Lời Chúa Ngày 15/08/2024: Ngày 15/08: Đức Mẹ hồn xác về trời (Lc 1,39-56)

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

Lời Chúa Ngày 15/08/2024: Ngày 15/08: Đức Mẹ hồn xác về trời (Lc 1,39-56)

Lời Chúa Ngày 15/08/2024: Ngày 15/08: Đức Mẹ hồn xác về trời (Lc 1,39-56)

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả.
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Bài đọc 1: Kh 11, 19a; 12, 1-6a.10ab

Có một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng.

Bài trích sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.

11 19a Tôi là Gio-an, tôi thấy Đền Thờ Thiên Chúa ở trên trời mở ra, và Hòm Bia Giao Ước xuất hiện trong Đền Thờ.

12 1 Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. 2 Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con. 3 Lại có điềm khác xuất hiện trên trời: đó là một Con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. 4 Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà. 5 Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người. 6a Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc; tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở. 10ab Và tôi nghe có tiếng hô to trên trời:

“Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ,
giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền,
và Đức Ki-tô của Người
giờ đây cũng biểu dương quyền bính.”

 

Đáp ca: Tv 44, 10.11-12.16 (Đ. x. c.10b)

Đ.Nữ hoàng bên hữu Thánh Vương
điểm trang lộng lẫy toàn vàng Ô-phia.

10Hàng cung nữ, có những vì công chúa,
bên hữu ngài, hoàng hậu sánh vai,
trang điểm vàng Ô-phia lộng lẫy.

Đ.Nữ hoàng bên hữu Thánh Vương
điểm trang lộng lẫy toàn vàng Ô-phia.

11Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào,
đưa mắt nhìn và hãy lắng tai,
quên dân tộc, quên đi nhà thân phụ.
12Sắc nước hương trời, Quân Vương sủng ái,
hãy vào phục lạy: “Người là Chúa của bà.”

Đ.Nữ hoàng bên hữu Thánh Vương
điểm trang lộng lẫy toàn vàng Ô-phia.

16Lòng hoan hỷ, đoàn người tiến bước,
vẻ tưng bừng, vào tận hoàng cung.

Đ.Nữ hoàng bên hữu Thánh Vương
điểm trang lộng lẫy toàn vàng Ô-phia.

 

Bài đọc 2: 1 Cr 15, 20-27

Mở đường là Đức Ki-tô, rồi đến lượt những kẻ thuộc về Người.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

20 Thưa anh em, Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. 21 Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. 22 Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống. 23 Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. 24 Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha.

25 Thật vậy, Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. 26 Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết, 27 vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Ki-tô.

 

Tin mừng: Lc 1, 39-56

39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.

40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét.

41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần.

42 Bà Ê-li-sa-bét kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.

43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?

44 Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng.

45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

46 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47 thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

48 Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.

49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!

50 Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.”

56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.


Bài giảng của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Mẹ Maria ý thức mình chỉ là nữ tỳ hèn mọn của Thiên Chúa, nên hoàn toàn tín thác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Vì vậy, Mẹ đã trở thành người có phúc và được Thiên Chúa nâng cao: cho lên trời cả hồn lẫn xác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, hợp tiếng với Đức Mẹ, con dâng lời ngợi khen Chúa. Cuộc đời Mẹ là một chuỗi những hồng ân cao cả và kỳ diệu.

Phần Mẹ, Mẹ luôn nhìn nhận Mẹ chỉ là nữ tỳ hèn mọn. Mẹ không bao giờ để cho lòng ngờ vực cản trở chương trình của Chúa. Trái lại, Mẹ nhận ra thân phận nhỏ bé của mình, nên hoàn toàn tín thác vào chương trình cứu độ của Chúa. Mẹ chỉ biết buông theo ân sủng, sẵn sàng để cho Chúa dẫn đi. Vì thế, Mẹ rất xứng đáng với lời ca ngợi của bà Ê-li-sa-bét: Mẹ là người có phúc vì Mẹ đã tin. Nhờ lòng tin mà Mẹ đã đón nhận bao phúc lành của Chúa. Nhờ lòng tin mà trong cuộc đời Mẹ, hồng ân nối tiếp hồng ân.

Lạy Chúa, nhìn lại cuộc đời con, con cũng nhận ra tất cả đều là hồng ân của Chúa. Tuy nhiên, Chúa không thể dẫn con đi xa hơn và lên cao hơn được vì con chưa vững tin vào chương trình cứu độ của Chúa. Đã nhiều lần con đã để cho cái lợi trước mắt và lòng ngờ vực cản trở công việc Chúa làm nơi con.

Nhờ gương mẫu và lời chuyển cầu của Đức Mẹ, xin Chúa giúp con nhận ra những hồng ân kỳ diệu Chúa thực hiện trong đời con. Xin cho con vững tin vào Chúa, dám chìa tay ra để Chúa nắm lấy và dẫn đi theo con đường Chúa muốn. Amen.

