Tìm Hiểu Năm Thánh 2025 | 205 Câu Hỏi Về Năm Thánh

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

Tìm Hiểu Năm Thánh 2025

Tìm Hiểu Năm Thánh 2025

Tìm Hiểu Về Năm Thánh 2025 qua 205 câu hỏi

  • A. Tổng Quát Năm Thánh (1-12)
  • B. Lịch Sử Năm Thánh (13-20)
  • C. Tông sắc ‘Spes non Confundit/ Hy vọng không làm thất vọng’ (21-79)
  • D. Ân Xá Trong Năm Thánh 2025 (80-99)
  • E. Những Sự Kiện (100-134)
  • G. Logo Năm Thánh 2025 (135-148)
  • H. Nhân Vật Biểu Tượng Năm Thánh 2025 (149-194)
  • K. Thánh Rôcô (195-205)

 

A. Tổng Quát Năm Thánh

01. Hỏi: Nguyên thủy Năm Thánh là gì?
– Thưa: Năm Thánh có nghĩa là năm Kỷ Niệm, Năm hân hoan hay Năm Toàn Xá/Đại Xá.

02. Hỏi: Năm Toàn Xá, tức là thời điểm được qui định để chúng ta làm gì?
– Thưa: Để chúng ta hoán cải, hòa giải, hiệp thông hầu đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa một cách đặc biệt hơn.

03. Hỏi: Năm Thánh, theo nguyên gốc tiếng Latinh “Annum Jubilaei”, bắt nguồn từ tiếng Do thái “Jôbel”, nghĩa là gì?
– Thưa: “Thổi kèn tù và báo hiệu năm Toàn xá”.

04. Hỏi: Năm Thánh có từ thời Cựu Ước được ghi ở trong sách nào?
– Thưa: Sách Lêvi chương 25,8-54.

05. Hỏi: Bản văn trong sách Lêvi chương 25, quy định những gì?
– Thưa: Cứ 50 năm người ta phải giải phóng các nô lệ, phải xóa nợ và trả lại ruộng vườn cũng như đất đai cho chủ cũ.

06. Hỏi: Chúa Giêsu có đề cập đến Năm Thánh không?
– Thưa: Có.

07. Hỏi: Chúa Giêsu có đề cập đến Năm Thánh qua bản văn nào? (Lc 4,18 -19).
– Thưa: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”

08. Hỏi: Bản văn “Thần Khí Chúa ngự trên tôi,…” được thánh sử nào nói tới? (Lc 4,18 -19).
– Thưa: Thánh sử Luca.

09. Hỏi: Bản văn “Thần Khí Chúa ngự trên tôi,…” được trích từ Sách thánh nào?
– Thưa: Sách Ngôn sứ Isaia.

10. Hỏi: “Năm hồng ân của Chúa”, nghĩa là năm cứu độ của Người, bao gồm bốn cử chỉ căn bản. Đó là những cử chỉ nào?
– Thưa: Đem Tin mừng cho người nghèo khó; công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha; cho người mù biết họ được sáng mắt; trả lại tự do cho người bị áp bức. 

 

B. Lịch Sử Năm Thánh

11. Hỏi: Năm Thánh đầu tiên trong lịch sử Hội Thánh được cử hành vào năm nào?
– Thưa: Vào năm 1300.

12. Hỏi: Năm Thánh đầu tiên trong lịch sử Hội Thánh (1300) được Đức Giáo Hoàng nào công bố?
– Thưa: Đức Giáo Hoàng Bonifaz VIII.

13. Hỏi: Khởi đầu Năm Thánh được cử hành thế nào? 
– Thưa: Cứ 100 năm Hội Thánh lại cử hành Năm Thánh một lần. Nhưng dần dần về sau, thời hạn được rút bớt xuống chỉ còn 50 năm, 33 năm và sau cùng là 25 năm.

14. Hỏi: Ngoài những Năm Thánh thông thường, Hội Thánh còn cử hành những Năm Thánh khác không?
– Thưa: Hội Thánh còn cử hành vào những Năm Thánh khác gọi là Năm Thánh ngoại thường.

15. Hỏi: Trong thế kỷ XX, Hội Thánh có những Năm thánh ngoại thường nào?
– Thưa: Năm Thánh 1933: kỷ niệm 19 thế kỷ cuộc tử nạn của Chúa Kitô.
Năm Thánh 1983: mừng kỷ niệm 1950 năm Ðức Kitô Tử nạn và Phục sinh hầu đem ơn Cứu Rỗi.

16. Hỏi: Trong lịch sử Hội Thánh đã diễn ra bao nhiêu Năm Thánh?
– Thưa: 29 Năm Thánh

17. Hỏi: Ngoài Năm Thánh được toàn thể Hội Thánh cử hành, có những Năm Thánh  khác nữa không?
– Thưa: Còn có những Năm Thánh  khác được mở ra cho các Giáo Hội địa phương như: Quốc gia, Giáo phận, kể cả Giáo xứ, hay cộng đoàn Dòng tu … 

18. Hỏi:  Hội Thánh Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đã cử hành những Năm Thánh nào?
– Thưa: Một là: – Năm Thánh Truyền Giáo 2003, ghi dấu 470 năm Tin Mừng được loan báo trên quê hương Việt Nam (1533-2003), từ lễ Giáng Sinh 25/12/2003 đến lễ Hiển Linh 02/01/2005.
      Hai là: – Năm Thánh 2010, kỷ niệm 350 năm thiết lập Giáo Hội tại Việt Nam, kỷ niệm 50 năm thiết lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam cùng 3 giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn.

19. Hỏi: Năm Thánh sẽ khai mạc với việc mở những cánh Cửa Thánh – việc mở cửa này có ý nghĩa tượng trưng như là gì?
– Thưa: Như là mở ra những con đường mới dẫn tới ơn cứu độ.

20. Hỏi: Việc mở Cửa Thánh nói lên chính Ðức Kitô là gì?
– Thưa: Cửa thật và duy nhất qua đó con người mới có sự sống sung mãn.

