Bài 16: Cầu nguyện trong gia đình | Giáo Lý Hôn Nhân

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

Bài 16: Cầu nguyện trong gia đình

Bài 16: Cầu nguyện trong gia đình

“Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng mà đối đáp với nhau và ca tụng Chúa hết lòng anh em. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha.” (Ep 5,19-20)

Gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia vì gia đình là nơi đặc biệt diễn tả sự hiệp thông trong Hội Thánh: “Gia đình Kitô giáo bày tỏ và thể hiện một cách đặc biệt sự hiệp thông trong Hội Thánh vì lẽ đó phải được coi là một Hội Thánh tại gia, là một cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức mến. Gia đình Kitô giáo là một hiệp thông nhân vị là dấu chỉ và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần[1]“.

Sự hiệp thông trong gia đình dẫn đến sự gặp gỡ Thiên Chúa, đồng thời việc gặp gỡ Thiên Chúa sẽ nối kết gia đình bền chặt hơn. Trong Tông huấn Gia đình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gọi gia đình là “cộng đồng đối thoại với Thiên Chúa”. Gia đình được lôi cuốn vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa bằng việc Lắng nghe Lời Chúa, bằng việc cầu nguyện chung cũng như cầu nguyện riêng, bằng việc lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể và bí tích Hoà giải.

Thư chung của Hội Đồng Giám Mục VN năm 1980 cũng nhắn nhủ: “Anh chị em hãy tin vào ơn Chúa Thánh Thần đã được đổ xuống trong lòng để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện của anh chị: cầu nguyện riêng, cầu nguyện chung trong gia đình và trong xứ đạo. Và nhất là anh chị em hãy đào sâu đức tin của mình bằng việc học và dạy giáo lý ngay trong gia đình của mình”.

1. Cầu nguyện là gì?

Cầu nguyện chính là cuộc gặp gỡ và đối thoại thân mật với Thiên Chúa. Hình ảnh cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacop (x. Ga 4,1-20) là một hình ảnh tuyệt vời về cầu nguyện. Chính Chúa Giêsu đang khát và đã tìm đến gặp gỡ, ngỏ lời trước với con người, Ngài đã khơi dậy nơi cõi lòng con người nỗi khát khao sâu thẳm, và giúp con người khám phá ra Ngài là Đấng duy nhất có thể lắp đầy nỗi khao khát đó.

Cầu nguyện là lời đáp trả đức tin và tình yêu của con người trước lời hứa cứu độ của Thiên Chúa. Cầu nguyện còn là sự đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa, để đi sâu vào mối hiệp thông với Ba Ngôi. Từ sự xác tín trên, các nhà tu đức đã định nghĩa cầu nguyện như sau:

– Cầu nguyện là nâng hồn lên Chúa hay cầu xin Ngài ban cho những ơn cần thiết [2].
– Cầu nguyện là sự hứng khởi của tâm hồn, là cái nhìn đơn sơ hướng về trời cao, là lời kinh tri ân và yêu mến giữa cơn thử thách cũng như lúc hân hoan [3].

2. Phải cầu nguyện như thế nào?

Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt hảo cầu nguyện, là vị Thầy dạy ta cách cầu nguyện. Ngài thường cầu nguyện nơi vắng vẻ (x. Lc 5,16). Kinh nguyện của Ngài đầy tâm tình gắn bó yêu thương, vâng phục thánh ý Chúa Cha, dù phải chấp nhận Thập Giá (x. Mt 26,39), và tuyệt đối tin tưởng là mình sẽ được nhận lời. Ngài còn kêu gọi các môn đệ tỉnh thức cầu nguyện (x. Lc 22,40) và muốn họ dâng những lời cầu khẩn lên Thiên Chúa nhân danh Ngài (x.Mt 18,19-20). Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện với một tâm hồn trong sạch, một đức tin sống động và kiên trì, một sự dạn dĩ của người con.

