Ngày 9 tháng 9
THÁNH PHÊRÔ CLAVER
I. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ
Thánh Phêrô Claver được mệnh danh là “Người nô lệ của các nô lệ”, 40 năm sống với người nô lệ, giảng giáo lý, thăm viếng, bênh vực khi họ bị đối xử bất công.
Là người gốc Tây Ban Nha, Phêrô Claver – một người trẻ thuộc dòng Tên – đã từ bỏ quê nhà vĩnh viễn vào năm 1610, để trở nên nhà truyền giáo ở Tân Thế Giới. Ngài đi thuyền đến Cartagena (bây giờ thuộc Colombia), là một hải cảng sầm uất ở bờ biển Caribbean. Ngài thụ phong linh mục ở đây vào năm 1615.
Vào lúc đó, việc buôn bán nô lệ đã được thịnh hành ở Mỹ Châu khoảng 100 năm, và Cartagena là trung tâm. Hàng năm, có đến mười ngàn người nô lệ từ Tây Phi Châu đổ về hải cảng này, sau khi vượt biển Atlantic trong những điều kiện tệ hại và bất nhân, đến nỗi có đến một phần ba đã chết trong cuộc hành trình. Mặc dù việc buôn bán nô lệ bị Ðức Giáo Hoàng Phaolô III lên án, và sau này Ðức Piô IX gọi là “hành động vô cùng ghê tởm”, nhưng nó vẫn phát đạt.
Cha Alfonso de Sandoval, là một linh mục dòng Tên, đã hy sinh cuộc đời để phục vụ người nô lệ ở đây, trước khi Cha Phêrô Claver đến để tiếp tục công việc của ngài, và cha tự nhận mình là “người nô lệ muôn đời của người da đen”.
Ngay sau khi thuyền chở người nô lệ cập bến, Cha Phêrô Claver đi xuống khoang thuyền hôi hám để giúp đỡ những người đau yếu và những hành khách khốn cùng. Sau khi người nô lệ bị lùa ra khỏi tàu và bị xích với nhau như đàn vật trong một khu đất có hàng rào để người ta chọn lựa, Cha Claver lại lẩn quẩn trong bọn họ để cung cấp thuốc men, thực phẩm, rượu, chanh và thuốc lá. Với sự giúp đỡ của thông dịch viên, ngài nói về giáo lý căn bản và đảm bảo các anh chị em của ngài về nhân phẩm và tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Trong 40 năm phục vụ, Cha Claver đã giảng dạy và rửa tội cho khoảng 300.000 người nô lệ.
Sứ vụ tông đồ của ngài không chỉ hạn hẹp trong việc săn sóc người nô lệ, ngài trở nên một người có uy quyền về luân lý; quả thật, ngài là tông đồ của Cartagena. Ngài rao giảng trong trung tâm thành phố, truyền giáo cho các thủy thủ và thương gia, và khi có thể, ngài cố tránh né lòng quý mến của các nông gia và chủ nhân mà chỉ muốn sống trong các khu dành riêng cho người nô lệ.
Sau bốn năm bị bệnh khiến thánh nhân ngừng hoạt động và hầu như bị lãng quên, ngài từ trần vào ngày 08.9.1654. Ông toà của thành phố, trước đây rất khó chịu vì sự quan tâm của ngài đối với người da đen thấp hèn, đã ra lệnh chôn cất ngài với công quỹ và với nghi thức long trọng.
Ngài được phong Thánh năm 1888, và Ðức Giáo Hoàng Leo XIII tuyên xưng ngài là quan thầy công việc truyền giáo cho người nô lệ da đen ở khắp nơi trên thế giới.(Internet)
II. BÀI HỌC
Đọc lại cuộc đời của cha Phêrô Clavier, tôi cảm thấy xúc động và cảm phục. Cảm phục trước một con người được quyền năng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần biến đổi để trở nên anh hùng phi thường khi dâng hiến cuộc đời của mình cho việc phục vụ những con người đau khổ xấu số nhất trong xã hội loài người.
Phêrô Claver đã khám phá thấy một vấn đề lớn lao và rất nghiêm trọng rồi ngài đã tìm ra một lối giải quyết theo cách thức của Mẹ Têrexa khi biến mình trở thành nô lệ hơn cả những người nô lệ để trả lại cho họ phẩm giá của con người.
