Ngày 09/07: Thánh Augustinô Zhao Rong và các bạn tử đạo

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

Ngày 09/07: Thánh Augustinô Zhao Rong và các bạn tử đạo

Ngày 09/07: Thánh Augustinô Zhao Rong và các bạn tử đạo

Ngày 9 tháng 7
THÁNH AUGUSTINÔ ZHAO RONG VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO

I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

Ngày hôm nay, Giáo Hội cử hành thánh lễ tôn kính các vị tử đạo Trung Hoa. Các ngài là những người đã nêu gương anh dũng trong đời sống đức tin Kitô giáo dọc theo lịch sử của đất nước này. Thánh Augustinô Triệu Vinh (趙榮 Zhao Rong) đã anh dũng tử đạo để minh chứng đức tin, là một trong số 120 tín hữu Công giáo đã hy sinh suốt từ năm 1648 đến năm 1930.

Tháng 4 năm 1785, Đức Cha Jean-Gabriel Taurin Dufresse (1750-1815), thuộc hội Thừa Sai Paris và là Giám Quản Tông Tòa giáo phận Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, bị bắt và bị giải về Bắc Kinh, vì tội dám rao giảng Kitô Giáo trên vương quốc Trung Hoa.

Trên đường đi, Đức Cha được một nhóm binh sĩ hộ tống. Trong nhóm binh sĩ có một người ngoại giáo tên là Triệu Vinh. Thái độ điềm tĩnh và hiền từ, khiêm tốn của vị Giám Mục thừa sai ngoại quốc đánh đã động sâu xa tấm lòng thành kính của chàng trai Triệu Vinh này.

Sau cuộc hành trình đó, chàng Triệu Vinh xin giải ngũ và bắt đầu tìm hiểu học hỏi về Kitô Giáo, một tôn giáo mà theo chàng, có thể trao ban cho con người sức mạnh vô song, thực thi nhân đức anh hùng.

Sau khi được rửa tội với tên thánh Augustino, Triệu Vinh đã không muốn mình chỉ là một giáo dân. Chàng tiến một bước xa hơn. Augustino xin gia nhập chủng viện và sau đó được thụ phong Linh mục.

Cha Augustino Triệu Vinh được chỉ định coi sóc giáo xứ Quảng Nguyên cũng thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Cha nhiệt thành rao giảng Lời Chúa, ban các Bí Tích và đưa rất nhiều người ngoại giáo theo Kitô Giáo.

Cha có chương trình mục vụ rất đặc biệt. Cha lần lượt đi từ làng này sang làng khác. Cứ mỗi lần đến một làng, Cha dành ra ba ngày đầu để giải thích Lề Luật Chúa, nói về 7 mối tội đầu, về các ân xá và về các bí tích. Cha đặc biệt nói về cuộc Khổ Nạn của Đức Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Rỗi nhân loại. Sau cùng, Cha Augustino Triệu Vinh ban bí tích rửa tội cho các tân tòng và cử hành Thánh Lễ cho tất cả các tín hữu Công Giáo.

Vào cuối năm 1814, Cha Augustino Vinh có linh cảm mình sẽ được đổ máu đào để làm chứng cho Đạo Công Giáo. Cha nói với Cha Benedetto Dương:

– Giờ tôi đã già lại bệnh tật nên có lẽ tôi không trốn thoát khỏi cuộc lùng bắt của các binh lính. Xin Cha cầu nguyện nhiều cho tôi. Xin Thiên Chúa cho tôi ơn can đảm chịu đau khổ, để làm vinh danh Ngài.

Đầu năm 1815, Cha Augustino Triệu Vinh ngã bệnh nặng. Tuy thế, Cha vẫn tiếp tục chu toàn nhiệm vụ chủ chăn. Một ngày kia, có người đến mời Cha đi kẻ liệt. Dẫu đang ốm liệt giường, Cha vẫn nhận lời, nhờ người cáng Cha đến nhà người hấp hối. Sau khi ban các bí tích sau hết, và bệnh nhân êm ái trút hơi thở cuối cùng, Cha lại lên cáng ra về.

Giữa đường, Cha gặp nhóm lính đi tuần. Người dẫn đầu tỏ dấu nghi ngờ. Ông ra lệnh chặn cáng Cha lại và hỏi:

– Ông có phải tín hữu Công Giáo không?

Cha Augustino Triệu Vinh điềm tĩnh trả lời:

– Phải, tôi là Linh Mục Công Giáo!

Lời thú nhận quá tốt và quá đủ để bọn lính ập tới, lôi Cha xuống cáng và còng tay Cha lại . Cha bị giải về Thành Đô. Tại đây, Cha bị đánh đập tàn nhẫn. Bọn lính tìm đủ mọi cực hình để làm cho Cha nản lòng và bỏ Đạo. Nhưng Cha già Vinh vẫn kiên vững như đá. Bọn lính tức giận hét lớn:

– Sao Chúa của ông không xuống đây để bảo vệ ông?

Cha hiền từ trả lời:

– Thiên Chúa che chở linh hồn tôi, ban cho tôi đủ sức mạnh hầu tôi có thể chịu khổ vì Ngài. Các ông là kẻ phàm tục và điên rồ, các ông không thể nào hiểu niềm an bình và hạnh phúc mà Thiên Chúa tuôn đổ vào tâm lòng con người đâu!

