-
Bài 1: Ơn gọi hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa
-
Bài 2: Hôn nhân Công giáo
-
Bài 3: Giáo luật về Bí tích Hôn phối
Bài 1: Ơn gọi hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa
Từ ban đầu Tạo Hoá đã dựng nên con người có nam có nữ và Ngài đã phán: “Vì thế, người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một huyết nhục” (Mt 19,4-5).
Có thể nói, hôn nhân và gia đình là một trong những thể chế cổ xưa nhất của loài người. Hôn nhân đã được Kinh Thánh đề cập đến ngay từ những trang đầu[1], và rồi hình ảnh hôn nhân lại được Kinh Thánh nhắc đến nơi những trang cuối[2]. Điều đó cho thấy, hôn nhân không phải chỉ là một định chế thuần tuý của con người, mà trước hết còn nằm trong chương trình của Thiên Chúa, khi Ngài dựng nên con người có nam có nữ, và mời gọi họ: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, đầy mặt đất, và thống trị nó” (St 1,28).
1. Hôn nhân là gì?
Hôn nhân là một giao ước ký kết giữa một người nam và một người nữ, với ý thức tự do và trách nhiệm, để sống yêu thương và giúp đỡ nhau trong tình nghĩa vợ chồng; để sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha làm mẹ[3].
2. Nguồn gốc của hôn nhân
Nguồn gốc của hôn nhân chính là Thiên Chúa. Sách Sáng thế kể lại rằng ngày thứ sáu, sau khi đã tạo dựng nên trời đất, cây cối và muôn loài muôn vật,Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất”. Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh mình. Thiên Chúa tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Ngài tạo thành họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, đầy mặt đất, và thống trị nó, hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất” (St 1,26-28).
Ngoài ra, sách Sáng thế còn nói một cách cụ thể hơn về việc kết hiệp vợ chồng: “Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống. Thiên Chúa phán: “Đàn ông ở một mình không tốt, Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống như nó”. Vậy Thiên Chúa khiến cho Ađam ngủ say, và khi ông đang ngủ, Ngài lấy một xương sườn của ông, và đắp thịt lại. Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ Ađam trở thành người đàn bà, rồi dẫn đến Ađam. Ađam liền nói: “Bây giờ xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra”.
Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể. (St 2,7.18.21-24)
Cả hai câu chuyện trên đều cho thấy hôn nhân đã xuất hiện ngay từ khởi đầu công trình sáng tạo và do ý muốn của Ngài. Khi tạo dựng, Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc, hoặc chỉ là nam, hoặc chỉ là nữ, nhưng đã dựng nên con người có nam, có nữ và đã tác hợp họ nên vợ chồng, thành “một xương một thịt”. Nguồn gốc của hôn nhân chính là Thiên Chúa. Ngài là Đấng tác tạo hôn nhân và đã khắc ghi ơn gọi hôn nhân vào trong bản tính của con người khi tạo dựng nên họï có nam có nữ[4].
3. Tình yêu là yếu tố căn bản của hôn nhân
Thiên Chúa là Tình Yêu[5], Đấng duy nhất nhưng không đơn độc. Nơi bản thân, Ngài đang sống mầu nhiệm hiệp thông và yêu thương giữa Ba Ngôi Vị: Cha, Con và Thánh Thần. Vì yêu thương mà dựng nên con người giống hình ảnh mình, Thiên Chúa cũng mời gọi họ sống yêu thương và hiệp thông.
Khi sống yêu thương, con người thể hiện đúng với bản chất của mình là hình ảnh Thiên Chúa, được dựng nên để sống yêu thương và hiệp thông với nhau. Tình yêu là ơn gọi nền tảng và bẩm sinh của con người[6]. Tình yêu cũng là yếu tố căn bản của hôn nhân. Sự trao tặng thân xác giữa hai vợ chồng chỉ có ý nghĩa khi thể hiện sự tự hiến chính mình vì tình yêu. Tình yêu là nền móng xây dựng những mối tương quan gia đình. Đối với con cái, tình yêu của cha mẹ trở thành dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa. Sứ mạng của đời sống gia đình là bảo toàn, biểu lộ và truyền đạt tình yêu. Hôn nhân và gia đình được thiết lập là do tình yêu, được sinh động cũng là do tình yêu, sức mạnh và mục đích cuối cùng lại chính là tình yêu[7].
4. Mục đích của hôn nhân
Tự bản chất, hôn nhân hướng đến hai mục đích: Lợi ích của đôi vợ chồng và lưu truyền nòi giống (sinh sản và giáo dục con cái)[8]. Hai mục đích này luôn đi đôi với nhau, mặc dù có những lúc mục đích này được nhấn mạnh hơn mục đích kia.
4.1. Trọn đời yêu thương và bổ túc cho nhau
Nhờ khế ước hôn nhân, người nam và người nữ “không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt 19, 6; x. St 2, 24), và được mời gọi mỗi ngày một trở nên gắn bó với nhau hơn qua việc nỗ lực sống cam kết trao hiến trọn vẹn cho nhau.