C. Tông sắc ‘Spes non Confundit/ Hy vọng không làm thất vọng’

21. Hỏi: Năm Thánh thường lệ 2025 diễn ra dưới triều đại Đức Giáo Hoàng nào?
– Thưa: Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

22. Hỏi: Năm Thánh thường lệ 2025 với chủ đề là gì?
– Thưa: “Những người hành hương của hy vọng”.

23. Hỏi: Đức Thánh Cha Phanxicô mở Năm thánh thường lệ 2025 với Tông sắc gì?
– Thưa: Tông sắc Spes non Confundit.

24. Hỏi: ‘Spes non Confundit/Hy vọng không làm thất vọng’ tựa đề của Tông sắc được trích từ thư của thánh nào?
– Thưa: Thánh Phaolô.

25. Hỏi: ‘Spes non Confundit/Hy vọng không làm thất vọng’ tựa đề của Tông sắc được trích từ thư nào của thánh Phaolô?
– Thưa: Thư Rôma (5,5).

26. Hỏi: Qua ‘Spes non Confundit/Hy vọng không làm thất vọng’, Đức Thánh Cha Phanxicô ước mong mọi người trong Năm Thánh này là một thời diểm gặp Chúa Giêsu một cách sống động và cá vị, vì Người là gì? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 1) 
– Thưa: Người là “cánh cửa” ơn cứu độ (x. Ga 10,7.9), là “niềm hy vọng của chúng ta” (x. 1 Tm 1,1), là Đấng mà Giáo hội có nhiệm vụ phải loan báo luôn mãi, ở mọi nơi và cho tất cả mọi người…

27. Hỏi: Mong sao Năm Thánh là cơ hội cho mỗi người nhen nhóm lại niềm hy vọng. Điều gì giúp chúng ta tìm ra những lý do cho niềm hy vọng ấy? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 1)  
– Thưa: Lời Chúa.

28. Hỏi: Với Đức Thánh Cha, ‘niềm hy vọng phát sinh từ tình yêu và dựa trên tình yêu tuôn trào từ đâu? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 3)  
– Thưa: Từ Trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu trên thập giá.

29. Hỏi: Niềm hy vọng Kitô giáo không lừa dối cũng không làm thất vọng vì nó dựa trên niềm xác tín rằng không có gì và không ai có thể tách chúng ta ra khỏi điều gì? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 3)  
– Thưa: Ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.

30. Hỏi: Niềm hy vọng này không nhượng bộ trước khó khăn: vì nó đặt nền tảng trên đức tin và được nuôi dưỡng bởi điều gì? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 3)   
– Thưa: Đức ái.

31. Hỏi: “Dù ở bậc sống nào, người ta cũng không thể sống nếu không có ba tâm tình này: tin, cậy [hy vọng], mến”. Đây là lời của thánh nào?(Tông sắc Năm thánh 2025, số 3).
– Thưa: Thánh Augustinô.

32. Hỏi: Đối với thánh Phaolô, gian nan và đau khổ là tình trạng thường hằng của những ai trong bối cảnh bị hiểu lầm và bách hại (x. 2 Cr 6,3-10)? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 4).
– Thưa: Những người rao giảng Tin Mừng.

33. Hỏi: Trong thư Rôma, thánh Phaolô nói ‘Chúng ta tự hào trong nỗi gian khổ, vì biết rằng gian khổ sinh ra kiên trì; kiên trì sinh ra nghị lực; nghị lực sinh ra điều gì?’ (Rm 5,3-4)
– Thưa: Hy vọng.

34. Hỏi: Theo thánh Phaolô, ai là người kiên nhẫn với chúng ta, và chính Người là “nguồn kiên nhân và an ủi”? (Rm 15,5) (Tông sắc Năm thánh 2025, số 4).
– Thưa: Thiên Chúa.

35. Hỏi: Điều gì, cũng là hoa trái của Thánh Thần, nuôi dưỡng và củng cố niềm hy vọng như một nhân đức và một lối sống? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 4).
– Thưa: Sự kiên nhẫn.

36. Hỏi: “Không phải ngẫu nhiên mà hành hương là yếu tố cơ bản của mọi sự kiện Năm thánh. […] Hành hương bằng cách đi bộ rất có lợi cho việc tái khám phá giá trị của những điều gì? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 4).
– Thưa: Sự thinh lặng, sự cố gắng và của điều thiết yếu. 

37. Hỏi: Năm Thánh này sẽ dẫn chúng ta hướng tới một lễ kỷ niệm nền tảng khác cho mọi Kitô hữu. Vào năm 2033, chúng ta sẽ mừng kỷ niệm việc gì? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 5). 
– Thưa: Kỷ niệm hai ngàn năm ơn cứu chuộc được thực hiện qua cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.

38. Hỏi: Năm Thánh thường lệ 2025 sẽ bắt đầu vào ngày tháng nào với việc mở Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường Phêrô ở Vatican? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 6). 
– Thưa: Vào ngày 24 tháng 12 năm 2024, ngày Lễ Chúa Giáng sinh.

39. Hỏi: Ngoài việc mở Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường Phêrô ở Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô còn mở những Cửa Thánh tại các thánh đường nào? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 6). 
– Thưa: Nhà thờ chính toà Gioan Latêranô, Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, và Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành.

40. Hỏi: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ mở Cửa Thánh Nhà thờ chính toà Gioan Latêranô vào ngày tháng nào? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 6).   
– Thưa: Ngày 29 tháng 12 năm 2024.

41. Hỏi: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ mở Cửa Thánh Cửa Thánh Vương cung thánh đường Đức Bà Cả vào ngày tháng nào? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 6).   
– Thưa: Ngày 01 tháng 01 năm 2025.

42. Hỏi: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ mở Cửa Thánh Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành vào ngày tháng nào? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 6).   
– Thưa: Ngày 05 tháng 01 năm 2025.

43. Hỏi: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ mở một Cửa Thánh đặc biệt tại một nhà tù. Đó là nhà tù nào?
– Thưa: Nhà tù Rebibbia của Rôma.

44. Hỏi: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ mở một Cửa Thánh tại nhà tù Rebibbia của Rôma vào ngày tháng nào?
– Thưa: Ngày 26 tháng 12 năm 2024, Lễ Thánh Stêphanô. 

45. Hỏi: Năm Thánh thường lệ 2025 sẽ được khai mạc tại các Hội Thánh địa phương vào ngày tháng nào? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 6). 
– Thưa: Vào ngày 29 tháng 12 năm 2024, lễ Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse.

46. Hỏi: Năm Thánh thường lệ 2025 tại các Giáo hội địa phương sẽ kết thúc vào ngày tháng nào? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 6).   
– Thưa: Vào ngày Chúa nhật 28 tháng 12 năm 2025, ngày lễ Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse.

