"Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa"
Tin mừng - kiệu lá: Lc 19, 28-40
28 Khi ấy, Đức Giê-su dẫn đầu các môn đệ, tiến lên Giê-ru-sa-lem.
29 Khi đến gần làng Bết-pha-ghê và làng Bê-ta-ni-a, bên triền núi gọi là núi Ô-liu, Người sai hai môn đệ và bảo: 30 “Các anh đi vào làng trước mặt kia.
Khi vào sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và dắt nó đi.
31 Nếu có ai hỏi: ‘Tại sao các anh cởi lừa người ta ra’, thì cứ nói: ‘Chúa có việc cần dùng!’ 32 Hai người được sai liền ra đi và thấy y như Người đã nói.
33 Các ông đang cởi dây lừa, thì những người chủ nói với các ông: “Tại sao các anh lại cởi lừa người ta ra?”
34 Hai ông đáp: “Chúa có việc cần dùng.”
35 Các ông dắt lừa về cho Đức Giê-su, rồi lấy áo choàng của mình phủ trên lưng lừa, và giúp Người cỡi lên.
36 Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường.
37 Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ô-liu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy.
38 Họ hô lên: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!
39 Trong đám đông, có vài người thuộc nhóm Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ Thầy đi chứ!”
40 Người đáp: “Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!”
Bài đọc 1: Is 50,4-7
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ, tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
4Đức Chúa là Chúa Thượng
đã cho tôi nói năng như một người môn đệ,
để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức.
Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi
để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.
5Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi,
còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.
6Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn,
giơ má cho người ta giật râu.
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.
7Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi,
vì thế, tôi đã không hổ thẹn,
vì thế, tôi trơ mặt ra như đá.
Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.
Đáp ca: Tv 21,7-9.17-18.19-20.23.24 (Đ. c.2a)
Đ.Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa,
Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?
7Thân sâu bọ chứ người đâu phải,
con bị đời mắng chửi dể duôi.8Thấy con ai cũng chê cười,
lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai:9“Nó cậy Chúa, mặc Người cứu nó!
Người có thương, giải gỡ đi nào!”
Đ.Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa,
Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?
17Cả bầy chó trong ngoài vây bủa,
chúng đâm con thủng cả chân tay,18xương con đếm được vắn dài,
chúng đưa cặp mắt cứ hoài ngó xem.
Đ.Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa,
Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?
19Áo mặc ngoài chúng đem chia chác,
còn áo trong cũng bắt thăm luôn.20Chúa là sức mạnh con nương,
cứu mau, lạy Chúa, xin đừng đứng xa.
Đ.Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa,
Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?
23Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa
cho anh em tất cả được hay,
và trong đại hội dân Ngài,
con xin dâng tiến một bài tán dương.
Đ.Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa,
Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?
24Hỡi những ai kính sợ Đức Chúa, hãy ca tụng Người đi!
Hỡi toàn thể giống nòi Gia-cóp, nào hãy tôn vinh Người!
Dòng dõi Ít-ra-en tất cả, nào một dạ khiếp oai!
Đ.Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa,
Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?
Bài đọc 2: Pl 2,6-11
Đức Ki-tô đã tự khiêm tự hạ, nên Thiên Chúa đã siêu tôn Người.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.
6Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
7nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
8Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.
9Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu
trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
10Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su,
cả trên trời dưới đất
và trong nơi âm phủ,
muôn vật phải bái quỳ;
11và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,
mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:
“Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”.
Dấu ký hiệu viết tắt :
✠: Đức Giê-su
nk: người kể
m: một người
dc: dân chúng
Tin mừng: Lc 22, 14 - 23,56
22 14 nk Khi đến giờ ăn tiệc Vượt Qua, Đức Giê-su vào bàn với các Tông Đồ.
15 Người nói với các ông: ✠ “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình.
16 Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa.”
17 nk Rồi Người nhận lấy chén, dâng lời tạ ơn và nói: ✠ “Anh em hãy cầm lấy mà chia nhau.
18 Bởi vì, Thầy bảo cho anh em biết, từ nay, Thầy không còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến.”
19 nk Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: ✠ “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.”
20 nk Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: ✠ “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.
