Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương,
vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. (Mc 6, 34)
Bài Ðọc I: Gr 23, 1-6
“Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta, và cho chúng có những chủ chăn”.
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Chúa phán: “Khốn cho các mục tử làm tản mát và xâu xé đoàn chiên Ta. Vì thế, Chúa là Thiên Chúa Israel phán cùng các mục tử chăn dắt dân Ta rằng: “Các ngươi đã phân tán xua đuổi và không trông nom đoàn chiên Ta”. Chúa lại phán: “Vậy Ta sẽ xét xử những hành động gian ác của các ngươi. Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta từ khắp các xứ mà Ta đã phân tán chúng, Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ, để chúng lớn lên và tăng số. Ta sẽ cho chúng có những chủ chăn để họ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn sợ hãi và kinh hoàng, và chúng không còn thiếu thốn gì nữa”.
Chúa còn phán rằng: “Này đây, đã tới những ngày Ta gây cho Ðavít một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan, thực hiện công lý và đức công bình trên đất nước. Những ngày ấy, Giuđa sẽ được cứu thoát, Israel sẽ được an cư, và chúng sẽ gọi tên Người là “Chúa công bình của chúng ta”.
ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Đáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).
Xướng:
1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. - Đáp.
2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa, ) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con. - Đáp.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Đáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Đáp.
Bài Ðọc II: Ep 2, 13-18
“Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, xưa kia anh em là những kẻ ở xa, thì nay trong Ðức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu huyết của Người. Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người, tức là bãi bỏ lề luật cũ với những thể lệ để kiến tạo cả hai nên một người mới, đem lại bình an, dùng thập giá giải hoà hai dân tộc trong một thân thể với Thiên Chúa. Nơi Người, mối thù nghịch đã bị tiêu diệt, và Người đã đến loan báo Tin Mừng bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Và chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Cha trong cùng một Thần Trí.
Tin mừng: Mc 6, 30-34
30 Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.
31 Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.
32 Vậy, các ngài xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.
33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài.
34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.\
Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 16 Thường niên năm B:
WHĐ (17.07.2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 16 Thường Niên năm B theo sự hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.
Số 2302-2306: Đức Kitô là bình an của chúng ta
Số 2437-2442: Những chứng nhân và những người xây dựng công lý và hoà bình
Bài Ðọc I: Gr 23, 1-6
Bài Ðọc II: Ep 2, 13-18
Phúc Âm: Mc 6, 30-34
Số 2302-2306: Đức Kitô là bình an của chúng ta
Số 2302. Khi nhắc lại điều răn: “Chớ giết người” (Mt 5,21), Chúa chúng ta đòi chúng ta giữ trái tim bình an và Người tố cáo tính vô luân của việc giận dữ và sự căm ghét.
Giận dữ là một ước muốn trả thù. “Ước muốn báo thù vì điều xấu của kẻ đáng bị phạt, là không hợp pháp”: nhưng bắt phải đền bù “nhằm sửa chữa lại các thói xấu và duy trì điều tốt của đức công bằng” là điều đáng khen ngợi[1]. Nếu giận dữ đến độ chủ ý muốn giết chết hay làm bị thương nặng người lân cận, là xúc phạm đến đức mến một cách nghiêm trọng; đó là tội trọng. Chúa nói: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa” (Mt 5,22).
Số 2303. Căm ghét có chủ ý là điều nghịch với đức mến. Căm ghét người lân cận là có tội, khi một người chủ ý muốn điều xấu cho người khác. Căm ghét người lân cận là có tội nặng, khi một người chủ ý muốn cho người khác bị thiệt hại nghiêm trọng. “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,44-45).
Số 2304. Sự tôn trọng và sự phát triển đời sống con người đòi phải có hoà bình. Hoà bình không phải chỉ là vắng bóng chiến tranh, và không thể giản lược vào việc giữ được thế quân bình giữa các lực lượng đối nghịch nhau. Hoà bình không thể có được trên trái đất, nếu không có sự bảo vệ của cải của các nhân vị, không có sự truyền thông tự do giữa con người, không có sự tôn trọng phẩm giá của con người và của các dân tộc, không có sự chuyên chăm thực thi tình huynh đệ. Hoà bình là “sự ổn định của trật tự”[2]. Hoà bình là “sự nghiệp của đức công minh” (Is 32,17) và là hiệu quả của đức mến[3].
Số 2305. Hòa bình trên trần thế là hình ảnh và hoa trái của bình an của Đức Kitô, “Thủ lãnh Hòa Bình” thời Messia (Is 9,5). Nhờ máu đổ ra “trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù hận” ngay trong thân xác Người[4], Người đã giao hoà loài người với Thiên Chúa và làm cho Hội Thánh trở thành bí tích hợp nhất nhân loại và kết hợp nhân loại với Thiên Chúa[5]. “Chính Người là bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Người tuyên bố: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình” (Mt 5,9).
Số 2306. Những ai khước từ hành động bạo lực và đổ máu, sử dụng những phương tiện tự vệ vừa tầm những kẻ khá yếu đuối, để bảo vệ quyền lợi của con người, là những người làm chứng cho đức mến của Tin Mừng, miễn là điều này không phương hại đến các quyền lợi và bổn phận của những người khác và các tập thể khác. Họ làm chứng cách hợp pháp cho tính nghiêm trọng của những nguy cơ về thể lý và luân lý, khi sử dụng bạo lực, với những tàn phá và chết chóc của bạo lực[6].
Số 2437-2442: Những chứng nhân và những người xây dựng công lý và hoà bình
Số 2437. Trên bình diện quốc tế, sự bất bình đẳng về các nguồn tài nguyên và các phương tiện kinh tế là hết sức lớn lao, đến nỗi nó gây nên một “hố sâu” thật sự giữa các quốc gia[7]. Một bên là những quốc gia nắm giữ và gia tăng các phương tiện phát triển, bên kia là những quốc gia nợ nần chồng chất.
