Lời Chúa Ngày 15/10/2023: Chúa nhật 28 Thường niên năm A (Mt 22, 1-14) - Chọn và gọi

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

Lời Chúa Ngày 15/10/2023: Chúa nhật 28 Thường niên năm A (Mt 22, 1-14) - Chọn và gọi

Lời Chúa Ngày 15/10/2023: Chúa nhật 28 Thường niên năm A (Mt 22, 1-14) - Chọn và gọi

Này bạn, làm sao bạn vào đây
mà lại không có y phục lễ cưới ?”
Người ấy câm miệng không nói được gì.
(Mt 22,12)

BÀI ĐỌC I: Is 25, 6-10a

“Chúa mời đến dự tiệc của Người và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người, vì Người đã phán. Ngày đó, người ta sẽ nói: Này đây Chúa chúng ta. Đây là Chúa, nơi Người, chúng ta đã tin tưởng, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Người cứu độ, vì Chúa sẽ đặt tay của Người trên núi này.  

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Đáp: Trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài (c. 6cd).

Xướng:

1) Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. - Đáp.

2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. - (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con.  - Đáp.   

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.  - Đáp.     

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo con hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, con sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: Pl 4, 12-14. 19-20

“Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, tôi biết chịu thiếu thốn và biết hưởng sung túc. Trong mọi trường hợp và hết mọi cách, tôi đã học cho biết no, biết đói, biết dư dật và thiếu thốn. Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi. Nhưng anh em đã hành động chí lý khi san sẻ nỗi quẫn bách của tôi. Xin Thiên Chúa cung cấp dư dật những nhu cầu của anh em, theo sự phú túc vinh sang của Người trong Đức Giêsu Kitô. Vinh danh Thiên Chúa là Cha chúng ta muôn đời. Amen!

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Mt 22,1-14

1 Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: 2 Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. 3 Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. 4 Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới! 5 Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, 6 còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. 7 Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. 8 Rồi nhà vua bảo đầy tớ: Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. 9 Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới. 10 Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

11 Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, 12 mới hỏi người ấy: Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới ?” Người ấy câm miệng không nói được gì. 13 Nhà vua liền bảo những người phục dịch: Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! 14 Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.


Bài giảng của Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 28 Thường niên năm A:

 

CÂU HỎI TÌM HIỂU

1. Đọc ba dụ ngôn liên tiếp ở Mt 21,28-32; 21,33-46 và 22,1-10. Xin cho biết điểm giống nhau trong ba dụ ngôn trên.

2. Trong dụ ngôn hôm nay, ông vua, con trai của vua, các đầy tớ, quan khách đã được mời: những nhân vật trên đây tượng trưng cho ai?

3. Trong tiệc cưới, chú rể là ai?” Xem thêm Mt 9,15 và 25,1.

4. Bạn nghĩ gì về thái độ của nhà vua đối với khách mời? Đọc Mt 22,3-4.

5. Đâu là thái độ của các khách mời đối với nhóm đầy tớ thứ hai? Đâu là phản ứng của ông chủ? Đọc Mt 22,5-7.

6. Cuối cùng nhà vua đã cho các đầy tớ ra các nẻo đường (cc. 9-10), mời mọi người bất luận xấu tốt vào dự tiệc cưới của hoàng tử. Những người này tượng trưng cho ai vậy?

7. Đọc dụ ngôn Mt 22,11-14, bạn thấy có gì khó hiểu không?

8. Đọc sách Khải huyền 19,7-8. Từ đó cho biết ý nghĩa của « y phục lễ cưới » ở Mt 22,11-12.

 

GỢI Ý SUY NIỆM

Mỗi Chúa nhật, Chúa vẫn mời tôi đến chung vui với Ngài và dự bữa tiệc thánh do Ngài khoản đãi. Đâu là những bận tâm vì công việc khiến đôi khi tôi ngần ngại không muốn nhận lời? Trước khi tham dự Thánh Lễ, tôi có dành thời giờ để chuẩn bị cho mình y phục tử tế không?

 

PHẦN TRẢ LỜI

1. Ba dụ ngôn trên có những điểm giống nhau. Đức Giêsu nói cả ba dụ ngôn với các nhà lãnh đạo Do-thái giáo ở sân Đền thờ Giêrusalem. Trong cả ba dụ ngôn, ta đều thấy thái độ không tin, từ chối, chống đối Đức Giêsu của giới lãnh đạo tôn giáo hay của dân Do-thái : người con thứ hai không chịu vâng lời cha để đi làm vườn nho; các tá điền chẳng những không nộp hoa lợi mà còn giết các đầy tớ và con trai của chủ vườn nho; các khách được mời từ chối dự tiệc cưới cho hoàng tử (Mt 21,28 – 22,14). Trong cả ba dụ ngôn, đều có hình phạt cho thái độ trên đây của giới lãnh đạo : họ bị vào Nước Thiên Chúa sau các người thu thuế và gái điếm (Mt 21,31); các tá điền bị tiêu diệt và lấy lại vườn nho (Mt 21, 41); những người được mời dự tiệc cưới thì bị loại (Mt 22,7-8).

2. Trong dụ ngôn Tiệc Cưới, ông vua tượng trưng cho Thiên Chúa, con trai của vua là hình ảnh của Đức Giêsu (Mt 21,37; 22,2). Các đầy tớ được sai đến là các ngôn sứ trong Cựu Ước và Tân Ước. Quan khách được mời trước tiên là dân Do-thái (x. Mt 22,1-7), và sau đó là dân ngoại (x. Mt 22,8-10). Tiệc cưới tượng trưng cho bữa tiệc thiên sai được nói đến trong sách Isaia 25,6.

3. Chú rể của đám cưới là hoàng tử, con trai của vị vua trong dụ ngôn này (Mt 22,2). Trong Tin Mừng Mát-thêu, Đức Giêsu hay ví mình với chú rể. Khi ngồi ăn với những người tội lỗi, Ngài ví mình như chú rể, và ví các môn đệ như khách dự tiệc cưới (x. Mt 9,15). Trong dụ ngôn về mười trinh nữ, ta lại thấy chuyện tiệc cưới, trong đó chú rể đến trễ là chính Đức Giêsu (x. Mt 25,1.5). Như thế hình ảnh tiệc cưới với chú rể Giêsu là hình ảnh hay được Ngài sử dụng để nói về sứ mạng của mình. Đức Giêsu là nhân vật chính của tiệc cưới, Ngài đem đến cho nhân loại niềm vui dồi dào và hạnh phúc viên mãn của ơn cứu độ.

