Lịch công giáo ngày 29-04-2024
Thánh Catêrina đệ Siena, Đtts
Lễ nhớ - Mùa Phục Sinh
Các bài đọc và tin mừng hôm nay
Cv 14:5-18; Tv 115:1-2,3-4,15-16; Ga 14:21-26
Áo Lễ Linh Mục: Trắng
Nhờ đọc và suy gẫm Lời Chúa, mà tâm hồn chúng ta được biến đổi và canh tân đời sống mới nơi chúng ta. Nhờ đọc và sống Lời Chúa hằng ngày, đời sống của chúng ta mới phát sinh những hoa trái thánh thiện, bác ái, phục vụ trong yêu thương và lòng nhiệt thành truyền giáo.
Hãy cùng đọc và suy niệm lời Chúa qua các bài đọc, tin mừng mỗi ngày!
LỜI CHÚA (BÀI ĐỌC & TIN MỪNG) - NGÀY 29/04/2024
Bài Ðọc I: Cv 14, 5-17
“Chúng tôi rao giảng cho các người bỏ các thần này mà trở về với Thiên Chúa hằng sống”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, tại Icônia có phong trào người dân ngoại và người Do-thái cùng các thủ lãnh của họ định ngược đãi và ném đá Phaolô và Barnaba. Biết thế, hai ngài trốn sang các thành thuộc Lycaonia là Lystra, Ðerbê và khắp vùng phụ cận, và rao giảng Tin Mừng ở đó.
Lúc ấy tại Lystra có người bại chân từ lòng mẹ, anh chỉ ngồi và không hề đi được. Anh nghe Phaolô giảng dạy. Phaolô chăm chú nhìn anh, thấy anh có lòng tin để được cứu chữa, nên nói lớn tiếng rằng: “Hãy chỗi dậy và đứng thẳng chân lên”. Anh liền nhảy lên và bước đi. Dân chúng thấy việc Phaolô làm, thì la to bằng tiếng Lycaonia rằng: “Các vị thần mặc lớp người phàm đã xuống với chúng ta”. Họ gọi Barnaba là thần Giupitê và Phaolô là thần Mercuriô, vì chính ngài giảng. Thầy sãi thần Giupitê ở ngoại thành, mang bò và vòng hoa đến trước cửa: ông toan hợp cùng dân tế thần.
Nghe tin ấy, các tông đồ Barnaba và Phaolô liền xé áo mình ra, xông vào đám dân chúng mà la lên rằng: “Hỡi các ngươi, các ngươi làm gì thế? Chúng tôi cũng là loài hay chết, là người như các ngươi, là những kẻ rao giảng cho các người bỏ các thần này mà trở về với Thiên Chúa hằng sống, Ðấng tạo thành trời đất, biển cả và mọi vật trong đó. Trong các thế hệ trước đây, Người đã để mặc cho mọi dân tộc đi theo đường lối riêng mình; dầu vậy, Người không hề để thiếu sót những dấu chứng về Người, Người ban phát muôn ơn lành, cho mưa từ trời xuống cho các ngươi và mùa màng hoa trái, cho các ngươi được no lòng phỉ dạ”. Dầu nói thế, các ngài cũng phải vất vả lắm mới ngăn cản được dân chúng khỏi tế các ngài.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 113B, 1-2. 3-4. 15-16
Ðáp: Lạy Chúa, không phải cho chúng con, nhưng xin cho danh Ngài rạng sáng
Hoặc đọc: Alleluia.
1. Không phải cho chúng con, lạy Chúa, không phải cho chúng con, nhưng xin cho danh Ngài rạng sáng, vì đức từ bi, vì lòng trung tín của Ngài. Tại sao Chúa để chư dân người ta nói: “Thiên Chúa của bọn này ở đâu?”
2. Thiên Chúa chúng tôi ngự trên trời, phàm điều chi Ngài ưng ý, Ngài đã thực thi. Thần tượng của họ bằng bạc với vàng, đó là sự vật do tay loài người tác tạo.
3. Anh em đã được Chúa ban phúc lành, Chúa là Ðấng đã tạo thành trời đất. Trời là trời của Chúa, còn đất thì Chúa đã tặng con cái loài người.
Alleluia: Cl 3, 1
Alleluia, alleluia! – Nếu anh em sống lại làm một với Ðức Kitô, thì anh em hãy tìm kiếm những sự cao siêu trên trời, nơi Ðức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 14, 21-26
“Ðấng Phù Trợ mà Cha sẽ sai đến, Người sẽ dạy các con mọi điều”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy, và ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy cũng yêu mến và tỏ mình ra cho người ấy”.
