Lời Chúa Ngày 09/07/2023: Chúa nhật 14 Thường niên năm A (Mt 11,25-30)

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

Lời Chúa Ngày 09/07/2023: Chúa nhật 14 Thường niên năm A (Mt 11,25-30)

Lời Chúa Ngày 09/07/2023: Chúa nhật 14 Thường niên năm A (Mt 11,25-30)

“Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng
trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an”. (Mt 11,28)

BÀI ĐỌC I: Dcr 9, 9-10

“Này vua ngươi khiêm tốn đến với ngươi”.

Trích sách Tiên tri Dacaria.

Đây Chúa phán: “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy nhảy mừng; hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy reo mừng! Này vua ngươi đến với ngươi. Người là Đấng công chính và là Đấng cứu độ; Người khiêm tốn ngồi trên lừa con, con của lừa mẹ. Người đã loại bỏ các chiến xa khỏi Ephraim, và ngựa khỏi Giêrusalem. Cung tên chiến trận sẽ được phá huỷ. Người sẽ công bố hoà bình cho các dân tộc. Quyền bính của Người sẽ bành trướng từ biển này đến biển nọ, từ sông cái đến tận cùng trái đất”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 144, 1-2. 8-9. 10-11. 13cd-14

Đáp: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời (c. 1).

Xướng:

1) Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. - Đáp.

2) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. - Đáp.

3) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. - Đáp.

4) Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: Rm 8, 9. 11-13

“Nếu nhờ thần trí mà anh em đã giết được hành động của xác thịt, thì anh em sẽ được sống”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Đức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Và nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Kitô từ cõi chết sống lại, cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.

Anh em thân mến, chúng ta không phải là những kẻ mắc nợ xác thịt, để chúng ta sống theo xác thịt. Vì chưng, nếu anh em đã sống theo xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Trí mà anh em đã giết được các hành động (xấu xa của) thân xác, thì anh em sẽ được sống.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Mt 11, 25-30

Khi ấy, Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. - Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho.

“Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.


Bài giảng của linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân

GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN NĂM A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)

Số 514-521: Hiểu biết các mầu nhiệm của Đức Kitô, hiệp thông trong các mầu nhiệm của Người

514. Có nhiều điều liên quan đến Chúa Giêsu mà loài người tò mò muốn biết, nhưng lại không được các sách Tin Mừng nói đến. Tin Mừng hầu như không nói gì về cuộc sống của Người ở Nazareth, và một phần lớn cuộc đời công khai của Người cũng không được kể lại[1]. Những gì đã được viết ra trong các Tin Mừng, được kể lại là “để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31).

515. Các sách Tin Mừng đã được viết ra bởi những người trong số những người đầu tiên đã có đức tin[2], và muốn cho những người khác được tham dự vào đức tin đó. Đã được biết Chúa Giêsu là ai trong đức tin, họ có thể thấy và chỉ cho người khác thấy những dấu tích của mầu nhiệm của Người trong suốt cuộc đời trần thế của Người. Từ những mảnh tã quấn thân ngày Người Giáng Sinh[3], cho đến chút giấm lúc Người chịu khổ hình[4], và tấm khăn liệm ngày Người Phục Sinh[5], mọi sự trong cuộc đời Chúa Giêsu đều là dấu chỉ của mầu nhiệm của Người. Qua những cử chỉ, những phép lạ, những lời nói của Người, Người mạc khải “nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” (Cl 2,9). Như vậy, nhân tính của Người xuất hiện như một “bí tích”, nghĩa là, một dấu chỉ và dụng cụ của thần tính của Người, và của ơn cứu độ mà Ngươi mang lại: những gì hữu hình trong cuộc đời trần thế của Người, dẫn chúng ta đến với mầu nhiệm vô hình, là địa vị làm Con Thiên Chúa của Người và sứ vụ cứu chuộc của Người.

Những nét chung của các mầu nhiệm của Chúa Giêsu

516. Cả cuộc đời của Đức Kitô là một Mạc khải về Chúa Cha: những lời Người nói, những việc Người làm, những lúc Người im lặng, những đau khổ Người chịu, cách thế Người sống và giảng dạy. Chúa Giêsu có thể nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga l4,9), và Chúa Cha nói: “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35). Vì Chúa chúng ta đã làm người để chu toàn thánh ý của Chúa Cha[6], nên ngay cả những điểm nhỏ nhặt nhất trong các mầu nhiệm của Người đều biểu lộ cho chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta[7].

517. Cả cuộc đời của Đức Kitô là một mầu nhiệm Cứu chuộc. Ơn Cứu chuộc đến với chúng ta trước hết nhờ Máu Người đổ ra trên thập giá[8], nhưng mầu nhiệm này được thực hiện qua cả cuộc đời Đức Kitô: ngay trong việc Người Nhập Thể, Người đã trở nên nghèo để lấy cái nghèo của Người mà làm cho chúng ta nên giàu có[9]; trong cuộc sống ẩn dật, Người vâng phục[10] để sửa lại sự bất phục tùng của chúng ta; khi giảng dạy, lời Người nói thanh tẩy những người nghe[11]; khi chữa bệnh và trừ quỷ, “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17)[12]; khi phục sinh, Người làm cho chúng ta được nên công chính[13].

518. Cả cuộc đời của Đức Kitô là một mầu nhiệm Quy tụ: tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm, đã nói, và đã chịu đau khổ, đều có mục đích là để phục hồi con người sa ngã về lại ơn gọi đầu tiên của họ:

“Khi nhập thể và làm người, Đức Kitô đã quy tụ nơi mình lịch sử lâu dài của nhân loại, và đã đem lại ơn cứu độ cho chúng ta theo con đường tắt, để những gì xưa kia chúng ta đã mất nơi Ađam, tức là không còn là hình ảnh và giống như Thiên Chúa nữa, thì nay chúng ta được nhận lại trong Đức Kitô Giêsu”[14]. “Chính vì thế Đức Kitô đã trải qua mọi tuổi đời, để cho mọi người lại được hiệp thông với Thiên Chúa”[15].

