Lời Chúa Ngày 21/04/2024- Bài Đọc & Tin Mừng & Suy Niệm Lời Chúa

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

Lời Chúa Ngày 21/04/2024

Lịch công giáo ngày 21-04-2024

Chúa Nhật thứ Tư Mùa Phục Sinh

Lễ trọng - Mùa Phục Sinh

Các bài đọc và tin mừng hôm nay

Cv 4:8-12; Tv 118:1-8-9,21-23,26-21-29; 1 Ga 3:1; 2 Ga 10:11-18

Áo Lễ Linh Mục: Trắng

 

Nhờ đọc và suy gẫm Lời Chúa, mà tâm hồn chúng ta được biến đổi và canh tân đời sống mới nơi chúng ta. Nhờ đọc và sống Lời Chúa hằng ngày, đời sống của chúng ta mới phát sinh những hoa trái thánh thiện, bác ái, phục vụ trong yêu thương và lòng nhiệt thành truyền giáo.

Hãy cùng đọc và suy niệm lời Chúa qua các bài đọc, tin mừng mỗi ngày!

 

LỜI CHÚA (BÀI ĐỌC & TIN MỪNG) - NGÀY 21/04/2024

 

Bài Ðọc I: Cv 4, 8-12

“Ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô được đầy Thánh Thần, đã nói: “Thưa chư vị Thủ lãnh toàn dân và Kỳ lão, xin hãy nghe, nhân vì hôm nay chúng tôi bị đem ra xét hỏi về việc thiện đã làm cho một người tàn tật, về cách thức mà con người đó đã được chữa khỏi, xin chư vị và toàn dân Israel biết cho rằng: Chính nhờ danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, Chúa chúng ta, Người mà chư vị đã đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ danh Người mà anh này được lành mạnh như chư vị thấy đây. Chính người là viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở thành viên Ðá Góc tường; và ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác. Bởi chưng, không một Danh nào khác ở dưới gầm trời đã được ban tặng cho loài người, để phải nhờ Danh đó mà chúng ta được cứu độ”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 1 và 8-9. 21-23. 26 và 28cd và 29

Ðáp: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường (c. 22).

Hoặc đọc: Alleluia.

1. Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa ở loài người. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa những bậc quân vương.

2. Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã nghe con, và đã trở nên Ðấng cứu độ con. Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta.

3. Phúc đức cho Ðấng nhân danh Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa của con và con cảm tạ Chúa, lạy Chúa con, con hoan hô chúc tụng Ngài. Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Ngài muôn thuở.

Bài Ðọc II: 1 Ga 3, 1-2

“Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, các con hãy coi: tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa, và sự thật là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con cái Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 14

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 10, 11-18

“Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Ðó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta”.

Ðó là lời Chúa.

 


SUY NIỆM LỜI CHÚA NGÀY 21/04/2024

 

21/04/2024

Chúa nhật tuần 4 ps – b
Chúa Chiên Lành. Cầu cho ơn thiên triệu
Ga 10,11-18

ĐẸP NGƯỜI ĐẸP ĐẠO

“Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại.” (Ga 10,32)

Suy niệm: Chúa Cha luôn hài lòng về Người Con vì Người Con ấy lúc nào cũng hiếu thảo, tìm mọi sự làm vinh danh Cha, thậm chí đến độ hy sinh mạng sống. Người Con ấy là người đẹp, vì biết làm đẹp lòng Chúa Cha; do đó, cũng làm đẹp Đạo Trời, Đạo do Cha thiết lập và sai Con đến loan báo, thiết lập, phát triển. Các linh mục và tu sĩ, những người anh em với Chúa Giê-su, bước theo chân Ngài, muốn theo gương Thầy Chí Thánh cũng phải sống theo mẫu gương ấy. Đành rằng cùng đích tối hậu của mọi Ki-tô hữu phải là tôn vinh Thiên Chúa và cứu độ con người, thế nhưng, với các linh mục, tu sĩ, cùng đích ấy phải được nhấn mạnh, ghi nhớ, thực hiện với tất cả khả năng trong đời thường mỗi ngày. Đòi hỏi này xem ra quá sức con người, nhưng với tình yêu,  ân sủng Chúa ban, họ có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh.

Mời Bạn: “Hy sinh mạng sống” theo nghĩa đen là tử đạo. Ngoài ra hạn từ này còn bao hàm sự từ bỏ triệt để, chết cho trần thế, chết cho những đam mê bất chính, tội lỗi… hầu toàn tâm toàn ý bước theo Chúa Giê-su.

Sống Lời Chúa: Đời linh mục, tu sĩ sống thánh hiến cần lời cầu nguyện, sự nâng đỡ vật chất và tinh thần từ cộng đồng dân Chúa. Lời mời gọi này hằng năm được khơi lại trong Chúa nhật Chúa Chiên Lành hôm nay. Mong ông bà và anh chị em tích cực hưởng ứng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy sai đi khắp cõi dương trần muôn nghìn sứ giả Phúc âm. Xin cho các linh mục, tu sĩ nam nữ tại Việt Nam luôn hy sinh quên mình cho cánh đồng truyền giáo hôm nay, nhờ vậy có mùa bội thu. Amen.

