Ngày 25/05: Thánh Bêđa Khả Kính, Linh mục - Tiến Sĩ Hội Thánh

Lời Chúa Là Ngọn Đèn Soi Con Bước

"Là Ánh Sáng Chỉ Đường Con Đi"

Ngày 25/05: Thánh Bêđa Khả Kính, Linh mục - Tiến Sĩ Hội Thánh

Ngày 25/05: Thánh Bêđa Khả Kính, Linh mục - Tiến Sĩ Hội Thánh

Ngày 25 tháng 5
Thánh Bêđa Khả Kính, linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh

 

I. CUỘC ĐỜI CỦA THÁNH BÊĐA

Thánh nhân sinh năm 673 hay là 674. Tên Bêđa theo từ ngữ Saxon có nghĩa là cầu nguyện. Cuộc sống của Ngài rất gương mẫu nên người ta thêm vào cho Ngài biệt danh Vênêrabilê có nghĩa là khả kính. Lên bảy tuổi Ngài bị mồ côi cha mẹ và được giao phó cho tu viện trưởng Bênêdictô Biscop săn sóc giáo dục. Lúc 18 tuổi Ngài được thụ phong chức phó tế và năm 702 hay 703 tức là lúc 29 tuổi Ngài được thụ phong linh mục.

Cuộc sống của Ngài trong tu viện rất cực nhọc. Chúng ta có thể tóm lược cuộc sống ấy bằng chính lời Ngài: – “Tôi đã sống trọn đời nỗ lực học hỏi kinh thánh và trong khi tuân thủ luật dòng cũng như bổn phận hàng ngày và hát thánh ca tại Nhà thờ, tôi sung sướng được học hành, dạy dỗ và viết lách”.

Đây quả là tổng hợp chính xác trọn cuộc sống của thánh Bêđa, Ngài rất ít rời bỏ nhà dòng. Chúng ta chỉ nghe biết có hai chuyện du hành của Ngài. Một lần Ngài đi thu tập tài liệu về đời thánh Cuthbert, Ngài ở lại Lindisfanne và từ đó đến viếng Farne Islanol để khảo sát những di tích trong căn phòng của vị thánh. Một lần khác, Ngài đến York để thăm Đức tổng Giám mục Egbert, và để quan sát các trường học nổi tiếng ở đó.

Dạy học, thánh Bêđa tỏ ra là một bậc thầy lỗi lạc. Ngài không quan tâm suy tư và ao ước được nổi bật. Tài năng của Ngài là cố gắng không cùng để tự đào luyện mình rồi truyền thông không phải chỉ có những gì mình đã học mà còn cả cảm thức về giá trị của điều đã được hiểu biết, đặt tầm quan trọng của việc giảng dạy. Tuy nhiên chúng ta không thể nói nhiều về điểm này. Các sách đủ loại Ngài viết đều là kiểu mẫu trong việc trưng dẫn các tài liệu. Chính cách trình bày cẩn thận và điều độ và gắng để được chính xác và đúng đắn làm cho các sách ấy có thế giá. Các tác phẩm của thánh Bêđa có thể xếp thành ba loại. Các bút tích về thần học của Ngài chính yếu gồm những phần dẫn giải thánh kinh của một thầy dạy phần lớn dựa trên các sách giáo phụ Tây phương. Dầu thiếu sự độc sáng trong cách trình bày, nhưng những dẫn giải của thánh Bêđa ngày nay còn là phương tiện tốt đẹp nhất để hiểu về các giáo phụ.

Các tác phẩm về khoa học của Ngài một phần là những giải thích cổ truyền về các hiện tượng tự nhiên, một phần bàn về niên lịch và cách tính của Đông phương. Cách tính niên lịch của Ngài kể từ thời Chúa Giêsu Giáng sinh đã được Kitô giáo Tây phương chấp nhận rộng rãi hơn cả.

Các tác phẩm về lịch sử của thánh nhân có lẽ ngày nay được nhớ tới nhiều hơn hết. Cuốn “Lịch sử Giáo hội của dân Anh” là một trong những tác phẩm quan trọng nhất về lịch sử về thời đầu Trung cổ. Ngài đã viết cách khách quan và phê phán cách quân bình, dựa trên những tài liệu và nhân chứng đáng tin cậy, Ngài cũng viết một tiểu sử về các tu viện ở Wearmonth và thơ văn về cuộc đời thánh Cuthbert.

Kể từ năm 679, Ngài ở hai tu viện Wearmonth và Jarrow, chăm chú thi hành bổn phận thuộc đời sống tu trì và vẫn không ngừng viết lách và dạy học. Lời kinh ở cuối cuốn “Lịch sử Giáo hội” trình bày lý tưởng của Ngài: – “Lạy Chúa Giêsu nhân từ, con khẩn cầu Chúa, khi đã cho con được vui hưởng những lời khôn ngoan của Chúa thì xin Chúa cho con một ngày kia được đến gần bên thánh nhan Chúa”.