Ông Giuđa, không phải Giuđa Iscariô, thưa Người rằng: “Lạy Thầy, tại sao Thầy sẽ tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ cho thế gian?” Chúa Giêsu trả lời: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời mà các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Ðấng Phù Trợ, là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM LỜI CHÚA NGÀY 29/04/2024
THỨ HAI TUẦN 5 PS
Th. Ca-ta-ri-na Si-ê-na, trinh nữ, tiến sĩ HT
Ga 14,21-26
VÂNG LỜI VÌ YÊU MẾN
“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14,23)
Suy niệm: Cũng là điều dễ hiểu khi yêu mến ai thì cũng sẵn lòng nghe lời người ấy. Thế nhưng, yêu mến Đức Giê-su và làm theo lời Ngài để rồi được Thiên Chúa đến ngự trong tâm hồn thì quả là một phần thưởng quá lớn lao không ai dám mơ tưởng, thậm chí không thể biến thành hiện thực được. Dù thế, chính Chúa Giê-su đã thực hiện điều Ngài đã nói khi Ngài là Người Con Chí Ái sẵn lòng vâng phục Chúa Cha cho đến chết. Và khi sống lại từ cõi chết, Ngài còn khiến điều đó trở thành khả thi cho chúng ta: làm theo lời Chúa Ki-tô là vác thánh giá, chịu đóng đinh với Ngài, mà ai cùng chịu chết với Ngài thì sẽ cùng Ngài sống lại.
Mời Bạn: Chúa Giê-su đã tặng cho chúng ta bí quyết để đạt được cuộc sống hạnh phúc đời đời với Ngài: yêu mến Chúa và làm theo lời Ngài. Thích hay không thích thì thập giá cũng đã cắm đầy dẫy trong cuộc đời của chúng ta. Vấn đề là chúng ta có biết đón nhận những thập giá đó một cách mau mắn và với trọn niềm yêu mến hay không.
Chia sẻ: Giữa một việc lành nhưng được làm cách miễn cưỡng và cũng việc đó nhưng được làm cách tự nguyện vì yêu mến, có sự khác biệt rất sâu xa. Bạn làm gì để nhận ra sự khác biệt ấy?
Sống Lời Chúa: Chọn một việc bổn phận hoặc một việc công ích mà bạn cảm thấy ngại ngùng để làm với tâm tình mến yêu phục vụ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không xét theo dáng vẻ bên ngoài, nhưng Chúa nhìn xem cõi lòng. Xin cho con biết tìm gặp Chúa qua những người anh em và phục vụ họ như phục vụ chính Chúa.
LẼ SỐNG TRONG LỜI CHÚA NGÀY 29/04/2024
29 Tháng Tư
Chúc Lành Của Người Cha
Ðức Hồng Y Cardjin, vị sáng lập của phong trào Thanh Lao Công, đã tự thuật như sau: "Tôi là con của giai cấp công nhân. Nếu tôi đã có thể trở thành linh mục, là cũng nhờ cha tôi". Cha tôi là một công nhân nghèo. người đã phải hy sinh để nuôi dưỡng những đứa con mà hẳn người đã hãnh diện. Tôi còn nhớ, khi lên 13 tuổi, một buổi tối nọ, khi các anh chị của tôi đã lên giường đi ngủ, tôi rón rén bước xuống nhà bếp. Tôi đến gần cha tôi. Người đang ngồi trầm ngâm với chiếc ống điếu. Còn mẹ tôi thì đang khâu giày cho chúng tôi. Tôi rụt rè thưa với cha tôi: "Thưa ba, con có thể tiếp tục học không?". Cha tôi trả lời: "Con ơi, ở tuổi con ba đã phải đi làm rồi. Nay thì ba đã già và sức ba cũng đã mòn".
Tôi lấy hết can đảm để thuyết phục cha tôi: "Ba ơi, con nghĩ là Chúa đã gọi con, con muốn tở thành linh mục".
Bình thường cha tôi là một người ít biểu lộ tình cảm. Nhưng tối hôm đó, khi vừa nghe tôi cho biết ý định làm linh mục, nước mắt người bỗng từ từ lăn trên gò má... Và đôi tay của mẹ tôi cũng run lên vì xúc động.
Cuối cùng, khi làm chủ được cơn xúc động, cha tôi mới thốt lên với tất cả cương quyết: "Ba má đã hy sinh quá nhiều... Nhưng để cho một người con làm linh mục, ba má nguyện sẽ tiếp tục hy sinh".
Mà quảthực, cha mẹ tôi đã tiếp tục làm việc nhiều hơn nữa để tôi có thể tiếp tục học. Vừa mãn trung học, 8 ngày trước khi lãnh thưởng cuối năm, tôi nhận được điện tín nhắn tin cha tôi đau nặng.
Trên giường hấp hối, cha tôi nhìn tôi mỉm cười: đó là chúc lành cuối cùng mà người dành cho tôi. Người cha đáng thương, hy sinh cho đến chết để người con được trở thành linh mục.
