“Sẽ đến thời anh em
mong ước được thấy
một trong những ngày
của Con Người thôi,
mà cũng không được thấy.”
(Lc 17,22)
BÀI ĐỌC I (năm II): Plm 7-20
“Xin anh tiếp nhận nó không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Philêmon.
Anh thân mến, tôi rất đỗi vui mừng và an ủi, vì lòng bác ái của anh, vì hỡi anh, nhờ anh mà tâm hồn các thánh được hài lòng.
Bởi đó, dầu trong Ðức Giêsu Kitô, tôi có đủ quyền để truyền cho anh điều phải lẽ, nhưng tôi thà nại vào đức bác ái mà nài xin anh thì hơn, vì anh cũng như tôi. Phaolô già nua, và hiện đang bị cầm tù vì Ðức Giêsu Kitô, tôi nài xin anh cho Ônêsimô, đứa con tôi đã sinh ra trong xiềng xích. Xưa kia nó là người vô ích cho anh, nhưng hiện nay, nó lại hữu ích cho cả anh và tôi nữa, tôi trao lại cho anh. Phần anh, anh hãy đón nhận nó như ruột thịt của tôi.
Tôi cũng muốn giữ nó lại để thay anh mà giúp đỡ tôi trong lúc tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng vì chưa biết ý anh, nên tôi không muốn làm gì, để việc nghĩa anh làm là một việc tự ý, chứ không vì ép buộc. Vì biết đâu nó xa anh một thời gian để rồi anh sẽ tiếp nhận nó muôn đời, không phải như một người nô lệ, nhưng thay vì nô lệ, thì như một người anh em rất thân mến, đặc biệt đối với tôi, huống chi là đối với anh, về phần xác cũng như trong Chúa.
Vậy nếu anh nhận tôi là bạn hữu, thì xin anh hãy đón nhận nó như chính mình tôi vậy. Nếu nó đã làm thiệt hại cho anh điều gì, hay mắc nợ anh, xin anh hãy tính vào sổ của tôi. Chính tôi là Phaolô đây, tôi tự tay viết là tôi sẽ thanh toán, trừ phi tôi kể ra cho anh hay rằng chính anh mắc món nợ với tôi. Hỡi anh, thật thế. Nhờ anh tôi sẽ được hân hoan trong Chúa: anh hãy làm cho tôi được thoả lòng trong Chúa.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10
Ðáp: Phúc thay con người được Thiên Chúa nhà Giacóp phù trợ (c. 5a).
Xướng: Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội.
Xướng: Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư.
Xướng: Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời. Sion hỡi, Ðức Thiên Chúa của người sẽ làm vua tự đời này sang đời khác.
Tin mừng: Lc 17, 20-25
20 Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. 21 Và người ta sẽ không nói: ‘Ở đây này!’ hay ‘Ở kia kìa!’, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.”
22 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy.
23 Người ta sẽ bảo anh em: ‘Người ở kia kìa!’ hay ‘Người ở đây này!’ Anh em đừng đi, đừng chạy theo. 24 Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người.
25 Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta. Chỉ cần đón nhận Chúa Giêsu là gặp thấy triều đại Thiên Chúa. Ta hãy sống trọn giây phút hiện tại để đón chờ Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, tuy con đang sống ở quê hương dưới đất này, nhưng quê trời mới là quê thật của con. Cuộc sống con hôm nay, với những sinh hoạt hàng ngày để xây dựng cho quê hương trần thế, đều là những nỗ lực để chuẩn bị cho cuộc sống mai sau trên quê trời.
Thế nhưng, có những lúc con để công việc cuốn hút mình như một cơn lốc. Tâm trí con quên mất Chúa, cõi lòng con khô khan nguội lạnh. Nhìn lại quá khứ, con thấy mình trắng tay, chẳng có công nghiệp gì ngoài tội lỗi. Con chưa sẵn sàng để đón chờ ngày của Chúa.