4. Nhà vua đã mời các quan khách tham dự tiệc cưới của hoàng tử (Mt 22,3). Gần đến ngày cưới, nhà vua lại sai các đầy tớ đến mời họ, cả thảy hai lần nữa. Lần đầu họ không muốn đến, không rõ vì lý do gì (Mt 21,3). Nhà vua không nản lòng, sai một nhóm đầy tớ khác đi mời lần thứ hai và thậm chí dạy họ cách mời (Mt 22,4).  Lời mời rất trân trọng, cho thấy lòng hiếu khách và cũng cho thấy sự chuẩn bị chu đáo của nhà vua cho bữa đại tiệc: «Này cỗ bàn ta đã dọn xong, bò tơ và bê béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Xin mời quý vị đến dự tiệc cưới!» (Mt 22,4). Chỉ cần đến tham dự thôi, vì sự hiện diện của quý vị là điều quan trọng cho bữa tiệc này. Ai cũng hiểu nhà vua có một niềm vui lớn lao và ông muốn chia sẻ niềm vui ấy cho các quan khách. Ông chỉ mong khách đến đông đủ để bữa tiệc được vui trọn vẹn.

5. Trước biến cố trọng đại của nhà vua và hoàng tộc, các quan khách được mời lại hững hờ, coi thường lời mời của nhà vua. Thái độ của họ cho thấy họ đang quan tâm về những chuyện khác mà họ coi là quan trọng hơn: chuyện đi thăm nông trại của họ hay chuyện đi buôn (Mt 22,5). Đây là một sự sỉ nhục đối với nhà vua khi thấy các quan khách đặt chuyện đời thường chẳng có gì quan trọng lên trên biến cố xảy ra một lần trong đời của con trai mình. Hơn thế nữa, có những khách mời còn bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ rồi giết đi (Mt 22,6). Thái độ độc ác này cũng giống với thái độ của các tá điền ở Mt 21,35-39. Rõ ràng các khách được mời thì « không xứng đáng ». Nổi cơn thịnh nộ, nhà vua đã tiêu diệt bọn khách mời sát nhân, hơn nữa còn thiêu hủy cả thành phố của chúng (Mt 22,7).

6. Những quan khách được mời ngay từ đầu tượng trưng cho phần lớn dân Do-thái. Khi dân này từ chối và trở nên không xứng đáng với bữa đại tiệc, thì nhà vua ra lệnh đi mời mọi người ở khắp nẻo đường, gặp ai tốt xấu cũng mời vào dự tiệc. Nhóm người được mời sau này tượng trưng cho dân ngoại và cho những người Do-thái biết mở lòng đón nhận. Đây là cái nhìn của Mát-thêu về ơn cứu độ phổ quát. Mọi người, cả Dân Do-thái lẫn Dân Ngoại, đều được mời dự tiệc của Chúa. Việc loan báo Tin Mừng không còn bị giới hạn nơi người Do-thái (x. Mt 10,5-6 ; 15,24) nhưng mở ra cho mọi dân tộc trên mặt đất (Mt 28,19).

7. Khi đọc dụ ngôn ở Mt 22,11-14, chúng ta thường đặt câu hỏi : tại sao nhà vua lại đòi một người phải mặc y phục lễ cưới, khi người ấy đang ở ngoài đường thì bất ngờ được gom vào phòng tiệc cưới ? Không nên hiểu áo cưới ở đây theo nghĩa đen. Áo cưới tượng trưng cho một cuộc sống công chính, nghĩa là làm những việc tốt lành. Những người được nhận vào Hội Thánh của Chúa, được ơn vào dự tiệc, thì không được tự hào như thể do công của mình, nhưng họ cũng cần phải có cuộc sống xứng hợp với ơn gọi kitô hữu. Trong dụ ngôn này, nhà vua đã không trừng phạt những người dự tiệc khác, nhưng chỉ trừng phạt anh này, và anh đã im lặng, chấp nhận mình có lỗi (Mt 22,12). Dụ ngôn ở Mt 22,11-14 là dụ ngôn nhắc nhở những ai đã ở trong Hội Thánh của Chúa cần sống cho xứng đáng với ơn gọi của mình.

8. Sách Khải huyền 19,7-8 nói đến Tiệc Cưới của Con Chiên là Đức Kitô, với vị Hôn Thê là Hội Thánh. Vị Hôn Thê này «mặc áo vải gai mịn sáng chói và tinh tuyền.» Sau đó chúng ta được giải thích: «Vải gai mịn là những việc công chính của các thánh.» Từ đoạn sách này, chúng ta có thể hiểu hơn về «y phục lễ cưới» trong Mt 22,11-12. Người được dự tiệc cưới hoàng tử, dù được mời đột xuất từ ngã ba đường, cũng cần có « y phục lễ cưới » là đời sống công chính.

Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong Chúa nhật 27 Thường niên năm A:

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Qua bài Tin Mừng, Ðức Giêsu trình bày dung mạo một vị vua hiền hậu lạ lùng: Ông tự ý mở tiệc, cho các đầy tớ hết lớp này đến lớp khác đi mời, dù khách được mời không thèm đến, lại còn giết các sứ giả được sai đến với họ.

Dung mạo vị vua càng hiền hậu bao nhiêu càng làm nổi bật sự vô ơn bất xứng của khách được mời bấy nhiêu. Họ tỏ ra khinh mạn, hổn xược với tấm lòng quảng đại của nhà vua: người không thèm đến, kẻ đến lại không mặc áo cưới...

Chúng ta cũng được Thiên Chúa mời gọi vào dự tiệc trong Nước Trời. Chúng ta đã đáp trả với thái độ nào ?

Cầu nguyện: Lạy Cha, chúng con rất muốn vào dự tiệc trong Nước Cha. Xin giúp chúng con biết can đảm và quyết tâm thay đổi chiếc áo cũ của chúng con, để mặc lấy áo cưới mới xinh đẹp là tâm hồn trong trắng. Xin cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu thương của Cha, để chúng con mau mắn đến với Cha trong bí tích hòa giải và Thánh Thể. Trong niềm hân hoan, chúng con mong chờ ngày được vào dự tiệc cánh chung của Cha. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giêsu Con Cha, Chúa chúng con. Amen.