21 ✠ “Nhưng này bàn tay kẻ nộp Thầy đang cùng đặt trên bàn với Thầy.
22 Đã hẳn Con Người ra đi như đã ấn định, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người.”
23 nk Các Tông Đồ bắt đầu bàn tán với nhau xem ai trong Nhóm lại là kẻ toan làm chuyện ấy.
24 nk Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất.
25 Đức Giê-su bảo các ông: ✠ “Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân.
26 Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ.
27 Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.
28 ✠ “Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan.
29 Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, 30 để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự toà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en.”
31 nk Rồi Chúa nói: ✠ “Si-môn, Si-môn ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo.
32 Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh.”
33 nk Ông Phê-rô thưa với Người: m “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng.”
34 nk Đức Giê-su lại nói: ✠ “Này anh Phê-rô, Thầy bảo cho anh biết, hôm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy.”
35 nk Rồi Người nói với các ông: ✠ “Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không?” nk Các ông đáp: m “Thưa không.”
36 nk Người bảo các ông: ✠ “Nhưng bây giờ, ai có túi tiền thì hãy mang theo, ai có bao bị cũng vậy; còn ai chưa có gươm thì bán áo đi mà mua.
37 Vì Thầy bảo cho anh em hay: cần phải ứng nghiệm nơi bản thân Thầy lời Kinh Thánh đã chép: Người bị liệt vào hàng phạm pháp. Thật vậy, những gì đã chép về Thầy sắp được hoàn tất.” 38 nk Các ông nói: m “Lạy Chúa, đã có hai thanh gươm đây.” nk Người bảo họ: ✠ “Đủ rồi!”
39 nk Sau đó, Người đi ra núi Ô-liu như đã quen. Các môn đệ cũng theo Người.
40 Đến nơi, Người bảo các ông: ✠ “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.”
41 nk Rồi Người đi xa các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá, và quỳ gối cầu nguyện rằng: 42 ✠ “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha.”
43 nk Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người.
44 Lòng xao xuyến bồi hồi, nên Người càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.
45 nk Cầu nguyện xong, Người đứng lên, đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ vì buồn phiền, 46 Người liền nói với các ông: ✠ “Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ.”
47 nk Người còn đang nói, thì một đám đông xuất hiện, và kẻ dẫn đầu tên là Giu-đa, một người trong Nhóm Mười Hai. Hắn lại gần Đức Giê-su để hôn Người.
48 Đức Giê-su bảo hắn: ✠ “Giu-đa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?”
49 nk Thấy việc sắp xảy ra, những kẻ đứng chung quanh Người liền hỏi: m “Lạy Chúa, chúng con tuốt gươm chém được không?”
50 nk Thế rồi một người trong nhóm chém tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai bên phải.
51 Nhưng Đức Giê-su lên tiếng: ✠ “Thôi, ngừng lại.” nk Và Người sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành.
52 nk Sau đó Đức Giê-su nói với các thượng tế, lãnh binh Đền Thờ và kỳ mục đến bắt Người: ✠ “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến?
53 Ngày ngày, tôi ở giữa các ông trong Đền Thờ, mà các ông không tra tay bắt. Nhưng đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm.”
54 nk Họ bắt Đức Giê-su, điệu Người đến nhà vị thượng tế. Còn ông Phê-rô thì theo xa xa.
55 Họ đốt lửa giữa sân và đang ngồi quây quần với nhau, thì ông Phê-rô đến ngồi giữa họ.
56 Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ gái nhìn ông chòng chọc và nói: m “Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!”
57 nk Ông liền chối: m “Tôi có biết ông ấy đâu, chị!” 58 nk Một lát sau, có người khác thấy ông, liền nói: m “Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng!” nk Nhưng ông Phê-rô đáp lại: m “Này anh, không phải đâu!”
59 nk Chừng một giờ sau, có người khác lại quả quyết: m “Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Ga-li-lê.”
60 nk Nhưng ông Phê-rô trả lời: m “Này anh, tôi không biết anh nói gì!” nk Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy.
61 Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” 62 Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.
63 nk Những kẻ canh giữ Đức Giê-su nhạo báng đánh đập Người.