Sau khi vuốt mắt người, tôi đã thề hứa sẽ hy sinh để trở thành linh mục, nhất là linh mục cho giới công nhân.
Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài muốn. Nhưng tiếng gọi ấy luôn được ngỏ với con người trong một khung cảnh sống cụ thể. Khung cảnh ấy có thể là gia đình, là chợ búa, là trường học, là chỗ làm việc... Có những khung cảnh thuận tiện, mà cũng có những khung cảnh không thuận tiện. Có những nơi hạt giống ơn gọi được nảy mầm, vun xới. Có những nơi hạt giống ấy bị bóp nghẹt...
Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài muốn, nhưng kẻ được gọi luôn là người đang sống cùng và sống với những người khác. Do đó, nếu không có sự nâng đỡ của những người xung quanh, hạt giống ơn gọi cũng sẽ mai một dễ dàng...
Chúng ta hãy cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Ý thức đầu tiên của chúng ta trong ngày hôm nay phải là: ơn gọi là vấn đề của mọi người Kitô. Từ gia đình, đến trường học, công sở... mọi người chúng ta đều có trách nhiệm nâng đỡ và bảo vệ hạt giống ơn gọi mà Chúa muốn gieo vào lòng những người anh chị em của chúng ta.
Thánh Gioan Bosco đã nói: phần thưởng quan trọng nhất mà Chúa có thể dành cho mọi gia đình Kitô, đó là kêu gọi một người con làm linh mục. Phần thưởng trọng đại ấy, Chúa dành cho các gia đình có con cái tận hiến cho Chúa, nhưng Ngài cũng dành cho tất cả những ai cách này hay cách khác biết cổ vũ, nâng đỡ và giúp phát triển ơn kêu gọi...
Trích sách Lẽ Sống
HẠNH CÁC THÁNH NGÀY 29/04/2024
29/4 – THÁNH CATARINA SIÊNA, TIẾN SĨ (1347-1380)
Catarina sinh ngày 25-3-1347 tại Siena, là út của ông Jacopo và bà Lapa Benincasa. Bà sống không lâu nhưng hoàn toàn dành cho Đức Kitô.
Điều ấn tượng nhất ở bà là “đầu hàng” Thiên Chúa. Bà thông minh, vui vẻ và đạo đức. Bà cắt tóc để làm xấu mình mà không thanh niên nào muốn cưới bà. Người cha muốn mọi người để cho con gái được yên, dành riêng một phòng để con gái cầu nguyện và suy niệm.
Lúc 18 tuổi, bà vào Dòng Ba Đa Minh, dành 3 năm sống cô tịch, cầu nguyện và khổ hạnh. Dần dần nhiều người theo bước bà – đàn ông, đàn bà, và cả các linh mục. Đời sống tông đồ của bà lớn mạnh nhờ sống chiêm niệm. Đa số các thư của bà về hướng dẫn tâm linh và khuyến khích những người theo bà, càng ngày càng được chú ý. Nhiều người chống đối và vu oan cho bà vì bà bộc trực và hoàn toàn vì Chúa Kitô. Nhưng rồi bà được giải oan tại Tổng hội dòng Đa Minh năm 1374.
Ảnh hưởng của bà lên đến đỉnh cao nhờ sự thánh thiện của bà, và bà đã gây ấn tượng sâu sắc đối với Đức giáo hoàng. Bà hoạt động không ngơi nghỉ để chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ, giải hòa giữa Florence và Đức giáo hoàng.
Năm 1378 xảy ra vụ Đại ly giáo, chia cách các nước theo Kitô giáo, chia hai rồi chia ba, có các giáo hoàng và thậm chí đặt các thánh vào thế đối nghịch. Thánh Catarina dành 2 năm cuối đời ở Rôma, cầu nguyện, bào chữa Giáo Hội nhân danh ĐGH Urbanô VI và sự hiệp nhất Giáo Hội. Khi bà qua đời, các “con cái” vây quanh bà.
Thánh Catarina uy tín trong số các nhà thần bí và những người viết về tâm linh của Giáo Hội. Năm 1970, ĐGH Phaolô VI tôn vinh Thánh Catarina và Thánh Têrêsa Avila là Tiến sĩ Giáo Hội. Những năm gần đây, người ta đề nghị nên chọn Thánh Catarina làm bổn mạng Internet. Chúc thư tâm linh của bà có trong cuốn “The Dialogue” (Đối Thoại).
29/4
Thánh Catarina ở Siena
(1347 -- 1380)
Trong cuộc đời ngắn ngủi, Thánh Catarina đặt trọng tâm vào việc hoàn toàn phó thác cho Ðức Kitô. Ðiều đáng khâm phục về thánh nữ là ngài coi việc phó thác cho Chúa như một mục đích phải đạt được qua thời gian.