Số 2438. Nhiều nguyên do khác nhau về tôn giáo, chính trị, kinh tế và tài chính, khiến cho “vấn đề xã hội ngày nay mang một chiều kích quốc tế”[8]. Tình liên đới là cần thiết giữa các quốc gia vốn có liên hệ chính trị phụ thuộc lẫn nhau. Tình liên đới còn hết sức cần thiết khi vấn đề là phải loại trừ những “cơ chế máy móc bất nhân” gây chướng ngại cho sự phát triển của các quốc gia chậm tiến[9]. Thay vào các hệ thống kinh tài đầy lạm dụng hoặc thậm chí bóc lột[10], những tương quan thương mại bất công giữa các quốc gia, việc chạy đua vũ trang, cần phải có một nỗ lực chung để huy động các nguồn tài nguyên vào những mục tiêu phát triển luân lý, văn hóa và kinh tế “trước hết bằng việc làm sáng tỏ những vấn đề quan trọng nhất và các bậc thang các lợi ích, dựa theo đó … mà đề ra những kế hoạch”[11].
Số 2439. Các nước giàu có trách nhiệm luân lý nghiêm trọng đối với các nước không thể tự bảo đảm cho mình sự phát triển hoặc bị ngăn cản không phát triển được vì những biến cố lịch sử bi thảm. Đây là một bổn phận của tình liên đới và bác ái; đây cũng là sự bắt buộc của đức công bằng, nếu sự sung túc của các nước giàu là do những tài nguyên đã không được trả tiền cách công bằng.
Số 2440. Việc viện trợ trực tiếp là giải pháp thích hợp đáp ứng những nhu cầu trước mắt và đột xuất, chẳng hạn do thiên tai, nạn dịch, v.v…. Nhưng việc viện trợ này không đủ để bù đắp những thiệt hại nghiêm trọng do hoàn cảnh túng thiếu, cũng không thể trường kỳ đáp ứng các nhu cầu được. Phải cải tổ các thể chế kinh tế và tài chánh quốc tế, để chúng cổ võ cách tốt hơn những tương quan công bằng với các nước kém phát triển[12]. Phải nâng đỡ nỗ lực của các nước nghèo đang phấn đấu để tự phát triển và tự giải phóng mình[13]. Điều này phải được áp dụng cách hết sức đặc biệt trong lãnh vực lao động nông nghiệp. Các nông dân, nhất là ở thế giới thứ ba, là thành phần hết sức đông đảo trong số những người nghèo.
Số 2441. Gia tăng cảm thức về Thiên Chúa và sự hiểu biết chính mình là nền tảng của mọi phát triển trọn vẹn xã hội loài người. Sự phát triển này làm sinh sôi nảy nở các của cải vật chất và dùng chúng vào việc phục vụ con người và sự tự do của con người. Sự phát triển này làm giảm bớt nỗi khốn cùng và sự lạm dụng kinh tế. Nó làm gia tăng sự tôn trọng đối với các bản sắc văn hóa và đối với việc mở ngỏ hướng tới chiều kích siêu việt[14].
Số 2442. Sự can thiệp trực tiếp vào cơ cấu chính trị và vào việc tổ chức đời sống xã hội không thuộc về các mục tử của Hội Thánh. Nhiệm vụ này là một phần ơn gọi của các tín hữu giáo dân, là những người hành động bằng sáng kiến riêng cùng với đồng bào của mình. Hành động xã hội có thể bao hàm nhiều đường lối cụ thể. Hành động đó phải luôn nhắm tới công ích và phù hợp với sứ điệp Tin Mừng và với giáo huấn của Hội Thánh. Các tín hữu giáo dân có bổn phận “đem nhiệt tình Kitô giáo làm sinh động các thực tại trần thế, và trong đó tỏ ra mình là những chứng nhân và những người xây dựng công lý và hoà bình”[15].
Bài giảng Đức Thánh Cha - Chúa nhật 16 Thường Niên năm B
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 16 Thường Niên năm B (18.07.2021) - Người môn đệ cần nghỉ ngơi và có lòng trắc ẩn
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 16 Thường Niên năm B (22.07.2018) - Chúa Kitô là Chân Lý hướng dẫn cuộc sống chúng ta
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 16 Thường Niên năm B (19.07.2015) - Trông thấy, cảm thương và dậy dỗ
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 16 Thường Niên năm B (22.07.2012) - Thiên Chúa chữa lành
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Sau thời gian thực tập truyền giáo, các tông đồ vui mừng trở về báo cáo với Ðức Giêsu những gì các ông đã làm và đã dạy. Sau đó, Ðức Giêsu khuyên các ông vào nơi thanh vắng để nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi để lấy sức khỏe về phần xác và nhất là sức mạnh về tâm hồn. Người tông đồ của Chúa nếu không gắn chặt với Chúa bằng đời sống cầu nguyện thì công việc tông đồ không thể đạt được thành quả tốt đẹp.
Như khí trời cần cho con người, người Kitô hữu cũng cần phải cầu nguyện.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã thương chọn con làm công cụ cho những hồng ân cao cả của Chúa. Xin cho chúng con sống xứng đáng với lòng thương của Chúa, để mọi lời nói, việc làm của chúng con là chứng từ sống động có sức mời gọi các tâm hồn, và đưa họ về với nguồn ơn tha thứ của Chúa. Amen.
Ghi nhớ: Họ như đàn chiên không người chăn”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Phân tích
Chúa Giêsu như một chiếc phao giữa biển mà nhiều người lênh đênh bám vào. Thánh Mác-cô viết “Lúc ấy dân chúng người đến kẻ đi tấp nập đến nỗi các tông đồ không có thời giờ ăn uống”.
Trong hoàn cảnh bận rộn như vậy, Chúa Giêsu làm sao? Một mặt Ngài lo liệu cho các môn đệ Ngài được nghỉ ngơi: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Mặt khác, về phần mình, Ngài hy sinh thời giờ nghỉ ngơi của mình để tiếp tục phục vụ cho dân.
Động cơ của cách cư xử đầy lòng nhân hậu ấy là tình thương của Ngài: “Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông thì động lòng thương”.
Suy gẫm
1. Sau khi làm việc mệt nhọc, tôi có quyền nghỉ ngơi. Chính Chúa Giêsu cũng đã kêu các môn đệ tìm chỗ yên tĩnh để nghỉ ngơi.
Vì tôi có quyền nghỉ ngơi, nên lúc tôi đã mệt mà người ta vẫn đến “quấy rầy”, tôi thường bực bội gắt gỏng, trái lại Ngài động lòng thương và tiếp tục phục vụ.
Nếu tôi chưa được như Chúa, hy sinh cả thời giờ nghỉ ngơi, thì ít ra tôi đừng gắt gỏng với người ta. Tôi phải học biết “động lòng thương” họ.