2.1. Kiên trì cầu nguyện

Cầu nguyện kiên trì, không sờn lòng nản chí, chắc chắn sẽ được Thiên Chúa nhận lời. Chẳng hạn như bà goá kêu oan, đòi ông quan toà phân xử; cuối cùng ông cũng phải giải quyết (x. Lc 18,1-8). “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn?” (18,7). Hay như người kia quấy rầy bạn mình vào lúc đêm khuya vẫn có được tất cả những thứ gì anh ta cần dùng (x. Lc 11,5-8). Chúa Giêsu khẳng định: “Hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ sẽ mở cho” (Lc 11,10). Và Thiên Chúa còn ban cho hơn cả lòng ta mong ước vì Cha trên trời còn rộng lượng hơn cả người cha trần gian; đó là ban chính Thánh Thần của Ngài cho chúng ta (x. Mt 7,7-11; Lc 11,11-13).

2.2. Khiêm tốn cầu nguyện

Khi cầu nguyện, ta phải cầu nguyện bằng tất cả con người của mình: lời nói và cử chỉ, đặc biệt là tấm lòng. Tấm lòng chính là nơi sâu kín của con người, là nơi phát sinh mọi quyết định và gặp gỡ. Khiêm nhường và thống hối là một tâm tình căn bản trong khi cầu nguyện (Tv 130,14), vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải (Rm 8,26). Khiêm nhường là tâm tình phải có để đón nhận được ơn cầu nguyện vì trước mặt Chúa, con người chỉ là kẻ van xin[4].

Cầu nguyện trong sự hạ mình là cách thức dễ đánh động lòng Thiên Chúa nhất. Dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện cho thấy Thiên Chúa không đoái hoài đến những thành tích đáng nể của người Pharisêu chỉ vì ông hay khoe khoang và coi khinh người khác (x. Lc 18,9-14; 7,6-10). Cầu nguyện khiêm tốn để sám hối về những lầm lỗi, và tạ ơn về tất cả những gì mình đã được lãnh nhận, và đó là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa nhất (x. Lc 10,21).

Cầu nguyện còn phải đi đôi với nỗ lực hòa giải và lòng yêu thương, kể cả kẻ thù và người bách hại mình; kinh nguyện phải phát xuất từ đáy lòng với tâm hồn thanh khiết và ước mong tìm kiếm Nước Thiên Chúa trên hết mọi sự.

3. Những nguồn mạch của cầu nguyện

Trong đời sống Kitô hữu, có những nguồn mạch, ở đó Đức Kitô đang đợi chờ để ban Thánh Thần cho ta[5]. Sau đây là một số nguồn mạch chính yếu :

3.1. Lời Chúa

Công đồng Vaticanô II đã khuyến khích các Kitô hữu: “Mọi người cũng nên nhớ rằng kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì “chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh”[6].

3.2. Phụng vụ của Hội Thánh

Kinh nguyện tiếp nhận Phụng vụ và đồng hóa với Phụng Vụ trong khi và sau khi được cử hành. Dù con người cầu nguyện nơi kín đáo (Mt 6, 6), lời nguyện của họ vẫn là lời kinh của Hội Thánh, là sự hiệp thông với Ba Ngôi Chí Thánh[7].

3.3. Các nhân đức đối thần

Đức tin giúp ta đón nhận Chúa xuyên qua các dấu chỉ về sự hiện diện thần linh, tìm kiếm và trông mong Thánh Nhan Chúa, lắng nghe và suy niệm lời Ngài.

Đức cậy là thái độ phải có khi cầu nguyện, đồng thời được dưỡng nuôi nhờ cầu nguyện. Vì vậy, Thánh Phaolô đã nguyện xin “Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an để nhờ quyền năng Thánh Thần anh em được tràn trề hy vọng” (Rm, 15,13).

Đức mến là suối nguồn của đời cầu nguyện, vì đức mến lôi kéo mọi sự vào trong Tình Yêu Thiên Chúa và làm cho ta có thể yêu mến Ngài như Ngài yêu mến ta. Vì thế, ai để cho đức ái hướng dẫn, người ấy sẽ đi tới đỉnh cao của cầu nguyện.