Thánh Catarina, tên thật là Catarina Benincasa, sinh ở Siena và là người con út trong một gia đình có đến 23 người con. Ngay từ khi bảy tuổi, cô đã dâng hiến tâm hồn cho Ðức Kitô. Nơi cô sinh trưởng rất gần San Domenico, trung tâm truyền giáo của Dòng Ða Minh, và khi lớn lên cô bày tỏ ý muốn đi tu, nhưng gia đình lại muốn cô kết hôn. Ðể nói lên ý chí quyết liệt của mình, cô đã cắt tóc và sau cùng, với sự đồng ý của cha mẹ, Catarina gia nhập tổ chức Mantellate, là hội phụ nữ có liên hệ đến Dòng Ða Minh, họ mặc áo dòng nhưng sống ở nhà, phục vụ người nghèo và người đau yếu. Trong vòng hai năm liên tiếp cô không bao giờ rời phòng, trừ khi đi xem lễ và xưng tội, và cũng không nói chuyện với một ai ngoại trừ cha giải tội. Trong thời gian này, Catarina luyện tập tâm linh qua lối sống khắc khổ.
Sau đó, cô tự phá vỡ đời sống cô độc và bắt đầu hăng say chia sẻ công việc trong nhà, săn sóc người bệnh và giúp đỡ người nghèo. Tuy nhiên cô vẫn dành thời giờ trong thinh lặng và chiêm niệm.
Dần dà, người ta nhận thấy dường như Catarina đọc được tâm hồn của họ và dân chúng thuộc đủ mọi thành phần -- giầu và nghèo, tu sĩ và giáo dân, thợ thuyền và lính tráng - bắt đầu tuốn đến với cô để được khuyên bảo. Từ đó một tổ chức tông đồ giáo dân được thành hình. Các lá thư của cô, hầu hết là các lời khuyên bảo tinh thần và khuyến khích các người mến mộ, ngày càng được công chúng đón nhận.
Vì sự hòa đồng với người đời một cách không sợ sệt cũng như lời nói bộc trực và uy quyền của một người hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, Catarina đã bị dị nghị và dèm pha. Nhưng mọi điều cáo buộc cô đã bị bác bỏ trong Tổng Công Hội Dòng Ða Minh năm 1374.
Cô có ảnh hưởng rất lớn vì sự thánh thiện hiển nhiên, cũng như vì ảnh hưởng sâu đậm đối với đức giáo hoàng. Cô làm việc không biết mệt trong cuộc thập tự chinh chống với người Thổ Nhĩ Kỳ và trong việc hòa giải thành phố Florence với đức giáo hoàng.
Cô thành công trong việc thuyết phục Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XI trở về Rôma, nhưng không bao lâu đức giáo hoàng từ trần và Ðức Urbanô VI lên ngôi. Khi cuộc Ðại Ly Giáo bùng nổ, Ðức Urbanô VI mời Catarina đến Rôma, vì đức giáo hoàng cần sự hỗ trợ của cô. Năm 1378, cô đến Rôma và thường xuyên viết thư gửi các nhà lãnh đạo quốc gia và Giáo Hội để bảo vệ cho quyền giáo hoàng của Ðức Urbanô. Hàng ngày, cô đi bộ đến Ðền Thánh Phêrô và cầu nguyện cho sự hiệp nhất.
Một vài tuần trước khi chết, cô đang cầu nguyện trước một bức khảm ở Ðền Thánh Phêrô, cô trông thấy con thuyền của Thánh Phêrô dường như rời khỏi bức khảm và đậu trên vai của cô. Con thuyền xô cô ngã quỵ và người ta phải khiêng cô về nhà. Catarina hầu như bất toại cho đến khi từ trần, ngày 24 tháng Tư 1380, lúc ấy mới ba mươi ba tuổi.
Cô được Ðức Giáo Hoàng Piô II phong thánh năm 1461, và được coi là một trong những vị thần nghiệm và văn sĩ linh đạo của Giáo Hội. Vào năm 1970, Ðức Phaolô VI tuyên xưng thánh nữ là Tiến Sĩ Hội Thánh. Thánh Catarina là người phụ nữ thứ hai (sau Thánh Têrêsa ở Avila) được vinh dự này.
Trong khi các thư của Thánh Catarina thường được coi là cửa ngõ để biết đến con người của ngài, nhưng người ta thường nhắc đến tác phẩm "Ðối Thoại" mà ngài chỉ coi đó là "cuốn sách của tôi," gồm các lời giảng dạy của thánh nữ để lại cho các người mến mộ. Cha Raymond, vị linh hướng của thánh nữ cho biết tác phẩm này ghi lại những lời đối thoại với Thiên Chúa khi ngài ngất trí.