Thầy có thật là Đấng phải đến không,
hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?
Bài đọc 1: Is 35, 1-6a.10
Chính Thiên Chúa sẽ đến cứu anh em.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
1Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy,
vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông,
2hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ,
và hân hoan múa nhảy reo hò.
Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Li-băng,
vẻ rực rỡ của núi Các-men và đồng bằng Sa-ron.
Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của Đức Chúa,
và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta.
3Hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ,
cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng.
4Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ !
Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục,
ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội.
Chính Người sẽ đến cứu anh em.”
5Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được.
6aBấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai,
miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.
10Những người được Đức Chúa giải thoát sẽ trở về,
tiến đến Xi-on giữa tiếng hò reo,
mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu.
Họ sẽ được hớn hở tươi cười,
đau khổ và khóc than sẽ biến mất.
Đáp ca: Tv 145, 6b-7a.7b-8.9-10 (Đ. x. Is 35, 4)
Đ.Lạy Chúa, xin đến cứu chúng con.
6bChúa là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời, 7axử công minh cho người bị áp bức,
ban lương thực cho kẻ đói ăn.
Đ.Lạy Chúa, xin đến cứu chúng con.
7bChúa giải phóng những ai tù tội, 8Chúa mở mắt cho kẻ mù loà.
Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên,
Chúa yêu chuộng những người công chính.
Đ.Lạy Chúa, xin đến cứu chúng con.
9Chúa phù trợ những khách ngoại kiều,
Người nâng đỡ cô nhi quả phụ,
nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân.10Chúa nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở,
Xi-on hỡi, Chúa Trời ngươi hiển trị ngàn đời.
Đ.Lạy Chúa, xin đến cứu chúng con.
Bài đọc 2: Gc 5, 7-10
Anh em hãy bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới.
Bài trích thư của thánh Gia-cô-bê tông đồ.
7 Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. 8 Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới. 9 Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa. 10 Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa.
Tin mừng: Mt 11, 2-11
2 Đang ngồi tù, ông Gio-an nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: 3 “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”
4 Đức Giê-su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: 5 Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin mừng, 6 và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”
7 Họ đi rồi, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng?
8 Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua.
9 Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa.
10 Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.
11 “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: “Mù được sáng, què được đi, người nghèo khó được nghe báo Tin Mừng...”. Ðó là phúc âm của thời Thiên Sai. Thiên Chúa đến đem niềm vui cho người nghèo khổ, đem Tin Mừng cho người khát vọng, chỉ những người bé mọn, yếu hèn mới là đối tượng tình yêu của Thiên Chúa. Nếu muốn được đón nhận Tin Mừng, tôi phải có tinh thần thê nào ? Tinh thần đó được thể hiện ra sao ?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến cứu chúng con. Xin Chúa đến giải thoát chúng con khỏi mù lòa, què quặt trong tâm hồn. Xin ánh sáng và sức mạnh của Chúa biến đổi chúng con nên tạo vật mới. Xin cho chúng con hân hoan trong niềm vui ơn cứu độ. Amen.
Ghi nhớ: “Thầy có phải là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi một Ðấng nào khác ?”
2. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
PHÚC THAY AI KHÔNG VẤP NGÃ VÌ TÔI
“Phúc thay ai không vấp ngã vì tôi” (Mt 11,6),
không vì thấy cách tôi sống mà mất lòng tin vào tôi.
Ông Gioan Tẩy giả có nguy cơ vấp ngã vì Đức Giêsu.
Khi làm phép rửa cho Ngài ở sông Giođan (Mt 3,14),
ông nhận ra Đức Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng phải đến,
Gioan có một hình ảnh về Đấng Mêsia.
Đấng ấy là một vị Thẩm phán nghiêm khắc,
sẽ nổi cơn thịnh nộ với những ai không hối cải,
sẽ tẩy luyện mọi người bằng Thánh Thần và lửa (Mt 3,7.11).
Đấng ấy sẽ trừng phạt những cây không sinh trái,
không phải chỉ tỉa cành, mà còn chặt luôn tận gốc (Mt 3,10).
