Lời Chúa Ngày 11/12/2024: Thứ Tư tuần 2 mùa Vọng - Trao vào tay Chúa (Mt 11,28-30)

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

Lời Chúa Ngày 11/12/2024: Thứ Tư tuần 2 mùa Vọng - Trao vào tay Chúa (Mt 11,28-30)

Lời Chúa Ngày 11/12/2024: Thứ Tư tuần 2 mùa Vọng - Trao vào tay Chúa (Mt 11,28-30)

Tất cả những ai đang vất vả, hãy đến cùng tôi.

Bài đọc 1: Is 40, 25-31

Chúa toàn năng ban sức mạnh cho ai mệt mỏi.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

25 Đức Chúa phán:

Các ngươi so sánh Ta với ai, để Ta phải ngang hàng với nó?
26Hãy đưa mắt lên cao mà nhìn: Ai đã sáng tạo những vật đó?
Đấng tung ra toàn bộ đạo binh các tinh tú,
Người gọi đích danh từng ngôi một,
khiến không thiếu vắng một ngôi nào.

27Hỡi Gia-cóp, sao ngươi nói, hỡi Ít-ra-en, sao ngươi bảo:
“Đường tôi đi, Đức Chúa không nhìn thấy,
quyền lợi của tôi, Thiên Chúa chẳng đoái hoài?”

28Ngươi chẳng biết, chẳng nghe thấy sao?
Đức Chúa là Thiên Chúa vĩnh cửu,
là Đấng sáng tạo toàn cõi đất.
Người không mệt mỏi, chẳng nhọc nhằn,
trí thông minh của Người khôn dò thấu.

29Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi,
kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng.

30Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn,
trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo.

31Nhưng những người cậy trông Đức Chúa
thì được thêm sức mạnh.
Như thể chim bằng, họ tung cánh.
Họ chạy hoài mà không mỏi mệt,
và đi mãi mà chẳng chùn chân.

 

Đáp ca: Tv 102, 1-2.3-4.8 và 10 (Đ. c.1a)

Đ.Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi.

1Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!
2Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Đ.Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi.

3Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
4Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà,

Đ.Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi.

8Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương,
10Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm.

Đ.Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi.

 

Tin mừng: Mt 11, 28-30

28 Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.

29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.

30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Cuộc sống con người tràn ngập những vất vả thương đau. Chúa Giêsu mời gọi ta đến với Chúa để được Chúa cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Nhờ sống theo Tin mừng, sống tình mến Chúa yêu người, ta sẽ thấy mọi sự trở nên êm ái nhẹ nhàng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa nhìn thấy cuộc sống con vất vả ngược xuôi sớm tối đi tìm miếng cơm manh áo. Chúa nhìn thấy những giọt mồ hôi nhỏ xuống, đôi bàn tay chai cứng, đôi chân mỏi mệt rã rời. Chúa nhìn thấy những ưu tư khắc khoải, những phiền muộn khổ đau. Chúa cũng nhìn thấy tội lỗi đè nặng lương tâm con. Đã bao lần con muốn buông xuôi tất cả, con chán nản thất vọng. Cũng có lúc con tìm quên lãng cuộc đời trong những thú vui thấp hèn mau qua. Nhưng con chẳng trốn được cuộc đời. Tất cả vẫn còn đó.

Giờ phút này con đến bên Chúa theo lời Chúa mời gọi con. Con đến trao vào tay Chúa, trao vào trái tim Chúa tất cả gánh nặng cuộc sống con. Con đến với Chúa không phải để chạy trốn cuộc đời, nhưng để nài xin Chúa ban cho con lòng yêu mến. Tình yêu sẽ làm cho gánh nặng trở nên nhẹ nhàng. Cuộc đời Chúa cũng đâu thiếu những vất vả khổ đau. Gánh nặng cuộc đời cũng đã nhiều lần đè Chúa quỵ ngã, nhất là trên con đường Thánh giá. Tuy nhiên, đối với Chúa tất cả đều nhẹ nhàng, vì Chúa yêu mến Chúa Cha và yêu mến chúng con. Xin Chúa ban tình yêu và ân sủng Chúa cho con. Và thế là đủ cho con.

Xin Chúa nâng đỡ và bổ sức cho con. Cho con tin rằng Chúa luôn ở bên con để vác gánh nặng thay con. Ước gì nhờ những giờ phút cầu nguyện và nhờ Thánh lễ, con được Chúa cho nghỉ ngơi bồi dưỡng để con tiếp tục sứ mạng Chúa trao với niềm hăng say phấn khởi. Amen.

