“Còn những ai đã kết hôn, thì tôi truyền –thật ra không phải tôi, mà là Chúa – là vợ không được bỏ chồng, và giả như đã bỏ chồng thì phải ở độc thân, hay phải làm hòa với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ.” (1 Cr 7,10-11)
Trong Tông huấn về Gia Đình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói: “Ý định của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình liên hệ đến người nam và người nữ trong đời sống cụ thể hằng ngày của họ… Vì thế, nhằm chu toàn viêc phục vụ của mình, Hội Thánh tìm cách để biết được những hoàn cảnh trong đó hôn nhân và gia đình đang sống[1].”
Qua những lời trên, ngài nói đến những hoàn cảnh thuận lợi cho hạnh phúc gia đình, cũng như những tình huống xói mòn và làm cho gia đình tan vỡõ. Như người mẹ đối với con cái, Hội Thánh phấn khởi, khi thấy các gia đình được yên vui hạnh phúc, đồng thời cũng không ngớt âu lo, khi thấy những gia đình vợ chồng ly tán. Ngay cả những gia đình đã hay sắp tan vỡ, Hội Thánh cũng tìm cách hàn gắn, cứu chữa hay ít nhất tìm cách tạo cho họ một nếp sống phù hợp với luật Chúa để có được hạnh phúc.
Trong bài này, dựa trên giáo luật, chúng ta sẽ bàn về những gia đình phân ly:
– Những trường hợp nào Hội Thánh có thể tháo gỡ dây hôn phối?
– Vấn đề ly thân, ly dị và tái hôn sau khi ly dị thì sao?
1. Những trường hợp Hội Thánh có thể tháo gỡ dây hôn phối
1.1. Trường hợp không thể tháo gỡ:
Giữa hai người đã chịu bí tích Rửa tội, “hôn nhân đã ký kết và hoàn hợp thì không thể bị tháo gỡ bởi bất cứ quyền lực nhân loại nào, bất cứ vì lý do gì, ngoại trừ cái chết[2].”
Bởi vậy, Hội Thánh không có quyền cho phép ly dị các cuộc hôn nhân đã trọn vẹn. Hôn nhân trọn vẹn tức là:
– Hôn nhân đã thành sự.
– Là bí tích.
– Đã ăn ở với nhau.
Không trọn vẹn là khi thiếu một trong ba điều trên[3].
1.2. Trường hợp có thể tháo gỡ:
Đối với những cuộc hôn nhân không trọn vẹn, Hội Thánh có quyền tháo gỡ trong những trường hợp sau:
1.2.1. Hôn nhân giữa hai người Công giáo, hoặc một người Công giáo và một người không Công giáo, đã thành sự nhưng chưa ăn ở với nhau[4].
1.2.2. Hôn nhân giữa hai người chưa được rửa tội, đã thành hôn và đã ăn ở với nhau, rồi sau đó một người trở lại đạo và người kia không muốn chung sống. Đây là trường hợp thuộc “đặc ân thánh Phaolô” (1Cr 7,15). Hôn nhân chỉ được tháo gỡ khi người mới theo đạo lấy một người khác[5].
1.2.3. Ngoài ra, có những cuộc hôn nhân vốn đã không thành sự ngay từ đầu, vì mắc phải một hoặc nhiều ngăn trở như đã kể ở trên. Đối với những cuộc hôn nhân này, Hội Thánh có quyền giải tán[6].
2. Ly thân
Hội Thánh không cho phép vợ chồng ly dị nhau. Tuy nhiên, có những hoàn cảnh thực tế hai vợ chồng không thể tiếp tục sống chung được vì nhiều lý do khác nhau. Chẳng hạn như:
– Do ngoại tình[7].
– Do gây nguy hiểm trầm trọng về tinh thần hay thể xác cho bên kia hoặc cho con cái[8].
– Hay nếu bằng cách nào khác làm cho đời sống chung trở nên quá cơ cực, không thể chịu đựng nổi[9].
Trong những trường hợp này, Giáo quyền (Giám mục giáo phận hoặc vị Thẩm phán[10]) chấp nhận cho họ ly thân và không sống chung nữa (tạm thời hay vĩnh viễn). Tuy nhiên, họ vẫn là vợ chồng của nhau trước mặt Thiên Chúa. Họ không được tự do để kết hôn với người khác bao lâu người chồng hay vợ mình còn sống. Hôn nhân tiếp sau không những bị cấm mà còn bất thành nữa[11].
Trong hoàn cảnh khó khăn, giải pháp tốt nhất, nếu có thể, là hòa giải với nhau. Cộng đoàn tín hữu được mời gọi giúp họ sống đời Kitô hữu trong hoàn cảnh ấy, trung thành với dây liên kết hôn nhân không thể tháo gỡ được[12].
3. Vấn đề ly dị
Hầu hết các nước trên thế giới ngày nay đều có luật cho phép ly dị[13], và thực tế cho thấy: không những các gia đình lương dân xin ly dị mà nhiều người Công giáo cũng đã ly dị theo luật đời. “Hội Thánh trung thành với lời dạy của Đức Kitô: “Ai bỏ vợ mình mà lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình” (x. Mc 10,11-12) nên không thể chấp nhận việc ly dị. Nếu hôn nhân lần đầu đã thành sự, Hội Thánh không thể công nhận liên kết mới là thành sự[14].”
4. Tái hôn sau khi li dị
Nếu những người đã ly dị, tái hôn theo luật đời, họ rơi vào tình trạng khách quan đi ngược lại luật Thiên Chúa. Vì thế, bao lâu còn sống trong tình trạng này, họ không được rước lễ, đồng thời cũng không thể đảm nhận một số trách nhiệm trong Hội Thánh. Tuy nhiên, Hội Thánh rất mong họ hoán cải vì họ đã vi phạm đến dấu chỉ giao ước và sự trung thành với Đức Kitô, đồng thời họ phải cam kết sống tiết dục trọn vẹn, để được giao hòa nhờ bí tích thống hối[15].