Chúng ta hiệp thông với các mầu nhiệm của Chúa Giêsu

519. Mọi sự phong phú của Đức Kitô là dành cho mọi người và là tài sản của mọi người[16]. Đức Kitô không sống cho bản thân Người, nhưng cho chúng ta, từ lúc Người nhập thể “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”[17], cho đến khi Người chịu chết “vì tội lỗi chúng ta” (1 Cr 15,3) và sống lại “để chúng ta được nên công chính” (Rm 4,25). Cả bây giờ nữa, Người vẫn là trạng sư của chúng ta “trước mặt Chúa Cha” (1 Ga 2,1), “vì Người hằng sống để chuyển cầu” cho chúng ta (Dt 7,25). Với tất cả những gì Người đã sống và đã chịu đựng một lần cho mãi mãi vì chúng ta, giờ đây Người luôn hiện diện “trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9,24) đến muôn đời.

520. Trong cả cuộc đời của Người, Chúa Giêsu tỏ mình là mẫu mực của chúng ta[18]: chính Người là “con người hoàn hảo”[19], Người mời gọi chúng ta trở nên môn đệ của Người và bước đi theo Người; qua việc tự hạ của Người, Người ban cho chúng ta một gương mẫu để bắt chước[20]; qua việc cầu nguyện của Người, Người lôi kéo chúng ta cầu nguyện[21]; qua sự nghèo khó của Người, Người kêu gọi chúng ta tự nguyện chấp nhận sự thiếu thốn và những cơn bách hại[22].

521. Tất cả những gì chính Người đã sống, Đức Kitô làm cho chúng ta được sống những điều đó trong Người, và Người sống những điều đó trong chúng ta. “Khi nhập thể, Con Thiên Chúa một cách nào đó đã nên một với mọi người”[23]. Chúng ta được kêu gọi nên một với Người; chính Người làm cho chúng ta, với tư cách là những chi thể của Thân Thể Người, được hiệp thông với những gì Người đã sống trong thân thể Người vì chúng ta và nên như mẫu mực cho chúng ta:

Chúng ta phải tiếp nối và hoàn thành nơi bản thân chúng ta các giai đoạn của cuộc đời Chúa Giêsu và các mầu nhiệm của Người, và thường xuyên cầu xin… để Người hoàn tất và kiện toàn những điều ấy trong chúng ta và trong toàn thể Hội Thánh Người…. Vì Con Thiên Chúa có ý truyền thông, mở rộng và tiếp tục các mầu nhiệm của Người trong chúng ta và trong toàn thể Hội Thánh Người,… hoặc bằng các ân sủng Người quyết định ban cho chúng ta hoặc bằng những hiệu quả Người muốn thực hiện nơi chúng ta qua các mầu nhiệm ấy. Bằng cách này, Người muốn hoàn tất các mầu nhiệm của Người trong chúng ta[24].

 

Số 238-242: Chúa Cha được mạc khải nhờ Chúa Con

238. Việc khẩn cầu Thiên Chúa với tước hiệu là “Cha” đã được biết đến trong nhiều tôn giáo. Thượng Đế thường được coi như “cha của các vị thần và của người phàm”. Trong dân Israel, Thiên Chúa được gọi là Cha, với tư cách là Đấng tạo dựng trần gian[25]. Hơn nữa Thiên Chúa còn là Cha vì Ngài đã lập Giao ước và ban Lề luật cho dân được gọi là “Israel con đầu lòng của Ta” (Xh 4,22). Ngài cũng được gọi là Cha của vua Israel[26]. Và đặc biệt hơn nữa, Ngài là “Cha của người nghèo”, của cô nhi, quả phụ, những kẻ được Ngài thương yêu che chở[27].

239. Khi gọi Thiên Chúa là “Cha”, ngôn ngữ đức tin chủ yếu muốn nêu lên hai khía cạnh: Thiên Chúa là nguồn gốc thứ nhất và là Đấng uy quyền siêu việt trên hết mọi sự, đồng thời là Đấng nhân hậu và yêu thương chăm sóc mọi con cái của Ngài. Tình phụ tử này của Thiên Chúa cũng có thể được diễn tả qua hình ảnh tình mẫu tử[28]. Hình ảnh tình mẫu tử nói lên rõ hơn sự gần gũi của Thiên Chúa và sự thân mật giữa Thiên Chúa với thụ tạo của Ngài. Như vậy, ngôn ngữ đức tin múc nguồn nơi kinh nghiệm phàm nhân về cha mẹ, các vị này một cách nào đo, là những đại diện đầu tiên của Thiên Chúa đối với con người. Nhưng kinh nghiệm đó cũng cho thấy rằng, cha mẹ phàm nhân có thể phạm sai lầm và họ có thể làm méo mó dung mạo của tình phụ tử và mẫu tử. Vì vậy phải nhớ rằng, Thiên Chúa siêu việt hẳn trên sự phân biệt phái tính của phàm nhân. Ngài không là nam mà cũng không là nữ. Ngài là Thiên Chúa. Ngài cũng siêu việt hẳn trên sự làm cha làm mẹ của người phàm[29], mặc dù Ngài là nguồn gốc và là chuẩn mực[30] của chức năng làm cha làm mẹ: không ai là cha như Thiên Chúa là Cha.

240. Chúa Giêsu đã mạc khải Thiên Chúa là “Cha” theo một nghĩa chưa từng có: Ngài là Cha không những vì Ngài là Đấng Tạo Hoá, nhưng từ đời đời Ngài là Cha trong tương quan với Con duy nhất của Ngài, Đấng từ đời đời là Con trong tương quan với Cha của Người: “Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11,27).

241. Vì vậy các Tông Đồ tuyên xưng Chúa Giêsu là “Ngôi Lời”, “lúc khởi đầu … vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1), là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15), và là “phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3).

