“Đây Chiên Thiên Chúa,
đây Đấng xoá tội trần gian.” (Ga 1, 29)
Bài đọc I: 1 Ga 2, 29-3, 6
“Bất cứ ai ở trong Người đều không phạm tội”.
Bài trích thơ thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, nếu các con biết Người là Ðấng công chính, thì các con hãy biết rằng bất cứ ai thực hành sự công chính, đều bởi Người mà sinh ra.
Các con hãy coi: tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và sự thật là thế.
Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người.
Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra.
Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.
Và bất cứ ai đặt hy vọng nơi Người, thì tự thánh hóa mình cũng như Người là Ðấng Thánh.
Hễ ai phạm tội, thì cũng làm điều gian ác, vì tội là sự gian ác.
Các con biết rằng: Người đã xuất hiện để hủy diệt tội lỗi chúng ta.
Bất cứ ai ở trong Người, thì không phạm tội, và bất cứ ai phạm tội, thì không thấy cũng không nhận biết Người.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 97, 1. 3cd-4. 5-6
Đáp: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta (c. 3c).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Đáp.
2) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. - Đáp.
3) Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với cây đàn cầm, với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua. - Đáp.
Tin mừng: Ga 1, 29-34
29 Ngày hôm sau, Gioan thấy Chúa Giêsu đến với mình thì nói: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian.
30 Đây chính là Đấng mà tôi đã nói rằng: ‘Có người đến sau tôi, nhưng cao trọng hơn tôi, vì Người vốn có trước tôi’.
31 Phần tôi, trước tôi không biết Người, nhưng tôi đã đến làm phép rửa bằng nước để Người được tỏ mình ra trong Israel”.
32 Và Gioan đã làm chứng rằng: “Tôi đã thấy Thánh Thần, như chim bồ câu, từ trời xuống ngự trên Người.
33 Và trước tôi không biết Người, nhưng Đấng đã sai tôi làm phép rửa trong nước bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì chính người đó là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần’.
34 Tôi đã thấy và làm chứng rằng: Người là Con Thiên Chúa”.
(Bản dịch: UB. Phụng Tự - HĐGMVN)
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu được Thánh Gioan Tiền Hô giới thiệu như con chiên gánh tội lỗi trần gian. Con Chiên được sát tế trong lễ vượt qua để xóa bỏ tội nhân loại.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, trong kinh Vinh Danh, con vẫn đọc “chỉ có Chúa là Đấng Thánh”. Vâng, Chúa là con chiên vô tì tích, thế mà Chúa đã gánh lấy tội nhân loại để đền thay cho tất cả nhân loại. Là con chiên vô tội, Chúa đã dùng máu mình để cứu rỗi loài người khỏi ách tội lỗi. Hôm nay, con hiểu được nỗi oan khiên vô tội của Chúa. Tội lỗi của từng con người, tội lỗi của mọi thế hệ, đã được Chúa gánh chịu thay.
Con hiểu được phần nào gánh nặng tội lỗi ấy khi chiêm ngắm Chúa sinh hạ trong máng cỏ nghèo hèn. Con hiểu được phần nào gánh nặng tội lỗi ấy khi chiêm ngắm cảnh tượng Chúa toát mồ hôi máu trong vườn cây dầu. Con hiểu được phần nào gánh nặng tội lỗi ấy khi nghe Chúa thốt lên trên thập giá: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con!”. Con hiểu được phần nào gánh nặng tội lỗi ấy khi chiêm ngắm thập giá Chúa. Vì lạy Chúa, nếu tội lỗi của nhân loại không quá nặng nề thì Chúa đã không phải chết cách khủng khiếp đến thế.
Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã yêu thương loài người mà gánh lấy tội lỗi chúng con. Con phủ phục trước tấm lòng của Chúa đã hy sinh để chúng con khỏi hư mất. Xin cho nhân loại hôm nay đừng chất thêm vào gánh nặng tội lỗi ấy. Xin cho con một cảm thức nhậy bén với tội lỗi để con dứt khoát tránh xa tội lỗi. Xin cho con biết nhận ra tội lỗi của mình. Xin cho con biết sống bác ái nhiều hơn để góp phần làm vơi đi gánh nặng tội lỗi nhân loại. Amen.