“Đối với những tín hữu đang sống trong hoàn cảnh như vậy, mà vẫn giữ đức tin và ao ước giáo dục con cái theo tinh thần Công giáo, linh mục và cộng đoàn phải có thái độ ân cần đặc biệt, để họ đừng bị coi như đã tách lìa khỏi Hội Thánh và nếp sống đạo mà họ có thể và phải giữ vì đã được rửa tội: “Họ được mời gọi nghe Lời Chúa, tham dự hy tế thánh lễ, kiên trì cầu nguyện, góp phần vào các công cuộc bác ái và các sáng kiến của cộng đoàn để phục vụ công lý, giáo dục con cái trong đức tin công giáo, vun trồng tinh thần sám hối và làm các việc đền tội, để ngày qua ngày thành khẩn nài xin ân sủng Thiên Chúa[16].”
GHI NHỚ:
1. H. Hôn nhân trọn vẹn và không trọn vẹn là thế nào?
T. Hôn nhân trọn vẹn là hôn nhân đã thành sự, đã là một bí tích và đã ăn ở với nhau. Còn hôn nhân không trọn vẹn là khi thiếu một trong ba điều trên.
2. H. Hội Thánh có quyền tháo gỡ những cuộc hôn nhân đã trọn vẹn không?
T. Hội Thánh không có quyền tháo gỡ những cuộc hôn nhân đã trọn vẹn, vì đó là luật Thiên Chúa.
3. H. Hội Thánh có quyền tháo gỡ những cuộc hôn nhân nào?
T. Hội Thánh có quyền tháo gỡ những những cuộc hôn nhân không trọn vẹn, trong những trường hợp sau:
– Một là hôn nhân giữa hai người Công giáo, hoặc một người Công giáo và một người không Công giáo, đã thành sự nhưng chưa ăn ở với nhau.
– Hai là hôn nhân tự nhiên giữa hai người chưa được rửa tội. Đây là trường hợp thuộc “đặc ân thánh Phaolô”.
– Ba là có những cuộc hôn nhân vốn đã không thành sự ngay từ đầu, vì mắc phải một hoặc nhiều ngăn trở như đã kể ở trên.
4. H. Ly thân là gì?
T. Ly thân là khi hai người không còn chung sống với nhau, nhưng vẫn là vợ chồng.
5. H. Hội Thánh có thể cho ly thân không?
T. Trong một số trường hợp đặc biệt, Hội Thánh có thể cho ly thân.
6. H. Những người đã ly thân có được phép kết hôn với người khác nữa không?
T. Không, vì họ vẫn là vợ chồng trước mặt Thiên Chúa.
7. H. Hội Thánh có thái độ nào đối với những đôi vợ chồng đã ly dị và tái hôn?
T. Trung thành với lời dạy của Đức Kitô, Hội Thánh không chấp nhận việc ly dị, và cũng không công nhận hôn nhân mới là thành sự.
8. H. Hội Thánh mong ước gì nơi họ?
T. Hội Thánh ân cần mời gọi họ lắng nghe Lời Chúa, tham dự thánh lễ, cầu nguyện, thực thi bác ái, giáo dục con cái trong đức tin và sớm hoán cải.
GỢI Ý SUY NGHĨ:
1. Trong gia đình hay dòng họ anh chị có cặp vợ chồng đang lục đục với nhau, anh chị phải làm gì để giúp họ vượt qua giai đoạn khủng hoảng này?
2. Đối với những gia đình anh chị quen biết mà đã ly thân hay ly dị, Hội Thánh đề nghị anh chị làm gì để giúp đỡ họ, và bằng kinh nghiệm riêng, anh chị thấy đâu là việc cần phải làm ngay để nâng đỡ họï?
3. Đối với con cái của những gia đình bà con, bạn bè đã ly thân hay ly dị, anh chị có cách gì để giúp đỡ các cháu sống đạo và trở nên người tốt cho gia đình và xã hội không?
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, Chúa đã mời gọi chúng con sống giao ước tình yêu của Chúa qua đời sống hôn nhân và gia đình, để chúng con được hạnh phúc. Chúa cũng muốn chúng con trung thành sống yêu thương hiệp nhất trong gia đình để nói lên tình yêu trung thành của Chúa dành cho mọi người. Nhưng vì yếu hèn, chúng con đã bóp méo hình ảnh yêu thương nhân hậu của Chúa, khi chúng con làm cho gia đình rạn nứt và đổ vỡ. Xin Chúa thương ban ơn trợ giúp, ban Thánh Thần Tình Yêu đến để Ngài sửa lại những lệch lạc trong đòi sống gia đình và dùng lửa tình yêu của Ngài liên kết gia đình chúng con nên một. Amen.
—————————————————
[1] GĐ 4
[2] GLHT 2383; x. GL 1141
[3] GL 1141; 1061
[4] GL 1142
[5] x. GL 1143-1147
[6] GLHT 1625-1632, GL 1083 – 1094. 1108-1123
[7] GL 1152
[8] GL 1153 §1
[9] x. GL 1153 §1
[10] GL 1692
[11] x. GL 1085
[12]x. GLHT 1649; x. GĐ 83; GL 1151-1155
[13] x. Luật Hôn nhân và Gia đình chương IX: Ly hôn (điều 85-99)
[14] x. GLHT 1650
[15] x. GLHT 1650
[16] GĐ 84, GL 1651