242. Sau các ngài, Hội Thánh tiếp nối Truyền thống Tông Đồ, trong Công đồng chung thứ nhất họp tại Nicêa năm 325, đã tuyên xưng Chúa Con “đồng bản thể với Chúa Cha”[31], nghĩa là, Người là một Thiên Chúa duy nhất cùng với Chúa Cha. Công đồng chung thứ hai họp tại Constantinôpôli năm 381, vẫn duy trì cách diễn tả trong công thức của tín biểu Nicêa và đã tuyên xưng: “Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời, Người là Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha”[32].

 

Số 989-990: Xác sống lại

989. Chúng ta tin một cách chắc chắn và hy vọng một cách chính xác rằng: cũng như Đức Kitô đã thật sự sống lại từ cõi chết và sống muôn đời, thì cũng vậy, những người công chính sau cái chết của mình sẽ sống muôn đời với Đức Kitô phục sinh, Đấng sẽ làm cho họ sống lại vào ngày sau hết[33]. Sự sống lại của chúng ta, cũng như sự sống lại của Người, sẽ là công trình của Ba Ngôi Chí Thánh:

“Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Ngài đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11)[34].

990. Từ “thân xác” được dùng ở đây để chỉ con người trong thân phận yếu đuối và phải chết của nó[35]. “Xác sống lại” có nghĩa là sau khi chết, không những linh hồn bất tử được có sự sống, mà cả “thân xác phải chết” (Rm 8,11) của chúng ta cũng sẽ được đảm nhận lại sự sống

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Ðức Giêsu đã mạc khải mầu nhiệm về Cha của Ngài cho những kẻ bé mọn, những kẻ vô danh tiểu tốt. Ðối với xã hội họ chẳng là gì, chẳng có quyền gì, nhưng đã được Ðức Giêsu yêu thương và dạy cho biết về mầu nhiệm cao siêu, huyền nhiệm Nước Trời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã không chê sự hèn mọn của chúng con. Chúa đã cho chúng con được hạnh phúc biết về Thiên Chúa Cha, Ngài là Cha yêu thương chúng con. Xin cho toàn thế giới này cũng được nhận ra Cha là Ðấng đầy yêu thương để họ được hạnh phúc. Amen.

Ghi nhớ : “Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng”.

Suy niệm 2: (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG

+++

A. DẪN NHẬP

  Ngày nay, người ta say mê quyền lực và muốn khuất phục người khác dưới quyền mình, muốn sai khiến người khác theo ý mình. Con người có khuynh hướng trở nên kiêu ngạo. Người ta có dị ứng khi nói đến lời dạy “hiền lành khiêm nhường “của Đức Kitô, nhất là khuyên chúng ta hãy thực hiện đức tính này.

  Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta cần đi bước theo chân Chúa Kitô. Người đã đến chia sẻ kiếp người của chúng ta, Người đã đi đến mức cùng của việc tự hạ: sống chung thân phận với người nghèo khổ, như người tôi tớ rốt hết. Hiền lành và khiêm nhường là những đức tính mà Chúa Giêsu đã thực hiện trước và khuyên các môn đệ hãy đem ra thực hành: “Các con hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.

  Thực ra, trước Chúa Giêsu mấy trăm năm, nhà hiền triết Lão Tử cũng đã đưa ra chủ trương: “Nhu nhược thắng cương cường”: lấy mềm dịu thắng cứng rắn (nhu thắng cương, nhược thắng cang). Đây là một chủ trương mới lạ, khó được chấp nhận, chỉ những người có tâm hồn cao thượng mới hiểu và chấp nhận được chủ trương này. Hôm nay chúng ta thấy lời khuyên của Chúa Giêsu rất gần với chủ trương của Lão Tử. Và trong thực tế, có rất nhiều người đã thực hiện lời khuyên của Chúa Giêsu. Họ đã thành công và đã để lại tấm gương sáng muôn đời cho nhiều người. Chúng ta hãy nhớ lại lời khuyên của Chúa Giêsu trong “Tám mối phúc thật”: “Phúc cho ai có tinh thần hiền lành vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Dcr 9,8-10

  Trong thời Chúa Giêsu, người ta đang trông chờ Đấng Messia đến cứu dân Người với hình ảnh là một Đấng Messia đầy quyền uy, dùng võ khí để tái lập hoà bình. Nhưng tiên tri Giacaria lại loan báo cho dân thành Giêrusalem biết: Đấng Messia không đến trong quyền uy với võ khí huỷ diệt, nhưng đến với một thứ võ khí đặc biệt là “hiền lành và khiêm nhường”.

  Theo đó, Đấng Messia sẽ đến cũng là một vị Vua nhưng là vị Vua có những đức tính khác biệt:

          . Ngài không phải là vị vua chiến tranh nhưng là vua hòa bình.

          . Ngài rất khiêm nhường, không ngồi trên lưng ngựa mà trên lưng lừa.

          . Ngài rất hiền lành: không muốn giết chết mà chỉ muốn cứu sống.

  Đức Giêsu sẽ hoàn tất việc mong chờ này vào ngày lễ Lá, khi Người vào thành Giêrusalem trên lưng một con lừa, như những người nghèo.

+ Bài đọc 2: Rm 8,9.11-13

  Đây là đề tài phụ. Thánh Phaolô nhắc cho chúng ta rằng khi được chịu phép rửa tội, chúng ta thực sự đã trở nên môn đệ Chúa Kitô, và để phục sinh với Người chúng ta phải sống theo thần khí của Người (tức là Thánh Thần) chứ đừng “sống theo xác thịt” là mọi khuynh hướng xấu sẵn có trong chúng ta.

  Ai sống đời sống cũ tức là sống theo xác thịt sẽ bị dẫn đến sự chết. Còn ai sống đời sống mới tức là sống theo Thánh Thần sẽ được dẫn tới sự sống vĩnh cửu.