Lạy Chúa, quá khứ lầm lỗi đã qua rồi. Tương lai sắp tới còn nằm trong vòng tay yêu thương của Chúa. Chỉ còn hiện tại, từng giây từng phút của cuộc sống hôm nay, là thuộc quyền sở hữu của con. Con sẽ được hạnh phúc vĩnh viễn hay con sẽ bị đau khổ đời đời là tùy cách sử dụng những giây phút hiện tại của con.
Lạy Chúa, Chúa là Đấng vĩnh cửu đã sống trọn thân phận làm người, là triều đại của Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng con. Mỗi ngày sống hôm nay đều mang tính chất đời đời nếu con biết sống liên kết với Chúa. Xin cho con biết đón nhận Chúa vào cuộc sống và kết hiệp với Chúa trong mọi công việc. Xin giúp con trong từng giây phút hiện tại biết sống trọn vẹn cho Chúa, để con được thực sự sống trong Nước Trời ngay từ hôm nay, và cho đến mai sau muôn đời. Amen.
Ghi nhớ: “Nước Thiên Chúa ở giữa các ông”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Đoạn này gồm 2 ý:
1. Triều đại Thiên Chúa: Người do thái rất quan tâm đến Ngày mà Thiên Chúa thiết lập triều đại của Ngài. Họ nghĩ rằng đó là một biến cố trọng đại, đem lại vinh quang cho Thiên Chúa và cho dân tộc họ. Họ rất mong ngày đó mau đến, nhất là khi họ đang phải sống tủi nhục dưới ách đô hộ của Rôma. Họ muốn biết khi nào và ở đâu ngày ấy xảy ra. Bởi thế hôm nay người pharisêu hỏi Chúa Giêsu: “Khi nào thì Triều đại Thiên Chúa đến ?”
Thực ra Triều đại Thiên Chúa tuy cũng là một biến cố trọng đại như người do thái nghĩ, nhưng không phải trọng đại nhìn theo cặp mắt loài người (vinh quang, chiến thắng v.v.). Với sự xuất hiện của Chúa Giêsu thì Triều đại Thiên Chúa đã đến trên cơ bản, và triều đại ấy sẽ dần dần đến trong tâm hồn những kẻ tin theo Ngài. Bởi đó Chúa Giêsu nói “Triều đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta không thể nói “Ở đây” hay “ở kia”, vì này Triều đại Thiên Chúa ở giữa các ông”. Nói cách khác, vấn đề không phải là xác định nơi chốn và thời gian để tìm đến, mà là Tin và theo Chúa Giêsu.
2. Ngày của Con Người: Ngày của Con Người tức là lúc Chúa Giêsu quang lâm, khi đó Triều đại Thiên Chúa sẽ hoàn thành trọn vẹn. Cũng như bao người khác, các môn đệ cũng mong ngóng Ngày đó. Nhưng Chúa Giêsu cảnh cáo: đừng quan tâm nghiên cứu về địa điểm và thời gian của ngày đó. Vô ích thôi, vì đặc tính của Ngày ấy là đến một cách nhanh chóng và bất ngờ.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. “Nước Thiên Chúa ở giữa anh em”. “Ở giữa” có nghĩa là ở ngay trong lòng mỗi người. Cho nên muốn xây dựng Nước Chúa thì phải xây dựng ngay trong lòng mình. “Ở giữa” cũng có nghĩa là một người âm thầm phục vụ giữa một tập thể nhiều người. Chính bởi vì Nước Thiên Chúa “ở giữa anh em” như thế nên Chúa Giêsu nói “Nước Thiên Chúa không đến như một điều gì có thể quan sát được”.
