“Các tín hữu chuyên cần tham dự những buổi giáo lý của các tông đồ, hiệp thông huynh đệ, bẻ bánh và cầu nguyện. Hằng ngày họ hợp nhất một lòng một ý cùng nhau ở trong đền thờ, bẻ bánh ở nhà, họ dùng bữa cách vui vẻ đơn sơ.” (Cv 2,42.46)
Đức Kitô đã để lại cho Hội Thánh những bí tích, là những dấu chỉ hữu hình diễn tả và đem lại ơn thánh cho các tín hữu. Các bí tích có mục đích thánh hoá con người, xây dựng thân thể Đức Kitô và thờ phượng Thiên Chúa[1].
Bảy Bí tích liên quan đến các giai đoạn và các thời điểm quan trọng của đời sống người Kitô hữu: Bí tích sinh ra (Rửa tội), lớn lên (Thêm sức, Thánh Thể), chữa lành (Hoà giải, Xức dầu) và lãnh nhận sứ mạng xây dựng cộng đoàn (Truyền chức, Hôn phối). Nhờ lãnh nhận các bí tích, đời sống Kitô hữu được nuôi dưỡng và mỗi ngày một tăng trưởng hơn.
1. Hôn phối và Rửa tội
Nhờ bí tích Rửa tội, người Kitô hữu được tái sinh làm con cái Thiên Chúa, làm chi thể Đức Kitô và Đền thờ Chúa Thánh Thần[2]. Họ được tháp nhập vào Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô và là Gia Đình con cái Thiên Chúa. Như vậy, bí tích Rửa tội chính là cánh cửa dẫn vào đời sống hiệp thông: hiệp thông với nhau và Hiệp thông với Thiên Chúa.
Bí tích Hôn phối tăng cường và cụ thể hoá sự hiệp thông mà bí tích Rửa Tội đã đem lại.
1.1. Đối với hai vợ chồng:
Nhờ bí tích Hôn phối, đôi bạn được thông phần giao ước tình yêu của Đức Kitô và Hội Thánh: “Bởi thế, người ta sẽ lìa bỏ cha mẹ mình mà kết hợp với vợ mình và cả hai nên một thân xác. Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,31-32). Như vậy, lòng trung thành và tình yêu, mà đôi bạn trao cho nhau trong giao ước Hôn nhân, cũng chính là lòng trung thành trong đức tin và đức mến, mà mỗi người đã tuyên hứa khi chịu phép Rửa Tội. Vì thế, khi cùng sống Bí tích Rửa tội, họ cũng thực hiện chính lời giao ước Hôn nhân của mình.
1.2. Đối với con cái:
Bí tích Rửa tội rất cần cho được sống đời đời: “Ai không sinh lại bởi nước và Thánh Thần, thì không thể vào được Nước Thiên Chúa” (Ga 3,5). Phép Rửa tha tội tổ tông và cả những tội riêng ta phạm trước đó, ban ơn thánh hoá, sinh ta làm con Thiên Chúa và con Hội Thánh. Do đó, hai vợ chồng cần đặc biệt quan tâm thực hiện việc Rửa tội cho con cái tùy theo các trường hợp sau đây:
a) Trường hợp thông thường:
Khi cháu bé được chừng một tháng, cha mẹ và người đỡ đầu đưa cháu đến nhà thờ xin cha xứ rửa tội cho. Đây là dịp tốt để mọi người ý thức và sống ơn gọi Kitô hữu của mình, nên rất khuyến khích mọi người trong gia đình và trong giáo xứ tham dự. Có thể tổ chức việc mừng “đầy tháng” cho con vào ngày Rửa tội.
b) Trường hợp nguy tử:
Nếu con chưa được rửa tội mà đau nặng, thì cha mẹ cần lo liệu cho con được rửa tội ngay, bằng cách:
– Hoặc chính cha hay mẹ, hoặc nhờ người khác, rửa tội cho con như sau: lấy nước lã đổ trên trán con, vừa đổ vừa đọc: “T. (tên thánh và tên gọi), cha (mẹ) rửa con: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Khi làm việc này cần làm theo ý của Hội Thánh.
– Ghi vào sổ gia đình Công giáo và sớm trình cho cha xứ.