Những hình ảnh dữ dội trên đây
ta thấy có trong Cựu Ước (Am 5,18-20; Ml 3,2-3; Is 66,24).
Gioan tin rằng khi Đức Giêsu đến, Ngài sẽ làm như thế.
Và ông đã chờ, đã bị nộp, rồi bị ngồi tù (Mt 4,12; 11,2),
và đã thất vọng vì thấy một Đức Giêsu rất khác.
Ngồi trong tù nhưng ông vẫn theo dõi các việc làm của Ngài.
Giêsu này hiền quá, không hề nghiêm khắc như ông tưởng.
Từ đó ông đã nghi ngờ về lời chứng của mình.
và đã sai các môn đệ của ông đến gặp Đức Giêsu.
Đức Giêsu cho thấy mình là Đấng Mêsia,
nhưng không như Gioan nghĩ.
Ngài đã chữa người mù, cho người bất toại đi được,
kẻ điếc được nghe, tẩy sạch người phong, hoàn sinh kẻ chết,
và người nghèo được nghe loan báo Tin Mừng (Mt 11,4-5).
Những việc này đã được ngôn sứ Isaia tiên báo (Is 61,1-2),
Và Đức Giêsu đã làm ứng nghiệm những lời tiên báo này.
Hy vọng ở trong tù, Gioan cảm thấy bình an hơn,
khi nghe các môn đệ của ông thuật lại lời Đức Giêsu.
“Phúc thay ai không vấp ngã vì tôi.”
Trong thực tế, có nhiều người đã vấp ngã vì Đức Giêsu.
“Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).
Cách đến của Thiên Chúa bao giờ cũng bất ngờ,
vì lối nghĩ của Thiên Chúa khác lối nghĩ của con người.
Người Do-thái chờ mong một Đấng Mêsia chiến thắng,
đem lại cho đất nước tự do, hạnh phúc, ấm no.
Nhưng Thiên Chúa lại cho một Đấng Mêsia thất bại,
chẳng có khả năng giải phóng dân tộc,
và cũng chẳng có khả năng xuống khỏi thập giá.
Nếu Chúa Giêsu phục sinh không hiện ra cho Phaolô
thì ông sẽ mãi mãi là một người bách hại các kitô hữu,
mãi mãi coi Đức Giêsu là một tên phá hoại Do-thái giáo.
Chúa Giêsu phục sinh đã chinh phục ông về cho Ngài.
Đây là một chiến thắng lớn của Thiên Chúa.
Phaolô chẳng những tin Đức Giêsu là Đấng Mêsia,
ông còn tin Đức Giêsu chịu đóng đinh là Con Thiên Chúa.
Đời sống đức tin của chúng ta cũng có lúc gặp khó khăn.
Như Gioan ngồi trong tù, nghi ngờ và bất an,
chúng ta cũng đặt lại những câu hỏi tưởng như đã rõ.
Thiên Chúa không bị gói gọn trong những công thức,
hay bị khô cứng trong một số hình ảnh rập khuôn.
Thiên Chúa luôn luôn mới khi vén mở thêm chính mình.
Chúng ta cần lắng nghe nhau, mềm mại trong suy nghĩ,
để khám phá ra khuôn mặt mới của Thiên Chúa.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa,
xin dạy con biết lắng nghe
những người ở rất gần con, gia đình, bè bạn,
những người làm việc chung với con.
Xin giúp con nhận ra rằng
dù họ nói gì với con đi nữa
thì họ cũng có ý xin con chấp nhận trọn vẹn con người họ
và thực sự lắng nghe họ.
Lạy Chúa,
xin dạy con biết lắng nghe những người ở xa con,
tiếng thì thầm của người thất vọng,
tiếng van xin của người bị bỏ rơi,
tiếng kêu cứu của người sầu muộn.
Lạy Chúa,
xin dạy con biết lắng nghe chính con người của con.
Xin giúp con đừng sợ tin vào tiếng Chúa mời gọi
trong nơi sâu thẳm nhất của lòng con.
