Lời Chúa Ngày 29/08/2024: Ngày 29/08: Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết (Mc 6, 17-29)

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

Lời Chúa Ngày 29/08/2024: Ngày 29/08: Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết (Mc 6, 17-29)

Lời Chúa Ngày 29/08/2024: Ngày 29/08: Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết (Mc 6, 17-29)

“Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục,
bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ.” (Mc 6,28)

BÀI ĐỌC I: Gr 1, 17-19

“Ngươi hãy nói cho họ biết tất cả những điều Ta truyền dạy cho ngươi: Đừng run sợ trước mặt họ”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Trong những ngày ấy, lời Chúa phán cùng tôi rằng: “Ngươi hãy thắt lưng, hãy chỗi dậy, và nói cho họ biết tất cả những điều Ta truyền dạy cho ngươi. Đừng run sợ trước mặt họ, vì Ta không làm cho ngươi kinh hãi trước mặt họ. Hôm nay Ta làm cho ngươi nên một thành trì vững chắc, một cây cột bằng sắt, một vách thành bằng đồng trước mặt các vua Giuđa, các hoàng tử, các tư tế và dân chúng xứ này. Họ sẽ chiến đấu chống ngươi, nhưng họ không thắng được ngươi, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi”.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 70, 1-2. 3-4a. 5-6ab. 15ab và 17

Đáp: Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh (c. 15a).

Xướng:

1) Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con tủi hổ muôn đời; theo đức công minh Chúa, xin cứu nguy và giải thoát con, xin ghé tai về bên con và giải cứu. - Đáp.

2) Xin trở nên thạch động để con dung thân, và chiến luỹ vững bền hầu cứu độ con: vì Chúa là Đá Tảng, là chiến luỹ của con. Lạy Chúa con, xin cứu con khỏi tay đứa ác. - Đáp.

3) Bởi Ngài là Đấng con mong đợi, thân lạy Chúa! Lạy Chúa, Ngài là hy vọng của con từ hồi thanh xuân. Ngay từ trong bụng mẹ, con đã nép mình vào Chúa; từ trong thai mẫu, Chúa là Đấng bảo vệ con; con đã luôn luôn cậy trông vào Chúa. - Đáp.

4) Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh, và suốt ngày kể ra ơn Ngài giúp đỡ. Lạy Chúa, Chúa đã dạy con từ hồi niên thiếu, và tới bây giờ con còn kể (ra) những sự lạ của Ngài. - Đáp.

 

Tin mừng: Mc 6:17-29

17 Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, 18 mà ông Gio-an lại bảo : “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài !” 19 Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. 20 Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.

21 Một ngày thuận lợi đến : nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. 22 Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái : “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” 23 Vua lại còn thề : “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” 24 Cô gái đi ra hỏi mẹ : “Con nên xin gì đây ?” Mẹ cô nói : “Đầu Gio-an Tẩy Giả.” 25 Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng : “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.” 26 Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. 27 Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, 28 bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. 29 Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.


Bài giảng của linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Để sống ơn gọi ngôn sứ như Thánh Gioan Tẩy Giả, người Kitô hữu phải can đảm làm chứng cho sự thật, ngăn chặn sự xấu, và dám chấp nhận đau khổ vì Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, thật là chua xót nhưng cũng thật hào hùng khi đầu của thánh Gioan nằm trong tay một vũ nữ. Quyền lực của sự dữ tỏ ra mạnh mẽ, thắng thế, áp đảo. Còn quyền lực của sự thiện có vẻ mong manh, yếu đuối, bị bóp dẹp trong lòng bàn tay.

Cái chết của Thánh Gioan cho con hiểu rằng đam mê tội lỗi làm cho lòng người ra mù quáng, lôi kéo từ tội này đến tội khác, từ sai lầm này đến sai lầm khác. Người này phạm tội kéo theo người khác phạm tội. Người phạm tội ngày càng đông, sự xấu ngày càng lan rộng. Trong khi đó, ít người dám sống công chính, ít người dám nói sự thật, ít người dám ngăn chặn sự ác, và lôi kéo người khác làm điều thiện. Chính con cũng chẳng sống được như vậy.

Lạy Chúa, Chúa đã đến làm chứng cho chân lý và dùng quyền năng của Tin Mừng để giải thoát thế gian khỏi tội lỗi. Chúa muốn chúng con nối tiếp sứ mạng của Chúa. Xin giúp chúng con dám sống theo Tin Mừng. Xin Chúa đừng để chúng con vì những đam mê, vì những mối lợi hay vì sợ bị thua thiệt cười chê mà rời xa lối sống Phúc Âm. Xin giúp chúng con can đảm ngăn chặn sự xấu đang diễn ra xung quanh. Chúa giao cho chúng con chịu trách nhiệm về người khác. Chúng con sẽ lỗi nặng khi thấy sai mà không lên tiếng, khi thấy đúng mà không làm, khi thấy tốt mà không kéo người khác theo. Xin Chúa tha thứ những thiếu sót, và xin Chúa giúp chúng con chu toàn sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng. Amen.

