“Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ,
cứu mạng người hay huỷ diệt ?” (Lc 6,9)
BÀI ĐỌC I (năm I): Cl 1, 24 – 2, 3
“Tôi đã được trở thành người phục vụ Hội thánh để rao giảng mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.
Anh em thân mến, hiện nay tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em. Tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của Ðức Kitô, để Hội thánh là thân xác của Người được nhờ. Tôi đã được trở thành người phục vụ Hội thánh, theo sự an bài của Thiên Chúa đã trao phó cho tôi rao giảng đầy đủ lời Chúa, đó là mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở qua muôn thế hệ, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh của Người. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho họ biết thế nào là sự phong phú vinh quang của mầu nhiệm nơi dân ngoại, tức là Ðức Kitô trong anh em, Người là niềm hy vọng vinh quang. Tôi loan báo Người, cảnh tỉnh mọi người, đem tất cả khôn ngoan mà dạy dỗ mọi người, để làm cho mọi người nên hoàn hảo trong Ðức Giêsu Kitô. Chính vì lẽ đó, tôi khó nhọc chiến đấu nhờ vào năng lực mà Người hành động mạnh mẽ trong tôi. Vì chưng, tôi muốn anh em nhận thấy tôi lo lắng biết bao cho anh em và cho những người ở Laođicêa, và cho những ai chưa hề thấy mặt tôi tận mắt, để lòng họ được an ủi, và khi được giáo huấn trong đức mến, họ được dư đầy sự thông hiểu là được nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa Cha và Ðức Kitô Giêsu, nơi Người tiềm ẩn mọi kho tàng khôn ngoan và thông hiểu.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 61, 6-7. 9
Ðáp: Vinh dự và an toàn của tôi ở nơi Thiên Chúa (c. 8a).
Xướng: Duy nơi Thiên Chúa, hỡi linh hồn tôi, hãy an vui, vì do chính Người, tôi được ơn cứu độ. Phải, chính Chúa là Ðá Tảng, là ơn cứu độ của tôi, Người là chiến luỹ của tôi, tôi sẽ không hề nao núng.
Xướng: Hỡi dân tộc, hãy trông cậy Người luôn mọi lúc; hãy đổ giốc niềm tâm sự trước nhan Người, vì Thiên Chúa là nơi ta nương náu.
Tin mừng: Lc 6, 6-11
6 Một ngày sa-bát khác, Đức Giê-su cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải.
7 Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người. 8 Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó.
9 Đức Giê-su nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt ?”
10 Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra !” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường.
11 Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không.
Bài giảng của linh mục Giuse Vũ Hữu Hiền
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu chữa lành người bại tay trong ngày Sa-bát, và như thế đối với người Do thái là phạm luật. Nhưng qua đó, Ngài muốn nói với ta rằng: không có luật nào lớn hơn luật yêu thương.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay cho phép con hình dung hai hình ảnh trái ngược nhau: một bên là khuôn mặt dịu hiền đầy nhân ái của Chúa khi Chúa thương chữa lành cho người bại tay. Một bên là những khuôn mặt đầy hận thù ghen ghét của những người biệt phái và luật sĩ. Họ tự hào là kẻ trung thành giữ luật Chúa, nhưng không hề biết xót thương con người.
Lạy Chúa, Chúa muốn con trở nên giống Chúa và hành động như Chúa. Chúa muốn con luôn biết nhạy cảm trước những nỗi khổ đau của tha nhân. Chúa muốn dạy con rằng việc thờ phượng Chúa không tách rời khỏi việc giữ đức ái với tha nhân. Con không thể yêu mến Chúa nếu không thương mến anh em mình. Vâng, lạy Chúa, chính vì để tôn vinh và yêu mến Chúa Cha, Chúa đã hiến thân cho nhân loại, và để kiện toàn luật Chúa, Chúa dạy con bài học yêu thương.
