“Chúa là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ísraen Dân Ngài”.
(Lc 2, 32)
BÀI ĐỌC I: 1 Ga 2, 3-11
“Ai thương yêu anh em mình thì ở trong sự sáng”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, chính nơi điều này mà chúng ta biết rõ được là chúng ta biết Chúa Giêsu, nếu chúng ta giữ các giới răn Người. Ai nói mình biết Người, mà không giữ giới răn Người, là kẻ nói dối, và nơi người ấy không có chân lý. Còn ai giữ lời Người, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy, và nhờ điều đó mà chúng ta biết được chúng ta ở trong Người. Ai nói mình ở trong Người, thì phải sống như Người đã sống.
Các con thân mến, đây không phải là một giới răn mới mà cha viết cho các con, nhưng là giới răn cũ các con đã có từ ban đầu. Giới răn cũ đó, là lời các con đã nghe rồi. Nhưng đây cha lại viết cho các con một điều răn mới, là điều chân thật nơi Người và nơi các con, vì tối tăm đang qua đi, và sự sáng đã soi đến rồi.
Ai nói mình ở trong sự sáng, mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong tối tăm. Ai thương yêu anh em mình, thì ở trong sự sáng, và nơi người ấy không có cớ vấp phạm. Còn ai ghét anh em mình, thì ở trong tối tăm, đi trong tối tăm và không biết mình đi đâu, vì tối tăm đã làm mù mắt họ.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 5-6
Đáp: Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan (c. 11a).
Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người. - Đáp.
Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. - Đáp.
Vì mọi chúa tể của chư dân là hư ảo, nhưng Thiên Chúa đã tác tạo trời xanh. Sáng láng và oai nghiêm toả trước thiên nhan, uy hùng và tráng lệ phủ trên ngai báu. - Đáp.
Tin mừng: Lc 2, 22-35
22Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, 23như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, 24và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.
25Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simêôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ísraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.
26Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa.
27Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, 28thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
29 “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
32Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ísraen Dân Ngài.”
33Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêôn vừa nói về Người. 34Ông Simiôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ísraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; 35và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Cụ già Si-mê-on khao khát được gặp Đấng Cứu Thế. Được ôm Chúa Giêsu vào lòng, cụ cảm thấy mãn nguyện và sẵn sàng ra đi về với Thiên Chúa. Hạnh phúc cao cả nhất của đời người là được gặp Chúa và đón nhận Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cụ già Si-mê-on đã đi gần trọn một cuộc đời, từng trải qua những vui buồn sướng khổ, từng tận hưởng hân hoan hạnh phúc. Nhưng cuộc sống đời này dù có hấp dẫn đến đâu cũng không làm cho cụ được thỏa mãn. Cụ vẫn cảm thấy thiếu, chỉ biết trông đợi Chúa là niềm an ủi duy nhất của đời cụ. Còn gì sung sướng hơn là được gặp Chúa, còn gì hạnh phúc hơn là được bồng ẵm Chúa trên tay. Bấy nhiêu dù chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi, cũng đủ làm cho cụ mãn nguyện hơn cả một đời người đã đi qua. Cụ sẵn sàng ra đi trong bình an, không còn điều gì để luyến tiếc.
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Chúa cho con hạnh phúc hơn cụ Si-mê-on rất nhiều. Hằng ngày Chúa cho con được gặp Chúa trong niềm tin, được ôm Chúa vào lòng qua bí tích Thánh Thể, Chúa đồng hành với con mọi nơi mọi lúc. Xin Chúa giúp con cảm nhận hồng ân cao cả này. Cuộc đời này nhiều cám dỗ mời mọc, lắm thứ lôi cuốn hấp dẫn, nhưng lạy Chúa, đó chỉ là những niềm vui giả tạo, những hạnh phúc chóng qua. Tất cả chỉ để lại trong con một sự chán ngấy và càng khơi sâu niềm khát vọng trong con. Chỉ có Chúa mới là niềm hạnh phúc chân thật và lẽ sống của con. Xin Chúa đừng để con lạc đường.
Hôm nay con cầu xin cho những người lớn tuổi, xin Chúa cho các cụ được mãn nguyện trong niềm vui gặp Chúa, được sống tuổi già hạnh phúc và về với Chúa trong bình an. Amen.
