Bài 20: Những ngày lễ của gia đình | Giáo Lý Hôn Nhân

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

Bài 20: Những ngày lễ của gia đình

Bài 20: Những ngày lễ của gia đình

“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,
anh em được sống vui vầy bên nhau.”
(Tv 133,1)

Mỗi gia đình đều có những ngày lễ riêng, đánh dấu những biến cố vui, buồn của gia đình. Chẳng hạn như ngày giỗ của ông bà, cha mẹ, ngày kỷ niệm thành hôn của vợ chồng, ngày sinh nhật, ngày lễ bổn mạng của một người trong gia đình… Những ngày lễ của gia đình là dịp để mọi người trong gia đình quây quần bên nhau trong tình yêu thương hiệp nhất, vun xới thêm tình gia đình.

Đầu năm, mỗi gia đình nên ghi các ngày lễ của gia đình mình vào cuốn lịch Công giáo để dễ nhớ.

1. Lễ Gia tiên

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa thường tự xưng là Thiên Chúa của Abraham, của Ixaác, của Giacop, nghĩa là Thiên Chúa các tổ phụ. Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của người sống.[1] Bên kia cái chết, các bậc tiền nhân đã thực sự “sống khôn thác thiêng” đều đang sống trong Thiên Chúa. Các tín hữu ở trần gian kết hợp với họ trong mầu nhiệm các thánh thông công. Do đó, khi bày tỏ lòng hiếu kính, nhớ đến gia tiên tổ phụ, người Công giáo không làm một sự thờ phượng nằm ngoài sự thờ phượng Thiên Chúa, nhưng là để nhờ đó mà thêm lòng biết ơn và kính mến Thiên Chúa là nguồn mọi tình phụ tử trên trời dưới đất[2]. Đàng khác, khi nhớ đến tổ tiên theo huyết thống, người Công giáo cũng nhớ đến các tổ phụ trong đức tin.

Người Việt Nam thường có thói quen rất tốt: mỗi khi gia đình có việc buồn vui đều luôn tưởng nhớ gia tiên và biểu lộ tâm tình ấy bằng việc cúng lễ, hoặc đơn giản thắp một nén nhang trên bàn thờ. Người tín hữu Công giáo Việt Nam tiếp nhận truyền thống tốt đẹp ấy với một cái nhìn chính xác, phù hợp với đức tin Kitô giáo.

Mỗi gia đình nên có một bàn thờ gia tiên đơn sơ. Ngày tết, ngày giỗ nên giữ một cây hương cháy suốt ngày. Tránh những chi tiết trái với đức tin và tránh tốn kém không hợp tình hợp lý. Về hình thức, cốt sao biểu lộ được tấm lòng và giúp con cháu trong nhà học được tâm tình biết ơn tổ tiên và biết ơn Thiên Chúa Tạo Hoá.

Khi cúng lễ, cần nhắc cho mọi người trong nhà nhớ: đức tin Công giáo dạy ta biết rằng người quá cố không cần đến thức ăn vật chất, các lễ vật chỉ nhằm bày tỏ lòng biết ơn kính nhớ mà thôi.

Lễ gia tiên thường do vị trưởng tộc hoặc người cha trong gia đình chủ lễ. Nếu vị này vắng mặt, thì vợ hoặc con trai hoặc con dâu trưởng chủ lễ.

2. Dọn tất niên

Tết Nguyên đán là dịp sum họp gia đình, kính nhớ tổ tiên và thăm viếng nhau để gia tăng tình thân ái. Cần loại bỏ những chi tiết phong tục quá rườm rà, cũng như những gì đi ngược lại với Tin mừng, và phải lưu ý phát huy những gì tốt đẹp. Khởi đầu là việc dọn tất niên.

Từ giữa tháng chạp là thời gian thuận tiện để mỗi gia đình tổng kết một năm. Cha mẹ và con cái sẽ cùng nhau:

– Làm xong những việc cần thiết còn đọng lại.
– Tổng kết chi thu, thanh toán nợ nần.
– Tổng kết kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc một năm qua.
– Chọn hướng sống hoặc chủ đề giáo dục gia đình trong năm mới.
– Dọn mình xưng tội cuối năm.
– Cha mẹ đỡ đầu thăm nom nhắc nhở con thiêng liêng (các con thiêng liêng thì chúc tết cha mẹ đỡ đầu dịp cuối năm hoặc đầu năm).
– Cũng nên dành một tuần lễ kết bó hoa thiêng liêng tạ ơn Thiên Chúa và cầu cho nhau (gồm: dâng lễ, rước lễ, đọc Lời Chúa, lần hạt, hy sinh…)

Những việc trên đây sẽ làm xong trước ngày ăn bữa tất niên (vào ngày cuối năm hoặc một ngày nào sớm hơn, tùy tiện). Bữa ăn này được coi như để kết toán mọi chuyện: còn gì phải xin lỗi nhau, hoặc góp ý xây dựng đều nói hết trong dịp này, để rồi ngày đầu năm sẽ không còn phải nhắc gì đến chuyện cũ, chỉ chúc tuổi nhau thật vui vẻ.