2. Khi Chúa Giêsu động lòng thương dân chúng thì Ngài làm gì? Việc trước tiên Ngài làm không phải là chữa bệnh, mà là “dạy dỗ họ nhiều điều”. Chúa thương người ta đau khổ, nhưng Chúa càng thương hơn vì người ta không biết Tin mừng. Nói cho người ta một lời đem lại sức sống còn ích lợi hơn chữa cho người ta khỏi bệnh phần xác.
Tôi có sẵn những lời đó không? Nếu tôi gặp một người đang đau khổ, tôi sẽ nói gì để người đó thực sự được an ủi và lạc quan hơn chứ không có cảm tưởng nghe một lý thuyết suông?
3. Abraham Lincoln là Tổng thống Hoa kỳ đã phải đương đầu với cuộc nội chiến tang thương nhất trong lịch sử đất nước. Ngày nọ, căng thẳng gần như điên cuồng, ông đã nhờ người về nơi sinh quán của mình là Kentusky để mời cho được người bạn già đến thủ đô Washington cho ông tham khảo ý kiến. Hai người bạn mừng mừng tủi tủi khi gặp nhau. Sau những giờ phút tâm sự, tổng thống Lincoln cảm thấy tươi vui hẳn lên.
Về sau có người hỏi ông đã làm gì để tổng thống phấn khởi lên như thế, người bạn già của tổng thống cho biết: tổng thống không bàn hỏi với ông bất cứ điều gì có liên quan tới chiến tranh hay chuyện đất nước. Ông cũng cho biết là ông chỉ ngồi thinh lặng để lắng nghe tổng thống trút hết nỗi lòng của mình. (Chờ đợi Chúa)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
TẤM LÒNG CỦA VỊ MỤC TỬ
A. DẪN NHẬP
Đức Giêsu trong thân phận con người, vẫn là Thiên Chúa giàu lòng thương xót, nhạy cảm trước những nỗi đau khổ của con người. Ngài là vị Mục tử nhân lành hằng săn sóc đến mọi con chiên. Bài Tin mừng hôm nay minh hoạ cho chúng ta thấy lòng nhân ái của vị mục tử này.
Ngài quan tâm đến hết mọi người: các Tông đồ cũng như dân chúng. Ngài hằng quan tâm đến những nhu cầu của con người, dù chỉ là những người vô danh tiểu tốt hay nhỏ bé tầm thường nhất. Ngài đã không nỡ làm ngơ hay dửng dưng trước những nỗi khổ của con người, cho dầu họ là ai. Ta có thể tóm gọn đường hướng mục vụ của Vị Mục tử này là “Tất cả vì con người”. Vì thế, Ngài không sợ bị họ quấy rầy, sẵn sàng đón tiếp và thoả mãn những nhu cầu của họ.
Ngoài ra, Đức Giêsu cũng khích lệ các Tông đồ hãy nghỉ ngơi tĩnh dưỡng sau cuộc truyền giáo đầy vất vả khó nhọc. Nhưng nghỉ ngơi tĩnh dưỡng không có nghĩa là không làm gì, mà nghỉ ngơi là xem lại công việc mình đã làm để điều chỉnh cho đúng hướng; đồng thời cũng là để lấy sức cho những công việc tiếp theo. Như vậy, theo ý Đức Giêsu, thinh lặng nghỉ ngơi rất cần thiết cho đời sống tu trì, cho việc truyền giáo cũng như cho mọi hoạt động khác.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Gr 23,1-6
Chúng ta có thể chia trích đoạn này thành hai phần:
a) Phần đầu: Thiên Chúa dùng tiên tri Giêrêmia khiển trách sự chểnh mảng của vua và các tư tế trong nhiệm vụ của mình. Họ không lo lắng chăm sóc đoàn chiên của Ngài là dân Do thái. Thay vì kết hợp chiên lại, họ lại làm cho chúng phải phân tán, gặp nhiều tai hoạ. Cuộc lưu đày ở Babylon là một cảnh cáo đối với họ.
b) Phần cuối: Nhưng Thiên Chúa nói là Ngài sẽ lấy lại đoàn chiên ấy và sẽ đích thân chăm sóc: quy tụ chiên tản lạc lại, bảo vệ chúng khỏi hiểm nguy. Ngài sẽ ký thác đàn chiên cho các vị lãnh đạo biết lo lắng săn sóc, nhất là cho vị mục tử tuyệt hảo là Đấng Messia, xuất thân từ nhà Đavít.
+ Bài đọc 2: Ep 2,13-18
Theo trích đoạn thư thánh Phaolô gửi cho tín hữu Êphêsô, chúng ta có thể tìm ra được hai ý chính:
a) Phá đổ bức tường ngăn cách: xưa nay có một bức tường ngăn cách giữa người Do thái và dân ngoại. Đức Giêsu đã đổ máu ra trên thập giá để phá đổ bức tường ấy. Nhờ đó, từ nay dân Do thái và dân ngoại hoà giải với nhau.
b) Quy tụ nên một: Cũng nhờ cái chết của Ngài mà Đức Giêsu quy tụ những con chiên tản mác khắp nơi. Trong bản thân Ngài, Ngài đã tạo nên một kiểu nhân loại mới, tất cả mọi người, nhờ mối giây yêu thương, họ kết hợp với nhau, dân Do thái và dân ngoại, để từ nay mọi người đều hiệp nhất trong Ngài, làm thành một thân thể duy nhất là nhiệm thể Ngài.
+ Bài Tin mừng: Mc 6,30-34
Bài Tin mừng hôm nay cũng có thể chia thành hai phần:
a) Lo lắng cho các môn đệ: Trong bài Tin mừng tuần trước, Đức Giêsu đã sai 12 Tông đồ đi rao giảng Tin mừng, trong bài hôm nay, các ông trở về báo cáo với Ngài về những công việc của mình, thành công cũng như thất bại, những khó khăn cũng như thuận lợi. Ngài thấy các ông thấm mệt, nên bảo các ông xuống thuyền tìm một nơi yên tĩnh nghỉ ngơi một chút.
b) Bị quấy rầy: Nhưng khi vừa ra khỏi thuyền lên bờ, Đức Giêsu thấy đông đảo dân chúng đã kéo đến đón chờ Ngài. Họ phá vỡ chương trình nghỉ ngơi của Ngài và các Tông đồ. Tuy thế, Ngài chạnh lòng thương họ, thấy họ bơ vơ như đàn chiên không có người chăn. Ngài đành hy sinh sở thích của mình cũng như của các Tông đồ để ban phát Lời Chúa cho đám dân tội nghiệp này.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Đức Giêsu động lòng thương
I. MỐI QUAN TÂM CỦA ĐỨC GIÊSU
Đây là lần đầu tiên và duy nhất, Marcô gọi các môn đệ là “Tông đồ” (apostoloi), có nghĩa là “những kẻ được sai đi”. Như vậy chắc hẳn Marcô muốn đánh dấu một quan hệ mới của họ với Đức Giêsu. Chúa nhật vừa qua, ta đã nghe Ngài dặn dò các Tông đồ khi sai các ông đi rao giảng Tin mừng. Hôm nay các ông trở về sau một cuộc truyền giáo. Các ông kể lại cho Chúa những việc đã làm, giảng dạy và làm phép lạ, thành công và thất bại, kể cả những sự chống đối, khước từ và lãnh đạm...