47. Hỏi: Năm Thánh thường lệ 2025 sẽ kết thúc bằng việc đóng Cửa Thánh của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô tại Vatican vào ngày tháng nào? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 6). 
– Thưa: Vào ngày 6 tháng 1 năm 2026, Lễ Chúa Hiển Linh.

48. Hỏi: Dấu chỉ hy vọng đầu tiên phải thành hiện thực là gì, vì thế giới một lần nữa lại chìm trong thảm kịch chiến tranh? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 8).
– Thưa: Hòa bình.

49. Hỏi: Hy vọng nhìn về tương lai cũng có nghĩa là có một cái nhìn tích cực về đời sống để sẵn sàng chuyển trao lại. Bất hạnh thay, nhưng nhiều nơi không còn muốn truyền sinh. Việc mong ước của người trẻ muốn sinh thêm con như dấu chỉ tình yêu phong phú của họ sẽ mang lại điều gì cho bất kỳ xã hội nào? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 9)
– Thưa: Tương lai.

50. Hỏi: Dấu chỉ hy vọng hữu hình cho những anh chị em đang sống trong những hoàn cảnh khốn cùng. Đức Thánh Cha Phanxicô nghĩ đến những tù nhân đang bị gì? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 10).
– Thưa: Bị tước đoạt tự do, bị áp đặt những hạn chế và nhiều khi không được tôn trọng.

51. Hỏi: Cũng phải đem lại những dấu chỉ hy vọng cho các bệnh nhân, ở nhà hay ở bệnh viện. Phải xoa dịu những đau khổ của họ bằng cách nào? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 11).
– Thưa: Thăm nom trong tình yêu thương và sự gần gũi.

52. Hỏi: Những ai là hiện thân của niềm hy vọng cũng cần đến dấu chỉ hy vọng? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 12).  
– Thưa: Đó là giới trẻ. 

53. Hỏi: Năm Thánh phải là một dịp để Giáo hội truyền cảm hứng cho Giới trẻ. Với niềm say mê mới mẻ này, chúng ta hãy cùng chăm sóc các bạn trẻ, các sinh viên, các đôi bạn trẻ sắp kết hôn, các thế hệ trẻ. Chúng ta hãy gần gũi với người trẻ, vì họ là gì của Giáo hội và thế giới? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 12). 
– Thưa: Niềm vui và hy vọng của Giáo hội và thế giới.

54. Hỏi: Với những người di cư phải rời bỏ quê hương mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình, Đức Thánh Cha Phanxicô mong ước điều gì? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 13).
– Thưa: Mong ước những kỳ vọng của họ không tiêu tan bởi những thành kiến và sự khép kín; việc mở rộng vòng tay đón tiếp mọi người vì phẩm giá của họ và không ai bị tước đoạt quyền xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

55. Hỏi: Khi đón tiếp những người ‘di cư’, ưóc gì lời Chúa nói trong dụ ngôn về Cuộc Phán Xét Cuối Cùng luôn vang vọng trong tâm hồn chúng ta: “Ta là khách lạ, các con đã tiếp đón Ta”, vì “điều các con đã làm cho một trong những người anh em hèn mọn nhất của Ta là các con đã làm cho chính Ta.” Dụ ngôn này được thánh sử nào nói tới? (Mt 25,35.40) (Tông sắc Năm thánh 2025, số 13).
– Thưa: Thánh sử Mátthêu.

56. Hỏi: Những người cao tuổi cũng xứng đáng được có những dấu chỉ hy vọng, những người này thường trải qua điều gì? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 14).
– Thưa: Trải qua nỗi cô đơn và cảm giác bị bỏ rơi… 

57. Hỏi: Cộng đồng Kitô giáo và xã hội dân sự có trách nhiệm trân trọng kho báu là chính người cao tuổi, trân trọng điều gì của họ? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 14). 
– Thưa: Trân trọng kinh nghiệm sống, sự khôn ngoan và những đóng góp của họ.

58. Hỏi: Đức Thánh Cha đặc biệt nghĩ đến các ông bà nội ngoại, là những người đầy niềm tin và kinh nghiệm sống để trao lại cho các thế hệ trẻ. Mong sao họ được nâng đỡ với lòng biết ơn của các con cháu, những người tìm thấy nơi họ điều gì? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 14).
– Thưa: Một chỗ dựa, niềm cảm thông và sự khích lệ.

59. Hỏi: Đức Thánh Cha tha thiết cầu xin cho hàng tỷ người nghèo có được niềm hy vọng. Họ thường bị gì? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 15).
– Thưa: Họ thường không có nhà ở hoặc không có đủ thức ăn hằng ngày và phải chịu đựng sự loại trừ cùng sự thờ ơ của nhiều người.

60. Hỏi: Vọng lại lời các tiên tri xưa đã nói, Năm Thánh nhắc nhở chúng ta rằng của cải trên Trái đất không dành cho một số ít người có đặc quyền, mà cho tất cả mọi người. Những ai phải quảng đại nhận ra khuôn mặt của anh em mình đang cần giúp đỡ? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 16).
– Thưa: Những người có của.

61. Hỏi: Trong Năm Thánh 2025 có một ngày kỷ niệm rất quan trọng đối với các Kitô hữu. Đó là kỷ niệm 1700 năm diễn ra Công đồng đại kết đầu tiên. Đó là Công đồng gì? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 17).
– Thưa: Công đồng Nicêa.

62. Hỏi: Công đồng Nicêa, do Hoàng đế nào triệu tập vào ngày 20 tháng 5 năm 325? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 17).
– Thưa: Hoàng đế Constantinô.

63. Hỏi: Trước sự đe dọa nghiêm trọng của việc gì, hoàng đế Constantinô đã triệu tập công đồng Nicêa để duy trì sự hiệp nhất? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 17).
– Thưa: Việc phủ nhận thiên tính của Chúa Giêsu Kitô và sự Người đồng bản thể với Chúa Cha. 

64. Hỏi: Hy vọng (đức cậy) cùng với đức tin và đức mến kết thành bộ ba “nhân đức đối thần”, diễn tả điều cốt lõi của điều gì? (x. 1 Cr 13,13; 1 Tx 1,3) (Tông sắc Năm thánh 2025, số 18).
– Thưa: Đời sống Kitô hữu.

