Lịch công giáo ngày 27-02-2024
Thứ Ba trong tuần thứ Hai Mùa Chay
Lễ thường - Mùa Chay
Các bài đọc và tin mừng hôm nay
Is 1:10,16-20; Tv 50:8-9,16-17,21,23; Mt 23:1-12
Áo Lễ Linh Mục: Tím
Nhờ đọc và suy gẫm Lời Chúa, mà tâm hồn chúng ta được biến đổi và canh tân đời sống mới nơi chúng ta. Nhờ đọc và sống Lời Chúa hằng ngày, đời sống của chúng ta mới phát sinh những hoa trái thánh thiện, bác ái, phục vụ trong yêu thương và lòng nhiệt thành truyền giáo.
Hãy cùng đọc và suy niệm lời Chúa qua các bài đọc, tin mừng mỗi ngày!
LỜI CHÚA (BÀI ĐỌC & TIN MỪNG) - NGÀY 27/02/2024
Bài Ðọc I: Is 1, 10. 16-20
“Các ngươi hãy học làm điều lành và tìm kiếm công lý”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Hỡi các Thủ lãnh thành Sôđôma, hãy nghe lời Chúa; hỡi dân thành Gômôra, hãy lắng nghe lề luật của Thiên Chúa chúng ta. Các ngươi hãy tắm rửa, hãy thanh tẩy, đừng làm điều xấu nữa, hãy làm điều lành; hãy tìm kiếm công lý, hãy cứu giúp kẻ bị áp bức, hãy xét xử công bằng cho những trẻ mồ côi và bênh vực người goá bụa.
Và Chúa phán: “Các ngươi hãy đến và đối chất với Ta: cho dầu tội lỗi các ngươi như màu đỏ thắm, cũng sẽ trở nên trắng như tuyết; cho dầu đỏ như vải điều, cũng sẽ trở nên trắng như len. Nếu các ngươi quyết tâm nghe Ta, các ngươi sẽ hưởng hoa màu ruộng đất; nhưng nếu các ngươi cố chấp không nghe và khiêu khích Ta, thì lưỡi gươm sẽ tiêu diệt các ngươi, vì miệng Chúa phán như thế”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 49, 8-9. 16bc-17. 21 và 23
Ðáp: Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ
1. Ta không khiển trách ngươi về chuyện dâng lễ vật, vì lễ toàn thiêu của ngươi đặt ở trước mặt Ta luôn. Ta không nhận từ nhà ngươi một con bò non, cũng không nhận từ đoàn chiên ngươi những con dê đực.
2. Tại sao ngươi ưa kể ra những điều huấn lệnh, và miệng ngươi thường nói về minh ước của Ta, ngươi là kẻ không ưa lời giáo huấn, và ném bỏ lời Ta lại sau lưng?
3. Ngươi làm thế, mà Ta đành yên lặng? Ngươi đã tưởng rằng Ta giống như ngươi? Ta sẽ bắt lỗi, sẽ phơi bày trước mặt ngươi tất cả. Ai hiến dâng lời khen ngợi, người đó trọng kính Ta; ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ.
Câu Xướng Trước Phúc Âm
Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời.
Phúc Âm: Mt 23, 1-12
“Họ nói mà không làm”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy, vì thế họ nới rộng thẻ Kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha, vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo, vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM LỜI CHÚA NGÀY 27/02/2024
THỨ BA TUẦN 2 MC
Mt 23,1-12
CHỈ CÓ MỘT CHA TRÊN TRỜI
“Phần anh em, đừng để ai gọi mình là thầy vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.” (Mt 23,8-9)
Suy niệm: Chúng ta vẫn gọi người sinh thành ra mình là cha, người dạy dỗ mình là thầy. Những danh xưng cao cả ấy nói lên niềm tôn kính mà xã hội dành cho những chức bậc cao quý này. Khi dạy chúng ta đừng gọi ai dưới đất này là cha, là thầy, Đức Giê-su không có ý nói chúng ta phải loại bỏ lòng tôn kính biết ơn chính đáng đối với những thiên chức cao cả này, bởi vì lòng tôn kính đó là chính nội dung của giới răn thứ IV trong Mười Điều Răn: “Thứ bốn: thảo kính cha mẹ.” Thay vì loại bỏ, Ngài muốn chúng ta nâng cao và hoàn thiện những thiên chức đó: tuyên xưng niềm tin vào Người Thầy và Người Cha duy nhất của chúng ta ở trên trời qua việc tôn kính vâng phục các vị đại diện của Ngài ở dưới đất này.
