Dung nhan Đức Giê-su chói lọi như mặt trời.
Bài đọc 1: St 12,1-4a
Thiên Chúa gọi ông Áp-ram, tổ phụ dân Người.
Bài trích sách Sáng thế.
1 Hồi ấy, Đức Chúa phán với ông Áp-ram : “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. 2 Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành.
3“Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi ;
Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa.
Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.”
4aÔng Áp-ram ra đi, như Đức Chúa đã phán với ông.
Đáp ca: Tv 32,4-5.18-19.20 và 22 (Đ. c.22)
Đ.Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.
4Lời Chúa phán quả là ngay thẳng,
mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin.5Chúa yêu thích điều công minh chính trực,
tình thương Chúa chan hoà mặt đất.
Đ.Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.
18Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa,
kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương,19hầu cứu họ khỏi tay thần chết
và nuôi sống trong buổi cơ hàn.
Đ.Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.
20Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa,
bởi Người luôn che chở phù trì.22Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.
Đ.Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.
Bài đọc 2; 2 Tm 1,8b-10
Thiên Chúa kêu gọi và soi sáng chúng ta.
Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê.
8b Anh yêu quý, dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng. 9 Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Ki-tô Giê-su, 10 nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Ki-tô Giê-su đã xuất hiện. Chính Đức Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử.
Tin Mừng: Mt 17,1-9
1 Khi ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao.
2 Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.
3 Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người.
4 Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng : “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay ! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.”
5 Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng : “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người !”
6 Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất.
7 Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo : “Trỗi dậy đi, đừng sợ !”
8 Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi.
9 Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng : “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.”
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Sự kiện biến hình xảy ra khoảng một tuần sau khi Ðức Giêsu báo trước cuộc thương khó và cái chết của Ngài, nhằm củng cố niềm tin nơi các môn đệ để các ông có thể can đảm theo Chúa trên con đường khổ giá. Sự hiện diện của hai nhân vật trong Cựu Ước: Môisê và Êlia để khẳng định việc Ðức Giêsu chịu khổ nạn và đi vào vinh quang nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa mà Thánh Kinh đã loan báo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã tỏ vinh quang của Chúa để tăng sức cho các môn đệ. Xin Chúa củng cố niềm tin cho chúng con, để khi gặp gian nan, thử thách, chúng con không ngã lòng thất vọng nhưng sẵn sàng đón nhận và can đảm dấn thân theo Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Mặt Người chiếu sáng như mặt trời”.
Suy niệm (Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)
CON YÊU DẤU CỦA TA
Khi đến miền Xêdarê Philípphê, Đức Giêsu đã nói riêng với các môn đệ
về những gì đang chờ đợi Ngài ở Giêrusalem (Mt 16,21).
Ngài sẽ phải chịu nhiều đau khổ, sẽ bị giết, rồi được trỗi dậy.
Lời Ngài nói làm các ông sững sờ, và Phêrô vội vã can ngăn.
Nhưng Đức Giêsu còn đi xa hơn khi nói về thân phận các môn đệ.
Nếu họ muốn đi theo Thầy, làm môn đệ của Thầy,
họ cũng phải chịu chung số phận với Thầy,
chấp nhận mất cả mạng sống mình vì Thầy (Mt 16,24-26).
Chắc hẳn sau cuộc nói chuyện này, bầu khí khá buồn và căng thẳng.
Bóng tối của cái chết làm mọi sự trở nên nặng nề.
Sáu ngày sau, Đức Giêsu dẫn ba môn đệ thân tín lên ngọn núi cao.
Đó là các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan (Mt 17,1).
Chính ở đây các ông đã có một kinh nghiệm không thể nào quên.
Bao năm sau, Phêrô vẫn nhớ như in điều ông đã thấy:
“Chúng tôi đã được chứng kiến vẻ uy phong lẫm liệt của Người.”
Và ông cũng không thể quên điều ông đã nghe:
“‘Đây là Con của Ta, người Con Ta yêu dấu, Ta hết lòng quý mến.’
Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra,
khi chúng tôi ở với Người trên núi thánh” (2 Pr 1,16-18).
Kinh nghiệm này đã xóa đi phần nào nỗi buồn phiền lo âu,
và đem lại sự ủi an nâng đỡ cho các môn đệ.
Sau biến cố này, các ông hiểu Thầy mình là ai.
Chính Thiên Chúa chứng nhận Thầy là Người Con yêu dấu,
dù Người Con ấy sắp chịu chết như Người Tôi Trung đau khổ (Is 42,1).
Khi thấy Thầy Giêsu chói lòa rực rỡ, nơi khuôn mặt và nơi y phục,
thấy hai ông Môsê và Êlia hiện ra đàm đạo với Thầy,
Phêrô quá đỗi hạnh phúc, chỉ muốn ở lại mãi trên ngọn núi này.
Ông quên rằng cuộc đời Thầy Giêsu gắn liền với những ngọn núi.
Thầy đã ở trên núi để chịu quỷ cám dỗ, đã giảng Bài Giảng trên núi đầu tiên.
Núi là nơi Thầy cầu nguyện và chữa bệnh cho đám đông (Mt 14,23; 15,29).
Hôm nay, Thầy được biến đổi hình dạng trên ngọn núi này,
Nhưng Thầy còn phải lên núi Ô-liu để làm chọn lựa cuối (Mt 26,36-46),
còn phải lên núi Sọ để hiến mạng sống mình (Mt 27,33),
để rồi cuối cùng hiện ra như Đấng phục sinh cho môn đệ trên núi (Mt 28,16).
Sau những giây phút ngất ngây của trải nghiệm thiêng liêng,
ba môn đệ sẽ phải xuống núi cùng với Thầy,
để cùng Thầy sẽ trèo lên những ngọn núi khác (Mt 17,9).
Mùa Chay là thời gian ta cùng lên núi với Thầy Giêsu.
Núi cao làm lòng ta thanh thoát nhẹ nhàng.
Nơi đây ta thấy được khuôn mặt bừng sáng rực rỡ của Thầy Giêsu,
nghe được lời Thiên Chúa Cha nhủ bảo,
và cảm được sự hiện diện của Thiên Chúa bao bọc như đám mây.
Hôm nay, Chúa Giêsu đã phục sinh vinh hiển,
nhân tính của Ngài tỏa sáng, vĩnh viễn và trọn vẹn trên thiên quốc.
Chính khi vâng nghe và sống lời của Chúa Giêsu
mà ta được tham dự vào sự biến đổi sáng láng như Ngài.
Đời kitô hữu gồm nhiều cuộc biến hình, bắt đầu từ ngày được rửa tội.
Chúng ta đã được gọi là con yêu dấu, đã được mang tấm áo trắng tinh,
đã được đặt vào tay ngọn nến sáng.
Làm sao để khuôn mặt của tôi dần dần tỏa sáng như khuôn mặt Chúa?
Làm sao để tôi trở nên hình ảnh trung thực của Đấng đã dựng nên tôi?
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
Xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.
Mỗi lần con thấy Chúa,
xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa,
xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa,
xin biến đổi tai con.
Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn
sau mỗi lần gặp Chúa.
Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa
trong nụ cười của con,
thấy sự dịu dàng của Chúa,
trong lời nói của con.
Thế giới hôm nay không cần những kitô hữu
có bộ mặt chán nản và thất vọng.
Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm
cùng đi với Chúa và với tha nhân
trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.
Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn, SCJ.)
Câu chuyện
Một đoàn các nhà khoa học thám hiểm vùng sa mạc Sahara (châu Phi), đang khi giữa cuộc nghiên cứu thi đoàn bị mất liên lạc và mất cả phương hướng để ra khỏi hoang mạc. Họ phải chịu đựng cái nắng thiêu đốt vào ban ngày, và giá lạnh khắc nghiệt khi đêm về. Lương thực đoàn mang theo đã cạn dần, thể xác họ cạn kiệt sức lực, lại giữa chốn hoang vu nên tinh thần cùng ý chí cũng dần dần suy sụp.
