Lời Chúa Ngày 10/11/2024: Chúa nhật 32 Thường niên năm B - Tâm tình dâng hiến của bà góa nghèo (Mc 12,38-44)

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

Lời Chúa Ngày 10/11/2024: Chúa nhật 32 Thường niên năm B - Tâm tình dâng hiến của bà góa nghèo (Mc 12,38-44)

Lời Chúa Ngày 10/11/2024: Chúa nhật 32 Thường niên năm B - Tâm tình dâng hiến của bà góa nghèo (Mc 12,38-44)

“Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết (Mc 12, 43)

BÀI ĐỌC I: 1 V 17, 10-16

“Bà goá lấy bột làm một cái bánh nhỏ, rồi mang đên cho ông Êlia”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, tiên tri Êlia chỗi dậy lên đường đi Sarephta. Khi ông đến trước cửa thành, ông thấy một quả phụ đang lượm củi; ông gọi bà và nói với bà rằng: “Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống”. Đương lúc bà đi lấy nước, ông gọi lại mà nói: “Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh”.

Bà thưa: “Có Chúa là Thiên Chúa hằng sống chứng giám: Tôi không có sẵn bánh, tôi chỉ còn một nắm bột trong hũ với một ít dầu trong bình. Này đây tôi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn, rồi chết thôi”.

Êlia trả lời bà rằng: “Bà đừng lo, cứ đi và làm như bà đã nói. Nhưng, với chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem ra đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và con trai bà. Vì Chúa là Thiên Chúa Israel truyền rằng: 'Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất'”.

Bà đi làm theo lời ông Êlia; chính ông và bà cùng cả nhà đều đủ ăn; từ ngày đó hũ bột không cạn và bình dầu không vơi như lời Chúa đã dùng Êlia mà phán.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10

Đáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa! (c. 1).

Xướng:

1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. - Đáp.

2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. - Đáp.

3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Đức Thiên Chúa của người sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. - Đáp.

 

BÀI ĐỌC II: Dt 9, 24-28

“Đức Kitô chỉ tế lễ chính mình một lần để huỷ diệt nhiều tội lỗi”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Đức Giêsu không tiến vào cung thánh do tay người phàm làm ra chỉ là hình bóng cung thánh thật, nhưng Người vào chính thiên đàng, để từ đây xuất hiện trước tôn nhan Thiên Chúa vì chúng ta. Người không còn hiến dâng chính mình nhiều lần, như vị thượng tế vào cung thánh mỗi năm một lần với máu không phải của mình. Chẳng vậy, từ tạo thiên lập địa, Người đã phải chết nhiều lần; nhưng từ nay cho đến tận thế, Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để huỷ diệt tội lỗi. Như đã quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là phán xét, thì Đức Kitô cũng hiến tế một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Người.   

Đó là lời Chúa.

 

Tin mừng: Mc 12, 38-44

38 Trong lúc giảng dạy, Đức Giêsu nói rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng.

39 Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. 40 Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.”

41 Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền.

42 Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma.

43 Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.

44 Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”

 

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 32 Thường niên năm B

WHĐ (07/11/2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 32 Thường niên năm B theo sự hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.

Số 519-521: Đức Kitô đã hiến mạng sống vì chúng ta

Số 2544-2547: Tâm hồn nghèo khó

Số 1434, 1438, 1753, 1969, 2447: Bố thí

Số 2581-2584: Êlia và việc hối cải tâm hồn

Số 1021-1022: Phán xét riêng

Bài Ðọc I: 1V 17, 10-16

Bài Ðọc II: Dt 9, 24-28

Phúc Âm: Mc 12, 38-44

Số 519-521: Đức Kitô đã hiến mạng sống vì chúng ta

Số 519. Mọi sự phong phú của Đức Kitô là dành cho mọi người và là tài sản của mọi người[1]. Đức Kitô không sống cho bản thân Người, nhưng cho chúng ta, từ lúc Người nhập thể “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”[2], cho đến khi Người chịu chết “vì tội lỗi chúng ta” (1 Cr 15,3) và sống lại “để chúng ta được nên công chính” (Rm 4,25). Cả bây giờ nữa, Người vẫn là trạng sư của chúng ta “trước mặt Chúa Cha” (1 Ga 2,1), “vì Người hằng sống để chuyển cầu” cho chúng ta (Dt 7,25). Với tất cả những gì Người đã sống và đã chịu đựng một lần cho mãi mãi vì chúng ta, giờ đây Người luôn hiện diện “trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9,24) đến muôn đời.

Số 520. Trong cả cuộc đời của Người, Chúa Giêsu tỏ mình là mẫu mực của chúng ta[3]: chính Người là “con người hoàn hảo”[4], Người mời gọi chúng ta trở nên môn đệ của Người và bước đi theo Người; qua việc tự hạ của Người, Người ban cho chúng ta một gương mẫu để bắt chước[5]; qua việc cầu nguyện của Người, Người lôi kéo chúng ta cầu nguyện[6]; qua sự nghèo khó của Người, Người kêu gọi chúng ta tự nguyện chấp nhận sự thiếu thốn và những cơn bách hại[7].

Số 521. Tất cả những gì chính Người đã sống, Đức Kitô làm cho chúng ta được sống những điều đó trong Người, và Người sống những điều đó trong chúng ta. “Khi nhập thể, Con Thiên Chúa một cách nào đó đã nên một với mọi người”[8]. Chúng ta được kêu gọi nên một với Người; chính Người làm cho chúng ta, với tư cách là những chi thể của Thân Thể Người, được hiệp thông với những gì Người đã sống trong thân thể Người vì chúng ta và nên như mẫu mực cho chúng ta:

Chúng ta phải tiếp nối và hoàn thành nơi bản thân chúng ta các giai đoạn của cuộc đời Chúa Giêsu và các mầu nhiệm của Người, và thường xuyên cầu xin… để Người hoàn tất và kiện toàn những điều ấy trong chúng ta và trong toàn thể Hội Thánh Người…. Vì Con Thiên Chúa có ý truyền thông, mở rộng và tiếp tục các mầu nhiệm của Người trong chúng ta và trong toàn thể Hội Thánh Người,… hoặc bằng các ân sủng Người quyết định ban cho chúng ta hoặc bằng những hiệu quả Người muốn thực hiện nơi chúng ta qua các mầu nhiệm ấy. Bằng cách này, Người muốn hoàn tất các mầu nhiệm của Người trong chúng ta[9].