Ghi nhớ: “Các ngươi gặp bất cứ ai, thì hãy mời vào dự tiệc cưới”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Dụ ngôn tiệc cưới:

- Tiệc cưới là Nước Trời

- Những khách được mới đợt đầu nhưng từ chối là dân do thái

- Những khách được mời đợt sau là chư dân

Trong dụ ngôn này có hai chi tiết hơi khó hiểu là:

- Vua ra lệnh phá hủy thành phố của những người không đáp lời mời: ám chỉ việc thành Giêrusalem bị phá huỷ năm 70.

- Một người vào dự tiệc mà không mặc áo cưới nên bị phạt: áo cưới chỉ nếp sống mới. Được gia nhập Nước Trời mà không có một nếp sống mới thì cũng sẽ bị phạt trong ngày phán xét.

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. So với dân Do thái, chúng ta chính là những người tốt có xấu có vất vơ ở các ngã ba đường nhưng được Chúa mời vào Giáo Hội. Hãy tạ ơn Chúa.

2. Câu chuyện người không mặc áo cưới là một lời cảnh giác chúng ta: để xứng đáng với tấm lòng của Chúa, chúng ta phải cố gắng hoán cải, có một nếp sống mới. Không phải nguyên việc ở trong Giáo Hội là bảo đảm cho ơn cứu độ đâu. Thánh Phaolô đã kêu gọi hãy từ bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới.

3. Tiệc cưới và áo cưới tượng trưng cho những tâm tình cơ bản mà người kitô hữu phải luôn có, đó là hân hoan, vui mừng và yêu thương.

Có người đã tưởng tượng ra thiên đàng và hoả ngục như hai bàn tiệc. Bàn tiệc dưới hoả ngục cũng mâm cao cỗ đầy, thế nhưng khách dự tiệc thì ngồi ủ rũ buồn thiu, bởi vì mỗi người đều cầm một đôi đũa dài đến độ thức ăn thì gắp được nhưng không thể nào đưa vào miệng. Bàn tiệc trên thiên đàng thì cũng y hệt, nhưng khác một điều là thay vì gắp thức ăn cho vào miệng mình, người ta lại gắp thức ăn đưa vào miệng người đối diện. Thế là vui vẻ cả, vì ai cũng được ăn no nê. (Mỗi ngày một tin vui)

4. Ngày nay chúng ta có thể đọc lại (relecture) dụ ngôn này và hiểu đợt khách được mời đợt thứ nhất là chính chúng ta

- Mọi sự đã sẵn, xin mời đến dự tiệc: Chúa dọn sẵn cho ta hai bàn tiệc là Thánh Thể và Lời Chúa. Đến đó, chúng ta sẽ được bồi dưỡng mọi thứ cần thiết. Thế nhưng rất nhiều lần chúng ta từ chối.

- Cũng như những người trong dụ ngôn, chúng ta coi việc đi thăm trạibuôn bán (những việc làm ăn, vui chơi) trọng hơn bàn tiệc của Chúa.

5. Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời không xứng đáng. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, mời ai cũng mời hết vào tiệc cưới. (Mt 22,89)

... Và tiếng còi của trọng tài đã vang lên, kết thúc trận đấu chung kết của khoa.

Và đó cũng là tiếng còi khai mạc cho những tràng vỗ tay, những niềm vui hân hoan của những cổ động viên (là những thành viên trong lớp tôi)

Trước đây tinh thần này không thấy được trong lớp tôi, các bạn trong lớp chia băng, kết bè ít quan tâm tới việc lớp, chuyện của bạn... mỗi người theo chủ nghĩa Mackeno (mặc kệ nó)

Đội bóng lớp tôi đã đạt được chức vô địch khoa. Nhưng cao quý hơn nữa là mỗi người đã phá vỡ cái tôi, bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới, con người của sự yêu thương, chăm sóc, con người của tình đoàn kết, hoà đồng.

6. Nhà vua sai những đầy tớ khác đi và dặn họ: Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng này cỗ bàn ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn sàng. Mời quý vị đến dự tiệc cưới. Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới lại bỏ đi... (Mt 24,4-5)

Kết thúc cuộc chiến, một người lính trẻ đã viết thư về cho cha mẹ báo tin ngày về: Thưa cha mẹ, con có người bạn từng chiến đấu sống chết với con, nay đã thành kẻ tàn phế. Chiến tranh cướp đi người bạn con đôi tay. Con muốn anh ta sống chung với gia đình mình để con có thêm người bạn. Người cha đã hồi âm: Không được con ơi, một người tàn phế như vậy thì có ích gì! Nhận được thư, người con đã quyết định không bao giờ trở về bởi vì con người tàn phế đó không ai khác, chính là anh!

Khác xa người cha trong câu chuyện, Chúa chẳng bao giờ chối bỏ con. Trái lại, Chúa vẫn tiếp tục gõ cửa nhà từng người chúng con để mời gọi chúng con dự phần vào sự sống và niềm vui của Chúa, nhưng nhiều khi chúng con đã khước từ. Xin tha thứ và cho chúng con luôn biết đến với Chúa với tấm lòng của người con thảo. (Hosanna)

7. Đạo của Đức Kitô là một cuộc chiến đấu, chứ không phải là một giấc mơ đẹp (Wendell Philips)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa, xin cho con biết đến với anh em, xóa bỏ mặc cảm tự ti, để có thể hoà nhịp với dòng người vào tiệc cưới trong nhà Cha. (Hosanna)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

DỰ TIỆC CƯỚI NƯỚC TRỜI

A. DẪN NHẬP

Bài Tin mừng hôm nay nói về bàn tiệc Nước trời. Qua dụ ngôn ấy, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta biết: Thiên Chúa yêu thương con người, Ngài mở rộng cửa để đón tiếp mọi người vào dự bàn tiệc Nước trời. Lời mời gọi có tính cách rộng rãi, Ngài mời gọi mọi người không trừ ai, dù tốt dù xấu, miễn là phòng tiệc phải đầy người.