Sự hiệp thông vợ chồng ăn rễ sâu từ sự thu hút tự nhiên về giới tính, cũng như từ sự bổ túc lẫn nhau giữa nam và nữ, được nuôi dưỡng nhờ những nỗ lực của đôi bạn muốn chia sẻ cho nhau trọn cả bản thân trong suốt cuộc đời.
4.2. Sinh sản và giáo dục con cái
Tự bản chất, hôn nhân hướng đến việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh hoàn thành hôn nhân.
Con cái là ân huệ cao quý nhất của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ. Tình yêu vợ chồng còn phong phú nhờ những hoa quả của đời sống luân lý, tinh thần và siêu nhiên được cha mẹ truyền lại cho con cái qua việc giáo dục. Theo nghĩa này, mục tiêu nền tảng của hôn nhân và gia đình là phục vụ cho sự sống và hạnh phúc[9].
5. Hạnh phúc đời hôn nhân
Hôn nhân bao giờ cũng đi đôi với ước vọng trăm năm hạnh phúc. Đối với người Công giáo, hạnh phúc thật là được sống trong tình thân mật với Thiên Chúa Tạo Hoá là Cha yêu thương chúng ta. Có Thiên Chúa, dù thiếu mọi sự, cũng vẫn hạnh phúc. Còn vắng bóng Ngài, dù có mọi sự, cũng chỉ là bất hạnh. Đối với người Công giáo, khi đôi bạn thực hiện hôn nhân và gia đình theo ý định của Thiên Chúa, thì hôn nhân chính là một con đường dẫn đến Thiên Chúa, cũng như dẫn đến hạnh phúc.
Mục đích của Thiên Chúa khi tạo dựng, đó là làm cho con người được yêu thương và hiệp nhất với Ngài trong hạnh phúc đời đời. Đồng thời, mọi sự Thiên Chúa ban cho ở đời này đều nhằm giúp con người đạt tới mục đích cuối cùng ấy. Khi đã nhận biết điều đó, trong mọi sự, ta luôn dành ưu tiên cho Thiên Chúa để được hiệp nhất với Ngài. Hễ điều gì giúp ta đến gần Ngài, thì ta đón nhận, bằng không ta phải dứt bỏ ngay[10].
GHI NHỚ :
1. H. Hôn nhân là gì?
T. Hôn nhân là giao ước ký kết giữa một người nam và một người nữ, với đầy đủ tự do ưng thuận và ý thức trách nhiệm, để trở thành vợ chồng.
2. H. Ai đã lập nên hôn nhân?
T. Chính Thiên Chúa đã lập nên hôn nhân khi dựng nên loài người có nam có nữ, và mời gọi họ sống yêu thương.
3. H. Yếu tố căn bản của hôn nhân là gì?
T. Yếu tố căn bản của hôn nhân chính là tình yêu vì Hôn nhân được thiết lập do tình yêu và mục đích cuối cùng của Hôn nhân cũng chính là tình yêu.
4. H. Hôn nhân có những mục đích nào?
T. Hôn nhân có hai mục đích này:
– Một là yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.
– Hai là cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản và giáo dục con cái.
GỢI Ý SUY NGHĨ:
1. Tình yêu có gì khác với sự thu hút giữa nam và nữ?
2. Tình yêu cần thiết cho hôn nhân như thế nào?
3. Có thể lấy một người đồng thời lại yêu một người khác được không? Tại sao?
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã cho chúng con sinh ra làm người nam, người nữ, mang hình ảnh của Chúa. Chúa còn ban tặng cho từng người chúng con một trái tim muốn yêu và khao khát được yêu để chúng con có thể yêu Chúa và yêu nhau.
Xin dạy chúng con biết yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng con để chúng con ngày càng trở nên giống hình ảnh Chúa là Tình yêu. Amen.
————————–
[1] x. St 1,27-28; 2,18-25
[2] x. Kh 21,2.9.17
[3] x. GLHT 1601
[4] x. GLHT 1603
[5] x. 1Ga 4, 8.16
[6] x. GLHT 1604
[7] x. GĐ 18
[8] x. GLHT 1601; x. GL 1055 §1
[9] x. GLHT 1652-1653
[10] x. GLHT 226
Bài 2: Hôn nhân Công giáo
“Bởi thế, người ta lìa bỏ cha mẹ mình mà kết hợp với vợ mình và cả hai nên một thân xác. Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh.” (Ep 5,31-32)
Khi một người nam và một người nữ kết hôn, họ trở thành vợ chồng theo luật tự nhiên. Hôn nhân của họ là một khế ước, có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Đối với người Kitô hữu, hôn nhân không chỉ là một khế ước, mà còn là một bí tích. Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Hôn nhân là bí tích tình yêu… Khi vợ chồng nên một trong hôn nhân, cả hai không còn là hình ảnh dưới trần nữa, mà là hình ảnh của Chúa trên trời.”
1. Hôn nhân Công giáo là một bí tích
Từ xưa đến nay, hầu như nền văn hoá nào cũng coi hôn nhân là việc linh thiêng. Vì thế, trước khi về chung sống với nhau, cô dâu chú rể thường xin trời đất, thần linh hoặc ông bà tổ tiên chứng giám và phù hộ cho cuộc hôn nhân của mình qua một nghi lễ công khai và long trọng.