Sự tuyệt vọng bắt đầu xâm chiếm mọi người, muốn tìm một khe suối, một bóng mát, thế nhưng chung quanh họ chỉ toàn cát với cát, nắng với nắng vào ban ngày và cái lạnh thấu xương vào ban đêm. Họ thất vọng và không muốn cất bước nữa và buông xuôi cho định mệnh đen đủi. Mọi người nghĩ rằng: “Có lẽ chúng ta sẽ chết giữa sa mạc hoang vu này thôi”.
Bỗng người trưởng đoàn cất tiếng: “Anh em ơi, có bóng cây từ xa xa”. Nghe được câu nói đó, như được tiếp thêm sức mạnh, mọi người hối hả cất bước tiếp, dù chính họ không thấy gì, chỉ tin tưởng vào lời anh trưởng đoàn. Trong mỏi mệt, họ cố gắng thêm những bước đi trong hy vọng trước mặt họ sẽ là một ốc đảo với những bóng cây mát, dù quá mệt mỏi họ vẫn tiến bước, tiến bước...
Cuối cùng, nhờ những bước đi hy vọng đó, họ tìm được ốc đảo giữa sa mạc... Được nghỉ ngơi dưỡng sức và đội cứu hộ đã tìm thấy họ trong sự kinh ngạc, vì sức chịu đựng phi thường của đoàn thám hiểm. Vì mọi người cứ tưởng sẽ không thể tìm được họ trong sự sống...
Cuộc đời của chúng ta được ẩn dụ như một cuộc lữ hành, cuộc thám hiểm và đôi lúc chúng ta bị lạc lối giữa sa mạc hoang vu của cuộc đời như các nhà thám hiểm mất hướng trên hoang mạc Sahara. Chúng ta cũng cần cố bước đi hy vọng và nghỉ ngơi bên suối hồng ân.
Suy niệm
Ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan, là những người theo sát Chúa Giêsu nhất, các Ngài là người kề cận với Chúa trong mọi hành trình của sứ mạng Thiên Sai, đặc biệt là trong những giây phút khủng hoảng nhất với chính Chúa Giêsu và cả với chính họ. Ba môn đệ này sẽ nói về tương lai của Giáo hội và cuộc sống của mỗi người chúng ta: Phêrô lãnh đạo Giáo hội đương đầu với bao thử thách, Giacôbê chứng nhân thử thách đầu tiên trong hàng ngũ các tông đồ qua việc tử đạo và Gioan, người đã hiện diện trong lòng Giáo hội sơ khai như niềm hy vọng giữa bao thăng trầm. Cuộc đời của các ngài như hình ảnh của chúng ta hiện diện giữa cuộc sống với bao thăng trầm của lịch sử xã hội và của cả lịch sử cá nhân đầy sóng gió, mà tôi và bạn, mỗi người có cảm nghiệm riêng biệt. Cả ba môn đệ này đã chứng kiến cảnh Chúa trong vườn Giêtsêmani, thất bại, chán chường và cũng chính trong cơn thử thách đó, họ đã từng khủng hoảng và mất phương hướng: Có người bỏ Chúa, chối Thầy... (x. Mt 26,56.69-75; Mc 15,50. 66-72; Lc 22,55-62; Ga 18,15-27).
Đức Giêsu như nhìn thấy lòng hoang mang, khủng hoảng của các đồ đệ mình trong hành trình sứ mạng. Ngài đã cho các ông thấy “ốc đảo” của sự hạnh phúc. Ngài dẫn ba tông đồ lên núi để chứng kiến vinh quang Thiên Chúa qua dung mạo Ngài hiển dung sáng láng trước mắt họ. Vinh quang mà ba môn đệ thấy, tiên báo cho họ biết về vinh quang Phục sinh, sau khi hoàn tất khổ nạn thập giá Chúa Kitô Phục sinh sau này. Trong Ngài, chúng ta cũng được hiển dung như Ngài. Nhưng trước khi được biến đổi hoàn toàn và vĩnh viễn, Chúa Giêsu đi trong mầu nhiệm vượt qua: Ngài phải chịu khổ hình thập giá và chết đau thương. Trong mầu nhiệm thánh này, con người cùng Ngài vượt qua trần gian với tất cả thực tại, con người vượt qua từ sự chết do tội đến sự sống vinh hiển bởi tình yêu Thiên Chúa. Ngài hiển dung cũng để minh chứng tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa nơi nhân loại: Đưa vinh quang hiển dung như là một “ốc đảo” nuôi dưỡng sự hy vọng cho các tông đồ, để họ tiếp tục cất bước, tất cả như lời khuyến khích: Các con sẽ vinh quang và hạnh phúc dù rằng phải bước những bước chân mịt mù sắp tới.