Ghi nhớ: “Ánh sáng đã chiếu soi các lương dân”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Phân tích
Đoạn Kinh Thánh này gồm 2 phần:
Phần thứ nhất nói về nghi lễ thanh tẩy và phần thứ hai là lời tiên tri của ông Simêon.
1. Thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu lên Đền thờ Giêrusalem để chu toàn 2 bổn phận của lề luật: Thanh tẩy cho Đức Maria sau khi sinh con; dâng Chúa Giêsu là con trai đầu lòng cho Thiên Chúa. Câu chuyện cho thấy các Ngài tuân giữ lề luật rất chu đáo; đồng thời những lễ vật các Ngài dâng chứng tỏ các Ngài thuộc gia đình nghèo khó.
2. Trong dịp này Thánh Gia đã gặp được cụ Simêon. Cụ được Thánh Thần soi sáng cho biết trẻ Giêsu chính là Đấng Messia, cho nên toại nguyện vì gặp được Ngài. Lời tiên tri của Simêon gồm 2 phần:
a. Phần đầu nói về Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai và là Đấng Cứu Thế. Lời tiên tri của cụ già Simêon khiến Đức Maria và Thánh Giuse ngỡ ngàng và kinh ngạc. Như thế, Mẹ Maria dần dần đi vào toàn thể mầu nhiệm cứu chuôc.
b. Phần thứ hai cụ già Simêon đặc biệt nói với Mẹ Maria, mẹ của Hài Nhi, vì số phận của mẹ và con liên kết mật thiết đặc biệt. Lời tiên tri cho Mẹ biết trước: Con Mẹ là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế nhưng không được mọi người tin nhận. Do đó, Hài Nhi là dấu hiệu mâu thuẫn, là đá vấp ngã (Is 8,14). Con Mẹ sẽ phải khổ nhục do sự mâu thuẫn đó.
Suy gẫm
1. Tiến dâng Chúa Giêsu cho Chúa Cha
- Nghi lễ dâng con trai đầu lòng có mục đích nhắc lại rằng, mọi con trai đầu lòng thuộc về Thiên Chúa. Ngôi Hai nhập thể muốn chứng tỏ mình là Con của Chúa Cha.
Mỗi Kitô hữu được thuộc về Thiên Chúa, trở thành con Thiên Chúa qua Bí tích Rửa tội. Là Kitô hữu, chúng ta phải ý thức được diễm phúc làm con Thiên Chúa để cảm tạ bằng cách thờ phượng Thiên Chúa hết mình, và sống xứng đáng với phẩm giá đó bằng cách thánh hoá bản thân mỗi ngày.
- Việc dâng Đức Giêsu vào Đền thờ mang ý nghĩa: Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, lần đầu tiên đi vào nhà của Ngài, thế nhưng, không một ai thuộc giới lãnh đạo Giêrusalem, không một ai trong hàng tư tế, luật sĩ ra đón chào. Ngược lại, kẻ chào đón Vua của mình chỉ là ông Simêon, bà Anna, những kẻ thuộc nhóm “những người nghèo của Giavê”. Ngày diễm phúc vĩ đại đến với thành thánh, thì chỉ có hai con người thấp kém, tầm thường, bị quên lãng trước mặt xã hội được ơn nhận biết diễm phúc đó.
Chỉ những ai có tâm hồn đơn sơ nghèo khó, khiêm nhường và thanh thoát mới dễ đón nhận ơn soi sáng của Chúa để thực thi ý Ngài và nhận ra diễm phúc của mình.
2. Nhìn vào Đức Mẹ và Thánh Giuse
Hai ông bà được diễm phúc làm Mẹ Thiên Chúa và làm cha nuôi Đức Giêsu, nhưng không tìm đặc ân riêng cho mình, vẫn khiêm nhường tuân giữ luật: thanh tẩy và dâng Con vào Đền thờ.
Noi gương hai Đấng, chúng ta không nên tìm đặc ân, miễn chước cho mình những bổn phận đối với xã hội, cộng đoàn, gia đình và tha nhân, nhưng phải khiêm nhường, đơn sơ và tuân giữ mọi lề luật cua.
3. Nhìn vào ông Simêon
Sau khi đã nhận ra Hài Nhi Giêsu là Đấng Cứu Thế, ông đã thốt lên bài ca chúc tụng:
- Tạ ơn Chúa đã cho ông trông thấy và bồng ẵm Đấng Cứu Thế trên tay;
- Tạ ơn Chúa đã sai Vị Cưú Tinh làm đèn soi cho thiên hạ và làm vinh danh cho nòi giống;
Sau đó, ông Simêon chúc phúc cho Hài Nhi và báo trước những đau khổ mà Người và Mẹ Người sẽ phải chịu.
