Lời Chúa Ngày 20/05/2023: Thứ Bảy tuần 6 Phục sinh - Niềm vui trọn vẹn (Ga 16,23-28)

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

Lời Chúa Ngày 20/05/2023: Thứ Bảy tuần 6 Phục sinh - Niềm vui trọn vẹn (Ga 16,23-28)

Lời Chúa Ngày 20/05/2023: Thứ Bảy tuần 6 Phục sinh - Niềm vui trọn vẹn (Ga 16,23-28)

“Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì,
thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy”. (Ga 16,23)

 

BÀI ĐỌC I: Cv 18, 23-28

“Apollô trưng Thánh Kinh để minh chứng Đức Giêsu là Đấng Kitô”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Sau khi ở lại Antiôkia ít lâu, Phaolô ra đi, lần lượt ngài đi qua các vùng Galata và Phrygia, làm cho tất cả môn đồ thêm vững mạnh.

Bấy giờ có một người Do-thái tên là Apollô, quê ở Alexan-dria, rất lợi khẩu và thông biết Thánh Kinh, ông đến Êphêxô. Ông đã học thông đạo Chúa; ông nhiệt tâm rao giảng và siêng năng dạy những điều về Đức Kitô, mặc dầu ông chỉ biết phép rửa của Gioan. Vì thế ông bắt đầu hành động mạnh dạn trong hội đường. Khi Priscilla và Aquila nghe ông, liền đón ông (về nhà) và trình bày cặn kẻ hơn cho ông biết đạo Chúa. Ông muốn sang Akaia, thì các anh em khuyến khích ông và viết thơ cho các môn đồ xin họ tiếp đón ông. Đến nơi, ông đã giúp các tín hữu rất nhiều, vì ông đã công khai phi bác những người Do-thái cách hùng hồn; ông trưng Thánh Kinh để minh chứng Đức Giêsu là Đấng Kitô.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 46, 2-3. 8-9. 10

Đáp: Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian (c. 8a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Đấng Tối cao, khả uý, Người là Đại Đế trên khắp trần gian. - Đáp.

2) Vì Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người, Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người. - Đáp.

3) Vua chúa của chư dân, đã nhập đoàn với dân riêng Thiên Chúa của Abraham. Vì các vua chúa địa cầu thuộc quyền Thiên Chúa: Người là Đấng muôn phần cao cả! - Đáp.

 

Tin mừng: Ga 16,23-28

23Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.

24Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn. 25Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em.

Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở.

26Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. 27Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến.

28Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Nhờ Danh Chúa Giêsu mà mỗi người chúng ta được Chúa Cha yêu mến và nhận lời khi ta cầu xin. Hãy tin mến Chúa Giêsu, Ngài là nguồn cậy trông của người Kitô hữu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Chúa đã gánh tội cho con. Không có Chúa, con chẳng thể nào xứng đáng ca tụng Thiên Chúa, chẳng đủ sức đi về nhà Cha. Nhờ công ơn cứu chuộc của Chúa mà con được trở lại làm con Thiên Chúa, được hưởng mọi phúc lộc của kẻ làm con. Chúa đã làm người để con người được làm con Thiên Chúa. Phẩm giá của con tùy thuộc vào Danh Chúa. Con biết khi cậy trông Danh Chúa, con trở nên lớn lao trước mặt Cha trên trời.

Xin cho con được thực tâm mến Chúa, xin cho con biết tin nhận Chúa để con đáng được Cha trên trời yêu mến và nhận lời con cầu xin.

Con tin mến Chúa bằng cả cuộc sống biết thực thi Ý Chúa. Chúa đã nói “Ai yêu Ta thì sẽ giữ Lời Ta”. Chúa không muốn con chỉ tin Chúa trên môi miệng hoặc chỉ mến Chúa bằng cảm xúc mau qua. Vì mến tin Chúa, con quyết sống đạo và con sẽ được Chúa Cha thương đón nhận như một của lễ nhờ Danh Chúa.