Ghi nhớ: “Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại: Người nâng cao những người phận nhỏ”.

 

Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

Đức Mẹ Maria được bà Êlisabét gọi là người có phúc nhất trong tất cả các phụ nữ. Qua đoạn Phúc Âm này, ta có thể thấy được một số lý do khiến Đức Mẹ diễm phúc như thế:

- Vì Mẹ có đức tin vững mạnh: ”Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em”.

- Vì Mẹ luôn có Chúa Giêsu trong mình

- Vì Mẹ biết quan tâm mang hạnh phúc đến cho người khác

- Vì Mẹ biết sống như một “người nghèo của Thiên Chúa”: ”Kẻ đói nghèo Ngài ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng”.

B- Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Cái chết của Đức Mẹ được người ta nói tới bằng nhiều cách: Dormitio (an giấc); Transitus (chuyển hoá); Natalis (sinh ra trên đời); Assumptio (được nâng lên)... Toàn là những cách nói đẹp, bởi vì Mẹ đã sống rất đẹp.

2. Có thể ví đời người như một câu văn mà cái chết là dấu chấm câu:

- Có cái chết như một dấu phẩy (,) tức tưởi không trọn vẹn;

- Có cái chết như một dấu chấm than (!) buồn hiu hắt;

- Có cái chết như một dấu chấm hỏi (?) băn khoăn ray rứt;

- Có cái chết như dấu 3 chấm (…) còn bỏ ngỏ;

- Vá có cái chết như dấu chấm tròn (.) thật đầy đủ, trọn vẹn, tuyệt mỹ.

Cái chết của Đức Mẹ chính là đấu chấm tròn. Còn cái chết của tôi sẽ là gì?

3. Nhà vua bị bệnh nặng. Quan ngự y lo lắng, nhưng đành bó tay. Một nhà chiêm tinh đến bảo vua chỉ khỏi bệnh khi nào được mặc chiếc áo của một người hạnh phúc nhất.

Quan quân đổ xô đi khắp nước để tìm người hạnh phúc nhất. Cuối cùng thì họ cũng tìm được một người hạnh phúc thực sự. Nhưng khổ thay, người ấy quá nghèo, chẳng có lấy một chiếc áo! (Góp nhặt)

4. Suy gẫm mầu nhiệm môi côi 5 sự mừng: Thứ 4, Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. Ta hãy xin cho được thưởng cùng Đức Mẹ trên Nước Thiên Đàng”.

5. Bà Maria lên đường, vội vã đến miền núi, vào một thành thuộc chi tội Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét”. (Lc 1,39-40)

Mẹ Maria ơi! Ngày xưa Mẹ thật đơn sơ và dễ thương khi hăng hái lên đường giúp bà Êlisabét. Những bước chân nhẹ nhàng, đầy niềm vui phục vụ. Rồi ngày Mẹ lo lắng sợ hãi đem trẻ Giêsu trốn sang Ai cập. Những bước chân nặng nề, cuống cuồng vì tai họa trần gian… Và con không cảm nhận hết tâm trạng của Mẹ khi theo sau Chúa Giêsu trên đường lên núi Sọ. Nhìn những giọt máu của con mình cùng cái chết dành cho loại tử tội xấu xa, những bước chân nhục nhã, đau khổ… Thánh giá Mẹ vác quá nặng mà Mẹ vẫn vượt qua và bước tới.

Con cũng biết “Tin” là “Bước đi”. Nhưng nhiều khi con chới với, con ngã lòng, con chưa có sức bước trong sự dẫn dắt tuyệt vời của Thiên Chúa. Con chưa tin đủ.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp con xác tín rằng những bước chân vui buồn khấp khểnh ở đời này, từng bước đường sướng khổ gập ghềnh hôm nay sẽ làm nên lối nhỏ dẫn lên Trời nếu con bước với lòng phó thác, tin yêu. (Hosanna)

 

Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI 15/8

Đã từ lâu Hội thánh vẫn tin và mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Vấn đề Đức Mẹ hồn xác lên trời còn bỏ ngỏ cho các nhà thần học tranh luận vì Kinh thánh không nói rõ về vấn đề này. Tin hay không tin, tuỳ mỗi người, nhưng từ ngày 01.11.1950 Đức Giáo hoàng Piô XII tuyên bố thành tín điều thì không còn tranh luận nữa. Mọi người đều phải tin và hôm nay chúng ta hợp cùng toàn thể Giáo hội long trọng mừng lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời:

Nữ vương đến tuổi đầy ơn phúc

Thánh Tử Thiên thần đều xuống rước

Hồn xác lên trời rất tốt lành

Hưởng muôn muôn phúc ai hay được (Vãn Mân côi)

I. CHUNG QUANH VIỆC ĐỨC MẸ LÊN TRỜI

Tại Giêrusalem ngày nay, bên sườn núi cây dầu, có một ngôi mộ, được lồng vào bên trong một ngôi Thánh đường. Đó là ngôi mộ của Đức Mẹ. Nhưng ngôi mộ ấy không có xác.

