“Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ,
cứu mạng người hay giết đi ?” (Mc 3,4)
BÀI ĐỌC I: (Năm II) 1 Sm 17, 32-33. 37. 40-51
“Ðavít đã dùng dây ném đá và đá mà thắng tên Philitinh”.
Trích sách Samuel quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, khi người ta dẫn Ðavít đến trước Saolê, thì Ðavít nói với Saolê rằng: “Ðừng ai lo sợ gì cả. Tôi đây, tôi tớ của bệ hạ, tôi sẽ ra chiến đấu với tên Philitinh”. Saolê nói cùng Ðavít rằng: “Ngươi không thể chống cự và chiến đấu với tên Philitinh đó đâu, vì ngươi còn bé nhỏ, mà anh ta là một chiến sĩ từ lúc còn niên thiếu”.
Ðavít liền đáp: “Chúa đã từng cứu tôi thoát khỏi nanh vuốt sư tử và gấu, Người sẽ giải thoát tôi khỏi tay tên Philitinh đó”. Saolê mới nói với Ðavít: “Ngươi hãy đi và Chúa ở cùng ngươi”.
Ðavít lấy cây gậy mà chàng quen cầm trong tay. Chàng lựa năm viên đá bóng láng dưới khe nước, bỏ vào bị chăn chiên mà chàng thường đeo bên mình.
Tay chàng cầm trành ném đá ra ứng chiến với tên Philitinh. Tên Philitinh có vệ sĩ cầm khí giới đi trước, tiến lại gần Ðavít. Khi tên Philitinh thấy Ðavít, thì khinh bỉ chàng, vì chàng là một thanh niên hồng hào đẹp trai. Tên Philitinh nói với Ðavít: “Tao có phải là chó đâu mà mày cầm gậy đến với tao?” Rồi tên Philitinh nhân danh các thần của y mà nguyền rủa Ðavít. Anh ta nói với Ðavít: “Mày hãy lại đây, tao sẽ phân thây mày cho chim trời và thú đồng ăn thịt”.
Ðavít đáp lại: “Còn mi, mi cầm gươm, giáo, lao mà đến với ta, thì ta đến với mi nhân danh Chúa các đạo binh, Thiên Chúa các đoàn quân Israel mà hôm nay mi đã nhục mạ. Chúa sẽ trao mi vào tay ta, ta sẽ đánh và chặt đầu mi, và hôm nay ta sẽ ném thây quân sĩ Philitinh cho chim trời và thú đồng, để khắp hoàn cầu biết rằng Israel có một Thiên Chúa, và toàn thể cộng đồng này nhận biết rằng: “Chúa không dùng gươm giáo mà giải phóng, vì Người là chủ trận chiến, Người sẽ trao các ngươi vào tay chúng ta”.
Vậy tên Philitinh vùng lên, tiến lại gần Ðavít, và Ðavít hối hả chạy đến nghinh chiến với tên Philitinh. Ðavít thò tay vào bị, lấy viên đá, rồi dùng dây ném đá mà phóng vào trán tên Philitinh, viên đá trúng lủng trán hắn, và hắn liền té sấp xuống đất. Và Ðavít đã dùng dây ném đá và đá mà chiến thắng và hạ sát tên Philitinh. Nhưng vì Ðavít không có sẵn gươm, nên cậu chạy lại đứng trên mình tên Philitinh, lấy gươm của hắn, rút ra khỏi vỏ và chặt đầu hắn.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 143, 1. 2. 9-10
Ðáp: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa!
Xướng: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa, là Ðấng rèn luyện cho tay con biết đấu tranh, cho các ngón tay con thiện nghề chinh chiến. – Ðáp.
Xướng: Chúa là Tình thương và là chiến luỹ, là Ðấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu, Ngài bắt chư dân phải khuất phục con.
Xướng: Ôi Thiên Chúa, con sẽ hát mừng Ngài bài ca mới, với cây đàn mười dây, con sẽ ca mừng Ngài, vì Ngài đã ban cho các vua chiến thắng, đã giải phóng Ðavít là tôi tớ của Ngài.
Tin mừng: Mc 3, 1-6
1 Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. 2 Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người. 3 Đức Giê-su bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra giữa đây!”
4 Rồi Người nói với họ: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi ?” Nhưng họ làm thinh.
5 Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường.