 

Số 2544-2547: Tâm hồn nghèo khó

Số 2544. Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ yêu mến Người trên tất cả mọi sự và mọi người, và mời gọi họ từ bỏ “mọi sự họ có”[10] vì Người và vì Tin Mừng[11]. Trước cuộc khổ nạn của Người ít lâu, Người đã cho họ gương bà góa nghèo ở Giêrusalem, bà này, trong cảnh túng cực của mình, đã cho đi tất cả những gì bà có để sống[12]. Lệnh truyền giữ trái tim tự do đối với của cải là bắt buộc để vào được Nước Trời.

Số 2545. Mọi Kitô hữu phải “điều khiển các tình cảm của mình cách đúng đắn, kẻo việc sử dụng của cải trần gian và sự gắn bó với sự giàu sang nghịch với tinh thần khó nghèo của Tin Mừng, cản trở họ theo đuổi sự trọn hảo của đức mến”[13].

Số 2546. “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó” (Mt 5,3). Các mối phúc cho chúng ta thấy trật tự của hạnh phúc và ân sủng, của vẻ đẹp và sự bình an. Chúa Giêsu tán dương niềm vui của những người nghèo, Nước Trời đã là của họ[14]:

“Tôi thấy Ngôi Lời gọi sự khiêm tốn tự nguyện của tâm hồn là ‘sự nghèo khó trong tinh thần’, và thánh Tông Đồ nêu lên cho chúng ta tấm gương nghèo khó của Thiên Chúa, khi ngài nói: ‘Người đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em’ (2 Cr 8,9)”[15].

Số 2547. Chúa khóc thương những người giàu có, bởi vì họ đã được an ủi[16] trong của cải dư dật. “Kẻ kiêu căng tìm kiếm và yêu thích các nước trần gian, còn: Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”[17]. Việc phó thác cho sự quan phòng của Cha trên trời giải thoát khỏi những âu lo về ngày mai. Sự tín thác vào Thiên Chúa chuẩn bị cho việc hưởng vinh phúc của những người nghèo[18]. Họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa.

 

Số 1434, 1438, 1753, 1969, 2447: Bố thí

Số 1434. Việc thống hối nội tâm của Kitô hữu có thể được biểu lộ bằng nhiều cách rất khác nhau. Kinh Thánh và các Giáo phụ nhấn mạnh nhất ba hình thức: giữ chay, cầu nguyện và bố thí[19] là những cách diễn tả sự hối cải đối với bản thân, đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Bên cạnh sự thanh tẩy triệt để bằng bí tích Rửa Tội hoặc bằng việc tử đạo, các ngài còn nói đến những phương thế để đạt được ơn tha thứ tội lỗi, đó là cố gắng giao hoà với anh em, những giọt lệ thống hối, chăm lo cho ơn cứu độ của tha nhân[20], khẩn cầu các thánh và thực hành bác ái, “vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi” (1 Pr 4,8).

Số 1438. Những thời gian và những ngày thống hối trong năm phụng vụ (mùa Chay, mỗi ngày thứ sáu tưởng niệm Chúa chịu chết), là những thời điểm đặc biệt để thực hành việc thống hối trong Hội Thánh[21]. Những thời gian này đặc biệt thích hợp cho các cuộc linh thao, các buổi cử hành phụng vụ thống hối, các cuộc hành hương thống hối, những việc hãm mình tự nguyện như giữ chay và bố thí, chia sẻ huynh đệ (các công tác từ thiện và truyền giáo).

Số 1753. Một ý hướng tốt (thí dụ: giúp đỡ người lân cận) không thể làm cho một hành động tự nó là sai trái (như nói dối, nói xấu), trở thành tốt hay đúng. Mục đích không biện minh cho các phương tiện. Như vậy việc kết án người vô tội không thể được biện minh như một phương tiện hợp pháp để cứu dân. Trái lại, một ý hướng xấu được thêm vào (như tìm hư danh) có thể làm cho một hành vi tự nó có thể là tốt (như việc bố thí[22]) trở thành xấu.

Số 1969. Luật mới thực thi các hành vi tôn giáo: bố thí, cầu nguyện và chay tịnh, khi quy hướng các việc đó về “Chúa Cha, Đấng thấu suốt những gì kín đáo”, khác với những người muốn “được người ta thấy”.[23] Lời cầu nguyện của Luật mới là kinh “Lạy Cha”[24].

Số 2474. Hội Thánh hết sức quan tâm thu thập các kỷ niệm về những vị đã làm chứng cho đức tin của mình cho đến cùng. Đó là Hạnh các vị Tử Đạo. Các hạnh này là những văn thư lưu trữ về Chân Lý được viết bằng máu:

“Những lãnh địa trần gian và các vương quốc đời này không ích gì cho tôi. Đối với tôi, thà chết trong Đức Kitô Giêsu, còn hơn được thống trị các lãnh địa của trái đất này. Tôi tìm kiếm Người, Đấng đã chết cho chúng ta; tôi khao khát Người, Đấng đã sống lại vì chúng ta. Tôi sắp được sinh ra…”[25].

“Con chúc tụng Chúa, vì Chúa đã xét con xứng đáng với ngày này và giờ này, để con được dự phần vào số các vị tử đạo…. Chúa đã thực hiện lời Chúa hứa, lạy Thiên Chúa, Đấng trung tín và không biết nói dối. Vì hồng ân này và vì tất cả mọi sự, con ngợi khen Chúa, con chúc tụng Chúa, con tôn vinh Chúa nhờ vị Thượng Tế vĩnh hằng trên trời là Chúa Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Chúa. Nhờ Người, con tôn vinh Chúa cùng với Người trong Chúa Thánh Thần, bây giờ và cho đến muôn đời. Amen”[26].

 

Số 2581-2584: Êlia và việc hối cải tâm hồn

Số 2581. Đối với dân Thiên Chúa, Đền thờ là nơi dạy cho họ biết cầu nguyện: các cuộc hành hương, các lễ hội, hy tế, lễ dâng ban chiều, dâng hương, bánh “trưng hiến”, tất cả những dấu chỉ này về sự thánh thiện và vinh quang của Thiên Chúa Tối Cao nhưng rất gần gũi, đều là những lời mời gọi và là những nẻo đường đưa đến việc cầu nguyện. Nhưng thái độ quá chuộng nghi lễ thường lôi kéo dân đến một cách thờ phượng quá bề ngoài. Việc giáo dục đức tin và hối cải tâm hồn là cần thiết. Đó là sứ vụ của các tiên tri trước và sau thời lưu đày.

