“Giờ đây, lạy Chúa, Chúa biết không phải vì dục tình mà tôi cưới em này làm vợ, song chỉ vì muốn có con cái nối dòng, để danh Chúa được chúc tụng muôn đời”. Sara cũng nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót chúng tôi, xin thương xót chúng tôi, xin cho hai chúng tôi được an khang trường thọ” (Tb 8, 7).
Tình yêu vợ chồng mang tính cách một cam kết quyết liệt. Đôi bạn thời đính hôn cần hiểu rõ tình yêu này, để biết mình đang hướng đến điều gì và phải chuẩn bị tâm hồn nghiêm túc như thế nào? Thật vậy, trong tình yêu vợ chồng, “mình với ta tuy hai mà một”. “Một” ở đây muốn nói lên sự kết hợp mật thiết đến độ không chỉ dừng ở việc ý hợp tâm đầu, mà còn đón nhận và trao ban cho nhau trọn vẹn, trở thành một xương một thịt suốt đời. Trao ban trọn cả con người, đón nhận nhau trọn cả cuộc sống, để trở thành một xương một thịt suốt đời và từ đó làm nảy sinh những sự sống mới. Đây chính là đặc tính của tình yêu vợ chồng.
1. Đặc tính của tình yêu vợ chồng
1.1. Tình yêu kết hợp nên một
Tình yêu vợ chồng trước hết hướng đến việc kết hợp nên một: “Người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể” (St 2,24; Mt 19,5; Mc 10,8). Trước khi lấy nhau, họ là hai thế giới khác biệt với những vấn đề, những khát vọng, những niềm vui, nỗi buồn riêng tư. Giờ đây, khi đã lấy nhau, hai thế giới đó được hoà trộn vào nhau, thành một xương một thịt và một tâm hồn, chia sẻ một vận mệnh và một cuộc sống. Sự kết hợp đó sâu xa đến nỗi chỉ cái chết mới có thể chia lìa. Chính vì vậy, tình yêu hôn nhân đòi hỏi sự đơn nhất và bất khả phân ly[1].
1.2. Tình yêu trao hiến trọn vẹn
Nhờ khả năng tính dục, người nam và người nữ hiến thân cho nhau qua những hành vi ân ái dành riêng cho vợ chồng. Tính dục không chỉ là hành vi sinh lý, mà còn liên can đến những điều thâm sâu nhất của nhân vị.
Những hành vi thực hiện sự kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng đều cao quý và chính đáng. Chúng biểu hiện và khích lệ sự hiến thân cho nhau, nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong hoan lạc và biết ơn.
Sự trao hiến trọn vẹn toàn thể con người dẫn đôi bạn đến sự kết hợp mật thiết với nhau thành một trái tim, một tâm hồn, một cuộc sống. Nhờ sự kết hợp nên một và trao hiến trọn vẹn của vợ chồng, hai mục đích của hôn nhân được thực hiện: lợi ích của chính đôi vợ chồng và lưu truyền sự sống.
1.3. Tình yêu chung thủy
Tình yêu hôn nhân đòi hỏi hai vợ chồng phải dứt khoát, không được tạm bợ, nghĩa là phải luôn chung thuỷ với nhau, bởi vì do giao ước hôn nhân, họ không còn là hai, nhưng đã trở thành một thân thể duy nhất.
Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu vĩnh viễn không lay chuyển. Tình yêu vợ chồng được tham dự vào tình yêu này và được tình yêu này hướng dẫn và nâng đỡ. Nhờ chung thủy với nhau, vợ chồng trở thành chứng nhân cho tình yêu trung tín của Thiên Chúa[2].
1.4. Tình yêu mở ngỏ cho sự sống
Truyền sinh vừa là một ân huệ, vừa là một mục tiêu căn bản của hôn nhân, vì tự bản chất, tình yêu vợ chồng hướng tới việc sinh sản con cái. Con cái là hoa quả của tình yêu vợ chồng, hiện diện ngay trong việc vợ chồng hiến thân cho nhau, chứ không phải là một cái gì được thêm vào từ bên ngoài. Vì thế, mọi hành vi ân ái phải mở ngỏ cho việc truyền sinh. Hội Thánh đã nhắc đi nhắc lại điều này nhiều lần: hành vi ân ái luôn mang hai giá trị bất khả phân ly: kết hợp và truyền sinh. Đây là điều chính Thiên Chúa đã muốn và con người không được phá bỏ.
