Lời Chúa Ngày 27/09/2024: Thứ Sáu tuần 25 Thường niên năm II (Lc 9,18-22)

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

Lời Chúa Ngày 27/09/2024: Thứ Sáu tuần 25 Thường niên năm II (Lc 9,18-22)

Lời Chúa Ngày 27/09/2024: Thứ Sáu tuần 25 Thường niên năm II (Lc 9,18-22)

Ông Phêrô thưa: Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa’.” (Lc 9,20)

 

BÀI ĐỌC I (năm II): Gv 3, 1-11

“Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng”.

Trích sách Giảng Viên.

Mọi sự đều có thì giờ của chúng. Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng. Có thời gian sinh, thì cũng có thời gian chết. Có thời gian trồng xuống, thì cũng có thời gian nhổ lên cái đã trồng. Có thời gian giết chết, thì cũng có thời gian chữa lành. Có thời gian phá huỷ, thì cũng có thời gian xây dựng. Có thời gian khóc lóc, thì cũng có thời gian cười vui. Có thời gian than van, thì cũng có thời gian nhảy múa. Có thời gian rải đá, thì có thời gian thu lượm lại. Có thời gian gần gũi, thì cũng có thời gian xa cách. Có thời gian thâu hoạch, thì cũng có thời gian tiêu tán đi. Có thời gian gìn giữ, thì cũng có thời gian loại bỏ. Có thời gian xé rách, thì cũng có thời gian vá lại. Có thời gian thinh lặng, thì cũng có thời gian nói năng. Có thời gian yêu thương, thì cũng có thời gian giận ghét. Có thời gian chinh chiến, thì cũng có thời gian hoà bình.

Con người còn được gì do công lao vất vả của mình? Tôi suy nghĩ về sự khổ cực mà Thiên Chúa đã để cho con cái loài người phải chịu đựng.

Chúa tác tạo vạn vật trong thời gian Chúa muốn, và trao phó thế gian cho loài người tranh giành, nhưng con người không hiểu được việc Thiên Chúa đã làm từ đầu đến cuối.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 143, 1a và 2abc. 3-4

Ðáp: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a)

Xướng: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! Chúa là Tình Thương và là chiến lũy, là Ðấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu.
Xướng: Lạy Chúa, nhân loại là chi mà Chúa chăm nom, con người là chi mà Chúa thương nghĩ tới? Con người ta như hơi gió thoảng, đời người ta như bóng thoáng qua.

 

Tin mừng: Lc 9, 18-22

18 Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?”

19 Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.”

2Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”

21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. 22 Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

 

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu đã mở lối cho các tông đồ xác định cuộc đời của Ngài. Qua đó, Chúa cũng mời gọi từng người Kitô hữu khám phá ra khuôn mặt của Chúa. Chúng ta cần phải nỗ lực khám phá từng ngày, vì hình ảnh Chúa Giêsu là một mầu nhiệm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con đã được nghe nói nhiều về Chúa, hoặc đã được học biết về Chúa. Nhưng có thể chính bản thân con chưa một lần gặp Chúa. Vì thế, con cũng chưa bao giờ có thể trả lời được câu hỏi Chúa đã đặt ra: “Con bảo Thầy là ai ?”.

Hôm nay, con muốn gặp Chúa thực sự bằng cách tự nguyện giơ tay ra nắm lấy tay anh chị em con. Con tin rằng khi sống trong bầu khí hiệp nhất yêu thương là con đang làm sống dậy hình ảnh của Chúa, là con đang khám phá ra khuôn mặt dịu hiền của Chúa. Xin Chúa giúp con đủ nghị lực và can đảm thực hiện điều này, để khuôn mặt của Chúa luôn sáng tỏ nơi cuộc đời con.

Lạy Chúa Giêsu, không những con nhận ra nét đẹp khuôn mặt Chúa khi cùng nắm tay nhau, nhưng con còn khám phá được những nét đẹp đáng yêu khi con mau mắn giơ tay ra giúp đỡ những người cô đơn túng thiếu. Họ là hình ảnh sống động của Chúa. Đồng thời, con cũng mang hình ảnh Chúa nơi cuộc đời mình. Chúa đang ẩn mình trong từng cử chỉ, từng lời nói của con. Xin Chúa giúp con đừng bao giờ bôi nhọ khuôn mặt đáng yêu của Chúa, đừng bao giờ làm méo mó biến dạng khuôn mặt thánh thiện của Chúa. Nhưng mỗi ngày, xin Chúa giúp con tô đẹp thêm và làm sáng tỏ khuôn mặt của Chúa, như những lần giới thiệu Chúa cho anh chị em mình. Amen.

Ghi nhớ: “Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ”.

