“Người biến hình trước mặt các ông”.
BÀI ÐỌC I: (Năm II) Gc 3, 1-10
“Không ai có thể kiềm chế được cái lưỡi”.
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, đừng để lắm người trong anh em làm thầy: vì anh em biết rằng do đó, anh em sẽ bị xét đoán nặng hơn. Tất cả chúng ta đã sai lỗi nhiều lần. Nếu ai không sai lỗi trong lời nói, thì là người trọn lành, vì kẻ ấy có thể chế ngự được thân xác mình. Nếu chúng ta tra được hàm thiết vào miệng ngựa để bắt nó tùng phục chúng ta, thì chúng ta cũng có thể điều khiển được cả mình nó. Kìa, cả những chiếc thuyền, tuy to lớn và bị cuồng phong lôi cuốn, mà một bánh lái nhỏ điều khiển chúng theo ý người hoa tiêu. Cũng thế, lưỡi là một chi thể bé nhỏ, nhưng cao rao nhiều điều vĩ đại.
Kìa, một ngọn lửa có là bao, mà đốt cháy cả một khu rừng lớn. Lưỡi cũng là ngọn lửa, là cả một thế giới gian ác. Lưỡi là một trong các chi thể của chúng ta, nó làm hoen ố cả thân xác, được hoả ngục nhen nhúm lên, nó đốt cháy cả cuộc đời chúng ta. Mọi loài cầm thú, muông chim, rắn rít, và cá biển đang và đã bị loài người chế ngự. Nhưng không ai có thể chế ngự được cái lưỡi: một tai hoạ bất trị, và chứa đầy nọc độc giết người. Với cái lưỡi, chúng ta chúc tụng Thiên Chúa là Cha; với cái lưỡi, chúng ta chúc dữ con người đã được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa. Bởi chính cái miệng mà phát xuất ra vừa lời chúc tụng, vừa lời chúc dữ. Hỡi anh em, đừng để xảy ra như thế.
Ðó là lời Chúa.
ÐÁP CA: Tv 11, 2-3. 4-5. 7-8
Ðáp: Phần Ngài, lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con (c. 8a).
Xướng: Xin cứu nguy, lạy Chúa! Vì không còn nữa kẻ hiền nhân, không còn nữa sự trung tín giữa con người! Thiên hạ nói với nhau những điều man trá, nói bằng cặp môi gian giảo, tâm địa nước đôi.
Xướng: Xin Chúa diệt hết các cặp môi gian giảo, mọi cái lưỡi ngoa ngôn, những đứa tự khoe: “Nhờ tấc lưỡi của ta, ta mạnh; cặp môi ta biện hộ cho ta, đối với ta có ai là Chúa?”
Xướng: Lời của Chúa là những lời chân thật, là kim ngân đã thử, bảy lần gạn lọc, hết trơn bụi đất. Phần Ngài, lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con, xin bảo vệ chúng con khỏi thế hệ này mãi mãi.
Tin mừng: Mc 9, 1-12
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế.
Rồi Êlia cùng Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu.
Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”.
Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ.
Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”.
Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông.
Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.
Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”
Và các ông hỏi Người: “Tại sao các biệt phái và luật sĩ lại nói Êlia phải đến trước đã?”
Người đáp: “Êlia phải đến trước để sửa lại mọi sự, và như có lời chép về Con Người rằng ‘Người phải chịu nhiều đau khổ và khinh bỉ’.
Vậy Thầy bảo cho các con hay: Êlia đã đến rồi và chúng xử với người mặc ý chúng, như đã chép về người”.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu biến hình trong vinh quang để báo trước thân xác sẽ phục sinh vinh hiển. Muốn được sống lại trong vinh quang Nước Trời, chúng ta cần chuẩn bị trong đời sống hiện tại, bằng cách vâng nghe lời Chúa Giêsu, nhất là liều mạng sống vì Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tỏ mình vinh quang trên núi như một báo hiệu phục sinh. Con đang chờ đợi cả linh hồn và thân xác con người được tham dự vào vinh quang của Chúa, con chờ đợi thân xác được sống lại trong Nước Trời. Con tin rằng trong cuộc chờ đợi này, Chúa vẫn luôn hiện diện với con. Lời Chúa trở thành bảo đảm cho đời sống tâm linh. Chúa vẫn luôn tỏ mình qua Lời Chúa. Xin giúp con nhận ra bóng dáng Chúa hiện diện như một an ủi cho con: “Ở đây thì tốt quá”.