65. Hỏi: Trong tính năng động không thể tách rời của ba nhân đức này, có thể nói rằng, điều gì định hướng, hoặc vạch ra phương hướng và mục tiêu cho đời sống của người tín hữu? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 18).
– Thưa: Hy vọng.

66. Hỏi: “Tôi tin sự sống đời đời”: chúng ta tuyên xưng đức tin như thế. Điều gì đặt nền tảng nơi những lời này?(Tông sắc Năm thánh 2025, số 19).
– Thưa: Niềm hy vọng Kitô giáo.

67. Hỏi: Chúa Giêsu đã chết và sống lại là gì của chúng ta? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 20).
– Thưa: Trung tâm đức tin của chúng ta.

68. Hỏi: Điều gì sẽ xảy ra với chúng ta sau khi chết? Với Chúa Giêsu, bên kia ngưỡng cửa sự chết, có sự sống vĩnh cửu, đó là gì? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 21).
– Thưa: Hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, chiêm ngưỡng và tham dự vào tình yêu vô biên của Người. 

69. Hỏi: Một thực tại khác liên quan đến sự sống đời đời là việc gì, khi chúng ta qua đời cũng như lúc thời gian kết thúc? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 22).
– Thưa: Việc Thiên Chúa phán xét.

70. Hỏi: Điều gì giúp chúng ta khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa vô hạn đến dường nào? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 23).
– Thưa: Ân xá.

71. Hỏi: Bí tích gì bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của chúng ta? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 23).
– Thưa: Bí tích Hòa giải.

72. Hỏi: Chứng tá hùng hồn nhất của niềm hy vọng là ai? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 24). 
– Thưa: Mẹ Thiên Chúa. 

73. Hỏi: Trong nỗi đau dâng hiến vì tình yêu, Mẹ đã trở thành Mẹ của chúng ta, Mẹ của niềm hy vọng. Không phải ngẫu nhiên mà lòng đạo đức bình dân vẫn cầu khẩn Đức Trinh Nữ là Stella Maris, một tước hiệu diễn tả niềm hy vọng chắc chắn rằng, trong những thăng trầm giông bão của cuộc đời, Mẹ Thiên Chúa đến làm gì? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 24).
– Thưa: Đến trợ giúp chúng ta, nâng đỡ chúng ta và mời gọi chúng ta tin tưởng và tiếp tục hy vọng.

74. Hỏi: Đoạn thư Do thái (6,18-20) nói ‘Chúng ta là những kẻ ẩn náu bên Thiên Chúa, chúng ta được mạnh mẽ khuyến khích nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta. Chúng ta có niềm hy vọng đó cũng tựa như cái gì chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chìm sâu vào bên trong bức màn cung thánh. Đó là nơi Đức Giêsu đã vào như người tiền phong mở đường cho chúng ta? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 25). 
– Thưa: Cái neo.

75. Hỏi: Hình ảnh chiếc mỏ neo gợi lên sự ổn định và an toàn mà chúng ta có được giữa dòng nước xao động của cuộc đời nếu chúng ta nương tựa vào ai? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 25).  
– Thưa: Vào Chúa Giêsu.

76. Hỏi: Giông tố không bao giờ thắng được vì chúng ta neo chặt vào niềm hy vọng ân sủng có thể giúp chúng ta sống trong Chúa Kitô bằng cách nào? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 25).
– Thưa: Bằng cách chiến thắng tội lỗi, sợ hãi và cái chết.   

77. Hỏi: Năm Thánh sắp tới sẽ là một Năm Thánh mang nét đặc trưng của điều gì không bao giờ mất đi, niềm hy vọng nơi Thiên Chúa? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 25).
– Thưa: Niềm hy vọng.

78. Hỏi: Kết thúc Tông sắc ‘Spes non Confundit’ với Lời Chúa: “Hãy trông cậy vào Chúa, hãy mạnh mẽ và can đảm; hãy trông cậy nơi Chúa”. Câu Lời Chúa này được trích từ Sách Thánh nào? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 25).
– Thưa: Sách Thánh Vịnh (Tv 27,14).

79. Hỏi: Kết thúc Tông sắc ‘Spes non Confundit’, Đức Thánh Cha mong ước sức mạnh của niềm hy vọng lấp đầy hiện tại của chúng ta, đang khi chúng ta tin tưởng chờ đợi ngày trở lại của ai, Đấng đáng được chúc tụng và tôn vinh, bây giờ và mãi mãi? (Tông sắc Năm thánh 2025, số 25).
– Thưa: Ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô.

 

D. Ân Xá Trong Năm Thánh 2025

80. Hỏi: Ân Xá/Ơn xá là gì?
– Thưa: Ân Xá/Ơn xá là việc tha thứ trước mặt Thiên Chúa những hình phạt tạm đáng chịu vì những tội lỗi đã phạm, dù những tội đó đã được tha thứ.

81. Hỏi: Có mấy loại Ân Xá/Ơn xá?
– Thưa: Có 2 loại Ân Xá: một là Ơn Toàn xá/Đại xá, hai là Ơn Tiểu xá/Phần xá.

82. Hỏi: Ơn Toàn Xá là gì?
– Thưa: Ơn tha trọn vẹn các hình phạt tạm đáng phải chịu vì tội

83. Hỏi: Ơn Tiểu Xá là gì?
– Thưa: Ơn tha một phần các hình phạt tạm đáng phải chịu vì tội
 
84. Hỏi: Ân Xá Năm Thánh là Ơn Toàn Xá (Indul-gentia plenaria). Tín hữu có quyền chỉ Ơn Toàn Xá này cho ai?
– Thưa: Các linh hồn nơi luyện ngục.

85. Hỏi: Năm Thánh 2025, mỗi ngày tín hữu được lãnh nhận bao nhiêu Ơn Toàn Xá, trừ khi người hấp hối, linh mục ban ơn Toàn Xá trong giờ sau hết?
– Thưa: Được hai lần.

86. Hỏi: Ngày 13.5.2024, Tòa Ân giải Tối cao đã công bố các quy luật ban ơn toàn xá trong Năm Thánh 2025 đã thiết lập ba cách chính yếu để nhận được Ân Xá Năm Thánh. Đó là những cách nào?
– Thưa: 1. Hành hương Rôma hay Thánh Địa trong Năm Thánh, 2. Những cuộc viếng thăm đạo đức đến những nơi thánh,  3. Và những việc lòng thương xót và sám hối.