Thánh Gioan Damascenô, trong bài giảng về Lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời năm xưa tại Giêrusalem có kể rằng: Năm 451 nhân dịp giáo chủ Juvenal, tổng giám mục thành Giêrusalem, đến viếng thăm thủ đô Constantinople: hoàng đế Marcien, trong cuộc triều yết, có nói với giáo chủ: “Ta nghe rằng tại Giêrusalem có ngôi thánh đường lớn nhất của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, nằm gần vườn Giệtsêmani, trong đó có ngôi mộ táng xác của Đức Mẹ. Vậy ta muốn rằng xác thánh ấy được đem về thủ đô, để Ngài phù hộ cho đế quốc”. Giáo chủ Juvenal trả lời: “Thật chúng tôi có ngôi mộ của Đức Mẹ, nhưng ngôi mộ ấy trống không từ đời các thánh Tông đồ”.

Ngôi mộ ấy trống không, vì Đức Mẹ sau khi qua đời đã được Chúa rước linh hồn và xác lên trời. Đó là lễ mà chúng ta long trọng mừng ngày hôm nay. (Lm. Hồng Phúc, Suy niệm Lời Chúa, năm A, tr 167)

Các sách Phúc âm không nói gì đến việc Đức Mẹ lên trời, Hội thánh dựa theo Thánh truyền và lòng sùng kính của giáo dân qua bao thế kỷ mà xác tín về điều đó. Theo Thánh truyền, sau khi Chúa Giêsu về trời, Đức Mẹ còn ở lại yên ủi và giúp đỡ các Tông đồ. Sau lễ Hiện xuống, tuy đã chia tay nhau đến các nơi giảng đạo, song các Tông đồ cũng thường có liên lạc với Đức Mẹ, và Đức Mẹ chia vui sẻ buồn với các ông, nhất là hằng cầu nguyện cho.

Lúc Đức Mẹ đến 64 tuổi (có người cho là 72 tuổi), được Chúa cho biết ngày hội ngộ với Con trên thiên đàng đã gần đến, thì Ngài đã cho thánh Gioan biết và nhắn cho các Tông đồ trở về. Nhận được tin, các Tông đồ vội vàng trở về Giêrusalem, và được gặp Đức Mẹ trước khi thở hơi cuối cùng, duy chỉ có ông Tôma chậm chạp không về kịp.

Tắt hơi đoạn, phòng để xác Đức Mẹ liền sáng và có mùi thơm tho lạ. Sau ba ngày kính viếng, các Tông đồ và bổn đạo Giêrusalem tẩm liệm và đưa táng trong một phần mộ khoét trong đá ở trong vườn Cây dầu.

Ông Tôma về muộn, muốn xem mặt Đức Mẹ lần cuối cùng; nể ông, các Tông đồ và giáo hữu đi ra phần mộ. Đến nơi, chỉ ngửi thấy phảng phất mùi hoa huệ thơm tho. Và khi mở hòn đá che huyệt ra thì không thấy xác Đức Mẹ đâu cả.

Giáo hội tin rằng Đức Mẹ đã được Thiên Chúa rước về Thiên đàng cả hồn cả xác. Nên từ thế kỷ thứ 6 Giáo hội đã mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời ngày 15 tháng 8 hàng năm và còn giữ mãi đến ngày nay. Trong suốt 20 thế kỷ, vấn đề Đức Mẹ hồn xác lên trời đã bỏ ngỏ cho các nhà thần học tranh luận. Đến ngày 01.11.1950 Đức Giáo hoàng Piô XII với tông huấn Munificentissimus Deus mới định tín việc Đức Mẹ hồn xác lên trời: “Sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, vô nhiễm và trọn đời đồng trinh, đã được đưa lên hưởng vinh quang thiên đàng cả hồn lẫn xác”.

II. MỘT HỒNG ÂN CAO QUÝ TUYỆT VỜI

Được lên trời là một hồng ân Chúa ban cho chúng ta, vì ta không có quyền đòi hỏi. Được lên trời cả hồn cả xác như Đức Maria thì cả là một hồng ân vô tiền khoáng hậu. Là loài người, chúng ta làm gì thường cũng có đủ lý do, phương chi là Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể tìm hiểu để suy nghĩ về lý do, mà Chúa ban cho Đức Mẹ được hồng ân cao quí tuyệt vời này, nhưng không bao giờ chúng ta có thể hiểu thấu được lý do hành động của Chúa. Chúng ta chỉ có thể nói rằng Chúa ban cho ai là do lòng thương xót của Chúa.

Trong kinh “Ngợi khen” Đức Maria đã nói lên tâm tình đó: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, vì Chúa đã đoái nhìn phận hèn tớ nữ... vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều trọng đại”.