6 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Phải biết dùng những giờ phút nghỉ ngơi cho đúng ý Chúa. Nghỉ ngơi không có nghĩa là không làm gì, nhưng là dành thời gian làm việc lành phúc đức và phục vụ tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa nhìn thấy cuộc sống con vất vả, ngược xuôi tất bật tối ngày, một nắng hai sương mà vẫn thiếu thốn nghèo khổ. Con có cảm tưởng một ngày quá ngắn làm không hết việc. Có lúc con chẳng tìm ra giờ nghỉ ngơi, nhưng cũng có khi con đã lạm dụng giờ nghỉ ngơi.
Lạy Chúa, người Biệt phái giữ luật nghỉ ngày Sa-bát cách cứng nhắc, đến nỗi họ phẫn nộ vì Chúa chữa bệnh trong ngày đó. Còn ngày nay, theo tinh thần của Chúa, Hội Thánh có thể cho phép con làm việc ngày Chúa nhật. Nhưng dù vậy, xin Chúa giúp con nhận ra rằng luật nghỉ ngày Chúa nhật và các ngày Hội Thánh buộc chính là dấu hiệu tình thương của Chúa, vì Chúa muốn giải thoát con khỏi gánh nặng của công việc. Xin Chúa cho con biết nghỉ ngơi để bồi bổ sức khỏe xác hồn.
Xin cho con biết nghỉ ngơi như ý Chúa muốn để thực sự đem lại ích lợi cho con. Cả người Biệt phái, cả chúng con, đều chẳng biết nghỉ ngơi đúng ý Chúa. Xin cho con được nghỉ ngơi bên Chúa, biết gác bỏ công việc để đến bên Chúa cầu nguyện, sống thân mật với Chúa. Xin cho con biết nghỉ ngơi với Chúa, để nhờ sự hiện diện của Chúa, con không dùng giờ nghỉ để lao vào những trò giải trí không lành mạnh. Xin cho con biết nghỉ ngơi như Chúa dạy, biết dùng giờ nghỉ ngơi để làm điều lành, sống tình bác ái với nhau, thăm hỏi, an ủi, giúp đỡ, và làm việc tông đồ. Và sau hết, vào cuối cuộc đời miệt mài làm việc, xin cho con được về nghỉ ngơi trong Chúa muôn đời. Amen.
Ghi nhớ: “Trong ngày Sabbat được cứu sống hay là giết chết ?”
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Đây là cuộc tranh luận thứ năm trong số những cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các đối thủ của Ngài được Mc ghi lại. Vấn đế cũng là luật nghỉ ngày Sabbat nhưng được nhìn dưới một khía cạnh khác: Làm gì trong ngày đó ?
- Hoàn cảnh: Có một người bệnh nhân cần được chữa. Người đó đang có mặt trong hội đường và hôm đó là ngày Sabbat.
- Trong bài Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu đã nêu rõ mục đích của khoản luật nghỉ làm việc ngày Sabbat là để phục vụ con người. Trong đoạn này Ngài cho biết thêm ngày đó ta có thể (và phải) làm việc lành.
- Khi đặt cho những người biệt phái câu hỏi: "Ngày Sabbat được phép làm điều lành hay điều dữ" Chúa Giêsu muốn họ suy nghĩ để thấy thêm điểm quan trọng đó.
- Nhưng họ làm thinh: một là do cảm thấy khó trả lời - Hai là cố chấp không nhận lẽ phải. Do đó Chúa Giêsu "rảo mắt nhìn họ", một cái nhìn vừa "giận" vừa "buồn".
B. Suy niệm (...nảy mầm)
1. Những người biệt phái đang dùng luật để ngăn cản Chúa Giêsu chữa một người bệnh và để hại Chúa Giêsu. Thái độ đó đụng chạm đến lòng của Ngài rất mạnh, đến nỗi Ngài phải "giận dữ rảo mắt nhìn họ và buồn khổ".
2. "Ngày Sabbat được phép làm điều lành hay điều dữ". Câu hỏi này Chúa đặt ra cho những người biệt phái. Họ làm thinh không trả lời cho nên chính Chúa Giêsu tự trả lời bằng hành động chữa người bại tay. Câu trả lời của Ngài là: Cứu giúp người đau khổ là điều lành, từ chối giúp đỡ là điều dữ.
3. Hai cái nhìn:
- Điều Chúa Giêsu thấy rõ hơn hết trong hội đường ngày hôm ấy là có một người bị khô bại một tay. Ngài thấy và rất thương anh nên muốn cứu anh.
