh Sáng
Lịch Công Giáo