2. “Vào thời Nga hoàng, một thanh niên vì chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng của đại văn hào Tolstoi và nhất là giáo huấn của Chúa Giêsu, nên đã từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự. Ra trước tòa, anh đã trình bày niềm xác tín là anh không thể cầm khí giới giết người. Sau khi nghe người thanh niên biện hộ, quan tòa mới phát biểu như sau: “Tốt lắm, tôi đã hiểu được lý tưởng của anh. Nhưng anh còn phải thực tế. Lý tưởng anh đề ra là lý tưởng của Nước Trời, mà Nước Trời thì chưa đến”. Nghe thế người thanh niên dõng dạc trả lời: “Thưa ông tôi nhìn nhận là Nước ấy chưa đến cho ông... nhưng Nước ấy đã đến cho tôi. Tôi không thể sống như Nước ấy chưa đến, để tiếp tục chém giết và gieo rắc hận thù” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
3. Con người sống không tương lai là con người thiển cận khô héo, nhưng con người chỉ sống với tương lai là con người hão huyền.
- Hãy biết kết nối giữa tương lai và hiện tại, giữa hy vọng và thực tế.
- Đừng chỉ hướng mắt về tương lai xa vời huyền ảo, hãy nhìn vào tờ lịch ngày hôm nay, nhìn vào đồng hồ với việc bổn phận của ta lúc này. Một nhà thiên văn vừa bước đi vừa dán mắt vào những ngôi sao thăm thẳm xa vời có thể sẽ rơi tọt xuống cái hố ở sát chân mình.
4. Đừng mong chờ Trời mới Đất mới theo kiểu ‘ngồi chờ sung rụng’, ‘ngồi mát ăn bát vàng’, nhưng hãy biết dấn thân, tham dự vào công cuộc đồng-sáng-tạo với Chúa.
5. “Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,21)
- Sa mạc thật đẹp. Cái để tô điểm cho sa mạc – ông hoàng nói nhỏ – là nó ẩn dấu một cái giếng ở nơi nào đó (Hoàng tử bè. Antoine de Saint-Exupéry)
Và thế giới cũng đẹp bởi vì ở giữa mỗi con người ẩn chứ tình yêu của Thiên Chúa. Từ khi Cha đóng dấu ấn yêu thương bằng máu Con mình trên mặt đất, mỗi con người không còn là hạt cát khô rát úa rũ giữa sa mạc. Đấy, con nhìn thấy Thiên Chúa giữa anh em, trong thiên nhiên. Con thấy bàn tay Chúa giang rộng khắp địa cầu, xoa dịu khổ đau từng giây phút.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, con hạnh phúc biết bao khi biết rằng Cha đang ở giữa chúng con cùng với triều đại của Ngài. Và con mãi mãi tạ ơn Cha về điều đo. (Hosanna)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Triều đại của Thiên Chúa (Lc 17,20-25)
Người Do thái rất quan tâm đến Ngày mà Thiên Chúa thiết lập triều đại của Ngài. Họ nghĩ rằng: đó là một biến cố trọng đại, đem lại vinh quang cho Thiên Chúa và cho dân tộc họ. Nhưng Đức Giêsu nói với Người Do thái: “Triều đại Thiên Chúa ở giữa các ông”. Ngài muốn nói triều đại Thiên Chúa chính là sự hiện diện của Ngài. Để nhận ra Nước Thiên Chúa, nhận ra sự hiện diện của Đức Giêsu, chúng ta không thể dùng giác quan tự nhiên, mà phải nhìn với con mắt đức tin. Chúng ta tin rằng: Nước trời hiện diện ngay trong cuộc sống trần gian này. Vì thế, cuộc sống của chúng ta sẽ là bằng chứng sống động cho sự hiện diện của Nước trời.
Tìm kiếm Thiên Chúa vẫn là thao thức của con người. Nhờ người Do thái nôn nao chờ đợi Nước Thiên Chúa, nhưng dù có thao thức, có chờ đợi, họ cũng không gặp, dù rằng Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ. Đức Giêsu đã giải thích lý do: “Nước Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được”. Tìm kiếm Thiên Chúa chỉ để thoả mãn hay để biện minh cho hành động của mình, thì chẳng bao giờ có thể gặp được Ngài. Người Do thái chỉ tìm kiếm Nước Thiên Chúa theo sở thích của họ, do đó, họ khước từ hay giết chết kẻ mang nước Chúa đến cho họ. “Ngài đã đến nơi nhà Ngài, nhưng người nhà đã không đón tiếp Ngài, vì họ chỉ mơ ước một nước trần thế” (R.Veritas).