Theo Đức Giáo hoàng Piô XII, một số các thánh và các nhà thần học cho rằng: nguyên do chính của việc Đức Mẹ được đặc ân hồn xác lên trời là do thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa và đức đồng trinh trọn đời của Mẹ. Mẹ được lãnh nhận những hồng ân thật trọng đại từ nơi Chúa, nhưng Mẹ không ngừng ở đó. Mẹ đã dùng cả cuộc đời dương thế của Mẹ sống sao cho phù hợp với những đặc ân Mẹ được lãnh nhận.

Theo Thánh kinh ai cũng phải công nhận rằng: Đức Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu là Chúa Cứu thế (Lc 2, 6,11). Chúa Cứu thế là chính Con Thiên Chúa và cũng là chính Thiên Chúa (Lc 1,35). Vậy để chọn Đức Maria làm Mẹ sinh ra mình, Thiên Chúa đã phải làm một phép lạ cho đến nay phải kể là duy nhất, là làm cho Đức Mẹ thụ thai sinh Con mà còn đồng trinh, thì tại sao Thiên Chúa lại không đưa linh hồn và xác Đức Mẹ lên trời, để một đàng xứng hợp với tình mẫu tử, đàng khác thưởng công cho Đấng đã sinh ra mình, mà điều răn thứ 4 chính Thiên Chúa đã ban hành là phải thảo kính cha mẹ (Đnl 5,16; Mt 19,19).

Thánh Gioan Damascenô hạch hỏi một mình: “Đức Mẹ đồng trinh không vướng vít chút chi bụi trần dưới đất, cớ sao lại trả Người về đất?” Thánh nhân còn quả quyết: “Đức Mẹ chẳng chết như người thế gian, nhưng đã chết vì áp lực tình yêu – chết để về gặp gỡ Con cực thánh Người đang mong đợi”. Vậy nếu Đức Mẹ không lên trời, thì cuộc mong đợi ấy còn có nghĩa lý gì? (Lm. Nguyễn Duy Tôn, Phụ trương Lời Chúa, t.1, tr 59-60).

Ngoài ra Đức Maria còn có nhiều nhân đức khác làm cho Thiên Chúa được vui lòng:

1. Nhân đức Khiêm nhường

Mẹ Maria luôn coi mình là con người nhỏ bé trước mặt Chúa, không dám nhận những đặc ân của Thiên Chúa ban. Khi sứ thần báo tin cho biết là Thiên Chúa muốn chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu thế, Mẹ đã từ chối không dám nhận. Nhưng sau khi hiểu biết được thánh ý của Thiên Chúa thì Mẹ đã thưa: “Này tôi là tớ nữ của Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”. Tuy biết mình đã là Mẹ Đức Giêsu, Mẹ Thiên Chúa, một chức vị lớn lao tuyệt vời, mà Ngài luôn kín đáo, không hé mở cho ai biết điều đó để cho mình được đón rước, cung phụng, chiều chuộng, kính nể... mà cứ âm thầm và đành để cho mình và Chúa Giêsu phải thiếu thốn, khinh dể, bị gạt ra ngoài.

2. Tin tưởng phó thác cho Chúa

Ngài còn là người biết tin tưởng phó thác cho Chúa một cách trọn vẹn. Một cô gái đẹp chưa về nhà chồng mà đã có bầu, tự nhiên người chồng tương lai phát chán, và tụi thanh niên làm sao chẳng chế nhạo và có thể bị ném đá nữa. Song Đức Mẹ chẳng nói ra, cũng không làm gì, để ngăn ngừa sự dữ và tiếng tăm, cứ bình tĩnh, thản nhiên, phó thác mọi sự cho Chúa. Ở trong hoàn cảnh thế này mới biết Đức Mẹ nhân đức dường nào.

3. Hiền lành nhịn nhục

Ngài cũng rất hiền lành và nhịn nhục. Khi Chúa Giêsu Con Mẹ bị người ta khinh bỉ, hành hạ, Ngài không có nói gì hay là có thái độ nào như trách móc người thành Bêlem không cho trọ, chửi vua Hêrôđê toan giết Con, trách móc và nguyền rủa bọn quân dữ đánh đòn, đội mũ gai và đóng đinh Chúa. Chắc chắn Ngài đau buồn khôn xiết kể, nhưng không có một cử chỉ nào nóng nảy, giận dữ hay nói năng quá lời như người ta bình thường.

Bài đọc 1 trong thánh lễ hôm nay, thánh Gioan tông đồ đã nhìn thấy cảnh huy hoàng của một phụ nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, trên đầu có 12 ngôi sao sáng. Người phụ nữ ấy là ai? Theo các thánh Giáo phụ và lòng tin của Giáo hội, người đó chính là Đức Maria được Chúa đưa về trời.