87. Hỏi: Tại Rôma, tín hữu có thể hành hương đến những nơi nào để nhận lãnh ơn toàn xá?
– Thưa: Bốn Vương cung thánh đường lớn của Giáo hoàng: Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican, Vương cung thánh đường Đấng Cứu Thế Cực Thánh ở Lateranô, Vương cung thánh đường Đức Bà Cả, Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành.

88. Hỏi: Tại Thánh Địa, tín hữu có thể hành hương đến những nơi nào để nhận lãnh ơn toàn xá?
– Thưa: Vương cung thánh đường Mộ Thánh ở Giêrusalem, Vương cung thánh đường Giáng Sinh ở Bêlem, Vương cung thánh đường Truyền Tin ở Nadarét.

89. Hỏi: Tại các Giáo Hội địa phương, tín hữu có thể hành hương đến những nơi nào để nhận lãnh Ơn Toàn Xá?
– Thưa: Đến nhà thờ Chính tòa hoặc các nhà thờ khác và những nơi linh thánh do Bản quyền địa phương chỉ định.

90. Hỏi: Trong khi hành hương, ân xá có thể nhận được bằng cách tham gia “một cách sốt sắng” những việc gì?
– Thưa: Tham dự các Thánh lễ tại các địa danh trên, hoặc tham dự giờ Phụng vụ Lời Chúa, Phụng vụ các giờ kinh, Đàng Thánh Giá, Lần chuỗi Mân Côi, Hát các bài thánh ca tôn vinh Chúa hoặc nghi thức xám hối bao gồm việc xưng tội cá nhân.

91. Hỏi: Thăm viếng những nơi thánh như tại Roma là nơi nào tín hữu có thể hành hương đến những nơi nào để nhận lãnh Ơn Toàn Xá?
– Thưa: Như Vương cung thánh đường San Lorenzo al Verano, Vương cung thánh đường San Sebastiano, Các hang toại đạo Kitô giáo …

92. Hỏi: Thăm viếng những nơi thánh khác trên thế giới là những nơi nào tín hữu có thể hành hương đến những nơi nào để nhận lãnh Ơn Toàn Xá?
– Thưa: Như tiểu Vương cung thánh đường của Giáo hoàng ở Assisi, bất kỳ tiểu vương cung thánh đường, nhà thờ chính tòa… hoặc bất cứ  nơi nào được Đấng bản quyền chỉ định.

93. Hỏi: Những người không thể đi hành hương hoặc viếng thăm một nơi thánh vì những lý do bệnh tật, có thể nhận được Ơn Toàn Xá bằng cách nào?
– Thưa: Bằng cách hiệp thông thiêng liêng với những đoàn hành hương và đọc Kinh Lạy Cha, Tin Kính và những lời cầu nguyện khác liên quan tới Năm Thánh trong khi hiệp dâng những đau khổ hay khó khăn của mình lên Chúa.

94. Hỏi: Các tín hữu sẽ có thể nhận được Ân Xá Năm Thánh nếu, với tâm hồn đạo đức, khi họ tham gia vào các việc gì?
– Thưa: Tham gia các hoạt động truyền giáo bình dân, linh thao hoặc các cuộc gặp gỡ huấn luyện về các tài liệu của Công đồng Vatican II và Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, được tổ chức tại một nhà thờ hoặc một nơi nào khác thích hợp, theo ý của Đức Thánh Cha.

95. Hỏi: Các tín hữu cũng có thể nhận được Ân Xá Năm Thánh khi họ thực thi lòng thương xót dành cho ai?
– Thưa: Dành cho người bất hạnh đang cần đến sự giúp đỡ.

96. Hỏi: Các tín hữu cũng có thể nhận được Ân Xá Năm Thánh khi họ thực thi lòng thương xót, nếu như họ dành một khoảng thời gian nhất định đến thăm những anh chị em đang gặp khó khăn hoặc túng thiếu như thăm những ai?
– Thưa: Như thăm người bệnh, tù nhân, người già cô đơn, người khuyết tật…

97. Hỏi: Ơn Toàn xá Năm Thánh cũng có thể nhận bằng cách khám phá giá trị sám hối của ngày Thứ Sáu, ít nhất là trong suốt một ngày, như sống tiết độ, trong tinh thần sám hối, khỏi mọi điều gì?
– Thưa: Khỏi những phân tâm vô ích và khỏi sự tiêu dùng dư thừa.

98. Hỏi: Ơn Toàn xá Năm Thánh còn có thể nhận được bằng cách nào nữa?
– Thưa: Quyên góp một khoản tiền tương ứng cho người nghèo; hỗ trợ các công việc có tính chất tôn giáo hoặc xã hội; dành thời gian cho các hoạt động tình nguyện hoặc cho các hình thức dấn thân cá nhân.

99. Hỏi: Tất cả các Ân Xá trên đây được ban với những điều kiện thường lệ nào?
– Thưa: Xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Ðức Giáo Hoàng.

 

E. Những Sự Kiện

100. Hỏi: Năm Thánh 2025 có bao nhiêu đại sự kiện diễn ra?
– Thưa: 34 đại sự kiện.

101. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của thế giới truyền thông, dành cho tất cả các chuyên gia trong thế giới truyền thông được tổ chức ngày tháng nào?
– Thưa: Ngày 24-26 tháng 1 năm 2025.

102. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của Lực lượng Vũ trang, Cảnh sát và An ninh dành cho tất cả thành viên của lực lượng vũ trang và cảnh sát, nhân viên giao thông, nhân viên an ninh, cựu chiến binh, các hiệp hội quân sự khác nhau, các học viện quân sự, các tuyên úy và các giáo hạt quân đội, được tổ chức ngày tháng nào?
– Thưa: Ngày 8-9 tháng 2 năm 2025.

103. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của các nghệ sĩ được tổ chức ngày tháng nào?
– Thưa: Ngày 15-18 tháng 2 năm 2025.

104. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của các phó tế dành cho tất cả các phó tế vĩnh viễn được tổ chức ngày tháng nào?
– Thưa: Ngày 21-23 tháng 2 năm 2025.

105. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của thế giới thiện nguyện dành cho các tình nguyện viên từ tất cả các hiệp hội, thành viên của các tổ chức phi lợi nhuận, nhân viên phi chính phủ và nhân viên xã hội được tổ chức ngày tháng nào?
– Thưa: Ngày 8-9 tháng 3 năm 2025.

106. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của các Thừa Sai của Lòng Thương Xót được tổ chức ngày tháng nào?
– Thưa: Ngày 28-30 tháng 3 năm 2025.

107. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của các bệnh nhân và thế giới y tế, dành cho tất cả những người bệnh và các chuyên gia trong thế giới y tế, được tổ chức ngày tháng nào?
– Thưa: Ngày 5-6 tháng 4 năm 2025.

108. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của thiếu niên được tổ chức ngày tháng nào?
– Thưa: Ngày 25-27 tháng 4 năm 2025.

109. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của người khuyết tật, dành cho tất cả những người khuyết tật, cũng như những người bạn đồng hành của họ, được tổ chức ngày tháng nào?
– Thưa: Ngày 28-29 tháng 4 năm 2025.

110. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của các công nhân sẽ quy tụ tất cả công nhân thuộc mọi hạng mục, được tổ chức ngày tháng nào?
– Thưa: Ngày 1-4 tháng 5 năm 2025.

111. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của thế giới doanh nghiệp được tổ chức ngày tháng nào?
– Thưa: Ngày 4-5 tháng 5 năm 2025.

112. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của các ban nhạc dành cho tất cả các thành viên của các ban nhạc quân đội, tổ chức, nghiệp dư, dân gian, làng quê, thể thao, trường học và đại học. được tổ chức ngày tháng nào?
– Thưa: Ngày 10 – 11 tháng 5 năm 2025.

113. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của các phụng hội với các thành viên của các phụng hội tôn giáo, được tổ chức ngày tháng nào?   
– Thưa: Ngày 16-18 tháng 5 năm 2025.

114. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của gia đình, trẻ em, ông bà và người già, được tổ chức ngày tháng nào?   
– Thưa: Ngày 30.5 đến 01.6 năm 2025.

115. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh,  Năm Thánh của các phong trào, hiệp hội và cộng đoàn mới có sự tham gia của tất cả các thành viên của các phong trào, các cơ quan, hiệp hội trong Giáo Hội, cộng đồng mới và các nhóm cầu nguyện, được tổ chức ngày tháng nào?  
– Thưa: Ngày 7-8 tháng 6 năm 2025.

116. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của Tòa Thánh được tổ chức ngày tháng nào?     
– Thưa: Ngày 9 tháng 6 năm 2025.

117. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của Thể thao được tổ chức ngày tháng nào?     
– Thưa: Ngày 4-15 tháng 6 năm 2025.

118. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của các chính phủ được tổ chức ngày tháng nào?   
– Thưa: Ngày 20-22 tháng 6 năm 2025.

119. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của các chủng sinh được tổ chức ngày tháng nào?     
– Thưa: Ngày 23-24 tháng 6 năm 2025.

120. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của các Giám mục được tổ chức ngày tháng nào?     
– Thưa: Ngày 25 tháng 6 năm 2025.

121. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của các Linh Mục được tổ chức ngày tháng nào?      

– Thưa: Ngày 25-27 tháng 6 năm 2025.

122. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của các Giáo hội Đông phương được tổ chức ngày tháng nào?     
– Thưa: Ngày 28 tháng 6 năm 2025.

123. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của Giới trẻ được tổ chức ngày tháng nào?      
– Thưa: Ngày 28.7 đến 3.8 năm 2025.

124. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của sự an ủi, nhằm vào tất cả những người đang trải qua giai đoạn đau đớn và phiền não, do bệnh tật, tang chế, bạo lực hoặc lạm dụng được tổ chức ngày tháng nào?        
– Thưa: Ngày 15 tháng 9 năm 2025.

125. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của những người cổ vũ và bảo vệ Công lý, dành cho tất cả những người tham gia vào thế giới công lý thế tục, giáo luật và giáo hội được tổ chức ngày tháng nào?     
– Thưa: Ngày 20 tháng 9 năm 2025.

126. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của Giáo lý viên được tổ chức ngày tháng nào?     
– Thưa: Ngày 26-28 tháng 9 năm 2025.

127. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của Người di cư được tổ chức ngày tháng nào?    

– Thưa: Ngày 4-5 tháng 10 năm 2025.

128. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của thế giới truyền giáo được tổ chức ngày tháng nào?          
– Thưa: Ngày 4-5 tháng 10 năm 2025.

129. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của đời sống thánh hiến dành cho tất cả mọi tu sĩ nam nữ, đan sĩ nam nữ, tập sinh nam nữ, được tổ chức ngày tháng nào?     
– Thưa: Ngày 8-9 tháng 10 năm 2025.

130. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của linh đạo Thánh Mẫu dành cho tất cả thành viên của các phong trào, phụng hội và các nhóm cầu nguyện Thánh Mẫu khác nhau được tổ chức ngày tháng nào?     
– Thưa: Ngày 11-12 tháng 10 năm 2025.

131. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của giới giáo dục được tổ chức ngày tháng nào?            
– Thưa: Ngày 31.10 đến 2.11 năm 2025.

132. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của người nghèo được tổ chức ngày tháng nào?             
– Thưa: Ngày 16 tháng 11 năm 2025.

133. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của các Ca đoàn và hợp xướng được tổ chức ngày tháng nào?              
– Thưa: Ngày 21-23 tháng 11 năm 2025.

134. Hỏi: Có 34 đại sự kiện Năm Thánh, Năm Thánh của các tù nhân được tổ chức ngày tháng nào?               
– Thưa: Ngày 14 tháng 12 năm 2025.

 

G. Logo Năm Thánh 2025

135. Hỏi: Tác giả Logo Năm Thánh 2025 là ai?
– Thưa: Giacomo Travisani.

136. Hỏi: Trong Logo Năm Thánh 2025, có Bốn hình tượng nhân vật, đại diện cho nhân loại từ bốn phương trên trái đất. Họ có màu sắc khác nhau: màu Đỏ là màu tượng trưng cho điều gì?
– Thưa: Màu tượng trưng cho tình yêu, hành động, và sự chia sẻ. 

137. Hỏi: Màu Vàng cam biểu trưng cho điều gì?
– Thưa: Sự ấm áp của con người.

138. Hỏi: Màu Xanh lá cây gợi lên điều gì?
– Thưa: Hòa bình và trạng thái cân bằng.

139. Hỏi: Màu Xanh dương diễn tả sự gì?
– Thưa: Sự an toàn và che chở.

140. Hỏi: Bốn nhân vật đang ôm nhau, và nhân vật đứng đầu bám vào cái gì?
– Thưa: Bám vào cây Thánh giá.

141. Hỏi: Bốn nhân vật đang ôm nhau, và nhân vật đứng đầu bám vào cây Thánh giá, nói lên điều gì? 
– Thưa: Tình liên đới, huynh đệ, phải đoàn kết các dân tộc với nhau. 