Ông Simêon mới được nhìn thấy và ẵm Chúa vào lòng mà ông đã cảm nghiệm được diễm phúc lớn lao như vậy; huống chi chúng ta được rước Chúa vào lòng khi hiệp lễ thì diễm phúc biết mấy! Nhưng chúng ta có biết cảm tạ Chúa sau khi rước Chúa vào lòng Không ?
4. Cha Mẹ Hài Nhi ngạc nhiên, không phải vì những lời ông Simêon nói về Con Trẻ, nhưng vì thấy Thiên Chúa cũng cho những người xa lạ biết về Con Trẻ như vậy.
Khi thấy người khác, kể cả những người xa lạ được những ơn lành, được thành công trong đời sống, trong nghề nghiệp… chúng ta phải có tấm lòng rộng rãi để nhận ra ơn Chúa ban cho họ và hiệp thông với họ để tạ ơn Thiên Chúa.
5. Việc Đức Mẹ đem Hài Nhi vào đền thờ để làm nghi lễ thanh tẩy nhắc nhở chúng ta rằng, Mẹ là loài thụ tạo tinh ròng nhất trong nhân loại thế mà Mẹ đã vâng lời, tuân theo luật thanh tẩy của Môsê. Đó là mẫu gương cho chúng ta, những con người đầy tội lỗi, chúng chúng ta hãy nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình và nài xin Chúa thanh tẩy chúng ta.
6. Cụ già Simêon đã trông mong cả một đời mới được nhìn thấy Đấng Cứu Thế. Đó cũng là mẫu gương cậy trông và trung tín. Ai trung thành cậy trông như ông Simêon không bao giờ uổng công. Ông Simêon đã ẵm bế Hài Nhi, ẵm bế “Ánh Sáng muôn dân”, ẵm bế “vinh quang Israen”, là nắm chắc ơn cứu rỗi của mình. Ông Simêon biết chắc như thế nên ông thưa: “Lạy Chúa giờ đây xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình an.”
Ước gì vào giây phút cuối đời, mỗi người chúng ta cũng thưa được với Chúa: “Lạy Chúa, xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình an” như một bảo chứng của lòng trung thành, trông cậy vào Chúa.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Dâng con trong Đền thờ (Lc 2,22-35)
Đến ngày theo luật định, thánh Giuse và Đức Maria bồng Chúa Hài Nhi đến đền thờ Giêrusalem để dâng cho Đức Chúa Cha. Ở đó có ông Simêon là người công chính. Ông được Chúa Thánh Thần soi sáng nên nhận biết Chúa Giêsu và cất tiếng khen ngợi Chúa, vì Chúa đã thương cho Đấng Cứu Thế đến cứu chuộc dân Người; đồng thời ông cũng cho Đức Maria biết: Mẹ phải chịu nhiều đau khổ vì Chúa Hài Nhi.
Mẹ Maria và thánh Giuse dâng Chúa Hài nhi trong đền thánh để tuân giữ luật thời đó. Và việc dâng hiến này báo trước Chúa Giêsu tự dâng hiến đời Người chịu chết trên khổ giá để cứu độ loài người.
Đức Giêsu là “con trai đầu lòng” (x. Lc 2,7), theo luật Maisen: “Mọi con trai đầu lòng phải được dâng hiến lên Thiên Chúa”, như chúng ta đọc thấy trong Cựu ước: “Đức Chúa phán với Maisen: “Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Israel, dù là người hay là thú vật: nó thuộc về Ta” (Xh 13,1-2). Vì thế, Đức Mẹ và thánh Giuse dâng hiến Hài nhi Giêsu cho Thiên Chúa trong Đền thờ.
Từ nay cuộc đời Hài nhi hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Ngài đã được dâng và cũng tự hiến dâng, để Thiên Chúa toàn quyền sử dụng trên Ngài trong sứ mạng nhập thể cứu độ: Dâng trọn vẹn trên đỉnh cao Thập tự.