 

Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Trong số các trò chơi để trắc nghiệm mức hiểu biết của các em, có trò chơi đưa hình một danh nhân cho các em xem, sau đó yêu cầu các em nói thật vắn tắt và chính xác về nhân vật ấy. Em nào trả lời đúng sẽ được thưởng. Chúa Giêsu đã có lần áp dụng phương thức này với các môn đệ, chỉ khác ở chỗ nhân vật được đưa ra không ai xa lạ hơn là chính Ngài. Ðã có những câu trả lời được đưa ra, nhưng chỉ có câu trả lời của Phêrô là đúng, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.

Chúa Giêsu vốn là một vấn đề khó hiểu đối với nhiều người. Những giả thuyết về Ngài đều từ từ bị chứng minh là sai. Có người bảo Ngài là Gioan Tẩy giả, nhưng trong cách sống và giáo lý của Ngài, có nhiều điểm khác với Gioan Tẩy giả; có kẻ bảo Ngài là Êlia hay một ngôn sứ nào đó, nhưng ở đây cũng vậy, giáo lý và thái độ của Chúa Giêsu có nhiều điểm vượt quá và cắt đứt với giáo lý và thái độ của bất cứ ngôn sứ nào trong Cựu Ước. Dù đồng hóa Chúa Giêsu với Gioan Tẩy giả, với Êlia hay với một ngôn sứ nào đó, tất cả đều giống nhau ở chỗ chưa có câu trả lời nào nhận ra Chúa Giêsu là nhân vật chính, còn các vị kia chỉ là người loan báo và chuẩn bị.

Chúa Giêsu đã bị dư luận quần chúng coi là một trong các vị tiền hô cuối cùng, cho đến khi Phêrô đưa ra câu trả lời chính xác: “Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa”. Phêrô đã nhìn thấy nơi Chúa Giêsu chính nhân vật mà muôn dân mong đợi. Ngài là Ðức Kitô, có nghĩa là Ðấng hội tụ mọi hy vọng và chờ mong của con người, là Ðấng quyết định vận mệnh của dân tộc và cá nhân, là Ðấng nắm giữ và đưa lịch sử đến hồi kết thúc. Ðức Kitô có đủ mọi tư cách đó, bởi vì Ngài là Ðấng được Thiên Chúa sai đến, Ngài là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu linh cảm thấy lời tuyên xưng của Phêrô có thể bị giải thích sai lạc, nếu được tung ra cho mọi người biết; chính vì thế chẳng những Ngài cấm ngặt các ông không được nói điều ấy với ai, mà kể từ đó Ngài còn đích thân nói rõ về tư cách Kitô của Ngài. Ước gì chúng ta cũng biết lặp đi lặp lại mỗi ngày lời tuyên xưng của thánh Phêrô: “Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa” để chúng ta vững bước trên con đường theo Chúa và làm chứng cho Chúa.

 

Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu (Lc 9,18-22)

  • Trong dân chúng có ba dư luận về Đức Giêsu: Ngài là Gioan Tẩy giả sống lại, là Êlia xuất hiện, hay một tiên trì thời xưa sống lại. Đại khái họ coi Ngài không phải là một người thường như mọi người, nhưng đặc biệt là người thuộc hàng tiên tri: giảng dạy và có khả năng làm phép lạ. Riêng ông Phêrô được ơn trên soi sáng đã tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Tuy thế, ông vẫn nghĩ về Đấng Kitô theo cách thông thường của đa số người thời đó, tức là một Đấng Cứu Thế oai phong hiển hách. Bởi đó Đức Giêsu phải sửa lại cách nghĩ ấy: Ngài là Đấng Kitô chịu nạn chịu chết và phục sinh.
  • Hôm nay, qua bài Tin mừng, các môn đệ lâm vào cảnh khó tin và rất bất ngờ. Bởi vì, sau những phép lạ Chúa làm, như phép lạ hóa bánh ra nhiều cho 5000 người ăn, danh tiếng của Chúa lẫy lừng khắp nơi. Người ta còn muốn tôn người làm vua nữa. Ai ngờ hôm nay, Ngài tuyên bố những điều thật khó hiểu, làm mất hứng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.
  • Đức Giêsu là Đấng Messia như Phêrô đã đoán chính xác. Nhưng Ngài không là Đấng Messia vinh quang như dân chúng đã mong chờ. Ngài phải là Đấng Messia đau khổ. Ngài không thống trị, Ngài chỉ phục vụ. Đức Giêsu không quan tâm chiếu rọi loại hình ảnh mà dân chúng muốn. Ngài biết Ngài có một số phận mà Thiên Chúa đã định mà Ngài phải hoàn thành, không sai sót.