Trong Cựu Ước, giao ước giữa Thiên Chúa với dân Ngài thường được ví như một cuộc hôn nhân thuỷ chung, duy nhất[1]. Sang Tân Ước, hôn nhân được coi là hình ảnh sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh[2]. Đức Kitô được ví như chàng rể của giao ước mới[3]. Còn Hội Thánh được ví như cô dâu, đã được Đức Kitô yêu thương đến hy sinh mạng sống[4].
“Ngay khi bắt đầu đời sống công khai, Chúa Giêsu đã có mặt trong một tiệc cưới tại Cana và đã làm dấu lạ đầu tiên, biến nước thành rượu để giúp hai họ nối tiếp cuộc vui (Ga 2,1-11). Sự hiện diện này được Hội Thánh hiểu như là một chứng thực của Đức Kitô đối với giá trị hôn nhân, đồng thời cũng tiên báo sự hiện diện thường xuyên của Ngài trong đời sống hôn nhân[5]”.
“Trong khi rao giảng, Chúa Giêsu dạy rõ ràng về ý nghĩa nguyên thủy của việc phối hợp giữa người nam và người nữ như thuở ban đầu Đấng Tạo Hóa đã muốn. Sự phối hợp này là bất khả phân ly. Việc Môsê cho phép bỏ vợ là một nhượng bộ trước lòng chai dạ đá của người nam (x. Mt 19, 3-8)[6]”.
“Khi tái lập trật tự ban đầu của công trình sáng tạo đã bị tội lỗi làm xáo trộn, Chúa Giêsu đã ban sức mạnh và ân sủng để các đôi vợ chồng sống đời hôn nhân trong chiều kích mới của Nước Thiên Chúa. Ân sủng của hôn nhân Kitô giáo là hoa quả của Thánh Giá Đức Kitô, nguồn mạch mọi đời sống Kitô hữu[7]”.
“Thánh Phaolô cho thấy điều đó khi nói: “Người làm chồng hãy yêu thương vợ như Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh, và hiến mình vì Hội Thánh để thánh hóa Hội Thánh” (Ep 5, 25-26). Ngài còn nói thêm: “Bởi thế, người ta lìa bỏ cha mẹ mình mà kết hợp với vợ mình và cả hai nên một thân xác. Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh.” (Ep 5, 31-32)[8].
“Toàn bộ đời sống Kitô giáo mang dấu ấn của tình yêu “hôn nhân” giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Bí tích Thánh tẩy, cửa ngõ dẫn vào Dân Thiên Chúa, cũng đã là một mầu nhiệm “hôn nhân”: có thể nói đó là nghi thức thanh tẩy (x. Ep 5, 26-27) trước khi bước vào tiệc cưới là bí tích Thánh Thể. Hôn nhân Kitô giáo trở thành dấu chỉ giao ước giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Hôn nhân giữa hai người đã được rửa tội là một bí tích thực sự của Giao ước Mới, vì nó biểu thị giao ước giữa Đức Kitô và Hội Thánh, và thông ban ân sủng cho họ[9]”.
Như vậy, ta có thể nói, Thiên Chúa đã thiết lập khế ước hôn nhân ngay trong vườn địa đàng, giữa người nam và người nữ đầu tiên. Còn Chúa Giêsu, Ngài đã nâng hôn ước đó lên hàng Bí tích.
Qua bí tích hôn phối, tình yêu của hai vợ chồng được Thiên Chúa đóng ấn; họ nhận được những ơn siêu nhiên giúp họ sống ơn gọi hôn nhân và gia đình, và trở nên dấu chỉ mầu nhiệm Đức Kitô kết hiệp với Hội Thánh.
2. Đặc tính của hôn nhân Công giáo
Tình yêu giữa hai vợ chồng Công giáo có ý nghĩa rất phong phú và sâu sắc, vì bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa và rập theo khuôn mẫu tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Tình yêu đó có hai đặc tính là đơn nhất và bất khả phân ly.
2.1. Đơn nhất
Đơn nhất nghĩa là một vợ một chồng. “Tự bản chất, tình yêu vợ chồng đòi hỏi sự đơn nhất và bất khả phân ly. “Họ không còn phải là hai, nhưng là một xương một thịt” (x. Mt 19, 6; St 2, 24). Họ được mời gọi không ngừng lớn lên trong tình hiệp thông với nhau qua việc mỗi ngày trung thành sống lời cam kết hôn nhân, là trao hiến trọn vẹn cho nhau. Sự hiệp thông này được củng cố, thanh luyện và hoàn thiện nhờ bí tích Hôn phối đem lại sự hiệp thông trong Đức Kitô. Sự hiệp thông này càng thâm sâu hơn nhờ cùng chia sẻ một đức tin và cùng đón nhận Mình Thánh Chúa[10].”
“Phải nhìn nhận sự bình đẳng giữa vợ chồng trong tình tương thân tương ái trọn vẹn, để nhờ đó biểu hiện rõ ràng tính đơn nhất của hôn nhân đã được Đức Kitô xác nhận. Đa thê là đi ngược với tình yêu vợ chồng, cũng như với sự bình đẳng giữa hai vợ chồng[11].”
