Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng:
“Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy ?” (Mt 9,11)
BÀI ĐỌC I: Ep 4, 1-7. 11-13
“Chu toàn chức vụ, xây dựng thân thể Chúa Kitô”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, tôi là tù nhân trong Chúa, tôi khuyên anh em hãy ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em đã lãnh nhận. Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái; hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc: Chỉ có một thân thể và một tinh thần, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Đấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và ở trong mọi người.
Nhưng mỗi người trong chúng ta đã được ban ơn tuỳ theo lượng Đức Kitô ban cho. Và chính Người đã ban cho kẻ làm Tông đồ, người làm Tiên tri, còn kẻ khác thì rao giảng Tin Mừng, kẻ khác nữa làm chủ chăn và thầy dạy, để tổ chức các thánh nhân nên hoàn bị hầu chu toàn chức vụ, xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi mọi người chúng ta hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm vóc của Đức Kitô viên mãn.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 18, 2-3. 4-5
Đáp: Tiếng chúng đã vang cùng trái đất (c. 5a).
Xướng:
1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp của Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia. - Đáp.
2) Đây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu. - Đáp.
Tin mừng: Mt 9, 9-13
9 Bỏ nơi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mátthêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.
10 Khi Đức Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ.
11 Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?”
12 Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. 13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu đang trên đường tìm kiếm và kêu gọi từng người sống đời thánh thiện đạo đức. Ta hãy có thái độ sẵn sàng và mau mắn đáp lại lời kêu mời ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, ơn gọi của thánh Mát-Thêu là một ơn gọi riêng tư. Giữa cảnh chợ đời, giữa bao huyên náo của xã hội, Chúa đã kêu mời chỉ mình ngài mà thôi. Chúa đã nhìn thấy và quý trọng tâm hồn Thánh Mát-Thêu, cho dù bề ngoài, Ngài chỉ là một kẻ bị xã hội loại trừ. Ơn gọi của thánh Mát-thêu cũng là ơn gọi của con hôm nay. Chúa đang kêu mời con đi theo Chúa, sống với Chúa, thực hiện những điều Chúa truyền dạy.
Lạy Chúa, khi được Chúa kêu mời, thánh Mát-thêu đã lập tức đứng dậy đi theo Chúa. Ngài đã bỏ lại sau lưng một quá khứ không mấy tốt đẹp để khởi đầu một cuộc đời mới với Chúa. Ngài không mặc cảm tội lỗi, nhưng một niềm tin tưởng vào lòng Chúa yêu thương. Xin Chúa giúp con biết can đảm dứt khoát với những thói hư tật xấu của con. Xin giúp con dứt khoát sống tốt hơn bằng cách làm những việc lành, bằng cách siêng năng gặp gỡ Chúa trong những giờ kinh nguyện, và đến với Chúa nơi mọi người anh em.
Và dù cuộc đời quá khứ của con vương mầu đen tối, Chúa cũng sẽ làm cho tâm hồn con trong sáng và mới vẻ hoàn toàn. Con chỉ xin được sẵn sàng và mau mắn đứng dậy bước theo Chúa. Xin Chúa thương ban ơn để con không mặc cảm tội lỗi, nhưng luôn tin tưởng vào lòng Chúa xót thương.
Lạy Chúa, vì yêu thương con, Chúa đã lên đường đến với con. Chúa đang đi tìm và kêu gọi con đi theo Chúa. Xin cho con trung thành bước theo Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Hãy theo Ta”. - Và ông ấy đứng dậy đi theo Người.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Thánh Matthêu tường thuật về việc Chúa Giêsu kêu gọi chính ông :
- Ông là một người thu thuế tội lỗi.
- Chính Chúa Giêsu là người đi bước trước tới với ông : “Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy… Ngài phán bảo ông…”
- Bởi thế ông rất mừng và nhanh chóng đáp lời : “Ông đứng dậy và đi theo”.
- Ông mừng đến nỗi ngay sau đó mở tiệc khoản đãi Chúa Giêsu và các bạn thu thuế của mình.