Tuy thế, lời mời gọi đó còn chờ sự đáp ứng của từng người, mỗi người có quyền tự do, họ có thể chấp nhận hay từ chối. Trong thực tế, nhiều người đã từ chối lời mời gọi thật tình đó. Nhiều người đã từ chối, bằng cách viện ra những lý do không vào đâu, như bận đi xem ruộng vườn, bận đi buôn bán hoặc làm bất kỳ một công việc nào khác.

Trước sự từ chối của dân Chúa, Thiên Chúa quay sang dân ngoại, mời họ vào Nước trời cho thật đông, để họ được thưởng thức những cao lương mỹ vị mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho họ. Tuy nhiên, muốn vào dự tiệc Nước trời cũng phải có điều kiện: phải mặc áo cưới. Phải mặc y phục lễ cưới là phải có một sự hoán cải tâm hồn, để xứng đáng là công dân Nước trời.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Is 25,6-9

Tiên tri Isaia đã mô tả cho chúng ta hạnh phúc viên mãn trong thời sau hết. Đó là tiệc cưới mà Thiên Chúa dọn cho mọi người trên núi. Tiệc cưới có những cao lương mỹ vị, có bê béo, rượu ngon. Đấy là hình ảnh của hạnh phúc tối cao, mà những người bạn của Chúa sẽ được hưởng. Trong bữa tiệc đó, người dự không những được thưởng thức những thức ăn ngon, mà còn được cất khỏi mọi buồn sầu tủi hổ, tang chế.

Hình ảnh mà Isaia mô tả là hạnh phúc Nước trời được Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người không phân biệt ai.

+ Bài đọc 2: Pl 4,12-14.19-20

Ở trong tù, thánh Phaolô viết thư gửi cho tín hữu Philipphê cho họ biết: những sự giúp đỡ vật chất của họ cũng không cần lắm, vì một mặt Ngài đã quen sống trong cảnh thiếu thốn về vật chất, hơn nữa, có Chúa giúp đỡ để ngài thắng lướt được mọi nghịch cảnh. Ngoài ra, ngài vẫn trân trọng lòng hảo tâm của tín hữu đã giúp đỡ ngài. Tất cả những sự giúp đỡ ấy đều đáng quý, và Ngài xin Chúa đền đáp xứng đáng tấm lòng thơm thảo của họ.

+ Bài Tin mừng: Mt 22,1-14

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn tiệc cưới để cho biết: Thiên Chúa muốn ban hạnh phúc Nước trời cho dân Do thái, dân ưu tuyển của Ngài, nhưng rất tiếc họ đã từ chối, vì họ chuộng những giá trị trần gian hơn. Trước sự từ chối đó, Thiên Chúa đã mời những người ngoại đạo vào Nước trời thay cho dân Do thái, dân này đã từ chối không chịu vào Nước trời, vì họ đã bị các nhà lãnh đạo dẫn đường sai lạc.

Tuy nhiên, muốn vào Nước trời phải có điều kiện: phải mặc áo cưới. Áo cưới đây ám chỉ sự hoán cải tâm hồn, một tâm hồn trong sạch, một tấm lòng bác ái yêu thương và một đức tin vững mạnh.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Đến dự tiệc Nước trời

I. TÌM HIỂU DỤ NGÔN

1. Phong tục tổ chức tiệc cưới

a) Việc mời chia thành hai giai đoạn

Những công việc diễn tiến trong dụ ngôn này hoàn toàn phù hợp với phong tục bình thường của dân Do thái. Đối với những bữa tiệc cưới, khi thiệp mời được gửi đi, thì thời giờ không được xác định rõ, và khi mọi việc đã xong đâu vào đấy, thì những người giúp việc mới ra đi mời lần cuối cùng xin quan khách đến dự. Như vậy, vị vua trong câu truyện này đã gửi thiệp mời dân lâu rồi, nhưng đến khi mọi việc sẵn sàng, thì lời mời cuối cùng mới gửi đến và đã bị người ta từ chối.                                 Truyện: Tiệc cưới hoàng tử

Mùa xuân năm 1947, cả thế giới chú ý tới hàng tin lớn trên báo chí cho biết: công chúa Elizabeth của nước Anh sẽ đẹp duyên với hoàng tử Philippe, người Hy lạp. Cuộc tình duyên này quan trọng, bởi vì công chúa Elizabeth sẽ lên ngôi kế vị vua cha, trị vì không những trên vương quốc Anh và Bắc Ái Nhĩ Lan, mà còn đứng đầu Khối Thịnh Vượng Chung, gồm trên 50 quốc gia lớn nhỏ như Ấn Độ, Canada, Úc, Tân Tây Lan... Ai cũng tò mò theo dõi lễ cưới lịch sử này. Cuộc lễ được tổ chức ngày 20.11.1947 tại tu viện cổ kính Westminster, nơi chôn cất các bậc vương quân và những nhân vật lớn nước Anh. Người ta không những theo dõi những nhân vật chính là cô dâu chú rể, mà còn chăm chú điểm danh từng nhân vật lớn trên thế giới. Không ai được mời tới dự mà muốn vắng mặt, từ những vị nguyên thủ quốc gia đến các vị thủ tướng và các nhà chính trị, từ những nhà quí tộc đến những nhà tỷ phú. Nói tắt, tất cả những nhân vật quan trọng hàng đầu của nước Anh và nhiều nước trên thế giới đều lấy làm vinh dự được mời và được xuất hiện trong lễ cưới long trọng đó (Lm. Phạm Văn Phượng, Chia sẻ Tin mừng năm A, tr 215).

b) Khách được mời tham dự

Theo phong tục của nhiều dân tộc xưa, tiệc cưới hoàng tử chẳng những các đại thần được ưu tiên mời, mà còn tất cả thần dân đều được hưởng lộc của nhà vua. Tiệc cưới hoàng tử Nước trời chẳng những ưu tiên cho dân tộc Do thái, mà còn cho toàn thể muôn dân, vì toàn thể nhân loại đều là thần dân của Ngài. Như tiên tri Isaia đã loan báo: “Chúa tể trời đất sẽ thiết tiệc đãi muôn dân”.