Bên cạnh Đức Giêsu hiển dung, xuất hiện Êlia và Môisê, hai gương mặt nổi bật trong lịch sử dân Israel. Môisê tượng trưng cho sự ân cần của Thiên Chúa đối với dân, đồng hành với Dân Ngài đi tìm đất hứa. Đồng hành trong 40 năm trên sa mạc với lời khẳng định sẽ có miền đất hứa, mặc dù dân Chúa trong 40 năm đầy bôn ba, đầy thử thách giữa sa mạc. Còn Êlia tượng trưng cho cuộc tranh đấu của ngài cho dân, vì Êlia đã tranh đấu trong một niềm tin bị thử thách để Lời Chúa được đến với Dân Ngài một cách vẹn toàn và trung thực. Sứ mạng và nhiệm vụ của Đức Giêsu được làm tròn đầy sứ mạng và nhiệm vụ của hai vị. Môisê và Êlia là những nhân vật được báo trước về Đức Giêsu: Tình yêu và lòng ân cần của Thiên Chúa và dấn thân của Ngài tranh đấu cùng với con người trong lịch sử cứu độ.
Hình ảnh Chúa hiển dung trên núi Tabore là lời mời gọi mọi người tín hữu hãy can đảm dấn bước theo Chúa trong tiến trình vượt qua. Đó là hành trình được biến đổi hầu trở nên giống Chúa và được sống hạnh phúc trong Ngài, dù có thể xuyên qua những khổ đau của cuộc đời.
Ý lực sống
“Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao” (Đn 12,3).
Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái.)
Sợi chỉ đỏ:
Sau khi đã chọn Chúa (tuần I Mùa Chay), con người bắt đầu hành trình đi theo Ngài:
- Bài đọc Cựu Ước: Hành trình của Abraham.
- Bài Phúc Âm: Hành trình theo Chúa Giêsu là đi trên con đường thập giá, nhưng sau đó sẽ tới vinh quang.
- Bài đọc Tân Ước: Hành trình của người tông đồ mang Phúc Âm đến cho mọi người.
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Lời Chúa hôm Chúa Nhật tuần trước kêu gọi chúng ta chọn lựa: đừng chọn ý riêng nhưng hãy chọn ý Chúa. Lời Chúa hôm nay mời chúng ta hành trình đi theo Chúa: như tổ phụ Abraham, như các tông đồ. Riêng bài Phúc Âm cho thấy nếu ta dám hành trình theo Chúa trên con đường thập giá thì sẽ được cùng Ngài đến vinh quang.
Chúng ta hãy cất bước theo Người.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Chúa vẫn luôn kêu gọi chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng vì quá bận rộn với những việc trần tục, chúng ta ít khi lắng nghe tiếng Chúa.
- Đi theo Chúa thì phải từ bỏ. Nhưng chúng ta ít quảng đại không dám từ bỏ như lời Phúc Âm mời gọi.