Thực ra, Triều đại Thiên Chúa là một biến cố trọng đại, nhưng không phải trọng đại theo cặp mắt loài người. Với sự xuất hiện của Đức Giêsu thì Triều đại Thiên Chúa đã đến trên cơ bản, và triều đại ấy sẽ dần dần đến trong tâm hồn những kẻ tin theo Ngài. Nói cách khác, vấn đề không phải là xác định nơi chốn và thời gian để tìm đến, mà là “tin” và “theo” Đức Giêsu. Ai muốn thuộc về Nước ấy cần phải chấp nhận điều kiện Ngài đề ra, đó là sống vâng phục và yêu thương như Ngài. Nơi nào con người cố gắng sống như Ngài, nơi đó Nước Thiên Chúa được thể hiện.
Có thể nói, loan báo “Triều đại Thiên Chúa” là chính sứ mạng của Đức Giêsu khi Ngài nhập thể. Ngay từ những lời đầu tiên khi bắt đầu sứ vụ công khai, Đức Giêsu đã rao giảng: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15). Ngài quả quyết thời đại hồng ân mà tiên tri Isaia tiên báo nay đã thành hiện thực: “Hôm nay đã ứng nghiệm Lời Kinh thánh quí vị vừa nghe” (Lc 4,21). Thế mà tiếc thay, người ta lại mải mê đi tìm một thứ “triều đại” khác, “ở chỗ này, ở chỗ kia”, “như một điều có thể quan sát được”. Hôm nay, Đức Giêsu nói trắng ra: “Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”. Ngài chính là “Đấng đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,26). Chỉ khi nhìn lên thập giá người ta mới có thể nhận ra Triều đại của Thiên Chúa đã đến nơi chính con người Đức Giêsu, như người trộm sám hối đã tuyên xưng: “Ông Giêsu ơi! Khi nào vào Nước của Ngài, xin nhớ đến tôi” (5 phút Lời Chúa).
“Chúa lại đến”. Đức Giêsu nói rằng thực tại thần linh này không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được. Một điều chắc chắn là có chung kết lịch sử, có ngày Đức Giêsu quang lâm, nhưng không một ai từ hàng chư thánh, các thiên thần đến loài người được biết thời gian ngày tận thế. Nước Thiên Chúa sẽ thành tựu ở một điểm mà không ai biết trước được vào ngày Đức Giêsu sẽ quang lâm. Thiên Chúa quả thực đã đặt để trong lòng con người hạt giống của sự sống vĩnh cửu, hạt giống ấy chỉ có thể nảy mầm trên thửa đất của hiện tại mà thôi; không thể đi vào vĩnh cửu mà không bước qua hiện tại, không thể yêu mến vĩnh cửu mà lại khước từ hiện tại.
Vì tính cách bất ngờ của Ngày Chúa đến, nên đòi hỏi các tín hữu phải luôn tỉnh thức. Tỉnh thức có nghĩa là dấn thân tích cực trong giây phút hiện tại, chứ không phải là ăn không ngồi rồi mà chờ đợi (Hiền Lâm)
Qua cuộc sống của Ngài, Đức Giêsu đã vạch cho con người đường đi vào vĩnh cửu, đó là sống sung mãn trong từng giây phút hiện tại. Chính trong cuộc sống mỗi ngày mà con người phải tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu. Sống như thế là sống tỉnh thức theo tinh thần mà Đức Giêsu hằng nhắc nhở trong Tin mừng của Ngài; sống như thế, con người mới có thể nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Một cuộc sống có đáng sống và có ý nghĩa hay không, là tuỳ ở thái độ trân trọng và tích cực của con người đối với mỗi giây phút hiện tại.
Truyện: Chúa ở đâu Thiên đàng ở đó
Một nhà truyền giáo đến thăm viếng một cậu bé da đen trong lúc cậu sắp sửa lìa đời. Cậu bé liền nói với nhà truyền giáo này về niềm hạnh phúc mà cậu cảm thấy và niềm ao ước được về với Chúa Giêsu.