64 Chúng bịt mắt Người lại, rồi hỏi rằng: m “Nói tiên tri xem: ai đánh ông đó?”
65 nk Chúng còn thốt ra nhiều lời khác xúc phạm đến Người.
66 nk Khi trời sáng, đoàn kỳ mục trong dân, các thượng tế và kinh sư nhóm họp. Họ điệu Người ra trước Thượng Hội Đồng 67 và hỏi: m “Ông có phải là Đấng Mê-si-a thì nói cho chúng tôi biết!” nk Người đáp: ✠ “Tôi có nói với các ông, các ông cũng chẳng tin; 68 tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời.
69 Nhưng từ nay, Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng.”
70 nk Mọi người liền nói: m “Vậy ông là Con Thiên Chúa sao?” nk Người đáp: ✠ “Đúng như các ông nói, chính tôi đây.”
71 nk Họ liền nói: m “Chúng ta cần gì lời chứng nữa? Chính chúng ta vừa nghe miệng hắn nói!”
23 1 nk Toàn thể cử toạ đứng lên, điệu Đức Giê-su đến ông Phi-la-tô.
2 nk Họ bắt đầu tố cáo Người rằng: m “Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xê-da, lại còn xưng mình là Mê-si-a, là Vua nữa.”
3 nk Ông Phi-la-tô hỏi Người: m “Ông là Vua dân Do-thái sao?” nk Người trả lời: ✠ “Chính ngài nói đó.”
4 nk Ông Phi-la-tô nói với các thượng tế và đám đông: m “Ta xét thấy người này không có tội gì.”
5 nk Nhưng họ cứ khăng khăng nói: m “Hắn đã xúi dân nổi loạn, đi giảng dạy khắp vùng Giu-đê, bắt đầu từ Ga-li-lê cho đến đây.”
6 nk Nghe nói thế, ông Phi-la-tô liền hỏi xem đương sự có phải là người Ga-li-lê không. 7 Và khi biết Người thuộc thẩm quyền vua Hê-rô-đê, ông liền cho áp giải Người đến với nhà vua lúc ấy cũng đang có mặt tại Giê-ru-sa-lem.
8 nk Vua Hê-rô-đê thấy Đức Giê-su thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại, vua cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ. 9 Nhà vua hỏi Người nhiều điều, nhưng Người không trả lời gì cả. 10 Các thượng tế và kinh sư đứng đó, tố cáo Người dữ dội.
11 Vua Hê-rô-đê cũng như thị vệ đều khinh dể Người ra mặt nên khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, rồi cho giải Người lại cho ông Phi-la-tô.
12 Ngày hôm ấy, vua Hê-rô-đê và tổng trấn Phi-la-tô bắt đầu thân thiện với nhau, chứ trước kia hai bên vẫn hiềm thù.
13 nk Bấy giờ ông Phi-la-tô triệu tập các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng lại 14 mà nói: m “Các người nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các người, mà không thấy người này có tội gì, như các người tố cáo.
15 Cả vua Hê-rô-đê cũng vậy, bởi lẽ nhà vua đã cho giải ông ấy lại cho chúng ta. Và các người thấy đó, ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả. 16 Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra.”
17 nk Vào mỗi dịp lễ lớn, ông Phi-la-tô phải phóng thích cho họ một người tù.] 18 Nhưng tất cả mọi người đều la ó: dc “Giết nó đi, thả Ba-ra-ba cho chúng tôi!” 19 nk Tên này đã bị tống ngục vì một vụ bạo động đã xảy ra trong thành, và vì tội giết người.
20 Ông Phi-la-tô muốn thả Đức Giê-su, nên lại lên tiếng một lần nữa. 21 Nhưng họ cứ một mực la lớn: dc “Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá!”
22 nk Lần thứ ba, ông Phi-la-tô nói với họ: m “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra.” 23 nk Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội.
24 nk Ông Phi-la-tô quyết định chấp thuận điều họ yêu cầu. 25 Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Còn Đức Giê-su thì ông trao nộp theo ý họ muốn.