1. Đức Giêsu quan tâm đến các Tông đồ
Marcô tóm lược tất cả sứ vụ của các Tông đồ trong hai bình diện “làm” và “nói”. Đó cũng là hoạt động của Đức Giêsu: những hành vi thương xót, giảng dạy. Ngài và các Tông đồ đều là những người thợ cùng làm một công việc. Đức Giêsu lắng nghe các ông với sự chú ý đầy tình âu yếm và khích lệ họ. Ngài chia sẻ niềm vui với các ông, nhưng nhận thấy các ông có vẻ thấm mệt sau một cuộc truyền giáo, nên Ngài bảo: “Các con hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi một chút”.
Chúng ta phải công nhận Đức Giêsu rất hiểu tâm lý con người. Bởi vì làm việc nhiều rồi thì dĩ nhiên mệt mỏi, cần phải nghỉ ngơi đôi chút để lấy lại nghị lực, rồi mới có thể làm việc được. Đức Giêsu đề nghị với các ông đang quá mệt mỏi vì công việc, hãy dành một thời gian để nghỉ ngơi thư giãn. Quá tải, căng thẳng thần kinh mà ngày nay người ta gọi là “Stress” có hại cho công việc tông đồ cũng như các công việc khác của con người.
Điều này nhấn mạnh rằng Đức Giêsu muốn bảo các Tông đồ sống riêng với Ngài, xa hẳn đám dân chúng để có bầu khí tương giao mật thiết hơn đối với Ngài và với nhau. Điều này cũng được biểu lộ khi Đức Giêsu chọn các Tông đồ “Để ở với Ngài” trước khi sai họ đi giảng (Mc 3,14) và ngay sau khi đi truyền giáo về, Ngài cũng muốn đem các ông đi nghỉ ngơi với Ngài.
Ngoài ra, ở đây ta cũng thấy Đức Giêsu không đề cập tới công việc của các ông, nhưng Ngài lại lưu ý riêng đến chính bản thân các ông: “Các con hãy nghỉ ngơi một chút” chứng tỏ rằng Ngài săn sóc cách riêng đến chính bản thân cộng sự viên của mình.
2. Đức Giêsu quan tâm đến dân chúng
Đức Giêsu muốn cùng các Tông đồ xa rời đám đông sang bên kia Biển hồ để Thầy trò sống thân mật và trao đổi tâm sự với nhau. Tuy vậy, dân chúng nhìn hướng đoán trước được thuyền của các Ngài định đi đến đâu. Từ Capharnaum đến miền lân cận Betsaiđa và Giulia xa chừng 10 cây số, dân chúng không quản ngại cuốc bộ, nên họ đến trước Đức Giêsu.
Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy dân chúng đã đợi sẵn ở đó thật đông, Ngài chạnh lòng thương họ, quên cả ý muốn nghỉ ngơi tĩnh dưỡng cho mình và cho các Tông đồ. Ngài chạnh lòng thương vì đám dân này sống bơ vơ như đàn chiên không có người chăn. Sở dĩ Đức Giêsu coi họ như đàn chiên không có người chăn, vì trong Cựu ước, những người có bổn phận phải dạy dỗ dân chúng là những vị thuộc hàng tư tế, những vị tiến sĩ luật, song các ông đã biếng nhác sao lãng bổn phận, vì phần đông chỉ lo tìm tư lợi.
Thánh Marcô, giống như nhà quay phim tài ba, đã thu cảnh đượm khuôn mặt Đức Giêsu lúc Ngài rời khỏi thuyền bước lên bờ, một khuôn mặt dịu hiền khôn tả, khuôn mặt của người cha nhân hậu, khuôn mặt của vị mục tử nhân lành, khuôn mặt của một vì Thiên Chúa không ngăn nổi nhịp đập thổn thức của con tim giàu lòng thương xót và hay trắc ẩn. Để thay vì Thầy trò quay lưng lại tìm đường khác trốn chạy, thì Ngài và các Tông đồ lại bước lên bờ tiếp xúc với họ và Ngài dạy dỗ họ nhiều điều.
Ở đây Marcô chỉ nói trống “Ngài dạy họ nhiều điều” mà không xác định Ngài đã dạy gì. Nhưng Luca có ghi rõ (Lc 9,10-11): Ngài đón tiếp họ, nói cho họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được cứu chữa. Chính việc giảng dạy” nhiều điều này” đã chứng thực lòng thương xót của Thiên Chúa.
II. MỐI QUAN TÂM CỦA CHÚNG TA
1. Quan tâm đến hết mọi người
Đức Giêsu là hiện thân của một Thiên Chúa mang “Trái tim đa cảm” trước đau khổ của con người. Chưa bao giờ Ngài nặng lời với hạng người mang tiếng là “tội lỗi” hoặc khước từ thi ân giáng phúc cho những người bé mọn. Ngài là một bậc thầy nhân ái biết lắng nghe các môn đệ phúc trình công việc, nhưng thương họ vì thấy họ cần được nghỉ ngơi. Ngài cũng tỏ lòng nhân ái khi thấy đám dân chúng bơ vơ như đàn chiên không người chăn và dạy dỗ họ nhiều điều. Để tỏ lòng biết thương người, chúng ta hãy làm một số việc sau đây:
a) Sẵn sàng bị quấy rầy
Bài Tin mừng diễn tả: chung quanh Đức Giêsu lúc nào cũng có đám đông muốn nghe lời Chúa và muốn được Ngài thi ân. Ngài làm việc không biết mỏi mệt. Thậm chí các Tông đồ vừa đi truyền giáo về mệt nhoài, cần sự tĩnh dưỡng nghỉ ngơi bên Chúa, nhưng cũng không được. Chương trình nghỉ ngơi đã bị phá vỡ, vì dân chúng lại đến quấy rầy, họ muốn nghe lời Chúa, họ muốn được chữa bệnh, việc đó làm cho Ngài và các Tông đồ bận rộn đến nỗi không có thời giờ ăn uống…
Nhưng trước hoàn cảnh ấy, Đức Giêsu đã phản ứng ra sao? Không bực dọc, Ngài tiếp đón dân. Điều này nói với chúng ta nhiều về cung cách nhân từ của Ngài. Ngài xúc động vì thương yêu họ. Những bậc thầy chính thức không có thời giờ dành cho dân thường, nhưng Đức Giêsu dành thời giờ cho họ. Đó là lý do họ lũ lượt đi theo Ngài.