Cũng nên nhân bữa ăn này mà trình bày chủ đề sống của năm tới và dự tính trước việc vui xuân của gia đình, thu xếp sao để trẻ em khỏi lây nhiễm thói xấu cờ bạc ngoài xã hội.

3. Tưởng nhớ gia tiên dịp Tết Nguyên Đán

Dịp Tết Nguyên Đán, trong những gia đình theo đúng tinh thần Việt Nam, ẩn dưới những niềm vui rộn rã đầu xuân là cả một thực tại linh thiêng trầm mặc đầy ắp không gian: cõi hữu hình và cõi vô hình đan dệt vào nhau, ông bà tổ tiên đã khuất như thể đang có mặt giữa con cháu một cách thân thiết, gần gũi, linh thiêng và đầy an ủi. Có được bầu khí ấy là nhờ các nghi lễ rất nghiêm túc của phụng tự gia đình.

Các nghi lễ này mở đầu với giờ “cúng đón” (đón ông bà về ăn tết với con cháu) vào ngày 29 hoặc 30 tết, và kết thúc với giờ “cúng đưa” (tiễn chân ông bà) vào ngày mùng 3 hay mùng 4 tết (có nhà cúng đưa từ chiều mùng 2). Người Công giáo biết rằng các linh hồn đã về với Thiên Chúa vẫn hiệp thông với các tín hữu ở trần gian thường xuyên, chứ không riêng mấy ngày tết, cho nên không có chuyện đón ông bà về ăn tết và tiễn ông bà đi. Tuy nhiên, thiết tưởng ngày nay cả nơi đại chúng người không có đạo, không mấy ai còn hiểu hai chữ đón đưa này theo nghĩa đen, nhưng hiểu theo một nghĩa tượng trưng sâu sắc, nhằm xác định một thái độ nội tâm và đánh dấu khoảng thời gian họ muốn dành để tưởng nhớ gia tiên một cách thật sâu đậm, khoảng thời gian họ muốn để cho tâm hồn lắng đọng trong niềm cảm mến biết ơn.

Trong khoảng thời gian ấy, bàn thờ gia tiên lúc nào cũng có khói hương, mỗi ngày người ta cúng hai ba lần vào đúng giờ cả nhà quy định trước. Mỗi gia đình có một người trực ở nhà để giữ cho hương đèn được liên tục, và lo nấu thức ăn, đúng giờ thì bày lên bàn thờ, thành tâm cầu nguyện. Người trực đóng vai đại diện gia đình, luôn ở trong tâm tình cung kính trước sự hiện diện của anh linh tiên tổ, để bày tỏ niềm biết ơn và tưởng nhớ. Ngày nay, cả người không có đạo cũng không mấy ai còn nghĩ ông bà tổ tiên cần “ăn tết”, nhưng người ta thấy rằng sự túc trực để bày tỏ lòng thành là điều cần thiết. Đó là một tâm tình rất thiêng liêng cao quý mà bầu khí của các lễ nghi gia tiên đã đem lại.

Khi đón nhận các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, người Công giáo nhằm đạt được phần tinh hoa, chứ không vụ vào những hình thức rườm rà. Tuy vậy, trong mức độ vừa phải, hình thức vẫn cần thiết. Để phục hồi và phát huy được bầu khí linh thiêng thuận lợi cho tình cảm và hạnh phúc gia đình, rất cần giữ lấy những hình thức diễn tả tối thiểu và chính yếu.

4. Lễ giao thừa

Tối cuối năm, gia đình đoàn tụ, giải trí chung với nhau, cùng thức đón giao thừa. Giây phút kết thúc năm cũ và bắt đầu năm mới là lúc thật ý nghĩa để ca tụng Chúa, Đấng làm chủ thời gian và lịch sử. Khí xuân mới cũng gợi cho ta nhớ đến công trình sáng tạo của Ngài. Chúng ta xin Chúa chúc lành cho một năm mới đang bắt đầu. Sau khi cầu nguyện, mọi người chúc tuổi nhau rồi đi ngủ.

Lễ giao thừa không phải là lễ gia tiên. Lễ gia tiên đã được thực hiện vào lúc “tiên thừa”, tức là lúc đầu hôm đêm cuối năm. Tuần hương thắp lúc giao thừa là để kính thờ Đấng Tạo Hoá và cầu nguyện với Ngài.