26 nk Khi điệu Đức Giê-su đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giê-su.
27 Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người.
28 Đức Giê-su quay lại phía các bà mà nói: ✠ “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.
29 Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: ‘Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm!’
30 Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Đổ xuống chúng tôi đi!, và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi! 31 Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?”
32 nk Có hai tên gian phi cũng bị điệu đi hành quyết cùng với Người.
33 nk Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. 34 Bấy giờ Đức Giê-su cầu nguyện rằng: ✠ “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” nk Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm.
35 nk Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: m “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!”
36 nk Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống 37 và nói: m “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!” 38 nk Phía trên đầu Người có bản án viết: “Đây là vua người Do-thái.”
39 nk Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: m “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!”
40 nk Nhưng tên kia mắng nó: m “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ!
41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!”
42 nk Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: m “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”
43 nk Và Người nói với anh ta: ✠ “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”
44 nk Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín.
45 Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa.
46 Đức Giê-su kêu lớn tiếng: ✠ “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” nk Nói xong, Người tắt thở.
(quỳ gối thinh lặng trong giây lát)
47 nk Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: m “Người này đích thực là người công chính!”
48 nk Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về.
49 nk Đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giê-su cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Ga-li-lê; các bà đã chứng kiến những việc ấy.
50 nk Khi ấy có một người tên là Giô-xếp, thành viên của Thượng Hội Đồng, một người lương thiện, công chính.
51 Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng. Ông là người thành A-ri-ma-thê, một thành của người Do-thái, và cũng là người vẫn mong chờ Nước Thiên Chúa.
52 Ông đến gặp tổng trấn Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su.
53 Ông hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ. 54 Hôm ấy là áp lễ, và ngày sa-bát bắt đầu ló rạng.
55 nk Cùng đi với ông Giô-xếp, có những người phụ nữ đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào.
56 nk Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày sa-bát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Ðức Giêsu được rước vào thành thánh cách long trọng, nhưng cũng chính trong vinh quang này lại mở màn cho cuộc khổ nạn đau thương! Thật không thể hiểu nổi một Ðấng Cứu Thế lại có thể bị ngược đãi, nhục hình! Cũng không thể tin nổi được lòng dạ con người mau đổi trắng thay đen! Tung hô đó để rồi đả đảo ngay. Nhưng tại sao Thiên Chúa lại để cho Con của Ngài phải chấp nhận cái nhục nhã và tủi sầu đến thế ? Ðức Giêsu suốt một đời sống vì con người, sống cho con người, lại phải kết thúc cuộc đời giữa tiếng la ó đả đảo kết án của con người. Cuộc đời Ngài cay đắng vậy sao ?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong tuần lễ này, toàn thể Giáo Hội chúng con lặng lẽ dõi bước theo Chúa đi vào con đường khổ nạn. Âm thầm nhìn Chúa bị treo trên đồi cao... chỉ vì hạnh phúc của chúng con. Ôi một tuần hồng phúc. Xin cho chúng con sống trọn tuần này với lòng cảm mến nồng nàn, lòng biết ơn sâu xa. Xin cho chúng con luôn trung thành và đặt niềm tin tuyệt đối vào Chúa. Chúa đã sống vì yêu, chết vì yêu và chỉ trong tình yêu mới tạo sức sống cho cuộc đời. Amen.
Ghi nhớ: “Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến”.
2. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
ĐỨC KITÔ, NGƯỜI TÔI TỚ VÂNG PHỤC
Đức Kitô được gọi là Tôi Tớ của Thiên Chúa vì Ngài đã mặc lấy thân xác của loài người trong thân phận người nô lệ để sống với loài người, hầu thi hành sứ mạng cứu thế mà Chúa Cha đã giao phó cho. Cuộc đời của Ngài là cuộc đời vâng phục hoàn toàn, như lời thánh Tông đồ đã nói: “Chúa Kitô lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8).