142. Hỏi: Cuộc hành trình của người hành hương không phải là cá nhân, mà mang tính cộng đoàn với những dấu hiệu nào? 
– Thưa: Dấu hiệu của một sự năng động, ngày càng tiến về phía Thánh Giá.

143. Hỏi: Điều gì vỗ mạnh bên dưới ám chỉ rằng cuộc hành hương của cuộc sống không phải lúc nào cũng phẳng lặng?
– Thưa: Những con sóng.

144. Hỏi: Phần dưới của Thánh giá được kéo dài ra tạo thành hình gì?
– Thưa: Mỏ neo.

145. Hỏi: Cây Thánh giá được kéo dài ra, biến thành mỏ neo, vốn mang tính ẩn dụ của điều gì?
– Thưa: Hy vọng.

146. Hỏi: Thánh giá không ở thể tĩnh, mà là ở thể động, hướng về và gặp gỡ nhân loại như thể không muốn bỏ rơi nhưng cung cấp sự gì?
– Thưa: Sự chắc chắn về sự hiện diện của nó và sự trấn an của hy vọng.

147. Hỏi: Dòng chữ Latinh “Peregrinantes in Spem”có nghiac là gì?
– Thưa: Những người hành hương của Hy vọng.

148. Hỏi: ‘Những người hành hương của Hy vọng’, khẩu hiệu của Năm thánh 2025, được viết bằng màu xanh lá cây, cũng biểu thị cho điều gì?
– Thưa: Niềm hy vọng.

 

H. Nhân Vật Biểu Tượng Năm Thánh 2025

 

149. Hỏi: Nhân vật biểu tượng của Năm Thánh 2025 có tên là gì?
– Thưa: Luce.

150. Hỏi: ‘Luce’ có nghĩa là gì?
– Thưa: Ánh sáng.

151. Hỏi: Nhân vật biểu tượng Luce  được thiết kế nhằm đại diện cho điều gì?
– Thưa: Cho ánh sáng và hy vọng.

152. Hỏi: Luce mặc chiếc áo mưa màu vàng, tay cầm gậy tượng trưng cho điều gì?
– Thưa: Cho sự bảo vệ và dẫn dắt của Thiên Chúa trong suốt lộ trình của Năm thánh.

153. Hỏi: Trên cổ của Luce mang cái gì?
– Thưa: Thánh giá và chuỗi hạt.

154. Hỏi: Thánh giá và chuỗi hạt trên cổ nhân vật biểu tượng Luce cho thấy, trong cuộc hành hương những điều gì?
– Thưa: Cầu nguyện là sức mạnh thiêng liêng, gia tăng đức tin, cậy, mến, vững vàng hơn trước mọi nghịch cảnh.

155. Hỏi: Logo trên áo của Luce là gì?
– Thưa: Thuyền buồm màu xanh lá cây.

156. Hỏi: Đôi mắt sáng của Luce là biểu tượng của điều gì?
– Thưa: Hy vọng.

157. Hỏi: Mái tóc của Luce màu gì?
– Thưa: Màu xanh dương nhạt.

158. Hỏi: Mái tóc của Luce màu xanh dương nhạt gợi nhớ?
– Thưa: Chiếc khăn trùm đầu của Đức Mẹ Maria.

159. Hỏi: Luce còn có những người bạn đồng hành khác nào?
– Thưa: Fe, Xin, và Sky.

160. Hỏi: Fe trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là gì?
– Thưa: Đức tin.

161. Hỏi: Xin trong tiếng Nhật có nghĩa là gì?
– Thưa: Sự thật.

162. Hỏi: Sky trong tiếng Anh có nghĩa là gì?
– Thưa: Bầu trời.

163. Hỏi: Nhân vật biểu tượng Luce được thiết kế bởi ai?
– Thưa:  Ông Simone Legno.

164. Hỏi: Mỗi nhân vật khoác trên mình một áo mưa. Áo mưa của Luce màu gì?
– Thưa: Màu vàng.

165. Hỏi: Áo mưa màu vàng của Luce là sự gợi nhớ đến điều gì?
– Thưa: Lá cờ Vatican và hành trình vượt qua những giông bão của cuộc sống.

166. Hỏi: Mỗi nhân vật khoác trên mình một áo mưa. Áo mưa của Fe màu gì?
– Thưa: Màu đỏ.

167. Hỏi: Mỗi nhân vật khoác trên mình một áo mưa. Áo mưa của Xin màu gì?
– Thưa: Màu xanh lá.

168. Hỏi: Mỗi nhân vật khoác trên mình một áo mưa. Áo mưa của Sky màu gì?
– Thưa: Màu xanh dương.

169. Hỏi: Lưng của Sky mang cái gì?
– Thưa: Cây đàn Giutar.

170. Hỏi: Trong túi áo của Fe đựng cái gì?
– Thưa: Sách Kinh Thánh.

171. Hỏi: Trong túi áo của Xin đựng cái gì?
– Thưa: Sách Kinh Thánh.

172. Hỏi: Nhìn vào hình, nhân vật Xin có giới tính gì?
– Thưa: Nữ.

173. Hỏi: Cái gì của Luce tượng trưng cho một hành trình dài và khó khăn, trong khi cây gậy của cô biểu trưng cho cuộc hành hương hướng về sự vĩnh cửu?
– Thưa: Đôi ủng lấm bùn.

174. Hỏi: Trong đôi mắt của Luce và các bạn đồng hành có hình gì đặc biệt?
– Thưa: Vỏ sò.

175. Hỏi: Ánh sáng trong đôi mắt của Luce và các bạn đồng hành phản chiếu hình ảnh những chiếc vỏ sò, gợi nhớ đến chiếc vỏ của Camino de Santiago, biểu tượng của điều gì? 
– Thưa: Biểu tượng của hành trình hành hương.

176. Hỏi: Nguồn gốc của Camino de Santiago bắt nguồn từ một truyền thống cho rằng thánh tông đồ nào đã đi đến Tây Ban Nha vào thế kỷ thứ I để rao giảng Phúc Âm, bị bắt bớ và tử vì đạo?
– Thưa: Thánh tông đồ Giacôbê.