5. Lễ Minh niên

Gia đình sum họp buổi sáng đầu năm là điều rất quý giá. Thánh lễ ở nhà thờ xong, mọi người về nhà ngay. Các cháu mừng tuổi ông bà, con cái mừng tuổi cha mẹ, mọi người mừng tuổi nhau.

6. Lễ bổn mạng một người trong gia đình

Trước ngày lễ, người có tên thánh bổn mạng nên dành vài giờ tĩnh tâm cầu nguyện. Ngày lễ, cả nhà đi dự lễ, rước lễ sốt sắng. Kinh tối, theo chương trình trong tuần (nên hỏi linh mục về lời nguyện ngày lễ, chép sẵn từ trước). Nhớ nhắc con thiêng liêng dọn mừng lễ bổn mạng. Hôm lễ, nên mời các con thiêng liêng dùng cơm.

7. Giáp năm ngày rửa tội

Trước ngày lễ, người có lễ kỷ niệm nên dành vài giờ tĩnh tâm cầu nguyện. Ngày lễ, cả nhà đi dự lễ, rước lễ sốt sắng. Trong giờ Kinh tối, gia đình cùng hiệp ý dâng lời tạ ơn, đồng thời cũng nhắc nhớ nhau sống xứng đáng ơn gọi làm Kitô hữu.

8. Thôi nôi hoặc sinh nhật

Đây là dịp vui của toàn gia đình. Những món quà nho nhỏ của mọi người vào dịp này là một cách bày tỏ sự quan tâm và yêu thương nhau. Nên tổ chức một bữa ăn để tạo thêm bầu khí yêu thương. Giờ kinh tối cũng là dịp để toàn thể gia đình cùng hiệp thông với nhau trong niềm vui này.

9. Giáp năm ngày cưới

Mỗi lần phong thánh, Hội Thánh cũng ấn định ngày mừng lễ hằng năm, thường là vào ngày qua đời của vị thánh. Ngày 22-10-2001 vừa qua, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho đôi vợ chồng người Ý là Luy và Maria Beltrame Quattrocchi. Tuy nhiên, để ấn định ngày mừng lễ, ngài không chọn ngày qua đời của họ như thường lệ, mà lại chọn ngày kỷ niệm lễ thành hôn của họ: ngày 25-11-1905.

Trước ngày kỷ niệm lễ thành hôn, nếu có điều kiện, vợ chồng nên tĩnh tâm vài giờ, nhớ lại tình thương Chúa và kiểm điểm đời sống để tiếp tục xây dựng hạnh phúc gia đình. Ngày kỷ niệm, vợ chồng, con cái cùng đi dự lễ. Ở nhà, trong bữa ăn kỷ niệm, nên nhắc đến niềm vui này. Những dịp khác trong năm có thể mang những hình thức đơn giản, nhưng hôm nay phải là đại lễ của gia đình. Nếu được, cũng nên mời vài đôi bạn thân thiết cùng dự bữa ăn và chia sẻ kinh nghiệm. Giờ kinh tối, nên dành ít phút để dâng lên Chúa tâm tình tạ ơn, xin Chúa chúc lành và củng cố mối giây yêu thương giữa hai vợ chồng và tất cả gia đình.

10. Ma chay

10.1. Trong thánh lễ an táng cũng như trong những dịp cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, Hội Thánh cử hành mầu nhiệm phục sinh, xác tín rằng những người đã tin vào Đức Kitô và đã chịu phép Rửa tội để nên chi thể Ngài, sẽ được cùng Ngài vượt qua sự chết mà đến sự sống. Vì thế, mọi lời dẫn giải, lời ca, lời kinh trong các dịp ấy phải diễn tả được niềm hy vọng vào đời sống vĩnh cửu. Trong tinh thần đức tin, thân nhân của người mới qua đời cũng cần tỏ ra can đảm, bình an, tránh khóc lóc ai oán.

10.2. Người Công giáo đón nhận tất cả những gì tốt đẹp trong truyền thống dân tộc về việc tôn kính ông bà tổ tiên cũng như về việc mai táng, nhưng dứt khoát loại bỏ những chi tiết không phù hợp với đức tin, như coi ngày giờ, coi phương hướng, rải giấy vàng bạc, vẽ bùa, đập chén bát khi động quan, vv…

10.3. Tang phục: Nên có một dấu hiệu nào đó để nói lên tâm tình đau buồn thương tiếc tự nhiên của ta, nhưng không nên để nó che mờ nỗi vui mừng lớn lao đích thực của người con vừa được gọi về nhà Cha và niềm hy vọng vào một ngày kia sẽ gặp lại người ấy trong hạnh phúc quê trời. Tránh những tang phục rườm rà gây cảm tưởng mình hoàn toàn mất mát, thất vọng ê chề và những gì không rõ ý nghĩa.