– Khi con khỏe lại, nên đưa con tới cha xứ xin lãnh nhận các nghi thức bổ túc.
c) Trường hợp tối khẩn:
– Khi khó sinh: Mọi bào thai phải được rửa tội dù nó được bao nhiêu tháng. Nếu bào thai chắc chắn còn sống, thì rửa tội cách tuyệt đối: “…., cha (mẹ) rửa con: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
– Nếu không biết rõ thai còn sống hay chết, thì rửa tội hồ nghi: “…., nếu con còn sống, cha (mẹ) rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
– Khi sẩy thai, thì xé bọc thai rồi đổ nước hoặc dìm vào nước, và đọc: “Nếu thành, ta rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
2. Hôn phối và Thêm sức
Bí tích Thêm sức làm cho người tín hữu được đầy ơn Chúa Thánh Thần, để trở nên chứng tá đức tin, có nhiệm vụ bảo vệ và mở mang Nước Chúa.
Khi lãnh Bí tích Hôn phối, đôi bạn trở thành nhân chứng cho tình yêu tự hiến của Đức Kitô và xây dựng Nước Chúa trong chính bậc sống hôn nhân của mình. Những hy sinh, đau khổ và thử thách trong cuộc sống chung, sự giáo dục con cái nên người con Chúa, đều là những công việc quý giá góp phần mở mang Nước Chúa. Chính ơn sức mạnh của Chúa Thánh Thần sẽ giúp đôi bạn chu toàn những nhiệm vụ trên. Nơi Bí tích Hôn phối, “chính Chúa Thánh Thần là dấu ấn hôn ước của hai vợ chồng, là nguồn mạch tình yêu của họ, là sức mạnh giúp họ chung thuỷ[3]“.
Đối với gia đình Kitô hữu, sống bí tích Thêm sức là:
– Quý trọng ơn Chúa Thánh Thần, quan tâm lo cho mọi người trong gia đình lãnh nhận bí tích Thêm sức.
– Liệu cho chính gia đình mình có một kế hoạch truyền giáo, quan tâm thực hiện và thường xuyên kiểm điểm để thực hiện tốt hơn.
3. Hôn phối và Hoà giải
Trước khi lãnh bí tích Hôn phối, Hội Thánh khuyên đôi bạn xưng tội để tâm hồn được trong sạch, xứng đáng đón nhận dồi dào ân huệ Chúa ban trong ngày thành hôn.
Suốt quá trình chung sống, đôi bạn sẽ không sao tránh hết mọi khuyết điểm, sai sót. Những sai sót về tình yêu, về lòng trung thành, về đức nhẫn nại… có thể làm họ chán nản. Bấy giờ, Bí tích Hoà giải sẽ xóa đi những lỗi lầm ấy và ban nhiều ơn giúp đôi bạn phấn khởi vững bước trong cuộc sống hôn nhân, với nhiều cố gắng mới. Cũng nhờ Bí tích Hoà giải, họ ý thức được những buồn phiền đã gây ra cho nhau, từ đó trở nên xả kỷ và quảng đại hơn; họ cũng phấn đấu sống hoà hợp với các phần tử khác trong gia đình và lối xóm. Bí tích Hoà giải mời gọi gia đình luôn hoán cải theo Tin Mừng.[4]
Người sạch sẽ thay quần áo trước khi bẩn và giặt ủi liền sau khi thay. Cũng thế, người tín hữu tốt, dù không có sai lỗi gì trầm trọng, vẫn cố gắng xưng tội thường xuyên, khoảng hai hay ba tháng một lần. Đàng khác, không chờ đến ngày xưng tội mới xét mình, nhưng nên kiểm điểm đời sống hằng ngày: Xét mình mỗi tối, để đáp lại tiếng Chúa cách quảng đại hơn. Muốn chiến thắng tội lỗi, cần dứt khoát ngay từ đầu, tránh xa các dịp tội và loại trừ cả những lệch lạc nhỏ bé nhất, ngay khi nó chỉ mới là một ý tưởng manh nha.
4. Hôn phối và Thánh Thể
Ơn vô giá mà đôi bạn được hưởng trong thánh lễ Hôn nhân là Hiệp lễ. Lúc ấy, hai vợ chồng được tham dự vào chính giao ước tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Nhờ kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, họ được Ngài làm bạn đồng hành, được Ngài trợ lực suốt cuộc đời để họ nên một trong Ngài và để họ có thể yêu nhau, không phải bằng một tình yêu đầy giới hạn của mình, nhưng bằng chính tình yêu vô biên của Ngài.
Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch tình yêu, mời gọi vợ chồng trở nên một thân thể duy nhất và chia sẻ cho nhau. Năng đến với Bí tích Thánh Thể, vợ chồng sẽ được Chúa Giêsu biến đổi để trở nên tấm bánh tình yêu bẻ ra trao tặng cho nhau: tấm bánh của sự sống, của niềm vui, của tha thứ và của sự tâm đầu ý hợp. Bí tích Thánh Thể chính là sức sống nuôi dưỡng, củng cố và đổi mới tình yêu của đời sống hôn nhân và gia đình. Nhờ tình yêu siêu nhiên ấy, họ dễ lướt thắng những bực bội, buồn phiền. Nhờ thánh lễ, cuộc sống hằng ngày của gia đình trở thành “hy lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa[5]“.
Để được khoẻ mạnh, chẳng những phải tránh bệnh tật, mà còn phải ăn uống đầy đủ và tập thể dục. Đối với người tín hữu, dinh dưỡng là năng rước lễ và chăm đọc Lời Chúa, tập thể dục là cầu nguyện sâu xa và kiểm điểm đời sống hằng ngày.
5. Hôn phối và Truyền Chức thánh
Hôn phối và Truyền Chức thánh là hai bí tích phục vụ cộng đoàn do chính Đức Kitô thiết lập, là Hội Thánh.
Bí tích Hôn Phối gia tăng số con cái trong Hội Thánh, bí tích Truyền Chức tuyển chọn các tác viên phục vụ Hội Thánh. Chính ơn gọi làm linh mục được gieo mầm từ trong gia đình, nên gia đình được gọi là “Chủng viện sơ khởi[6]“.
Hội Thánh ước mong rằng không những các đôi vợ chồng quan tâm nâng đỡ các ơn gọi linh mục và tu sĩ, mà còn tha thiết muốn dâng con cái mình làm việc tông đồ phụng sự Chúa. Do đó, Công đồng Vaticanô II khuyên: “Cha mẹ hãy thận trọng giúp đỡ con cái lựa chọn ơn gọi. Nếu thấy chúng có ơn thiên triệu, họ hãy thận trọng nuôi dưỡng ơn thiên triệu đó[7]“.
Trong phạm vi gia đình, cha mẹ có trách nhiệm thánh hoá con cái, và đáp lại chính con cái cũng góp phần thánh hoá cha mẹ. Trong phạm vi giáo xứ, các chủ chăn có trách nhiệm thánh hoá giáo dân, và đáp lại chính giáo dân cũng góp phần thánh hoá các chủ chăn (Ga 17,19). Giáo dân có thể thực hiện công việc này bằng cách:
– Tích cực cộng tác với các chủ chăn trong việc xây dựng Hội Thánh, cách riêng trong các sáng kiến truyền giáo.
– Cảm thông những giới hạn và yếu đuối của các ngài.
– Cầu nguyện cho các ngài.
– Nâng đỡ các ngài về tinh thần và vật chất.
– Khiêm tốn góp ý xây dựng cho các ngài trong tình bác ái và liên đới trách nhiệm.
6. Hôn phối và Xức dầu bệnh nhân
Trong ngày cưới, đôi bạn hứa chung thủy với nhau cho đến chết. Cái chết niêm ấn lòng trung tín trọn vẹn của họ. Trước biên giới sự sống và sự chết, bí tích Xức dầu giúp người tín hữu kết thúc đoạn đường lữ hành và sẵn sàng bước vào cuộc sống vĩnh cửu. Thánh Thể lúc ấy là của ăn đàng giúp người tín hữu đủ sức đi tới Bàn Tiệc muôn đời của giao ước tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh khải hoàn. Trên giường hấp hối, đôi bạn thấu triệt được vẻ cao đẹp cuộc sống chung đầy ý nghĩa của mình. Đó là cuộc đồng hành với Đức Kitô, là thời gian thử thách và tinh luyện tình yêu, là đoạn đường dẫn tới cuộc sống vĩnh cửu mai sau đầy hạnh phúc.