Thánh Phaolô trong bài đọc 2 lại nói lên cho chúng ta một lý do nữa: Chúa Giêsu đã từ cõi chết sống lại là hoa quả đầu mùa. Đức Mẹ là người đầu tiên và xứng đáng nhất để được ơn cứu rỗi, thì Đức Mẹ cũng là người đầu tiên được hưởng sự vinh quang sống lại ấy.

III. ƯỚC MƠ CỦA CHÚNG TA

Con người có khuynh hướng luôn vươn lên, vươn lên mãi, vươn tới Chân Thiện Mỹ, vì con người chưa bao giờ được thỏa mãn với những ước vọng đó.

Trước đây văn sĩ Jules Verne đã tưởng tượng ra những chiếc tàu bay trong vũ trụ đến những hành tinh xa lạ, làm cho trẻ con thích thú vô cùng. Với khoa học tân tiến ngày nay, những cảnh tưởng tượng như xa thực tế của Jules Verne đã được thực hiện. Vào ngày 20.07.1969 phi thuyền Apollo 11 với phi hành gia Neil Armstrong và Edwin Aldrin đã đặt chân lên mặt trăng (còn Michael Collins ở trạm điều hành). Một bước nhảy vọt trong chương trình thám hiểm vũ trụ.

Sau chuyến bay lịch sử ấy, nhiều người đã nghĩ đến việc có những cuộc du hành thường xuyên lên mặt trăng. Nhưng dịch vụ du ngoạn nguyệt cầu đến nay vẫn chưa được thực hiện. Việc bỏ ra một món tiền lớn để được đặt chân lên một vệ tinh không có sự sống và dưỡng khí, rồi trở về địa cầu với ít đất đá vô hồn xem ra không đáng làm.

Nếu sau này người ta có thể thực hiện được những chuyến du ngoạn nguyệt cầu thường xuyên đi nữa, con người vẫn chưa được thoả mãn hoàn toàn. Vì mặt trăng hay bất cứ thiên thể nào trong thế giới vật chất này vẫn không phải là quê thật và chung cục của loài người. Chỉ có Thiên đàng hay Quê trời mới là nơi mà mọi khát vọng và trống vắng của lòng người mới được thoả mãn hoàn toàn.

Khát vọng của con người là muốn vươn lên tới Chân Thiện Mỹ tuyệt đối, hay nói theo kiểu chúng ta là hạnh phúc thiên đàng. Nhưng có thiên đàng thật không và ước mơ thiên đàng là chân thực hay chỉ là ước mơ hão huyền? Thưa, việc Đức Mẹ được Thiên Chúa đưa lên trời cả hồn xác mà Giáo hội long trọng mừng vào ngày 15 tháng 8 hàng năm đã nói lên một cách hùng hồn rằng: ước mơ lên trời, ước mơ thiên đàng, là ước mơ chính Thiên Chúa đã gieo vào nơi thâm sâu nhất của lòng người. Ước mơ đó đã được thực hiện cách trọn vẹn nơi Đức Maria, và cũng sẽ được thực hiện nơi mỗi người chúng ta trong ngày chung thẩm, khi thân xác chúng ta được Chúa cho sống lại như thân xác vinh hiển của Chúa Giêsu phục sinh.

Chúng ta chỉ biết là có Thiên đàng, nơi quê hương vĩnh phúc của chúng ta: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau” (Kinh Tin kính), nhưng chúng ta không biết hạnh phúc thiên đàng thế nào, đến ngay việc thánh Phaolô đã được nâng đến tầng trời thứ chín mà cũng không có thể tả được.

Không như nguyệt cầu là nơi vắng bóng sự sống, Quê trời là nơi đong đầy sự sống và tình yêu. Mẹ Maria được “lên trời” không có nghĩa là Mẹ được Chúa cất ra cho khỏi trái đất này, để đem đến một khoảng không gian xa xôi nào đó trong vũ trụ vật thể này. Vì nếu việc Đức Mẹ lên trời được hiểu như thế, thì việc lên trời của Đức Mẹ chẳng đáng ta ước mong, như lời của một bài tình ca nào đó:

Lên trời hai đứa hai nơi

Thôi em chỉ muốn làm người trần gian.

Có người hiểu thiên đàng hoàn toàn theo nghĩa vật chất, họ sẵn sàng ôm bom tự sát để rồi được lên thiên đàng, vì theo họ, thiên đàng là nơi có nhà cao cửa rộng, có vợ đẹp con khôn, có nhiều mỹ nữ kiều diễm và có đủ mọi thứ làm cho mình được sung sướng. Nhưng chúng ta phải có cái nhìn cao hơn: đặc ân Đức Mẹ được “lên trời” có nghĩa là Mẹ đã được Thiên Chúa cho tham dự vào chính sự sống của Chúa Ba Ngôi cách trọn vẹn, cả hồn cả xác. Mẹ được Thiên Chúa đưa ra khỏi thế gian tự nhiên hữu hạn này, để đi vào thế giới siêu nhiên vô hạn, thế giới thần linh của chính Chúa. Trong thế giới đó Mẹ được hiệp nhất với Chúa Ba Ngôi và tất cả tạo vật đẹp lòng Chúa trong Tình yêu và Hạnh phúc viên mãn của chính Chúa (Viết theo Lm. Phạm Quốc Hưng).