2.2. Bất khả phân ly
Bất khả phân ly nghĩa là không thể ly dị. “Lý do sâu xa nhất đòi hỏi hai vợ chồng phải chung thủy chính là sự trung tín của Thiên Chúa với giao ước, và sự trung tín của Đức Kitô với Hội Thánh. Nhờ bí tích Hôn phối, hai vợ chồng được ban ơn để diễn tả và làm chứng cho sự trung tín ấy. Do bí tích, tính bất khả phân ly của hôn nhân tiếp nhận một ý nghĩa mới và sâu xa hơn[12].”
Ngoài ra sự liên kết mật thiết giữa hai vợ chồng, cũng như lợi ích của con cái, buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín với nhau[13].
Chung thuỷ suốt đời với người phối ngẫu là một trong những đặc điểm nổi bật của hôn nhân Công giáo, đồng thời còn có ý nghĩa đặc biệt hơn đối với thế giới hiện nay, khi mà ly dị thường được coi là giải pháp bình thường cho những khó khăn hoặc thất bại trong đời sống hôn nhân. Quả thực, đối với nhiều trường hợp, chung thuỷ là một thách đố lớn lao và phải cậy dựa vào ơn Chúa, vì chỉ nhờ sức riêng của mình mà thôi thì không đủ. Trong đời sống hôn nhân, đôi vợ chồng cần nhớ rằng sự liên kết với nhau không phải chỉ do quyết tâm của họ mà còn là kết quả của ơn Chúa. “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly”(Mt 19,6). Hội Thánh không ngừng cầu nguyện cho các đôi vợ chồng được trung thành với nhau suốt đời. Ngược lại, chính Hội Thánh cũng được nâng đỡ luôn trung tín với Chúa Giêsu nhờ sự chung thuỷ của các đôi vợ chồng.
3. Hiệu quả bí tích Hôn phối
“Do hôn nhân hợp pháp, giữa vợ chồng phát sinh một mối dây ràng buộc vĩnh viễn và độc nhất tự bản chất. Hơn thế nữa, trong Kitô giáo, vợ chồng được Thiên Chúa tăng sức và thánh hiến bằng một bí tích riêng biệt, để chu toàn những bổn phận và sống xứng đáng bậc sống của mình[14].”
Bí tích Hôn phối đem lại hai hiệu quả:
3.1. Dây hôn phối
“Sự ưng thuận tự do, qua đó đôi phối ngẫu tự trao hiến và tiếp nhận nhau, được chính Thiên Chúa đóng ấn. Từ hôn ước của họ phát sinh một định chế. Định chế này đã được chính Thiên Chúa ấn định và có giá trị trước mặt xã hội. Hôn ước được liên kết với giao ước Thiên Chúa ký kết với nhân loại: Tình yêu vợ chồng đích thực được hoà nhập trong tình yêu Thiên Chúa[15].”
“Dây hôn phối do chính Thiên Chúa liên kết, nên hôn nhân thành sự và hoàn hợp, giữa hai người đã được rửa tội, không bao giờ được tháo gỡ. Dây liên kết này là kết quả của việc hai người tự nguyện kết hôn và do sự hoàn hợp của hôn phối. Đây là một thực tại không thể đảo ngược, và trở thành một giao ước được Thiên Chúa trung tín bảo đảm. Hội Thánh không có quyền nói ngược lại sự an bài khôn ngoan của Thiên Chúa[16].”
3.2. Ân sủng của bí tích Hôn phối
Ân sủng đặc biệt của bí tích Hôn phối kiện toàn tình yêu vợ chồng, củng cố sự hiệp nhất bất khả phân ly của họ. “Nhờ ân sủng này, họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái”.[17]
“Đức Kitô là nguồn mạch ân sủng đặc biệt này. Như xưa, Thiên Chúa đến gặp Dân Ngài bằng một giao ước yêu thương và trung thành, thì ngày nay, Đấng Cứu Thế, Bạn Trăm Năm của Hội Thánh cũng đến với đôi vợ chồng qua bí tích Hôn phối. Ngài ở lại với họ, ban cho họ sức mạnh để họ vác thập giá theo Ngài, để họ chỗi dậy mỗi khi sa ngã, để họ tha thứ cho nhau, mang gánh nặng cho nhau, “phục tùng nhau trong sự kính sợ Đức Kitô” (Ep 5,21), và yêu thương nhau với một tình yêu siêu nhiên, tế nhị và phong phú. Trong khi họ vui hưởng tình yêu và cuộc sống gia đình, Ngài ban cho họ, ngay từ đời này, được nếm trước hạnh phúc Nước Trời[18].”
GHI NHỚ:
1. H. Hôn nhân Công giáo là gì?
T. Hôn nhân Công giáo là bí tích Chúa Giêsu đã lập, để kết hợp hai người tín hữu, một nam một nữ, thành vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh, cùng ban ơn giúp họ sống xứng đáng ơn gọi của mình.