Vì được mời gọi thông truyền sự sống, đôi vợ chồng tham dự vào quyền năng sáng tạo và tình phụ tử của Thiên Chúa.[3] Trong khi thi hành bổn phận truyền sinh và giáo dục, đôi vợ chồng biết rằng mình cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa và trở thành như những người diễn đạt tình yêu của Ngài. Do đó, họ sẽ chu toàn bổn phận trong tinh thần trách nhiệm của một con người và một Kitô hữu.
Một khía cạnh đặc biệt của trách nhiệm, đó là điều hòa sinh sản. Khi có lý do chính đáng, đôi vợ chồng có quyền kéo dài khoảng cách giữa những lần sinh con. Chính họ phải chứng thực rằng ước muốn đó không do ích kỷ, nhưng xứng hợp với lòng quảng đại chính đáng của bậc làm cha làm mẹ có trách nhiệm. Ngoài ra, họ phải xử sự theo những tiêu chuẩn khách quan của luân lý.
2. Nhiệm vụ vợ chồng
2.1. Nhiệm vụ của người chồng
Trong gia đình, cộng đoàn hiệp thông giữa các ngôi vị, người nam được mời gọi sống sự tự hiến của mình trong vai trò là chồng và là cha.
Qua người vợ, người chồng nhìn thấy ý định của Thiên Chúa được thực hiện: “Đàn ông ở một mình không tốt, Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống như nó” (St 2, 18). Người chồng sẽ có cùng một tiếng kêu hạnh phúc như Ađam, người chồng đầu tiên: “Bây giờ xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi” (St 2, 23).
Tình nghĩa vợ chồng đòi buộc người chồng phải thực sự tôn trọng phẩm giá của người vợ, như thánh Ambrôxiô đã viết: “Con không phải là chủ của nàng, nhưng là chồng nàng; nàng được trao cho con để làm vợ chứ không phải để làm nô lệ… Hãy đáp lại những quan tâm nàng đã dành cho con, và hãy biết ơn tình yêu của nàng” (Exameron V, 7.19).
Đối với vợ, người chồng phải trở nên người bạn đời. Hơn thế nữa, người chồng còn được mời gọi trở nên người bạn đạo bằng cách yêu thương vợ mình một cách tế nhị và mạnh mẽ như Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh
Tình yêu đối với người vợ đã trở thành mẹ và tình yêu đối với con cái là con đường tự nhiên đưa người chồng đến chỗ hiểu biết và thể hiện tư cách làm cha của mình. Chỗ đứng và vai trò của người cha trong gia đình có một tầm quan trọng không ai có thể thay thế được. Sự vắng mặt của người cha thường gây ra những sự thiếu quân bình về tâm lý và tinh thần, cũng như nhiều khó khăn đáng kể khác trong những tương quan gia đình; nhưng ngược lại, cũng sẽ xảy ra như thế nếu sự hiện diện của người cha lại mang tính cách áp bức và độc đoán.
Khi biểu lộ và sống tình cha của Thiên Chúa, người chồng được mời gọi đứng ra bảo đảm sự phát triển thống nhất của mọi thành phần trong gia đình. Để chu toàn sứ mạng này, người chồng cần phải quảng đại lãnh lấy trách nhiệm đối với sự sống đang được người vợ cưu mang, và cố gắng giáo dục con cái cùng với vợ mình; công việc ấy sẽ không bao giờ làm chia rẽ gia đình, nhưng làm cho gia đình được vững mạnh trong sự hiệp nhất và ổn định, trở nên một chứng tá về đời sống Kitô hữu trưởng thành, để con cái có được kinh nghiệm sống động về Đức Kitô và về Hội Thánh một cách hữu hiệu hơn[4].
2.2. Nhiệm vụ của người vợ
Trong gia đình, người nữ cũng được mời gọi sống sự tự hiến của mình trong vai trò là vợ và là mẹ. Trước hết cần khẳng định rằng người vợ bình đẳng với người chồng về phẩm giá cũng như về trách nhiệm. Sự bình đẳng này được thể hiện một cách đặc biệt trong sự hy sinh cho con cái. Một sự trao hiến như thế chỉ có trong hôn nhân và gia đình. Điều con người cảm nghiệm, cũng là điều được mặc khải đầy đủ trong Lời Chúa. Thật vậy, lịch sử cứu độ cho thấy phẩm giá của người phụ nữ luôn luôn được đề cao.
