Người nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây:
Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” (Lc 9,44)
BÀI ĐỌC I (năm I): Dcr 2, 1-5. 10-11a
“Này đây Ta đến và ngự giữa ngươi”.
Trích sách Tiên tri Dacaria.
Tôi đã ngước mắt lên và đã nhìn thấy: Kìa, có người cầm dây đo trong tay. Tôi đã hỏi rằng: “Ông đi đâu?” Người ấy đáp: “Tôi đi đo Giêrusalem, coi nó rộng bao nhiêu và dài bao nhiêu”. Và đây vị thiên thần đang nói chuyện với tôi ra đi, một thiên thần khác đến đón người và nói: “Hãy chạy lại nói với đứa trẻ ấy rằng: Giêrusalem là nơi trú ngụ không có tường thành, vì trong đó có đông dân cư và súc vật. Chúa phán: “Phần Ta, Ta sẽ nên tường thành lửa đỏ chung quanh nó, và Ta sẽ tỏ vinh quang Ta giữa nó”. Chúa lại phán: “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy ca tụng và hân hoan: vì này đây Ta đến ngự giữa ngươi. Trong ngày ấy, sẽ có nhiều dân tộc quy phục Chúa, họ sẽ là dân Ta, và Ta sẽ ngự giữa ngươi”.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Gr 31, 10. 11-12ab. 13
Ðáp: Chúa sẽ gìn giữ chúng ta như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình
Xướng: Hỡi các dân tộc, hãy nghe lời Chúa, hãy công bố lời Chúa trên các đảo xa xăm; hãy nói rằng: Ðấng đã phân tán Israel sẽ quy tụ nó lại, và sẽ giữ nó như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình.
Xướng: Vì Chúa đã giải phóng Giacóp, giờ đây với cánh tay mạnh mẽ hơn, Người cứu thoát nó. Chúng sẽ đến và ca hát trên núi Sion, chúng sẽ đổ xô về phía hạnh phúc của Người.
Xướng: Bấy giờ người trinh nữ sẽ hân hoan nhảy mừng, các thanh niên và các cụ già cũng làm y như thế; Ta sẽ biến đổi tang chế của chúng thành niềm hân hoan, sẽ an ủi chúng và cho chúng hết đau khổ.
Tin mừng: Lc 9, 44b-45 (Hl 43b-45)
43b Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, Người nói với các môn đệ: 44 “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”
45 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Con đường cứu thế là con đường từ bỏ mình, vác thánh giá lên núi sọ. Ai muốn đạt tới vinh quang muôn đời phải can đảm và tin tưởng bước theo Chúa Giêsu trên con đường cứu thế ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, vui sướng ai cũng thích, và khổ đau ai cũng sợ. Thấy vui tìm đến, thấy khổ tháo lui. Con bây giờ cũng thế, mà các tông đồ thuở xưa cũng vậy, lúc Chúa biến hình vinh quang, khi Chúa làm phép lạ diệu kỳ…, các tông đồ phấn khởi tin theo Chúa. Ngược lại, lúc tiên báo cuộc khổ nạn, lòng các Ngài như bị che khuất, chẳng hiểu và cũng không muốn hiểu.
Lạy Chúa, Chúa đến không phải được hầu hạ nhưng là để hầu hạ mọi người. Làm vua theo tinh thần của Chúa không phải là nghênh ngang trên kiệu vàng, mà là chịu khổ đau với thần dân. Điều đó trái với sự chờ đợi của mọi người. Xin cho con được hiểu rằng: theo Chúa là sẵn lòng bước đi trên con đường hẹp đòi hỏi nhiều từ bỏ hy sinh, và đón nhận một thập giá trên vai mình.
Chúa có hứa ban kho tàng trên trời cho kẻ từ bỏ mình vì Chúa. Xin cho con đừng trông chờ sự giàu sang trần thế.
Chúa có hứa ban sức mạnh tâm hồn cho kẻ theo Chúa. Xin cho con đừng thất vọng khi yếu đau sầu khổ.
Chúa có hứa ban vinh quang bất diệt mai sau. Xin cho con đừng ngỡ ngàng khi bị sỉ nhục vì Danh Chúa.
Xin cho con thêm lòng tin cậy mến để con can đảm bước vào con đường hẹp và theo Chúa tới phục sinh vinh quang. Amen.
Ghi nhớ: “Con Người sẽ phải bị nộp. Các ông không đám hỏi Người về lời ấy”.
Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Chúa Giêsu báo tin lần thứ hai Ngài sẽ chịu nạn chịu chết.
- Ngài báo tin này “đang lúc mọi người thán phục” về những phép lạ hiển hách Ngài đã làm.
- Dù đây đã là lần thứ hai Ngài nói về điều này, “nhưng các ông không hiểu”
- Dù không hiểu, nhưng “các ông không dám hỏi”.
B. Suy niệm (... nẩy mầm)
1. Đang lúc các môn đệ phấn khởi về quyền phép Chúa Giêsu thể hiện qua những phép lạ Ngài làm, thì đùng một cái Ngài cho các ông biết là Ngài sẽ bị bắt, bị hành hạ và giết chết. Phải chăng Chúa muốn làm các ông mất hứng ? Không, Chúa muốn dẫn các ông trở lại đúng con đường Ngài và các ông phải đi.
Nhiều khi chúng ta đang phấn khởi vì những niềm vui và những thành công, thì đùng một cái, đau khổ và thất bại ập đến. Cũng không phải là Chúa làm chúng ta mất hứng, mà Ngài đang dẫn chúng ta trở lại đúng con đường của mình. “Ai muốn theo Thầy, hãy vác thập giá mà theo”.
2. ”Nhưng các ông không hiểu” : chúng con cũng chẳng hiểu. Tại sao con phải đau khổ ? Tại sao Chúa để Giáo Hội gặp nhiều khó khăn ? Tại sao kẻ làm lành mà lại bị thiệt thòi ? Tại sao thế này, tại sao thế nọ ? Tuy nhiên chúng con nhớ là Chúa đã bảo phải như thế !
3. ”các ông không dám hỏi” : chúng ta đừng làm như các môn đệ xưa. Khi không hiểu về Thập giá, chúng ta cứ hỏi Chúa. Ngài sẽ trả lời : “Vì Thầy yêu thương chúng con. Thầy muốn chúng con chia sẻ thân phận của Thầy”.
4. Xem chừng như tất cả các vấn đề của con người đều được gắn liền với khổ đau. Vì không muốn chấp nhận khổ đau mà con người gây ra bao tội ác : vì không muốn hy sinh mà một người mẹ đang tâm giết chết đứa con trong lòng mình ; vì không muốn thấy người thân đau khổ mà người ta giết họ chết cách êm dịu, vì không muốn đối đầu với thực tại khổ đau mà người ta tìm quên trong men rượu, ma túy và mọi thứ kích thích khác : hoả ngục là như thế đó. Đau khổ mà không chấp nhận, không có tình yêu thì chỉ là hoả ngục mà thôi (“Mỗi ngày một tin vui”)
5. ”Chúa Giêsu nói với các môn đệ : ‘Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây : Con Người sắp bị nộp vào tay người đời’. Nhưng các ông không hiểu lời đó” (Lc 9,44-45)
Từ khi vợ mất, ông lão dọn đến đây ở với đứa con gái duy nhất, những mong tìm được nguồn an ủi trong những tháng ngày còn lại. Nhưng hình như ông đã già lắm rồi thì phải. Ít ra, thái độ của cô con gái khiến ông cảm thấy như thế
Đã thành lệ, mỗi buổi sáng sau khi nhận được ít tiền từ con gái, ông lại lủi thủi mình. Con gái ông còn bận “ngoại giao” bên hàng xóm hoặc vòng vòng ngắm nghía phố thị. Phần buồn nhớ vợ, phần cô đơn, ông đâm ra nghĩ quẩn. Vài ngày sau khi ông bỏ đi, người con gái nhận được giấy báo lên nhận xác ông, nghe đâu được một người dân chài vớt lên.
Đã bao lần tôi là thế, vô tư với nỗi niềm của người bạn bên cạnh tôi, những Giêsu của ngày hôm nay. Họ cũng đang cần sự cảm thông của tôi như Giêsu ngày xưa tìm kiếm sự đồng cảm nơi các môn đệ.
Lạy Chúa, xin cho con một trái tim đừng chỉ đập những nhịp đập cho riêng mình, nhưng còn biết rung lên những khúc ca vui với niềm vui của người khác, và cũng biết đớn đau trước nỗi đau của bao người quanh con. (Hosanna).
Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Loan báo cuộc thương khó lần thứ hai (Lc 9,43a-45)
Nhận thấy mọi người, trong đó có các môn đệ, kinh ngạc trước việc chữa lành đứa trẻ bị kinh phong mà nguyên nhân bởi quỷ ám. Đức Giêsu, một đàng sợ dân chúng ngộ nhận Ngài là Đấng Cứu Thế theo kiểu trần thế; đàng khác, Ngài muốn nhờ cơ hội này, để giáo huấn các môn đệ ngõ hầu từng bước một họ sẽ hiểu chính xác về công việc cứu thế của Ngài, nên Ngài đã loan báo lần thứ hai về cuộc thương khó: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”.
Các môn đệ đang say sưa và hãnh diện về lời rao giảng và quyền năng của Thầy mình, thì đột ngột Đức Giêsu loan báo về cuộc thương khó sẽ xảy đến cho Ngài làm các ông ngỡ ngàng và không thể hiểu được.
Tại sao Thầy uy quyền, làm được những phép lạ lớn lao như thế thì ai có thể bắt được ?
Tại sao Thầy chí thánh làm những việc thiện và cứu người lại bị nộp ?
Nếu Thầy bị bắt thì sứ mạng Đấng Cứu Thế ở đâu ?
Bởi vì từ lúc chọn theo Đức Giêsu cho đến lúc trước Phục sinh, các môn đệ chỉ nhìn Đức Giêsu với cái nhìn của con người. Họ nghĩ Ngài mang sứ mạng chính trị, dùng quyền lực giải phóng Israel khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, lên ngôi vua Israel. Từ đó các môn đệ cũng được chia phần vương giả. Chính vì thế mà Đức Giêsu dần dần dạy các ông hiểu về con đường cứu độ của Ngài là giải phóng toàn nhân loại khỏi ách nô lệ của ma quỷ, khỏi tội lỗi và sự chết. Con đường cứu độ này chỉ được thực hiện bằng giá máu.
Trong bài Tin mừng hôm nay, khi loan báo cuộc khổ nạn của Ngài, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài hãy đối đầu với đau khổ, nếu đau khổ là thành phần thiết yếu của cuộc sống. Vấn đề không phải là chối bỏ hiện thực của đau khổ hay tìm cách tránh né khổ đau, mà là đối đầu với nó. Đức Giêsu đã vạch ra cho chúng ta cách thế đối đầu với đau khổ, đó là chấp nhận khổ đau với tình yêu. Đau khổ mà không có tình yêu thì chỉ là hỏa ngục mà thôi.
Đức Giêsu đã đón nhận khổ đau, Ngài đã biến khổ đau thành hiến lễ tình yêu, do đó khổ đau đã trở thành nguồn ơn cứu thoát cho nhân loại. Đức Giêsu mời gọi các môn đệ hãy vác lấy thập giá mình mà đi theo Ngài. Mỗi ngày có nỗi khổ riêng của ngày đó, hạnh phúc hay không, bình an hay không, là tuỳ con người có biết đón nhận đau khổ với tình yêu hay không.
“Tôi sẽ không cho phép ai đi qua tâm trí mình với đôi chân dơ bẩn của họ” (M. Gandhi)
Tâm trí con người có một khả năng tuyệt vời là chỉ đón nhận, thông hiểu những gì thích hợp với mình, và loại trừ điều họ không thích. Khả năng ấy của tâm trí giải thích lý do tại sao các môn đệ không hiểu điều Thầy mình tiên báo về cuộc khổ nạn. Tâm trí các ông đầy ắp tham vọng ham muốn quyền lực, mong mình sẽ là người lớn nhất trong nhóm. Còn chỗ đâu để hiểu con đường quên mình, phục vụ của Thầy các ông. Lòng trí các ông chỉ biết một hướng: hướng vinh quang của Thầy trong Vương quốc, thì làm gì còn chỗ để nhận ra“Con người sẽ bị nộp vào tay người đời”(Lc 9,44) (5 phút Lời Chúa).
Ngày hôm nay, chúng ta cũng có thể hành sự như các Tông đồ xưa, chúng ta không thể hiểu được mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô trong đời sống của chúng ta, không hiểu được mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời của Chúa cũng như trong cuộc đời của chính mình. Không hiểu, chúng ta ngại không dám tiến tới, không dám tiếp tục con đường theo Chúa, ngại ngùng trước việc tìm hiểu biết Chúa, ngại ngùng lên tiếng xin Chúa trợ giúp cho ta hiểu biết Ngài trong việc cầu nguyện và tiếp xúc với Lời Chúa và đến với Chúa trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy khiêm tốn và tin tưởng đến với Chúa và xin Ngài mạc khải cho chúng ta được hiểu về Ngài mỗi ngày một sâu rộng hơn (R.Veritas).