Đương thời, không ai nghi ngờ sự thánh thiện của thánh nhân, nhưng Ngài đã không làm một phép lạ, không được một thị kiến và không mở ra một đường lối tu đức mới mẻ nào. Mùa hè năm 735 vào tuổi 63, sức khỏe suy giảm, Ngài còn bị đau khổ bị bệnh suyễn. Dầu vậy, Ngài vẫn làm việc đến giây phút cuối cùng, đọc cho thầy thơ ký hoàn tất cuốn sách Chú giải Phúc âm thánh Gioan và 48 giờ cuối cùng trên giường bệnh. Đúng ngày lễ Thăng thiên 27 tháng 5 năm 735, thánh Beda từ trần.( Theo Internet)

 

II. SỰ NGHIỆP

Đây là một đan sĩ thánh thiện, một học giả uyên bác thời kỳ đầu Trung cổ. Ngài say mê nghiên cứu Kinh Thánh và tổng hợp các giai đoạn lịch sử. Ngài được xem là “bậc thầy của các nhà sử học Anh Quốc.” Đức Bênêđictô XVI dành buổi tiếp kiến chung ngày 18 tháng 02 năm 2009 để giới thiệu những giáo huấn nổi bật nhất của thánh Bêđa.

Xin được trích thêm những điểm nổi bật.

Đức Thánh cha nói: "Hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu cuộc đời và giáo huấn của thánh Bêđa Khả Kính. Thánh nhân chào đời ở vùng Northumbria, Đông Bắc Anh quốc, khoảng năm 672 (673). Chính thánh nhân kể lại cuộc đời của ngài như sau: khi được bảy tuổi, thì cha mẹ trao gởi cho vị viện phụ của một đan viện Biển Đức gần đó, để được dạy dỗ, giáo dục và “từ đó về sau cứ sống trong đan viện.” Thánh nhân hồi tưởng lại: “Tôi đã dấn thân hết mình cho việc học hỏi, nghiên cứu Kinh Thánh; trong khi tuân giữ kỷ luật đan viện và đảm trách việc xướng hát mỗi ngày trong nguyện đường, tôi vẫn luôn ham thích học hành, giảng dạy và viết lách.”

Thật vậy, thánh Bêđa đã trở thành một trong những học giả uyên bác nhất thời kỳ đầu Trung Cổ, vì ngài có cơ hội tiếp cận và sử dụng rất nhiều bản chép tay quý giá, do các vị viện phụ mang về sau những chuyến đi đại lục và Rôma. Việc giảng dạy, cộng với tiếng tăm của các bài viết là những điều kiện thuận lợi để Bêđa kết liên bạn hữu với nhiều nhân vật quan trọng trong thời đại của ngài. Họ khích lệ thánh nhân kiên trì làm việc, nhờ thế, nhiều người sẽ hưởng lợi. Khi Bêđa ngã bệnh, ngài vẫn không ngừng làm việc, luôn giữ được niềm hoan lạc nội tâm, thể hiện qua những lời cầu nguyện và bài hát. Ngài khép lại tác phẩm quan trọng nhất của mình “Historia Ecclesiastica gentis Anglorum” với một lời khẩn nguyện tha thiết như sau: “Lạy Chúa Giêsu Nhân Từ, những ai Chúa đã cho hưởng nếm lời chân lý mang lại sự hiểu biết về Chúa, thì, vì lòng nhân hậu vô biên, xin cũng cho họ một ngày kia được đến bên Chúa, là nguồn mạch mọi sự Khôn Ngoan, và được diện kiến Thánh Nhan Ngài mãi mãi”. Thánh Bêđa qua đời ngày 26 tháng 05 năm 737, đó là ngày lễ Chúa Thăng Thiên.

Kinh Thánh chính là nguồn mạch chính yếu cho những suy tư thần học của thánh Bêđa. Ngài nghiên cứu, phê bình bản văn (có một bản sao của quyển Vulgata chép tay rất lớn mà thánh nhân đã làm việc trên đó, vẫn còn để lại cho chúng ta hôm nay) rồi chú giải Kinh Thánh, diễn giải lời Kinh Thánh dựa trên nền tảng Kitô học, liên kết hai điểm sau đây:

- (1) thánh nhân cố gắng tìm hiểu, lắng nghe, để xem chính xác bản văn muốn nói điều gì. Ngài luôn cố gắng học và hiểu chính bản văn.

- (2) thánh nhân cho rằng chìa khoá để hiểu Kinh Thánh là hãy xem Kinh Thánh như lời duy nhất của Thiên Chúa, là chính Đức Kitô.

Chúng ta hãy cầu nguyện, để ngày nay, có nhiều nhân vật lẫy lừng như hình tượng thánh Bêđa, giúp cho toàn thể châu lục này được hiệp nhất với nhau. Hãy cầu nguyện để chính chúng ta biết sẵn sàng tái khám phá những cội rễ chung, ngõ hầu có thể trở thành những người xây dựng một châu Âu vừa rất nhân văn vừa đậm chất Kitô giáo.

Tag:

2021-05-25

Lời Chúa Hôm Nay
Đọc Kinh Tối
Lịch Công Giáo