Cậu bé nói:
- Chẳng bao lâu, con sẽ được lên Thiên đàng, con sẽ nhìn thấy Đức Giêsu và ở với Ngài mãi mãi.
Nhà truyền giáo đáp:
- Nhưng nếu Đức Giêsu phải rời khỏi Thiên đàng, con sẽ làm gì ?
- Con sẽ đi theo Người.
Nhà truyền giáo lại nói:
- Nhưng giả thử Đức Giêsu đi xuống hỏa ngục, con sẽ làm gì ?
Trong giây lát, với một cái nhìn thông minh và một nụ cười trên nét mặt, cậu bé đáp:
- Ồ, ở đâu có Đức Giêsu, thì ở đó không thể có hoả ngục. Chúa Giêsu ở đâu, ở đó là Thiên đàng.
4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Một cha sở kia khuyên bổn đạo: “Hãy ăn năn hối cải trở về với Chúa một ngày trước khi chết”. Bổn đạo chưa hiểu rõ lời khuyên của cha có ý nghĩa gì...
Cha cắt nghĩa: “Không ai biết mình chết khi nào. Có lẽ tối nay chăng ? Có lẽ ngày mai chăng ? Bởi thế, muốn cho chắc chắn, hãy ăn năn hối cải trở về với Chúa ngay bây giờ, ngay ngày hôm nay là một ngày trước khi chúng ta có thể chết mà chúng ta không biết”.
Suy niệm
Nhìn những chiếc là vàng rơi, những làn gió lạnh buốt tràn về, ai cũng có thể nhận ra tín hiệu của thời gian báo hiệu mùa thu đã tới và chuẩn bị bước vào mùa đông lạnh giá...
Những tín hiệu của tiết trời báo cho chúng ta những khoảng thời gian cụ thể trong một năm: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Chúa Giêsu cũng nói về những tín hiệu sẽ xảy ra trong thời gian để nói về ngày Ngài sẽ đến: Sẽ xuất hiện một ánh sáng chói ngời vinh quang là hình ảnh của Đấng ngự trên mây trời mà đến, Đấng ấy đến xét xử muôn dân. Đó như là tín hiệu báo trước về ngày quang lâm vĩnh cửu của Thiên Chúa để mọi người nhìn nhận và chuẩn bị đón Người như người tôi trung đợi chủ về.
Thiên Chúa không chỉ đến trong ngày quang lâm, tận cùng của thế giới mà Ngài đang đến và đứng trước ngõ cuộc đời mỗi người qua những tín hiệu cụ thể trong đời sống như Ngài đã nói: “Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi” (Mc 13,28-29).
Trong đời sống của tôi của bạn luôn có những tín hiệu của sức khỏe, của gia đình, của những biến cố cuộc đời nhắc tôi và bạn cùng suy nghĩ về một Đấng đang đến gần. Thật thế, tất cả những biến cố trong cuộc đời, dù vui dù buồn đều là những tín hiệu của Thiên Chúa báo cho tôi. Khi tôi gặp những khó khăn đau khổ, đó là tín hiệu báo cho tôi cần sự can trường trong đức tin cần bám víu vào Chúa và trung kiên đến cùng. Khi tôi tràn ngập niềm vui, hạnh phúc, đó là tín hiệu báo trước cho tôi về một nước Trời cần phải nhớ đến vì niềm vui hiện tại chỉ là tín hiệu báo trước về hạnh phúc bất tận nơi vương quốc vĩnh cửu. Ngài đang ở trước ngõ của cuộc đời tôi, nhưng những tín hiệu đó không được tôi và bạn đón nhận như là những sứ điệp về sự hiện diện của Thiên Chúa.
Trong ý nghĩa đó, tôi phải vững vàng bước đi để đạt được niềm vui bất tận đời đời.
Ý lực sống
“Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Mc 13,25-26).