2. Ý nghĩa dụ ngôn

a) Đối với người Do thái

Đây là lời tố cáo đối với người Do thái: Quan khách đã được mời nhưng đến giờ lại từ chối không đến. Họ tiêu biểu cho người Do thái. Từ xưa họ đã được Thiên Chúa mời gọi làm dân tuyển chọn của Ngài, nhưng khi Con Chúa Trời xuống thế gian, và họ được mời gọi theo Ngài, tin nhận Ngài, thì họ lại khinh dể, đã từ chối lời mời đó. Rốt cuộc lời mời của Thiên Chúa đến trực tiếp với những tội nhân và người ngoại bang, là những kẻ không bao giờ có kỳ vọng được mời vào Nước trời.

Còn một chi tiết nữa là vua thịnh nộ với kẻ từ chối, lại còn sỉ nhục và giết các đầy tớ của vua, nên sai quân đi diệt những kẻ không nhận lời mời và đốt thành của chúng. Chi tiết này dường như không ăn nhập với việc mời dự tiệc cưới. Nhưng chúng ta nhớ lại, khi Mátthêu viết sách Phúc âm của ông vào giữa năm 80-90 SC, những gì đã xảy ra trong thời gian giữa lúc Chúa Giêsu sống và lúc viết sách Phúc âm ? Câu trả lời là: kinh thành Giêrusalem bị quân Rôma phá huỷ khoảng năm 70 SC. Giêrusalem thực sự bị tàn phá, không còn hòn đá nào trên hòn đá nào, đền thờ bị cướp phá và bị đốt, tại hoạ này đã đến cho những kẻ không nhìn nhận Con Thiên Chúa, khi Ngài đến trong thế gian.

b) Đối với mọi thời đại

Lời mời gọi trong dụ ngôn này là lời mời gọi của Thiên Chúa đối với mọi người chúng ta. Được mời gọi vào dự tiệc cưới, tiệc cưới Con Thiên Chúa, là một vinh dự lớn lao, lại không phải mất tiền. Khi Kitô hữu được mời là được mời đến để vui vẻ, và chúng ta sẽ mất niềm vui, nếu chúng ta không nhận lời mời.

Nhưng nhiều khi chúng ta lại từ chối lời mời gọi của Chúa, vì những lý do chẳng ra cái gì, như đi thăm ruộng, đi buôn bán... Người ta dễ bận rộn với điều tạm bợ, và quên những điều liên quan tới đời đời. Quá bận tâm với những điều mắt thấy được, thì dễ quên với những điều mắt không thấy được. Quá chăm chú nghe những lời mời gọi của thế gian, thì khó nghe được tiếng gọi êm dịu của Thiên Chúa.

Lời mời gọi của Chúa dành cho ta là lời mời gọi của ân sủng. Những kẻ được qui tụ là những nẻo đường không có quyền đòi hỏi gì nơi nhà vua cả. Họ không bao giờ có thể ngờ rằng: mình sẽ được dự tiệc cưới và càng không xứng đáng để dự tiệc đó. Những việc xảy đến với họ, không bởi điều gì khác hơn là lòng quảng đại của nhà vua mở rộng đôi tay đón tiếp họ. Bởi ân sủng, lời mời được ban ra, bởi ân sủng mà người ta được nhóm lại.

3. Dụ ngôn chiếc áo cưới

Chúng ta có thể coi chiếc áo cưới là phần nối tiếp của dụ ngôn khách mời dự tiệc, hoặc coi như là một dụ ngôn riêng. Tuy coi như dụ ngôn riêng, nhưng cũng là câu chuyện nối tiếp và giải rộng ý nghĩa câu chuyện trước, trong câu chuyện ở đây có một thực khách đến dự tiệc của nhà vua, nhưng không chịu mặc lễ phục.

Thuần phong mỹ tục coi lễ cưới là ngày lễ trọng đại của gia đình, tất nhiên có nghi thức long trọng với những trang phục đẹp đẽ chỉnh tề. Những hạng người bê bối thô lỗ tục tằn, vô lễ, vô kỷ luật đều bị loại bỏ, vì nó bôi nhọ nếp sống văn hoá trong sáng và đạo đức.

Nếu ai nhận dụ ngôn chiếc áo cưới gắn liền với dụ ngôn trên thì thắc mắc: ra đường mời vào, ở giữa ngã ba đường cái thì làm gì có áo cưới ? Trả lời cho thắc mắc đó, ta để ý: người đó không chữa tội gì cả, là dấu anh ta có lỗi, không cần biết nguyên do. Theo thói quen, thời xưa khách qua cửa đã có người trao áo cho, không biết người Do thái có thói quen nào ? Có áo mà không mặc là lỗi tại mình, vì thế nên không mở miệng chữa tội được câu nào.

Muốn vào dự tiệc cưới thì tối thiểu phải có y phục lễ cưới. Theo thánh Mátthêu, muốn vào dự tiệc cưới trong nước Thiên Chúa thì mỗi người phải nhận thức rằng: Giáo hội càng ngày càng đông, nhưng Giáo hội không phải là quán cơm bình dân, ai vào cũng được, không có một chút điều kiện tối thiểu. Đành rằng Chúa rất thương kẻ có tội, và Giáo hội của Ngài đầy tội nhân hơn là các vị thánh, nhưng dù sao, muốn vào Giáo hội, Chúa cũng đòi hỏi có sự ước muốn trở lại chân thật, một “chiếc áo trắng rửa tội”, một sự ao ước “mặc lấy Chúa Kitô”.

Theo ý kiến của một số giáo phụ, chiếc áo cưới ám chỉ đức ái, tối thiểu là cuộc sống ăn ngay ở lành. Còn theo ý kiến của các nhà chú giải Thánh kinh hiện đại, thì chiếc áo cưới ám chỉ sự hoán cải hay sự trở về, tức là tinh thần sám hối chân thật.

II. BÀI HỌC CHO CHÚNG TA

1. Dấn thân gia nhập vào Hội thánh

Thiên Chúa mời gọi ta: Ngài muốn có những người tham dự tiệc cưới đó. Ngài có sáng kiến trước. Lời mời gọi đó được chuyển đến ta qua các vị sứ giả của Chúa, nhất là Chúa Kitô. Chúa Kitô đến trên trần gian để mời gọi ta và sửa soạn cho ta có bộ áo cưới, tức là cứu rỗi ta. Việc sửa soạn áo cưới được cụ thể hoá bằng việc mến Chúa yêu người, tức là đời sống đức tin nhờ ơn thánh.

