Bài đọc I: St 3,9-15.20
“Mẹ của toàn thể chúng sinh”
Bài trích sách Sáng thế
Sau khi Ađam ăn trái cấm, Chúa là Thiên Chúa đã gọi ông và nói cùng ông rằng: “Ngươi ở đâu vậy?” Ông thưa: “Con nghe tiếng Ngài trong vườn, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con ẩn núp”. Chúa hỏi ông: “Ai đã cho ngươi biết ngươi đang trần truồng? Có phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi ăn không?” Ađam thưa: “Người phụ nữ mà Ngài đã cho làm bạn với con, chính bà ấy đã cho con trái cây và con đã ăn”.Chúa là Thiên Chúa nói cùng người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi làm điều đó?” Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối con, và con đã ăn”. Chúa là Thiên Chúa phán cùng con rắn rằng: “Bởi vì mi đã làm điều đó, mi là thứ bị chúc dữ giữa mọi súc vật và thú hoang! Mi sẽ bò bằng bụng và sẽ ăn bụi đất suốt đời mi. Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ Bà, người miêu duệ này sẽ đạp đầu mi, còn mi sẽ cắn gót chân người”. Rồi Ađam đặt tên cho vợ mình là Evà, vì bà là mẹ của chúng sinh.
Đó là Lời Chúa.
Hoặc: Cv 1,12-14
“Các Tông đồ đồng tâm kiên trì cầu nguyện cùng với Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu”
Bài trích sách Công vụ Tông đồ
Sau khi Chúa Giêsu lên trời, các Tông đồ rời núi Cây Dầu trở về Giêrusalem, núi này ở gần Giêrusalem, chỉ cách một quãng đường được đi trong ngày sabbat. Sau khi trở về thành, các ông lên phòng trên lầu. Hiện diện tại đây có các ông Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philipphê, Tôma, Bartôlômêô, Matthêu, Giacôbê con ông Alphê, Simon nhiệt thành, và Giuđa con ông Giacôbê. Mọi người đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện, cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria, mẹ của Chúa Giêsu, và các anh em Người.
Đó là Lời Chúa.
Đáp ca: Tv 86 (87) 1-2.3 và 5.6-7
Đáp: Hỡi thành đô của Thiên Chúa, mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành.
1. Nền móng Sion được đặt trên núi thánh, Chúa yêu chuộng cửa thành hơn mọi nơi cư ngụ của nhà Giacob. Hỡi thành đô của Thiên Chúa. Mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành.
2. Nói đến Sion, thiên hạ bảo: “Tại đó, người người đã sinh ra, chính Đấng Tối Cao củng cố thành”.
3. Thiên Chúa ghi vào sổ bộ các dân: “Kẻ này người nọ đã sinh ra tại đó”, và họ múa nhảy hát ca: “Mọi nguồn mạch của tôi ở nơi thành”.
Alleluia
Alleluia! Alleluia! Kính chào Đức Trinh Nữ diễm phúc, Mẹ đã hạ sinh Chúa Giêsu. Kính chào Mẹ Hội Thánh, Mẹ là Đấng giữ gìn trong chúng conThần Khí của Thánh Tử Giêsu Kitô. Alleluia!
PHÚC ÂM: Ga 19: 25-34
“Đây là mẹ của anh”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Maria Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
Sau đó, Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.
Hôm đó là ngày áp lễ, người Dothái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày Sabát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.
Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM LỜI CHÚA HÔM NAY
THỨ HAI TUẦN 7 TN
ĐỨC MA-RI-A, MẸ HỘI THÁNH
GA 19,25-34
ĐƯA MẸ VỀ NHÀ MÌNH
Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19,26-27)
Suy niệm: Đứng dưới chân thập giá Đức Ki-tô có Đức Ma-ri-a. Đứng bên cạnh Đức Ma-ri-a lại có người môn đệ Chúa thương mến. Khi cùng đứng chung với nhau trước cơn đau khổ, người ta thấy mình có liên hệ gần gũi với nhau hơn, người ta được tăng thêm sức mạnh. Lời trăng trối của Đức Giê-su càng củng cố làm cho mối liên hệ ấy trở nên bền vững. Trên thập giá Ngài thiết lập căn tính mới, liên hệ mới giữa Mẹ của Ngài với người môn đệ: Mẹ của Thầy cũng là Mẹ của anh. Khi phục sinh Chúa sẽ nói: “Thầy lên cùng Cha Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17).