Xin cho con biết yêu thương mọi người bằng một tình yêu không so đo tính toán, không ích kỷ nhỏ nhen. Xin đừng để con lây nhiễm tinh thần biệt phái hẹp hòi, thích lên án chỉ trích anh em mình hơn là yêu thương tha thứ cho họ. Xin cho đời sống đạo của con, không phải chỉ đóng khung trong nhà thờ, nhưng luôn được thực hiện cách cụ thể trong đời sống hằng ngày, cho những người anh em đang cần đến sự giúp đỡ của con. Nhờ ơn Chúa giúp, xin cho con trở thành chứng nhân cho tình yêu Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Các ông quan sát xem Người có chữa lành bệnh trong ngày Sabbat không”.
Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Chúa Giêsu và các luật sỹ, biệt phái tranh luận với nhau về luật nghỉ làm việc ngày Sabát.
Hôm ấy trong hội đường có một người bị bại tay, Các luật sỹ và biệt phái rình xem Chúa Giêsu có chữa bệnh cho người ấy không để tố cáo Ngài.
Chúa Giêsu biết ý của họ nên hỏi trước: “Ngày Sabát được phép làm điều lành hay điều dữ ?”: Khi chống đối Chúa Giêsu, các đối thủ đã dựa vào chủ trương “không làm gì cả” trong ngày sabát. Phần Chúa Giêsu thì đặt vấn đề là “làm điều lành” hay “làm điều dữ”.
Thực ra chủ trương của Pharisêu không hẳn là hoàn toàn không làm gì cả. Họ cũng chấp thuận được cứu người nguy tử trong ngày đó (Mishna Yoma VIII,6). Nhưng họ phải nghiên cứu trong từng trường hợp cụ thể để cho phép làm như vậy. Còn Chúa Giêsu, thái độ của Ngài trong trường hợp này cho thấy rõ: luật ngày sabát phải lệ thuộc luật yêu thương và giúp đỡ kẻ khác, vì đó là ngày giải phóng.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Kẻ được Chúa Giêsu cứu chữa hôm nay là một người tay hữu bị khô bại, nghĩa là mất khả năng làm việc, do đó cũng mất phương tiện để sinh sống. Tuy người này không xin, nhưng Chúa Giêsu vẫn thương và chữa anh.
Ta hãy cầu nguyện cho những kẻ tật nguyền và những người không có công ăn việc làm để sinh sống.
2. Cái nhìn của Chúa Giêsu và các đối thủ của Ngài rất khác nhau: Chúa Giêsu thấy một người cần được Ngài giúp đỡ; còn họ thì không để ý đến người tàn tật mà chỉ lo rình mò xem Chúa Giêsu có làm sai luật không để mà bắt bẻ.
Xin Chúa cho con có cái nhìn của Chúa: cái nhìn của tình thương chứ không phải là cái nhìn của soi bói rình mò.
3. Khi người khô tay đã được lành, các biệt phái và luật sỹ không vui mừng với anh mà lại tức giận với Chúa Giêsu và bàn nhau hại Ngài.
Xin Chúa đừng để lòng ganh ghét của con làm mù quáng, trái lại xin cho con biết vui với niềm vui của người khác.
4. Trong một giai thoại về Đức Thích Ca, có kể rằng: Một hôm Ngài rơi vào tay một tên cướp. Tên này dọa giết Ngài, trước khi chết Ngài xin hắn một ân huệ. Ngài chỉ vào một cây lớn trước mặt và nói:
- Ngươi hãy cắt đứt một nhánh cây.
Trong nháy mắt, tên cướp vung kiếp chém đứt một nhánh cây. Đức Thích Ca nói tiếp:
- Bây giờ người hãy tháp nhánh cây vào thân cây.
Tên cướp cười gằn, nói:
- Mi quả là tên khùng nên mới nghĩ rằng ta có thể làm được điều đó. Đức Thích Ca liền dạy hắn một bài học:
- Ngươi mới là tên khùng khi nghĩ rằng sức mạnh sức mạnh con người có thể gây thương tích và phá hủy. Người có sức mạnh thực là người biết sáng tạo và chữa lành (“Mỗi ngày một tin vui”).
5. ”Các kinh sư và Pharisêu xem Chúa Giêsu có chữa người ấy trong ngày sabát không, để tìm được cớ tố cáo Ngài” (Lu Ca 6,7).