Hãy liệu cho bệnh nhân được lãnh nhận bí tích Xức dầu lúc còn tỉnh táo. Những người thân yêu nên có mặt trong giờ phút ấy để cầu nguyện cho bệnh nhân; để hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân, vì lúc ấy bệnh nhân thường rất sợ cô độc.
Bí tích Xức dầu cũng nhắc nhớ đến sự hiện diện của những người cao niên trong gia đình. Đừng coi sự hiện diện của họ như một gánh nặng, nhưng hãy coi đó là một ơn Chúa: người già là hiện thân của kinh nghiệm quá khứ, có thể giúp giới trẻ nhận ra lẽ khôn ngoan trong cuộc sống. Đồng thời, người già cũng dễ mang tâm trạng cô đơn, sợ bị bỏ rơi. Do đó, cần quan tâm chăm sóc những người già cả trong gia đình mình cũng như trong lối xóm.
GHI NHỚ:
1. H. Các bí tích giúp ích gì cho đời sống Hôn nhân và gia đình?
T. Các bí tích, đặc biệt là bí tích Hôn phối, Thánh Thể và Hoà giải thánh hoá tình yêu vợ chồng, ban nhiều ơn sủng giúp họ chu toàn trách nhiệm đối với nhau và đối với con cái.
2. H. Ai được quyền cử hành Bí tích Rửa tội?
T. Bình thường là Giám mục, Linh mục và phó tế, nhưng khi khẩn cấp thì bất cứ ai cũng có thể cử hành, miễn là làm theo ý muốn và cách thức của Hội Thánh.
3. H. Trong trường hợp khẩn cấp, phải rửa tội như thế nào?
T. Phải lấy nước lã, là nước tự nhiên, không pha thứ gì vào, như nước sông, nước biển, nước giếng, nước mưa, rồi đổ trên đầu kẻ chịu phép Rửa tội và đọc: (tên thánh) ta rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
4. H. Gia đình Kitô hữu sống bí tích Thêm sức như thế nào?
T. Gia đình Kitô hữu sống bí tích Thêm sức bằng cách lo cho mọi người nhiệt thành sống đức tin, để trở nên nhân chứng của Đức Kitô và góp phần xây dựng Hội Thánh.
5. H. Vì sao gia đình Kitô hữu phải năng lãnh nhận Bí tích Hoà giải?
T. Nhờ Bí tích Hoà giải, mọi người nhận ra những lỗi phạm của mình và đón nhận lòng khoan dung của Thiên Chúa, nhờ đó sẽù dễ sống hoà hợp và tha thứ cho nhau.
6. H. Vì sao gia đình Kitô hữu phải năng lãnh nhận Bí tích Thánh Thể?
T. Vì Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch tình yêu và là sức sống nuôi dưỡng, củng cố và đổi mới tình yêu của đời sống hôn nhân và gia đình.
7. H. Cha mẹ có bổn phận nào đối với ơn thiên triệu của con cái?
T. Cha mẹ phải thận trọng giúp đỡ con cái nhận biết ơn gọi. Nếu thấy chúng có ơn thiên triệu thì phải lo nuôi dưỡng ơn thiên triệu ấy.
8. H. Bí tích Xức dầu bệnh nhân có liên hệ nào đối với đời sống hôn nhân và gia đình?
T. Bí tích Xức dầu bệnh nhân nhắc nhở ta quan tâm đến những người đau yếu, bằng cách lo cho họ lãnh nhận bí tích này, để được ơn Chúa nâng đỡ. Đồng thời quan tâm đến những người già cả trong gia đình và lối xóm, bằng cách giúp đỡ và chăm sóc họ, đặc biệt là những người neo đơn.
GỢI Ý SUY NGHĨ:
1. Bí tích Hoà giải và bí tích Thánh Thể đem lại cho gia đình anh chị những ơn ích nào?
2. Tương quan giữa bí tích Rửa tội và bí tích Hôn phối?
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, Chúa đã dùng bí tích Hôn phối liên kết chúng con nên duyên vợ chồng. Xin thương đổ ơn thánh Chúa xuống trên gia đình chúng con, để chúng con trở thành dấu chỉ sự hiện diện của Chúa cho nhau và cho mọi người. Amen.
——————————————–
[1] PV 59
[2] GLHT 1265
[3] GLHT 1624
[4] x. GĐ 58
[5] GĐ 59
[6] ĐTLM 2
[7] TĐ 11