Ghi nhớ: “Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả cực nhọc”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

1. Trong ngôn ngữ do thái, “gánh” và “ách” vừa có nghĩa là luật lệ vừa có nghĩa là giáo huấn. “Mang lấy ách” hoặc “Mang lấy gánh” của ai nghĩa là làm đệ tử người đó, chịu sự giáo huấn của người đó, sống theo luật lệ của người đó.

2. Văn mạch: trước đoạn này, Chúa Giêsu vừa nói về “những bậc khôn ngoan thông thái” do thái tức là các rabbi, các người biệt phái (câu 25). Dân chúng đã cảm thấy quá nặng nề và mệt mỏi khi học với họ và sống theo cách giải thích lể luật khắt khe của họ.

3. Chúa Giêsu mời người ta học với Ngài và sống theo luật Ngài. Giáo huấn và lề luật của Ngài đặt nền tảng trên lòng yêu thương (Ga 13,34). Cách đối xử của Ngài đầy lòng hiền hậu và khiêm tốn (câu 29). Bởi đó ai học với Ngài và sống theo luật Ngài thì sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng và cảm thấy êm ái, nhẹ nhàng (câu 30).

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Nhiều kẻ xưng mình là “đệ tử” của Chúa Giêsu. Tuy nhiên chỉ những ai “hiền lành và khiêm tốn”, chỉ những ai khi người khác đến gần họ mà cảm thấy “tâm hồn được nghỉ ngơi, bồi dưỡng”, có cảm giác “êm ái nhẹ nhàng” mới là đệ tử thật, đệ tử đã lãnh hội đúng chân truyền của sư phụ.

2. Trong Tân Ước có lẽ đây là lần duy nhất Chúa Giêsu tự mô tả, “tự khoe” mình. Dĩ nhiên Ngài nói rất ít và rất súc tích. Hai đức tính được Ngài chọn làm tiêu biểu cho Ngài là gì ? Là Hiền Lành và Khiêm tốn.

3. Một trong những ý của bài đọc Cựu Ước: “Ngài ban sức mạnh cho kẻ rã rời và thêm sức cho người mệt mỏi”. Ý này được Chúa Giêsu làm ứng nghiệm trong bài Tin mừng hôm nay.

4. “Ách êm ái, gánh nhẹ nhàng”: Có một người cha đi dạo với cậu con trai cưng. Sau khi vui đùa thoả thích giữa cánh đồng cỏ đầy hoa, hai cha con tung tăng rảo bước ra về. Dọc đường bỗng cậu con trai cưng 6 tuổi này nói với bố “Ba ơi con buồn ngủ”, rồi chẳng mấy chốc chân tay bủn rủn, cha cậu phải bồng lên. Cậu quay ra ngủ thoải mái bình an. Người cha bồng đứa con về và ông đã ghi lại trong nhật ký rằng “thế là tôi đã cõng cái ách êm ái đó suốt quãng đường dài trở về nhà”. Khi chúng ta yêu, những khó khăn do người yêu mang lại, ta dễ cảm nhận nó nhẹ nhàng êm ái.

5. “Đức Giêsu cất tiếng nói: Hãy học gương tôi, ví tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29)

Một buổi chiều nọ, ngồi trong tiệm sửa xe đạp, tôi có dịp quan sát khung cảnh náo nhiệt của một đoạn đường trong thành phố. Bỗng một chiếc Honda của một thanh niên từ trong hẻm lao thẳng ra và tông vào xe của một thiếu nữ. Rất may, cả hai người đều không bị thương tích ; nhưng chiếc quai giỏ bên tay xe của chị bị đứt. Trước mặt họ, những trái hồng văng tung toé. Hối hận vì hành động của mình, anh thanh niên vội bước đến xin lỗi và nhặt những trái hồng lên cho chị. Với thái độ điềm tĩnh, chị mỉm cười nói: “Xin lỗi anh, tôi thắng không kịp”.

Quả là điều thật dễ thương trong cuộc sống, khi con người biết biểu lộ tình thương, sự hiền lành và khiêm nhường của chính Chúa Giêsu, vị Thầy của chúng ta. Thật dễ thương nhưng chẳng dễ thực hiện, bởi dư luận vẫn cho rằng hiền lành là ngu xuẩn và khiêm nhường là nhu nhược.