Mời Bạn: Khi rước Mẹ về nhà mình, chúng ta được cùng với Mẹ thông phần cuộc khổ nạn với Đức Ki-tô. Giờ đây, đau khổ của ta được thông phần với đau khổ của Chúa, cuộc chiến của ta chống lại ma quỷ, tội lỗi cũng chính là cuộc chiến mà Đức Ki-tô tham chiến và đã chiến thắng. Rước Mẹ về nhà mình, chúng ta được gần nhau hơn, gần Chúa hơn và nhất là được tăng sức mạnh mẽ hơn cho sứ mạng của chúng ta.
Sống Lời Chúa: Gia đình, cộng đoàn tôi “rước Mẹ về nhà mình” bằng cách cầu nguyện và lần chuỗi Mân Côi chung với nhau.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ đứng kề Thánh Giá hiệp thông với Đức Giê-su Con Mẹ trong cuộc khổ nạn. Xin Mẹ dắt chúng con đến với Chúa để Thánh Giá Chúa trở nên bí tích cứu độ chúng con.
LẼ SỐNG
20 Tháng Năm
Kẻ Ăn Cắp Một Ổ Bánh Mì
Người ta thường kể về một trong những ông thị trưởng đầu tiên của thành phố New York bên Hoa Kỳ giai thoại như sau: một ngày mùa đông lạnh buốt nọ, ông thị trưởng phải chủ tọa các phiên tòa. Người ta điệu đến trước mặt ông một ông lão quần áo tả tơi. Người đàn ông này bị tố cáo là đã ăn cắp một mẩu bánh mì. Lời tự biện hộ duy nhất mà người đàn ông khốn khổ đưa ra là: "Gia đình tôi đang chết đói".
Nghe xong lời cáo buộc của cử tọa cũng như lời biẹn bạch của ông lão, viên thị trưởng đưa ra phán quyết như sau: "Luật pháp không tha thứ cho bất cứ một hành động xấu nào. Tôi thấy cần phải trừng phạt ông, và hình phạt cho tội ăn cắp là ông phải đóng 10 đô la". Vừa công bố bản án, ông thỉntưởng rút trong túi của mình ra 10 đô la và trao cho ngwòi đàn ông khốn khổ. Quay xuống cử tọa ông nói tiếp: "Ông lão đã bồi thường vì tội ăn cắp của ông. Còn phần quý vị, tôi yêu cầu mỗi người phải đóng 50 xu tiền phạt vì sống dửng dưng đến độ để cho trong thành phố của chúng ta còn có một người nghèo phải đi ăn cắp". Nói xong, ông ra lệnh cho viên biện lý đi thu tiền vảtao tất cả cho ông lão.
Khi chiếc mũ đã được truyền một vòng tòa án và trở về tay mình, ông lão đếm được tất cả 47 đô la 50 xu.
Trong sứ điệp Mùa Chay năm 1991, Ðức thánh Cha Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta hãy đọc và suy ngẫm về bài dụ ngôn người giàu có và Lazarô.
Mới nghe qua, chúng ta có cảm tưởng người giàu có trong bài dụ ngôn đã không làm điều gian ác nào để đến độ phải bị trầm luân. Chúa Giêsu đã không nói: ông đã trộm cướp, hay biển lận hoặc gian xảo trong việc làm ăn. Ngài cũng không kết án việc ông ngày ngày yến tiệc linh đình.
Vậy thì đâu là tội của người phú hộ? Thưa đó là tội dửng dưng trước nỗi khổ của người khác. Chúa Giêsu nói đến sự hiện diện ngày qua ngày của một người khốn khổ trước cửa nhà ông để cho chúng ta thấy sự đang tâm làm ngơ của người giàu có... Máu chảy, ruột mềm. Trước cảnh khốn khổ của người đồng loại, mà người giàu có ấy vẫn không biểu lộ một chút xúc động hoặc làm như không nhìn thấy, thì quả thật không gì đáng trách bằng, bởi vì người giàu có đã làm cho trái tim của mình khô cứng.
Dửng dưng trước nỗi khổ của người khác không là một thái độ vô thưởng vô phạt, mà là một hành động tội ác. Ông thị trưởng thành phố New York trong câu chuyện trên đây quả thực đã thấy được tội ác của chính ông và của thị dân của ông đối với lão ông ăn cắp bánh mì.