+ Bài

Tin mừng: Mt 11,25-30

  Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta có thể tìm thấy hai ý tưởng chính:

a) Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha vì Người quý chuộng những kẻ bé mọn và khiêm nhường. Chính Người đã tiết lộ bí mật của Người cho họ trong khi Người lại giấu không cho những người khôn ngoan và quyền thế biết được những điều ấy. Vì sao? Vì các luật sĩ và biệt phái đáng lẽ ra phải là những người đầu tiên nhận ra rằng Chúa Kitô là sứ giả của Thiên Chúa. Nhưng sự hiểu biết về Sách thánh của họ đã làm cho họ đầy kiêu căng, một thứ vật cản.

b) Sang phần sau, Chúa Giêsu cho biết, vì không tự mãn, những trí óc khiêm nhường của những kẻ bé mọn lại được mở ra ngay từ đầu đối với những mầu nhiệm của Chúa. Họ đã nhận ra Chúa Giêsu là sứ giả của Thiên Chúa và đón nhận lời Người.

  Nhân dịp này, Chúa Giêsu cũng khuyên những người bé mọn đó hãy “mang lấy ách của Ngài” tức là “hãy học cùng Ngài” về hai đức tính căn bản là “Hiền lành và khiêm nhường” trong cuộc sống hằng ngày để làm môn đệ Chúa.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Người hiền lành khiêm nhường

  Trong phần thực hành lời Chúa, chúng ta chỉ bàn đến lời khuyên của Chúa trong phần thứ hai của bài

Tin mừng: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.

I. NÓI VỀ HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG

1. Nói về hiền lành

  Hiền lành hay hiền hậu là con người tốt lành, không độc ác, nhưng có lòng thương người, có đức hạnh và hay làm điều thiện. Ví dụ: Cha mẹ hiền lành để đức cho con.

  Theo nguyên ngữ Hy lạp được dùng trong Kinh thánh thì nó có nghĩa là dịu dàng, ngọt ngào, không thô bạo cứng cỏi. Như thế hiền lành phải có cả bên trong lẫn bên ngoài. Bên trong thì phải êm ái, hoà nhã, yêu thương, khoan dung, thông cảm. Bên ngoài thì phải nhẹ nhàng, không có hành động cứng rắn hay thô bạo.

  Hiền lành thì phải tránh tính nóng nảy. Trong đời sống hằng ngày, người có quyền bính đều sử dụng tính nóng nảy của mình đối với người khác, có khi còn “giận cá băm thớt”. Người ta từng nói: “No mất ngon, giận mất khôn”. Cho nên, để luôn luôn tự cảnh giác, ông Nguyễn Đình Giản, thời Lê mạt, đã viết vào một mảnh giấy, dán lên chỗ ngồi giải trí, câu này:

Tảo cấp tắc bại sự
Nóng tính thì hỏng việc.

2. Nói về khiêm nhường

  Theo chữ thì Khiêm nhường hay khiêm nhượng là nhún nhường không khoe khoang, hạ mình xuống một chút. Căn bản của khiêm nhường là biết mình “là” thế nào: từ đó không muốn tỏ ra hơn cái “là” ấy; và giả như người khác có coi mình kém hơn cái “là ấy” thì mình cũng không màng tới. Điều quan trọng là sống thanh thản và thành thật đúng với cái “là” của mình.

  Khiêm nhường trái ngược với kiêu ngạo. Kiêu ngạo là muốn tự cho mình vượt quá cái “là” của mình và bắt người ta phải công nhận như vậy. Người kiêu ngạo được coi là người VIỆT VỊ trong bóng đá vì đã vượt quá vị trí của mình. Dĩ nhiên, cầu thủ “việt vị” thì đều bị trọng tài phạt.

Truyện: Hoàng đế Napoléon kiêu ngạo

  Trong trận đánh Nga, hoàng đế Napoléon đã mơ tưởng thu phục cả Ấn Độ, và với lòng kiêu căng vô biên, nhà vua đã cho đúc một thứ huy chương có dòng chữ này: “THIÊN ĐÀNG LÀ CỦA CHÚA, TRÁI ĐẤT LÀ CỦA TÔI”. Nhưng rồi nhà vua đã mất ngôi báu vì trận Nga này. Sau trận thất bại của nhà vua, một viên đại tướng Nga cũng cho đúc một huy chương khác, trên mặt có một hình bàn tay đưa ra đám mây và cầm roi đánh vào lưng Napoléon cùng với lời này: “CÁI LƯNG LÀ CỦA MÀY, CÁI ROI LÀ CỦA TA”. Và như thế, vị hoàng đế kiêu ngạo, sau này trong nơi vắng vẻ bị tù đày ở đảo Sainte Helène có thể suy nghĩ đến chân lý về những lời này của Chúa: “Kẻ nào đưa mình lên sẽ bị hạ xuống, còn kẻ nào hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Mt 23,12).

II. NGƯỜI ĐỜI NGHĨ THẾ NÀO?

  Tuỳ theo quan niệm của người ta, hiền lành nhịn nhục có thể bị coi như một thái độ hèn nhát, nhu nhược. Nhưng cũng có rất nhiều người coi đó là thái độ anh hùng đáng ca tụng. Phải là một con người có bản lĩnh vững vàng cao thượng mới có thể thực hiện được.

1. Thái độ hèn nhát

  Ngày nay sự hiền lành dễ thương không còn được đánh giá cao như trước. Trước đây lời khen ngợi tốt nhất mà ta có thể trao tặng cho kẻ khác là gọi họ là “người hiền lành dễ thương”. Nhưng ngày nay, bạo lực lại phổ biến hơn hiền lành dễ thương. Truyền hình đã làm cho bạo lực có rất nhiều khán giả bằng những chương trình Nielson rất phổ biến (bên Mỹ).

  Nếu thi sĩ Alfred de Vigny coi cầu nguyện và than vãn là thái độ hèn yếu, thì đối với ông và với nhiều người khác, họ nghĩ sao với lời Chúa: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”? Có lẽ họ muốn theo cách hành động của anh chàng Tân Ti Tụ suốt đời không chịu để cho ai làm nhục.

Truyện: Anh chàng Tân Ti Tụ

  Đời Trang Công nước Tề có người tên là Tân Ti Tụ đêm nằm mơ thấy một chàng cao lớn đội mũ trắng đi giày mới, mặc quần gai, áo vải, đeo gươm tự dưng đến nhà mắng, nhổ vào mặt mà đi.