Truyện: Biến đau khổ thành niềm vui
Một phụ nữ được các bác sĩ cho biết là chị đang mắc cơn bệnh bất trị. Chị cảm thấy như có một ngọn lửa bừng lên trong lòng và muốn nói với Chúa rằng chị muốn bỏ Ngài. Thế là giữa đêm khuya, chị bỏ nhà thương, đi thẳng đến nhà nguyện để gặp Chúa, trước cung thánh chị thốt lên:
- Ôi, ông Chúa, ông đã phỉnh phờ lừa dối tôi. Đã hơn 2000 năm qua, ông tự nhận mình là tình yêu, nhưng mỗi lần có ai được hạnh phúc một chút, là ông lập tức lại cho họ trắng tay. Tôi muốn nói cho ông biết là tôi chán ông lắm rồi, giữa tôi và ông không còn mối liên hệ gì nữa.
Người phụ nữ chỉ nói được thế rồi ngã quỵ, không còn đủ sức đứng dậy nữa. Nhưng trong ánh sáng mờ ảo của cung thánh, chị bỗng nhận ra một hàng chữ thêu trong tấm thảm trước mắt chị: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”.
Vừa nhìn thấy thế, cơn giận trong chị bỗng tan biến. Chị gục đầu vào đôi tay. Từ trong thinh lặng u tối của nhà nguyện, và từ trong sâu thẳm của cõi lòng, người phụ nữ ấy như nghe thấy có tiếng nói với chị như sau:
- Con biết không, tất cả chỉ là lời mời gọi để hướng đời con về với Ta. Con chưa bao giờ làm như thế. Các bác sĩ đã làm hết sức mình để chữa trị cho con, nhưng chỉ một mình Ta mới có thể cho con được sức mạnh.
Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Một tờ báo Ý đã tiết lộ một tin quan trọng về Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Tờ báo cho biết, khi Đức Giáo hoàng còn là sinh viên du học tại Rôma, một hôm đã cùng với các bạn đi thăm cha đáng kính Piô, vị linh mục được Chúa in năm dấu thánh.
Vừa gặp, cha Piô ôm chầm lấy ngài và nói rằng một ngày kia cha sẽ làm Giáo hoàng và sẽ chịu đau khổ, máu sẽ chảy. Wojtyla trả lời: “Điều ấy tôi không sợ vì tôi sẽ không bao giờ làm Giáo hoàng”.
Nhưng thánh ý Chúa nhiệm mầu! Wojtyla đã làm Giáo hoàng và máu đã chảy trong cuộc mưu sát ngày 13/10/1981 tại công trường thánh Phêrô. Gioan Phaolô là vị Giáo hoàng thứ 264, từ ngày vị Giáo hoàng tiên khởi là thánh Phêrô được Chúa trao quyền tối thượng (Theo Lm. Hồng Phúc, Suy niệm lời Chúa, năm A, tr. 128).
Suy niệm
Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô”, một “Đấng Kitô vinh hiển”, Đấng đến giải thoát dân tộc Do Thái khỏi ách đô hộ của người Rôma và làm cho nước Do Thái được hùng cường. Các môn đệ vẫn một mực bám vào quan niệm sai lầm về Đấng Kitô đến thiết lập một vương quốc trần gian hùng cường. Cho nên, các ông vẫn tiếp tục mong chờ một: “biến cố vẻ vang” chứng tỏ quyền năng của Đấng Mêssia. Một vương quyền, quyền uy chiến thắng sắp đến với Đấng Kitô.
Thật thế, ông và các bạn vẫn chưa hiểu hết về một Đấng Kitô như Đức Giêsu loan báo “Đấng Kitô đau khổ” mà Chúa Giêsu nhấn mạnh về Đức Kitô khổ nạn và truyền cho các môn đệ phải luôn ghi tâm khắc cốt: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời”.
Ngài chấp nhận chết để tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ, đó là hy sinh vô bờ bến để cứu chuộc nhân loại: “Không có tình yêu nào cao cả bằng tình yêu của người hiến dâng mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13). Chính vì thế, Đấng Kitô sẽ hy sinh trên thập tự đã làm cho cuộc sống con người có ý nghĩa và được cứu độ.
Xin cho chúng ta luôn tin vào Chúa để được cứu độ. Và hiểu rằng vì tội lỗi nhân loại, mà Chúa Kitô đã chịu khổ hình, bị đóng đinh...
Ý lực sống
“Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia” (Tv 90,1).