2. H. Hôn nhân Công giáo có những đặc tính nào?
T. Hôn nhân Công giáo có hai đặc tính này:
– Một là đơn nhất, nghĩa là một vợ một chồng.
– Hai là bất khả phân ly, nghĩa là trung thành yêu thương nhau trọn đời.
3. H. Bí tích Hôn phối ban cho vợ chồng những ơn nào?
T. Bí tích Hôn phối ban ơn giúp các đôi vợ chồng yêu thương nhau, như Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh, kiện toàn tình yêu tự nhiên, củng cố sự hiệp nhất bất khả phân ly và thánh hoá họ trong đời sống siêu nhiên.
GỢI Ý SUY NGHĨ:
1. Khi nhìn vào tình yêu Đức Kitô dành cho Hội Thánh, anh chị học được điều gì cho tình yêu của anh chị?
2. Trung thành với nhau đến chết phải chăng là một thách đố?
3. Ân sủng bí tích Hôn phối mang lại điều gì cho đời sống hôn nhân?
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương Hội Thánh đến độ đã hiến mình vì Hội Thánh để Hội Thánh được xinh đẹp lộng lẫy, thánh thiện tinh tuyền. Chúng con đang đứng trước ngưỡng cửa ơn gọi hôn nhân và gia đình, xin cho chúng con biết đến với Chúa, lắng nghe Lời Chúa, nhìn ngắm mẫu gương của Chúa, để học biết yêu thương như Chúa. Xin đổ Thánh Thần Tình yêu của Chúa xuống trên chúng con để chúng con có đủ can đảm bước theo con đường Chúa đang mời gọi chúng con. Amen.
————————————————-
[1] x. Hs 1-3; Is 54; 62; Gr 2-3; 31; Ed 16; 23
[2] x. Ep 5, 22-33
[3] x. Mc 2,19
[4] x. Ep 5, 25
[5] GLHT 1613
[6] GLHT 1614
[7] GLHT 1615
[8] GLHT 1616
[9] GLHT 1617
[10] GLHT 1644
[11] GLHT 1645; x. MV 49,2; GĐ 19
[12] GLHT 1647
[13] x. GLHT 1646; MV 48,1
[14] GLHT 1638; x. GL 1134
[15] GLHT 1639
[16] GLHT 1640; x. GL 1141
[17] x. GH 11
[18] x. GLHT 1642
Bài 3: Giáo luật về Bí tích Hôn phối
“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9).
Hôn nhân không chỉ liên quan đến hai vợ chồng mà còn liên quan đến một phạm vi rộng lớn hơn, từ họ hàng hai bên cho đến xã hội, bởi vì gia đình là tế bào căn bản của xã hội. Gia đình có êm ấm thì xã hội mới ổn định và bền vững.
Vì mang tính xã hội, nên hôn nhân cần được pháp luật chứng nhận và bảo vệ. Tại Việt Nam, về mặt dân sự ta có luật “Hôn nhân và Gia đình” được Quốc Hội thông qua ngày 09.6.2000, gồm 110 điều. Còn về mặt tôn giáo, trong bộ luật của Hội Thánh, được gọi là giáo luật, ban hành ngày 25.01.1983, có 111 khoản về hôn nhân.
Luật của Hội Thánh chỉ ràng buộc đối với người Công giáo[1]. Khi đưa ra những luật này, Hội Thánh nhắm giúp con cái mình xây dựng một cuộc sống hôn nhân và gia đình bền vững, hạnh phúc, thánh thiện, thể hiện ơn gọi hôn nhân và gia đình như ý Thiên Chúa muốn.
1. Điều kiện cử hành bí tích Hôn phối
Để Bí tích Hôn phối thành sự, cần những điều kiện sau:
– Phải là một người nam và một người nữ, đã rửa tội[2].
– Hai người có tự do để kết hôn. Tự do ở đây có nghĩa là:
– Không bị ép buộc
– Không bị ngăn trở bởi luật tự nhiên hoặc luật Hội Thánh[3].
– Phải bày tỏ sự ưng thuận kết hôn của mình.
– Cử hành theo thể thức của Hội Thánh[4].
2. Các ngăn trở Hôn phối
Ngăn trở hôn phối là tình trạng hay hoàn cảnh làm cho cuộc hôn phối không thành sự hoặc bất hợp pháp.
Để có thể kết hôn thành sự, cả hai phải trong tình trạng tự do, không bị ngăn trở nào theo luật tự nhiên hoặc luật Hội Thánh. Những ngăn trở thuộc luật tự nhiên dựa trên hôn nhân như một định chế tự nhiên, chúng chi phối mọi người. Những ngăn trở thuộc luật Hội Thánh dựa trên bản chất bí tích của hôn nhân, cũng như trên mối liên hệ của hôn nhân với cộng đồng tín hữu, chỉ chi phối người Công giáo mà thôi.