Số 2582. Êlia là tổ phụ của các tiên tri, thuộc dòng dõi những kẻ tìm kiếm Ngài, những kẻ tìm kiếm tôn nhan Ngài[27]. Tên của ông, có nghĩa “Chúa là Thiên Chúa của tôi”, tiên báo tiếng hô của dân đáp lại lời cầu nguyện của ông trên núi Carmel[28]. Thánh Giacôbê nhắc đến gương ông Êlia để khích lệ chúng ta cầu nguyện: “Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực” (Gc 5,16)[29].

Số 2583. Sau khi học biết thương xót lúc ẩn mình tại suối Charith, ông Êlia dạy cho bà góa ở Sarepta tin vào lời Thiên Chúa và củng cố đức tin của bà bằng lời cầu nguyện tha thiết của ông: Thiên Chúa đã làm cho con trai bà goá sống lại[30].

Khi ông Êlia dâng hy lễ trên núi Carmel, đó là lúc thử thách quyết liệt đối với đức tin của dân Thiên Chúa, thì lửa của Chúa đã thiêu hủy của lễ toàn thiêu “vào giờ người ta hiến dâng của lễ ban chiều” nhờ lời khẩn cầu của ông Êlia: “Xin đáp lời con, lạy Chúa, xin đáp lời con” (1 V 18,37). Các phụng vụ Đông phương đã dùng lại lời khẩn cầu này của ông Êlia trong kinh Khẩn nguyện xin ban Chúa Thánh Thần (Epiclesis) trong thánh lễ[31].

Sau cùng, trở lại hoang địa, đến nơi Thiên Chúa hằng sống và chân thật đã tỏ mình ra cho dân Ngài, ông Êlia ẩn mình, như ông Môisen, “trong một hang đá” cho tới khi sự hiện diện nhiệm mầu của Thiên Chúa “đi qua”[32]. Nhưng chỉ trên núi Hiển Dung, Đấng mà ông Môisen và ông Êlia đã tìm kiếm tôn nhan, mới được tỏ lộ[33]: các ông nhận ra vinh quang của Thiên Chúa nơi tôn nhan Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh[34].

Số 2584. Trong những lúc “riêng một mình với Thiên Chúa”, các tiên tri múc được ánh sáng và sức mạnh cho sứ vụ của mình. Việc cầu nguyện của các ông không phải là chạy trốn thế giới bất trung, nhưng là lắng nghe Lời Thiên Chúa, đôi khi tranh luận hoặc than thở với Chúa, luôn luôn chuyển cầu cho dân để chờ đợi và chuẩn bị cho sự can thiệp của Thiên Chúa Cứu Độ, là Chúa của lịch sử[35].

 

Số 1021-1022: Phán xét riêng

Số 1021. Sự chết kết thúc đời sống con người, xét như quãng thời gian mở ngỏ để đón nhận hay khước từ ân sủng của Thiên Chúa được biểu lộ trong Đức Kitô[36]. Tân Ước nói về sự phán xét chủ yếu trong viễn tượng một cuộc gặp gỡ sau cùng với Đức Kitô khi Người ngự đến lần thứ hai, nhưng cũng nhiều lần khẳng định sự thưởng phạt mỗi người ngay sau khi họ chết, tùy theo công việc và đức tin của họ. Dụ ngôn về người nghèo khó Lazarô[37], và lời Đức Kitô trên thập giá nói với người trộm lành[38], cũng như những bản văn khác trong Tân Ước[39] nói đến số phận cuối cùng của linh hồn[40], một số phận có thể khác nhau giữa người này với người khác.

Số 1022. Mỗi người, ngay sau khi chết, lãnh nhận trong linh hồn bất tử của mình sự trả công muôn đời cho mình trong một cuộc phán xét riêng, cuộc phán xét đó quy chiếu đời sống họ với Đức Kitô để hoặc họ phải trải qua việc thanh luyện[41], hoặc họ lập tức được vào hưởng vinh phúc trên trời[42] hoặc họ lập tức bị luận phạt muôn đời[43].

“Vào lúc đời xế bóng, bạn sẽ bị xét xử về tình yêu”[44].

 

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Ðức Giêsu đưa ra hai hình ảnh đối nghịch: một bên là sự giả hình của các kinh sư, biệt phái. Lòng họ đầy mưu mô xảo quyệt nhưng được che đậy bằng một lớp vỏ bọc bên ngoài hết sức an toàn. Bên kia là sự chân thành của bà góa nghèo, bà đã dâng số tiền nhỏ mọn với thái độ âm thầm và quảng đại. Như thế giá trị của việc dâng cúng hay bất cứ việc gì khác không tùy thuộc số lượng, hay kết quả bên ngoài; nhưng tùy thuộc tấm lòng thành và cách sống của mỗi người.

Cầu nguyện: Lạy Cha, Cha không cần chúng con phải dâng cho Cha của lễ cao trọng. Cha cũng không bắt chúng con phải hy sinh, phải chia sẻ cho anh em quá độ ngoài sức chúng con. Nhưng Cha đòi hỏi nơi chúng con sự chân thành, và quảng đại thực sự. Chúng con vẫn còn cái nhìn rất hạn hẹp khi đánh giá người khác qua hình thức bên ngoài. Chúng con vẫn dùng tiền bạc của cải làm thước đo thang giá trị. Xin cho chúng con tích cực cộng tác về mọi phương diện trong việc xây dựng Hội Thánh, xây dựng giáo xứ, khu xóm và chân thành thực thi bác ái đối với anh chị em chúng con. Amen.

Ghi nhớ: “Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Trong bài Tin Mừng hôm nay có hai bối cảnh rất nổi bật để cho chúng ta so sánh, hai bối cảnh này không phải tự nhiên chúng ta khám phá ra, nhưng là do Chúa Giêsu-Đấng luôn yêu thích sự khiêm tốn, Ngài chỉ ra cho chúng ta thấy, hai bối cảnh đó là: sự khoe khoang, kiêu ngạo xúng xính trong bộ áo sang trọng của các kinh sư, và sự nghèo khó nhưng quảng đại của người đàn bà goá.

Chúa Giêsu không thích sự kiêu ngạo cho nên Ngài rất nhạy cảm nhận ra sự đối chọi giữa kiêu ngạo và khiêm tốn, giữa khoe khoang của các kinh sư và kín đáo của những người dân nghèo khó nhưng rất hảo tâm.

