“Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi...
Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh” (Lc 7,6-7).
BÀI ĐỌC I (năm I): 1 Tm 2, 1-8
“Cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho mọi người. Ngài muốn mọi người được cứu độ”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Trước tiên, cha khuyên hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch. Ðó là điều tốt lành và đẹp lòng Ðấng Cứu Ðộ chúng ta là Thiên Chúa. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý.
Vì chỉ có một Thiên Chúa, và một Ðấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Ðức Giêsu Kitô, cũng là con người. Người đã phó Mình làm giá cứu chuộc thay cho mọi người, để nên chứng tá trong thời của Người, mà vì chứng tá đó, cha đã được đặt lên làm kẻ rao giảng, làm Tông đồ (cha nói thật chứ không nói dối), và làm Thầy dạy dân ngoại trong đức tin và chân lý.
Vậy cha muốn rằng những người đàn ông cầu nguyện trong mọi nơi, hãy giơ lên hai tay thanh sạch, không oán hờn và cạnh tranh.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 27, 2. 7. 8-9
Ðáp: Chúc tụng Chúa, bởi Ngài đã nghe tiếng tôi van nài
Xướng: Xin nghe tiếng con van nài, khi con kêu cầu tới Chúa, khi con giang tay hướng về thánh điện của Ngài.
Xướng: Chúa là mãnh lực và là khiên thuẫn của tôi, lòng tôi tin cậy vào Ngài và đã được Ngài cứu trợ, bởi thế tâm hồn tôi hoan hỉ và tôi xướng ca ngợi khen Ngài.
Xướng: Chúa là mãnh lực của dân Ngài, là chiến lũy bảo vệ mạng sống người Chúa đã xức dầu. Xin cứu sống dân tộc và chúc phúc cho phần gia nghiệp Chúa, xin hãy chăn nuôi họ, vinh thăng họ tới muôn đời.
Tin mừng: Lc 7, 1-10
1 Sau khi đã nói hết những lời ấy cho dân chúng nghe, Đức Giêsu vào thành Caphácnaum.
2 Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm.3 Khi nghe đồn về Đức Giêsu, ông cho mấy kỳ mục của người Do Thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông.
4 Họ đến gặp Đức Giêsu và khẩn khoản nài xin Người rằng: “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho.5 Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta.”
6 Đức Giêsu liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi.
7 Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. 8 Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: “Đi! là nó đi; bảo người kia: “Đến! là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: “Làm cái này! là nó làm.”
9 Nghe vậy, Đức Giêsu thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ítsraen, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.”
10 Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Nhận biết mình hèn kém bất xứng và hết lòng tin tưởng cậy trông vào Chúa, đó là niềm tin của viên đại đội trưởng mà Chúa Giêsu đã khen ngợi và mời gọi ta bắt chước.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong quãng đời mục vụ của Chúa, con nghĩ một trong những điều làm cho Chúa vui thích đó là câu chuyện hôm nay: một viên sĩ quan lương dân đã bày tỏ niềm tin nơi Chúa, một niềm tin đơn sơ, khiêm nhường và mạnh mẽ. Chúa đã khen ngợi và đáp lời ông cầu xin.
Con tự hỏi, đối với con là người theo đạo Chúa, con thực sự có được một niềm tin như thế chưa ?
Lạy Chúa, con phải thú nhận rằng đức tin của con còn quá yếu kém, bởi vì con chưa nhận ra mình là kẻ tội lỗi rất cần đến lòng thương xót của Chúa. Con thiếu lòng cậy tin vào Chúa, bởi vì con vẫn tin vào quyền lực của tiền bạc và địa vị hơn là chính Chúa. Con cầu xin không được như ý là bởi vì con chưa khiêm nhường đủ, thiếu kiên nhẫn và đầy ích kỷ.
Lạy Chúa, trong thánh lễ hằng ngày, con bắt chước viên sĩ quan để thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.
Xin Chúa đến với con dù con bất xứng. Xin Chúa thương xót con vì con tội lỗi. Xin Chúa dùng con như khí cụ bình an của Chúa dù con chỉ là tôi tớ mọn hèn. Và trong những cơn gian nan thử thách, những khi cô đơn tuyệt vọng, những lần ê chề sa ngã, xin cho con vẫn một niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, vì con tin rằng chính những lúc con yếu đuối nhất, lại là những lúc con mạnh mẽ nhất trong ơn Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”.
Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Phân tích
Chúa Giêsu chữa bệnh cho đầy tớ của một sĩ quan ngoại đạo:
Ông này có lòng thương người: Đầy tớ của ông bệnh mà ông lo lắng như là con ruột của mình; ông là người Rôma nhưng xây cất hội đường cho người Do Thái.