Lạy Chúa, dò xét, rình rập thì con hay lắm, còn nhìn lại bản thân thì con thật là dở. Con dò xét người này, dòm ngó người kia, rình rập người nọ để tìm ra chỗ hở mà đả kích cho “đã”. Rồi tự biện hộ rằng mình xây dựng cho anh em. Nhưng mắc cở thay, đó chỉ là những cử chỉ, hành động phô trương đạo đức giả hình.
Nhược điểm và bao nhiêu cái xấu xa của con, con lại không nói ra, mà còn lại khéo tô thêm một lớp sơn hào nhoáng như ngôi mộ bên ngoài trông đẹp mắt nhưng bên trong lại mục nát thối thừa.
Chúa ơi! xin cho con biết nhìn lại chính con nhiều hơn là tìm những sơ hở của anh em mà lên án. (Hosanna).
6. Mầm khác.
Một người Do thái nọ qua đời.
Sau khi đã khám nghiệm các bác sĩ xác nhận người đó đã thực sự chết theo đúng ý nghĩa của y học và đã cấp giấy chứng thực để chôn cất.
Giữa lúc đang chuẩn bị hạ huyệt người ta bỗng nghe có tiếng kêu trong quan tài. Mở nắp quan tài ra, mọi người rất đỗi ngạc nhiên thì thấy kẻ chết đã sống lại.
Thế nhưng vị giáo trưởng chủ trì tang lễ ra hiệu cho mọi người thinh lặng rồi nói với kẻ chết sống lại như sau :
- Chúng tôi không biết rõ ông đang sống hay chết. Nhưng căn cứ theo giấy chứng thực của các bác sĩ ông quả thực đã là người chết. Vậy chúng tôi cứ thi hành theo đúng nhận định của các bác sĩ.
Nói xong ông truyền cho tang lễ đóng nắp quan tài lại và tiếp tục nghi thức an táng.
Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Chữa người bại tay ngày sabát (Lc 6,6-11)
Đức Giêsu chữa người bại tay ngày hưu lễ, nên bị những người luật sĩ và biệt phái rình xét, phản kháng. Người biệt phái giữ luật chặt chẽ nhưng chỉ là hình thức. Họ luôn tìm cách bắt bẻ Đức Giêsu, mà không biết nhân nghĩa là gì. Đức Giêsu rất trung thành với lề luật, nhưng Người đi sát tinh thần yêu thương của lề luật, chứ không phải hình thức bên ngoài. Ngày hưu lễ là ngày làm vinh danh Chúa, cứu chữa con người để con người được hạnh phúc. Con người được hạnh phúc là lúc Thiên Chúa được vinh danh. Vì thế, chữa bệnh trong ngày hưu lễ là điều Chúa Cha rất vui lòng.
Giới răn Sabát được giải thích từ việc tin rằng Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật trong sáu ngày và ngày thứ bảy thì Người nghỉ ngơi. Chính vì vậy, nguyên thuỷ người ta nghỉ ngày thứ bảy (sabát) như là một sự bắt chước Thiên Chúa, đồng thời dành một ngày cuối tuần để chỉ dành riêng cho việc phụng sự Thiên Chúa. Thế nhưng, càng ngày, luật Sabát được các luật sĩ giải thích chi tiết, cặn kẽ và dừng lại ở mặt chữ của luật: chỉ dừng lại ở cái lý mà đánh mất cái tình, giữ luật vì luật, chứ không còn vì yêu mến Chúa và đánh mất đức ái mà luật nhắm tới.
Việc chữa bệnh của Đức Giêsu được khởi đi từ bản chất của Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Bởi vậy, không lạ gì khi các luật sĩ và biệt phái, không những không ủng hộ việc tốt lành của Đức Giêsu với người bại liệt, ngược lại, họ luôn rình rập, để chờ cơ hội thuận tiện rồi lên tiếng tố cáo Đức Giêsu. Điều đơn giản là do động lực của hận thù, ghen ghét, vì sợ Đức Giêsu lật tẩy lòng gian ác của họ trước dân chúng… Thấy được ý đồ đen tối của luật sĩ và biệt phái, nên Đức Giêsu đã hỏi họ: “Tôi hỏi các ông, ngày sabát được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay giết chết ?” Khi hỏi như thế, Đức Giêsu trả lại cho ngày sabát ý nghĩa đích thực của nó, đó là ngày giải phóng con người (Ngọc Biển).