Mời Bạn: Bạn hãy luôn có ý hướng siêu nhiên và tinh thần đức tin khi vâng phục các vị bề trên của bạn (cha mẹ, thầy cô, các linh mục…) bằng cách nhìn thấy Thiên Chúa hoạt động qua thiên chức của các vị đó. Nhờ thế việc vâng phục của bạn mới đáng được công phúc trước mặt Chúa. Bạn còn nhớ giáo lý về điều răn thứ bốn dạy ta điều gì không?
Sống Lời Chúa: Bạn luôn vâng phục bề trên của mình với tinh thần đức tin; và bạn cầu nguyện cho các bề trên của mình luôn sống đúng thiên chức của họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Con Một Chúa dạy chúng con biết “vâng ý Cha dưới đât cũng như trên trời”. Xin cho chúng con biết bắt chước Người nhận ra và vâng phục thánh ý Chúa như vậy.
LẼ SỐNG TRONG LỜI CHÚA NGÀY 27/02/2024
27 Tháng Hai
Ðám Ðông Dưới Chân Thập Giá
Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa Rembrandt, người Hòa Lan, sống vào thế kỷ 17, đó là bức tranh "Ba Thập Giá". Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu trỗi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét. Tác giả như muốn nói rằng không trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.
Nhìn kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt gần như mất hút vào trong bóng tối, nhưng một vài nét cũng đủ để cho các nhà chuyên môn chẩn đoán rằng đó chính là khuôn mặt của danh họa Rembrandt. Tại sao giữa đám đông của những kẻ đang đằng đằng sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembrandt lại chen vào khuôn mặt của mình? Câu trả lời duy nhất mà người ta có thể đưa ra giải thích về sự hiện diện của tác giả giữa đám người lý hình: đó là ý thức tội lỗi của chính ông. Rembrandt muốn thú nhận rằng chính tội lỗi của ông đã đóng góp vào việc treo Chúa Giêsu lên thập giá. Và qua sự có mặt của ông, tác giả cũng muốn nói với mỗi người chiêm ngắm bức tranh rằng: họ cũng dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.
Dưới cái nhìn lịch sử thì quả thực cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là hành động tội ác của những người Do Thái và La Mã cách đây hai ngàn năm. Phêrô đã chối bỏ Ngài. Philatô đã rửa tay để chối bỏ trách nhiệm của ông. Những người Do Thái đã cuồng tín kêu gào đóng đinh Ngài vào thập giá. Các binh sĩ La Mã đã đánh đập, hành hung Ngài và cuối cùng treo Ngài lên thập giá.