Truyện: Sẵn sàng bị quấy rầy
Một lần kia, có người đàn ông đến gặp bạn mình, là giáo sư của một trường đại học lớn. Tuy nhiên, vì họ ngồi nói chuyện phiếm trong phòng giáo sư, nên liên tục bị gián đoạn bởi các sinh viên đến gõ cửa, họ tìm giáo sư để xin hướng dẫn về điều này, điều nọ. Mỗi lần như thế, ông giáo sư từ ghế đứng lên, đi đến cửa, đáp ứng nhu cầu của sinh viên. Bất ngờ, người bạn đến thăm hỏi ông giáo sư:
- Bạn xoay sở thế nào để làm việc được với quá nhiều lần gián đoạn như thế?
Ông giáo sư trả lời:
- Lúc đầu, tôi luôn bực bội vì công việc của mình bị gián đoạn. Nhưng một ngày kia, thình lình tôi thấy rõ rằng những lúc bị gián đoạn cũng là công việc của tôi.
Ông giáo sư có thể khóa kín cửa lại, và dành hết thời giờ cho công việc của ông. Theo cách này thì không chút nghi ngờ, ông đã có một đời sống yên tĩnh hơn. Nhưng là một người quảng đại và vị tha, ông không thể làm như vậy. Trái lại, ông sẵn sàng phục vụ các sinh viên mà ông yêu mến. Và không lạ gì ông là một giáo sư hạnh phúc nhất và mãn nguyện nhất trong trường (Flor McCarthy).
Bị người khác làm gián đoạn, ngắt quãng có thể là một điều tốt. Chúng ta nhờ thế mà tránh được sự quan tâm quá đáng về chính mình. Tính ích kỷ là một thứ nhà tù giam hãm mình. Mặt khác, tình yêu thương đem lại tự do cho chúng ta.
Đức Tổng giám mục Kelder Camara nói:
“Bạn hãy chấp nhận những sự bất ngờ làm đảo lộn kế hoạch của bạn, làm tiêu tan những giấc mộng của bạn và làm cho dự định trong ngày hoàn toàn đổi hướng và – Nào ai biết được? – Có khi cả đời sống bạn. Đó không phải là sự tình cờ. Bạn hãy để Thiên Chúa được tự do kết dệt những đường nét của bạn mỗi ngày”.
Premanand là một Kitô hữu có thế giá, thuộc giới thượng lưu Ấn độ, đã viết trong tập tự thuật của ông: “Từ xưa cho đến mãi bây giờ, sứ điệp chúng ta cho thế giới chưa tin Chúa vẫn là: Thiên Chúa quan tâm đến mọi người. Đúng thế, chúng ta không nên quá bận rộn đến nỗi không dành được thời giờ cho người khác, và đừng bao giờ tự ý coi họ là kẻ gây rối phiền hà cho mình”. Nếu chúng ta lấy lý do bận rộn không chịu tiếp người khác thì chúng ta mất ngay những người khách đó, họ không bao giờ trở lại nữa.
Truyện: Không chịu tiếp khách
Ông Premanand tiếp tục kể lại một câu chuyện mà đáng lẽ ra có thể đã làm thay đổi toàn thể chiều hướng truyền đạo tại Bangal: Người ta ghi lại rằng Giám mục đầu tiên của thủ đô Ấn độ đã không chịu gặp Pandit Vidyasagar của Bangal cách chính thức. Ông Pandit được phái đi làm người phát ngôn cho cộng đồng Ấn độ giáo ở Calcutta, để thiết lập quan hệ thân hữu với vị giám mục và với Giáo hội Kitô.
Ông là người sáng lập trường cao đẳng Ấn độ giáo ở Calcutta, là nhà cải cách xã hội, một tác giả, và nhà giáo dục có tiếng, đã trở về bất mãn, vì không gặp được vị giám mục. Ông thành lập một đảng mạnh gồm toàn những người giàu có và trí thức ở Calcutta để chống đối giám mục và Giáo hội, ngăn chặn sự bành trướng của Kitô giáo...
Sự chú trọng hình thức, nghi lễ của một viên chức Giáo hội đã làm cho một người bạn trở thành một kẻ thù. Một cơ hội cho Chúa đã bị đánh mất, vì một người quá câu nệ hình thức lễ nghi, đã không chịu để cho đời sống riêng tư của mình bị quấy rầy. Một số người vì không muốn để cho người khác đụng đến cuộc sống riêng tư của mình mà đã làm mất cơ hội cho Chúa. Đức Giêsu không bao giờ xem ai là mối phiền hà cho mình, dù lúc Ngài cần nghỉ ngơi và yên tĩnh. Nhìn đám đông, Ngài cảm động và thương xót họ; họ quá ư nhiệt thành, họ quá mong muốn điều mà chỉ một mình Ngài mới ban cho họ được.
b) Sự săn sóc chu đáo
Đức Giêsu luôn quan tâm săn sóc mọi người khi họ cần đến Ngài. Ngài sẵn sàng đến nhà ông trưởng hội đường Giairô cứu con gái ông sắp chết (Mc 5,21-24.35-43). Ngài sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của một viên sĩ quan đại đội trưởng đến chữa bệnh cho đứa đầy tớ của ông. Ngài đã dành biết bao thời giờ cho việc rao giảng Tin mừng và chữa bệnh. Ngài không mệt mỏi phải thi ân. Ngài luôn quan tâm săn sóc hết mọi người.