  Tân Ti Tụ giật mình thức dậy, tuy biết chiêm bao nhưng vẫn tức tối, suốt đêm bực rọc khó chịu, không ngủ được.

  Sáng dậy, Tân Ti Tụ mời một bạn thân đến nói rằng:

 - Bác ạ, tôi từ nhỏ đến giờ vẫn là kẻ hiếu dũng, nay sáu mươi tuổi rồi mà chưa hề chịu ai làm nhục, thế mà đêm qua bị một đứa, tôi phải đi tìm để báo thù, nếu thấy thì hay, còn không tôi chết mất.

  Thế rồi từ hôm ấy, sáng nào Tân Ti Tụ cũng cùng bạn ra đứng ngoài đường cái để rình. Rình mãi ba ngày không thấy, rút cục Tân Ti Tụ phải uất lên mà chết (Thái Bạch, Đông tây kim cổ tinh hoa, 1965, tr 134).

2. Thái độ can đảm

Ngược lại với thái độ của những kẻ tầm thường chỉ biết hành động theo tình tư dục, những bậc thánh nhân, hiền nhân quân tử có cái nhìn khác hẳn. Những kẻ tầm thường không có cái suy nghĩ và hành động như các vị đó.

Thánh Francois de Sales nói: “Tất cả đều được chinh phục bởi hiền dịu chớ không phải bạo lực”.

Nhà hiền triết Mạnh Tử nói:

Thiên đạo vô thân. Thường dữ thiện nhân”
Đạo trời không riêng một người. Luôn gia ân cho kẻ hiền lành.

Ông Tô Đông Pha, một văn sĩ Trung hoa thời xưa nói rất chí lý:

Chỗ mà người xưa gọi là hào kiệt, ắt phải có khí tiết hơn người. Nhưng, nhân tính có chỗ không thể nhịn được. Bởi vậy, kẻ thất phu gặp nhục, tuốt gươm đứng dậy, vươn mình xốc đánh. Cái đó chưa đủ gọi là dũng. Kẻ đại dũng trong thiên hạ, trái lại, thình lình gặp những việc phi thường cũng không kinh, vô cố bị những điều ngang trái cũng không giận. Đó là nhờ chỗ hoài bão của họ rất lớn và chỗ lập chí của họ rất xa vậy”.

Để làm nổi bật cái triết lý “Nhu nhược thắng cương cường” trong phương diện cách mạng, ông Nguyễn Duy Cần trong cuốn “Cái dũng của thánh nhân” đã đề cập đến cuộc giải phóng Ấn Độ do ông Gandhi điều khiển. Chính sách đề kháng bất bạo động của Gandhi đã làm cho thế giới hết sức ngạc nhiên và thán phục. Đâu phải người ta không biết dùng bạo động, nhưng vì người ta cho đó là còn hạ sách.

Ông Gandhi nói: “... Tôi tin rằng Ấn Độ không phải là vô lực. 100.000 người Anh làm gì mà đến 300 triệu người Ấn kia phải sợ? Bất bạo động đâu phải chịu luỵ kẻ làm hại mình. Bất bạo động, là dùng sức mạnh của cả tâm hồn để chống lại với cường quyền của kẻ độc tài”.

Một người như thế thôi cũng đủ khiêu khích cả một đế quốc và làm cho nó “tan tành nghiêng ngửa”.

Truyện: Lạn Tương Như và Liêm Pha.

Lạn Tương Như được phong làm tướng quốc. Liêm Pha cậy mình có nhiều công hơn mà lại bị đứng dưới, nên tức giận hăm he hễ gặp mặt Tương Như là giết đi. Tương Như vì thế cứ lánh mặt mãi... Một hôm Tương Như ra ngoài, gặp toán lính tiền đạo của Liêm Pha, vội sai tên đánh xe đi tránh vào trong ngõ, đợi Liêm Pha đi qua rồi mới đi ra. Bọn xá nhân thấy thế càng giận bèn họp nhau hỏi Tương Như:

- Chúng tôi bỏ nhà cửa, xa thân thích đến đây hầu ngài, tức coi ngài là bậc thượng phu nên mến mà theo. Nay ngài cùng Liêm tướng quân cùng hàng mà hạng thứ lại ở trên. Liêm Pha dọa, ngài đã không báo lại, đã tránh ở triều, nay lại tránh ở ngoài đường. Sao ngài lại sợ quá thế vậy? Chúng tôi lấy làm xấu hổ, vậy xin đi thôi không ở nữa.

Tương Như nói:

- Các ngươi xem tướng quân có hơn được vua Tần không?

Bọn xá nhân đáp:

- Không.

Tương Như nói:

- Lấy cái oai của vua Tần, thiên hạ ai dám chống, mà Tương Như này dám mắng giữa triều đình, lại làm nhục cả quần thần nữa. Tương Như dẫu hèn, há lại sợ một Liêm tướng quân ư? Nhưng ta nghĩ, Tần sở dĩ không dám đánh Triệu là vì e có ta và Liêm tướng quân. Nay hai con hổ tranh nhau, thế không cùng sống. Tần nghe tin, tất thừa cơ đánh Triệu. Ta sở dĩ chịu nhục tránh Liêm tướng quân là coi việc nước là trọng và thù riêng là khinh vậy thôi.

Bọn xá nhận mọp lạy mà rằng:

- Tiểu nhân chúng tôi trí hẹp làm gì hiểu nổi đại chí của tướng công.

Liêm Pha khi nghe thuật lại việc làm của Tương Như cả thẹn mà rằng: “Ta thật còn kém Lạn Tương Như xa lắm”. Bèn đến tạ tội với Tương Như, quỳ mọp mà rằng: “Tôi tính thô bạo, đội ơn tướng quân bao dung, nghĩ lấy làm hổ thẹn quá”. Tương Như đỡ dậy, nắm tay cùng khóc và kết làm bạn sống chết với nhau.

(Nguyễn Duy Cần, Cái dũng của thánh nhân, 1958, tr 162-163)

III. CHÚNG TA NGHĨ SAO?

  Mỗi người phải lựa chọn cho mình một hướng đi. Chúng ta phải có lựa chọn nào trước lời Chúa dạy: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”? Thái độ của người hiền lành là hèn nhát hay can đảm?