Qua mọi thời đại, cái kiêu ngạo luôn luôn bị người ta kết án, bởi lẽ chính kiêu ngạo thường làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa nơi con người và giữa con người với nhau. Kiêu ngạo khoe khoang xúng xính trong bộ áo thụng sang trọng của các kinh sư đã làm cho họ xa cách quần chúng, và lời giảng dạy của họ như gió thổi mây bay qua tâm hồn của người nghe, mà đa số là những người nghèo khó bần cùng trong xã hội. Họ giảng dạy như cái phèng la rỗng tuếch vang to, nhưng lại làm điếc tai người nghe vì những xa hoa và thói khoe khoang của họ. Cho nên, Chúa Giêsu đã dặn dò các môn đệ của mình: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng...” , và cũng ngụ ý nghiêm khắc cảnh cáo chúng ta: đừng trở nên những người kiêu ngạo khoe khoang với những gì mình đang có.

Chúa Giêsu rất yêu mến những người khiêm tốn nên Ngài đã nhận ra ngay tấm lòng hảo tâm của người đàn bà nghèo khó goá bụa, bởi vì bà đã đem hết gia tài của mình có bỏ vào hòm dâng cúng, hoặc chúng ta có thể nói, bà đã đem cả mạng sống của mình để làm công việc bác ái mà không khoe khoang.

Chúa Giêsu không những đã cảm nghiệm được sự khiêm tốn chính là nền tảng để đón nhận mọi nguồn mạch ân sủng, nhưng Ngài còn sống triệt để sự khiêm tốn khi trở thành một con người nghèo khó hơn cả chúng ta. Do đó, Ngài đã nói với các môn đệ: “Bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn hết...” , giá trị của sự khiêm tốn là ở đó: dâng hết những gì mình có mà không khoe khoang, không đánh trống rung chuông báo cho mọi người biết công việc bác ái mình đã làm. Hạt lúa gieo xuống đất âm thầm đâm chồi nảy lộc không khoe khoang, không xúng xính, nhưng đã nuôi sống con người bằng những hạt lúa no tròn, đó là thành quả của sự huỷ mình ra không.

Có nhiều giáo dân không thèm đi lễ Nhà thờ của họ đạo, bởi vì họ không chịu được sự phách lối của mấy ông bà trong ban hành giáo; có một vài giáo dân bỏ tiền bỏ của ra cho hội từ thiện này, hội bác ái nọ để được báo chí khen ngợi, nhưng chưa bao giờ mua một bó hoa tặng Đức Mẹ nghèo khó trong Nhà thờ của mình...

Người đàn bà goá nghèo chỉ bỏ vào hòm cúng hai đồng tiền kẽm, nhưng Chúa Giêsu đã khen bà là người dâng cúng nhiều nhất, vì gia tài của bà chỉ có chừng ấy. Cái thâm thuý nhất nơi hành động của người đàn bà goá nghèo chính là bà biết phó thác cuộc sống hôm nay và ngày mai của mình cho Thiên Chúa duy nhất của bà.

Thiên Chúa cũng sẽ khen ngợi chúng ta như thế, khi chúng ta biết vì tha nhân mà phó thác cuộc sống của mình trong tay Ngài.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

CỦA ÍT LÒNG NHIỀU

A. DẪN NHẬP

Người đời thường hành động theo phương châm: “Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa che lại” (Tục ngữ). Ai cũng muốn cho mình được người ta ca tụng, không muốn bị người ta chê cười, nên tìm cách ếm nhẹm những cái xấu mà chỉ phô ra những cái tốt của mình. Luật sĩ là những người chỉ thích khoe những cái tốt đẹp của mình để loè thiên hạ, nhưng những cái họ khoe ra không có thực mà chỉ là ảo, nghĩa là họ giả hình giả bộ cốt lấy tiếng khen của mọi người.

Vì thế trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đưa ra hai khuôn mặt tiêu biểu: luật sĩ và bà góa để nói lên cái tương phản của hai loại người: giả dối và thành thực. Luật sĩ dâng cúng cho đền thờ không vì lòng mến Chúa, mà cốt tìm tiếng khen, còn bà goá đã dâng cúng với tất cả tấm lòng thành, với lòng mến yêu nồng nàn đối với Chúa. Bà đã âm thầm dâng cúng tất cả những gì thiết yếu đối với bà, kể cả mạng sống, mà không cần ai biết đến. Nhìn cung cách dâng cúng của bà, Đức Giêsu đã khen: “Bà này đã dâng cúng nhiều hơn hết mọi người”.

Thiên Chúa không xét giá trị theo của dâng cúng nhưng xét theo tấm lòng của người dâng cúng. Người ta thường nói: “Cách cho quý hơn của cho”. Người ta có thể cho một cách miễn cưỡng, hay cho vì bổn phận bó buộc hay cho vì lòng hảo tâm, vì lòng thương mến. Bà goá này đã cho đi một cách tự nguyện, quảng đại, thơm thảo, bất vụ lợi… nên việc dâng cúng của bà được đánh giá cao. Bà goá này đã dâng cúng với cung cách tốt đẹp đó, nên đã được Đức Giêsu khen là bà đã dâng cúng nhiều hơn hết mọi người, vì bà là người có “của ít lòng nhiều”.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: 1V 17,10-16

Khi tiên tri Êlia phải lánh nạn để tránh cơn giận của hoàng hậu Jézabel, ông cảm thấy mệt nhọc và kiệt sức. Ông xin bà goá làng Sarepta cho trú nhờ và xin cho ăn một chút bánh hiếm hoi của bà. Bà sẵn sàng làm bánh cho ông ăn và Chúa đã thưởng công do lòng quảng đại của bà: “Hũ bột sẽ không vơi, vò dầu sẽ không cạn cho đến ngày Đức Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất”.

+ Bài đọc 2: Dt 9,24-28

So sánh chức tư tế Do thái giáo và chức Thượng tế của Đức Giêsu, tác giả thư Do thái làm nổi bật sự siêu việt của lễ tế do Đức Giêsu dâng hiến hoàn hảo và đời đời.

1. Trong tư tế là Con Thiên Chúa làm người, Ngài là Ngôi Lời nhập thể. Hiến tế mà Ngài dâng trên đồi Calvê có một giá trị vô cùng và tuyệt đối.

2. Từ khi phục sinh và lên trời, Ngài còn tiếp tục hiến dâng lễ vật này, tiến dâng mãi mãi để tôn vinh Chúa Cha và không ngừng nguyện cầu ơn phúc cho nhân loại.

+ Bài Tin mừng: Mc 12,38-44

Hình ảnh trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy có hai đối chọi: luật sĩ và bà goá. Bề ngoài có vẻ như không ăn khớp, nhưng thực tế bổ túc cho nhau.