Người Kitô hữu được dâng cho Thiên Chúa qua bí tích Rửa tội để trở thành con cái Thiên Chúa. Là Kitô hữu, chúng ta ý thức được diễm phúc làm con Thiên Chúa, để cảm tạ bằng cách thờ phượng Thiên Chúa hết mình, và sống xứng đáng với phẩm giá đó bằng cách thánh hóa bản thân mỗi ngày.
Chúng ta nhận thấy: hai ông bà đang được diễm phúc làm mẹ Thiên Chúa và làm cha nuôi Đức Giêsu, nhưng không tìm đặc ân riêng cho mình, vẫn khiêm nhường tuân giữ lề luật: thanh tẩy và dâng con vào Đền thờ. Noi gương hai Đấng: người Kitô hữu không nên tìm đặc ân gì, để miễn chước cho mình những bổn phận đối với xã hội, cộng đoàn, gia đình và tha nhân, nhưng phải khiêm nhường đơn sơ và nhiệt tình tuân giữ mọi lề luật chính đáng.
Đối với các bậc cha mẹ Kitô hữu, con cái là quà tặng của Thiên Chúa. Để bày tỏ lòng trân trọng quà tặng quý báu đó, các bậc cha mẹ tiến dâng con cái của mình cho Thiên Chúa. Tiến dâng bằng cách nuôi dạy con cái theo ý Chúa; giúp con cái đón nhận và nuôi dưỡng đức tin, giúp con cái hướng tình yêu về Thiên Chúa.
Cụ già Simêon nói với Đức Maria: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được trỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng” (Lc 2,34).
Cụ Simêon trong tư cách là tiên tri tiên báo rằng: con trẻ sẽ trở nên dấu cho người ta chống đối. Lời tiên tri được ngỏ cho Đức Maria để nói về sứ mạng cứu độ của Hài nhi trong tương lai và sự mật thiết hiệp nhất trong công cuộc cứu độ của người con trong vai trò cộng tác: “Phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà” (Lc 2,35). Maria không hiểu lời cụ Simêon mang ý nghĩa gì, nhưng khắc ghi nghiền ngẫm trong lòng và xin Thiên Chúa ban cho được thêm can đảm, Maria cũng chịu đau khổ thương khó như Con Mẹ, nhất là tại Núi Sọ hiến tế con Mẹ trên Thập giá.
Đức Giêsu cũng đã đến để yêu thương, cứu giúp mọi người. Ngài vốn là Thiên Chúa cao sang nhưng đã trở nên thấp hèn để nâng đỡ con người lên. Nhưng cuối cùng Ngài đã bị con người đóng đinh thập giá, bỏ mặc trong cái chết đau đớn và tủi nhục.
Xin Mẹ Maria giúp chúng ta theo gương Mẹ tiếp bước theo Chúa trên con đường yêu thương, dẫu có bị người đời chống báng hay từ chối.
Truyện: Lời cầu xin tốt đẹp
Có người coi như mình bị thất bại, vì Chúa không nhận lời cầu xin của mình. Có vẻ nản lòng. Nhưng một ngày kia, đang khi cầu nguyện Chúa soi sáng cho người ấy hãy vững tin và đặt tất cả niềm tin phó thác vào Chúa. Họ đã sáng tác được lời cầu nguyện sau đây:
Lạy Chúa, con cầu xin ơn mạnh mẽ để thành đạt, thì Chúa làm cho con ra yếu ớt để biết vâng lời, khiêm hạ.
Con cầu xin có sức khỏe để thực hiện những công trình lớn lao, thì Chúa lại bắt con bị tàn tật và chỉ làm được những việc tốt nho nhỏ.
Con cầu xin được giàu sang để sống một cuộc đời sung sướng, thì Chúa lại bắt con nghèo nàn để học biết thế nào là khôn ngoan.
Con cầu xin có được uy quyền để mọi người phải kính nể, thì Chúa lại cho con sự thấp hèn để con biết cần đến Chúa.
Con cầu xin cho có được tất cả để tận hưởng cuộc đời, thì Chúa lại cho con cả một cuộc đời để được hưởng mọi sự.
Con xin gì cũng chẳng được theo ý con muốn, nhưng những điều con đáng phải mơ ước mà con không hề biết thốt lên lời cầu xin, thì Chúa lại đã ban cho con thật dư đầy từ lâu.
Lạy Chúa, hoá ra con lại là người có phúc hơn hết trên đời này, bởi con đã nhận được ơn phúc Chúa vô vàn.