  Đối với chúng ta, sự hiền lành và khiêm nhường của Đức Giêsu đã làm cho không biết bao người đương thời với Chúa Giêsu và bao thế hệ sau này ngỡ ngàng và kinh ngạc.

Truyện: BEN HUR

  Nhà văn Lewis Wallace trong tác phẩm BEN HUR cũng nói lên tâm tư sững sờ trước sự khiêm nhường sâu thẳm của Đức Kitô:

  Ben Hur khi chứng kiến cảnh Đức Kitô bị Giuđa phản nộp và bị các tên lính bắt trói, chàng hăm hở tiến đến gần Chúa Giêsu và hỏi:

 - Lạy Thầy, hãy nghe tôi, có phải Thầy tự ý muốn đi theo bọn lính và các giáo sĩ hay không?

  Đức Giêsu lặng thinh.

 - Lạy Thầy, tôi có một binh đoàn quân Galilê trong thành phố này. Hãy ra lệnh đi, họ sẽ phục tùng Thầy. Thầy có thuận không?

  Đức Giêsu vẫn một mực cúi nhìn đăm đăm xuống đất.

 - Lạy Thầy, một lời thôi, một lời của Thầy thôi, tất cả sẽ theo Thầy...

  Đức Giêsu vẫn im lặng, đến nỗi Ben Hur ngã vật xuống bờ sông Cédron và thốt lên:

 - Người Nazareth, hỡi người Nazareth, thế thì thông điệp của Người mang ý nghĩa gì?

  Mang một ý nghĩa gì ư? Đó là “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Đó là thông điệp mà Đức Giêsu gửi cho mọi người chúng ta. Ngài đã làm gương trước, chúng ta chỉ việc học đòi bắt chước Ngài thôi.

  Qua những tư tưởng trên, chúng ta thấy sự hiền lành khiêm nhường của Đức Kitô không là một sự nhu nhược nhát đảm, nhưng đó là đức tính của những vĩ nhân, của những bậc đại thánh. Bởi vì chính tính khí kiêu căng đã làm cho thế giới bị đảo lộn, hận thù ghen ghét, chiến tranh. Những kẻ kiêu căng tự mãn là những tiểu nhân, hèn mọn, còn những tâm hồn hiền lành khiêm nhường là bậc anh hùng vì họ đã anh dũng chiến thắng được bản thân với những tính tự ái ích kỷ hẹp hòi. Đó mới là cuộc chiến quan trọng, và cái chiến thắng của cuộc chiến đó mới đáng kể.

Truyện: Đức Gioan 23 và bức thư

  Lúc được phong chức Tổng giám mục, Đức Cha Roncalli là Khâm sứ Tòa thánh kiêm đại diện Tông toà quản trị các giáo phận ở Bungari và Thổ. Công việc của ngài rất khó khăn, vì phải trông coi một vùng rộng lớn đang sôi động về mặt chính trị, chia rẽ về mặt tôn giáo, Công giáo với Tin lành, Chính thống, Hồi giáo, các linh mục triều lại chia rẽ với các tu sĩ.

  Trong lúc thi hành công việc mục vụ, Đức Tổng giám mục Roncalli nhận được một bức thư nặng lời chê bai chỉ trích Ngài về mọi mặt, do tay một linh mục bất mãn viết. Đọc xong, Đức cha Roncalli không nói một lời, lòng vẫn tha thiết yêu vị linh mục ấy.

  Thời gian trôi qua, ngài được thăng chức sứ thần Tòa thánh tại Paris, rồi hồng y giáo chủ Vênêtia, và cuối cùng đắc cử Giáo hoàng với danh hiệu Gioan 23 năm 1958.

  Linh mục bất mãn viết thư năm nào vẫn còn sống. Về sau để ngài tháp tùng với giáo dân sang Rôma và xin được yết kiến Đức Giáo hoàng.

  Linh mục ấy đã thuật lại cuộc tiếp kiến riêng tư với Đức Giáo hoàng:

  “Trong lúc đứng ở phòng khách trên lầu cao Vatican, đầu óc tôi cứ nghĩ tới bức thư bất mãn năm xưa mà lòng tôi vô cùng hối hận. Tôi trộm nghĩ, đã mấy chục năm trời qua rồi, giờ đây chắc hẳn Đức Thánh Cha không còn nhớ gì... Nhưng ai ngờ, sau khi tiếp chuyện thân mật, Đức Thánh Cha với lấy cuốn Kinh thánh và lôi ra trước mặt tôi bức thư khốn nạn ấy. Đang khi tôi lo âu lúng túng, Đức Thánh Cha đã cầm lấy tay tôi và dịu dàng bảo: “Con đừng hoảng sợ, cha không bao giờ giận con đâu. Cha cám ơn con. Cha cũng là người, cũng yếu đuối, cha ngăn bức thư con viết vào cuốn Thánh kinh, để hằng ngày đọc vào đó mà xét mình, hầu có thể dứt khoát với những khuyết điểm còn tồn tại, hoặc xa tránh những lầm lỡ có thể xảy đến trong tương lai. Mỗi lần như thế cha lại nhớ đến con và cầu nguyện cho con”.

  Trong bài “Anh hùng” được chia sẻ với giới trẻ hạt Đức Trọng, tôi đã đề cập đến câu định nghĩa về anh hùng của Vương Thông, theo đó:

ANH là người tự biết mình.
HÙNG là người tự thắng mình.

  Vậy người thực hiện được lời Chúa dạy: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” phải là vị anh hùng vì họ đã tự biết mình và đã thắng được mình, thắng được tính nóng nảy và hay trả thù của mình. Đứng trước tấm gương của những người hiền lành nhịn nhục, không ai dám coi họ là những người hèn nhát mà phải suy tôn họ là anh hùng.