Mẹ chúng ta đã được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn cả xác, đó là niềm hy vọng của chúng ta. Nếu ngày xưa Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy đi dọn chỗ cho các con và sẽ trở lại đón nhận các con, để Thầy ở đâu các con cũng ở đó với Thầy” (Ga 14,2), đó là lời Chúa phán với các môn đệ khi Ngài về trời, thì nay cũng là lời Đức Mẹ hứa với mỗi người chúng ta khi Ngài về trời.

Muốn được về trời cùng Mẹ, chúng ta cũng phải học đòi bắt chước Mẹ mà sống một đời lành thánh, trong sạch xác hồn, để sau này cũng có cái chết tốt đẹp như Ngài. Ta có thể ví đời người như một câu văn mà cái chết là dấu chấm hết tròn đầy:

. Có cái chết như một dấu phẩy (‘) tức tưởi không trọn vẹn.

. Có cái chết như một dấu chấm than (!) buồn hiu hắt.

. Có cái chết như một dấu chấm hỏi (?) băn khoăn ray rứt.

. Có cái chết như dấu 3 chấm (...) còn bỏ ngỏ.

. Và có cái chết như dấu chấm tròn (.) thật đầy đủ, trọn vẹn, tuyệt mỹ.

Cái chết của Đức Mẹ chính là dấu chấm tròn. Còn cái chết của chúng ta sẽ là gì (Lm. Carôlô, Lễ trọng và lễ đặc biệt, tr 89).

KẾT LUẬN

Hôm nay chúng ta họp nhau mừng lễ để cảm tạ Chúa, vì đã cho Mẹ chúng ta được hồn xác về trời, một hồng ân lớn lao chưa từng có và sẽ không bao giờ có. Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời là một niềm hân hoan, một nguồn hy vọng cho chúng ta. Mẹ lên trời, một ngày kia chúng ta cũng về trời. Chúng ta phải ăn ở làm sao để một ngày kia cũng được như Mẹ. Mẹ ở đâu, con ở đó, Mẹ nơi nào, con ở nơi ấy. Cuộc sống trần gian phải là con đường đưa con người chúng ta về Thiên đàng.

Vì thế, trên ngôi mộ của Đức Mẹ ở Giêrusalem ngày nay du khách còn đọc được mấy dòng thi văn do một văn sĩ và điêu khắc thời Trung cổ để lại như sau:

“Đây là thung lũng Josaphat,

Nơi con đường về Thiên cung xuất phát

Maria trong sạch được chôn cất nơi đây,

Nhưng cũng từ đây được đưa về trời.

Mẹ là nguồn hy vọng kẻ tù đầy,

Là đường hướng dẫn kẻ lòng ngay,

Là Ánh sáng, là Mẹ chúng con. Amen.

Ngày nay Đức Mẹ lên trời, ngày mai đến lượt mỗi người chúng ta.

 

Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

Hồi ấy, bà Maria lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được trần đầy Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” Bấy giờ bà Maria nói:

“Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa,

thần trí tôi hớn hở vui mừng

vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới;

từ nay, hết mọi đời

sẽ khen tôi diễm phúc.

Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi

biết bao điều cao cả,

Danh Người thật chí thánh chí tôn!

Ðời nọ tới đời kia,

Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,

dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người,

như đã hứa cùng cha ông chúng ta,

vì Người nhớ lại lòng thương xót

dành cho tổ phụ Ápraham

và cho con cháu đến muôn đời.

Bà Maria ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

Suy niệm:

Trong ngày mừng lễ Đức Maria được đưa lên trời cả hồn lẫn xác,

phụng vụ lại cho chúng ta chiêm ngắm một Đức Maria trong đời thường.

Lúc ấy Mẹ là một cô thiếu nữ, vượt đoạn đường dài hơn 100 cây số,

đi từ Galilê lên Giuđê, để thăm bà chị họ cao niên đang mang thai.

Bầu khí gặp gỡ là bầu khí của niềm vui.

Maria là người cất tiếng chào trước.

Tiếng chào ấy đã làm thai nhi Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ (c. 44)

và làm bà Êlisabét ngỡ ngàng chúc tụng tán dương (cc. 42-45).

Maria cũng hân hoan cất lời ngợi khen Thiên Chúa (cc. 46-47).

Bầu khí gặp gỡ là bầu khí của Thánh Thần.

Maria đầy Thánh Thần từ khi cưu mang Đức Giêsu (Lc 1, 35).

Êlisabét đầy Thánh Thần từ khi nghe Maria chào (Lc 1, 41).