Các ngăn trở hôn phối gồm có:
2.1. Ngăn trở do chưa đủ tuổi để kết hôn
Để kết hôn thành sự, nam phải đủ 16 tuổi, nữ phải đủ 14 tuổi[5]. Tuy nhiên, Hội Đồng Giám mục của mỗi quốc gia có quyền quy định tuổi cao hơn để kết hôn hợp pháp[6]. Tại Việt Nam, nam phải từ 20 tuổi trở lên, nữ 18 tuổi trở lên, theo như Luật Hôn nhân và Gia đình điều 9.
2.2. Ngăn trở do bất lực
Một trong hai người trước khi kết hôn đã mắc chứng bất lực, không thể chữa trị được[7]. Bất lực khác với vô sinh. Bất lực là không thể giao hợp. Còn vô sinh là không thể có con. Việc vô sinh không phải là một ngăn trở hôn phối[8].
2.3. Ngăn trở do đã kết hôn
Một trong hai người còn bị ràng buộc bởi dây Hôn phối trước[9]. Ngăn trở này chỉ chấm dứt khi:
– Người phối ngẫu chết[10].
– Hôn nhân thành sự nhưng chưa hoàn hợp, được Đức Giáo Hoàng đoạn tiêu vì lý do chính đáng[11].
– Hôn nhân giữa hai người chưa rửa tội được đoạn tiêu do đặc ân Phaolô nhằm bảo vệ đức tin của bên lãnh nhận phép Rửa tội, do chính sự kiện là bên được rửa tội lập hôn nhân mới, và bên không được rửa tội muốn phân ly[12].
2.4. Ngăn trở do khác biệt tôn giáo
Một bên Công giáo, còn một bên không Công giáo[13].
2.5. Ngăn trở do chức thánh
Những người đã chịu chức thánh không thể kết hôn thành sự[14]. Những người có chức thánh gồm: Giám mục, linh mục và phó tế.
2.6. Ngăn trở do khấn dòng
Những người chính thức thuộc về một dòng tu bằng lời khấn công khai sẽ vĩnh viễn sống khiết tịnh (hay còn gọi là khấn trọn đời, vĩnh khấn) không thể kết hôn thành sự[15].
2.7. Ngăn trở do bắt cóc
Hôn nhân bất thành đối với trường hợp bắt cóc người nữ để lấy cô ta[16].
2.8. Ngăn trở do tội mưu sát phối ngẫu
– Giết vợ hay giết chồng mình (kể cả âm mưu hoặc đồng loã) để lấy người khác.
– Giết vợ hay giết chồng của người phối ngẫu (kể cả âm mưu hoặc đồng loã) để lấy họ[17].
2.9. Ngăn trở do họ máu (huyết tộc)
– Theo hàng dọc: hôn nhân bất thành giữa mọi người trong họ máu hàng dọc[18].
– Theo hàng ngang: hôn nhân bất thành cho tới hết 4 bậc[19].
2.10. Ngăn trở do họ kết bạn
Hôn thuộc theo hàng dọc dù ở cấp nào cũng tiêu huỷ hôn phối[20]. Ví dụ, giữa cha chồng với con dâu, chàng rể với mẹ vợ. Tuy nhiên, theo hàng ngang thì không bị ngăn trở. Ví dụ: anh chồng có thể lấy em dâu, vợ chết có thể lấy em vợ.
2.11. Ngăn trở do công hạnh
Hay còn gọi là ngăn trở liêm sỉ. Ngăn trở này phát sinh do cuộc hôn phối bất thành sau khi đã có sống chung, hoặc do tư hôn công nhiên hay công khai. Ngăn trở này tiêu hủy hôn nhân giữa người nam với các người họ máu của người nữ bậc một hàng dọc, và ngược lại[21]. Chẳng hạn: nếu anh X đã từng chung chạ với cô Y, thì không thể lấy mẹ hoặc con riêng của cô Y; và cô Y cũng không thể lấy cha hoặc con riêng của anh X.
2.12. Ngăn trở do pháp tộc
Những người có họ hàng thân thuộc pháp lý do nghĩa dưỡng, ở hàng dọc hoặc hai bậc hàng ngang, không thể kết hôn với nhau thành sự[22]. Ngăn trở này làm hôn nhân bất thành giữa: con nuôi với cha mẹ nuôi; con nuôi với cha mẹ hoặc con cháu ruột của cha mẹ nuôi; hai con nuôi của cùng một cha mẹ nuôi.
3. Chuẩn ngăn trở
Nếu mắc phải một trong các ngăn trở trên, dù hai người có lấy nhau, hôn phối vẫn không thành. Đó chỉ là một sự chung chạ bất hợp pháp mà thôi. Để kết hôn thành sự và hợp pháp, cần phải xin phép chuẩn. Tuy nhiên, không phải ngăn trở nào Hội Thánh cũng có thể miễn chuẩn được.
Đối với những ngăn trở thuộc luật tự nhiên, Hội Thánh không có quyền miễn chuẩn. Đó là những ngăn trở:
– Do bất lực[23].
– Do đã kết hôn[24].
– Do có họ máu hàng dọc[25].
– Do có họ máu hai bậc hàng ngang[26].
Đối với những ngăn trở chỉ do luật Hội Thánh mà thôi thì Hội Thánh có quyền miễn chuẩn, và khi được miễn chuẩn thì cuộc hôn nhân thành sự.