Tin mừng hôm nay ghi lại một nỗ lực của Chúa Giêsu nhằm nhắc nhở cho người Do thái về cái cốt lõi của đạo được thể hiện qua lề luật. Một trong những khoản quan trọng của lề luật chính là ngày hưu lễ. Chúa Giêsu đã không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn lề luật, và kiện toàn lề luật chính là mặc cho tinh thần và ý nghĩa của yêu thương; không có tình thương, lề luật chỉ còn là một cái xác không hồn. Như vậy, kiện toàn luật giữ ngày hưu lễ chính là biến ngày đó thành ngày tôn vinh Thiên Chúa, và không gì đứng đắn và xứng hợp hơn để tôn vinh Thiên Chúa trong ngày hưu lễ, cho bằng thể hiện tình thương đối với tha nhân.
Chính trong ý nghĩa ấy mà Chúa Giêsu đã chữa lành một người có bàn tay khô bại trong ngày hưu lễ. Lề luật là một thể hiện ý muốn của Thiên Chúa, và ý muốn của Thiên Chúa không gì khác hơn là con người được sống, và sống dồi dào, sung mãn chí là sống yêu thương. Như vậy chu toàn lề luật trước tiên là sống yêu thương (Mỗi ngày một tin vui).
Em học sinh nọ bị rắn cắn phải đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, các bác sĩ trong bệnh viện, với lý do phải làm theo qui định và thực hiện những thủ tục đăng ký rườm rà, đã không cứu chữa ngay cho em trong cơn “thập tử nhất sinh”. Hậu quả là em đã không qua khỏi.
Vì nệ luật và vụ hình thức, các luật sĩ và biệt phái đã trở thành những quan tòa khắt khe, xét đoán, nhỏ nhặt và tàn nhẫn. Họ giữ tỉ mỉ mọi điều luật mà không nhận ra rằng mình đang làm nô lệ cho luật. Trước sự bảo thủ, quá nệ luật của họ, Chúa Giêsu đã nêu lên câu hỏi trên đây để chất vấn họ, đồng thời qua đó, Người muốn họ trả lề luật về đúng vai trò và ý nghĩa của nó.
Thật vậy, lề luật được đặt ra là để phục vụ con người, chứ không phải con người phục vụ cho lề luật, mà quên mất tình yêu thương. Lúc đó, ta đã chất những gánh nặng lên vai người khác.
Trong hội trường nhỏ bé ngày ấy có ba loại người (1) người đau ốm cần giúp đỡ, (2) người bận tâm đem lại sự sống cho người khác; (3) người tìm phương kế để tiêu diệt người khác. Câu hỏi của Đức Giêsu trên đây đặt người biệt phái vào thế lúng túng, bởi vì nói đúng tim đen của họ.
Trong thế giới rộng lớn ngày nay, vẫn là ba hạng người: (1) những người cần sự nâng đỡ để có sự sống; (2) những người nỗ lực phò sự sống, xây dựng nền văn minh tình thương; (3) những kẻ chủ trương tiêu diệt sự sống của người khác, để mình có thể sống hưởng thụ sung sướng, hay cổ võ nền văn hoá sự chết. Là Kitô hữu, chắc chắn bạn được mời gọi bước theo con đường của Thầy mình (5 phút Lời Chúa).
Truyện: Bác ái phải trên lề luật
Một buổi chiều năm 1953, nhiều nhân vật quan trọng cùng các phóng viên của các tờ báo lớn hồi hộp đợi chờ ở sân ga thành phố Chicago, để chào đón bác sĩ Albert Schweitzer, người được chọn nhận giải thưởng Nobel, nhờ công trình thử nghiệm các vacxin chữa bệnh truyền nhiễm trên chính cơ thể của mình, để phục vụ cho những thôn làng nghèo khó nhất tại châu Phi.