Đức Kitô, người Tôi Tớ
Đức Giêsu lấy thân phận người tôi tớ làm thân phận của mình; là Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng (Mt 11,29), loan báo ơn cứu độ cho người nghèo (x. Lc 4,18t); tuy là Chúa và là Thầy (Ga 13,12-15), Người sống giữa các môn đệ như “kẻ phục vụ” (Lc 22,27); và Người đi đến tận cùng các đòi hỏi của tình yêu thúc đẩy Người phục vụ như thế (Ga 13,1; 15,13) bằng cách hiến dâng cả mạng sống mình để cứu chuộc nhiều tội nhân (Mc 10,43tt; Mt 20,26tt). Bởi đó Người đã bị đối xử như một tội phạm (Lc 22,37), rồi chết trên thập giá (Mc 14,24) trong khi biết rằng mình sẽ sống lại theo lời Thánh kinh nói về Con Người (Mc 8,31; Lc 24,44).
Lời rao giảng của các tông đồ áp dụng cho Đức Giêsu tước hiệu Người Tôi Tớ để loan báo mầu nhiệm sự chết của Người (Cv 3,13t; 4,27t), là nguồn mạch phúc lành và ánh sáng cho chư dân (Cv 3,25t; 26,23). Là Con Chiên bị sát tế cách bất công như người Tôi Tớ (Cv 8,32t), Đức Giêsu đã cứu chuộc các chiên lạc của Người.
Trong một bài thánh ca, thánh Phaolô đã hùng hồn tóm tắt mầu nhiệm Đức Kitô và đức ái của Người: thánh ca công bố rằng Đức Giêsu đã vào trong vinh quang bằng cách mặc lấy thân phận Người Tôi Tớ và chết trên thập giá để vâng lời Thiên Chúa Cha Người (Pl 2,5-11). Vậy lời tiên tri nói về Người Tôi Tớ loan báo lễ hy tế cứu chuộc của Con Thiên Chúa làm người. Bởi đó, tên của Người Tôi Tớ thánh thiện của Thiên Chúa, Đức Giêsu chịu đóng đinh và sống lại, là nguồn mạch độc nhất của ơn cứu rỗi (Cv 4,10tt).
Đức Kitô, người Tôi Tớ vâng phục tự nguyện
Giáo lý của Ngài
Việc đầu tiên chứng tỏ Đức Giêsu đã tự nguyện vâng phục, đó là Người đã tự nguyện mặc lấy thân phận tôi tớ, mặc dầu Người vốn có hình thể Thiên Chúa (Pl 2,5-11). Người đã tự huỷ mình đi để thi hành công cuộc cứu chuộc loài người. Trong đời sống thi hành chức vụ đó, Đức Kitô luôn nhắc đi nhắc lại cho chúng ta thấy Người đến không phải làm một việc gì khác ngoài việc đến để làm công việc do Cha Người đã ủy thác cho (x. Ga 4,38).
Thánh Phaolô cho biết Cựu ước chỉ là hình bóng của Tân ước, cho nên của lễ Cựu ước cũng thua kém của lễ Tân ước. Ngày nay, Chúa không thích lễ vật sinh tế mà thích tấm lòng của người dâng lễ vật. Thư gửi cho tín hữu Do thái viết: “Bởi đó lúc vào trần gian Ngài nói: Hy sinh cùng lễ vật Người đã chẳng màng, nhưng Người đã nắn nên thân xác cho con. Các lễ toàn thiêu cùng tạ tội, Người đã chẳng đoái. Bấy giờ con nói: Này con đến – trong cuốn sách đã nói về con – để thi hành ý muốn Người, lạy Thiên Chúa” (Dt 10,5-7). Lần kia, các tông đồ vào thành mua đồ ăn về, thấy Chúa Giêsu đang ngồi nghỉ mệt bên giếng Giacóp. Các ông bày đồ ăn ra trước mặt Chúa, các ông mời Ngài: “Thưa Thầy, xin Thầy dùng bữa” (Ga 4,31). Chúa Giêsu không để ý gì đến thức ăn các môn đệ dọn sẵn. Đôi mắt Ngài còn chìm đắm trong cõi vô hình. Cảnh vật chung quanh như xa lạ với Ngài. Cuối cùng Ngài trả lời các môn đệ: “Thầy đã có của ăn rồi mà các con không biết” (Ga 4,32). Rồi khi thấy các môn đệ đưa mắt hỏi nhau về việc Ngài đã có của ăn, Ngài liền thêm: “Của ăn Thầy dùng là chu toàn ý Chúa Cha và thực hiện công việc của Ngài” (Ga 4,34). Nhiều lần trong đời Ngài, Ngài đã lặp lại và minh chứng hùng hồn điều đó: “Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng theo ý Đấng đã sai Ta” (Ga 4,38).