Các ngăn trở Hội Thánh có thể miễn chuẩn khi có lý do chính đáng:
– Về tuổi tối thiểu.
– Về họ máu ba bậc trở đi theo hàng ngang: bà con và anh em họ.
– Về họ kết bạn.
– Về tội ác (tội mưu sát phối ngẫu)
– Về chức thánh.
– Về lời khấn.
– Về công hạnh.
– Về khác tôn giáo.
Riêng đối với các cuộc hôn nhân khác tôn giáo, sở dĩ Hội Thánh dè dặt và thận trọng chỉ vì yêu thương con cái. Muốn gia đình hạnh phúc, vợ chồng phải hoà hợp. Tín ngưỡng là một vấn đề quan trọng. Nếu có sự khác biệt thì dễ xảy ra xung khắc, đe doạ sự hoà hợp, nhất là đối với việc giáo dục con cái. Tuy nhiên, cũng vì tôn trọng tự do, Hội Thánh không cấm đoán. Hội Thánh hy vọng lòng đạo đức của bên này sẽ thánh hoá bên kia[27].
4. Sự ưng thuận kết hôn
Hội Thánh coi việc hai người bày tỏ sự ưng thuận kết hôn là yếu tố cần thiết “làm nên hôn nhân”. Thiếu sự ưng thuận này thì hôn nhân không thành[28].
“Sự ưng thuận kết hôn là hành vi nhân linh – nghĩa là hành vi của con người có ý thức và tự do -, trong đó hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau: “Anh nhận em làm vợ”; “Em nhận anh làm chồng”. Sự ưng thuận này nối kết hai vợ chồng lại với nhau và được thể hiện trọn vẹn khi hai người “trở nên một xương một thịt” (x. St 2,24; Mc 10,8; Ep 5,31)[29]”. Bởi vậy, “sự ưng thuận này phải là một hành vi ý chí của mỗi bên kết hôn, không bị cưỡng bức vì bạo lực hay quá sợ hãi do một nguyên cớ bên ngoài. Không một quyền hành nào của loài người có thể thay thế sự ưng thuận này. Nếu thiếu sự tự do này, cuộc hôn nhân sẽ không thành[30]”.
Thiếu sự tự do ưng thuận thực sự giữa hai bên, khi:
– Không có đủ trí khôn[31].
– Thiếu trầm trọng trí phán đoán về những quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân[32] – Vì bị tâm thần không thể đảm nhận những nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân[33].
– Vô tri: Không biết hôn nhân là gì[34].
– Lầm lẫn về người, hoặc về phẩm cách của người phối ngẫu[35].
– Lường gạt[36]. Khi chủ ý lừa dối về sự có hay không một phẩm cách của mình, nhằm đạt được sự ưng thuận của bên kia. Phẩm cách này quan trọng đến nỗi sau này khi khám phá ra thì đời sống hôn nhân có thể bị tác hại trầm trọng.
– Giả vờ ưng thuận, nhưng thực sự không muốn[37].
– Ưng thuận với điều kiện về tương lai. Đặt điều kiện về tương lai thì hôn nhân bất thành[38] – Ưng thuận vì bạo lực hoặc vì sợ hãi[39].
. Bạo lực: nếu bị người khác dùng sức mạnh để cưỡng ép ưng thuận kết hôn thì sự ưng thuận đó vô hiệu.
. Sợ hãi: sự sợ hãi có thể làm cho hôn nhân vô hiệu khi hội đủ 3 đặc tính sau:
a. Sợ hãi có tính cách trầm trọng chứ không phải vu vơ.
b. Sợ hãi do nguyên nhân ngoại tại, nghĩa là do một người khác gây ra chứ không phải do chính đương sự.
c. Sự sợ hãi có tính cách tất định, nghĩa là không có cách nào khác để thoát khỏi sự đe dọa ngoại trừ ưng thuận kết hôn.
5. Thể thức hôn phối
Để Hôn nhân thành sự, đôi hôn phối cần phải cử hành theo thể thức của Hội Thánh: Hôn nhân chỉ thành sự khi được kết ước trước mặt vị chứng hôn có thẩm quyền: hoặc cha xứ, hoặc một linh mục, hay phó tế được một trong hai vị trên ủy quyền, cùng với hai người làm chứng[40].
Linh mục (hay phó tế) chứng giám nghi thức Hôn phối, nhân danh Hội Thánh nhận lời ưng thuận của đôi hôn phối và chúc lành cho họ. Sự hiện diện của thừa tác viên Hội Thánh và của những người làm chứng cho thấy rõ hôn nhân là một bậc sống trong Hội Thánh[41].
Ngoài ra, còn phải cử hành tại nhà thờ giáo xứ, nơi một trong hai người kết hôn có chỗ thường trú, hoặc tạm trú một tháng. Nếu muốn cử hành nơi khác, phải có phép của Đấng Bản quyền sở tại hoặc cha xứ.[42]
GHI NHỚ:
1. H. Để Bí tích Hôn phối thành sự phải có những điều kiện nào?
T. Phải có bốn điều kiện này:
– Một là một nam một nữ đã rửa tội.