Quan tâm săn sóc không bao giờ là một việc dễ dàng. Một số người muốn săn sóc chút ít, với điều kiện theo cách của họ, không quá phiền hà và không đảo lộn những dự tính của họ. Nhưng hãy chăm sóc như Đức Giêsu đã làm, khi những kế hoạch của mình bị đảo lộn, đây là một trắc nghiệm tốt nhất. Lúc nào các bậc cha mẹ cũng làm việc đó. Bao nhiêu lần họ đã trỗi dậy trong đêm để ngắm nhìn đứa con của họ.
Tất cả chúng ta đều có khả năng chăm sóc. Nhu cầu săn sóc con người là rất lớn. Sự thờ ơ đang lan rộng phổ biến trong xã hội chúng ta. Khi chúng ta dành thời giờ để chăm sóc người khác, là chúng ta đang sống Tin mừng.
Truyện: Cần được viếng thăm
Mẹ Têrêsa Calcutta kể lại một ngày nọ, Mẹ đến thăm nhà nuôi các cụ già ở Thụy Điển. Mọi việc đều trôi chảy, thức ăn ngon, nhân viên đều được đào tạo và đối xử với các cụ rất tốt. Dường như đó là nơi lý tưởng cho những ngày còn lại của cuộc đời.
Trong nhà ấy, có khoảng 40 người già. Tuy nhiên khi Mẹ rảo quanh một vòng, Mẹ nhận thấy không có cụ nào mỉm cười. Mẹ cũng nhận ra một việc khác. Họ cứ nhìn ra cánh cổng. Mẹ hỏi một chị điều dưỡng tại sao lại thế? Chị điều dưỡng đáp: “Họ mong ngóng có người đến thăm họ. Lúc nào họ cũng nhìn ra và suy nghĩ. Có lẽ là con trai tôi, có lẽ là con gái tôi, có lẽ là một người nào đó sẽ đến thăm tôi hôm nay. Nhưng không một ai đến, và ngày nào cũng thế”.
“Không một ai đến?” Câu nói này ám ảnh Mẹ Têrêsa. Những cụ già này đã bị gia đình đưa vào đây và bỏ rơi họ. Hơn thế nữa, cảm giác bị bỏ rơi là nỗi đau khổ nhất của họ (Flor McCarthy).
c) Sự thông cảm hợp thời.
Tôi đã có dịp đọc cuốn “No man is an island” của Thomas Merton, cái nhan đề này đã nói lên rất nhiều về nội dung của cuốn sách cũng như tư tưởng chính yếu của tác giả. Nó chính là một câu trả lời gián tiếp cho những ai chủ trương rằng con người là một thế giới khép kín, là một con vật bị đoạ đầy, bỏ rơi, một mình đương đầu với số mệnh mù quáng và phũ phàng trong một thế giới mà mọi người và mọi vật khác đều xa lạ nếu không là thù địch với mình.
Đọc trong Tin mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu luôn thông cảm với những đau khổ của con người, ví dụ Ngài khóc thương thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá (Lc 19,44), khóc thương người con trai của bà góa phụ thành Naim khi người ta đem chàng đi chôn (Lc 7,11-17) và khóc thương bên mồ Lazarô đã chết bốn ngày (Ga 11,1-14).
Đó là ba trường hợp Đức Giêsu tỏ ra thông cảm bề ngoài với những giọt nước mắt nóng hổi như chúng ta. Đức Maria cũng tỏ ra lo lắng khi chủ nhà giữa tiệc hết rượu tại Cana, Ngài đã xin Đức Giêsu can thiệp và phép lạ nước thành rượu đã được thực hiện (x. Ga 2,1-11).
Thánh Phaolô tông đồ đã đưa ra một học thuyết mới về thân thể Đức Kitô: Giáo hội là một thân thể, Chúa Kitô là đầu và chúng ta là chi thể của thân thể ấy, tức là chi thể của nhau. Các chi thể liên lạc mật thiết với thân, với đầu và với nhau, nên anh em có giây liên lạc với nhau một cách đặc biệt. Vì thế, thánh Tông đồ dân ngoại đã khuyên chúng ta phải biết thông cảm với nhau: “Hãy vui cùng kẻ vui, khóc cùng kẻ khóc” (Rm 12,14).
Người đời cũng nhận thấy rằng mình không thể sống đơn độc được, cả về vật chất lẫn tinh thần. Con người có nhu cầu vật chất cần trao đổi, có những tình cảm cần phải được chia sẻ trong đời sống thường ngày. Nhờ đó, đời sống con người mới được quân bình. Quan niệm này được diễn tả ra qua những câu tục ngữ:
- Một con ngựa đau, cả tàu chê cỏ.
- Chị ngã em nâng.
- Lá lành đùm lá rách.
- Máu chảy ruột mềm.
- Không ai khen đám cưới, ai nỡ cười đám ma.
Tuy nhiên, trong việc thông cảm với nhau phải biết lựa lời nói cho thích hợp với hoàn cảnh kẻo làm phật lòng người ta. Nói đúng ra, đấy là một lối thông cảm trái mùa.
Truyện: Thông cảm trái mùa
Hai người đàn bà đi trong xe hoả nói chuyện với nhau. Bà mặc áo đen kể lể với người bạn về những sự khổ cực trong gia đình mình: nào là làm ăn thua thiệt, con cái bướng bỉnh... nhất là mình mới mất người chồng thân yêu, làm cho đời trở nên buồn tẻ, cô đơn.
Bà mặc áo vàng ngồi bên tỏ vẻ thông cảm với người đàn bà đau khổ kia đã nói: Tôi cũng rất buồn, vì tôi mới mất một con chó Vện, con chó này khôn lắm, nó biết canh nhà cẩn thận, tôi đi đâu nó cũng tìm đến được, thật là con chó đánh hơi rất tài tình. Nay nó chết, tôi buồn quá... Như vậy hai chị em mình cùng chia sẻ nỗi buồn với nhau!!!
2. Nghỉ ngơi tĩnh dưỡng
Sau cuộc hành trình truyền giáo vất vả, các Tông đồ phấn khởi thuật lại cho Đức Giêsu nghe những thành quả vàng son của mình. Nhưng Ngài lại quan tâm đến con người hơn là công việc, nên Ngài khuyên các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút” (Mc 6,31).
Đức Giêsu khích lệ các ông đi đến một nơi thanh vắng yên tĩnh, chắc chắn vượt xa hơn cảnh huống cụ thể của đời thường. Đời sống nội tâm đòi buộc phải suy niệm. Sự náo động bên ngoài chỉ đưa đến phiến diện bề ngoài. Không có một công trình vĩ đại nào của con người được thực hiện mà lại không có sự tập trung cao độ, cố gắng yên tĩnh và tự chủ. Bất cứ cuộc sống đứng đắn nào của con người cũng phải trải qua từ giai đoạn hoạt động “bên ngoài” đến giai đoạn suy tư “bên trong”.