Dưới cái nhìn của người có niềm tin, thì cái chết của Ðức Kitô trên thập giá là một Mầu Nhiệm. Mầu Nhiệm bởi vì chúng ta không thể hiểu được tại sao Con Một Thiên Chúa đã phải trải qua một thân phận đớn đau như thế? Mầu Nhiệm bởi vì một cách nào đó, người có niềm tin cũng cảm thấy mình đã thực sự tham dự vào việc đóng đinh ấy. Chúng ta tuyên xưng rằng Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta, nghĩa là chính do tội lỗi của chúng ta mà Ngài đã phải bị treo trên thập giá. Tội lỗi của chúng ta ngày nay, cho dầu cách xa hai ngàn năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một sỉ vả hoặc chính một cái đóng đinh vào thân thể Ngài. Khi chúng ta chối bỏ người anh em, khi chúng ta đối xử tệ bạc với người anh em, khi chúng ta chối bỏ chính mình mà quên sự đau khổ của người xung quanh, đó chính là lúc chúng ta dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá
Trích sách Lẽ Sống
HẠNH CÁC THÁNH NGÀY 27/02/2024
27/2 – THÁNH GABRIEL ĐỨC MẸ SẦU BI, TU SĨ (1838-1862)
Sinh tại Ý trong một gia đình nhiều người và có tên thánh rửa tội là Phanxicô, ngài mồ côi mẹ khi mới 4 tuổi. Ngài được học với các tu sĩ Dòng Tên, hai lần khỏi bệnh nặng, và tin Chúa gọi mình sống đời tu trì. Ngài muốn vào dòng Tên nhưng bị từ chối, có lẽ do tuổi tác, vì chưa đủ 17 tuổi. Sau khi người chị chết vì bệnh dịch tả, ý muốn đi tu của ngài càng mạnh hơn và ngài được dòng Chúa Chịu Nạn (Passionists) chấp nhận. Khi vào nhà tập, ngài có tên dòng là Gabriel Đức Mẹ Sầu Bi.
Gabriel mau chóng thành công trong nỗ lực sống đức tin trong từng việc nhỏ. Ngài có tinh thần cầu nguyện, yêu thương người nghèo, cân nhắc cảm xúc của người khác, tuân thủ luật dòng và hành xác, luôn vâng lời ý khôn ngoan của bề trên. Những điều đó khiến mọi người có ấn tượng mạnh.
Bề trên muốn Gabriel làm linh mục, nhưng chỉ mới tu 4 năm, triệu chứng bệnh lao xuất hiện. Luôn vâng lời, ngài chịu đựng đau đớn, nhưng không đòi hỏi được quan tâm đặc biệt. Ngài qua đời ngày 27-2-1862, khi mới 24 tuổi, nêu gương sáng cho cả người trẻ lẫn người già. Ngài được tuyên thánh năm 1920.
27 Tháng Hai
Thánh Gabrien của Ðức Mẹ Sầu Bi (c. 1862)
Phanxicô, sinh trưởng trong một gia đình có đến 12 người con, và ngài mồ côi mẹ khi mới bốn tuổi. Phanxicô được các cha dòng Tên dạy dỗ, và sau hai lần thoát khỏi bệnh nặng, anh tin rằng Thiên Chúa kêu gọi anh vào đời sống tu trì. Tuy nhiên, ước ao gia nhập dòng Tên của anh bị từ chối, có lẽ vì tuổi còn nhỏ, lúc ấy anh chưa đến 17 tuổi. Sau cái chết của người chị vì bệnh dịch tả, quyết tâm đi tu của anh lại càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và anh được các cha dòng Passionist chấp nhận. Khi bắt đầu cuộc sống đệ tử, Phanxicô lấy tên là Gabrien của Ðức Mẹ Sầu Bi.
Là một con người luôn luôn bình dị và vui tươi, không bao lâu Gabrien đã tập được cho mình một đức tính: trung thành trong mọi chuyện dù nhỏ bé. Anh khiến mọi người ngạc nhiên về tinh thần cầu nguyện của anh cũng như việc yêu thương người nghèo, quan tâm đến người khác, tuân giữ quy luật cách nghiêm nhặt và hãm mình phạt xác -- luôn luôn tùy theo tôn ý của bề trên.
Cha bề trên rất kỳ vọng nơi Gabrien khi anh đang chuẩn bị cho đời sống linh mục, nhưng chỉ sau bốn năm tu tập, các triệu chứng của bệnh lao bắt đầu xuất hiện. Luôn luôn vâng lời, anh kiên nhẫn chịu đựng sự đau đớn và những hạn chế mà cơn bệnh đòi hỏi, không muốn được lưu ý cách đặc biệt. Anh từ trần cách êm ái vào ngày 27 tháng Hai 1862, khi mới 24 tuổi, sau khi sống gương mẫu cho mọi người.
Gabrien của Ðức Mẹ Sầu Bi được phong thánh năm 1920.