– Hai là có tự do kết hôn, không bị ép buộc cũng không bị ngăn trở bởi luật tự nhiên hoặc luật Hội Thánh
– Ba là phải bày tỏ sự ưng thuận kết hôn.
– Bốn là cử hành theo thể thức của Hội Thánh.
2. H. Ngăn trở hôn phối là gì?
T. Ngăn trở hôn phối là những hoàn cảnh hoặc trường hợp làm cho cuộc hôn phối không thành sự hoặc bất hợp pháp.
3. H. Có bao nhiêu ngăn trở hôn phối?
T. Có 12 ngăn trở sau đây:
– Một là chưa đủ tuổi kết hôn
– Hai là bất lực, không thể sinh hoạt vợ chồng.
– Ba là còn bị ràng buộc bởi hôn phối trước.
– Bốn là khác tôn giáo.
– Năm là chức thánh.
– Sáu là khấn dòng.
– Bảy là bắt cóc.
– Tám là tội mưu sát phối ngẫu.
– Chín là có họ máu.
– Mười là có họ kết bạn.
– Mười một là công hạnh.
– Mười hai là pháp tộc.
4. H. Khi mắc ngăn trở thì phải làm gì?
T. Phải xin phép chuẩn. Tuy nhiên, có những ngăn trở Hội Thánh cũng không thể miễn chuẩn được, đó là các trường hợp:
– Một là bất lực,
– Hai là còn bị ràng buộc bởi hôn phối trước.
– Ba là có họ máu theo hàng dọc.
– Bốn là có họ máu hai bậc theo hàng ngang.
5. H. Vì sao sự ưng thuận kết hôn là yếu tố cần thiết làm nên hôn nhân?
T. Vì sự ưng thuận này nối kết hai vợ chồng lại với nhau và được thể hiện trọn vẹn khi hai người “trở nên một xương một thịt”. Không một quyền hành nào của loài người có thể thay thế sự ưng thuận này. Thiếu sự tự do này, cuộc hôn nhân sẽ không thành.
6. H. Những trường hợp nào thiếu sự tự do ưng thuận kết hôn?
T. Những trường hợp sau đây:
– Một là không có đủ trí khôn.
– Hai là thiếu trầm trọng trí phán đoán về những quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân.
– Ba là vì tâm thần không thể đảm nhận những nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân.
– Bốn là vô tri, không biết hôn nhân là gì.
– Năm là lầm lẫn về người, hoặc về phẩm cách của người phối ngẫu.
– Sáu là lường gạt.
– Bảy là giả vờ ưng thuận, nhưng thực sự không muốn.
– Tám là ưng thuận với điều kiện về tương lai.
– Chín là ưng thuận vì bạo lực hoặc vì sợ hãi.
GỢI Ý SUY NGHĨ :
1. Vì sao Hội Thánh lại có những điều luật về Hôn nhân? Đâu là mục đích của những điều luật đó?
2. Vì sao trong việc lập gia đình, Hội Thánh nhấn mạnh khía cạnh tự do ưng thuận?
3. Phải chăng Hội Thánh có thể miễn chuẩn mọi ngăn trở hôn phối? Tại sao?
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa, vì Chúa hằng yêu thương chúng con. Xưa kia Chúa đã ban lề luật cho dân Israel, để giúp họ sống trung thành với giao ước, xứng đáng là dân Chúa. Chúa đã mời gọi chúng con bước vào đời sống hôn nhân và gia đình, để làm chứng cho tình yêu của Chúa, và Chúa đã ban cho chúng con Hội Thánh, để hướng dẫn chúng con. Xin giúp chúng con biết nghe theo lời giáo huấn của Hội Thánh, để cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc như ý Chúa muốn. Amen.
—————————————————
[1] x. GL 11; 1059; 1075 §2
[2] GLHT 1625; x. GL 1055
[3] GLHT 1625
[4] GL 1108
[5] GL 1083 §1
[6] GL 1083 §2; xem thêm GL 1071 §1, 20 và 60; 1072
[7] GL 1084 §1
[8] x. GL 1084 §3
[9] GL 1085 §1
[10] GL 1141
[11] GL 1142
[12] GL 1143
[13] GL 1086; 1124-1125
[14] GL 1087
[15] GL 1088
[16] GL 1089
[17] GL 1090
[18] GL 1091,1; x. Luật HN và GĐ điều 10 §3
[19] GL 1091 § 2
[20] GL 1092
[21] GL 1093
[22] GL 1094
[23] GL 1084
[24] GL 1085; 1141
[25] GL 1078 §3
[26] GL 1078 §3
[27] x. 1 Cr 7,14; GL 1124-1129
[28] GLHT 1626
[29] GLHT 1627; x. GL 1057 §2
[30] GLHT 1628
[31] GL 1095
[32] GL 1095 §2
[33] GL 1095 § 3
[34] GL 1096
[35] GL 1097, 1098
[36] GL 1098
[37] GL 1101
[38] GL 1102
[39] GL 1103
[40] GL 1108
[41] GLHT 1630
[42] GL 1115; 1118