 


LẼ SỐNG TRONG LỜI CHÚA NGÀY 21/04/2024

 

21/04/2024

21 Tháng Tư

Món Quà Sinh Nhật

    Một bác nông phu tên là Donningos sinh sống bên Brazil bằng nghề trồng bắp. Một buổi sáng nọ, trên con đường đi ra đồng làm việc, ông được đứa con trai mừng sinh nhật thứ 10 chạy theo căn dặn: "Ðừng quên mang về hai con chim nhỏ làm quà sinh nhật cho con cha nhé!". Người cha vốn rất vui tính và thương con nở nụ cười tươi, gật gù dưới chiếc nón rộng vành cho con yên dạ.

    Sau một ngày lao động mệt nhọc trên cánh đồng, thấy mặt trời chưa lặn hẳn, bác Donningos vội đi qua cánh rừng gần đấy gom một mớ củi. Ðang lúc bó củi, bỗng bác nhớ lại lời hứa mang đôi chim về làm quà sinh nhật thứ 10 cho con. Bác bỏ vội bó củi bên đường, tiến sâu vào rừng, trèo nhanh lên gành đá của một ngọn đồi, nơi chim thường làm tổ. Tìm được một tổ chim có tiếng chim con kêu, bác cẩn thận luồn tay vào, nhưng vừa đụng những chim con, bác vội rụt tay về, vì nghe đau nhói như bị kim đâm. Nhìn kỹ đó là vết thương hai lỗ có máu rỉ ra. Chưa định thần thì một con rắn đầu có hình chữ thập trườn ra ngoài, vươn đôi mắt ngê rợn chực tiếp tục tấn công. Ðó là con rắn nổi tiếng được dân địa phương gọi là "uturu des sétao". Nổi tiếng vì nọc nó vô phương cứu chữa.

    Bác nông phu vội rút chiếc dao cán dài ra khỏi thắt lưng, nhắm đầu rắn chặt nhanh. May cho bác, nhát dao giết chết được con rắn, nhưng bàn tay bị rắn cắn bỗng vụt sưng lên. Không chần chừ, bác kê tay lên gốc cây và mạnh tay chặt luôn hai nhát, cắt lìa bàn tay. Buộc xong vết thương bằng chiếc áo và dùng răng phụ chiếc tay còn lại xiết chặt, bác dùng sức tàn chạy nhanh về nhà, nhưng vẫn không quên cầm hai chú chim làm qua sinh nhật cho con.

    Bạn có tin câu chuyện có thực này không? Nếu bạn không tin thì làm sao bạn tin được một sự thật khác còn to lớn hơn: Thiên Chúa chúng ta, không những cho chúng ta bàn tay của người, nhưng đã trao ban cho chúng ta trọn Con Một yêu dấu của Người.

    

    Trích sách Lẽ Sống

 


HẠNH CÁC THÁNH NGÀY 21/04/2024

 

Hạnh các Thánh

21/04/2024

21/4 – THÁNH ANSELMÔ, GIÁM MỤC (1033-1109)

Hồi trẻ, Anselmô hững hờ với tôn giáo, nhưng rồi ngài trở thành một trong các vị lãnh đạo và thần học gia lỗi lạc của Giáo Hội. Ngài được gọi là “cha đẻ của triết học kinh viện” (Father of Scholasticism) nhờ nỗ lực phân tích và làm sáng tỏ chân lý đức tin bằng lý luận.

Lúc 15 tuổi, Anselmô muốn đi tu dòng, nhưng bị từ chối vì cha ngài phản đối. Lúc 27 tuổi, sau những năm sống không quan tâm tôn giáo, ngài lại muốn trở thành tu sĩ. Ngài vào Dòng Bec ở Normandy, 3 năm sau ngài được bầu làm bề trên, và 15 năm sau được bầu làm viện phụ. Được coi là nhà tư tưởng độc đáo và độc lập, ngài còn được khâm phục vì tính kiên nhẫn, hiền từ và có tài dạy học. Trong cương vị viện phụ của Dòng Bec, ngài làm cho dòng thành học viện dòng uy tín về triết học và thần học.

Trong những năm đó, theo yêu cầu của cộng đoàn, ngài cho xuất bản các tác phẩm thần học, được so sánh với các tác phẩm của Thánh Augustinô. Tác phẩm nổi tiếng của Thánh Anselmô là cuốn “Cur Deus Homo” (Tại sao Thiên Chúa làm người).

Lúc 60 tuổi, dù không muốn, ngài được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Canterbury năm 1093. Mới đầu, việc bổ nhiệm ngài bị phản đối từ phía vua William Rufus của Anh quốc, nhưng sau đó được vua chấp thuận. Vua Rufus cương quyết từ chối hợp tác cải cách Giáo Hội. Cuối cùng ngài “tự nguyện đi đày”cho đến khi vua Rufus băng hà năm 1100. Sau đó, vua Henry I, người kế vị và là em của vua Rufus, mời ngài trở lại Anh quốc. Sợ lại bất đồng với vua Henry I vì nhà vua khăng khăng phong chức cho các giám mục của Anh quốc, Thánh Anselmô lại đi Rôma 3 năm nữa.