  Trong bài giảng “Tám mối phúc thật”, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Phúc cho ai có tinh thần hiền lành vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Nếu người ta nói: “Cha nào con ấy” thì chúng ta phải nghĩ thế nào khi chúng ta là con cái Chúa? Nếu Cha chúng ta là Đấng hiền lành khiêm nhường, còn chúng ta là con, thì không thể nào đi ra khỏi con đường Chúa đã vạch ra cho chúng ta. Bài học đã có sẵn, chúng ta chỉ việc đưa ra thực hành.

 

Suy niệm 3: (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.)

Mt 11,25-30

CON NGỢI KHEN CHA

Khi thi hành sứ vụ, Đức Giêsu nhận ra một điều lạ.

Những người khôn ngoan học thức thường khó đón nhận Tin Mừng,

còn những người đơn sơ, bé mọn lại dễ mở lòng hơn.

Khôn ngoan theo kiểu trần gian làm người ta dễ tự hào, tự mãn.

Học thức, hiểu biết về Kinh Thánh có khi làm người ta khép lại.

Đức Giêsu thấy mình khó chạm được vào trái tim

của những vị kinh sư hay các ông Pharisêu khả kính.

Có biết bao định kiến như thành lũy vây bọc tầm nhìn của họ.

Nhưng Ngài lại thấy dễ rao giảng về Nước Trời

cho đám đông những người ít học bình dân.

Lòng họ như thửa đất đã được cày bừa, chờ gieo hạt giống.

Đức Giêsu thấy hiện tượng trên đây nằm trong ý định của Cha.

Tâm tình ngợi khen Cha bật ra trên môi Ngài cách hồn nhiên.

“Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11,26).

Qua Con, Cha muốn mặc khải về chính mình cho mọi người,

nhưng Cha vẫn tôn trọng tự do đón nhận của từng người.

Khi rao giảng, Đức Giêsu cũng muốn đón nhận như Cha.

Có khi Ngài đành chịu thua trước người cứng cỏi chai đá.

Có khi sướng vui trước một trái tim rộng mở đón chờ.

Đức Giêsu ý thức về sự cao cả và vai trò của mình.

Ngài biết Cha đã giao phó cho Ngài mọi sự trên trời dưới đất.

Ngài cũng biết mình là Người Con của Cha,

Người Con duy nhất biết rõ Cha vì luôn ở trong cung lòng Cha,

vì thế cũng là Đấng duy nhất có thể mặc khải về Cha trọn vẹn.

Như thế cả Cha và Con đều là Đấng mặc khải (Mt 11,25.27).

Cha biết rõ Con và mặc khải về Con cho người biết mở lòng.

Cả người khôn ngoan thông thái cũng có thể mở lòng

nếu họ biết khiêm tốn vượt qua những rào cản của thành kiến.

Con biết rõ Cha và mặc khải về Cha cho người biết mở lòng.

Cả những người quê mùa, ít học cũng có thể nắm bắt được

những chân lý cao siêu vượt quá tầm hiểu biết của trí tuệ.

Cha và Con mặc khải về nhau hơn là mặc khải về mình.

Ai đón nhận những mặc khải đó

sẽ được đưa vào thế giới thầm kín nhưng rộng mở của Cha và Con.

Ngay từ trần gian này, người ấy được biết Cha và biết Con

trong mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa.

Thiên Chúa có một thế giới riêng tư, nhưng lại không khép kín.

Thế giới ấy luôn có những cánh cửa mở ra về phía con người.

Ba Ngôi hạnh phúc viên mãn khi sống cho nhau,

nhưng lại muốn chia sẻ hạnh phúc ấy cho loài người thụ tạo.

Ba Ngôi muốn nhân loại có tương quan thiết thân với từng Ngôi.

Vào thiên đàng là đi vào thế giới hạnh phúc của Thiên Chúa.

Người ta bắt đầu vào thiên đàng ngay từ trần gian này

khi đến thông hiệp với Người Con là Chúa Giêsu.

Hôm nay Chúa Giêsu mời những ai mang gánh nặng nề đến với Ngài,

bất cứ thứ gánh nặng nào mà sức ta không sao mang nổi.

Ngài đổi gánh nặng ấy bằng gánh nhẹ nhàng của Ngài.

Gánh nhẹ nhàng vì Ngài đã điều chỉnh cho vừa vai ta.

Ách êm ái vì ta học được cách mang ách của Ngài,

đón nhận mọi nghịch cảnh với trái tim hiền hậu, khiêm nhu.

Hãy đến với Giêsu, không chỉ để nhận được mặc khải trên cao,

mà còn để được Ngài an ủi vỗ về, dạy dỗ và cho ta bình an.

LỜI NGUYỆN

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng,

chẳng có chuyện gì xảy ra mà Chúa không cho phép.

Cả những chuyện xấu xa tồi tệ mà con người làm cho nhau.

Cả sự dữ đang hoành hành do Xatan gây ra trên mặt đất.

Nhiều khi chúng con không hiểu được

tại sao Chúa lại cho phép xảy ra những chuyện như thế.

Nhưng chúng con tin rằng, đối với ai yêu mến Chúa,

mọi sự đều đem lại điều tốt cho họ.

Chúng con tin rằng những gì Chúa cho phép xảy ra

đều vì yêu thương chúng con

và vì ích lợi cho cuộc sống vĩnh hằng của chúng con.

Chúa đau đớn khi phải dùng roi mà sửa dạy

như người cha sửa dạy con mình để mong con nên người.

Xin cho chúng con nhận ra điều Chúa muốn nhắc nhở,

để cải hóa bản thân và điều chỉnh đời mình cho hợp với ý Chúa.

Lạy Thiên Chúa là Cha đầy lòng nhân ái,

trên đường về quê trời,

Chúa muốn chúng con trải qua những thử thách cam go,

như bệnh tật, khổ đau và cái chết,

để chúng con nên cứng cáp và trưởng thành.

Xin cho chúng con đừng nổi loạn trước thử thách,

nhưng biết nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá,

để nhẫn nại và giữ vững niềm hy vọng,

kể cả khi thấy Thiên Chúa vắng bóng, thinh lặng hay khoanh tay.