Ông cũng khiêm tốn: Dù là giới cai trị, ông không ngại hạ mình đến xin Chúa Giêsu là người dân bị trị giúp đỡ mình; ông lại còn nói ông không xứng đáng cho Chúa Giêsu vào nhà ông.
Đức tin của ông rất mạnh vì ông tin Chúa Giêsu chẳng cần đến nhà ông, chỉ ở xa phán một lời thì đầy tớ ông sẽ khỏi.
Suy niệm
1. Chúa Giêsu sẵn sàng ban ơn cho mọi người dù đạo hay ngoại đạo, miễn là người đó có lòng tin. Thực tế ngày nay có nhiều người lương tin Chúa và Đức Mẹ, đã xin ơn và được ban cho những ơn lạ lùng.
Phần tôi, lắm khi tôi vừa xin vừa hồ nghi không biết có được Chúa ban ơn hay không. Từ nay khi xin ơn Chúa, tôi phải xin với hết lòng tin tưởng.
2. Người sĩ quan này cũng làm gương cho chúng ta về lòng nhân ái: yêu thương đầy tớ, yêu thương người bị trị. Xin cho con biết yêu thương những kẻ dưới quyền, những người kém thế hơn con.
3. Lời ông nói với Chúa Giêsu là một tấm gương khác về cách cầu nguyện khiêm tốn. Khi tôi cầu nguyện cùng Chúa, tôi phải bắt chước ông nói rằng “Con chẳng đáng”.
4. Chuyện này cũng khiến ta phải ý thức về sức mạnh của Lời Chúa. Khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa chỉ phán một lời thì liền có những gì Ngài muốn. Chúa Giêsu chỉ ở xa phán một lời thì người đầy tớ kia hết bệnh.
5. “Tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi” (Lc 7,6). “Lạy Chúa, con không đáng Chúa ngự vào lòng con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.
Lời này khơi lên trong lòng tôi niềm mơ ước được rước Chúa. Dù biết mình không trong sạch, nhưng khi Ngài ngự vào linh hồn, tôi lại cảm thấy vững vàng trong đời sống. Sự hiện diện thực sự của Ngài trong Thánh Thể khiến tôi vững tin hơn để chống lại những cám dỗ thường ngày.
Không như người sĩ quan xưa, tôi biết mình có tội nhưng vẫn cầu xin Chúa ngự đến cùng tôi. vì chỉ có Ngài mới là nguồn động viên an ủi nâng đỡ tôi trong từng giây phút.
6. Sau khi việc mặc cả với Thiên Chúa để cứu thành Sôđôma bị thất bại, tổ phụ Abraham thẫn thờ lui về, ông tìm đến bóng mát một cây sồi. Lúc ấy đã có một vị ẩn sĩ đang ngồi đó.
Vị ẩn sĩ tên là Ahaven. Ông nhích sang một bên và mời Abraham cùng ngồi. Abraham kể lại câu chuyện ông vừa mặc cả với Thiên Chúa. Nghe xong, vị ẩn sĩ đứng lên. Abraham nghĩ chắc ông ta sẽ đến nơi vừa xảy ra câu chuyện để tiếp tục mặc cả.
Abraham để cho nhà ẩn sĩ đi, còn ông thì chìm sâu vào giấc ngủ ba ngày ba đêm. Lúc tỉnh dậy, ông thấy thành Sôđôma chỉ còn là một đống tro tàn. Quay sang bên cạnh, ông thấy Ahaven bơ phờ ngồi đó.
Abraham hỏi về câu chuyên đi mặc cả. Vị ẩn sĩ trả lời:
- Lúc tôi đến nơi thì đã thấy Sôđôma chìm trong biển lửa. Muộn quá rồi!
Abraham nói:
- Nếu ông có đến sớm đi nữa cũng không thể làm gì được. Vì nhóm 10 người là nhóm nhỏ nhất. Con số 10 là con số căn bản. Mọi con số đều ghép từ 1 đến 10. Và Thiên Chúa cũng ban cho chúng ta 2 bàn tay có tất cả 10 ngón.
Xem ra vị ẩn sĩ chưa hài lòng với lối giải thích của Abraham. Mắt ông vẫn theo dõi đám khói còn đang bốc lên từ Sôđôma. Ông thì thầm như nói với chính mình:
- Quả là đúng vậy. Nhưng Thiên Chúa không có 10 ngón tay để đếm. Lòng nhân từ của Ngài vô lượng vô biên.
Thực thế, nếu Thiên Chúa là Đấng vô cùng cao cả thì lòng nhân từ của Ngài cũng bao la. Tình thương xót của Ngài khác nào như muôn ngàn đại dương bát ngát không bến bờ. Tội lỗi con người có nhiều tới đâu, có nặng nề tới mức nào thì cũng như cát, như đá chìm sâu dưới đáy đại dương của lòng nhân hậu, thương xót ấy mà thôi.