Khi được hỏi bí quyết nào khiến George Washington Carver thành công trong thành tựu khoa học của mình với trên 300 sản phẩm hữu dụng, ông đã trả lời: “Tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng, và trong sự yên tĩnh của buổi mai, tôi lắng nghe tiếng Chúa và chương trình Ngài xếp đặt cho tôi”.
P. Doncoeur đã quả quyết: “Không một vĩ nhân nào đã thành công mà không đắm mình trong tĩnh lặng để hồi tâm và cầu nguyện”.
Ernest Hello cũng quả quyết: “Tâm hồn càng nhận được nhiều trong yên lặng thì càng ban phát nhiều trong khi hoạt động”.
Maurice Barrès đã viết trong cuốn sổ tay của ông: “Trong đời sống hấp tấp và đa đoan của chúng ta, có những giây phút người ta cũng cần cầm trí lại tận trong đáy lòng, khác nào trở về nguồn, và từ đó nhìn cho rõ hơn mình đi đâu, đâu là nơi mình phải đến và nắn lại đường đi của mình cho ngay thẳng”.
Không có cuộc sống Kitô hữu nào vững chắc và sâu xa mà lại không thể hiện hai nhịp sau: sống “nội tâm” và hoạt động “bên ngoài”. Đức Giêsu làm gương yêu thích sự thinh lặng và dạy môn đệ theo con đường đó. Và nó rất cần thiết cho đời sống tu trì cũng như đời sống hoạt động, đặc biệt cho các nhà truyền giáo.
Đức Giêsu không nghĩ đến mình, Ngài chỉ quan tâm đến người khác. Ngài rất nhạy cảm trước những đau khổ của con người. Ngài đáp ứng những nhu cầu của họ nhằm đưa họ đến hạnh phúc. Hạnh phúc của người khác là đối trọng tình thương của Ngài. Mỗi người chúng ta có đời sống riêng tư, được sắp xếp theo ngăn nắp, hợp lý, chúng ta có quyền bảo vệ sự quân bình ấy, nhưng nếu có đôi lúc phải hy sinh cái lợi ích riêng tư ấy vì hạnh phúc của người khác, chúng ta hãy coi đó là một nhiệm vụ.
Xin cho con một quả tim như Chúa,
Biết cảm rung trước những nỗi đớn hèn,
Những bất toàn, những bất hạnh của anh em.
Để con không nỡ quay lưng tìm đường trốn chạy.
Xin cho con một trái tim nhân ái,
Biết chạnh lòng thương cảm trước tha nhân.
Dầu khi con muốn tìm chút an nhàn,
Muốn được hưởng chút niềm vui chính đáng.
Xin cho con đừng bao giờ than vãn,
Khi bị quấy rầy, đeo đuổi với nỉ non.
Bởi bao lâu mà đau khổ vẫn còn,
Thì tình Chúa vẫn dạt dào trong Chúa,
Cùng rung lên nhịp điệu của Thánh Linh.
Cho con dám dấn thân vì Chúa quên mình,
Bởi Chúa đã vì yêu mà trao ban tất cả.
4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
CHIÊN KHÔNG NGƯỜI CHĂN
Trong Cựu Ước, có những vị đang làm nghề chăn chiên
bỗng nhiên được Chúa gọi để trở thành người lãnh đạo.
Đavít và Môsê là hai vị lãnh đạo lớn của Dân Chúa,
có gốc làm nghề chăn chiên.
Họ được gọi để chăn đoàn chiên mới là Dân Chúa.
Có những mục tử chẳng quan tâm gì đến chiên.
Chính vì thế dân Do-thái vẫn mong một Mục Tử lý tưởng,
một vị lãnh đạo biết lưu ý đến nhu cầu của tha nhân.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy
đôi nét nổi bật trong cách lãnh đạo của Thầy Giêsu.
Các môn đệ đã ở với Thầy một thời gian,
được Thầy dạy dỗ và chứng kiến những phép lạ Thầy làm.
Họ đã được Thầy sai đi, làm những gì Thầy làm (Mc 6,12-13).
Sau một chuyến đi sứ vụ, giờ đây các tông đồ trở về,
gặp lại Thầy và gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng.
Ai cũng có chuyện để kể, có những thành công để khoe.
Nhiều người kinh ngạc khi lần đầu tiên đuổi được quỷ.
Có người phấn khích vì chữa được những bệnh nan y.
Cũng có người xúc động vì làm cho một người hối cải.
Bầu khí cuộc gặp gỡ giữa Thầy trò thật ấm áp và chân thành.
Chắc các tông đồ tin Thầy hơn, vì Thầy đã tin cậy và sai họ đi,
Thành công của họ thật ra là do quyền năng Thầy ban tặng.
Thầy Giêsu không giữ các môn đệ ở mãi bên mình.
Thầy sai họ đến với thế giới khổ đau đang cần nâng đỡ.
Nhưng sau khi sai họ đi, Thầy vẫn muốn quy tụ họ lại,
vì Thầy là sức sống cho người được sai.
Khi nghe các môn đệ thay nhau chia sẻ kinh nghiệm,
Thầy Giêsu hiểu rằng họ rất mệt vì quá tải.
Họ đã tín thác vào Thiên Chúa, khi chẳng có gì để mang,
đã tin vào lòng hiếu khách của con người,
khi chẳng lo gì về chỗ ăn chỗ ở.
Trước nhu cầu bao la của dân chúng,
họ đã làm việc liên tục đến nỗi giờ ăn cũng không có.
Bây giờ họ cần nghỉ một thời gian, ở một nơi vắng lặng.
Nơi vắng lặng là nơi không có dân chúng vây quanh,
là nơi chỉ có Thầy với các môn đệ.
Thầy Giêsu vẫn mê không gian tĩnh mịch (Mc 1,35.45),
dù Thầy chẳng sợ tiếp xúc với đám đông.
Nhiều lần Thầy đã ở riêng với họ (Mc 4,10.34; 9,28).
“Chính anh em hãy lánh riêng ra,
đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút!” (Mc 6,31).
Lời Thầy Giêsu nói với môn đệ cách đây hai ngàn năm
vẫn còn nói với từng người chúng ta hôm nay.