  • Tiếp theo đó, Đức Giêsu đưa ra lời mời gọi mọi người chứ không riêng gì các môn đệ, là hãy theo Ngài: “Ai muốn theo Ta”. Đức Giêsu muốn khơi động lòng muốn cho những ai theo Ngài. Điều đó chứng tỏ Chúa tôn trọng quyền tự do lựa chọn của con người, theo hay không theo cũng được. Tiếng La tinh dùng chữ “Si quis” (nếu ai) càng rõ nghĩa hơn: chữ “nếu” nói lên sự tự do hoàn toàn.
  • Nếu câu hỏi của Đức Giêsu chỉ có bấy nhiêu chữ “Nếu ai muốn theo Ta”, thì tất cả chúng ta, những người đã được rửa tội, đều có thể đáp lại thật nhanh: “Con muốn... Con muốn theo Chúa” . Nhưng nếu nghe trọn câu Ngài nói: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”, thì chắc hẳn số người nhanh chóng trả lời “Con muốn” sẽ giảm đi rất nhiều.

  • Có một câu hỏi quan trọng trong cuộc đời cần được trả lời: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Đây không phải là bài thi trắc nghiệm để biết kết quả đúng sai, cũng chẳng nhằm xem bao nhiêu phần trăm ủng hộ hay chống đối, mà là một bước để tỏ bày, để đi vào một tương quan mới. Từ câu hỏi thăm dò xa xa, chung chung “Đám đông nói Thầy là ai ?” đến câu hỏi mang tương quan cá nhân, biệt vị “còn anh em”. Câu trả lời không có chỗ cho sự hời hợt, sự giả vờ, lấy lệ, hay xã giao. Câu trả lời của ta xuất phát từ con tim, kinh nghiệm, sự hiểu biết dựa trên nền tảng đức tin, cũng như từ sự kín đáo của ơn mạc khải: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (5 phút Lời Chúa).
  • Hôm nay Thầy Giêsu vẫn đặt câu hỏi ấy với bạn: “Đối với con, Thầy là ai ?” Bạn sẽ trả lời thế nào ? Phải chăng là những gì được tuyên xưng trong kinh Tin Kính, hay được “vay mượn” từ người khác ?”Nếu muốn trả lời Người cách xa xa, ta sẽ khám phá ra một điều làm mình chắc chắn là sự sống lại, nghĩa là sự sống phát xuất từ mầu nhiệm sự đóng đinh và sự chết... “Đối với con, Thầy là ai ? Con có liên kết số mệnh con với số mệnh của Thầy không ? Con có nhận rằng Thầy cần sự đau khổ của con để Thánh giá của Thầy có đầy đủ kích thước không ? Nếu có, con sẽ sống” (A. Degeest).

  • Cùng với thánh Phêrô, chúng ta hãy tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô của Thiên Chúa. Tuyên xưng như thế cũng có nghĩa là tuyên xưng mầu nhiệm Thập giá. Chúa Giêsu là Đức Kitô, bởi vì Ngài đã chấp nhận đi qua con đường Thập giá để cứu rỗi con người. Tuyên xưng mầu nhiệm ấy cũng chính là để mầu nhiệm Thập giá tỏ bày trong cuộc sống chúng ta. Chính trong mầu nhiệm Đức Kitô, con người có thể hiểu chính mình. Do đó, để thực hiện ơn gọi Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đi lại con đường Thập giá mà Chúa đã đi qua (Mỗi ngày một tin vui).
  • Truyện vui: Vác thập giá minh
  • Vào chiều thứ sáu Tuần thánh, cha sở kêu gọi giáo dân: khi quí vị đến nhà thờ đi chặng đàng Thánh giá để tưởng niệm sự chết và đau khổ của Chúa Giêsu, mỗi người nên làm một cây thập giá bằng bất cứ vật liệu nào tượng trưng cho sự đau khổ của mình trong cuộc sống đang phải chịu. Sau chặng đàng Thánh giá yêu cầu quí vị mang lên bàn thờ cho tôi làm phép. Mọi người đều mang lên đủ loại thập giá. Ông trùm bước lên tay không, cùng với bà vợ. Khi cha sở hỏi, thập giá của ông đâu, ông chỉ ngay vào bà vợ và nói: “Thưa cha, đây là thập giá của con”. Cha sở cũng làm phép, nhưng sau đó liền bảo ông rằng: “Bây giờ ông hãy ôm lấy cây thập giá này và hôn lên cây thập giá của ông đi”.