Lạy Chúa, xin giúp con can đảm sống tinh thần của Chúa, dù có phải đi ngược lại những quan điểm của thế gian, hay bị người đời xử tệ. (Epphata)

6. Mầm khác: 

Thầy Đô- đi- kê nổi tiếng thánh thiện nhất trong dòng và hay làm phép lạ. Tin đồn rằng bất cứ điều gì Thầy xin đều được Chúa nhận lời.

Một hôm dân làng kéo đến xin Thầy cầu nguyện cho trời mưa. Nhưng thay vì trời mưa thì lại nắng lâu hơn nữa.

Một người mẹ đến xin Thầy cầu nguyện cho đứa con đang đau được chữa lành. Nhưng đứa con đã chết sao đó vài ngày.

Vài người khác đến xin Thầy làm phép lạ cho đá thành bánh. Nhưng đá vẫn trơ ra đấy.

Sau những lần thử thách mà không được gì cả, dân làng nổi giận đuổi Thầy ra khỏi phạm vi của làng, cấm không cho Thầy trở về tu viện nữa.

Thầy đành phải đi tìm một hang đá trong sườn núi để ẩn mình, rồi than thở với Chúa: 

- Lạy Chúa, con không hiểu tại sao lại xảy ra như vậy. Con cầu xin Chúa cho mưa xuống thì Chúa lại làm cho nắng hạn lâu hơn. Con cầu xin cho đứa trẻ mau lành bệnh thì Chúa lại cho nó chết. Con xin Chúa cho dân làng bánh ăn thì Chúa cứ để những viên đá trơ trơ ra đó. Vì thế Chúa xem đây, con bị mọi người xua đuổi, coi con như một kẻ tội lỗi ghê gớm nhất.

Nói xong, thầy nghe có tiếng từ trời phán: 

- Hỡi con, bởi vì Ta đã cho điều con cầu xin lúc trước rồi đó.

Thầy Đô- đi- kê không còn nhớ thầy đã xin gì trước đó nữa nên mới hỏi lại:

- Nhưng lạy Chúa, con đã xin Chúa điều gì ?

Tiếng lạ đáp:

- Trước đây con đã chẳng cầu xin Ta cho con được dịp sống khiêm nhường đó sao ?

***

Đã xin Chúa cho được dịp sống khiêm nhường, nhưng khi được như ý thì thầy Đô- đi- kê lại than trách.

Phải chăng miệng thầy xin được sống khiêm nhường nhưng lòng thầy lại có ngầm ý muốn được tôn trọng, được thán phục qua những ân huệ mà thầy muốn xin được cho người khác ?

Phải chăng vì ham danh và bị dân làng lợi dụng nênthầy chỉ muốn cầu nguyện theo ý họ, cho những lợi lộc trần gian của họ, thay vì cầu nguyện theo ý Chúa ?

Hằng ngày chúng ta vẫn nhiều lần cầu nguyện cho "ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời".Phải chăng lời cầu ấy phát xuất từ một con tim chân thành và khiêm tốn ?

Chỉ cõi lòng khiêm tốn đích thực mới có thể suy phục được ý Chúa và mới có khả năng thi hành trọn vẹn ý Ngài.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Cung hiến Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn (Ga 4,19-24)

  • Hai loại đền thờ
  • Khi Đức Giêsu nói với người Do thái: “Hãy phá huỷ Đền thờ này đi. Nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại”. Nếu hiểu chữ “Đền thờ” theo nghĩa vật chất thì làm sao xây dựng lại được, vì Đền thờ này lớn lao phải dựng lại mất 46 năm mới hoàn thành ? Người Do thái không thể hiểu câu nói của Đức Giêsu và cho đó là câu nói hồ đồ và có tính cách phạm thượng. Nhưng ý Đức Giêsu muốn nói: Đền thờ ấy chính là thân thể Ngài.

    a)      Đền thờ vật chất

    Đền thờ vật chất đây là những nhà thờ mà chúng ta xây dựng. Bất cứ một giáo xứ nào, giáo họ nào cũng có một nhà thờ nhà nguyện để giáo dân quy tụ lại tôn vinh Thiên Chúa, nghe lời Chúa và dâng Thánh lễ. Nhà thờ có thể to hay nhỏ, tráng lệ hay bình thường, trang trí bằng mọi hình dạng, nhưng luôn phải có vẻ trang nghiêm đạo đức. Ngày nay các nhà thờ đang mọc lên rất nhiều, đó là một điều tốt, nhưng rồi người ta lại lơ là với nhà Chúa, không chịu đi dự thánh lễ, cầu nguyện, làm các việc đạo đức khiến nhà thờ trở nên... hoang vắng như nhiều nhà thờ ở bên Tây phương!