- Còn những người biệt phái thì chỉ thấy những khoản luật về ngày Sabbat. Những khoản luật ấy che khuất tầm mắt của họ nên họ chẳng thấy nỗi khổ của bệnh nhân mà chỉ coi đây là cơ hội để họ bắt bẻ Chúa. Khi Chúa Giêsu chữa cho anh này thì họ không vui mừng mà còn tức giận và "tìm cách hại Ngài". Cái nhìn của Chúa Giêsu xuất phát từ một tấm lòng nhân hậu, còn cái nhìn của Biệt phái phát xuất từ "cõi lòng chai đá". Xin ban cho con một quả tim bằng thịt thay vì quả tim bằn đá.
4. "Những người Biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Ngài và tìm cách hại Ngài" Trước đây Biệt phái không thích những người phái Hêrôdê vì biết những người ấy xấu. Nhưng hôm nay sự thù ghét Chúa Giêsu đã đưa họ đền hợp tác với những kẻ xấu ấy để cùng nhau làm thêm một việc xấu to lớn hơn nữa là hại Chúa Giêsu.
Đôi khi trong cuộc sống va chạm, tôi cũng thấy trong lòng của mình rộn lên sự tức giận. Nhưng tôi cần phải bình tĩnh, đừng để mình bị lôi cuốn vào những xúi dục xấu xa của sự tức giận ấy.
5. "Ra khỏi đó, nhóm Pharisiêu lập tức bàn tình với phe Hêrôđê để tìm cách giết Chúa Giêsu"(Mc 3,6)
Trong ký túc xá Nguyễn Huệ, Hương là một cô gái hiền lành và đoan trang. Hương luôn tìm cách giúp đỡ những người bạn gặp khó khăn vì hoàn cảnh xa gia đình cũng như an ủi những bạn gặp thất bại trong học tập. Từ những việc tốt đó, Hương bị một số bạn bè xấu ghen tương và đố kỵ, tọa rập với nhau để hãm hại. Hương vẫn vô tư không biết chuyện dữ sắp xảy đến với mình. Một ngày kia, cả phòng xôn xao vì một người trong phòng bị mất đồ. Bảo vệ lên làm việc và không thể tin được: "Thủ phạm" lại chính là Hương. Mọi người đều biết rằng Hương không bao giờ làm chuyện đó.
Những kẻ xấu thường không ưa nhau. Nhưng chỉ vì muốn hạ đối thủ chung nên sẵn sàng liên kết với nhau. Tôi là người biết rõ từ A đến Z. Nếu tôi không đủ can đảm đứng ra đương đầu với các bạn kia, sao tôi không biết liên kết với những bạn còn lại trong phòng để bênh vực cho Hương ?
Cầu nguyện: Chúa ơi, thế giới con đang sống đã trở nên thảm hại, không phải chỉ vì tội ác của kẻ xấu mà còn vì sự nhu nhược của những kẻ lành. Xin giúp con biết yêu chuộng sự thật là liên kết với mọi người thành tâm thiện chí hầu xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn (Epphata).
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Chúa chữa người bại tay (Mc 3,1-6)
Ngày hưu lễ, Chúa Giêsu vào hội đường. Ở đó có người bị bại một cánh tay. Nhóm biệt phái theo rình mò xem Chúa có chữa cho người bệnh này không. Biết thế, Chúa gọi người bệnh ra đứng giữa họ và hỏi: Ngày hưu lễ nên làm lành hay làm ác, cứu sống hay giết chết ? Họ không trả lời, vì họ ngoan cố không muốn biết sự thật mà chỉ tìm cách tố cáo thôi. Chúa nhìn họ vừa buồn vừa giận vì thái độ ngoan cố của họ. Rồi Chúa bảo người bệnh: Hãy đưa tay ra. Tức thì người ấy khỏi bệnh. Thấy vậy, nhóm biệt phái và liên kết với nhóm của Hêrôđê tìm cách giết Chúa.
Theo truyền thống, người bại tay này làm nghề thợ xây đá. Nghĩa là anh cần có một bàn tay khỏe mạnh sớm hết sức, để có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Không lạ gì trước những người Do thái “chẻ sợi tóc làm tư” dò xét, bắt bẻ để lên án. Theo luật Do thái, chỉ được chữa bệnh vào ngày sabát trong trường hợp nguy tử. Trường hợp của anh không phải là nguy tử, nhưng Ngài không thể nào để đến ngày mai. Ngài đã can đảm dám chữa lành anh ngay hôm nay. Ngày sabat là ngày dành cho Chúa, ngày làm điều lành, ngày cứu người. Nhờ đó, bàn tay anh có thể duỗi thẳng, anh có thể cầm lấy bàn tay người khác, cũng như có thể mưu sinh bằng chính bàn tay của mình (5 phút Lời Chúa).