1. Người luật sĩ chỉ có cái vỏ bề ngoài, trong lòng thì rỗng tuếch: kiêu căng, tham lam, khoe khoang, giả hình.

2. Bà goá thì khiêm nhường, âm thầm, thành thật, nghèo tiền nhưng giàu lòng.

Coi đây là hình ảnh đẹp nên “gọi môn đệ đến” chỉ cho thấy và khuyên các ông hãy noi gương bà goá đó.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Vật khinh nhưng hình trọng

Tục ngữ Việt Nam dùng câu “Vật khinh hình trọng” có ý nói đến con người là quý trọng, còn của cải thì coi thường. Con người có giá trị hơn của cải.

Cũng có câu khác ý nghĩa tương tự: “Thèm lòng chẳng ai thèm thịt” hoặc: “Vị tình vị nghĩa, không ai vị đĩa xôi đầy”, đều có ý nói: người ta đến giỗ tết hiếu hỷ, vì quan hệ tình cảm chứ không phải cốt để ăn uống.

Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy có hai hình ảnh trái ngược. Bà goá đã sống theo phương châm “vật khinh hình trọng”, nghĩa là bà đã dâng cúng cho Chúa với “của ít lòng nhiều” hay “của một đồng công một nén” (tục ngữ): của dâng cúng của bà thì ít, nhưng tâm tình thì dạt dào.

Ngược lại, các luật sĩ lại sống trái ngược với phương châm trên mà họ đã đổi lại thành “vật trọng hình khinh”, họ chỉ chú trọng đến số lượng mà quên đi chất lượng hay phẩm chất, điều mà Thiên Chúa đòi hỏi nơi người dâng cúng. Họ chỉ thích sống theo cái vỏ bề ngoài mà trong lòng thì trống rỗng. Trước mặt Chúa họ đúng là những người sống theo tiêu chuẩn “Thùng rỗng kêu to”, mà kiểu sống đó đã bị Đức Giêsu chỉ trích.

I. HAI KHUÔN MẶT ĐIỂN HÌNH

1. Khuôn mặt người luật sĩ

Các luật sĩ là những người chuyên nghiên cứu Thánh kinh và pháp luật. Họ giải thích Thánh kinh cho người khác và làm cố vấn pháp luật cho dân chúng. Họ là bậc thầy thuộc giới thượng lưu nên được người ta kính trọng. Nhưng Đức Giêsu lại chỉ trích miệt thị họ, vì họ là những người kiêu căng và giả hình giả bộ.

Những người này làm việc đạo đức chỉ vì cầu danh, cầu lợi, cầu địa vị. Họ mặc lễ phục trịnh trọng, làm bộ đọc kinh nguyện lâu giờ chỉ để cầu được kính trọng chào hỏi, cầu ngồi chỗ danh dự nhất, cầu kiếm được nhiều tiền của biếu tặng, lợi dụng chức quyền để nuốt chửng tài sản của các bà goá… Họ hoàn toàn có mục đích xấu, vụ lợi, ích kỷ, kiêu căng. Xét theo giá trị đạo đức họ bị Đức Giêsu xếp vào hạng xấu: “Họ sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn”.

2. Khuôn mặt hai bà goá

Phụng vụ hôm nay đề cập tới hạng người mà dư luận thương hại hay coi thường là các bà goá. Họ là những người giữa đường đứt gánh, một mình gánh vác giang sơn nhà chồng. Vì không có sự bao bọc của người chồng, người góa phụ chỉ còn nhờ vào tài sản của chính mình, không ai giúp đỡ. Bởi vì họ có gì đâu? Của cải chồng họ để lại thuộc về trưởng nam. Có thể trước đó họ đã gửi gắm ở đâu được một chút của nào đó. Hay tài sản riêng họ có trước khi về nhà chồng, họ đã gửi nơi các luật sĩ mà họ tưởng là những người đạo đức nâng đỡ họ. Ai ngờ bọn này lại lợi dụng và dã tâm ngốn cả nhà cửa của họ. Theo Thánh kinh các bà goá được liệt vào số những người nghèo khổ nhất cùng những kẻ mồ côi và những kẻ tha phương cầu thực (Đnl 24,17-22).

a) Bà góa thành Sarepta

Sách Các Vua hôm nay kể lại truyện có một bà goá ở Sarepta đang đi kiếm củi. Tiên tri Êlia thấy bà đội một cái bình dầu trên đầu thì tưởng bà ta đi múc nước. Nhưng không, đó là một cái vò đựng một chút bột còn sót lại. Bà đi kiếm mấy thanh củi rồi về nướng làm bánh cho con trai ăn và mình ăn rồi cũng chết. Sống trong nạn đói cùng cực như vậy, mà theo lời yêu cầu của Êlia, bà vẫn sẵn sàng hy sinh nhường cho nhà tiên tri ăn, dù không biết ông là ai. Chính vì lòng hy sinh bác ái tột độ đó, Thiên Chúa đã làm phép lạ cho hũ bột không vơi, vò dầu không cạn để cứu sống bà, con bà và tiên tri Êlia nữa.

Bà goá này không những tỏ ra rất nhân đạo, nhưng nhất là còn tin ở lời vị tiên tri và tin vào Lời Chúa. Chính niềm tin này khiến bà dám làm bánh cho nhà tiên tri ăn trước. Bà như quên và như bỏ mạng sống của mẹ con bà vì tin lời nhà tiên tri. Và Chúa đã thưởng công lòng tin này, khiến câu chuyện về bà hôm nay đáng được dùng để dẫn nhập vào bài Tin mừng.

b) Bà góa trong Tin mừng

Đức Giêsu cùng với các môn đệ sau khi giảng dạy cho dân chúng trong đền thờ, liền sau đó thầy trò đi ra ngoài quan sát dân chúng dâng cúng tiền để giúp cho đền thờ, chính tại đây, Đức Giêsu đã giáo huấn các môn đệ về ý nghĩa và giá trị của việc dâng cúng.

Khung cảnh của Tin mừng hôm nay nằm rất gần kho bạc vốn được dùng để chứa các đồ dâng cúng (x. 2V12,10). Các thùng tiền dâng cúng được thiết kế theo hình dáng cái loa kèn và được đặt rất nhiều trong sân dành cho phụ nữ. Chính vì đặt trong địa thế như vậy, tạo điều kiện thuận lợi cho giới quan sát là chính các luật sĩ và tay chân lân cận. Đức Giêsu cùng các môn đệ dễ dàng quan sát những thùng tiền cũng như những người bỏ tiền dâng cúng.