- Qua kinh nghiệm này, Matthêu hiểu Chúa Giêsu là thầy thuộc của những kẻ tội lỗi bệnh tật linh hồn : “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính nhưng để kêu gọi người tội lỗi”.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Bản thân tôi cũng là một người tội lỗi đã được Chúa thương kêu gọi đi theo Ngài. Lẽ ra tôi phải luôn nhớ mãi hồng ân ấy và cũng quảng đại với những người tội lỗi như tôi. Thế nhưng hình như khi tôi được Chúa gọi rồi thì tôi liền quên ngay chuyện đó. Tôi tự coi mình là công chính và lên mặt khó chịu với những kẻ tội lỗi. Tôi không muốn Chúa kêu gọi thêm người tội lỗi nào nữa cả.
2. Trước lúc Chúa gọi, Matthêu “ngồi” (tư thế không muốn thay đổi) tại “bàn thu thuế” (môi trường sống tội lỗi). Nhưng ngay khi được Chúa gọi, ông đã nhanh chóng “đứng dậy” và “đi theo”. Thái độ này biểu lộ một sự dứt khoát thay đổi, một hành trình mới.
3. Chúa Giêsu là Thầy thuốc chữa trị những nỗi đau của con người. Ngài đến là nhằm kêu gọi những kẻ tội lỗi. Ngài bảo “Ta muốn lòng nhân”. Bây giờ tôi là đại diện của Chúa. Tôi phải sống và cư xử thế nào để người ta hiểu Chúa của tôi là như thế ? Tôi thấy có cần sửa đổi hay điều chỉnh gì không trong cách sống và cư xử của tôi ?
4. Đồ phế thải và người phế thải : Abbé Pierre chuyên giúp những người nghèo và vô gia cư để họ tự lực cánh sinh từ những vật dụng phế thải. Cha kể lại câu chuyện sau đây: Có một cựu tù nhân sống lang thang không nhà không cửa nên thất vọng dùng dao cắt mạch máu của mình. Có người gọi điện thoại cho cha. Cha lập tức đến nơi. Cha không một lời an ủi nhưng nói với ông như ra lệnh : “Anh đừng tự vẫn. Còn quá nhiều người kém may mắn đang cần đến sự giúp đỡ của tôi. Tôi cũng đang bệnh và cần sự giúp đỡ của anh”. Nghe những lời đó, đôi mắt lờ đờ của người đàn ông sáng lên, và từ đó ông trở thành một trong những cộng sự viên đắc lực nhất của cha. (Chờ đợi Chúa)
5. ”Đức Giêsu bảo Mát-thêu : “Anh hãy theo tôi”. Ông đứng dậy đi theo Ngài” (Mt 9,9)
Hai người bạn ngồi nói chuyện. Một người nói :
- Tôi không thể kể hết cho anh những gì mà Chúa đã làm cho tôi, những điều Ngài nói với tôi… Anh đi theo Ngài nhé.
Anh kia đáp :
- Anh ơi, theo Ngài thì anh tính toán. Vậy anh có tính toán việc anh không đi theo Ngài không ?
Tôi cũng vậy. đã bao lần Chúa mời gọi “Hãy theo Ta”, vậy mà tôi vẫn cứ chần chừ : “để con tính lại đã”.
Thánh Mát-thêu đã không ngần ngại, không chút do dự bước đi theo Chúa khi được gọi “Hãy theo Ta”
Lạy Chúa, xin cho con sức mạnh và lòng can đảm, để con thắng được vật cất, thắng được chính thân xác của con, để con bước đi theo Ngài luôn mãi. (Hosanna)
6. Mầm khác:
CẢM THÔNG VÀ THA THỨ
Trong các giai thoại về những Thiên sử nổi tiếng ở Nhật Bản, người ta có kể câu chuyện như sau :
Một buổi tối nọ, Thiền sư Shecchery đang ngồi thiền thì có một tên cướp xông vào nhà, hắn dí gương vào cổ nhà tu hành và doạ sẽ giết nếu không trao hết tiền bạc cho hắn. Vị Thiên sư không để lộ một chút sợ hãi nào, ông chỉ vào cái hộp rồi nói với tên cướp :
- Tiền đựng trong cái hộp kia, ngươi hãy để cho Ta yên,
Nói xong ông tiếp tục tụng niệm.