Ghi nhớ: “Ðây Chiên Thiên Chúa”
Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Trong đoạn Phúc Âm hôm qua, Gioan tẩy giả đã làm chứng về bản thân mình (3 không và 2 phải). Trong đoạn Phúc Âm hôm nay, Gioan làm chứng về Chúa Giêsu. Ta cũng có thể tóm tắt lời chứng của Gioan về Chúa Giêsu thành 2 điểm:
1. Chúa Giêsu là Con Chiên của Thiên Chúa: kiểu nói “Chiên của Thiên Chúa” có thể mang 3 nghĩa quy chiếu về 3 nơi trong Cựu Ước:
Con chiên trong Is 53, 7 ”như con chiên bị lôi đến lò sát sinh”: Chúa Giêsu chính là Người Tôi Tớ mà Is tiên báo bằng hình ảnh con chiên hiền lành chịu chết vì tội muôn dân.
Con chiên trong Khải huyền 5, 6 14, 10 17, 14 đã từng bị sát tế và được nâng lên: Chúa Giêsu đã chịu chết nhưng đã sống lại và chiến thắng tội lỗi.
Con chiên vượt qua trong Ga 19, 14 (Chúa Giêsu bị giết vào đúng lúc người ta giết chiên để ăn tiệc vượt qua): Chúa Giêsu chính là Con chiên vượt qua dùng cái chết của mình để thực hiện cuộc giải phóng nhân loại.
2. Chúa Giêsu là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn: Kiểu nói “Đấng mà Thiên Chúa đã tuyển chọn” cũng mang âm hưởng Is 42, 1 nói về Người Tôi Tớ.
B. Suy gẫm (... nẩy mầm)
1. Có người so sánh một cách thi vị rằng Linh mục và tu sĩ là những chiếc đò đưa khách sang sông. Con thuyền phải đưa khách sang sông chứ không giữ khách lại mãi trong thuyền, vì nếu thế thì nó không phải là chiếc đò nữa.
2. Trong đạo Do Thái người ta cần có những con chiên gánh tội. Khi người ta có tội, người ta đem một con chiên đến Đền thờ, đặt tay trên đầu nó, tỏ ý trút hết tội của mình xuống nó, rồi giết chết nó hoặc đuổi nó vào sa mạc. Kể như nó đã mang hết tội của người ta và chịu phạt tội thay cho người ta. Chúa Giêsu đã tình nguyện làm con chiên gánh tội trần gian. Ngài cũng muốn các kitô hữu làm con chiên gánh tội thay cho những người của thời đại mình.
3. Chúa Giêsu là Đấng cứu rỗi. Để gánh tội tôi, Người đã bước lên cây thập giá đẫm máu. Cuộc chiến chống tội lỗi luôn cam go. - Cuộc chiến đấu chống tội lỗi trong con người tôi hẳn cũng phải theo con đường của Chúa: nhiều lần vác thập giá, nhiều lần chịu đổ mồ hôi sôi nước mắt, chịu chết lên chết xuống với con người cũ… Lạy Chúa xin cho con được cộng tác với Chúa trong chương trình cứu rỗi ngay bản thân con.
4. ”Gioan làm chứng về Chúa Giêsu: Tôi đã thấy nên xin chứng thực Ngài là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1, 34)
Nhiều người hỏi tôi: “Chúa có thật không? Nếu có thì Người ở đâu? Có gì minh chứng cho sự hiện hữu ấy?” Tôi chẳng thuyết phục được ai, nhưng luôn tin rằng có Thiên Chúa. Quả thực tôi chưa hề thấy Chúa bằng con mắt xác thịt, nhưng được Người cho thấy bằng con mắt đức tin. Gioan đã được nhìn tận mắt, nhưng để khám phá Chúa Giêsu là Đấng phải đến và để làm chứng cho Người, ông phải được Thánh Thần soi dẫn. Cũng thế, to chẳng bao giờ có thể thấy và làm chứng cho Chúa nếu như Người không trợ giúp.
Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Trên mái một nhà thờ ở Werden - Đức Quốc, người ta có thể nhìn thấy một tảng đá chạm trổ một con chiên (cừu non). Đây là câu chuyện về tảng đá đó:Một công nhân đang làm trên mái nhà thờ này thì dây thừng an tòan bị đứt, anh công nhân bị rớt xuống sân nhà thờ, mà sân thì xếp đầy những đống đá lớn. Thế nhưng anh công nhân không bị thương nặng. Có một con chiên đang gặm cỏ giữa hai khối đá lớn. Anh công nhân rớt xuống trên con chiên và đè nó chết, làm tiêu tan điều được coi là cú rơi định mệnh…
Để nhớ ơn, anh công nhân đã chạm trổ một con chiên bằng đá và đặt trên mái nhà thờ. Đó là một cách tốt đẹp bày tỏ lòng biết ơn của anh ta đối với một con vật đần độn, đã cứu mạng anh mà nó không biết (Arthur Tonne).