Trong dòng người tấp nập bỏ tiền dâng cúng đền thờ, Đức Giêsu đặc biệt chú ý đến người đàn bà goá nghèo nàn. Bà đã âm thầm bỏ vào hai đồng tiền kẽm với giá trị chỉ bằng một phần tư đồng bạc Rôma, bởi dân Do thái thời Đức Giêsu bị thống trị bởi đế quốc Rôma. Chính vì thế, người dân phải sử dụng đồng tiền Rôma trên đó có mang hình và ký hiệu hoàng đế Rôma. Đây là loại tiền bằng bạc, một đồng cân nặng 3,8g và tương đương với 0,875 quan vàng. Thấy được như thế, chúng ta mới thấy rằng đồng tiền mà bà góa trong Tin mừng dâng cúng vốn giá trị chẳng đáng là gì, nhưng đối với Đức Giêsu, Ngài đã khen: “Bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết” (Mc 12,43).

II. BÀI HỌC TỪ HAI BÀ GOÁ

1. Giá trị việc dâng cúng

Tại sao Đức Giêsu lại nói với các môn đệ: “Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá này đã bỏ nhiều hơn hết”. Lý do để Đức Giêsu khen thật rõ ràng: đó là số tiền mà dòng người kia tấp nập bỏ vào thùng tiền dâng cúng đền thờ là những đồng tiền dư thừa. Số tiền mà họ bỏ vào dâng cúng không làm hụt đi tài sản và thanh thế của họ mà còn tô thêm uy danh cho kẻ lắm bạc nhiều tiền. Còn bà goá, trái lại, bà đã rút ra từ cái túng thiếu, cái nghèo đói của mình, từ giá trị của hai đồng tiền kẽm, chính là tài sản duy nhất nuôi sống mình để dâng cúng vào đền thờ.

Như vậy, giá trị của việc dâng cúng không hệ tại ở số lượng của cải nhiều hay ít, có giá trị hay không, mà chính là tuỳ thuộc vào tấm lòng chân thành của người dâng cúng.

Muốn của dâng trở thành một của dâng đích thực thì phải là của dâng do lòng hy sinh. Vấn đề không nằm ở số tiền dâng mà ở cái giá người dâng phải trả, không phải là tầm cỡ của lễ vật, nhưng là sự hy sinh.

Chính vì vậy mà thánh Têrêsa Calcutta nói: “Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với ta, thì đó mới thật là món quà”.Truyện: Bà Oseola Mc Carthy

Báo New York Times đưa tin bà Oseola Mc Carthy: Biểu tượng “Lòng từ thiện” của nước Mỹ, đã qua đời ngày 3/10/1999 ở tuổi 91.

Vào một ngày của tháng 7/1995, ông hiệu trưởng đại học phía bắc Mississippi đã vô cùng ngạc nhiên, khi có một phụ nữ xa lạ tên Oseola Mc Carthy xin được tặng 150,000 đôla làm quỹ học bổng cho các sinh viên nghèo của trường, mà không cần được ghi danh tưởng niệm hay tuyên bố công khai. Nhà trường còn sửng sốt hơn, khi biết người phụ nữ ấy làm nghề giặt ủi, và số tiền kia là tiền dành dụm cả một đời người.

Ngay khi biết câu chuyện bà Mc Carthy tặng tất cả tiền bạc mình có làm quỹ học bổng cho trường, ông tỷ phú Ted Turner, trùm ngành kinh doanh cáp truyền hình Mỹ, đã tuyên bố góp thêm một tỷ đôla cho quỹ. Ông nói: “Người phụ nữ nhỏ bé ấy đã dám ban tặng tất cả những gì bà có, thì tôi thấy mình cũng phải đóng góp phần của tôi là một tỷ đôla”.

2. Có ba cách cho

Người ta nói rằng có ba cách cho: người cho một cách bất đắc dĩ, người cho vì bổn phận và người cho với tâm tình yêu thương.

Người cho một cách bất đắc dĩ thì nói: “Tôi bực mình vì phải cho…” Người cho vì bổn phận thì nói: “Tôi buộc phải cho…” Còn người cho vì tình thương thì nói: “Tôi muốn cho…”

Nói cách khác, kẻ cho một cách bất đắc dĩ thì cho một cách miễn cưỡng, bực mình vì phải cho. Kẻ cho vì bổn phận thì cũng cho một cách miễn cưỡng, nhưng lòng nặng trĩu vì bị bổn phận trói buộc. Còn người cho vì tình thương thì tự ý cho và cho thật lòng.

Câu chuyện bà góa trong Tin mừng hôm nay là một ví dụ tuyệt hảo về sự trao tặng với tâm tình yêu thương trìu mến. Bà cho đi mà không phải vì bị ép buộc hay vì bổn phận thúc đẩy, nhưng với tất cả tấm lòng.

Truyện: Nhường phòng cho khách

Cách đây khá lâu, một đêm kia, có đôi vợ chồng mới cưới đi về một vùng quê xa xôi, thì bị mắc phải cơn mưa rào dữ dội. Không thể đi xa hơn nữa, họ liền rời khỏi xe và đi bộ về hướng một căn nhà có thắp ngọn đèn lù mù. Khi họ bước vào nhà thì gặp đôi vợ chồng già tay cầm đèn dầu tiến ra cửa. Người thanh niên trình bày tình trạng khó khăn, đoạn yêu cầu: “Quý ngài có thể cho chúng tôi trú ngụ đến sáng được không? Nằm trên sàn nhà hay trên ghế bành cũng được”.

Ngay lúc đó có vài hạt cơm dính trên mái tóc người thiếu phụ mới đến rơi xuống sàn nhà. Đôi vợ chồng chủ nhà liếc thấy liền đưa mắt nhìn nhau thông cảm. Bà chủ nhà lên tiếng: “Được chứ, các cháu! Chúng tôi vừa có được một căn phòng trống. Nào hãy ra thu xếp đồ đạc trong xe, khi chồng tôi và tôi dọn dẹp căn phòng cho tươm tất một chút”.

Sáng hôm sau, đôi tân hôn thức dậy sớm và chuẩn bị ra đi. Vì không muốn quấy rầy hai vợ chồng già, họ lặng lẽ mặc quần áo, đoạn họ đặt tờ 10 đôla lên chiếc tủ, rồi nhón chân đi xuống cầu thang. Khi mở cánh cửa thông qua phòng khách, họ bỡ ngỡ nhìn thấy đôi vợ chồng già đang nằm ngủ trên những chiếc ghế dựa. Té ra cặp vợ chồng già này đã nhường cho đôi tân hôn căn phòng ngủ duy nhất của họ. Chàng thanh niên và cô vợ nén lại vài phút, đoạn anh ta nhón chân quay lên cầu thang và đặt thêm 5 đôla nữa lên chiếc tủ (Mark Link, Giảng lễ Chúa nhật năm B, tr.78).