Sau một lúc, ông nhìn lại và nói với tên cướp:
- Đừng lấy hết tiền của Ta, để lại cho ta một ít vì ngày mai ta còn phải đóng thuế.
Nhưng tên cướp đã không màng gì đến lời yêu cầu của vị thiền sư, lấy hết tiền trong cái hộp và nhét đầy túi, hắn vừa ra đến cửa nhà sư nói vọng ra:
- Ngươi không biết nói một tiếng cám ơn khi nhận được một món quà sao?
Không quá tiếc lời với khổ chủ tên cướp đành nói tiếng cám ơn và bỏ đi.
Vài ngày sau, vị thiền sư được tin là kẻ gian ác bị sa lưới pháp luật. Hắn nêu đích danh vị tiền sư là người đã bị hắn uy hiếp. Thiền sư Secchery được mời ra toà để làm chứng. Trước mặt mọi người ông đã tuyên bố như sau:
- Đối với riêng cá nhân tôi thì người này không phải là một tên cướp. Tôi đã cho anh ta tiền và anh ta đã mở niệng cám ơn tôi.
Vì có quá nhiều tiền án cho nên tên cướp đã bị tống giam. Sau khi mãn hạn tù, anh đã tìm đến với thiền sư và xin làm đệ tự của ông.
Quý vị các bạn thân mến
Câu chuyện của Thiền sư Secchery trên đây gợi lên cho chúng ta lòng cảm thông và tha thứ của Thiên Chúa được thể hiện qua không biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ của Ngài với các tội nhân cũng như những bài dụ ngôn của Ngài. Tha thứ thiết yếu có nghĩa là tạo ra một cơ may cho người khác. Với người thu thuế tên là Lêvi, Chúa Giêsu đã kết nạp vào hàng ngũ các môn đệ của Ngài. Với Gia kêu, thủ lãnh của những người thu thuế, Ngài đã đến tận nhà viếng thăm. Với người đàn bà phạm tội ngoại tình, Ngài đã nói với tất cả trìu mến: Chị hãy về, và đừng phạm tội nữa. Với Phêrô, người môn đệ thân tín phản bội, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn với tất cả cảm thông và thương mến .
* Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một quả tim rộng lớn, một tấm lòng quảng đại, để chúng con luôn biết noi gương Chúa, luôn biết tha thứ và cảm thông với những người chung quang chúng con Amen.
KHÔNG AI LÀ VÔ DỤNG
Truyện cổ Trung Hoa ghi lại về danh họa Aliêu như sau:
Aliêu xuất thân là một tiểu đồng được một người tên là Chu Nguyên Tố đem về nuôi. Cậu tiểu đồng này vốn rất ngây ngô, không làm được việc gì cả, vậy mà ông Chu Nguyên Tố vẫn nuôi cậu suốt đời. Lúc ông bảo nó quét nhà, nó cầm chổi quanh quẩn suốt buổi mà không sạch nổi một cái buồng con, ông giận mắng nó thì nó quăng chổi lẩm bẩm : Ong quét giỏi thì phiền đến tôi làm gì.
Khi đi vắng, Chu Nguyên Tố sai nó giữ nhà và đón khách, nhưng dù cho khách có quen thuộc tới đâu nó cũng không nhớ được tên người đó là ai. Có hỏi thì nó nói: “Người ấy lùn mà béo, người ấy gầy mà lắm râu, người ấy xinh đẹp, người ấy tuổi cao. Đến lúc nó liệu chừng không nhớ xuể thì nó đóng cửa lại không cho ai vào nữa. Trong nhà có chứa ít đồ cổ như chén, lọ, đỉnh, khách đến chơi nó bày ra cho xem, lúc khách về nó lẻn đến gõ các thứ ấy mà nói: Những thứ này bằng đồng mà sao nó đen xì như thế, rồi nó đi lấy cát, lấy nước để đánh bóng. Nhà có cái ghế gãy chân, ông Chu Nguyên Tố sai nó chặt cây có chạc để sửa lại, nó cầm búa cưa đi khắp vườn, sau một ngày lặn lội tìm kiếm trở về, nó chìa hai ngón tay làm hiệu rồi nói: Cành cây có chạc đều chỉa lên cả, không có cành nào chúc xuống đất. Cả nhà đều cười. Trước nhà có vài cây liễu, chủ nhà sợ trẻ con láng giềng đến nghịch phá, sai nó trông nom dùm, đến lúc vào ăn cơm, nó nhổ cả cây đem cất vào một chỗ. Công việc nó làm nhiều chuyện đáng buồn cười như thế.