    b)      Đền thờ thiêng liêng ở đây được hiểu là thân xác chúng ta, con người chúng ta hay là Hội thánh. Chúng ta không ngại tốn công, tốn của để sửa sang hay xây cất nhà thờ. Dù phải hy sinh đến mấy, miễn là làm được nhà thờ là chúng ta không quản ngại. Nhưng còn một đền thờ khác nữa, mà có khi chúng ta chưa lo sửa sang cho đủ, đó là con người chúng ta, thân xác chúng ta. Thánh Phaolô nói: “Thân xác anh em là đền thờ Thiên Chúa, nơi Thánh Thần ngự trị”. Vì vậy, song song với việc lo xây cất nhà thờ ở bên ngoài là xây cất nhà thờ nội tâm với một nền móng vững chắc là đức tin và những sự hiểu biết cần thiết về đạo, và những đồ trang trí là những đức tính của một Kitô hữu trưởng thành như khoan dung, quảng đại,thông cảm và tha thứ.

  • Tôn trọng đền thờ chúng ta
  • a)      Nhiệt thành với đền thờ

    Thánh kinh hôm nay nhắc nhở ta: “Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa hun đúc tâm hồn tôi” (Tv 68,10). Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa phải nhắc nhở cho chúng ta biết tỏ ra tôn kính nhà Chúa, biết giữ sạch sẽ cho nhà Chúa. Lòng nhiệt thành cho nhà Chúa phải nhắc nhở ta dạy dỗ cho con cháu biết phân biệt đâu là nơi thờ phượng. Dạy cho con cháu biết tôn trọng nhà thờ, nơi thờ phượng thì phải giữ nghiêm trang, không la hét, trò chuyện, xả rác... Ta cũng nên xét theo phương diện tích cực xem, ta có thể làm gì để tỏ ra tôn kính nhà Chúa như săn sóc, giữ gìn và bảo vệ nhà Chúa.

    Nhìn ra các tôn giáo bạn, ta thấy người Hồi giáo khi vào nhà thờ của họ, phải để giày ngoài sân. Ta có thể tưởng tượng giả sử có một ngàn người để một ngàn đôi giầy, tức là hai ngàn chiếc bên ngoài, ra khỏi đền thờ đi tìm chiếc giầy nào là của mình trong hai ngàn chiếc giày thì sẽ lộn xộn và khó khăn như thế nào. Tuy nhiên, để tỏ ra tôn kính nơi thờ phượng, người Hồi giáo vẫn giữ điều lệ này cho tới ngày nay.

    b) Bênh vực nhà Chúa

    Nói tới việc bênh vực nhà Chúa theo gương Đức Giêsu, chúng ta cũng cần phân biệt hai loại đền thờ, đó là đền thờ vật chất mà mọi người qui tụ về đó để tôn vinh Thiên Chúa. Và còn một đền thờ nữa là con người chúng ta, thân xác chúng ta.

    * Bênh vực đền thờ vật chất

    Chúng ta đã có nhà thờ dùng để thờ phượng Chúa, để tổ chức những sinh hoạt phụng vụ hay làm các việc đạo đức. Ai cũng yêu mến nhà thờ của mình. Ai cũng bênh vực, không để cho người khác phạm đến nhà thờ. Có khi chúng ta chịu đổ máu để bênh vực nhà thờ của chúng ta.Nhưng chúng ta phải lưu ý: nhà thờ là nhà của muôn dân, nơi dành cho mọi người đến cầu nguyện, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, màu da, chủng tộc. Nhiều khi vô tình hay hữu ý, ai trong chúng ta cũng có lần thành chướng ngại vật ngăn cản anh em tìm đến gặp Chúa: chỉ cần một lời nói cứng cỏi và thiếu tế nhị, một thái độ lạnh nhạt thiếu nhã nhặn hay một cử chỉ khinh thường tha nhân... là chúng ta đã có thể xua đuổi anh chị em lương dân ra khỏi nhà thờ và sau này họ khó có cơ hội khác để trở lại.