Tuy thế, sống theo niềm tin vào Danh Chúa vẫn là một thách đố cho con. Đôi khi vì sống theo Thánh Ý Chúa, con trở nên nghèo hơn, mệt hơn, vất vả hơn. Ngược lại, khi sống theo kiểu thế gian, con thấy thoải mái hơn, an nhàn hơn. Nhưng dù vậy xin Chúa cho con lòng tin mạnh mẽ để con dám can đảm khước từ những thiện hảo trần thế không đẹp lòng Chúa, để con đáng được Chúa Cha yêu mến và được hưởng phần gia nghiệp trên trời. Amen.

Ghi nhớ: “Cha yêu mến các con, bởi vì các con yêu mến và tin Thầy”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Phân tích

Tiếp bài giáo lý về việc Chúa Giêsu trở lại: “Hãy xin thì sẽ được… Ngày đó các con sẽ nhân danh Thầy mà xin.”

Suy gẫm

1. Bài Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng hai chữ “Ngày ấy…”, vẽ lên một tương lai rất tốt đẹp: “Ngày ấy…chúng con xin Chúa Cha điều gì thì Ngài sẽ ban cho các con nhân danh Thầy.” Nhưng “ngày ấy” là ngày nào ?

Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu nói: “Ít lâu nữa chúng con sẽ không thấy Thầy, nhưng lại ít lâu nữa chúng con lại thấy Thầy” (Ga 16,17). Vậy “ngày ấy” là ngày Thầy trò gặp lại nhau sau một thời gian xa cách. Khi gặp lại nhau như thế, liên hệ Thầy trò sẽ kết gắn bó, đến nỗi tuy hai nhưng chỉ là một, Thầy ở trong trò và trò ở trong Thầy.

Và chính Thầy trò liên hệ mật thiết với nhau như thế mới có hệ quả tốt đẹp là “Chúng con nhân danh Thầy mà xin điều gì với Chúa Cha thì Ngài sẽ ban cho chúng con hết.” Thật đúng như lời Chúa Giêsu nói ở trước chương này, trong dụ ngôn cây nho: “Nếu chúng con ở trong Thầy và Thầy ở trong chúng con, thì chúng con muốn xin gì cứ xin, chúng con sẽ được như ý” (Ga 15,7). Và điều này rất đúng, bởi vì khi chúng ta và Chúa Giêsu ở trong nhau, nên một với nhau thì Chúa Giêsu muốn gì, xin gì thì ắt chúng ta cũng muốn và xin như thế. Nói cách khác chúng ta không muốn và không xin gì ngoài những gì Chúa Giêsu muốn và xin. Và bởi vì Chúa Cha luôn nhận lời Chúa Giêsu xin nên cũng sẽ luôn nhận lời chúng ta.

Từ đó tôi hiểu rằng điều tốt đẹp nhất tôi sẽ nhận được trong “ngày ấy” không phải là việc tôi xin gì và được gì, nhưng là việc tôi và Chúa Giêsu ở trong nhau và nên một với nhau, khiến tôi chỉ còn muốn những gì mà Chúa Giêsu muốn và xin những gì mà Chúa Giêsu xin.

2. Cầu nguyện là đứng về phía Chúa: Khi Nam Bắc phân tranh bùng nổ tại Hoa Kỳ vào khoảng năm 1860, Một vị giáo sĩ nọ đã đến gặp tổng thống Abraham Lincoln và trịnh trọng phát biểu: “Thưa tổng thống, chúng ta hãy luôn tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn ở phía chúng ta trong cuộc chiến này.” Nghe thế, tổng thống Abraham Lincoln vặn lại: “Tôi không mấy quan tâm về điều đó, vì tôi biết rằng Thiên Chúa luôn đứng về phía những người công chính. Tôi luôn lo lắng và cầu nguyện để tôi và toàn dân Mỹ luôn đứng về phía Chúa.”

3. “Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.”