Ông Chu Nguyên Tố là người có tài hội họa, một hôm ông hòa phấn với mực để vẽ, thấy Aliêu ông hỏi đùa:
- Mày có vẽ được không ?
- Aliêu đáp : “Khó gì mà không được”.
Ông bảo nó vẽ, thế là Aliêu cầm cọ vẽ, nét đậm, nét nhạt, nét xa nét gần, như người xưa nay vốn đã biết vẽ, ông thử luôn mấy lần, lần nào Aliêu cũng vẽ được như ý. Từ bấy giờ ông dùng đến Aliêu luôn không lúc nào rời . Về sau Aliêu nổi tiếng là một danh họa .
Quý vị và các bạn thân mến,
Câu chuyện trên đây dường như cố nêu lên những cái ngây ngô đờ đẫn, để rồi cuối cùng đưa ra một nhận xét bất ngờ: Ở đời không có ai là vô giá trị và là đồ bỏ cả. Cho đến ngày nay xã hội loài người, vẫn còn bị chi phối bởi luật cạnh tranh và đào thải, người tài ba được trọng dụng, kẻ bị xem là vô ích lợi bị loại bỏ, hay bị đẩy ra bên lề xã hội. Nói chung, xã hội vẫn còn đánh giá con người dựa trên sự thành đạt, hơn là giá trị của con người. Trong cách thẩm định ấy, thì con người dễ bị giản lược vào một thứ vốn để khai thác, một phương tiện đê sử dụng. Bao lâu còn hữu dụng thì còn giá trị, bấy lâu mất sức lao động thì trở thành vô dụng, bị vứt bỏ, chẳng khác nào trái chanh đã bị vắt hết nước và vất đi .
Mạc khải Kitô giáo mang lại cho chúng ta một cái nhìn hoàn toàn khác hẳn. Trong cái nhìn của Thiên Chúa, tất cả mọi người đều có một phẩm giá cao trọng. Cái phẩm giá ấy lại tuyệt đối, bất khả di nhượng và bất khả xâm phạm, nghĩa là không một quyền lực nào trên trần gian này có thể tước đoạt, hay sử dụng như một cái vốn hoặc như một phương tiện. Cái phẩm giá ấy cũng độc nhất vô nhị trên mặt đất này.
Mỗi một con người sinh ra trên đời này, dù đần độn bệnh hoạn và thấp hèn đến đâu cũng đều là một nhân vị không ai có thể thay thế được, và dĩ nhiên trong cái nhìn của Thiên Chúa, vì không là một phương tiện hay một cái vốn, cho nên mỗi một nhân vị đều có một chỗ đứng ưu biệt độc nhất trong chương trình của Ngài. Qua cách cư xử của Ngài, Chúa Giêsu đã muốn cho chúng ta nhìn thấy cái phẩm giá cao cả ấy của mỗi một con người, bé nhỏ như các em bé cũng được Ngài đón tiếp với tất cả trân trọng. Bị khinh khi miệt thị như các cô gái điếm cũng được Ngài tiếp cận bằng tất cả tôn trọng và cảm thông. Bị xem là hạng người đốn hèn trong xã hội như những người thu thuế cũng được Ngài kết thân bằng tất cả thân tình. Chúa Giêsu không nhìn con người qua hào quang của những thành tựu, ngay cả những thành tựu về đạo đức, mà xuyên qua những giá trị tự thân mỗi người.
Đó là cái nhìn mà hằng ngày trong giao tế với tha nhân, Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta mặc lấy, nhân cách của chúng ta lớn lên, hẳn không do những thành đạt của chúng ta cho bằng chính cái nhìn ấy đối với tha nhân.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết luôn mặc lấy tâm tình của Chúa, để trong mọi gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày, chúng con luôn biết nhận ra hình ảnh của Chúa trong mỗi người. Amen.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Lễ thánh Mátthêu tông đồ (Mt 9,9-13)
Các kinh nguyện thánh lễ lấy từ sách lễ Paris năm 1738.