3.4. Cái “hôm nay”

Khi dạy ta cầu nguyện, Chúa Giêsu cũng dạy về sự quan phòng của Chúa Cha (Mt 6, 11.34). Thời gian là của Chúa Cha, chúng ta gặp được Ngài trong hiện tại, không phải hôm qua hay ngày mai, nhưng chính hôm nay: “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa! Đừng cứng lòng” (Tv 95, 7-8). Khi ta cầu nguyện khởi đi từ cái hôm nay của đời thường, ảnh hưởng của Nước Chúa thấm vào trong dòng chảy của cuộc đời, và kinh nguyện trở thành men làm cho cả nắm bột cuộc đời dậy lên một sức sống mới.

 

4. Cầu nguyện trong gia đình

Gia đình Kitô hữu là nơi đầu tiên để học cầu nguyện. Được xây dựng trên bí tích Hôn Phối, gia đình là “Hội Thánh thu nhỏ”, là nơi con cái Thiên Chúa học cách cầu nguyện. Đặc biệt với các trẻ nhỏ, kinh nguyện hằng ngày của gia đình là chứng từ đầu tiên về ký ức sống động của Hội Thánh luôn được Chúa Thánh Thần nâng đỡ[8].

Hội Thánh đề ra cho các tín hữu những dịp cầu nguyện để nuôi dưỡng đời sống nội tâm. Nhịp cầu nguyện hằng ngày là kinh tối và kinh sáng, trước và sau các bữa ăn. Trong đời sống gia đình, ta có thể cầu nguyện chung và cầu nguyện riêng.

4.1. Cầu nguyện chung

Giờ Kinh chung của gia đình chính là giờ “ngồi bên nhau” và “cùng nhau ngồi bên Chúa” là giờ của chân lý, là một khám phá kỳ diệu, là một liều thuốc thần tiên. “Kinh nguyện chung trong gia đình có nội dung độc đáo là chính cuộc sống của gia đình. Qua những tình huống thay đổi của cuộc sống ấy, chính Thiên Chúa đang mời gọi và gia đình tín hữu đáp trả lại với đầy lòng hiếu thảo. “Những chuyện vui buồn, hy vọng và sầu khổ, ngày sinh và ngày cưới, những người đi vắng trở về, những chọn lựa quan trọng và ngay cả cái chết của người thân yêu… tất cả đều là những dấu hiệu về sự hiện diện ưu ái của Thiên Chúa trong cuộc sống gia đình. Những biến cố ấy phải là những dịp để gia đình tạ ơn, khấn nguyện, tin tưởng phó thác vào bàn tay Cha chung trên trời”[9].

Trong gia đình, các thành viên càng cầu nguyện chung với nhau, càng hiệp nhất bền chặt vì cảm nhận được sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu : “Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,19-20).

Trong tông thư “Kinh Mân Côi”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói: “Gia đình cùng nhau cầu nguyện là gia đình cùng nhau chung sống… Những phần tử của mỗi gia đình, khi hướng mắt nhìn lên Chúa Giêsu, cũng lấy lại được khả năng nhìn vào mắt của nhau, khả năng nói chuyện với nhau, khả năng tha thứ cho nhau, và khả năng nhìn thấy giao ước yêu thương của họ được canh tân trong Thần Linh Chúa”[10].

Lợi ích của giờ kinh chung: Giờ kinh chung của gia đình là cơ hội để mọi người thánh hoá sinh hoạt hằng ngày:
– Tạ ơn vì các hồng ân lãnh nhận trong ngày.
– Dâng niềm vui, nỗi buồn, dâng mồ hôi nước mắt, những thành công, thất bại trong ngày như hy tế để xin Chúa đón nhận, thanh tẩy, đỡ nâng và chúc lành.
– Là cơ hội để vun xới tình gia đình: hiệp thông với những người thân yêu đã khuất, những người vắng mặt; cầu nguyện cho những nhu cầu của nhau; xin lỗi và tha thứ cho nhau, thông cảm, giúp nhau mỗi ngày một hoàn thiện hơn.
– Và cũng là cơ hội thuận tiện để cha mẹ dạy dỗ, hướng dẫn con cái về mặt nhân bản cũng như về mặt đức tin. Việc giáo dục của cha mẹ không chỉ bằng lời nói mà còn bằng chính gương sống.