Không tội lỗi nào mà Thiên Chúa không tha thứ được. Không có con người khốn khổ nào mà Thiên Chúa không yêu thương được, Không có kẻ phản bội nào mà Thiên Chúa không đưa trở về với Ngài được.
Tuy nhiên, tội chỉ được tha thứ, con người chỉ nhận được tình yêu khi trong lòng người có được một con số 10 căn bản của thiện chí, của lòng khiêm tốn muốn được tha thứ, muốn được yêu thương.
Thiếu con số căn bản ấy, cánh tay phải của tình yêu Thiên Chúa sẽ chẳng làm gì được, và khi đó cánh tay trái của uy quyền sẽ giơ lên.
Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Tôi không đáng rước Ngài (Lc 7,1-10)
Nghe tin Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, một sĩ quan ngoại giáo liền cậy nhờ những người làm lớn trong dân Do thái đế xin Chúa chữa đầy tớ yêu quý của ông đang hấp hối. Và các ông đã đến trình cho Chúa biết lai lịch của viên sĩ quan này. Tuy ông là người ngoại đạo, nhưng ông rất có thiện cảm với đạo giáo. Rồi các ông nài xin Chúa đến cứu chữa đầy tớ của ông. Chúa nhận lời.
Người còn đi dọc đường thì viên sĩ quan nhờ bạn hữu đến thưa không dám rước Người về nhà, chỉ xin Người phán một lời cho người bệnh được khỏi, như ông sai bảo binh lính và đầy tớ làm gì là họ làm theo. Chúa thấy viên sĩ quan này có đức tin mạnh mẽ và lòng khiêm nhường như thế thì khen ngợi, và đã làm phép lạ cho đầy tớ ông được khỏi bệnh.
Trong Tin mừng, ít khi chúng ta gặp thấy Chúa Giêsu khen, nhất là khi lời khen dành riêng cho một ai đó. Hôm nay, Chúa Giêsu khen ngợi niềm tin của một sĩ quan Rôma, lời khen thiết thực đến mức có sức chữa lành một người tôi tớ của vị sĩ quan này. Điều lạ ở đây là người được Chúa Giêsu ca ngợi về niềm tin, không phải là một chức sắc tôn giáo Do thái, cũng không phải là một đạo hữu Do thái mà là một kẻ ngoại đạo cầm quyền đô hộ dân Người.
Với những gì thánh Luca tường thuật, chúng ta dễ nhận ra rằng, Chúa Giêsu không quá phân biệt người có đạo hay kẻ ngoại, mà Chúa nhìn thấy tâm hồn của mỗi người... Điều mà Chúa khen tặng và sẵn sàng chữa lành hôm nay, chính là lòng tin, sự khiêm nhường cùng một số các đức tính khác mà chúng ta sẽ triển khai dưới đây.
Niềm tin của vị sĩ quan
Lời của viên sĩ quan: “Vì tôi chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi cùng có lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; tôi bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này, thì nó làm” (Lc 7,8).
Đây là một lời tuyên xưng đức tin cao độ. Với cách so sánh, ông tuy là quan nhỏ, nhưng cũng có cấp dưới và họ phải vâng lệnh ông, từ đó ông tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, có quyền trên mọi quyền lực thần thiêng, có quyền trên mọi bệnh tật và tất cả đều phải vâng lệnh Người (quan niệm của người Do thái tin bệnh tật là do tà thần và sự dữ).
Điều đáng nói ở đây nữa là, một sĩ quan thường ỷ thế vào quyền lực và tiền bạc để lo lắng cho người đầy tớ, nhưng không, ông tin Chúa Giêsu mới có thể chữa lành và niềm tin của ông đã được đền đáp (Hiền Lâm).
Lòng thương người của vị sĩ quan
Ông thương bằng cách sẵn sàng chịu cực đủ thứ để mong cứu nó. Theo luật pháp Rôma, một “nô lệ” được định nghĩa một “đồ dùng”, không có quyền pháp định nào. Chủ nhân có quyền tự do sinh sát đối với người nô lệ của mình. Một văn sĩ Rôma chuyên về quản lý gia cư có lời khuyên những chủ trại mỗi năm nên kiểm kê các vật dụng và cũng khuyên họ ném bỏ bớt những món gì cũ kỹ, bể nát, “kể cả” những nô lệ già yếu không sử dụng được nữa. Có biết được như thế, chúng ta mới thấy thái độ của viên sĩ quan Rôma này đối với nô lệ là quá phi thường.