Ngài quan tâm những người nghèo nhất và phản đối việc buôn bán nô lệ. Ngài được sự đồng thuận của hội đồng quốc gia ở Westminster về việc cấm buôn bán người.

21/4

Thánh Anselm

    (1033-1109)

    Là một thanh niên lãnh đạm với tôn giáo, Thánh Anselm đã trở nên một trong những nhà lãnh đạo và thần học gia vĩ đại của Giáo Hội. Ngài có danh xưng "Ông Tổ Phái Kinh Viện" vì những cố gắng phân tích và làm sáng tỏ các chân lý đức tin qua sự hỗ trợ của lý lẽ.

    Thánh Anselm sinh trong một gia đình quyền quý ở Aoust, thuộc Piedmont. Ngài được người mẹ đạo đức chăm sóc và dạy dỗ về giáo lý, và ảnh hưởng tốt đẹp ấy đã kéo dài suốt cuộc đời ngài.

    Khi 15 tuổi, Anselm muốn gia nhập một đan viện, nhưng bị từ chối vì người cha phản đối. Sau thời gian mười hai năm sống trong sự thờ ơ tôn giáo và theo thói đời, sau cùng ngài đã trở thành một đan sĩ như lòng mong ước. Ngài gia nhập đan viện Bec ở Normandy, ba năm sau ngài được bầu làm đan viện trưởng, và 15 năm sau ngài được bầu làm viện phụ.

    Ðược coi là một nhà tư tưởng độc lập và độc đáo, Ðức Anselm được mọi người thán phục vì sự kiên nhẫn, hiền hòa và tài giảng dạy của ngài. Quả thật, ngài hiểu biết nhiều về thực chất và sự đam mê của con người đến độ dường như ngài đọc được tư tưởng và hành động của họ, bởi đó ngài nhìn thấy các nhân đức cũng như tật xấu của họ và khuyên bảo họ một cách thích hợp. Dưới sự lãnh đạo của ngài, Ðan Viện Bec trở nên trường đào tạo các đan sĩ, có ảnh hưởng đến các tư duy triết học và thần học thời ấy.

    Trong những năm này, theo lời yêu cầu của cộng đoàn, Ðức Anselm bắt đầu công bố các công trình thần học của ngài, có thể sánh với các văn bản của Thánh Augustine. Công trình nổi tiếng nhất của ngài là cuốn Cur Deus Homo ("Tại Sao Thiên Chúa Làm Người").

    Khi 60 tuổi, ngài được bổ nhiệm làm Ðức Tổng Giám Mục của Canterbury vào năm 1093, trái với ý muốn của ngài. Việc bổ nhiệm ngài, lúc đầu bị vua nước Anh là William Rufus chống đối nhưng sau đó phải chấp nhận. Rufus cố chấp từ chối cộng tác với các nỗ lực cải cách Giáo Hội.

    Sau cùng Ðức Anselm phải đi lưu đầy cho đến khi Rufus từ trần năm 1100. Ngài được gọi về nước Anh bởi Henry I, là em và là người kế vị Rufus. Tuy nhiên, Ðức Anselm lại bất đồng với Henry về việc nhà vua nhúng tay vào các vấn đề của hàng giám mục, do đó ngài lại phải đi lưu đầy ba năm ở Rôma.

    Không chỉ lưu tâm đến hàng quý tộc, Ðức Anselm còn để ý và lo lắng cho người nghèo. Ngài là người đầu tiên trong Giáo Hội chống đối việc buôn nô lệ. Và ngài đã được Hội Ðồng Quốc Gia Westminster thông qua đạo luật cấm buôn bán con người.

    Ngài từ trần ở Canterbury, Anh Quốc năm 1109, và được phong thánh năm 1494.

    Lời Bàn

    Thánh Anselm, cũng như bất cứ môn đệ trung kiên nào khác của Ðức Kitô, đã phải vác thập giá của mình, nhất là dưới hình thức chống đối và xung đột với những người đang nắm quyền chính trị. Mặc dù bản tính là một người hiền hòa và yêu chuộng hòa bình, Thánh Anselm không nhượng bộ trước sự đàn áp và mâu thuẫn với các nguyên tắc đang bị đe dọa.

    Lời Trích

    "Trên thiên đàng không ai có sự khao khát nào hơn là thánh ý Thiên Chúa; và sự khao khát của một người sẽ là sự khao khát của mọi người; và sự khao khát của mọi người cũng như mỗi người sẽ là sự khao khát của Thiên Chúa" (Thánh Anselm, Opera Omnis, Thư 112).

    

   

 

Lời Chúa Hôm Nay
Đọc Kinh Sáng
Lịch Công Giáo