Lời Chúa Ngày 28/06/2024: Thứ Sáu tuần 12 Thường niên năm II (Mt 8,1-4)

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

Lời Chúa Ngày 28/06/2024: Thứ Sáu tuần 12 Thường niên năm II (Mt 8,1-4)

Lời Chúa Ngày 28/06/2024: Thứ Sáu tuần 12 Thường niên năm II (Mt 8,1-4)

“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn,
Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. (Mt 8, 2)

 

BÀI ĐỌC I: (Năm II) 2 V 25, 1-12

“Cả dân Giuđa bị di chuyển khỏi lãnh thổ mình”.

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Ngày mồng mười tháng mười năm thứ chín triều đại Sêđêcia đã xảy ra như thế này: Nabucôđônôsor vua Babylon kéo cả đạo quân tấn công Giêrusalem, dựng trại quanh thành và đào hầm quanh tường thành. Thành bị bao vây cho tới năm thứ mười một đời vua Sêđêcia. Ngày mồng chín tháng tư, nạn đói hoành hành trong thành, dân chúng không còn bánh ăn. Tường thành bị chọc thủng một khoảng, thừa đêm tối tất cả các chiến sĩ chạy trốn qua lối cửa giữa hai tường, gần vườn vua. Khi ấy, quân Calđê vẫn bao vây thành. Vậy vua Sêđêcia chạy trốn qua con đường đi Araba. Nhưng quân Calđê đuổi theo kịp vua tại cánh đồng Giêricô: tất cả các chiến sĩ hộ tống vua đều bỏ vua mà chạy tứ tán.

Sêđêcia bị bắt và điệu về cho vua Babylon đang ngự tại Rebla: vua này tuyên án xử ngài; rồi truyền giết các con của Sêđêcia ngay trước mặt ngài, truyền khoét mắt vua và xiềng vua dẫn về Babylon.

Ngày mồng bảy tháng năm, chính là năm thứ mười chín triều đại vua Babylon, Nabuzarđan tướng quân, cận thần vua Baby-lon, đến Giêrusalem: đốt đền thờ Chúa, đền vua, và tất cả các nhà ở Giêrusalem. Tất cả các nhà đồ sộ, ông nổi lửa đốt hết. Quân binh Calđê đang ở với tướng quân, triệt hạ tường thành bao quanh Giêrusalem.

Nabuzarđan tướng quân bắt đi phần dân còn sót trong thành, cả những kẻ trốn theo vua Babylon và tất cả những người khác. Còn hạng cùng đinh chỉ để lại (làm) những kẻ trồng nho và những người làm ruộng.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 136, 1-2. 3. 4-5. 6

Ðáp: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi (c. 6a).

Xướng: Trên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi khóc nức nở khi tưởng nhớ đến núi Sion. Trên những cây dương liễu miền đó, chúng tôi treo các cây lục huyền cầm của chúng tôi.

Xướng: Vì nơi này, quân canh ngục đòi chúng tôi vui vẻ hát lên. Họ giục chúng tôi rằng: “Hãy vui mừng; hãy hát cho chúng ta nghe điệu ca Sion”.

Xướng: Lẽ nào chúng tôi ca hát ngợi khen Thiên Chúa trên đất khách quê người? Hỡi Giêrusalem, nếu tôi lại quên ngươi, thì cánh tay tôi sẽ bị khô đét.

Xướng: Lưỡi tôi dính vào cuống họng nếu tôi không nhớ đến ngươi, nếu tôi không đặt Giêrusalem trên tất cả mọi niềm vui thoả.

 

Tin mừng: Mt 8, 1-4

1 Khi Đức Giê-su ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người.2 Bỗng có một người phong hủi tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.

3 Người giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi”. Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi.

4 Rồi Đức Giê-su bảo anh: “Coi chừng, đừng nói với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết”.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Khi chữa lành người phong hủi, Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài có quyền chữa lành mọi bệnh tật và giải thoát người ta khỏi tội lỗi. Ta hãy tin tưởng và kêu cầu Chúa cứu chữa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, đối với chúng con, bệnh tật là một nỗi sợ. Đau đớn trên thân xác do bệnh tật gây ra thường kéo theo những khổ đau tâm hồn. Bệnh tật làm cho con thấy sự sống của thân xác mỏng manh biết bao, cuộc đời này ngắn ngủi mau qua biết bao.