Khi xe lửa ngừng ở sân ga, một người cao lớn, râu dài và mái tóc đã ngả màu bước xuống. Máy ảnh chớp sáng liên tục. Các nhân vật quan trọng tiến lại bắt tay nồng nhiệt chúc mừng. Bác sĩ khiêm tốn mỉm cười cảm ơn. Bỗng, ông giơ tay xin lỗi mọi người rồi lách vội qua đám đông, tiến đến chỗ một người đàn bà da đen đang loay hoay vất vả nặng nhọc với hai chiếc valises lớn nghèo nàn. Ông giúp bà một tay đưa hành lý lên một chiếc xe buýt, loại chỉ dành cho người bình dân.
Sau khi chiếc xe lăn bánh, ông trở lại chỗ đám đông. Một người trong đoàn tiếp đón đã thốt lên:
- Đây là lần đầu tiên tôi nhận được một bài giảng sống động về tình yêu thương.
Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Gilgal Zamir, người thanh niên 25 tuổi đã sát hại thủ tướng Do Thái Y. Rabin, khi anh ta bị tòa án tại Tel Aviv kết án tù chung thân, chẳng những anh ta không để lộ bất cứ cử chỉ hối hận nào, mà còn tuyên bố: “Tất cả những gì tôi làm là làm cho Chúa, làm cho Lề Luật, làm cho dân tộc Israel”.
Thái độ của Gilgal Zamir đã khiến cho quan tòa đưa ra nhận định: Gilgal Zamir có những khuynh hướng vị kỷ, nhìn thế giới chỉ dưới hai màu trắng đen mà thôi; anh ta là sản phẩm của một nền giáo dục không quan tâm đủ đến những giá trị nhân bản và đạo đức cần mang lại cho người trẻ hiện nay… (Theo Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền).
Suy niệm
Luật sĩ và những biệt phái đang rình xem Đức Giêsu có lỗi luật nghỉ ngày Sabát hay không để bắt lỗi Ngài đã vi phạm ngày hưu lễ ngõ hầu có lý do ám hại Chúa. Ngài nhìn họ với ánh mắt buồn và giận, vì họ cứng lòng, giữ luật vì hình thức và vụ lợi.
Chúa Giêsu đã từng khẳng định Ngài không đến để phá bỏ Lề Luật, nhưng là để kiện toàn (x. Mt 5,17-18), làm cho luật được trọn nghĩa, là đem cho Lề Luật một ý nghĩa tích cực, một nội dung tình yêu. Chúa không chấp nhận giữ luật theo nghĩa đen và câu nệ vào hình thức hơn nội dung. Nhất là giữ luật mình hơn luật của Thiên Chúa để rồi lỗi giới luật căn bản là công bình yêu thương và lòng tin.
Dù giữ luật ngày Sabát, tuy nhiên những luật sĩ và biệt phái vẫn có giải thích rộng rãi khác về luật nghỉ ngày Sabát: Cho phép cứu thoát con vật bị sa xuống giếng trong ngày Sabát (x. Mt 12,11). Như thế, họ tự cho phép cứu con vật mà lại không cho phép cứu người anh em đang đau khổ vì bệnh tật. Ðức Giêsu buồn và giận vì điều đó.
Qua hành động chữa lành người bị bại tay ngay cả trong ngày Sabát, Chúa Giêsu biểu lộ tâm hồn tràn đầy yêu thương đối với con người, đặc biệt người khốn khổ. Qua đó, Ngài thổi tình yêu vào Lề Luật: Ngày Sabát được làm việc lành để thể hiện tình thương. Ngày hưu lễ là ngày dành làm vinh danh Thiên Chúa khi cứu chữa con người để con người được hạnh phúc. Cho nên, chữa bệnh trong ngày hưu lễ là điều Chúa Cha rất vui lòng.
Xin Chúa giúp chúng con ý thức được ý nghĩa của luật Chúa và giữ luật vì yêu mến.
Ý lực sống
“Yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,10).