Nhờ Thánh Thần, bà Êlisabét đã khám phá ra bí mật của cô em.

Cô có phúc hơn mọi phụ nữ, vì cưu mang người Con tuyệt vời (c. 42).

Cô còn có phúc vì dám tin điều Thiên Chúa nói (c. 45).

Chính Mẹ cũng nhận mình là người diễm phúc vì được muôn hồng ân (c. 48).

Đem Đức Giêsu đến nhà, thăm viếng, chào hỏi, ở lại, phục vụ:

đó là những điều Mẹ Maria đã làm cho bà chị họ ngày xưa,

và vẫn còn làm cho chúng ta hôm nay trên trời.

Mẹ được tôn vinh không phải để xa cách, mà để gần gũi với con người.

Đấng tự xưng là nữ tỳ của Chúa thì đã sống như nữ tỳ của nhân loại.

Lễ Đức Mẹ được đưa lên trời cả hồn lẫn xác, nhắc chúng ta nhiều điều.

Lễ này nhắc chúng ta về thế giới của Thiên Chúa, về quê hương vĩnh cửu.

Chúng ta dễ bị hút xuống thế giới này, với vẻ đẹp và nỗi khốn cùng của nó.

Chúng ta loay hoay giải quyết không xong những vấn đề của trái đất,

vì quên nhìn nó từ trên cao và hướng nó về trời cao.

Lễ này cũng nhắc chúng ta về giá trị cao quý của thân xác.

Thân xác đi với ta suốt cả cuộc đời, chịu gian khổ và được tôn vinh với ta.

Chẳng thân xác nào gần Đức Giêsu bằng thân xác của Mẹ.

“Phúc cho người phụ nữ đã cưu mang Thầy và cho Thầy bú mớm.”

Tay Mẹ đã bồng ẵm Con từ Bêlem, qua Ai Cập, lên Đền thờ.

Tay Mẹ cũng đã ôm xác Con mình, được đưa xuống từ thập tự giá.

Mẹ sống bên Giêsu gấp mười lần thời gian các tông đồ sống bên Ngài.

“Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12, 26).

Hơn ai hết Mẹ là người đã gắn bó phục vụ Đức Giêsu bằng cả cuộc đời.

Hơn ai hết Mẹ xứng đáng được ở bên Con cả hồn lẫn xác.

Lễ Mẹ Lên Trời là lễ của niềm hy vọng cho cả nhân loại.

Người Kitô hữu thêm xác tín về nơi mình sẽ đến.

Mẹ là người được hưởng trước những gì chúng ta sẽ được hưởng.

Dù cuộc đời người theo Chúa lắm gian truân và hy sinh,

nhưng kết thúc lại rất tươi và có hậu.

Lễ Mẹ Lên Trời, chỉ xin được yêu mến những sự bền vững trên trời,

và bớt bị mê hoặc bởi những điều chóng qua dưới đất.

Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria,

Chúng con tạ ơn Chúa Giêsu

đã ban cho chúng con một người mẹ

như quà tặng vô giá lúc Người sắp lìa đời.

Mẹ được chọn làm thân mẫu của Chúa

và được ban đầy ân sủng siêu phàm,

khiến muôn thế hệ phải ngợi khen chúc tụng.

Nhưng Mẹ cũng là tỳ nữ mọn hèn

luôn mau mắn thi hành ý định của Thiên Chúa,

dù Mẹ chẳng hiểu hết được mầu nhiệm cao sâu.

Chúng con tưởng Mẹ sẽ đi trên con đường đầy hoa,

nhưng thật ra Mẹ đã đi con đường của Chúa,

con đường gập ghềnh và trắc trở,

với lưỡi gươm sắc đâm thấu tâm hồn.

Trong đời Mẹ có bao tiếng xin vâng trên môi,

từ tiếng xin vâng đầu tiên đến tiếng xin vâng trên núi Sọ.

Những tiếng xin vâng này

kết hợp với tiếng xin vâng của Con Mẹ

để Người đem ơn cứu độ cho chúng con.

Lạy Mẹ Maria,

là Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ chúng con.

Mẹ đã sống trọn phận người như chúng con,

và đã chiến thắng sau khi kết thúc cuộc đời trần thế.

Mẹ hiểu chúng con cần lời chuyển cầu của Mẹ biết bao

đang khi phải chiến đấu giữa trần gian đầy sóng gió.

Ước gì chúng con cũng có phúc vì đã tin như Mẹ,

có phúc vì đã làm cho Con của Mẹ được sinh ra,

và lớn lên trong thế giới hôm nay. Amen.

 

Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

“… Tôi thực sự cảm thấy yêu mẹ mình và đau lòng khi mẹ khóc. Mẹ đã luôn là người phụ nữ mạnh mẽ, mẹ gánh vác tất cả việc nhà, buôn bán không kể sớm tối để nuôi lớn chị em tôi.”... Đó là tâm sự của Phạm Nga trên một tờ báo Online.