Lạy Chúa Thánh Thần,
xin dạy con biết lắng nghe tiếng của Ngài
khi con phấn khởi hay chán nản,
khi con xác tín hay nghi ngờ,
khi con ồn ào hay lặng lẽ.
Vâng lạy Chúa, xin dạy con luôn biết lắng nghe. Amen.
Khuyết danh
3. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn, SCJ)
Câu chuyện
Một ngày nọ vào năm 1780 bỗng dưng cả vùng tiểu bang Connecticut bị tối hẳn lại. Ai nấy đều cho rằng đã đến ngày tận thế.
Khi đó Hội đồng lập pháp tiểu bang đang họp. Nhiều người yêu cầu hoãn cuộc họp để họ có thể về nhà cùng với gia đình chờ Chúa đến. Nhưng ông chủ tịch nói: “Không biết hôm nay có phải là ngày tận thế hay không. Nếu không thì không cần hoãn họp. Còn nếu phải thì chúng ta càng cần chu toàn nhiệm vụ hơn nữa. Xin thắp nến lên” (Drinkwater).
Gioan luôn trung tín trong sứ vụ...
Suy niệm
Chúa Giêsu muốn đặt đối nghịch cây sậy rung rinh trước gió với sự kiên cố bất lay chuyển của Gioan. Đức tính này làm cho Gioan gần giống với ngôn sứ Giêrêmia (Gr 1,17-19), một con người bất khuất, không chịu lụy trước quyền lực dù đó là quyền lực của quân vương. Sau nay vì thẳng thắn trung trực nên ông đã phải chịu kiếp tù đày, và cuối cùng bị chém đầu, vì sự trung tín với sứ vụ tiền hô làm chứng cho sự thật. Dân chúng đến xem, và nghe Gioan rao giảng sự thống hối. Gương dọn đường qua cuộc sống giản dị được lời rao giảng sám hối tác động, dân chúng dìm mình xuống dòng sông Giođan để được Gioan làm phép rửa.
Khi được hỏi ông là ai, thì Gioan tiền hô đã trả lời một cách khiêm tốn: “Tôi chỉ là một tiếng kêu trong sa mạc: hãy dọn đường Chúa đến” (Ga 1,23). Khi nhận ra Đức Kitô, ông đã xác quyết: “Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Ngài” (Ga 1,27). Ông loan báo ngày Đấng Cứu Thế sẽ đến và làm nổi bật sứ vụ Mêssia của Ngài, Gioan đã giới thiệu các môn đệ của mình đến với Đức Kitô và các ông trở thành môn đệ của Đấng Cứu Thế (x. Ga 1,35-39), như tâm nguyện cả đời ông: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi” (Ga 3,30).
Chúa Giêsu khen Gioan là con người cao cả nhất được sinh ra từ người nữ. Ngài còn khẳng định: “Còn hơn một vị ngôn sứ nữa”, vị ngôn sứ cao cả mang sứ mạng như Êlia: “Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng” (Ml 3,23). Vì vậy, Chúa Giêsu nói Gioan chính là vị sứ giả từ trời, ông là “vị sứ giả” cuối cùng, được tiên tri Malachia loan báo (x. Ml l3,1).
Trong Mùa Vọng, Gioan xuất hiện với đời sống giản dị và bằng lời rao giảng sám hối dọn đường, cho chúng ta hy vọng tràn đầy vào Đấng Cứu Thế đang đến làm cho tâm hồn của chúng ta hy vọng và tình yêu, như lời của Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Philipphê: “Anh em hãy vui lên! Tôi nhắc lại : anh em hãy vui lên” (Ph 4,4). Thật thế, Mùa Vọng với sắc tím của màu áo mang ý nghĩa sự sám hối, sám hối cõi lòng, của buồn sầu khắc khổ lo âu với hình ảnh hoang mạc, cảnh lưu đầy cùng với lời cầu nguyện kêu cứu van lơn: “Trời cao hãy đổ sương xuống… Mây ơi mưa Đấng Cứu Tinh…” (Is 45,8).
Ý lực sống
“Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi” (Is 35,3-4a).