Nghe Cha Augustino Triệu Vinh nói thế, bọn lính càng hăng máu dữ tợn hơn. Chúng giáng xuống thân xác đau yếu và già cả của Cha những trận đòn khủng khiếp. Cha yên lặng chịu đựng, không hé môi nói nửa lời than trách. Đánh chán rồi, bọn lính lại lôi Cha về phòng giam và bỏ Cha nằm đó, thập tử nhất sinh.

Dĩ nhiên Cha già Augustino Triệu Vinh không sống được lâu với trận đòn dữ tợn như thế. Ngày 27 tháng Giêng năm 1815, Cha êm ái trút hơi thở cuối cùng trong phòng giam, hưởng thọ 73 tuổi, trước khi chính thức nhận bản án tử hình do nhà vua châu phê.

Ngày 27 tháng 5 năm 1900, Cha Augustino Triệu Vinh được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII tuyên chân phúc cùng với Đức Cha Jean-Gabriel Taurin Dufresse và 8 vị tuẫn đạo Trung Hoa khác.

Chúa Nhật 1-10-2000, trong khung cảnh Đại Năm Thánh 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên 120 vị Tuẫn Đạo Trung Hoa vào sổ bộ các Hiển Thánh, đứng đầu danh sách là Cha Augustino Triệu Vinh. Danh sách các vị anh hùng này bao gồm 76 giáo dân, một số em thiếu nhi thậm chí mới bảy tuổi, 8 chủng sinh, 24 linh mục và 6 giám mục. Trong số này, có 88 vị là người gốc Trung Hoa và 34 vị là các nhà truyền giáo đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng các vị đã nhận Trung Hoa là quê hương của mình.

 Chúng ta hãy noi gương thánh Augustinô Zhao Rong và các bạn tử đạo Trung Hoa. Như các ngài, chúng ta hãy sống niềm tin của mình cách vui tươi. Chúng ta hãy can đảm sống cho sự thật dù đôi lúc đó không phải là điều dễ thực hiện.

Tài liệu của nhà thờ thánh Phanxicô Xaviê (Chợ Lớn)

II. BÀI HỌC

Có nhiều tài liệu viết về thánh Augustinô Triêu Vinh (Zhao Rong) nhưng có lẽ tài liệu do nhà thờ thánh Phanxico Xavie (Chợ Lớn) là tài liệu đầy đủ và hay nhất. Qua tài liệu này một lần nữa chúng ta thấy sự can đảm đến mức độ anh hùng của các vị tử đạo ngày xưa đã can đảm đem Đạo của Chúa đến cho mọi người muốn nhận biết Chúa ở đất nước Trung Hoa xa xôi.

Nếu Karl Marx trước đây đã gọi Abraham Lincoln, tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ là “Người anh hùng của thế giới” vỉ ông đã can đảm vượt qua mọi khó khăn trên con đường theo đuổi sự nghiệp chính trị, thì chúng ta cũng phải ca tụng như thế đối với các anh hùng tử đạo Trung Hoa hôm nay khi các ngài dám chấp nhận mọi hy sinh để mở đầu cho một công trình muôn vàn khó khăn sau này, nhờ đó mà ơn Cứu độ của Thiên Chúa được đến với những người ở một miền đất xa xôi bên trời Đông này.

Ngày lễ Chúa Kitô Vua 28-10-1926, một sự kiện vô cùng quan trọng đã xảy ra: Đức Piô XI chủ sự phong chức cho 6 giám mục Trung quốc đầu tiên tại Đền thờ thánh Phêrô, trong số đó hầu hết đều nằm trong danh sách do cha Lebbe một nhà truyền giáo người Bỉ đề nghị. Lúc ấy, tại một góc đền thờ, người ta thấy ngài quỳ gối âm thầm cảm tạ Chúa, vì đã cho ngài được chứng kiến tận mắt điều ngài mong ước bấy lâu. Sau thánh lễ, Đức Piô XI tiếp các tân Giám mục Trung quốc tại phòng khách, ngài tặng mỗi vị một chiếc đồng hồ quả lắc và truyền các ngài trước khi về nước, hãy đi khắp Âu châu để cho mọi người thấy được hàng Giám mục bản xứ. Thế rồi, tiếp theo sau các Giám mục Trung quốc, ngày 30-10-1928, Đức Piô XI cũng tự tay phong chức cho vị Giám mục Nhật Bản tiên khởi địa phận Nagasaki, rồi các giám mục ấn Độ, Inđônêsia... Ngày 11-6-1933, cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng cũng được chính tay Đức Piô XI tấn phong làm Giám mục Việt Nam tiên khởi.

Sau những tháng năm dấn thân phục vụ cho công cuộc truyền giáo, cha Vincent Lebbe đã nằm xuống (1940). Dân tộc Trung quốc coi ngài như một anh hùng quốc gia. Hội Thánh coi ngài như người tiên phong của những công cuộc truyền giáo hiện đại. Thân xác ngài được chôn vùi ngay tại lòng đất Trung quốc, để lại tấm gương sáng cho Kitô hữu thuộc đủ mọi thời.

Tag:

2021-07-09

Lời Chúa Hôm Nay
Đọc Kinh Tối
Lịch Công Giáo