Ước gì dịch bệnh làm chúng con ý thức sự bất lực của mình,

để tha thiết cầu xin và tín thác vào tình yêu Chúa.

Ước gì khi Chúa cho chúng con được chữa lành,

chúng con lại thấy sự sống của Chúa chiến thắng vinh quang.

 

Suy niệm 4: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Chị Têrêsa thành Lisieux sống và mang tinh thần bé nhỏ: Luôn làm những việc bé nhỏ, chị đã thổ lộ và cầu nguyện: “Con là một linh hồn rất bé mọn, chỉ có thể dâng những điều bé mọn cho Chúa”.

Nhờ tinh thần phó thác vào Chúa, chị cảm nhận ra tình yêu Chúa ngay cả những đen tối nhất của tâm hồn đó là cảm nghiệm được nước Trời: “Ngay cả những khi gặp thử thách ốm đau, con không sợ, vì Chúa luôn ở bên con, nâng đỡ con, vì Ngài đã nâng đỡ con từ khi con còn tấm bé, và sẽ nâng đỡ con mãi mãi cho đến hơi thở cuối cùng”.

Chính tinh thần bé nhỏ đã khiến chị sờ tới nước Trời và trong Thiên Chúa chị được bình an tâm hồn khi đặt mỗi gánh nặng bệnh tật vào Chúa.

Suy niệm

Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha: “Con xưng tụng Cha vì Cha đã mạc khải nước Trời cho những người bé mọn”. Người mang tâm tình thơ ấu bé nhỏ, người anh em hay chị em, tín thác vào tình yêu của Chúa Cha và để cho Ngài làm việc.

Chúa Giêsu đã chọn lựa những con người bé nhỏ, tầm thường để mạc khải nước Chúa và những người mang Tin Mừng đó là những anh thuyền chài không được trọng dụng trong xã hội.

Còn những con người học thức tài ba như Phaolô như Matthêu lại tự chấp nhận bé nhỏ để nước Trời được tỏa hiện trong các ông và tự các ông đến với anh em mình. Người mang tinh thần bé nhỏ được nước Trời mạc khải, được phác họa với hình ảnh Kinh Thánh:

“Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ
 Trong con hồn lặng lẽ an vui”
(Tv130,2).

Nhỏ bé, nép mình vào lòng Chúa, phó thác tất cả để được Thiên Chúa đỡ nâng, vì thế Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy đến với lòng Chúa để được nâng đỡ bồi dưỡng tâm hồn.

Cuộc sống hôm nay, con người luôn mong muốn được vĩ đại, sự mong muốn và phấn đấu vĩ đại của con người đã lấn át mạc khải nước Trời. Con người quên tinh thần bé nhỏ tín thác, sự vĩ đại mà họ muốn khẳng định và định đoạt tất cả, cái giá của sự vĩ đại mang danh “tự do” làm cho tôi và bạn quên Thiên Chúa gạt Ngài ra khỏi đời sống trong từng cách sống. Dù rằng, chúng ta vẫn luôn tuyên xưng mình là người có đạo, người tin Chúa. Đó chính là một thực tế của thế giới ngày hôm nay ở khắp mọi châu lục, đặc biệt là châu Âu, cái nôi của Kitô giáo. Nơi cuộc sống của chúng ta cũng thế.

Trong cuộc sống hằng ngày, ai trong chúng ta cũng đã cảm nghiệm được vất vả, mang gánh nặng, chịu gian nan thử thách, chịu đau khổ cả tinh thần lẫn vật chất, từ bản thân đến gia đình và xã hội. Với tinh thần bé nhỏ bên Chúa, con người hôm nay tìm thấy được một nơi yên nghỉ sau những giây phút mệt mỏi của đời sống và đặt tất cả mọi nỗi lo âu, những gánh nặng trần thế như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30). “Các con hãy mang lấy ách của Ta”. Đây là kiểu nói bóng trong truyền thống Kinh Thánh nơi các thầy rabbi xưa quen dùng, hàm ý nhìn nhận ai là thầy (x. Hc 51,26; Is 55,1). Chúng ta nhìn nhận và học nơi Thầy Giêsu hiền lành và khiêm nhu, tràn đầy tình thương, nhân từ, tha thứ và liên đới như Thầy đã dạy.

Thật thế, con người sẽ tìm thấy bình an, khi nhìn nhận sự bé nhỏ của mình trước Đấng Tạo Hóa và phó thác vào Ngài, họ sẽ được chính nước Trời khi giữa phong ba, giữa những mỏi mệt của cuộc sống đó là mầu nhiệm nước Trời mà người không tin vào Chúa Giêsu không thể cảm nghiệm.

Ý lực sống

“Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta, đừng ngăn cấm chúng vì nước Trời thuộc về chúng” (Mt 19,14).

Những bài đã thực hiện:

NĂM A

Chúa nhật 14 Thường niên năm A

Chúa nhật 13 Thường niên năm A

Chúa nhật 12 Thường niên năm A

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu năm A

Lễ Mình và Máu Thánh Đức Kitô năm A

Lễ Chúa Ba Ngôi năm A

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm A

Lễ Chúa Thăng Thiên Năm A

Chúa nhật 6 Phục Sinh Năm A

Chúa nhật 5 Phục Sinh Năm A 

Chúa nhật 4 Phục Sinh Năm A

Chúa nhật 3 Phục Sinh Năm A

Chúa nhật 2 Phục Sinh Năm A

Chúa nhật Lễ Chúa Phục Sinh

Thứ Sáu Tuần Thánh - Tưởng niệm Cuộc thương khó

Thứ Năm Tuần Thánh - Lễ Tiệc Ly

Chúa nhật Lễ Lá năm A

Chúa nhật 5 Mùa Chay năm A

Chúa nhật 4 Mùa Chay năm A

Chúa nhật 3 Mùa Chay năm A

Chúa nhật 2 Mùa Chay năm A

Lời giới thiệu chuyên mục: Giáo lý cho Bài giảng Chúa nhật và Lễ trọng

Tag:

2023-07-09

Lời Chúa Hôm Nay
Đọc Kinh Sáng
Lịch Công Giáo