Lạy Chúa, qua việc Chúa chữa lành người phong hủi, con hiểu rằng Chúa muốn con sống hạnh phúc, sống khoẻ mạnh. Ngày nay, tuy Chúa không hiện ra để làm phép lạ chữa bệnh, nhưng Chúa vẫn âm thầm hiện diện và giúp cho ngành y khoa tiến bộ, để qua đó Chúa chữa lành bệnh tật cho chúng con. Con xin tạ ơn Chúa vô cùng.

Chúa ơi, trên thế giới này có bao người mắc phải những thứ bệnh ngặt nghèo, tiền mất mà bệnh tật vẫn mang. Cũng có nhiều người quá nghèo, không đủ tiền chữa bệnh. Cuộc sống của họ lây lất khổ đau. Con nguyện xin Chúa cho họ gặp được những người có lòng tốt giúp đỡ. Con cũng nguyện xin cho các bác sĩ, y tá, là những người trực tiếp phục vụ bệnh nhân, xin cho họ có tinh thần phục vụ vô vị lợi để xoa dịu nỗi đau của nhân loại. Và con nguyện xin Chúa chữa lành những người đau ốm trong gia đình con. Xin cho chúng con được sống mạnh khoẻ an vui.

Lạy Chúa Giêsu là Chúa của con, con xin phó thác trọn vẹn đời con trong tay Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Chúa Giêsu làm phép lạ chữa một người cùi.

Thời đó, cùi bị coi là chứng bệnh nan y. Nhưng Chúa Giêsu đã chữa người này một cách rất dễ dàng: “Ta muốn anh hãy lành bệnh. Tức thì anh ta liền khỏi bệnh cùi”

Người ta coi người cùi là hạng người ô uế, kẻ nào chạm tới người cùi cũng bị lây ô uế. Nhưng Chúa Giêsu đã dám đưa tay chạm tới người cùi này.

Đã giúp thì giúp cho trót. Chúa Giêsu chẳng những chạm tới anh ta mà còn làm cho anh ta hết bệnh. Ngài còn nhắc anh đi trình diện tư tế và dâng lễ vật để được xác nhận mình khỏi bệnh.

“Hãy đi trình diện tư tế để minh chứng cho họ biết”. Biết gì ? a/ biết nạn nhân đã khỏi bệnh cùi; b/ Chúa Giêsu cũng nhắn một sứ điệp đến các tư tế: nếu họ nhớ tới những lời các ngôn sứ thì khi thấy người cùi này được Ngài chữa khỏi bệnh thì họ sẽ biết Ngài chính là Đấng Messia.

B. Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. “Đám đông dân chúng đi theo Ngài”: Các nhà nghiên cứu Thánh Kinh gọi giai đoạn này là “Mùa xuân Galilê”, Chúa Giêsu được người ta ngưỡng mộ và đi theo rất đông. Nhưng chẳng bao lâu Ngài sẽ tới “Mùa Thu” rồi “Mùa đông Giê-ru-sa-lem”, người ta lần lượt bỏ Chúa, thậm chí quay trở lại chống Ngài và đòi Ngài phải chết. Tình cảm hay cảm xúc chỉ là lửa rơm, bạo phát bạo tàn. Chỉ có đức tin mới trung kiên bền vững.

Lạy Chúa, con xin dâng cho Chúa tình cảm và cảm xúc sốt sắng của con hôm nay. Con cám ơn Chúa đã an ủi con bằng những cảm xúc êm dịu này. Nhưng con xin Chúa biến những cảm xúc này thành đức tin, để giả như sau này có lúc nào đó con không còn cảm thấy sốt sắng nữa thì con vẫn một niềm trung kiên với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng.