Ghi nhớ: “Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa”.

 

Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

 A. Phân tích (Hạt giống...)

Bài tường thuật của Mác-cô về cái chết của Thánh Gioan Tẩy giả rất rõ ràng và dễ hiểu. Ta cần ghi nhớ 2 điều :

- Gioan đã chết vì can đảm nói sự thật, theo đúng chức năng ngôn sứ của mình.

- Cái chết của Gioan có nhiều nét tiên báo cái chết của Chúa Giêsu, vị ngôn sứ tiêu biểu: chết do can đảm sống sứ mạng của mình, chết do ác tâm của con người, chết trong sự thương tiếc của các môn đệ. 

B. Suy niệm (... nẩy mầm)

1. Ta hãy nhìn vua Hêrôđê : một con người vẫn còn lương tâm (“vua nễ sợ Gioan vì biết ông là người công chính thánh thiện; vua che chở ông. Khi nghe Gioan nói, nhà vua rất phân vân nhưng lại cứ thích nghe”), nhưng không can đảm làm theo tiếng của lương tâm. Xin cho con vẫn “thích nghe” tiếng lương tâm, cho dù phải “phân vân”, và nhất là phải can đảm làm theo sự hướng dẫn của lương tâm.

2. Ta nhìn tiếp đến bà Hêrôđia: một người đàn bà hoàn toàn để cho dục tình lôi cuốn. Vì dục tình, bà đã loạn luân; khi Gioan vạch tội bà, bà không ngại tìm dịp giết Gioan để không ai còn ngăn cản được cộc sống loạn luân của mình nữa. 

Lời một Thánh vịnh : “Kìa vực thẳm kêu mời vực thẳm”. Nếu không nghe tiếng lương tâm mà chỉ để cho đam mê xấu lôi kéo thì người ta sẽ phạm hết tội này đến tội khác.

3. Người da đỏ giải thích lương tâm như sau : Đó là một khối 3 góc ở trong tim ta. Khi ta làm gì tốt thì nó nằm yên. Khi ta làm gì xấu, nó quay và đâm các góc nhọn vào ta. Nếu ta cứ làm điều xấu, các góc nhọn của nó mòn dần và không làm ta cảm thấy gì nữa cả. (Weapons and Workers).

4. Ta hãy nhìn nàng Salômê: một người có tài mà không có đức. Cô đã dùng tài múa nhảy của mình để đòi phần thưởng là cái đầu của một vị ngôn sứ.

Xin cho con ý thức những tài năng của con là những nén bạc Chúa giao để cho con xử dụng mà làm việc tốt phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em con.

5. ”Vua Hêrôđê sai người đi bắt ông Gioan và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hêrôđia, vợ của người anh là Philipphê, mà ông Gioan lại bảo : “Ngài không được phép lấy vợ của anh Ngài” (Mc 6,17-18)

Gioan đã chết chỉ vì nói lời sự thật. Một kết thúc bi tráng dành cho con người được gọi là cao trọng. 

Trong khi xã hội dạy cho con biết phải ”khéo léo” chẳng nên làm chuyện thừa, Chúa lại dạy cho con một tấm gương mà nhìn vào con trở nên e ngại. Con đang bước đi trong lòng một thế giới mà người ta bảo với con: “thật thà thường thua thiệt”. Có lúc ngay bên con, sự thật bị che lấp. Tận đáy lòng, con nghe tiếng Chúa mời gọi. Nhưng lạy Chúa :

- Ông ấy là “sếp” của con mà !

- Chị ấy là ân nhân của con.

- Trách nhiệm của con với gia đình.