Lời nguyện trong ngày ca tụng lòng “Nhân từ sâu thẳm” của Chúa đã chọn “Mátthêu người thu thuế đã làm thành tông đồ Chúa”. Trong phụng vụ bài đọc, thánh Bêđa khả kính nhận định rằng Chúa nhìn thấy Mátthêu ngồi bàn thu thuế “Không phải bằng con mắt phần xác cho bằng cái nhìn nội tâm của lòng thương xót”. Giải thích ơn gọi dành cho Lêvi, thánh nhân khẳng định ý nghĩa và bản chất lời gọi của Đức Kitô: “Khi yêu cầu ông theo Chúa, Chúa không kêu gọi ông đi theo Người cho bằng sống như Người”.
Lời nguyện trên lễ vật nhấn mạnh đề tài chính theo Phúc âm theo Mátthêu là Giáo hội: “Lạy Chúa xin yêu thương nhìn đến Giáo hội Chúa, vì Giáo hội đã được chính Chúa nuôi dưỡng đức tin bằng lời giảng dạy của các tông đồ”. Từ Giáo hội (Ekklèsia) được sử dụng từ một trăm lần trong Tân ước, đặc biệt là trong các thư thánh Phaolô, nhưng trong các Phúc âm chỉ ba lần, chỉ có trong Phúc âm Mátthêu (16,18; 18,17). Trong 16,18: “Con là Phêrô, trên đá này Thầy sẽ xây Hội thánh Thầy”. Từ Hội thánh ở đây chỉ cộng đồng Chúa sắp thành lập xây dựng trên Phêrô. Trong 18,18: “Nếu kẻ ấy chối không chịu nghe họ, hãy nói với Giáo hội”, ở đây từ Giáo hội chỉ nghị viện của các tín hữu tức là đoàn tông đồ. Giáo hội cũng là cộng đoàn mới do Chúa Giêsu thiết lập, được xây dựng quanh Phêrô và các tông đồ, được mời gọi rao giảng Phúc âm khắp thế giới (24,14; 26,13) và mọi dân tộc (28,19).
Nước trời (thành ngữ xuất hiện có tới năm mươi lần trong Mátthêu) là điều mới lạ do Chúa Giêsu lập nên. Đây là nước Thiên Chúa hiện hữu “Trên trời”, nhưng thực hiện ở trần gian bằng hình ảnh và việc tham dự, và sẽ kết thúc “Trên trời” vào ngày thế mạt. Hiến chương của Nước trời là “Bài giảng trên núi” (5,3-11).
Thánh Mátthêu vui mừng được đón Chúa vào nhà (lời nguyện tạ lễ) không ngần ngại mời nhiều bạn hữu, thu thuế, người tội lỗi cùng đến dự tiệc với Chúa Giêsu và các đồ đệ của Chúa (9,10). Trong thế giới Palestine, bữa ăn là giây phút cao điểm của lễ hội và gặp gỡ. Đức Giêsu khi nhận lời mời đến nhà một người “không sạch” muốn nhấn mạnh lời mời gọi nhân từ của Thiên Chúa đang mở cửa Vương Quốc của Chúa cho người tội lỗi.
Sau hết chúng ta hãy nhớ lời thánh Bêđa khả kính trong một bài giảng về thánh Mátthêu: “Đấng sau này sẽ là Tông đồ và thầy dạy lương dân, lúc cải hối, đã kéo theo mình, cả một đám đông những người tội lỗi trên đường cứu rỗi” (Phụng vụ bài đọc). Enzo Lodi
4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Nhà điêu khắc Donattello, một hôm từ chối không sử dụng khối đá cẩm thạch cho việc điêu khắc vì nó rạn nứt. Người ta mang khối đá này cho điêu khắc gia nổi tiếng Michel-Ange. Xem xét khối đá, Michel Ange cũng thấy những vết rạn nứt đó. Nhưng ông lại coi đó là một thách thức cho tay nghề của mình. Ông nhận khối đá và ra công đẽo gọt. Nhờ đó mà thế giới mới có được bức tượng vua Đavít, một công trình nghệ thuật sáng giá nhất từ trước tới nay.