Tại Việt Nam, cầu nguyện chung trong gia đình qua các giờ kinh tối và kinh sáng là một truyền thống đạo đức rất tốt đẹp đã ăn rễ sâu trong các gia đình Công giáo. Tuy nhiên, truyền thống này đang bị mai một dần do ảnh hưởng của nếp sống đô thị hoá hiện nay. Để vượt qua những cản trở cho việc cầu nguyện chung trong gia đình, vào buổi tối, cần thu xếp giờ kinh thật sớm để tiện cho mọi người, nhất là trẻ em có thể tỉnh táo. Nếu không được, cần hướng dẫn cho trẻ em cầu nguyện trước. Khi cầu nguyện nguyện chung, cần tạo bầu khí trang nghiêm và ấm cúng, thực sự gặp gỡ và đối thoại với Chúa.

Bàn thờ của gia đình: Để giúp mọi người nhớ tới sự hiện diện của Thiên Chúa trong gia đình, mỗi nhà nên có một bàn thờ nhỏ. Bàn thờ cần sáng sủa, trình bày đơn giản để diễn tả đức tin thật chính xác. Cách chung, đừng để quá nhiều ảnh tượng trên bàn thờ, nên dùng một Thánh giá khá lớn, một bên để một tượng Chúa hay ảnh Đức Mẹ, một bên để cuốn Kinh Thánh. Thay vì cuốn Kinh Thánh, cũng có thể treo một hai tấm liễn ghi Lời Chúa. Bàn thờ cần giữ sạch sẽ, không để những đồ đạc lặt vặt. Bàn thờ tổ tiên có thể đặt bên dưới bàn thờ Chúa, nhưng cần có sự phân biệt rõ ràng và trang trí đơn giản.

4.2. Cầu nguyện riêng

Thiên Chúa hiện diện giữa gia đình khi cả nhà cầu kinh chung và cũng hiện diện cách thâm sâu trong tâm hồn mỗi người vì chính nơi đó, Ngài chờ đợi mỗi người trở về gặp gỡ Ngài thật sâu xa. Bởi đó, cầu nguyện chung và cầu nguyện riêng cần đi đôi với nhau. Nhờ cầu nguyện chung, người ta sẽ quen cầu nguyện riêng; đồng thời mỗi người càng cầu nguyện riêng, thì giờ kinh chung sẽ càng tốt đẹp. Mỗi người trong gia đình, đặc biệt các bậc cha mẹ, cần dạy cho con cái sống tinh thần cầu nguyện bằng cách:

– Mỗi sáng vừa thức dậy nhớ dâng ngày cho Chúa và xin Chúa Thánh Thần dạy cho biết sống cả ngày trong sự kết hiệp với Chúa.
– Tập luôn luôn “thấy Chúa đang nhìn ta”, dù ở đâu, làm gì, cũng sống trong cái nhìn yêu thương của Chúa.
– Cũng có thể dùng những lời cầu nguyện tắt lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày, như: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa”…
– Khi đã lên giường, sắp sửa ngủ, nên ôn lại những điều đã cảm nhận trong đoạn Lời Chúa vừa đọc trong giờ kinh tối, để tiếp tục suy niệm vào sáng hôm sau.

Ngoài ra, mỗi người cần có những giờ phút dành riêng để cầu nguyện, nhất là tâm nguyện hay nguyện ngắm.