    Đây là câu chuyện vui cười! Nhưng Thập giá Đức Giêsu đề cập đến không phải chỉ là bà vợ hay ông chồng. Nó không đơn thuần chỉ là một đám cưới không hạnh phúc, hay những trở ngại khó khăn đến với chúng ta ngoài ý muốn, cũng không chỉ là những điều xui xẻo, không may xảy đến như thi rớt, bệnh tật, mất việc. Thập giá Đức Giêsu đề cập chính là sự chọn lựa từ bỏ mình để dâng hiến hoàn toàn cho thánh ý Thiên Chúa (Rm 6,13; 12,1). Từ bỏ những ý kiến, suy nghĩ riêng tư, cả cái tôi kiêu căng, tự ái, ích kỷ và lòng ham hố danh lợi (Pl 2,21). Đó là tự làm rỗng mình đi cho Thần khí của Thiên Chúa ngự trị, để làm theo thánh ý của Thiên Chúa. Đó là với Đức Tin Cậy Mến chúng ta biến đổi Thập giá thành Thánh giá, đau khổ trở nên giá cứu chuộc linh hồn cho mình và cho nhân loại.

     

    Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

    Câu chuyện

    Cho đến năm 1896, vùng Cayenne ở Saint Ouen không bao giờ thấy bóng dáng chiếc áo dòng đen. Nhưng một ngày trong năm đó, một vị linh mục cả gan xâm nhập vào vùng ấy. Một người thấy vậy liền ném đá vào đầu vị linh mục. Vị linh mục cúi xuống nhặt lấy viên đá đầy máu đỏ.

    - Xin cảm ơn ông, đây là viên đá đầu tiên của một đền thờ tôi muốn xây ở đây.

    Và sự thật viên đá đó là viên đá đầu tiên của đền thờ Mân côi được xây ở đó.

    Nước Chúa trên mặt đất này là Giáo hội, cũng bắt đầu trong nhỏ hèn, trong bạc đãi như vậy. Giáo hội vẫn phát triển trong âm thầm và đau khổ (Theo Nguyễn Hài Đồng, Tự điển câu chuyện, 1969, tr. 114).

    Suy niệm

    Chúa Giêsu với những giáo huấn mới lạ kèm theo những phép lạ làm cho người câm nói được, người điếc được nghe, người mù thấy được, người què và bại liệt đi lại được, người bị quỷ ám được giải thoát… Dân chúng bàn tán về Ngài, người thì cho rằng: Ngài là ngôn sứ Êlia, vị ngôn sứ phải đến chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế, hay Gioan Tẩy giả mà vua Hêrôđê đã sát hại nay sống lại trở về hay một ngôn sứ thời xưa đã sống lại… Đức Giêsu đặt câu hỏi trên cho các môn đệ: “Các con bảo Thầy là ai?” khi họ đã ở với Ngài đã thấy việc Ngài làm, nghe lời Ngài giảng và được Ngài sai đi (x. Mc 3,14). Nhóm Mười hai mà thánh Phêrô đứng đầu trả lời: “Thầy là Đấng “Christos” nghĩa là Kitô”, “Mêssia” (Mesiah) trong tiếng Hêbrơ có một nghĩa rất mạnh như biến cố bùng nổ tại Israel: Đó là Đấng được Thiên Chúa xức dầu, Đấng mà mọi người mong đợi để đến “hoàn tất lịch sử”, đã được các ngôn sứ báo trước.

    Dù tuyên xưng Thầy là Đức Kitô, Đấng Mêssia, nhưng Phêrô vẫn chưa hiểu hết được mầu nhiệm cứu độ của Ngài trong sứ mạng Mêssia. Theo ông, Đấng Mêssia phải vinh quang, chiến thắng theo kiểu loài người, Đấng đến để giải phóng dân tộc Do Thái và làm cho nước này trở nên hùng cường, bá chủ địa cầu. Với Phêrô, Đức Kitô phải được tôn vinh như: Thiên Chúa hùng mạnh, danh Ngài lừng vang trên toàn cõi đất, Người là Đấng Thánh của Israel và nước Người tồn tại đến vô cùng tận (x. Tv 11; Tv 12). Nhưng Chúa Giêsu lại mạc khải Đấng Kitô phải đối diện với thập giá, phải chịu đau khổ như ngôn sứ Isaia loan báo về tư thế của người tôi tớ đau khổ (Is 50,5-9a).

    Khi nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô, Đấng bước vào đau khổ và sự chết, chúng ta cũng được mời gọi bước theo Người: Vác thập giá và bước đi như Người, bên cạnh Người, được Người nâng đỡ, để tiến về với Chúa Cha.

    Xin cho cuộc sống của chúng con luôn hướng về thập giá Chúa Kitô và bước đi trong tâm tình yêu mến, phụng sự và tín thác.

    Ý lực sống

    “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người” (2Tm 2,11).

    Tag:

    2024-09-27

    Lời Chúa Hôm Nay
    Đọc Kinh Sáng
    Lịch Công Giáo