Suy niệm
Người thuế vụ trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu bị anh em đồng bào mình khinh miệt do các anh ăn chặn của dân, hơn nữa thuế vụ trong xã hội Do Thái là tay sai cho đế quốc Rôma để bóc lột dân mình. Họ là hình ảnh của những gì là xấu xa nhất, tội lỗi nhất, đáng khinh miệt nhất mà dân chúng coi đồng hạng với các kẻ cắp và các phụ nữ ngoại tình. Hơn nữa, những người Pharisiêu cho rằng: Một người Do Thái ngoan đạo, không được giao du với những người bị coi là tội lỗi. Vì thế chúng ta hiểu thêm tại sao người biệt phái cầu nguyện tách biệt và khinh chê người thu thuế, còn người thuế vụ thì không dám đến gần bàn thờ nơi Thiên Chúa ngự, vì sự bất xứng của mình, anh ta ở dưới cúi đầu, đấm ngực ăn năn (x. Lc 18,9-14).
Đã không nên ở gần, lại càng không bao giờ ăn uống cùng bàn với họ để khỏi bị lây nhiễm hoặc bị ô uế. Hôm nay, Chúa Giêsu lại gọi người thu thuế Matthêu theo Ngài để trở thành môn đệ, một hành động khiến người Do Thái không thể hiểu được. Thật lạ, một người xấu xa, dơ bẩn đó được đặt làm môn đệ, rồi chính Đức Giêsu lại đồng bàn với những kẻ thu thuế như là những người đồng hội, đồng thuyền với kẻ tội lỗi...: “Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như thế”. Theo phong tục Do Thái, khi cùng ăn uống với ai, đó là dấu hiệu một sự hiệp thông, một sự chia sẻ tư tưởng, tình cảm và là một cử chỉ thân thiết và quan tâm của mình đối với người được. Mời ai ăn cơm, là một vinh dự, tỏ ra muốn hòa bình, thân thiện, tin tưởng và tha thứ (2V 25,27-29). Cùng đồng bàn với người thu thuế, Đức Giêsu đã hòa mình với tội nhân để gắn bó sẻ chia... Ngài đã trở nên như tội nhân để đưa tội nhân vào sự cứu chuộc. Vâng, chính Ngài đã chết treo trên thập giá với thân phận của một tội nhân, đồng hạng với tội nhân để cứu chuộc tội nhân. Sứ mạng của Ngài là để cứu độ tất cả, chữa những người bất hạnh trong đó có cả những tội nhân. Tội nhân biết nhìn nhận tình trạng thiếu thốn, tình trạng tội lỗi, để Đức Kitô, vị thầy thuốc đến cứu chữa (x. Mt 9,12-13) như Ngài tuyên bố: “Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Chúng ta nhớ lại sắc màu tái tím cõi lòng của người thu thuế tại đền thờ, đã được Thiên Chúa cứu chữa và ông trở nên người công chính (x. Lc 18,9-14).
Chúng ta với thời gian bao nhiêu vết thương lòng, bao nhiêu khiếm khuyết bất toàn, bao nhiêu những yếu đuối tội lỗi, hãy chỉ cho Đức Kitô, để Ngài, vị thầy thuốc băng bó, chữa lành và làm cho công chính, lúc đó chúng ta cảm nghiệm được tại sao thánh Phaolô chia sẻ: ”Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10). Nếu không có Ngài, vị thầy thuốc đến từ Thiên Chúa, chúng ta sẽ chết trong bệnh tật là tội lỗi, trong vết thương yếu đuối và khiếm khuyết của chính chúng ta như người Pharisiêu tự phụ tự cho mình là công chính không cần ân sủng nên vẫn sống trong sự tội lỗi (x. Ga 9,41).
Xin cho con học được nơi Chúa cái nhìn cảm thông, nâng đỡ đối với người anh em... Và xin cho nơi chính con biết nhìn nhận sự thật về mình, xin Đức Kitô đến cứu chữa...
Ý lực sống
“Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà đến để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13).