“Cha ơi! làm sao con có thể sống được khi đó là người thân duy nhất của con, chồng con đã phản bội con và giờ đây đứa con duy nhất sắp rời bỏ con rồi!” Lẫn trong những giọt nước mắt, người thiếu phụ thổn thức tâm sự cùng cha xứ như thế, khi đứa con của bà đang cận kề cái chết.

Với lòng tin tưỏng, cha quay sang hỏi người thiếu phụ: “Con có thể làm gì nếu như con muốn nó lành bệnh.” Bà vội trả lời: “Thưa Cha, con có thể hy sinh tất cả, kể cả cuộc sống của con, miễn sao con trai của con khỏi bệnh.”

“Cầu nguyện và tin tưởng vào Chúa chính là phương thuốc thần diệu nhất. Hãy về và cầu nguyện, Chúa sẽ nhận lời cầu xin tha thiết của con.”

Người thiếu phụ trở về và thành khẩn van xin Chúa. Như một phép lạ, cậu con trai dần dần bình phục trước sự vui mừng khôn tả của bà.

Tôi tin rằng Chúa luôn đáp lời tôi cầu nguyện dù Ngài đáp lại “Yes” hay “No”, tôi vẫn tin rằng tất cả chỉ vì Ngài thương tôi, muốn tôi được hạnh phúc.

Lạy Chúa, xin cho con biết lấy cầu nguyện là phương châm sống của đời con.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu (Ga 16, 23b-28)

  • Đức Giêsu dạy chúng ta thái độ phải có khi cầu xin với Cha là phải tin và lấy danh Đức Giêsu mà kêu cầu, chắc chắn Chúa Cha sẽ nhận lời. Như thế, lời cầu xin của chúng ta phải ở trong tương quan Cha – con, nghĩa là phải thể hiện lòng tin tưởng phó thác; tin Cha sẽ làm những gì tốt nhất cho mình. Trong niềm xác tín đó, chúng ta luôn mang tâm tình tạ ơn, ngay cả những điều ta xin không được, những điều không hợp ý ta, những điều xem ra không lợi cho chúng ta. Tất cả đều được Cha an bài trong yêu thương và tốt đẹp nhất cho chúng ta.
  • Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta có kinh nghiệm về sự bất toàn của mình, cũng như sự giới hạn về uy tín. Vì thế, có những điều chúng ta muốn không được và phải cần đến một trung gian làm cầu nối cho mình.
  • Hôm nay Đức Giêsu mạc khải cho các môn đệ về vai trò của Ngài trong mối tương quan với Thiên Chúa Cha, và Ngài hứa cho những ai nhân danh Ngài mà xin cùng Thiên Chúa Cha thì Người sẽ ban cho như ý. Đây là cách nhấn mạnh và cụ thể, rõ ràng, chứ thực ra, đã có lần Đức Giêsu nói: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống”, hay: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6).

    Tại sao hôm nay Đức Giêsu lại dạy các môn đệ chi tiết và cụ thể đến như vậy? Thưa là bởi vì trước kia, khi Đức Giêsu còn ở với các ông, diện đối diện, nên việc cầu xin nhân danh Đức Giêsu là điều mà ít ai nghĩ tới. Tuy nhiên, sau khi đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc qua cái chết, Đức Giêsu sẽ về với Chúa Cha, và như vậy, Ngài đảm nhận vai trò trung gian giữa con người với Thiên Chúa Cha cách đắc lực và hiệu quả. Vì thế, Ngài mới nhắn nhủ các môn đệ hãy nhân danh Ngài mà xin với Chúa Cha thì sẽ được như ý (Ngọc Biển).