Nhân loại chúng ta đáp lại lời mời gọi qua trung gian là Chúa Kitô và Giáo hội. Chúng ta đến dự tiệc cưới không phải với tính cách là “khách” mà thôi, nhưng còn với tư cách là con cái trong gia đình, nhờ đó sự vui vẻ thân mật càng tăng thêm. Hiện thời bữa tiệc đó đã bắt đầu nhờ Chúa Kitô, vì ta đã có ơn thánh và hằng ngày tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể chờ ngày Chúa lại đến.

Tuy chấp nhận lời mời gọi của Chúa đâu phải là sự dấn thân mang tính chất nhất thời. Đó là một tiến trình đòi hỏi phải liên tục dấn thân và thích ứng, bởi vì cuộc sống thường nhật rất dễ khiến chúng ta sao lãng và bỏ quên mất sự sống đời đời, bởi vì thức ăn tầm thường của cuộc đời này dễ nhét đầy bụng chúng ta và làm cho chúng ta quên đi bữa tiệc vĩnh cửu.

Chấp nhận lời mời của Chúa không chỉ là vấn đề gật đầu một lần rồi sau đó quên tuốt đi, và việc này giống như câu nói “Tôi đồng ý” trong hôn nhân. Câu “tôi đồng ý” này đâu phải là điểm kết cho một tiến trình, mà chính là điểm khởi đầu. Nhận lời Chúa cũng giống như tốt nghiệp đại học, bởi vì sự tốt nghiệp không phải là điểm kết thúc cho công cuộc học vấn, mà chỉ là bệ phóng cho sự học hỏi tiến xa hơn mà thôi.

2. Dự tiệc Thánh Thể hằng ngày

Qua các bài đọc Chúa nhật hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta tham dự bữa tiệc của Nước trời. Trong Thánh kinh, nhiều bữa được nhắc đến: như bữa ăn tổ phụ Abraham khoản đãi ba người khách lạ dưới lều vải (St 18,1-8), như bữa tiệc người cha già mừng người con đi hoang trở về (Lc 15,22-32). Chúa Giêsu đã đi dự đám cưới ở làng Cana (Ga 2,1-10), Ngài cũng dọn bữa ăn cho các môn đệ sau một đêm lao lực (Ga 21,1-14), cho dân chúng được ăn no nê từ 5 chiếc bánh và 2 con cá. Tất cả để báo hiệu bữa tiệc Thánh Thể.

Thì, hôm nay, tiên tri Isaia ví Nước trời như một bữa tiệc mà Chúa khoản đãi mọi dân tộc, nhất là những ai đói khát tự do, công chính. Chúng ta cũng hãy sốt sắng tham dự vào bữa tiệc thánh là Lời Chúa và Thánh Thể, hãy “hân hoan vì Chúa khoản đãi và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt”.

3. Y phục xứng kỳ đức

Tục ngữ Pháp có câu: “La soutane ne fait pas un moine”: chiếc áo dòng không làm nên ông thầy tu. Câu tục ngữ ấy có ý nói rằng: muốn trở thành một tu sĩ thực thụ, thì cần phải có đời sống xứng đáng với bậc tu của mình. Người ta quí trọng tu sĩ là do đời sống thánh thiện của họ, chứ không phải do cái áo của họ. Cho nên quần áo thì phải đi đôi với đức độ, nghĩa là phải có cả bề trong lẫn bề ngoài.

Cung cách một người thể hiện tinh thần của người đó. Khi đến thăm một người bạn, ta sẽ không mặc bộ đồ làm vườn mà đến. Chúng ta biết rõ rằng quần áo không thành vấn đề đối với bạn chúng ta, cũng không phải chúng ta muốn trình diễn, nhưng vì vấn đề phải tôn trọng, nên chúng ta đến nhà bạn một cách gọn gàng và chỉnh tề. Chuẩn bị trước như thế là chúng ta bày tỏ cảm tình và sự tôn trọng của mình đối với bạn.

Đối với nhà của Chúa cũng vậy, ví dụ này không quan hệ gì đến việc ăn mặc của chúng ta khi đến nhà thờ để trình diễn, nhưng cần có trang phục cho linh hồn, tấm lòng và tâm trí của chúng ta. Đó là sự khao khát, trông đợi, lòng khiêm nhường và thống hối, đức tin và sự tôn kính. Đây là bộ áo lễ nếu không mặc vào, thì sẽ không dám đến gần Chúa. Điều thường xảy ra là chúng ta hay đến nhà Chúa, mà không sửa soạn chút nào. Nếu mỗi người chúng ta đều sửa soạn trước khi đến nhà thờ, bằng lời cầu nguyện ngắn, suy nghĩ và tự kiểm điểm bản thân, thì sự thờ phượng mới đúng là sự thờ phượng thật. Một sự thờ phượng đem lại nhiều tốt lành cho tâm hồn mỗi người, cho Hội thánh và cho thế giới.

Chúng ta đã nhận lời mời của Chúa mà vào dự tiệc Nước trời. Đây là một vinh dự lớn lao Chúa dành cho ta. Nhưng vinh dự ấy đòi chúng ta phải vươn lên bằng một đời sống lành thánh, một đời sống kết hợp với Chúa, để có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Trách nhiệm của chúng ta là phải giữ mình, không để cho vật dục hay của cải trần gian lôi kéo xuống giống như con vật, ngược lại phải vươn lên làm con cái ánh sáng, để xứng đáng là công dân Nước trời.

Truyện: Đại bàng con

Chuyện kể rằng: Có một con gà rừng đang ấp trứng, nhưng lẫn trong ổ của nó một trứng đại bàng. Đúng ngày giờ, trứng nở thành con. Đại bàng con nô đùa vui vẻ bên đàn gà rừng như anh chị em ruột.

Một ngày kia, đang bưới móc kiếm ăn cùng đàn gà rừng, đại bàng con bỗng thấy một con đại bàng lớn bay lượn trên không trung thật oai phong và đẹp mắt. Cậu liền hỏi gà mẹ:

- Mẹ ơi, sao mình không bay như chim kia trên trời ?