Khi nguyện ngắm, nếu ở trong nhà thờ, ta nên chăm chú nhìn lên Chúa Giêsu Thánh Thể trong nhà tạm. Ở những nơi khác, ta có thể nhìn lên tượng Chúa hoặc hướng về Chúa đang ngự trong lòng. Để dễ tập trung, nên ngồi theo một tư thế thật yên vững, giữ cho cột sống và đỉnh đầu thẳng góc với mặt đất, rồi tha thiết xin ơn Chúa Thánh Thần, gạt bỏ hết mọi âu lo và dự tính để chú tâm vào sự hiện diện của Thiên Chúa và đối thoại với Ngài. Hãy bắt đầu thật nghiêm túc và nghiêm túc cho bằng được, rồi kiên nhẫn cho đến hết giờ quy định. Dần dần, Chúa Thánh Thần sẽ đưa ta tiến sâu vào một kinh nghiệm cầu nguyện sâu xa và thấm thía.

5. Nội dung một giờ kinh trong gia đình

Mỗi giờ kinh thường gồm các yếu tố: Lời Chúa, lời ca, lời kinh, lời cầu và sự thinh lặng.

Lời Chúa giữ vai trò quan trọng: đó là lương thực thiêng liêng, là chuẩn mực hướng dẫn đời sống người tín hữu và là phương tiện thông thường Chúa dùng để giúp ta được biến đổi. Bởi vậy, trong mỗi giờ kinh, nên đọc một đoạn Lời Chúa trích từ Kinh Thánh để suy niệm. Nên đọc theo một chương trình. Chẳng hạn đọc một trong các đoạn Kinh Thánh của thánh lễ hôm sau, như được ghi trong lịch Công giáo, hoặc đọc toàn bộ Kinh Thánh trong 3 năm, tuần tự mỗi tối một đoạn.

Sự thinh lặng để xét mình và suy niệm làm cho Lời Chúa thấm vào lòng ta. Nhờ đó, tự đáy lòng, ta có thể nói lên những lời nguyện tự phát để ca tụng, ngợi khen Chúa, để bày tỏ tâm tình thống hối, mến yêu, hay để cầu xin cho những người quen biết và cho những nhu cầu của Hội Thánh và loài người.

Lời kinh: Nên duy trì những kinh cần thiết làm nền cho giờ cầu nguyện: Kinh Truyền tin, kinh Chúa Thánh Thần, Kinh Tin, Cậy, Mến, Ăn năn tội, Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, Lạy Nữ Vương, Cám Ơn, Trông Cậy, kinh Vực sâu. Trước giờ kinh, nên dành một phút xem thử sẽ dùng những kinh nào, chứ đừng vừa cầu nguyện vừa chọn kinh.

Mỗi giờ kinh nên có một chục kinh Mân Côi đọc chung. Thỉnh thoảng cả gia đình nên lần chung trọn chuỗi. Khi đó, nên bỏ bớt một số kinh khác. Còn phần Lời Chúa, nếu chọn theo các mầu nhiệm Mân Côi, chỉ cần đọc một vài câu ngắn.(xem phần phụ lục)

Điều cần thiết khi cầu nguyện là phải nhớ rằng Chúa đang hiện diện. Ta ở đó để nghe Ngài nói và nói với Ngài. Muốn dễ nhớ sự hiện diện của Chúa, khi cầu nguyện nên ăn mặc nghiêm chỉnh, thu dọn đồ đạc trong phòng và trên bàn cho ngăn nắp.

* * *

Để kết thúc, chúng ta cùng nhau nghe lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phaolô VI đã ngỏ với các bậc làm cha làm mẹ. Những lời này đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trân trọng nhắc lại trong Tông huấn Gia đình: “Hỡi các bà mẹ, chị em có dạy cho các con nhỏ của mình những lời kinh của người Kitô hữu không? Chị em có cộng tác với các linh mục để chuẩn bị cho chúng lãnh nhận các bí tích xưng tội, rước lễ, thêm sức hay không? Nếu chúng đau ốm, chị em có tập cho chúng quen nghĩ tới những sự đau khổ của Đức Kitô, quen cầu xin Đức Mẹ Đồng Trinh và các thánh giúp đỡ hay không? Còn anh em, hỡi những người cha, anh em có biết cầu nguyện chung với con cái, với cộng đồng gia đình, ít là thỉnh thoảng không? Gương sống của anh em qua sự ngay thẳng trong tư tưởng và hành động, được hỗ trợ bằng kinh nguyện chung, quả là một bài học sống, một hành vi thờ phượng đáng tuyên dương. Như thế, anh em đang đem bình an vào trong tổ ấm gia đình anh em: “Bình an cho nhà này”. Đừng quên rằng làm như thế là anh em đang xây dựng Hội thánh[11]“.