- Nhân chi sơ tính bản thiện. Nhưng do tội lỗi nên chúng ta đã làm cho hình ảnh tốt đẹp ban đầu của chúng ta bị biến đổi ngày càng xấu xa.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc Cựu Ước (St 12,1-4a)
Văn mạch xa: 11 chương đầu sách Sáng Thế cho biết Thiên Chúa đã tạo dựng loài người, ban cho loài người một cuộc sống hạnh phúc (hình ảnh vườn Eden), nhưng loài người đã chọn lựa sai và phạm tội nên bị đuổi ra khỏi nơi hạnh phúc đó, và tội tiếp tục lan tràn, hậu quả của tội tiếp tục bành trướng, hầu như vô phương cứu chữa. Nhưng từ chương 12, một tia sáng hy vọng loé lên: Thiên Chúa nhớ đến loài người, Ngài chọn tổ phụ Abraham để thực hiện chương trình đưa loài người trở về hạnh phúc ban đầu.
- Tổ phụ Abraham đang sống ở Ur, một cuộc sống an cư lạc nghiệp cùng với bà con, với tài sản.
- Thiên Chúa hiện ra với ông và bảo ông bỏ hầu hết những thứ đó để ra đi.
- Cuộc hành trình này rất phiêu lưu vì Chúa chưa cho biết ông sẽ đi tới đâu. Ông chỉ cần phó thác đi theo sự chỉ dẫn từ từ của Chúa: "Hãy đi khỏi xứ sở ngươi, khỏi quê quán ngươi, đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi".
- Tại sao Chúa bảo thế ? Vì con người vốn có khuynh hướng bám lấy sự an nhàn sẵn có (cụ thể là cuộc sống vật chất, cuộc sống hiện tại - đời này). Thực ra cuộc sống đó không phải là tốt nhất, mà là cuộc sống khổ sở của thân phận bị đuổi khỏi vườn địa đàng. Do đó Thiên Chúa mới bảo Abraham ra đi. Nhìn bằng cặp mắt loài người, đó là một cuộc phiêu lưu bỏ mồi bắt bóng, nhưng thực ra đó là cuộc hành trình rời bỏ nơi khổ sở để trở lại vườn diệu quang.
2. Đáp ca: Tv 32
Đây là tâm tình hoàn toàn trông cậy phó thác vào lòng nhân lành của Thiên Chúa. Tâm tình này rất hợp cho những người đang dấn bước trong cuộc hành trình do Chúa dẫn dắt.
3. Bài Phúc Âm (Mt 17,1-19)
Văn mạch: Phía trước Bài Phúc Âm này (Mt 17,1-9) có câu nói của Chúa Giêsu "Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" (Mt 16,24). Đây cũng là một cuộc hành trình của người làm môn đệ Chúa. Một cuộc hành trình cũng gian khổ và đầy tính phiêu lưu như Abraham xưa. Nhưng bài Phúc Âm Chúa Nhật này cho ta thoáng thấy một chút về cái tương lai của cuộc hành trình ấy: Chúa Giêsu biến hình ra vinh quang. Nghĩa là sau khi qua gian khổ thì sẽ tới vinh quang. Và trong khi Ngài biến hình, có tiếng Chúa Cha từ trời phán "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe Lời Người". Ý Chúa Cha cho biết Ngài muốn các môn đệ Chúa Giêsu cũng hãy dấn thân vào cuộc hành trình của Ngài, và như thế Ngài rất hài lòng, Ngài cũng sẽ cho họ được biến hình ra vinh quang.
4. Bài thánh thư (2 Tm 1,8b-10)
Chẳng những mỗi người phải dám dấn thân vào một cuộc hành trình phiêu lưu theo Chúa, mà còn phải hành trình mang Phúc Âm đến cho người khác. Cuộc hành trình thứ hai này cũng gian khổ, nhưng cũng đáng thực hiện. Bởi thế Thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu: "Anh em hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Phúc Âm" (câu 8b).
Chuyện thời cuộc (Vi Hữu)
Chúa nhật II Mùa Chay năm 2020 nhằm đúng ngày 8-3, ngày Quốc tế Phụ Nữ. Có người đề nghị, đang mùa dịch bệnh Covid-19, nên nấu bữa tối ở nhà được ưu tiên lựa chọn dịp 8-3 năm nay. Nấu một nồi cua hấp mà vợ thích, nấu món vịt tiềm mà mẹ thích ăn rồi cùng ăn chung với nhau trong một buổi tối ấm áp...