- Chúng ta đâu phải đại bàng mà bay được!

- Thế chúng ta là ai ?

- Chúng ta là gà rừng!

Bỗng một ngày, đang khi bươi móc kiếm ăn trên đống rác cậu lại thấy đại bàng mẹ bay lượn trên đầu gọi:

- Bay lên con ơi, bay lên đại bàng con của mẹ. Thế giới của con là trời cao đất rộng, chứ không phải là đống rác này! Bay lên đi con!

Cậu cố bay lên, nhưng lại rơi xuống. Trong khi các chú gà rừng cười cợt chế nhạo:

- Chúng ta là gà rừng, làm sao mà bay được.

Cậu suy nghĩ, nếu ta là gà rừng, sao đại bàng kia cứ bảo ta là đại bàng con. Và khi bay lên, ta thấy cũng đâu có khó khăn gì, có lẽ chưa quen thôi. Nào hãy thử lần nữa xem.

Thế là cậu đại bàng đủ lông đủ cánh bay lên, và bay lên mãi. Cậu bay theo mẹ về một chân trời mới. Lần đầu tiên trong đời, cậu được nhìn thế giới từ trên cao, lòng cậu mênh mang, hạnh phúc ngập tràn (Thiên Phúc, Như Thầy đã yêu, năm A, tr 145-146).

Kitô hữu là người được Thiên Chúa tuyển chọn, làm con cái của Ngài. Họ là những con đại bàng, luôn ngước mắt nhìn cao, mong bay lên cùng Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương. Họ luôn sống trong tâm tình của thánh Augustinô: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa. Tâm hồn con luôn thao thức cho tới khi nào được nghỉ yên trong Chúa”.

Đừng bao giờ nghĩ mình là giống gà rừng, để cúi đầu bươi móc, an phận với những hạnh phúc nhỏ nhoi tầm thường. Tuy được những con sâu bọ là miếng mồi ngon đấy, nhưng chúng cũng nằm trên đống rác, đống phân. Chúng ta hãy vươn mình lên, vươn lên mãi cho tới trời cao, nơi quê hương thật của chúng ta ở đó.

Chúng ta hãy thực hiện lời thánh Phaolô đã dạy: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21).

 

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

Mt 22,1-14

KHÔNG XỨNG ĐÁNG

Bài Tin Mừng tuần trước làm chúng ta sửng sốt

vì chẳng những các tá điền không nộp hoa lợi đúng thời,

lại còn bắt giết các đầy tớ và cả con trai của chủ vườn nho.

Bài Tin mừng hôm nay làm chúng ta kinh ngạc không kém.

Chẳng có gì vui bằng tiệc cưới,

hơn nữa lại là tiệc cưới được vua tổ chức cho hoàng tử.

Nhà vua hẳn đã chuẩn bị chu đáo cho biến cố lớn lao này.

Vua đã mời nhiều quan khách đến tham dự.

Hân hạnh biết bao cho những ai được nhà vua mời!

Họ có mong ngày ấy mau đến không ?

Khi ngày ấy đến, nhà vua sai đầy tớ nhắc lại lời mời.

Nhưng các quan khách ngoan cố không muốn đến.

Một nhóm đầy tớ thứ hai được sai đi,

lặp lại lời mời của nhà vua, cho biết cỗ bàn đã sẵn sàng,

Nhưng các khách mời lại nhún vai bỏ đi,

vì họ đang bận tâm làm một việc khác.

Kẻ thì đi thăm nông trại, kẻ thì đi buôn.

Có kẻ lại túm lấy các đầy tớ của vua mà hành hạ rồi giết đi.

Chúng ta không hiểu tại sao

đi thăm nông trại hay đi buôn lại cần gấp đến thế,

và quan trọng hơn cả chuyện dự tiệc cưới của hoàng tử.

Tại sao các khách mời lại có thể bỏ qua một vinh dự như vậy ?

Nhà vua và hoàng tử hẳn thấy mình bị coi thường,

khi việc tổ chức tiệc cưới hoàng gia bị thất bại.

Các vị khách không muốn chia sẻ niềm vui lớn của nhà vua.

Họ không đáp lại sự trân trọng mà nhà vua dành cho họ,

nên họ không xứng đáng được dự tiệc nữa.

Và những kẻ giết đầy tớ của vua sẽ bị trừng phạt đích đáng.

Tiệc cưới vui của hoàng tử hóa ra chuyện buồn, đầy chết chóc.

Nhưng nhà vua không muốn tiệc cưới bị thất bại.

Phải mời người khác đến dự thay cho các khách đã từ chối.

Và một lần nữa, các đầy tớ lại đi khắp các ngả đường để mời.

Gặp ai cũng mời, bất luận tốt xấu.

Các người được mời lần này không phải là những vị khách quý,

nhưng là những người tình cờ gặp ngoài đường.

Và họ đã mau mắn đáp lại ngay,

nên chẳng mấy chốc phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

Thiên Chúa thích chia sẻ niềm vui với con người.

Ngài mời con người đến dự tiệc hiệp thông để được cứu độ.

Không phải chỉ mời một đôi lần, nhưng mãi mãi cho đến tận thế.

Trong dụ ngôn này, nhà vua tượng trưng cho Thiên Chúa,

Con của vua là Đức Giêsu,

đầy tớ là các ngôn sứ và môn đệ Ngài sai trước và sau phục sinh,

quan khách là dân Ítraen hay các nhà lãnh đạo Do-thái giáo.

Thiên Chúa mời dân Ngài đến dự tiệc cưới của Người Con,

nhưng họ đã đưa ra những lý do để từ chối.

Hôm nay, các kitô hữu vẫn được mời đến dự tiệc vui,

và chúng ta cũng có thể nại ra nhiều lý do để từ chối.

chuyện làm ăn, chuyện gia đình gấp gáp hơn chuyện ăn cưới.

Lời mời của Thiên Chúa bị coi nhẹ hơn bao mời mọc hàng ngày.

Món ăn trần gian hấp dẫn hơn món ăn do trời thiết đãi.

Các kitô hữu là những người từ mọi nẻo đường thế giới

đã chấp nhận lời mời, đã được vào tận phòng tiệc cưới.