 

GHI NHỚ :

1. H. Cầu nguyện là gì?

T. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, để thờ laỵ, cảm tạ, xin Ngài tha thứ mọi tội lỗi và ban cho ta các ơn lành hồn xác.

2. H. Tại sao ta phải cầu nguyện?

T. Ta phải cầu nguyện vì Chúa Giêsu đã truyền dạy, hơn nữa, đời sống thiêng liêng cần được nuôi dưỡng và phát triển bằng sự cầu nguyện.

3. H. Có mấy hình thức cầu nguyện trong gia đình?

T. Có hai hình thức :
– Một là cầu nguyện chung.
– Hai là cầu nguyện riêng.

4. H. Ta phải có tâm tình nào khi cầu nguyện?

T. Khi cầu nguyện ta phải có tâm tình khiêm nhường và thống hối.

5. H. Vì sao việc cầu nguyện chung trong gia đình là quan trọng?

T. Việc cầu nguyện trong gia đình là quan trọng, vì nó giúp ta kết hiệp với Chúa và với nhau, tạo cho gia đình một bầu khí yêu thương và thánh thiện, giúp chuẩn bị việc cử hành phụng vụ ở nhà thờ và kéo dài phụng vụ ấy ngay trong gia đình.

6. H. Việc cầu nguyện chung và cầu nguyện riêng liên quan với nhau thế nào?

T. Việc cầu nguyện chung và cầu nguyện riêng nâng đỡ và bổ túc cho nhau. Nhờ cầu nguyện chung, ta sẽ quen cầu nguyện riêng, đồng thời nếu mọi người trong gia đình năng cầu nguyện riêng, thì giờ kinh chung sẽ càng tốt đẹp.

7. H. Mỗi giờ kinh chung trong gia đình thường gồm mấy yếu tố?

T. Mỗi giờ kinh chung trong gia đình thường gồm năm yếu tố này :
– Một là Lời Chúa
– Hai là lời ca.
– Ba là lời kinh.
– Bốn là lời cầu.
– Năm là sự thinh lặng.

 

GỢI Ý SUY NGHĨ:

1. Mẹ Têrêsa Calcuttta nói: “Gia đình nào cầu  nguyện chung với nhau, gia đình đó sẽ bền vững”. Anh chị nghĩ thế nào về câu nói trên?
2. Theo anh chị, nên tổ chức giờ kinh tối trong gia đình như thế nào?
3. Lên chương trình một giờ kinh tối cho gia đình dài khoảng 15-20 phút. Trao đổi với những người khác.

 

CẦU NGUYỆN:

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con cảm tạ Chúa đã yêu thương dựng nên chúng con để chúng con được sống hạnh phúc bên Chúa mãi mãi. Xin cho gia đình chúng con biết quý trọng những giờ phút quây quần bên Chúa. Xin Chúa liên kết chúng con nên một trong tình yêu, ngõ hầu mai sau gia đình chúng con sẽ được đoàn tụ bên Chúa mãi mãi trên Nước Trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen

——————————————–

[1] GLHT 2204-2205
[2] T. Gioan Damascênô, Đức tin chính thống.
[3] T. Têrêsa Hài Đồng, tự truyện.
[4] T. Augustinô, Bài giảng 56,6,9; x. Lc 18, 9-14
[5] GLHT 2652
[6] MK 5
[7] GLHT 2655
[8] GLHT 2685.
[9] GĐ 59
[10] Tông thư Kinh Mân Côi, 41
[11] GĐ 60

2025-01-09

Lời Chúa Hôm Nay
Kinh Mân Côi
Lịch Công Giáo