Ý tưởng về vâng phục đó còn được diễn tả một cách rõ ràng trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Khi Đức Giêsu bắt đầu cuộc thụ nạn, Ngài đã vào trong Vườn Cây Dầu để cầu nguyện, hầu xin sức mạnh để thực hiện một công việc hết sức khó khăn theo sức loài người. Đức Giêsu có những ý nghĩ và tâm tình như chúng ta: Người cũng cảm thấy buồn rầu lo sợ trước một cái chết cực kỳ dã man và ghê sợ nhất trong lịch sử loài người. Nhưng với ý chí sắt đá, Ngài đã thắng được tính yếu đuối nhút nhát của con người, Ngài đã dám cầu nguyện cùng Cha Ngài rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho chén này qua đi khỏi con! Song không phải ý Con, mà là ý Cha” (Mt 26,39; Mc 14,36; Lc 22,42; Ga 12,27).
Đời sống của Ngài
Đức Giêsu đã tỏ ra lệ thuộc vào Cha trên trời một cách cụ thể trong khi vâng phục các tạo vật, theo phẩm trật tự nhiên, có thể quyền bính phần nào đối với Người. Thế nên, trong 30 năm Ngài sống hoàn toàn vâng phục Mẹ Maria và thánh Giuse, Người nhìn nhận uy quyền của Đức Chúa Cha, quyền bính của thánh Giuse và Mẹ Maria. Trong những lời ngắn ngủi, Phúc âm tóm tắt cả một quãng đời riêng tư lâu dài của Đấng Cứu Thế: “Người đã vâng phục ông bà” (Lc 2,51). Sau đó trong đời sống công khai, nhất là trong cuộc khổ nạn, Người đã luôn nêu gương vâng phục quyền bính thiết định, tôn giáo cũng như dân sự, tuân phục những thẩm phán cũng như những đao phủ, theo lời thánh Phaolô: “Người đã vâng phục cho đến chết, và chết trên thập giá” (Pl 2,8). Xuống thế vì vâng lời, Người đã ôm ấp cái chết, tại vườn Cây dầu Ngài đã thực hiện lý tưởng ấy (x. Lc 22,42).
Vâng phục tự nguyện
Công cuộc nhập thể và cứu chuộc được thực hiện nơi Chúa Giêsu hoàn toàn do Người chấp nhận, không có một lý do nào khác ép buộc Ngài. Mọi công việc Người làm ở trần thế này không có một lý do nào khác ép buộc Người, chỉ có tình yêu Người đối với ta đã thúc đẩy.
Trong một bài thánh ca, thánh Phêrô đã mô tả như sau: “Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không phạm tội chi, chẳng ai thấy Người mở miệng nói lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng có ngăm đe, nhưng đã tự phó thác cho Đấng phân xử công bình. Tội lỗi chúng ta, Người mang vào thân mà đưa lên thập giá, hầu đối với tội lỗi, chúng ta như đã chết rồi để từ nay sống đời công chính. Nhờ mang thương tích, mà anh em được chữa lành”(1Pr 2,21-24).
Trong hoàn cảnh thực tế của mỗi người
Mỗi người có một thánh giá riêng hợp với sức mình, vì Chúa không bắt ai phải chịu thử thách quá sức chịu đựng. Chính Chúa đã trả lời cho thánh Phaolô khi ngài bị thử thách nặng nề: Sufficit tibi gratia mea: ơn của Ta đã đủ cho con (2Cr 12,9). Những thánh giá đó có thể là bệnh tật, làm ăn thất bại, hoàn cảnh gia đình, bởi những người chung quanh, những biến cố xảy ra ngoài ý muốn…
Nhưng dù sao, cũng cần phải có thánh giá, phải có hy sinh. Tác giả thư Do thái đã quả quyết: “Không có đổ máu, không có phần rỗi” (Dt 9,22).