Sự khiêm nhường của vị sĩ quan
Xét về thế giá và địa vị, viên sĩ quan đến xin Chúa chữa bệnh cho người tôi tớ hôm nay có quyền lực đại diện cho đế quốc Rôma để cai trị một vùng của người Do thái, ông có lính tráng và kẻ hầu người hạ, thậm chí xét về mặt chính trị, ông còn có quyền bắt, trục xuất hoặc ngăn cấm Chúa Giêsu truyền đạo.
Thế nhưng, ông nhận ra nơi con người Chúa Giêsu không đơn thuần là một thầy dạy như các luật sĩ, mà là một vị tiên tri của Thiên Chúa, nên ông cảm thấy bất xứng trước mặt Ngài. Ông nhìn nhận mọi chức vụ và địa vị đều dưới quyền của Thiên Chúa, và ông đã khiêm tốn nói lên: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh” (Lc 7,7).
Truyện: Hạ mình xuống sẽ được nâng lên
Một hôm, Dương Chu sang nước Tống, vào ở trọ một nhà kia. Người chủ nhà trọ có hai nàng hầu, một nàng đẹp, một nàng thì xấu. Để ý quan sát, Dương Chu thấy trong nhà ai cũng quý trọng người thiếp xấu mà khinh rẻ người thiếp đẹp. Lấy làm lạ, không hiểu nổi, Dương Chu mới hỏi thằng bé trong nhà trọ. Thằng bé tiết lộ:
- Người thiếp đẹp, tự cho mình là đẹp nên mất đẹp. Chúng tôi chẳng ai nhìn ra cái đẹp của nàng cả. Trái lại người thiếp xấu, tự biết mình là xấu, mà quên xấu, không còn ai nhìn thấy cái xấu của nàng nữa.
Dương Chu liền gọi học trò đến, dặn:
- Các con nhớ ghi lấy: giỏi mà bỏ được cái thói tự cao mình là giỏi, thì đi đâu mà chẳng được người yêu quý tôn trọng.
Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Trên một rặng núi đá cao đến 800 thước có những cây lá cọ vẫn sống mạnh. Ban đầu qua nhiều năm, các nhà thực vật nghiên cứu và không tìm được nguyên nhân vì sao mà các cây này sống được trong bóng tối của núi đá, vì mặt trời chỉ chiếu vào chỗ các cây này chỉ trong hai tiếng đồng hồ mỗi ngày, trong lúc cây lá cọ sống nhờ nhiều vào ánh nắng mặt trời.
Về sau các nhà thực vật đã tìm ra nguyên nhân: Các vách đá đã thu nhận ánh sáng mặt trời cũng như hơi nóng ban ngày rồi phản chiếu vào chỗ những cây cọ này, cung cấp cho cây hơi nóng cần thiết tỏa ra từ trong đá. Cho nên, hàng cây cọ cứ sống mạnh, dù hoàn cảnh thật là khó khăn cho những cây ấy tồn tại trong điều kiện khó khăn đối với họ nhà cọ như thế. Cũng như các cây lá cọ này, người tin Chúa, luôn được nuôi sống và đứng vững trong mọi hoàn cảnh…
Suy niệm
Viên đội trưởng Rôma là người ngoại giáo nhưng ông mạnh tin và xin Ðức Giêsu chữa lành cho người đầy tớ đang bệnh nặng. Ông không dám đòi hỏi Chúa đến tận nơi, khi khiêm tốn nhận ra bất xứng và không dám rước Ngài vào nhà mình chỉ xin “Thầy phán một lời”. Trước niềm tin mạnh mẽ và khiêm tốn của viên đại đội trưởng, Chúa Giêsu tỏ ra hài lòng và thán phục niềm tin mạnh mẽ của một người ngoại giáo: Một niềm tin khiêm nhường, đơn sơ nhưng mãnh liệt!.
Phép lạ đã xảy ra như lòng ông mong ước… Chính lời tuyên xưng của ông: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi… nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh”, đã được Giáo hội mượn để tuyên xưng trong cộng đoàn phụng vụ khi chuẩn bị tâm hồn đón nhận Chúa Thánh Thể: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.
Ngày nay, Ðức Giêsu không còn hiện diện hữu hình như xưa, nhưng qua bí tích Thánh Thể, qua Thánh Thần và Lời của Ngài vẫn ở bên con người. Chúng ta cần có đức tin mạnh như viên đội trưởng, tin Chúa có thể làm việc trong chúng ta: Hướng dẫn và trợ giúp, nuôi dưỡng chúng ta hằng ngày trong cuộc sống như Ngài đã làm cho ước muốn viên đại đội trưởng chữa lành người đầy tớ của ông.
Xin cho chúng con đức tin chân thành mạnh mẽ…
Ý lực sống
“Thiên Chúa sai lời của Ngài đi chữa trị” (Tv 106).