3. Cho với tấm lòng chân thành

Qua nội dung ba bài đọc thánh lễ hôm nay, chúng ta thấy giáo huấn của Đức Giêsu gồm ba điểm chính:

Thương thì phải cho, vì yêu là cho đi.

Của cho không bằng tấm lòng người cho.

Chỉ chính cái mình quý nhất mới là cái cho lớn nhất, giá trị nhất.

Ở đây chúng ta chú trọng vào tấm lòng của người cho. Các luật sĩ dâng cúng cho Chúa nhiều thật, nhưng với những ý đồ không tốt. Họ dâng cúng chỉ là để khoe khoang, chứ không với tấm lòng chân thành để dâng kính Chúa vì lòng mến Chúa. Kiểu dâng cúng như thế cũng đi ngược với tâm lý người Việt Nam: “Người ta thèm lòng chứ đâu thèm thịt” (Tục ngữ).

Người Việt Nam cũng đề cao giá trị đạo đức chân chính bằng những câu châm ngôn như:

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” hoặc: “Cái nết đánh chết cái đẹp”

Gỗ là giá trị chân chính, nước sơn màu mè bên ngoài là phụ thuộc. Tính nết là giá trị cốt cách của con người, còn vẻ đẹp duyên dáng bên ngoài là phụ thuộc, chóng phai, chóng tàn. Tuy nhiên, thời đại ngày nay, người ta bị hấp dẫn về mẫu mã, quảng cáo, tuyên truyền, hơn là phẩm chất tốt của vật dụng.

Truyện: Người buôn cam

Ngày xưa, ở Hàng Châu có một người đi buôn cam. Anh ta khéo để dành cam lâu ngày mà không ủng. Lâu ngày mà vỏ vẫn đỏ hồng, trông tốt đẹp như vàng ngọc.

Đem ra chợ bán, thiên hạ tranh nhau mua. Ai thấy cam như vậy mà không thèm? Cô tôi cũng mua một quả. Đem về nhà bóc ra, thì ôi, hơi thối xông lên mặt, múi thì xác xơ như bông nát. Tôi liền ra chợ lại, tìm gặp người bán cam trách móc:

- Anh bán cam cho người ta để làm của cúng lễ, đãi tân khách, hay là chỉ để làm cho choáng mắt bên ngoài, đánh lừa thiên hạ? Tệ thật! Anh giả dối lắm! Người buôn cam mỉm cười nói:

- Tôi làm nghề này đã lâu lắm để kiếm tiền nuôi thân. Tôi bán thì người ta mua. Chẳng ai nói năng gì cả. Chỉ có ông là kêu ca thôi. Thiên hạ giả dối nhiều, chẳng phải riêng gì một mình tôi. Ông thật không nghĩ cho đến nơi. Này thử xem, người đeo hổ phù, ngồi da hổ, hùng dũng, trông ra dáng quan võ lắm. Kỳ thực họ có giỏi được như Ngô Khởi, Tô Tẫn không? Người đội mũ cao, đóng đai dài, trông ra dáng quan văn lắm. Kỳ thực họ có giỏi được như Cao Dao, Y Doãn không? Giặc nổi lên không biết dẹp, dân khổ không biết cứu. Quan lại tham nhũng không biết trừng trị. Pháp hộ hỏng không biết sửa đổi. Ngồi không ăn lương, chẳng biết xấu hổ… Thế mà lúc ra ngồi công đường, đi xe ngựa, uống rượu ngon, ăn của lạ, oai vệ hách dịch vô cùng!...

Đó, bề ngoài họ chẳng như vàng ngọc, mà bên trong lại chẳng hôi thối, và xác xơ như bông nát là gì? Sao ông không chịu xét những hạng người như thế, mà lại đi xét quả cam tôi?”

Câu chuyện buôn cam trên đây nói lên thực trạng mai mỉa của xã hội ngày nay. Đức Kitô đã nhiều lần lên án gắt gao bọn mũ cao áo dài thể ấy:

Hỡi những kẻ giả hình,
Các ngươi không khác chi những nấm mồ bôi vôi
Vỏ ngoài thì xem xinh xắn lắm,
Nhưng bên trong là thây ma và mọi thứ xú uế.
Bên ngoài các ngươi có vẻ công chính đối với người ta
Nhưng bên trong thì đầy giả dối và vô đạo” (Mt 23,27-28)

Cụ Nguyễn Khuyến thì gọi họ là nộm, hữu danh vô thực:

Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe
Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi.

III. BIẾT LẤY GÌ DÂNG CHÚA BÂY GIỜ?

Mỗi khi đọc câu Thánh vịnh:Tôi biết lấy gì dâng lại cho Chúa

Để đền đáp những gì Ngài ban tặng cho tôi.

Tôi xin nâng chén hồng ân cứu độ

Và kêu cầu danh thánh Chúa.

Chúng ta cảm thấy dạt dào lòng tri ân đối với Chúa vì muôn hồng ân Chúa đã ban tặng cho ta. Nhìn trời, nhìn trăng sao, nhìn đất, nhìn hoa lá cỏ cây… tất cả đều nói lên tình thương yêu của Chúa đối với chúng ta, trong việc tạo dựng mọi sự vật cho chúng ta một cách dồi dào:

Chúng tôi xin một bông hoa, thì Ngài cho cả bó,
Chúng tôi xin một giọt nước, thì Ngài cho cả đại dương,
Chúng tôi xin một hạt cát, thì Ngài cho cả một bờ biển,
Chúng tôi xin một lá cỏ, thì Ngài cho cả một bồn,
Chúng tôi xin ăn, thì Ngài ban cho cả Thịt Máu Ngài. (Mark Link)

Trước tình thương bao la của Chúa, chúng ta không bao giờ được trở nên những kẻ vô ơn. Chúng ta phải đáp lại tình thương đó bằng những của hiến dâng xứng đáng được Chúa chấp nhận. Của dâng Chúa phải là những của lễ thơm thảo nhất, thân thiết nhất mà chúng ta dành cho tha nhân.

Văn hào Louis Veuillot khi chết, có để lại một bao thơ dầy cộm với mấy hàng chữ ghi: “Tiền nhịn hút thuốc trong các Mùa chay để giúp cho người nghèo”.