Tiếc thay có người lại không mặc y phục lễ cưới cho đàng hoàng.

Y phục này là việc sống công chính theo Bài Giảng trên núi.

Chỉ mong chúng ta không chỉ được gọi, mà còn được chọn (Mt 22,14).

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,

Lắm khi con thấy mình thiếu lịch sự với Chúa,

nhưng lại khá lịch sự với người đời.

Con thường sợ làm người khác buồn,

sợ mình cư xử thiếu tế nhị,

nhưng con ít nghĩ đến chuyện làm vui lòng Chúa.

Con thường làm những gì con thích,

dù biết Chúa không ưa.

Con hay bắt Chúa phải đợi con,

vì con thường đặt Chúa sau nhiều thụ tạo khác.

Xin cho con lịch sự hơn với Chúa,

niềm nở đón Chúa vào nhà như ông Da-kêu,

và chú tâm như chị Maria ngồi lắng nghe Lời Chúa.

Để nếu con không thể tiếp Chúa như một vị khách quý,

thì ước gì con biết đón Chúa như một người bạn thân.

 

5. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Kurt Emmerich - bác sĩ giải phẫu trong quân đội của Đức, đã kể câu chuyện sau đây về một kinh nghiệm ông đã trải qua ở biên giới Nga. Hàng ngàn thương binh đã được ông giải phẫu tại bệnh viện dã chiến, nhưng chỉ có một trường hợp làm ông không bao giờ quên. Người lính trẻ đó được đưa vào bệnh viện với một khuôn mặt bị vỡ tan nát. Bác sĩ phải làm việc rất nhiều ngày để sửa lại khuôn mặt của anh với tất cả nỗ lực có thể được qua hàng loạt những phẫu thuật cấy và ghép da.

Trong lần giải phẫu cuối cùng, bác sĩ đã phải khâu nối kết toàn thể các phần còn lại với nhau ở khóe miệng của bệnh nhân. Những y tá phụ đã giúp cho anh thương binh ngồi lên. Vì thuốc tê chung quanh miệng bệnh nhân vẫn còn hiệu quả, nên bác sĩ nói với anh: “Bây giờ công việc đã hoàn tất, chúng tôi muốn nghe anh phát biểu một điều gì với môi miệng mới của anh”.

Anh thương binh trẻ từ từ cử động những bắp thịt quanh miệng một cách rất cẩn thận và rồi với nụ cười mỉm đầu tiên của anh, miệng anh uốn theo những chữ: “Cám ơn” (Theo Nguyễn Văn Thái, Sống Lời Chúa… năm C, tr. 343).

Suy niệm

Tin mừng Luca 17,11-19 gợi lại trong tâm hồn chúng ta tâm tình sống nhớ ơn, tạ ơn. Tinh thần này không chỉ là nét đẹp trong đời sống nhân văn mà còn là giá trị cao quý của tâm tình đức tin: Chúa Giêsu đánh giá cao lòng biết ơn qua biến cố Ngài chữa lành mười người bị phong hủi nhưng chỉ có người Samaria ngoại đạo quay lại tạ ơn Ngài và ca tụng Thiên Chúa.

Chính Chúa Giêsu luôn sống trong tâm tình tạ ơn: Mỗi khi làm việc, Ngài cũng tạ ơn chúc tụng Chúa Cha, Ngài tạ ơn Chúa Cha khi làm cho Ladarô phục sinh (x. Ga 11,41-42), Ngài tạ ơn Cha khi làm phép lạ bánh (x. Mt 15,36; Mc 8,6...). Chúa Giêsu trở nên gương mẫu cho chúng ta về đời sống tâm tình tạ ơn mỗi ngày. Thánh Phaolô học tập gương Thầy Chí Thánh thể hiện qua các thư gửi các giáo đoàn, Ngài luôn tạ ơn Thiên Chúa, Ngài nhớ ơn sự quảng đại các cộng đoàn đã quảng đại giúp đỡ Ngài trên đường sứ vụ và Ngài cũng mời mỗi người tín hữu sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa với Ngài.

Sống tâm tình tạ ơn trong đời sống là một nét đẹp nhân bản và tác động của tâm tình đức tin. Tôi và bạn có được ngày hôm nay là do công lao của biết bao bàn tay và tâm hồn đưa chúng ta vào đời. Trước hết phải kể đến ơn tạo dựng của Thiên Chúa, không lạ gì khi Kinh Thánh có rất nhiều Thánh Vịnh, bài ca ca tụng Thiên Chúa, cụ thể như những câu Thánh Vịnh: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho ?” (Tv 116,12); “Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở” (Tv 117,1)... Chúng ta phải mang bổn phận biết ơn, vì “Từ nguồn sung mãn của Người (Đức Giêsu), tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16).

Cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả những gì chúng ta có được trong đời, dù rằng như Kinh Tiền tụng trong thánh lễ nhấn mạnh: “Cha không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Cha lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Cha, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời” (Kinh Tiền tụng IV). Sống trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, chính lời tạ ơn trở nên hoa trái ân sủng cho chúng ta như phương pháp “Hồi tâm” của thánh Ignaxiô, nhấn mạnh đến tâm tình tạ ơn, tâm tình này giúp con tim chú ý đến những món quà mà chúng ta nhận được trong ngày. Nhờ đó cuộc sống của chúng ta với thiên nhiên, với anh chị em, với bạn bè và thế giới xung quanh, đặc biệt với Thiên Chúa sẽ được sung mãn và dồi dào hơn trong tình yêu.

Hãy ghi nhận và biểu lộ lòng biết ơn với những người thân quen sống bên ta... Lòng biết ơn gắn kết chúng ta trong tình yêu, như là những bông hoa nhỏ chớm nở xua đuổi mùa đông băng giá nơi tình người và bắt đầu nảy nở “mùa xuân” trong cuộc sống mỗi ngày.

Ý lực sống

“Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ,
Kể ra đây muôn việc lạ Chúa làm.
Mừng Ngài, con hân hoan nhảy múa,
đàn hát kính danh Ngài, lạy Ðấng Tối Cao”.
(Tv 9,2-3)

Tag:

2023-10-15

Lời Chúa Hôm Nay
Đọc Kinh Sáng
Lịch Công Giáo