10.4. Mọi cách diễn tả trong tang lễ cũng như trong việc thờ kính tổ tiên phải có ý nghĩa rõ ràng chính xác, hợp với đức tin và tình yêu thương. Làm một hành vi, ta phải hiểu ý nghĩa của hành vi đó. Ví dụ, việc rảy nước thánh và vái kính thi hài phải được hiểu đúng:

– Rảy nước thánh trên thi hài là để nhớ rằng nhờ nước rửa tội, người tín hữu đã được ghi tên vào số những người được sống đời đời.

– Thắp nhang đèn, vái kính trước thi hài tín hữu là vì thân xác ấy đáng tôn trọng: lúc còn sống, thân xác ấy đã là đền thờ Chúa Thánh Thần, và giờ đây đang đợi chờ ngày sống lại.

10.5. Trong việc cầu nguyện cho người quá cố, Lời Chúa là phần quan trọng, nên chọn đoạn Kinh Thánh cho thích hợp.

10.6. Người hướng dẫn các giờ cầu nguyện nên làm phấn khởi lòng trông cậy của thân nhân người quá cố, cũng như hun đúc niềm tin của mọi người đang hiện diện, nhưng phải liệu sao để không làm phật lòng những người đang buồn phiền.

11. Lễ giỗ

Việc cầu nguyện trong ngày giỗ vừa để cảm tạ Chúa đã giải thoát các bậc tổ tiên, đưa về hưởng nhan Chúa, vừa để cầu xin Chúa sớm giải thoát những người đang phải ở luyện ngục (thường đối với những người mới qua đời, ta hướng tới việc cầu hồn, còn đối với những người đã qua đời từ lâu, ta có thể tin vào lòng Chúa nhân từ mà dâng lời cảm tạ). Ngay cả những vị đã chết mà không chịu phép Rửa tội, ta vẫn tin rằng Thiên Chúa nhân từ và đầy quyền năng đã có cách cứu vớt họ trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô.

Giờ kinh tối sẽ theo ngày trong tuần, với lời nguyện giỗ. Nếu là cầu hồn, thì theo mẫu canh thức cầu nguyện cho tín hữu đã qua đời.

Cũng đừng quên rằng chúng ta có thể cầu nguyện với những bậc tổ tiên đang được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Nói đúng hơn, ta có thể xin họ cầu nguyện với Chúa cho ta. Khi còn sống, họ đã yêu thương cầu nguyện cho ta, thì khi đã về với Chúa, họ còn yêu thương ta hơn và lời cầu nguyện của họ còn hữu hiệu hơn.

GHI NHỚ:

1. H. Những ngày lễ của gia đình mang ý nghĩa gì?

T. Những ngày lễ của gia đình là dịp để mọi người quây quần bên nhau trong tình yêu thương hiệp nhất, vun xới thêm tình nghĩa, duy trì những nét đẹp truyền thống của gia đình mình.

2. H. Đối với các dịp lễ của gia đình, ta nên tổ chức thế nào?

T. Ta nên tổ chức đơn sơ, vừa phù hợp với nét đẹp của văn hoá dân tộc, vừa biểu lộ được đức tin Kitô giáo của mình.

GỢI Ý SUY NGHĨ:

1. Ngày lễ nào trong gia đình đã để lại trong anh chị dấu ấn sâu đậm nhất?
2. Những ngày lễ giỗ trong gia đình anh chị được tổ chức thế nào?
3. Anh chị đã làm gì khi đến ngày sinh nhật hoặc ngày lễ bổn mạng của cha mẹ, hoặc anh chị em trong gia đình?

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa,
Cha đã làm cho chúng con thành một gia đình.
Chúng con cần đến nhau
Chúng con yêu thương nhau.
Chúng con tha thứ cho nhau.
Chúng con làm việc với nhau.
Chúng con vui đùa có nhau
Chúng con cầu nguyện bên nhau.
Cùng với nhau chúng con lắng nghe Lời Chúa
Cùng với nhau chúng con lớn lên trong Đức Kitô
Cùng với nhau chúng con yêu thương mọi người chung quanh
Cùng với nhau chúng con phụng thờ Chúa
Cùng với nhau chúng con hy vọng Nước Trời.

Lạy Chúa,
Đó là những điều chúng con ước nguyện,
Xin giúp chúng con đạt tới
nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

——————————–

[1] x. Mt 22,32
[2] x. Ep 3,14

2025-01-10

Lời Chúa Hôm Nay
Kinh Mân Côi
Lịch Công Giáo