...Tính đến sáng sớm 8-3, số ca nhiễm virus corona chủng mới trên toàn thế giới là 105.224 với 3.576 ca tử vong; tại Ý đã là 5.883 ca trong ngày 7-3, tăng hơn 1.200 ca trong vòng 1 ngày.
Hôm qua, Bộ Y tế Campuchia cho biết nước này vừa ghi nhận trường hợp người Campuchia đầu tiên nhiễm virus corona chủng mới.
Toàn nước Mỹ hiện có 437 ca nhiễm, trong đó, bang Washington có thêm 2 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp tử vong vì dịch bệnh này trên toàn quốc lên 19. Trong khi đó, số ca nhiễm tại thành phố New York tăng thêm 21 người.
...Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thông báo nguyên vật liệu cho 2,1 triệu bộ xét nghiệm COVID-19 sẽ được chuyển đến các phòng thí nghiệm tư nhân vào ngày 9-3... Các nhà sản xuất đã xác nhận có thể sản xuất thêm 4 triệu bộ xét nghiệm cho đến cuối tuần sau.
Xin Chúa thương ban cho một ngày ấm áp tình người (ngày 8-3) và cứu chúng con khỏi những dịch bệnh. Xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng con và biến đổi thế giới này, như đã biến hình trên núi Tabor.
Khi đời chỉ toàn là thập giá (Lm Patrick Briscoe, OP (Aleteia) / Trần Hùng chuyển ngữ)
WGPSG / Aleteia -- Nếu đang nỗ lực sống Mùa Chay, ta có lẽ sẽ cảm thấy việc làm môn đệ Chúa khó khăn hơn bình thường. Vậy thì sao?
Đôi khi trong cuộc sống, dường như thập giá luôn có đó. Tuy nhiên, với những đòi hỏi cầu nguyện khắt khe hơn, Mùa Chay dường như làm cho cuộc đời người môn đệ của Chúa càng thêm nặng nề. Nếu chúng ta thực sự ăn chay, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy mình hơi cáu kỉnh. Nếu chúng ta thực thi bố thí, chắc chắn chúng ta lại mong muốn có thêm tiền để làm việc này hay việc khác. Mùa Chay trở thành như một dạng khổ đau.
Đôi khi ai trong chúng ta cũng thấy cuộc sống sao đầy những khó khăn, đấu tranh và thập giá.
Trong cuộc đời thánh Têrêxa Avila - một nữ tu vĩ đại dòng Cát Minh - có một câu chuyện nổi tiếng ghi lại cách hoàn hảo điều mà nhiều môn đệ Chúa Giêsu đôi khi cảm thấy.
Trên đường đến tu viện trong một cơn mưa bão dữ dội, Thánh Têrêxa bị trượt xuống một bờ kè và rơi thẳng xuống bùn. Vị nữ tu không kiềm chế được chính mình, ngước lên trời và trách móc Chúa: “Nếu đây là cách Ngài đối xử với bạn bè của mình, thì chẳng có gì lạ khi Ngài có rất ít bạn!”
Đôi khi chúng ta cũng cảm thấy như Thánh Têrêxa Avila, nhưng không nói thành lời. Chúng ta không hiểu tại sao Chúa lại cho phép những thử thách nào đó xảy ra nặng nề đến thế.
Nhưng Chúa Kitô không bao giờ bỏ rơi chúng ta dưới sức nặng của thập giá. Ngài không để cho chúng ta bị mắc kẹt khi mang hành trang của người môn đệ, như thể chúng ta là một nhân viên chuyển đồ tội nghiệp đang nghẹt thở dưới một đống vali to đùng ở sảnh khách sạn. Chúa Kitô mang đến cho ta lời hứa tràn đầy hy vọng, cho ta sức mạnh thường hằng của Ngài, và cho ta khả năng chịu đựng, bằng cách chia sẻ cho ta chính sự sống và những mầu nhiệm của chính Ngài.