  • Truyện: Mahatma Gandhi vào nhà thờ
  • Khi còn là một sinh viên, Gandhi được du học tại Nam Phi, một thuộc địa của nước Anh. Tại đây nổi tiếng về tệ nạn phân biệt chủng tộc. Trong thời gian này, Gandhi có dịp đọc Kinh thánh của Kitô giáo và lập tức ông bị giáo thuyết của Đức Giêsu cuốn hút, nhất là kinh Tám mối phúc thật trong Bài Giảng trên núi. Ông rất tâm đắc trước lời Chúa dạy về một tình yêu phổ quát và bình đẳng giữa mọi người, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, địa vị cao thấp, là Do Thái hay lương dân... Gandhi nghĩ rằng: Có lẽ Kitô giáo là giải pháp tối ưu và hữu hiệu để giải quyết tận gốc sự phân biệt giai cấp trong xã hội Ấn Độ quê hương của ông. Gandhi nghĩ mình nên tìm hiểu và sẽ gia nhập vào Kitô giáo.

    Ngày nọ, Gandhi có ý định đi bộ đến một nhà thờ để mong được chứng kiến lễ nghi trong đạo và cũng để tìm hiểu thêm về giáo lý. Tuy nhiên, khi ông bước đến cửa nhà thờ thì bị người giữ cửa chặn lại và không cho ông bước vào nhà thờ. Bấy giờ ông cho biết ý định tìm hiểu đạo của mình. Nhưng thật là bất ngờ khi người giữ cửa lại nói như sau: “Đây là nhà thờ dành riêng cho người da trắng. Nếu mi muốn tìm hiểu đạo, thì hãy tìm đến nhà thờ khác dành riêng cho dân da màu mà xin!”

    Gandhi rất tức giận và bỏ về nhà, ông ghi lại cảm tưởng trong nhật ký của ông như sau: “Tôi rất thán phục Đức Giêsu và giáo thuyết đầy tình nhân ái khoan dung của Ngài. Thế nhưng tôi rất bất mãn mỗi khi tiếp xúc với các tín hữu là môn đệ của Ngài! Nếu trong đạo Kitô mà cũng còn phân biệt chủng tộc như vậy, thì Kitô giáo có hơn gì Ấn giáo có phân biệt giai cấp của tôi ? Thôi, tôi cần chi phải gia nhập đạo này. Tốt nhất là tôi cứ chấp nhận có bất toàn trong Ấn giáo và cố gắng sống theo giáo lý truyền thống của cha ông là đủ!”

     

    4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

    Câu chuyện

    Khi Đức giám mục Watts còn nhỏ, ngày nọ chạy sang nhà một bà già hàng xóm. Bà nhờ ngài đọc cho bà nghe một đoạn Thánh Kinh rồi nói: “Khi con lớn chút nữa, người ta sẽ bảo con rằng Thiên Chúa luôn rình xem khi nào con phạm lỗi để trừng phạt. Nhưng ta không muốn con nghĩ như thế, mà ta muốn con chăm đọc Thánh Kinh để luôn nhớ rằng Thiên Chúa luôn thương yêu con, Ngài luôn để mắt nhìn đến con” .

    Suy niệm

    Trong cuộc sống hằng ngày, ai trong chúng ta cũng đã  cảm nghiệm được vất vả, mang gánh nặng, chịu gian nan thử thách, chịu đau khổ cả tinh thần lẫn vật chất, từ bản thân đến gia đình và xã hội.

    Bên Chúa, con người hôm nay tìm thấy được một nơi yên nghỉ sau những giây phút mệt mỏi của đời sống và đặt tất cả mọi nỗi lo âu, những gánh nặng trần thế như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28).  “Các con hãy mang lấy ách của Ta”. Đây là kiểu nói bóng trong truyền thống Thánh Kinh nơi các thầy rabbi xưa quen dùng, hàm ý nhìn nhận ai là thầy (Hc 51,31; Is 55,1). Chúng ta nhìn nhận và học nơi Thầy Giêsu hiền lành và khiêm nhu, tràn đầy tình thương, nhân từ, tha thứ và liên đới như Thầy đã dạy.

    Con người sẽ tìm thấy bình an, khi nhìn nhận sự bé nhỏ của mình trước Đấng Tạo Hóa và phó thác vào Ngài, họ được chính nước Trời khi giữa phong ba cuộc đời giữa những mỏi mệt của cuộc sống đó là mầu nhiệm nước Trời mà người không tin vào Chúa Giêsu không thể cảm nghiệm.

    Chúng ta mang tâm tình tín thác trong cuộc sống: “Hãy trao phó mọi việc trong tay Chúa, thì bạn sẽ thành công, Ngài sắp xếp mọi sự để thực hiện ý Người” (Cn 34,4).

    Ý lực sống

    “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28).

    Tag:

    2024-12-11

    Lời Chúa Hôm Nay
    Kinh Mân Côi
    Lịch Công Giáo