Sau khi thụ phong linh mục,ngài đã khấn lần cuối VỚI LỜI KHẤN PHỤ: SUỐT ĐỜI LÀM NÔ LỆ CHO NGƯỜI DA ĐEN. Lúc ấy Phêrô Claver đã 36 tuổi. Ngài sẽ sống thân phận nô lệ của những người nô lệ. "Ngài đã ở đó, hôm qua, để tiếp rước họ. Ngài đang ở đó, hôm nay, để tiếp nhận họ. Ngài sẽ ở đó, ngày mai, để chào đón họ, và ngày mốt nữa, suốt mọi ngày trong 40 năm trường", như vị tu huynh An-phong Rodriguez, người gác cổng ở học viện Montesion 40 năm dài vậy.
Thánh Phêrô Claver đã từng nói: “Chúng ta phải nói với họ bằng đôi tay trước khi nói với họ bằng miệng lưỡi của chúng ta”.
Nói bằng đôi tay! Đó là cách nói của trái tim, cách nói của tình yêu thương. Chúa Giêsu của chúng ta xưa kia đã làm như thế trong suốt những ngày rao giảng Tin Mừng của Người.
Chúng ta hãy tập nói bằng đôi tay thật nhiều để xoa dịu những nỗi đau của anh chị em chúng ta.
Phòng cấp cứu chuyển ông xuống khoa tim mạch. Tóc dài, râu tua tủa, dơ bẩn và béo ị một cách bệnh tật. Ông khoác hờ hững một chiếc áo jacket bằng da cáu bẩn và rách tươm. Toàn thân ông bốc mùi nồng nặc của rượu, của mồ hôi đã lâu không tắm giặt, và nhất là cái mùi của những bãi rác mà ông thường lê la ở đó.
Thoạt nhìn thấy ông được đẩy vào phòng, những nữ y tá đã giật mình và bối rối nhìn nhau. Họ như muốn nói với nhau:
- Đừng, tôi không muốn chăm sóc người này.
Dường như những y tá đang nói với nhau bằng ánh mắt. Họ lấm lét nhìn Bonhie, người y tá trưởng vốn nổi tiếng nghiêm khắc và nguyên tắc. Ai cũng sợ bị phân công tắm rửa cho người đàn ông mới được chuyển vào. Bonnie nhìn quanh một lượt rồi quyết định một điều mà không ai có thể nghĩ đến:
- Đây sẽ là bệnh nhân của tôi.
Bonnie nhanh nhẹn mang găng tay cao su và một mình chuẩn bị xà phòng, thuốc sát trùng, dao cạo . ..
Dịu dàng và dè dặt, Bonnie vừa tẩy rửa vừa giúp người đàn ông không còn cảm thấy sợ sệt nữa. Cô nhẹ nhàng nói:
- Vào những ngày lễ chúng tôi rất bận bịu. Nhiều khi việc vệ sinh cho các bệnh nhân cũng được làm một cách qua loa. Ông hãy thư giãn cơ thể và cảm nhận làn nước mát này. Nó sẽ làm ông cảm thấy dễ chịu vì bệnh viện là nơi làm cho người ta thấy yêu cuộc sống hơn.
Thân thể người đàn ông, đầy những vết sẹo nham nhở. Có thể ông đã nghiện rượu, ma tuý, đã từng tham gia trong các băng đảng, . . . Bonnie vừa chùi rửa vừa cầu nguyện cho một linh hồn bị vùi dập trong cuộc đời khắc nghiệt này.
Công đoạn cuối cùng của Bonnie là xoa sữa làm ấm cơ thể và thoa phấn trẻ em lên người bệnh nhân. Ngược với vóc dáng dữ tợn, khi úp mặt vào gối để được xoa bóp ở lưng, người đàn ông tấm tức khóc, nước mắt mặn chát tự nhiên cứ trào ra qua hai làn mi. Khi quay lại, đột nhiên ông ta nhìn Bonnie với một ánh mắt xanh lơ đẹp kỳ dị:
- Cám ơn cô. Đã lâu lắm rồi không có ai chạm vào người tôi một cách dịu dàng thế này! Dường như trái tim tôi cũng đang liền sẹo!.
Ôi linh thánh biết bao tiếng nói của đôi bàn tay! Amen.