2. Ngày nay bệnh cùi không còn là một chứng nan y bất trị. Nhưng vẫn còn nhiều loại “người cùi” kiểu khác bị người ta ghê tởm tránh xa, chẳng hạn những người dơ dáy, hôi hám, những người mang cá tính bị người khác ghét bỏ, những người lỡ mang tai tiếng khiến người ta không dám tiếp xúc vì bị sợ vạ lây vì đã dám “giơ tay chạm đến” người cùi. Xin Chúa cũng giúp con có cam đảm “giơ tay ra” đối với những người ấy.

3. “Kìa một người phong hủi tiến lạy, bái lạy Ngài và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. (Mt8, 2)

- Chán đi lễ.

- Ác cảm với mọi người.

- Lầm lì, cau có.

- Lắng nghe anh em ư ? Không!

- Rộng lòng thương người nghèo ư ? Không!

- Học hành ư ? Học để làm gì chứ ?

- Tội lỗi đầy mình ư ? Không quan trọng!

Diện mạo của cái “thằng tôi” đấy! tôi buông thả. Tôi lún sâu vào tội lỗi. Mọi người xa lánh tôi, sợ tôi. Tôi đã trờ thành người phong hủi thật sự.

Những kẻ phong hủi xưa kia đã chạy đến với Chúa. Lạy Chúa, xin cứu chữa con. (Hosanna)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa chữa người phong cùi (Mt 8, 1-4)

  • Trước lời cầu xin của anh phong cùi, Chúa Giêsu không thể làm ngơ vì nỗi khao khát được sạch của anh. Người đã đụng chạm đến anh và chữa lành mà không sợ mình bị nhiễm uế theo quan niệm người Do thái thời bấy giờ. Điều đó chứng tỏ Chúa Giêsu có quyền giải thoát con người khỏi tội lỗi. “Sạch” ở đây không chỉ có nghĩa là khoẻ về phần xác, mà còn được hiểu là sự đổi mới trong tâm hồn nữa.
  • Trong những chuyến đi diễn thuyết để kêu gọi giúp đỡ những người phong cùi trên khắp thế giới, vị đại ân nhân của họ là Raoul Folereau thường kể câu truyện như sau: Tại một thị trấn nọ, có một người đàn ông được mọi người yêu mến bỗng ngã bệnh. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ nghi ngờ ông bị bệnh phong cùi. Từ đó, người ta không còn thấy ông ra đường nữa, và ngay cả trong nhà, ông cũng không còn được đi lại tự do nữa. Gia đình ông đã giam ông trên giường, khung trời còn lại của ông chính là tấm mùng. Một ngày nọ, người đàn ông trốn ra khỏi nhà, nhưng đã bị bắt lại. Và rồi một lần nữa, ông đã trốn thoát được, không phải để được sống tự do, mà là để tự vẫn. Người ta đưa xác ông đến giảo nghiệm, và kết quả cho thấy ông không hề mắc bệnh phong cùi.
  • Kể lại câu truyện trên đây, Raoul Folereau muốn nêu bật nỗi khổ tâm của những người mắc bệnh phong cùi. Nỗi đau đớn trong thể xác có lẽ chỉ là một phần nhỏ so với sự ruồng bỏ, mà xã hội ở bất cứ thời đại nào cũng dành cho người phong cùi.

  • Hôm nay, Chúa Giêsu đã chữa lành cho một người bị bệnh phong cùi vì anh có lòng tin. Anh tiến lại bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.
  • Bệnh phong là bệnh nan y thời ấy. Không ai có thể chữa lành. Bệnh phong giống như người chết, vì bị khai trừ ra khỏi cộng đoàn. Người bệnh phong này có đức tin mãnh liệt. Chỉ có Chúa mới có thể chữa ông. Chúa Giêsu giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch”. Chúa là Thiên Chúa của sự sống. Chúa dựng nên sự sống, không dựng nên sự chết. Chúa muốn sự sống cho con người. Chúa giơ tay đụng vào người bệnh. Bàn tay yêu thương đụng đến chỗ đau yếu nhất. Ngón tay thần linh ban sự sống. Như ngón tay Thiên Chúa chạm vào ngón tay Adong. Thiên Chúa ban sự sống. Kỳ diệu hơn nữa, Thiên Chúa trả lại sự sống (Tgm. Ngô Quang Kiệt).

  • Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đánh đổ được huyền thoại của người đương thời với Ngài về bệnh phong cùi. Thật thế, trong quan niệm của người Do thái lúc đó, bệnh tật là một hình phạt trực tiếp của Thiên Chúa đối với tội lỗi của con người. Người mắc bệnh phong cùi là người đã từng mắc tội ác khủng khiếp đến độ đã bị Thiên Chúa trừng phạt nặng nề. Thế nên, khi bị đẩy ra bên lề xã hội, người phong cùi không những chịu đớn đau trong thể xác, mà còn phải gánh chịu sự tủi nhục do người đồng loại gây ra. Khi chữa lành người phong cùi, Chúa Giêsu muốn nói rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người và chính tình yêu là sức mạnh chữa trị bệnh tật cho con người (Mỗi ngày một tin vui).
  • “Người giơ tay đụng vào anh” (Mt 8, 3)
  • Hình ảnh hiền từ và cử chỉ giơ tay chạm vào anh của Chúa Giêsu hôm nay đã làm cho người phong cùi thêm niềm hy vọng, cậy trông và ấm lòng. Vì thế, anh ta đã can đảm tiến lại gần Chúa Giêsu, mặc cho mọi lời dèm pha, khinh khi, nhục mạ. Anh ta tin và đi đến với Chúa Giêsu. Còn Chúa Giêsu đã giơ tay và chạm vào anh ta, khiến anh ta được sạch.

    Hành động này của Chúa Giêsu đã xoá tan đi biết bao ngăn cách, đã trả lại cho anh một chỗ đứng trong xã hội, đã phục hồi nhân phẩm cho anh trong cuộc sống còn lại.

    Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, một mặt biết noi gương người phung cùi, can đảm, tin tưởng và bỏ qua mọi rào cản, để đến với Chúa là mối lợi tuyệt đối và duy nhất của cuộc đời. Mặt khác, cũng mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ đến bệnh cùi tâm linh của chúng ta là những ích kỷ, kiêu ngạo, bất nhân và ham danh, trục lợi... Đồng thời, như một lời mời gọi hãy bước theo Chúa Giêsu trên con đường yêu thương, xóa bỏ ngăn cách do kỳ thị...

  • Truyện: Tôi muốn cho chị được hạnh phúc
  • Một buổi tối nọ, Mẹ Têrêsa Calcutta đến khu nhà của những người hấp hối do chính Mẹ thiết lập, để tạo điều kiện cho những người nghèo khổ tìm được cái chết xứng với nhân phẩm con người. Buổi tối hôm đó, người ta đưa đến một người đàn bà đói khát và bệnh tật. Mẹ đã đến thăm và săn sóc người đàn bà này với tất cả sự ưu ái, dịu hiền. Sau khi đã hồi sức, người đàn bà mở tròn đôi mắt đẫm lệ và thì thào nói với Mẹ:

    - Thưa bà, tại sao bà săn sóc tôi như thế?

    Mẹ Têrêsa trả lời:

    - Bởi vì tôi muốn cho chị được hạnh phúc.

    Trên khuôn mặt mà bóng tử thần đang chập chờn cướp lấy sự sống, đôi mắt người thiếu phụ bỗng sáng lên niềm vui. Người thiếu phụ cố gắng thì thào:

    - Bà hãy lặp lại lần nữa đi.

    Với tất cả âu yếm, Mẹ Têrêsa mỉm cười trả lời:

    - Vâng, tôi muốn cho chị được hạnh phúc.

    Như một điệp khúc không bao giờ ngừng, người thiếu phụ tiếp tục nói:

    - Một lần nữa, xin bà hãy lặp lại điều đó một lần nữa.

    Và người đàn bà khốn khổ nắm lấy tay Mẹ Têrêsa đặt trên ngực mình, như muốn níu kéo một chút hơi ấm của tình người, hơi ấm của niềm hạnh phúc mà chỉ có một tâm hồn quảng đại mới có thể ban phát.

    Tag:

    2024-06-28

    Lời Chúa Hôm Nay
    Kinh Mân Côi
    Lịch Công Giáo