Lạy Chúa, hôm nay con lắng nghe và ghi nhớ Lời Chúa Cha tuyên phán: “Các ngươi hãy nghe lời Người”. Vâng, Lời Chúa có sức mạnh biến đổi con người. Xin Chúa ban cho con một lời - dù chỉ một lời thôi - đủ sức cải hóa con. Nhưng để sống Lời Chúa, con biết mình phải hy sinh thật nhiều: hy sinh những ý riêng, hy sinh từ bỏ những tật xấu, hy sinh những điều con ưa thích nhất. Điều đó thật cam go, vì nó ngược với tính tự nhiên của con. Xin Chúa giúp con sống Lời Chúa, giúp con thống hối ăn năn trở lại với Chúa, và kiên trì thực hành Lời Chúa với lòng yêu mến chân thành.
Lạy Chúa Giêsu, được Lời Chúa tăng cường sinh lực và cải hóa, con sẽ góp phần xây dựng Nước Chúa, với niềm vui hy vọng được sống muôn đời như Chúa đã hứa ban. Amen.
Ghi nhớ: “Người biến hình trước mặt các ông”.
2. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Chúa biến hình (Mc 9,2-13)
Tin mừng hôm nay hé mở cho ta thấy vinh quang mà Con Thiên Chúa đã có trước khi đến trần gian. Vinh quang mà Đức Giêsu hé mở cho các Tông đồ thân tín được thể hiện sáu ngày khi Ngài loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết mà Ngài sắp trải qua. Qua cuộc biến hình này, Ngài muốn củng cố niềm tin của các Tông đồ vào sứ mệnh của Ngài: Ngài phải chịu chết rồi mới sống lại vinh hiển, Ngài phải trải đi từ sự sống qua sự chết rồi mới đạt tới sự Phục sinh vinh hiển. Và đó cũng là con đường tất yếu của những ai muốn đi theo Ngài. Con đường Đức Giêsu sẽ đi qua cũng sẽ là con đường mà các môn đệ Ngài phải đi qua.
Mục đích việc biến hình của Chúa
Chắc chắn tâm tư các môn đệ vẫn còn xót xa, hoang mang bởi lời quả quyết của Đức Giêsu khi Ngài tiết lộ cho các ông: Ngài phải tới Giêrusalem, để chịu nhục hình, bị đối xử như tên tội phạm, chịu đau đớn, chịu đóng đinh vào thập giá và chết. Trước mắt họ, tương lai toàn là màu đen nhục nhã. Nhưng toàn cảnh núi Biến hình là vinh quang. Mặt Đức Giêsu sáng rỡ ràng như mặt trời, áo Ngài rực rỡ chói lóa như ánh sáng...
Chắc chắn cảnh tượng đó làm cho các ông phấn khởi, họ đã thấy vinh quang bên kia cảnh nhục nhã, khải hoàn bên kia cảnh đau khổ, vương miện bên kia thập giá. Ngay lúc ấy, họ cũng chưa phải là đã hiểu trọn vẹn, nhưng chắc chắn họ đã lờ mờ ý thức được rằng thập giá là hoàn toàn khổ nhục, nhưng nó đi liền với vinh quang, là nét chính của cuộc xuất hành đến Giêrusalem và đến cái chết.
Các ông cần được củng cố, nâng đỡ
Các môn đệ cần được nâng đỡ qua biến cố biến hình này, vì sẽ đến một ngày và ở trên một ngọn đồi kia, lúc đó bầu trời sẽ trở nên tối tăm, khuôn mặt Đức Giêsu sẽ đầm đìa mồ hôi và máu, quần áo của Ngài sẽ không còn chói sáng nữa, mà sẽ bị lột khỏi thân mình Ngài. Sẽ không có tiếng nói phát xuất từ trời nữa, nhưng chỉ có những giọng nói chế giễu và nhạo báng mà thôi. Các môn đệ sẽ bị tản mác, và không muốn tham dự vào những sự việc đang xảy ra.