Tư tưởng của Chúa, cách phán đoán và đánh giá sự vật cũng như con người của Ngài không phải là của chúng ta. Ngài thấu suốt tận thẳm sâu tâm hồn. Chúa không nhìn theo dáng vẻ bên ngoài đâu.

Thường người ta thích hình thức hơn là thực chất, thích tự đề cao giá trị thực sự. Trái lại, Thiên Chúa không nhìn diện mạo, y phục, không nhìn vật chất nhưng nhìn vào tâm hồn. Thánh kinh đã không nói rằng “Người thấu suốt tâm can sao?” Không thể đánh lừa Ngài được đâu. Vàng quý không phải là thứ vàng giới thiệu trên tay, nhưng là thứ vàng hiện diện trong tâm hồn: vàng ròng của tình yêu.

Chúng ta hãy theo gương bà góa trong Tin mừng, hãy biết cho đi, cho đi tất cả. Với hai đồng tiền kẽm, bà goá đã cho đi tất cả, trao phó tất cả mạng sống cho Thiên Chúa, vì bà tin rằng Đấng bà tin theo không bao giờ để bà thiệt thòi. Vâng, khi chúng ta cho đi, chính là lúc chúng ta nhận lãnh và nhận lãnh càng dồi dào những hồng ân của Thiên Chúa. Một thi sĩ đã gợi cho chúng ta những ý tưởng rất hay:

Quà tặng đẹp nhất
Cho kẻ thù, chính là sự tha thứ
Cho bạn bè, là sự trung thành
Cho các em bé, là những gương sáng
Cho một người cha, là lòng tôn kính
Cho một bà mẹ, là trái tim ta
Và cho người lân cận, là đôi tay ta. (Cảm hứng do Francis Balfour)

 

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

NHIỀU HƠN MỌI NGƯỜI

Sống ở đời thì phải đánh giá, tốt, xấu, hay, dở.

Khi đánh giá thì cần dựa trên những tiêu chuẩn đã định.

Trước khi trao vương miện hoa hậu, trao Quả Bóng Vàng,

hay trao giải thưởng cho một cá nhân xuất sắc,

cần xem ai đó có hội đủ điều kiện để được hay không.

Những điều kiện này thường phải rõ ràng,

kiểm tra được, tính toán được cách chính xác.

Tuy nhiên, khi đánh giá theo những điều kiện trên,

ta lại không tính được những điều mắt không thấy,

những điều chỉ mình Chúa thấy, và thấy rất rõ

Ngài đánh giá con người dựa trên những điều thầm kín.

Vào thời Đức Giêsu, các kinh sư thuộc giới lãnh đạo.

Phần lớn các kinh sư thuộc phái Pha-ri-sêu.

Là kinh sư nên họ thông thạo Kinh Thánh.

Là người Pha-ri-sêu nên họ giữ nghiêm nhặt Lề Luật.

Bởi đó không lạ gì khi các kinh sư được dân kính trọng.

Có thể chính sự kính trọng về mặt tri thức và đạo đức

đã khiến một số kinh sư rơi vào thái độ tự mãn, tự tôn.

Khi xúng xính dạo quanh trong bộ áo thụng,

các kinh sư lôi kéo cái nhìn trầm trồ ngưỡng mộ.

Họ thích được nổi bật trước đám đông,

thích là trung tâm của sự chú ý.

Chính vì thế họ muốn được cúi chào nơi phố chợ,

muốn ngồi ghế đầu trong hội đường,

muốn chỗ danh dự khi dự tiệc.

Họ nghĩ mình có giá trị cao hơn người khác

nên xứng đáng được hưởng những đặc quyền.

Dân chúng vẫn thường trọng vọng các kinh sư,

nhưng Đức Giêsu lại có cái nhìn khác.

Chẳng những họ không được Thiên Chúa quý trọng,

mà còn phải chịu án phạt nặng hơn,

vì tội muốn ăn trên ngồi trước, bất công với các bà góa,

lại giả vờ cầu nguyện cho dài (Mc 12,40).

Đức Giêsu có cách đánh giá khác với chúng ta.

Khi ngồi trước hòm tiền ở Đền thờ,

Ngài đã quan sát kỹ những người bỏ tiền vô đó.

Nhiều người giàu bỏ vào đó những số tiền lớn.

Có một bà góa nghèo rón rén bỏ vào món tiền nhỏ,

chỉ đủ để mua chút xíu đồ ăn.

Thấy đây là một bài học ý nghĩa cần dạy cho môn đệ,

Thầy Giêsu đã gọi họ lại và long trọng khẳng định:

Bà góa này đã bỏ nhiều hơn mọi người khác.

Chắc các ông đã sửng sốt khi nghe Thầy nói,

nhưng đó là cách Thầy Giêsu mở ra cho họ điều mới.

Thầy cho họ thấy cách đánh giá của Thiên Chúa

thì khác với cách đánh giá tự nhiên của con người.

Người bỏ vào nhiều nhất

không phải là người bỏ vào số tiền lớn nhất,

nhưng là người dám bỏ vào tất cả những gì mình có.

Bà góa không dâng cúng điều bà dư thừa,

nhưng dâng cho Chúa từ cái túng thiếu của mình.

Bà bỏ vào thùng tất cả những gì bà đang cần để sống.

Như thế bà đã trao cho Chúa toàn bộ đời mình.

Thầy Giêsu quen dạy môn đệ từ chuyện đời thường.

Thầy chẳng cần lớp học, phấn trắng, bảng đen.

Thầy mời họ cùng tập nhìn, tập đánh giá với Thầy,

từ đó nhìn thấy vẻ đẹp lấp lánh của viên ngọc thô.

Trong Nước Trời, có nhiều người giống bà góa nghèo,

chẳng bao giờ được huy chương hay bằng khen.

Chúng ta cần tập đánh giá lại chính mình và tha nhân

bằng thước đo của Thiên Chúa.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa,

Xin hãy lấy và hãy nhận,

tất cả tự do của con, trí nhớ của con,

trí hiểu của con, và tất cả ý muốn của con,

tất cả những gì con có và con sở hữu.

Chúa đã ban chúng cho con,

lạy Chúa, con xin trả lại chúng cho Chúa.

Tất cả là của Chúa.

Xin Chúa xếp đặt theo tất cả ý muốn của Chúa,

xin cho con tình yêu và ân sủng của Chúa,

như thế là đủ cho con.

Thánh Inhaxiô Loyola (LT 234)

Tag:

2024-11-10

Lời Chúa Hôm Nay
Đọc Kinh Sáng
Lịch Công Giáo