177. Hỏi: Ngoài 3 bạn Fe, Xin và Sky còn có những ‘ai’ đồng hành cùng Luce?
– Thưa: Aura, Iubi và Santino.

178. Hỏi: Aura là ‘ai’?
– Thưa: Chim Bồ Câu.

179. Hỏi: Aura là Chim Bồ Câu, chân quặt cành lá ô liu, biểu tượng của Chúa Thánh Thần, là bạn đồng hành trên chuyến đi cùng Luce. Chim Bồ Câu tượng trưng cho những điều gì?
– Thưa: Cho sự trong sạch, ước mơ tìm kiếm Thiên Chúa, sự tự do và sứ giả của hòa bình.

180. Hỏi: Iubi là ‘ai’?
– Thưa: Thiên Thần.
     
181. Hỏi: Iubi theo chân Luce minh chứng cho điều gì?
– Thưa: Sự hiện diện xuyên suốt của Thiên Chúa, tiếp thêm sức mạnh cho tâm hồn vượt qua ngàn chông gai trong cộc sống.

182. Hỏi: Chú chó cùng đi với Luce tên là gì? 
– Thưa: Santino.

183. Hỏi: Trên khăn quàng của chú chó Santino cùng đi với Luce có hình gì? 
– Thưa: Hình Thánh giá.

184. Hỏi: Trong Cựu Ước, con chó cùng với chàng thanh niên và thiên sứ làm một cuộc hành trình dài đến Mê đi được nói tới trong sách nào?
– Thưa: Sách Tôbia.

185. Hỏi: Chàng thanh niên trong hành trình dài đến Mêđi tên là gì?
– Thưa: Tôbia (Tb 5,1…).

186. Hỏi: Thiên sứ cùng đi với Tôbia tên là gì (Tb 5,13)?
– Thưa: Adaria.

187. Hỏi: Adaria chính là ai (Tb 5,4)?
– Thưa: Thiên sứ Raphaen.

188. Hỏi: ‘Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo’ được thánh sử nào nói tới?
– Thưa: Thánh sử Mátthêu (7,6).

189. Hỏi: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Câu này được trích dẫn trong trình thuật phép lạ nào (Mt 15,21-29)?
– Thưa: Đức Giêsu chữa con gái người đàn bà Canaan.

190. Hỏi: Trong Tin mừng thánh Luca, con chó được nhắc tới trong dụ ngôn nào (Lc 16,19-31)?
– Thưa: Dụ ngôn ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó.

191. Hỏi: Có tất cả bao nhiêu ‘nhân vật’ biểu tượng của Năm Thánh 2025, cả chính lẫn phụ?
– Thưa: Có bảy ‘nhân vật’ chính lẫn phụ.

192. Hỏi: 7 ‘nhân vật’ được giới thiệu trong của Năm Thánh 2025 là những ai? 
– Thưa: Luce, Fe, Xin, Sky, Aura, Iubi và Santino.

193. Hỏi: 7 ‘nhân vật’ gợi nhớ cho bạn điều gì trong Năm Thánh này?
– Thưa: 7 Ơn Chúa Thánh Thần.

194. Hỏi: 7 Ơn Chúa Thánh Thần là những ơn nào?
– Thưa: Ơn khôn ngoan, Ơn hiểu biết, Ơn biết lo liệu, Ơn sức mạnh, Ơn thông minh, Ơn đạo đức, Ơn kính sợ Chúa.

K. Thánh Rôcô

195. Hỏi: Con chó cứu giúp và đi theo một vị thánh trong các cuộc hành hương trở thành thánh bảo trợ cho người hành hương. Đây là vị thánh nào? 
– Thưa: Thánh Roco.

196. Hỏi: Thánh Rôcô sinh khoảng năm 1350 tại Montpellier, thuộc nước nào?      
– Thưa: Nước Pháp.   

197. Hỏi: Song thân của thánh Rôcô là ai?
– Thưa: Ông Jean Roch de La Croix và bà Liberia.

198. Hỏi: Thánh Rôcô học ngành y. Sau khi cha mẹ mất, ngài bán hết của cải, phân phát cho người nghèo và hành hương đến thành nào?  
– Thưa: Hành hương đến Rôma.

199. Hỏi: Trên đường hành hương đến Rôma, đại dịch Cái Chết Đen khởi phát ở Âu châu. Thánh Rôcô đã cứu giúp nhiều bệnh nhân bằng các phép lạ chữa lành nhờ điều gì?
– Thưa: Nhờ lời cầu nguyện, dấu thánh giá và việc người đặt tay trên họ.   

200. Hỏi: Thánh nhân cũng nhiễm bệnh. Người rút vào một cái hang ở ngoại ô thành Piacenza nước Ý. Lúc bệnh nặng hầu chết, có ai mang thức ăn đến mà nhờ đó ngài đã được cứu sống?    
– Thưa: Một chú chó.

201. Hỏi: Khi khỏe mạnh trở lại, lúc đang có chiến tranh với Anh nên ngài bị nghi ngờ là gián điệp. Ngài bị bắt và giam tù. Không một lời kêu oan. Ngài kiệt sức mất ngày 16-8-1379. Đức Giáo Hoàng nào đã phong ngài lên bậc hiển thánh năm 1629?
– Thưa: Đức giáo hoàng Ubanô VIII.

202. Hỏi: Người ta thường vẻ chân dung thánh Rôcô với những hình nào kèm theo?
– Thưa: Cây gậy và con chó.

203. Hỏi: Thánh Rôcô là được chọn làm bổn mạng của ai?
– Thưa: Các nạn nhân dịch bệnh và những người hành hương.

204. Hỏi: Đầu thế kỷ 20, nạn dịch xảy ra ở niềm bắc. Dân chúng cầu khẩn cùng thánh Rôcô và được qua khỏi. Đức Cha Alexandre Marcou (1857-1939) Giám mục tiên khởi của giáo phận nào đã chọn thánh Rôcô làm quan thầy cho một nhà thờ nhỏ?
– Thưa: Giáo phận Phát Diệm.

205. Hỏi: Hội Thánh mừng kính thánh Rôcô vào ngày tháng nào?  
– Thưa: Ngày 16 tháng 8.

Tag:

2025-01-13

Lời Chúa Hôm Nay
Đọc Kinh Tối
Lịch Công Giáo