Thầy mời chúng ta đi nghỉ với Thầy ở nơi thanh vắng,
nơi có cỏ xanh và cũng có thôn xóm làng mạc (Mc 6,36.39).
Phục vụ cho dân chúng là điều tốt,
nhưng Thầy không muốn các môn đệ kiệt sức vì công việc.
Nghỉ ngơi bên Thầy là điều cần cho người được sai,
để họ giữ được cái tươi tắn, mới mẻ và táo bạo.
Nghỉ ngơi bên Thầy cũng là đang làm việc,
đang nạp năng lượng cho chuyến đi sắp tới của mình.
Tuy vậy tìm được giờ và nơi để nghỉ ngơi là không dễ.
Đối với Thầy Giêsu và các môn đệ xưa cũng vậy (Mc 6,34).
Khi Thầy trò lên bờ thì nơi vắng đã thành chỗ đông người.
Dân chúng đã chờ sẵn như đàn chiên không người chăn.
Họ háo hức đi tìm người Mục Tử lãnh đạo,
người biết chạnh lòng thương, quan tâm và bảo vệ họ.
Chúng ta phải cố tìm ra chỗ hoang vắng riêng biệt (Mc 6,32),
phải vất vả chèo thuyền qua bờ bên kia,
và nhớ tiếp chuyện với Thầy đang ở ngay trong thuyền.
LỜI NGUYỆN
Giữa những ồn ào của đám đông,
giữa những sôi nổi của thành công
và ê chề của thất bại,
xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa những đam mê quay cuồng,
giữa những khát khao thèm muốn
và những trói buộc của sợ hãi âu lo,
xin giữ một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa lúc bị cuộc đời từ khước,
giữa lúc bơ vơ đi trong đêm mênh mông,
chẳng có ai để cậy dựa,
xin trở về với cõi riêng bên Giêsu
để một mình ở đó,
trầm lắng và bình an.
5. Suy niệm (song ngữ)
16th Sunday in Ordinary Time
Reading I: Jeremiah 23:1-6 II: Ephesians 2:13-18
Chúa Nhật 16 Thường Niên
Bài Đọc I: Giêrêmia 23:1-6 II: Êphêsô 2:13-18
--------o0o--------
Gospel
Mark 6:30-34
30 The apostles returned to Jesus, and told him all that they had done and taught.
31 And he said to them, "Come away by yourselves to a lonely place, and rest a while." For many were coming and going, and they had no leisure even to eat.
32 And they went away in the boat to a lonely place by themselves.
33 Now many saw them going, and knew them, and they ran there on foot from all the towns, and got there ahead of them.
34 As he went ashore he saw a great throng, and he had compassion on them, because they were like sheep without a shepherd; and he began to teach them many things.
Phúc Âm
Mác-cô 6:30-34
30 Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.
31 Người bảo các ông: "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút". Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.
32 Vậy, các ngài xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.
33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài.
34 Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
Interesting Details
• Between the passage we read last week about Jesus sending the disciples out (Mk 6:7-13) and the passage of this week about the returning disciples, is a passage on the death of John the Baptist. Such "sandwiching" is a device by Mark to say that the disciples would be persecuted.
• This passage also sets the stage for the feeding of the five thousand, which we will read from the Gospel of John on the next five Sundays.”To a lonely place" shows that not much food was available, and the feeding was miraculous.
• People there eat leisurely and socially. If the disciples stay in town, people would continue to come to them. If the disciples eat in town, other people would come and share. In order that the disciples can eat leisurely and bond among themselves after being apart on mission, Jesus takes them away from other people.
• A shepherd nurtures and protects the sheep. Jesus as shepherd contrasts with Herod killing John the Baptist in the preceding passage. Before feeding the people, Jesus provides what is even more important: teaching them. [Hamm]
Chi Tiết Hay
• Ở giữa hai đoạn Tin Mừng, tuần trước kể chuyện Đức Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng và tuần này chuyện các môn đệ trở về, là đoạn kể lại việc Gioan Tẩy Giả bị hành xử. Đây là cách Mác cô viết để nói lên rằng các môn đệ sẽ phải chịu ngược đãi và đủ mọi sự cực hình.
• Đoạn này cũng chuẩn bị cho việc Đức Giêsu cho 5000 người ăn mà chúng ta sẽ được nghe trong năm tuần liên tiếp sắp tới theo Tin Mừng của Gioan.”Đến một nơi thanh vắng" có nghĩa là nơi đó khó mà có lương thực sẵn sàng, và việc nuôi 5000 người ăn là một phép lạ.
• Dân ở đó hay hội họp ăn uống một cách thong thả. Nếu các môn đệ lưu lại trong thành thì người ta sẽ lũ lượt kéo đến. Nếu các môn đệ ăn uống trong thành thì người ta sẽ tự nhiên cùng chia sẻ. Vậy muốn cho các môn đệ được thoải mái ăn uống và tâm sự với nhau sau những ngày xa nhau để đi rao giảng, Đức Giêsu đem họ tránh đi xa.
• Người chăn chiên thì nuôi nấng và bảo vệ đàn chiên của mình. Đưc Giêsu là một người chăn chiên nhân từ, đối nghịch hẳn với hình ảnh Herôđê hành quyết Gioan Tẩy giả trong đoạn trước đó. Trước khi nuôi dân chúng ăn, Đức Giêsu đã làm một việc còn quan trọng hơn nữa: dạy dỗ họ.
One Main Point
The disciples of Jesus would be persecuted, but Jesus would lead and feed his people with the help of the disciples.
Một Điểm Chính
Các môn đệ của Đức Giêsu sẽ bị ngược đãi và chịu cực hình, nhưng Ngài sẽ chăm sóc cho họ, và cùng nhau sẽ hướng dẫn và nuôi nấng dân Chúa.
Reflections
1. Do I take time to rest and to bond with other disciples of Jesus, and with Jesus himself?
2. Who is my shepherd, and do I follow the teaching of my shepherd?
3. Have I experienced persecution? How does Jesus take care of me?
Suy Niệm
1. Tôi có dành thời giờ để nghỉ ngơi, để kết thân với các môn đệ khác và với chính Đức Giêsu chăng?
2. Ai là chủ chiên của tôi? Tôi có nghe lời người đó chăng?
3. Tôi có bị ngược đãi, bị đối xử bất công không? Đức Giêsu lo lắng và giúp đỡ tôi như thế nào?