Lời sách Khôn ngoan cũng dạy ta như vậy: “Con ơi, nếu con muốn được phụng sự Chúa, con hãy sẵn lòng chịu thử thách. Con hãy tạo lấy một tâm hồn ngay thẳng, võ trang bằng lòng can đảm, lúc gặp nghịch cảnh đừng nản chí. Con cứ bám chặt lấy Người, đừng rời xa, mới mong được cất nhắc lên trong ngày sau hết. Có xảy đến sự gì, con cứ đón nhận đi và trong các cơn thăng trầm của thân phận con, con hãy tỏ ra kiên nhẫn, vì vàng cần phải thử trong lửa và người được chọn cần được thử trong lò lửa nhục nhã” (Kn 2,1-5).
Thử thách để tẩy luyện linh hồn và làm cho linh hồn được vững vàng trong đường nhân đức. Người làm vườn mà vì thương hại cây hồng không muốn bạo tay cắt những cành sâu đi, thì không phải là người làm vườn khéo: cây hồng được “nương chiều” như thế cũng không thể nở hoa được… Người không muốn hy sinh, không muốn quên mình cũng không bao giờ có ý chí vững chắc được.
3. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
ĐI THEO ĐỨC GIÊSU
Đời người thì bấp bênh và mong manh,
nên con người luôn bị chi phối bởi những nỗi sợ.
Con người cố gạt bỏ mọi sợ hãi để cảm thấy an toàn.
Đi tìm an toàn cho mình là điều chúng ta vẫn thường làm.
Chúng ta cảm thấy an toàn khi có tài sản, tri thức, quyền lực.
Ít người đặt sự an toàn của mình nơi Thiên Chúa.
Bài Thương Khó của Tin Mừng Luca
cho ta thấy nỗi sợ chi phối con người mạnh đến mức nào.
Vì sợ, vì muốn được an toàn, nên con người mất tự do.
Không ai nghi ngờ Phêrô khi ông quả quyết (Lc 22,33):
“Dù có phải vào tù hay chết với Chúa, con cũng sẵn sàng.”
Nhưng đi theo Chúa thôi cũng đã là chuyện khó.
Khi Thầy Giêsu bị bắt, các môn đệ sợ hãi nên bỏ trốn.
Chỉ mình Phêrô can đảm “theo Thầy xa xa.”
Ông theo vào dinh thượng tế, vì muốn biết số phận của Thầy.
Nhưng ông theo xa xa vì sợ chịu chung số phận.
Phêrô ngồi sưởi bên đống lửa, cùng với đám người bắt Chúa.
Chính tại đây mà nỗi sợ của ông bị lộ tẩy.
Ông đã hai lần chối “không ở với” Thầy Giêsu (Lc 22,57.59-60),
một lần chối “không thuộc về nhóm” của Thầy (Lc 22,58).
Ông chối vì sợ những người đặt câu hỏi nhận ra ông.
Nỗi sợ khiến ông chối một cách tự nhiên và đầy thuyết phục.
Nếu Thầy Giêsu đã không quay lại nhìn ông,
và làm ông nhớ lời Thầy nói, chắc ông còn chối nữa.
Khi Phêrô nhận ra nỗi đe dọa bủa vây ông quá lớn,
ông đã bỏ ra ngoài và khóc nức nở.
Philatô cũng sợ chẳng kém gì Phêrô.
Ông không sợ bị bắt, nhưng sợ mất ghế tống trấn.
Ba lần ông tuyên bố Đức Giêsu vô tội (Lc 22,5.14.22),
nhưng ông không đủ can đảm để tha chết cho Ngài,
vì ông sợ đám đông đang bị giật dây bởi các thượng tế.
Nếu ông không chiều ý đám đông đang gào thét,
họ có thể nổi loạn vào dịp đại lễ Vượt Qua,
và ông sẽ bị mất điểm trước mặt hoàng đế.