Hình ảnh của người mẹ sinh thành, dưỡng dục cho con vào đời, xa mẹ mới nhớ về mẹ, nhớ về tấm lòng mẹ… Hình ảnh người mẹ hiền với gánh hàng rong bôn ba khắp phố để có tiền nuôi sống gia đình… Hình ảnh đó đã đi vào huyền thoại được các tác giả thể hiện qua những bức tranh sinh động, những bản thơ ca về mẹ…

Suy niệm

Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta, Đấng tràn đầy ân sủng như được sứ thần Gabriel chào: “Trinh nữ đầy ân phúc vì Đức Chúa ở cùng trinh nữ” (Lc 1,25), và bà Êlisabéth vang lời ca tụng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1,42).

Hồng ân Mẹ Maria Mông Triệu cả hồn xác được Đức Piô XII tuyên bố bằng tông hiến “Munificentissimus Deus” vào ngày Lễ Kính Các Thánh: 1/11/1950, Đức Giáo hoàng long trọng tuyên tin: “Để tôn vinh Thiên Chúa toàn năng là Đấng đã ban muôn vàn ơn lành đặc biệt của Ngài trên Trinh Nữ Maria, để tôn kính Con Ngài là Vua muôn đời, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, để Người Mẹ cao cả của Người được hiển vinh hơn… Người Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Thiên Chúa, Đức Maria Trinh Nguyên sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế của mình, đã được mang lên hưởng vinh quang trên trời cả thân xác lẫn linh hồn”. Hồng ân Mẹ về Trời cả xác hồn là hệ quả tất yếu của các hồng ân: Mẹ Thiên Chúa, sinh con mà vẫn Đồng Trinh và Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Kể từ khi Mẹ rời thế gian lên Trời trong vinh quang với hồng phúc: Được hưởng nước Trời cả hồn lẫn xác trước hết mọi người, Mẹ Maria vẫn không hề bỏ quên những người con ở dưới thế, Mẹ luôn hằng theo từng bước đi của các con. Qua mọi thời đại, với tình Mẹ bao la luôn lo lắng cho đoàn con ở thế gian. Tấm lòng của Mẹ luôn trải rộng để đón các con cái mình, dù ở phương trời nào, khắp mọi chủng tộc, Mẹ đều đón nhận đưa về với Chúa. Hãy chạy đến bên Mẹ nhờ Mẹ chỉ cho con đường đến với Con của Mẹ Đấng là đường là sự thật và là sự sống (x. Ga 14,6).

Thật thế, Mẹ chỉ dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa, như những người con được Mẹ hiền chỉ cho đi trên con đường đời để về với quê thật, như lời nhắn nhủ của Công đồng Vaticanô II: “Với tình mẹ hiền, Người chăm sóc những anh em (của) Con của Người đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời” (Lumen Gentium - Hiến chế tín lý về Giáo hội 8,62).

Lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, chúng ta mang đức tin, tin vào Chúa và như Giáo hội dạy: “Ðức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (LG 8,67). Các nhân đức nổi bật nhất mà chúng ta thấy trong

 

Tin mừng: Nhân đức tin, nhân đức cậy như Mẹ hoàn toàn phó thác vào thánh ý bằng hai tiếng xin vâng (x. Lc 1,38). Nhân đức mến chia sẻ, viếng thăm với người chị họ Êlisabéth cần sự giúp đỡ (x. Lc 1,39-45). Học với Mẹ nhân đức can đảm, Mẹ đối mặt với bao đau thương cuộc đời: Sinh con trong khó khăn (x. Lc 2,6-7), vượt khó trong sự truy bức của Hêrôđê để bảo vệ con trẻ (x. Mt 2,13-15), lạc con và tìm kiếm trong ba ngày (x. Lc 2,41-50), đặc biệt là đau thương chứng kiến cái chết của Chúa (x. Ga 19), Mẹ vẫn một niềm can đảm đối mặt và tin vào Thiên Chúa như Mẹ đã tuyên tin lúc được truyền tin. Nhân đức biết ơn học nơi Mẹ: Mẹ ca tụng cảm tạ hồng ân Thiên Chúa Đấng làm cho mình việc trọng đại, đời sống của Mẹ là một đời sống tạ ơn (x. Lc 1,46-56)…

Chúng ta hãy luôn tiếp bước theo, noi gương Mẹ theo các nhân đức mà chính Mẹ đã sống và dạy lại cho chúng ta.

Ý lực sống

“Maria đầy ân phúc, bởi vì Thiên Chúa đã đoái nhìn, và vì cô đã tin: Đức tin của mình là hoa trái cây tươi tốt, xinh đẹp của lòng yêu thương khoan dung Thiên Chúa” (Thánh Bernarđô).

Tag:

2024-08-15

Lời Chúa Hôm Nay
Kinh Mân Côi
Lịch Công Giáo