- Áp lực xã hội…

Con đấy, luôn tìm một sự bình an tạm bợ. Xin cho con chút can đảm, và khi con bước đi trong sự thật là lúc con nhận được sự bình an của Chúa. (Hosanna)

 

Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết (Mc 6, 17-29)

  1. Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Marcô thuật lại cho chúng ta cuộc tử nạn của thánh Gioan Tẩy giả. Khi ấy, danh tiếng Chúa Giêsu lẫy lừng vì những lời giảng và hành động thật uy quyền đã đến tai Hêrôđê khiến ông ta sống bất an, lương tâm cắn rứt và nghĩ rằng chính Gioan Tẩy giả tiếp tục sống trong Đức Giêsu. Những ray rứt của kẻ giết người lại nổi lên trong con người ông và lên án chính ông. Đây chính là tâm trạng của những kẻ gây ra những điều gian ác. Tâm hồn họ đã đánh mất sự hiện diện của Thiên Chúa. Tiếng lương tâm cắn rứt chính là dấu chỉ Thiên Chúa vẫn luôn mời gọi họ hối cải.
  2. Gioan Tẩy giả không phải là ánh sáng, nhưng chỉ đến làm chứng cho ánh sáng. Dù biết rằng mình sẽ phải chấp nhận cái bi đát nhất của cuộc đời, Gioan vẫn nói lên tiếng nói bất khuất của vị tiên tri. Mọi tiên tri đều phải trả giá cho lời minh chứng của mình. Gioan Tẩy giả đã sống anh dũng, can trường với lời nói của mình. Cái đầu phải trả giá là giá nặng nề và đáng nguyền rủa nhất của vị tiên tri sau cái chết đóng đinh nơi thập giá đối với ngưới Do thái lúc đó. Gioan Tẩy giả đã tự xoá mình để cho Đấng Cứu độ lớn lên trong lịch sử nhân loại. Lời chứng và cái chết của Ngài, đã nói lên sự thật muôn đời là Gioan đã hoàn toàn đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa: Ngài không sợ hãi, lớn tiếng trước mặt các vua chúa. Ngài đã hiến mạng sống cho công bình và chân lý.
  3. Còn vua Hêrôđê, ông là hình ảnh của những con người yếu đuối, hướng chiều theo tội lỗi. Sở dĩ ông tống ngục ông Gioan Tẩy giả là cũng vì nghe lời Hêrôđiađê xúi giục, chứ riêng ông thì ông nể sợ Gioan Tẩy giả, vì biết Gioan là người công chính thánh thiện. Marcô viết: “Ông che chở Người. Khi nghe ông nói, nhà vua rất phân vân nhưng lại thích nghe”. Hêrôđê chính là mẫu người yếu đuối, buông theo sự dễ dãi đến khi muốn trở lại thì đã quá trễ, không thể làm lại được nữa.

Hêrôđê để cho mình bị thú vui nhục dục che khuất, loạn luân, rơi vào cái bẫy “mỹ nhân kế” của mẹ con bà Hêrôđiađê bầy ra, rồi lỡ miệng thề thốt trong cơn say, cuối cùng để bảo vệ danh dự, ông đã phạm vào tội ác giết người vô tội. Cũng vậy, xã hội ngày hôm nay, và cách riêng mỗi người chúng ta, giữa những cám dỗ thế tục, những thú vui nơi các cuộc ăn chơi – tụ điểm múa nhảy, rồi kéo theo những hệ luỵ sau đó không còn kiểm soát được. Rồi một khi, ai đó dám cảnh tỉnh chúng ta, thì thay vì quay đầu sửa lỗi, lại tìm cách ám hại người nhắc nhở mình, thậm chí sẵn sàng ám hại người khác để bịt đầu mối và bảo vệ danh dự của mình.

  1. Còn bà Hêrôđiađê từng là vợ của tiểu vương Hêrôđê Philipphê (cũng là một trong ba người con của Hêrôđê Cả), do bị thánh Gioan Tẩy giả can ngăn, làm ảnh hưởng đến chuyện tư tình của mình với Hêrôđê Antipas, nuôi lòng thù hận và đã bầy ra trò mỹ nhân kế của cô con gái, rồi dùng bàn tay tình nhân để hãm hại người công chính. Bà là mẫu gương sống theo sự dữ. Đã pạm tội loạn luân, lấy em chồng của mình thì chớ, lại còn căm thù ông Gioan và muốn giết ông...

Giữa xã hội hôm nay cũng thế, nhiều người không ngại dùng nhiều thủ đoạn thậm chí còn tàn độc hơn cả Hêrôđiađê để trả thù những ai dám cản trở những cuộc tình mờ ám hay những việc làm sai trái của mình.

  1. Gioan Tẩy giả đã lên tiếng tố cáo bất công và sẵn sàng chết cho công lý. Trong ý nghĩa ấy, ngài là vị tiền hô của Chúa Giêsu, ngài qua đi nhưng tinh thần ngài vẫn còn sống mãi trong các môn đệ của ngài, và một cách nào đó, ngài cũng sống trong chính con người Chúa Giêsu và nơi mỗi người Kitô hữu. Từ 2000 năm qua, Giáo hội vẫn sống trong niềm xác tín đó. Chính tinh thần Gioan Tẩy giả, của các Tông đồ, của các thánh Tử đạo, đã sống mãi trong Giáo hội và trở thành dây liên kết mọi Kitô hữu. Điều này luôn được Giáo hội thể hiện qua cử chỉ hôn kính hài cốt của các thánh được đặt trên bàn thờ.