  • Đức Giêsu đã hoàn thành sứ mạng ở trần gian, Ngài loan báo cho các môn đệ là sắp đến giờ Ngài ra đi. Ra đi không phải để đi mất mà để hiện diện lại cách mới mẻ và sâu xa hơn: “Thầy từ Chúa Cha mà đến thế gian và giờ đây Thầy trở về cùng Chúa Cha”. Phương thế để giữ liên lạc với Ngài và có sức mạnh trung thành đến cùng trên đường thập giá trong sự dấn thân hằng ngày là cầu nguyện. Cầu nguyện với Cha nhân danh Đức Giêsu.
  • Ngài dạy chúng ta thái độ phải có khi cầu xin với Chúa Cha là: Chúng ta tin và lấy danh Đức Giêsu kêu cầu, chắc chắn Chúa Cha sẽ nhậm lời. Với tâm tình con thảo, như Giáo lý Công giáo dạy: “Việc cầu nguyện cùng Cha của chúng ta phải làm triển nở trong chúng ta ý muốn nên giống như Ngài và nuôi dưỡng nơi chúng ta một tấm lòng khiêm nhu tin tưởng” (GLCG số 2800).

    Cha luôn dõi mắt theo từng người con mà ban phát như Đức Giêsu đã khẳng định: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11, 9-10). Lời cầu xin của chúng ta nhân danh Chúa Con, luôn ở trong tương quan Cha – con, nghĩa là phải thể hiện niềm tin phó thác: Tin Cha sẽ làm những gì tốt nhất cho mình.

  • Sinh hoạt nền tảng nhất của người Kitô hữu chính là cầu nguyện. Nhưng mãi mãi, có lẽ chúng ta phải thốt lên như các môn đệ Đức Giêsu: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” vì chúng con chưa biết cầu nguyện. Thay cho một lời giải thích về cầu nguyện, Đức giêsu đã dạy các môn đệ kinh Lạy Cha, đó là tất cả cuộc sống của Ngài, một cuộc sống luôn diễn ra phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.
  • Như vậy, cầu nguyện là đi vào tri giao mật thiết với Thiên Chúa, hay nói như Abraham Lincoln là đứng về phía Chúa. Thật ra, thái độ nền tảng của cầu nguyện là ra khỏi chính mình và đi vào tương quan với người khác. Người không thể đi ra khỏi chính mình và sống tương quan với người khác, không thể cầu nguyện một cách đúng đắn theo tinh thần của Đức Giêsu. Ai biết tôn trọng người khác và thiết lập với người khác tương quan đối thoại và lắng nghe, người đó mới có thể có đủ những điều kiện cần thiết để sống tương quan mật thiết với Đức Giêsu Phục sinh.

  • Truyện: Hiệu lực của lời cầu nguyện
  • Một ngày kia, thánh Étienne, vị thánh thành lập hội dòng Grammont, khi ngài đang giảng thuyết trước một cử tọa rất đông đảo người lắng nghe. Bỗng có một người đứng dậy, dám nói thẳng với ngài: “Thưa cha, mặc dù cha nói nhiều đến sự kinh tởm của tội lỗi, con cũng chả thèm muốn hoán cải tí nào cả và con sẽ bực bội khi nghe tin cha cầu nguyện cho con”.

    Ngạc nhiên trước những lời nói bạo gan này, vị thánh xúc động đến nỗi ngài phải khóc nức nở. Và ngay sau đó, ngài đánh chuông, tập họp các tu sĩ lại, và ngài nói với họ rằng: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho con người đáng thương này”.

    Vài giờ sau đó, trái tim của kẻ tội lỗi cứng đầu đó hoàn toàn thay đổi, anh ta nhận ra tình trạng thảm hại của linh hồn anh ta và quyết định sống một cuộc đời mới.

    Anh tìm đến gặp vị thánh, anh đã phủ phục dưới chân ngài và xin ngài tha thứ, anh ta cũng hứa sẽ từ bỏ hết các tật xấu và không bao giờ tái phạm chúng nữa.

    Thánh Étienne, nhân cơ hội cuộc trở lại này, ngài đã tỏ cho các môn đệ của ngài thấy sự hữu hiệu của lời cầu nguyện.

    Tag:

    2023-05-20

    Lời Chúa Hôm Nay
    Đọc Kinh Sáng
    Lịch Công Giáo