Và đây là mầu nhiệm của cuộc Hiển Dung: Chúa Kitô mặc khải sức mạnh, vinh quang thực sự của Ngài cho các môn đệ. Vì e rằng tín hữu nào cũng sẽ nghĩ thập giá họ đang mang là quá nặng, Chúa Kitô đã xuất hiện trước mắt ta với y phục trắng tinh rạng ngời, nuôi dưỡng trái tim đói khát và mệt mỏi của chúng ta bằng chính bản thân Ngài.
Để bất kỳ môn đệ nào cũng có thể theo bước chân Chúa Kitô, Đức Giêsu đã cho họ cái nhìn thoáng qua về đích điểm vinh quang của họ. Thánh Tôma Aquinô giải thích mầu nhiệm này như sau: “Để đi trọn một con đường, người ta phải biết điểm đến của mình: cũng thế, một cung thủ sẽ không thể bắn tên thẳng ngay đích điểm nếu trước đó anh ta không nhìn thấy mục tiêu.”
Thật rất cần biết mục tiêu khi đường đi trải đầy những khó khăn. Tại sao ta lại muốn sống như thế? Tại sao ta lại phải chịu đau khổ như vậy?
Chúa Kitô hôm nay đã cho trái tim của ta thoáng nhìn thấy vinh quang của Ngài. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II mạnh mẽ nói với chúng ta: “Hôm nay, Thánh lễ mà chúng ta đang chuẩn bị cử hành sẽ đưa tâm trí chúng ta lên đỉnh núi Tabor cùng với các Tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan, để chiêm ngưỡng sự rạng ngời vinh quang của Chúa hiển dung. Trong thánh lễ, chúng ta được nhìn thoáng qua vinh quang của Chúa Kitô!”
Đức Giáo hoàng nói tiếp: “Trong biến cố Chúa hiển dung, chúng ta chiêm ngắm cuộc gặp gỡ mầu nhiệm trong lịch sử, được thực hiện trong từng ngày, và chiêm ngắm di sản hồng phúc đang chờ đợi chúng ta trên thiên đàng khi được kết hợp trọn vẹn với Chúa Kitô, là Alpha và Omega, là Khởi nguyên và là Tận cùng.”
Thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan không bó buộc phải đi theo Chúa lên núi. Họ có thể ở lại với các môn đệ khác. Có nhiều lý do có thể đã ngăn họ theo Chúa. Tuy thế, sau khi leo lên núi cùng Chúa Giêsu, họ được thấy dung nhan vinh hiển thực sự của Chúa Giêsu. Ngài đã tỏ mình ra cho các ông cách đặc biệt, mặc khải cho các ông thấy sự vĩ đại của chính bản thân Ngài.
Theo Chúa Kitô lên núi, sẵn sàng chết cho Ngài như các môn đệ, chịu mọi khổ cực trải dài trong cuộc đời, tất cả đều có thể làm được bởi vì Chúa Kitô đã mời chúng ta chiêm ngắm và biết về Ngài. Chỉ có Ngài mới cung cấp cho ta sức mạnh, sự khích lệ, nỗi vui, sự tự tin, niềm hy vọng để chịu đựng bất kỳ thử thách nào. Ngài đã cho ta thưởng thức chỉ một chút rất nhỏ thôi trong những điều vô cùng kỳ diệu vĩ đại mà Ngài đã chuẩn bị ban cho ta sau này.
Ta hãy vác thập giá của mình từng ngày trong mùa Chay này. Hãy đặt niềm tin vào một Chúa Kitô chiến thắng, khải hoàn và hiển dung! Khi trái tim ta nên một với Trái Tim của Ngài, chúng ta sẽ không thất bại.
Rất mong một ngày nào đó, chúng ta sẽ thấy mình được hiển dung. Trong Vương quốc mà Chúa Giêsu đã hứa cho những ai tin vào Ngài, chúng ta sẽ biết vinh quang của Ngài. Và không chỉ thoáng thấy vinh quang như các môn đệ trên Núi Tabor, ta sẽ nhìn thấy vinh quang mãi mãi.