Biến cố biến hình còn cho các môn đệ niềm hy vọng là: con đường đau khổ sẽ dẫn đến hạnh phúc, cái chết tủi nhục sẽ dẫn đến ngày Phục sinh hân hoan. Tựa như học sinh kiên nhẫn và miệt mài hy vọng một mùa thi tốt đẹp, người nông phu dầm mưa dãi nắng cấy cày vì hy vọng vào mùa gặt bội thu.
Các ông muốn hưởng những phút huy hoàng/
Qua cuộc biến hình nhiều người đã có cảm nghiệm như thánh Phêrô: ông muốn làm ba lều cho Đức Giêsu, cho Maisen và cho Êlia. Ông muốn kéo dài giây phút huy hoàng ấy. Ông không muốn trở về với công việc thường ngày, ông muốn ở lại mãi mãi với vinh quang rực rỡ. Ai đã từng trải qua những giây phút thân mật, trong sáng, bình an, gần gũi với Chúa cũng đều muốn kéo dài những giây phút ấy, như có người đã diễn tả: “Núi Biến hình bao giờ cũng thích thú hơn là công tác phục vụ hằng ngày hay con đường thập giá”.
Nhưng núi Biến hình được ban cho ta chỉ để cho ta có sức mạnh làm công tác phục vụ. Giờ phút vinh quang không xuất hiện vì chính nó, nó xuất hiện là để khoác vẻ đẹp lóng lánh, rực rỡ cho những công việc bình thường mà trước kia chúng ta chẳng hề có.
Nhưng các ông cần phải xuống núi
Cũng như Phêrô và các môn đệ, mỗi người chúng ta ai cũng muốn được ở trên đỉnh vinh quang, nhưng lại không muốn đối diện với thực tế của cuộc đời, và muốn trốn tránh kiếp lữ hành trần thế, muốn trốn tránh thập giá là con đường duy nhất đưa đến sự phục sinh. Đức Giêsu hôm nay vừa tỏ cho chúng ta thấy viễn cảnh Phục sinh để nâng đỡ niềm tin cho chúng ta và cho chúng ta một niềm hy vọng chắc chắn về đời sống vĩnh hằng, nhưng Ngài mời gọi chúng ta phải xuống núi: xuống núi vừa để giúp những người khác thêm niềm tin và hy vọng, xuống núi để tiếp tục cuộc lữ hành trần thế tiến về quê trời.
Truyện: Thưa, chính Chúa đấy ạ
Cha John Diamond một nhà giảng thuyết nổi tiếng ở Mỹ có kể lại câu chuyện này: “Hôm đó có một linh hồn vì chán ngấy cuộc sống ở thế gian cho nên linh hồn đi lên trước cửa Thiên đàng. Tới nơi linh hồn gõ cửa. Ở trong có tiếng nói vọng ra: “Ai đó?” Linh hồn trả lời: “Con đấy ạ”.
Cửa vẫn đóng. Sau đó linh hồn trở về với đời sống ở trần thế tìm thầy học đạo. Sau một thời gian thấy mình đã tiến bộ, linh hồn lại lên gõ cửa Thiên Đàng một lần nữa. Lại một tiếng hỏi từ bên trong như lần trước và linh hồn trả lời một cách quả quyết hơn: “Dạ chính con đây”.
Cửa vẫn đóng. Linh hồn lại phải trở về trần thế... mở sách Tin mừng để xem Chúa muốn gì. Quả thực khi mở Tin mừng ra linh hồn mới thấy con đường của mình phải đi là con đường nào. Đó là con đường tự huỷ. Chúa nói thật rõ về con đường phải làm chết cái tôi ích kỷ, hay khoe khoang, phô trương, hay tự mãn, hay ghen ghét. Phải làm chết đi cái tôi đầy hận thù, nhiều kiêu ngạo và đầy rẫy những ham muốn bất chính, để làm cho con người của mình dần dần được giống Thiên Chúa Cha trên trời.
Sau một thời gian thấy mình quả thực đã không còn là mình nữa thì linh hồn lại lên trời... lại gõ cửa... lại có tiếng từ bên trong hỏi vọng ra: “Ai đó?”
Vừa nghe xong câu hỏi linh hồn đáp lại ngay: “Dạ, thưa chính Chúa đấy ạ”.
Vừa trả lời xong thì linh hồn thấy cửa Thiên đàng được mở ra và cả một đạo binh các thiên thần long trọng đón linh hồn vào Thiên đàng. Thật vui biết bao!