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu có một phản ứng trước sự mù quáng của những người biệt phái. Chúng ta cứ tưởng tượng một bệnh nhân đang quằn quại trong đau khổ cần một bàn tay săn sóc chữa trị, thì người ta lại nại đến luật ngày Hưu lễ để bắt bẻ và cấm chế. Thánh Marcô như muốn tô đậm phản ứng của Chúa trước thái độ mù quáng như thế, khi viết: “Chúa Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng chai đá của họ”. Chúa Giêsu vốn là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng thái độ của Ngài đối với những người khốn khổ, những người tội lỗi, các bệnh nhân, những người bị đẩy ra bên lề xã hội, Ngài đồng bàn với họ, cảm thông với họ, tha thứ cho họ.
Có câu chuyện kể rằng: hôm ấy một rabbi Do thái cưỡi ngựa đi từ Giêricô về Giêrusalem vừa đi vừa hát thánh ca, trên đường đi, chẳng may con ngựa trượt chân ngã xuống vực, nhanh tay vớ được cành cây nên rabbi không rơi xuống vực. Ông thấy con ngựa rơi xuống nước nên không hề hấn gì, nhưng bờ cao không lên được, ông định chặt nhành cây lấp đất cho con ngựa lên, nhưng sực nhớ hôm đó là ngày sabbat không được làm việc tay chân nên thôi, ông liền phục trong bụi cây rình thấy một người hành hương cưỡi ngựa đi qua, ông rút súng bắn người ấy rơi xuống vực, cướp ngựa phóng đi và tiếp tục hát thánh ca...
Bài Tin mừng hôm nay cũng cho thấy việc Chúa Giêsu vạch trần sự giả hình của họ, ngày sabat mọi người đến nghe Lời Chúa, còn họ thì đến với ý đồ xấu nhằm để hại người. Giống như câu truyện trên, rabbi kia không dám cứu con ngựa của mình lên vì sợ phạm luật, nhưng lại dễ dàng giết người cướp ngựa... Chúa Giêsu biết họ đang rình mò tìm kế hại Ngài, nhưng Ngài vẫn không ngần ngại chữa lành cho anh bị bại tay và qua đó Ngài đặt cho họ một câu hỏi để họ suy nghĩ: “Ngày sabbat nên làm điều lành hay làm điều dữ ?”
Chúa Giêsu thấu rõ ác tâm của nhóm biệt phái, nhưng Ngài không chống đối bằng lời nói mà lấy việc làm, lấy việc cứu giúp người bệnh để sửa dạy họ. Ngài nêu gương cho chúng ta, thay vì ra mặt công khai chống đối kẻ làm hại mình hay người tội lỗi, chúng ta lấy việc lành, lời cầu nguyện, sự hy sinh của chúng ta để dẫn đưa họ về nẻo chính đường ngay.
Truyện: Luật là luật
Chúng ta đã biết những người biệt phái luôn có cái nhìn cứng nhắc về lề luật. Họ chủ trương “luật là luật” và đã là luật thì phải giữ. Có thế thôi. Đối với những người như thế, chúng ta nên đọc và suy nghĩ về câu truyện này:
Một người Do thái qua đời, sau khi đã khám nghiệm các bác sĩ xác nhận người đó đã thực sự chết theo đúng ý nghĩa của y học và đã cấp giấy chứng thực để chôn cất.
Giữa lúc đang chuẩn bị hạ huyệt người ta bỗng nghe có tiếng kêu trong quan tài. Mở nắp quan tài ra, mọi người rất đỗi ngạc nhiên vì thấy kẻ chết đã sống lại. Thế nhưng vị giáo trưởng chủ trì tang lễ ra hiệu cho mọi người thinh lặng, rồi nói với kẻ chết như sau:
- Chúng tôi không biết rõ ông đang sống hay chết. Nhưng căn cứ theo giấy chứng thực của các bác sĩ, ông quả thực đã là người chết. Chúng tôi cứ thi hành theo đúng nhận định của bác sĩ.
Nói xong, ông truyền cho tang lễ đóng nắp quan tài lại và tiếp tục nghi thức an táng.