Tập san Giáo hội Á châu do hội Thừa sai Paris xuất bản tháng 12/1995, có ghi lại chứng từ của một vị Giám mục: “Chúng tôi đã cất giữ hài cốt của vị Giám mục tiên khởi của Giáo hội chúng tôi. Chúng tôi tin rằng hài cốt này là thánh thiêng đối với chúng tôi, là dấu chỉ mà chúng tôi không bao giờ được phép quên lãng. Hài cốt này là sợi dây liên kết Giáo hội mọi thời, mọi nơi. Chúng tôi đã luôn nghĩ rằng chúng tôi không thể cất khỏi sợi dây liên kết hữu hình ấy. Đây là một dấu chỉ nối kết chúng tôi trực tiếp với Chúa Kitô. Làm sao người ta có thể đánh mất Chúa Kitô? Chúng tôi cất giữ hài cốt này, chúng tôi vẫn tiếp tục yêu mến Chúa Kitô và kết hợp với Người mãi mãi” (Mỗi ngày một tin vui).

  1. Truyện: Một học sinh can đảm

Suy niệm gương Gioan Tẩy giả: tôi có can đảm và sống Lời Chúa bất chấp mọi khó khăn, mất mát không?

Một học sinh Nhật là Kitô hữu duy nhất trong một ngôi trường có 150 học sinh. Trước mỗi bữa ăn, em thường mạnh dạn làm dấu thánh giá và đọc kinh. Các học sinh đến tố cáo với thầy giáo là em có “hành vi ma thuật”. Nghe thấy thế, thầy cho gọi em lên đứng giữa lớp, hỏi xem em đã làm gì. Em thẳng thắn nói rằng em chỉ cám ơn Chúa đã ban lương thực hằng ngày. Nghe vậy, thầy giáo gục xuống bàn, nước mắt ràn rụa nói: “Này con, ta cũng là Kitô hữu, nhưng ta không can đảm tỏ ra cho mọi người biết. Giờ thì cảm ơn Chúa, ta đã biết là Kitô hữu, mình phải làm gì” (Góp mặt).

 

Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Hoàng hậu Ideven của vua Akhap rước thần ngoại bang vào vương quốc Israel và bảo trợ cho các tư tế, phù thủy của tà thần, đuổi bắt các ngôn sứ của Thiên Chúa.

Ngôn sứ Êlia một mình chống lại các tư tế của thần dân ngoại. Sự chính trực của ông đã bị vua và hoàng hậu truy bắt đuổi giết, khiến thân phận ngôn sứ của Thiên Chúa thật gian nan, khốn khổ và luôn sống trong sự trốn tránh (1V 17 - 18).

 

Suy niệm

Gioan, cái tên được Thiên Chúa đặt là dấu chỉ thuộc về Thiên Chúa, sự công minh chính trực của Gioan đã được ngôn sứ Isaia nói trước:

“Chúa đã gọi tôi, từ khi tôi còn trong bụng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi như gươm sắc bén, dấu tôi dưới bàn tay Người... biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người” (Is 49,1-2).

Sứ mạng ngôn sứ và ơn thánh đã nuôi dưỡng Gioan: “Cậu bé càng lớn lên, thì tinh thần càng vững mạnh” (Lc 1,80). Vì thế, người quân tử này không sợ trước bất kỳ quyền lực nào, chỉ luôn biết sống trung tín và loan báo những gì mà Thiên Chúa muốn ông nói và làm.

Gioan bộc trực, thẳng thắn phê phán những quyền lực tôn giáo sống không đúng với chức danh (x. Mt 3,7), ông phê phán, đương đầu trực diện cả vương quyền khi họ thực hiện những điều bất nghĩa: Ông đã ngăn cản vua Hêrôđê đã cướp vợ của anh trai vua, chính vì thế mà ông bị tống ngục và Hêrôđia, người tình của vua đã tìm cách ám hại ông (x. Mc 6,17-29).

Cái chết của ông là minh chứng cho sự trung thực thẳng thắn, là triều thiên tử đạo đổ máu đào cản ngăn những điều bất nghĩa bất nhân.

Ý lực sống

Phúc cho những ai bị bách hại vì sự công chính; vì nước Trời là của họ” (Mt 5,10).

Tag:

2024-08-29

Lời Chúa Hôm Nay
Kinh Mân Côi
Lịch Công Giáo