Suy niệm
“Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa bỏ tội trần gian”. “Tội trần gian” theo truyền thống thường hiểu là tội gốc, là tội nguyên tổ và những hậu quả di căn cho con người là tất cả những lỗi lầm, tội lỗi cá nhân.Không chỉ thế, “tội trần gian” được nhắc đến trong Tin Mừng là ý niệm về một quyền lực “bóng tối” (x. Ga 8, 12), chi phối và đè bẹp con người mất tự do. Thánh Gioan và thánh Giacôbê đã nhấn mạnh sự liên hệ giữa tội lỗi và thế gian (x. Ga 16, 8.17, 14; 1 Ga 2, 1; 2, 15-17; 4, 1.4.5; 5, 19; Gc 1, 27; 3, 15; 4, 4), chính thế lực tạo nên sự chống đối lại sự sáng - thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc sống. Trong đó, “tội trần gian” là sự thống trị của vật chất được hình tượng hóa bằng bò vàng mà dân Do Thái tôn thờ (x. Xh 32, 1-6). Hành vi tôn thờ bò vàng muốn nói lên là họ không cần đến Thiên Chúa, cắt mình ra khỏi sự gắn bó với Thiên Chúa, tự sức mình làm chủ cuộc đời và muốn thế giới theo ý mình. Chúng ta thấy rõ việc tôn thờ “bò vàng” qua cách sống thực dụng duy vật chất của người đời hôm nay. “Tội trần gian” còn là di căn của tội như đau khổ và phải chết do tội nguyên tổ, những hậu quả đi vào đời sống hàng ngày là những lo lắng ưu tư, những khốn khó, bệnh tật mà con người đang bị đè nặng từ khi bóng tối làm chủ thế gian…”Đây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa bỏ tội trần gian”, Thánh Gioan Chrysostome và thánh Augustinô đã nhấn mạnh: “Chiên là biểu tượng của sự vô tội và của công chính. Người vô tội chết cho người có tội, người công chính chết cho nhân loại vốn mất ân sủng do tội, được trở nên công chính hóa”. Vì thế, Giáo hội tuyên tín từ xa xưa: “Khi Người tự hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, Người hủy diệt tội lỗi xưa để đổi mới muôn loài sa ngã, và hoàn lại sự sống nguyên tuyền cho chúng con” (Kinh Tiền Tụng Phục Sinh IV).
Ðức Kitô - Chiên Thiên Chúa đã dùng giá máu mình để cứu chuộc nhân loại (x. 1Pr 1, 18; Kh 5, 9; Dt 9, 12-15) được loan báo trước bằng hình ảnh máu của con chiên cứu dân Do Thái. Gioan, người môn đệ đã thấy hình ảnh Chiên Thiên Chúa hiến tế đã nhấn mạnh: Ngài đã cứu họ khỏi “bụi trần” (Kh 14, 3); Phêrô xác tín thêm: Ngài đã cứu nhân loại khỏi cái thế giới buông theo gian tà phát sinh do đạo thờ ngẫu tượng (x. 1Pr 1, 14.18; 4, 2tt), nhờ đó từ nay họ có thể tránh tội (x. 1Pr 1, 15tt; Ga 1, 29; 1Ga 3, 5-9), hình thành nên vương quốc tư tế mới, nên dân tộc được thánh hiến cho Thiên Chúa (x. 1Pr 2, 9; Kh 5, 9tt; Xh 19, 6). Chính dân tộc thánh này sẽ dâng lên Thiên Chúa cuộc thờ phượng thiêng liêng bằng một đời sống không có gì chê trách được (x. 1Pr 2, 5; Dt 9, 14). Chính vì lẽ đó, Tông đồ Phaolô khuyên người tín hữu hãy sống “tinh tuyền và chân thật” như bánh không men vì “Ðức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (1Cr 5, 7).
Ước chi tôi và bạn đặt tất cả niềm tin và cuộc sống nơi Chiên Vượt Qua - Đức Kitô, trong Ngài chúng ta được chữa lành mọi vết thương, được giải phóng mọi tình trạng nô lệ ở đời này.
Ý lực sống
Chiên Vượt Qua là Kitô Đức Chúa
Đổ máu đào vô tội cứu sinh linh
Này bánh không men nuôi dưỡng lòng thành
Hồn trinh trắng khỏi sa vòng tục lụy…
(Thánh Thi Phục Sinh)