Tuy nhiên, cho đến nay không thể phủ nhận rằng có nhiều người muốn thu hẹp phạm vi của người phụ nữ vào vai trò làm vợ và làm mẹ, không để cho họ bước ra ngoài xã hội, nắm giữ những trọng trách, vốn thường được coi như chỉ dành cho nam giới. Chắc chắn sự bình đẳng về phẩm giá và trách nhiệm giữa người nam và người nữ cho phép người nữ dấn thân vào các vai trò xã hội. Đàng khác, cũng cần phải nhìn nhận rằng vai trò làm mẹ và làm nội trợ của người phụ nữ có giá trị không thua kém so với những vai trò ngoài xã hội và những nghề nghiệp khác.
Cần vượt qua não trạng cho rằng danh dự của phụ nữ là do việc làm ngoài xã hội hơn là do hoạt động trong gia đình. Nhưng để đạt được điều ấy, nam giới cần biết quý chuộng và thật sự yêu thương người phụ nữ với tất cả sự tôn trọng phẩm giá cá nhân của họ, và xã hội cần phải tạo ra và phát triển những điều kiện thích hợp cho công việc tại gia đình[5].
Tại Cana, bữa tiệc cưới được nửa chừng thì hết rượu. Tình huống ấy có thể đe doạ hạnh phúc tương lai của đôi tân hôn. May thay, Đức Kitô có mặt ở đó và theo lời yêu cầu của Mẹ Maria, Ngài đã can thiệp để biến nước thành rượu, thật nhiều và thật ngon (x. Ga 2,1-12). Câu chuyện thật an ủi: Tình yêu vợ chồng đầy hoan lạc nhưng cũng kèm theo biết bao thử thách, với phận người yếu đuối tình yêu giới hạn ấy thật mong manh. Thế nhưng ngay cả khi nó đã cạn, đã thành nhạt như nước lã, Đức Kitô vẫn có thể biến nước lã ấy thành rượu ngon một cách hết sức dồi dào.
Thật vậy, như xưa Thiên Chúa đã đến gặp gỡ Dân Ngài bằng một giao ước yêu thương và trung thành, thì nay Đấng Cứu Thế, Bạn Trăm Năm của Hội Thánh, cũng đến với đôi vợ chồng qua bí tích Hôn phối. Ngài còn ở lại với họ để họ mãi mãi trung thành yêu thương nhau bằng sự tự hiến cho nhau, như Ngài đã yêu thương Hội Thánh và nộp mình vì Hội Thánh.
Trong đời sống hôn nhân và gia đình, đôi vợ chồng Công giáo được mời gọi noi gương Đức Kitô và Hội Thánh để biết sống yêu thương và tôn trọng nhau, sẵn sàng tha thứ cho nhau, cũng như sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của nhau và của con cái.
GHI NHỚ:
1. H. Tình yêu vợ chồng có những đặc tính nào?
T. Tình yêu vợ chồng có những đặc tính này là :
– Một là kết hợp nên một.
– Hai là trao hiến trọn vẹn.
– Ba là chung thủy suốt đời.
– Bốn là đón nhận con cái.
2. H. Vợ chồng có những bổn phận nào?
T. Người nam được mời gọi chu toàn bổn phận làm chồng và làm cha; người nữ được mời gọi chu toàn bổn phận làm vợ và làm mẹ.
3. H. Khuôn mẫu của tình yêu vợ chồng là gì?
T. Khuôn mẫu của tình yêu vợ chồng chính là sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh.
GỢI Ý SUY NGHĨ:
1. Trong Kinh Hoà bình của thánh Phanxicô có câu: “Lạy Chúa, xin hãy dạy con: tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ…”. Anh Chị nghĩ sao nếu trong cuộc sống hôn nhân, cả hai vợ chồng đều cố gắng sống tinh thần trên?
2. Anh Chị nghĩ gì về câu nói sau đây của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn về Gia đình: “Ngày nay, làm chứng về giá trị cao quý của sự bất khả phân ly trong hôn nhân và của lòng chung thủy giữa hai vợ chồng là một trong những bổn phận quan trọng và cấp bách nhất của các đôi bạn Kitô hữu.” (x. số 20)
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương Hội Thánh đến nỗi đổ máu ra thanh tẩy và làm cho Hội Thánh thành người mẹ sinh ra tất cả con cái Thiên Chúa. Xin giúp chúng con biết sống thông cảm, nhân hậu, khiêm tốn, hiền hòa và nhẫn nại đối với nhau; biết tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng con. Xin Chúa luôn ở bên chúng con, ban cho chúng con sức mạnh để chúng con có thể bước theo con đường yêu thương của Chúa cho đến cùng. Amen.
———————————————–
[1] x. GLHT 1643-1645
[2] x. GLHT 1646-1648
[3] x. Ep 3, 14; Mt 23, 9
[4] GĐ 25
[5] x. GĐ 22-23