Philatô đã cố làm dịu cơn cuồng nộ của dân
bằng cách hứa sẽ cho đánh đòn Đức Giêsu (Lc 23,16.22).
Nỗi sợ hãi làm ông nhượng bộ dần dần,
để rồi cuối cùng, ông đã cho đóng đinh người vô tội,
và tha Baraba, một tên nổi loạn và giết người (Lc 23,19.25).
Philatô mua sự sống của mình bằng mạng sống Đức Giêsu.
Ở núi Ô-liu, Đức Giêsu cũng sợ khi xin Cha cất chén đắng.
Qua giờ cầu nguyện ở đó, Ngài biết rõ ý của Cha,
nhờ đó Ngài thắng vượt được nỗi sợ:
sợ chết, sợ nhục nhã, sợ khổ đau.
Nỗi sợ có thể vẫn còn, nhưng nó không chi phối được Ngài.
Đức Giêsu đi Đàng Thánh Giá trong bình an.
Ngài bình tĩnh khi Giuđa nộp Thầy bằng một nụ hôn.
Ngài cấm các môn đệ dùng gươm để bảo vệ Thầy.
Ngài chạm vào vết thương để chữa cho kẻ bị chém đứt tai.
Ngài bị bắt, như bị thua trước sức mạnh của bóng tối.
Đức Giêsu dùng hiền hòa để đối lại bạo lực,
diệt sự ác bằng sự thiện, hủy sự dữ bằng bao dung.
Khi Phêrô chối, Ngài đã nhìn ông bằng cái nhìn đau buồn,
nhưng đầy tình thương, khiến ông không mất hy vọng.
Trước những lời tố cáo của giới lãnh đạo tôn giáo,
trước mặt Philatô và Hêrôđê, Ngài chẳng hề biện hộ.
Đàng Thánh Giá của Chúa Giêsu có những người không sợ.
Ông Simôn, người Kyrênê, không sợ vác thánh giá giúp Chúa.
Các phụ nữ không sợ đi theo Chúa từ Galilê đến tận Núi Sọ,
đi hết các chặng Đàng Thánh Giá của Chúa (Lc 23,49).
Anh trộm lành không sợ bênh vực sự vô tội của Chúa.
Viên đại đội trưởng không sợ tuyên bố công khai:
“Người này thực là người công chính!” (Lc 23,47).
Thậm chí ông Giô-xếp ở vùng A-ri-ma-thi-a cũng không sợ,
dù ông này là người trong giới lãnh đạo tôn giáo.
Ông đã không tán thành việc kết án Chúa Giêsu,
và ông đã đứng ra lo việc mai táng Chúa (Lc 23,50-53).
Suy ngắm cuộc Khổ nạn và Tử nạn của Chúa
có thể giúp ta biết cách đối diện với chiến tranh, bạo lực,
với bất công và đau khổ của thế giới hôm nay.
LỜI NGUYỆN
Lạy Thiên Chúa toàn năng,
Xin nhớ đến sáu triệu người đã bị chết vì hơi ngạt,
bị giết, bị dìm dưới nước, bị thiêu sống, bị tra tấn,
bị đánh đập hay chịu lạnh cóng cho đến chết.
Chỉ vì lòng độc ác của một người
mà cả dân tộc chúng con bị đóng đinh,
trong khi thế giới lặng lẽ đứng nhìn.
Trái tim chúng con
sẽ chẳng bao giờ quên được những chuyện đó.
Lạy Thiên Chúa của cha ông chúng con,
Xin cho tro cốt của những đứa trẻ bị thiêu ở Auschwitz,
cho dòng sông máu đổ ra ở Bab-bi Yar hay Maj-da-nek,
trở thành lời cảnh báo cho nhân loại biết rằng:
lòng căm thù dẫn đến hủy diệt, bạo lực thì dễ lây lan,
và khả năng độc ác của con người thì vô hạn.
Lạy Thiên Chúa toàn năng,
Xin Chúa hãy làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia:
“Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc, thành cày,
rèn giáo mác nên liềm, nên hái.
Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,
và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.” Amen.
Alexander Kimel (người sống sót sau Holocaust)